Nguồn gốc loài người và thuyết tiến

Nguồn gốc loài người và thuyết tiến hóa
VietCatholic News (Thứ Ba 27/05/2008 18:13)


Phỏng vấn giáo sư Yves Coppens, chuyên viên cổ nhân chủng học về nguồn gốc loài người và thuyết tiến hóa

Hồi năm 1974 các nhà khảo cổ và nhân chủng học đã khám phá ra các xương của một phụ nữ tại miền nam Etiopia và đặt tên cho bà là Lucia.

Trong số các chuyên viên cổ nhân chủng học thuộc nhóm khám phá hồi đó có giáo sư Yves Coppens. Bà Lucia được xếp loại là ”Australopitecus afarensis”, sống cách đây 3 triệu năm. Cho tới thời đó đây đã là vết tích cổ xưa nhất của con người trên Trái Đất.

20 năm sau cũng trong vùng này, người ta tìm thấy bộ xương của một người đàn ông đầy đủ hơn bộ xương của bà Lucia, và các nhà khảo cổ và nhân chủng học gọi là ”Chồng bà Lucia”. Người đàn ông này sống cách đây khoảng 3,5 triệu năm.

Mùa hè năm 2003 người ta còn tìm thấy các xương người cổ xưa hơn nữa tại nước Ciad bên Phi châu, sống cách đây khoảng 5-7 triệu năm. Cho tới nay đây đã là các mẫu người cổ xưa nhất mà khoa học biết được.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhân định của giáo sư Yves Coppens, chuyên viên cổ nhân chủng học (paleoantropologia) về nguồn gốc loài người và thuyết tiến hóa.

Giáo sư Coppens hiện là một trong những nhà cổ nhân chủng học quan trọng nhất thế giới. Bài phỏng vấn được ông Carlo Dignola thực hiện cho số mới của nguyệt san ”Sự sống và tư tưởng” của Dại Học Công Giáo Milano, xuất bản năm hai lần. Giáo sư Coppens dậy môn cổ nhân chủng học và tiền sử tại Collège de France và khoa nhân chủng học tại Viện bảo tàng quốc gia Lịch sử thiên nhiên Pháp. Giáo sư là thành viên của Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp.

Trong các năm làm việc bên Etiopia giáo sư đã đưa ra ánh sáng 7 người tiền sử trong đó có bà Lucia năm 1974, và năm 2000 một mẫu người khác là ”Australopitecuc Orrorin tugenensis”, là móc xích định đoạt của dây xích nhân chủng này. Giáo sư Coppens thiết định rằng con người có nguồn gốc cổ xưa hơn điều người ta tưởng nghĩ rất nhiều và đã có lịch sử dài 3, 4 triệu năm. Nó đã biến mất khỏi rừng tranh Phi châu nhiệt đới, vì khí hậu thay đổi và trở thành khó sống, chứ không phải bên Trung Hoa như có người giả thuyết. Từ đó nó di cư đi khắp mọi nơi, nhưng bắt nguồn từ một giống duy nhất. Ngoài ra con người không phát xuất từ ”khỉ” như nhiều người vẫn còn tin ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư Coppens, giáo sư khước từ viễn tượng ”Chương trình thông minh” cho rằng có một bàn tay vô hình hướng dẫn việc tiến hóa. Nhưng đồng thời giáo sư cũng giả thuyết rằng sự lựa chọn tự nhiên dấu ẩn một cơ cấu mà chúng ta không biết được. Giáo sư nghĩ tới điều gì vậy? Một ”con đường thứ ba” hay sao?

Đáp: Vâng, một cái gì tương tự như thế. Tôi đã làm việc bên Etiopia, nhất là tại miền nam Etiopia, nơi chúng tôi đã tìm thấy bộ xương của bà Lucia, giáp giới với hai nước Sudan và Kenya. Giữa các năm 1967 và 1976 năm nào tôi cũng sống nhiều tháng tại vùng này, và trong các cuộc tìm kiếm tôi đã đứng trước một loạt các lớp di tích khảo cổ tuyệt vời cách đây từ hơn 3 triệu năm cho tới 1 triệu năm. Trong các vùng đất này tôi đã thấy khí hậu ẩm ướt ngày càng trở thành khô ráo và tôi quan sát một vài thú vật bị tuyệt nòi: điều này chứng minh cho thấy một cách hiển nhiên là hệ thống thích ứng của chúng đã không hoạt động. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều thú vật di cư đi nơi khác tìm đất sống; nhưng trái lại cũng có một số đông các loài vật khác đã thích ứng với các điều kiện khí hậu mới. Trong số các sinh vật ấy có con người.

Khi tôi quan sát thấy biết bao nhiêu loài vật ghi nhận ”một sự thay đổi ích lợi” chính lúc chúng cần đến, thì khó mà có thể nói đó là chuyện tình cờ được. Đàng khác khi chúng ta nói chuyện với các chuyên viên di truyền học và sinh học phân tử, thì họ nói: ”Tôi bảo đảm với qúy vị, sự thay đổi là một tiến trình tuyệt đối tình cờ”. Như thế phải tin cái gì bây giờ? Khi các đồng nghiệp nói với tôi rằng: ”Ông phải lắng nghe chúng tôi”, thì dĩ nhiên là tôi đồng ý với họ. Nhưng mà khi tôi là người có 50 năm kinh nghiệm trong lãnh vực này đưa ra các nhận xét, thì họ cũng phải lắng nghe tôi chứ.

Có một giải pháp có thể, đó là các thay đổi là các biến cố tình cờ, nhưng có lẽ có một ”kho chứa”: chúng được chất chứa ở trong tế bào một cách thụ động, và có thể là khi khí hậu thay đổi và sự lựa chọn tự nhiên, thì trong một chuỗi các thay đổi tình cờ đã được tích trữ đó, nó chọn cái đúng đắn. Tôi chưa biết cái gì đã thực sự xảy ra, nhưng chắc chắn là khi tôi thấy các thú vật như: voi, heo, hươu, ngựa thay đổi tất cả các đặc thái vật lý của chúng trong chiều hướng đúng và vào đúng lúc, thì tôi tự hỏi: lẽ nào tất cả chúng được hướng dẫn bởi sự tình cờ sao? Người ta có cảm tưởng là có một bí quyết nào đó.

Hỏi: Phải tìm các ”kho chứa” mà giáo sư giả thuyết đó ở đâu? Bên trong các yếu tố di truyền hay thế nào?

Đáp: Vâng, có lẽ đúng vậy. Tôi nghĩ giải pháp nằm bên trong phân tử. Ngoài ra như là chuyên viên cổ nhân chủng học tôi không thể trả lời câu hỏi này. Chính các nhà sinh học nắm trong tay phương pháp giúp lượng định xem một điều như thế có được kiểm chứng hay không, hay phải tìm các giải pháp khác. Nhưng chắc chắn là chúng ta chưa nhận được cơ cấu của sự tiến hóa. Chúng ta tất cả đều đồng ý nói rằng nó không phải là một lý thuyết nữa, mà là một dữ kiện, nhưng trên thực tế chúng ta chưa biết nó tiến triển như thế nào.

Hỏi: Thưa giáo sư, giáo sư cho rằng con người đã phát triển tại miền tây Rift Valley, là vùng cách đây 10 triệu năm đã chia Phi châu thành hai. Nếu không có sự thay đổi môi trường đó, thì con người đã không bao giờ xuất hiện. Ngày nay, theo vài học giả thì đang xảy ra một sự đảo lộn khí hậu: nó có gây ra hậu qủa tai hại đối với cuộc sống của loài người hay có làm nảy sinh ra một tiến hóa mới hay không thưa giáo sư?

Đáp: Trước hết cần phải nói rằng các thay đổi khí hậu là một sự kiện tuyệt đối bình thường: nó thường xuyên xảy ra trong bậc thang phát triển của con người trên Trái Đất này. Nếu nó đã không xảy ra, thì đã không có một sự tiến hóa nào, để cho các sinh vật trong một môi trường nhất định nào đó được quân bình. Và khi thế quân bình đó bị bẻ gẫy, thì một vài cá nhân tìm một thế quân bình mới, bằng cách thích ứng với các điều kiện đã thay đổi. Như thế chủng loại tiến hóa. Các con người đầu tiên diễn tả câu trả lời cho việc thích ứng với một môi trường trở thành khô ráo hơn: khí hậu thay đổi đã xác định một khúc rẽ trong lịch sử các con người đầu tiên. Thề rồi khi con người có ý thức hơn, với việc suy tư nó đã phát triển nền văn hóa, và văn hóa từ từ đã khiến cho con người có khả năng không chịu đựng môi trường một cách thụ động nữa, mà sử dụng môi trường và lợi dụng nó.

Hỏi: Thưa giáo sư chúng ta có bị đảo lộn vì mực nước biển dâng cao hay không?

Đáp: Từ mười ngàn năm nay các đá băng đang tan chảy và nước dâng cao: mực nước Địa Trung Hải đã dâng cao hơn 100 mét. Gần thành phố Marseille ở miền nam nước Pháp, có một cái hang gọi là ”Hang bờ biển”, mà ngày nay nó nằm ở 40 mét sâu dưới mực nước biển. Các bức tường của hang có các hình vẽ. Như thế mực nước biển đã dâng khá cao. Sự kiện khí hậu từ chỗ thật lạnh trở thành dịu hơn đã khiến cho nhiều loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và lúa miến phát triển và mọc tốt hơn nhiều, và nó cũng tạo ra vùng đất phì nhiêu mà chúng ta gọi là “Nửa vành trăng phì nhiêu” trong vùng Cận Đông, bao gồm từ Ai Cập cho tới vùng Medopotamia, là vùng Lưỡng Hà, tức Iran Irak ngày nay. Trái lại nhờ có văn hóa, thay vì chịu đựng khí hậu thay đổi, con người lại sử dụng chính sự thay đổi của khí hậu. Đây đã là giai đoạn định đoạt thứ hai trong tiến trình phát triển của loài người. Giai đoạn thứ ba đã chỉ bắt đầu cách đây 200 năm, với hiện tượng dân số gia tăng mau lẹ: vào năm 1815 trên thế giới chỉ có khoảng 1 tỷ người, nhưng chưa đầy 200 năm sau trái đất đã có hơn 6 tỷ người. Cùng với sự phát triển các kỹ thuật và việc sản xuất hàng loạt, khí hậu cũng lại có các thay đổi mới, một phần là tự nhiên, nhưng một phần do chính con người gây ra. Ngày nay các thay đổi khí hậu này khiến cho chúng ta lo âu, vì chúng ta không thể chế ngự được sự tiến triển của khí hậu. Nhưng chúng ta phải có khả năng điều hòa việc thải các thán khí như nidrad carbon và metano vào trong khí quyển.

Hỏi: Giáo sư đã đưa ra giả thuyết liên hệ giữa sự phát triển nông nghiệp và việc nảy sinh ra chiến tranh. Tương quan đó như thế nào thưa giáo sư?

Đáp: Vào thời du mục chúng ta đã không tìm thấy các dấu vết chấn thương tập thể. Trái lại từ khi người ta bắt đầu có tư sản là đất đai, thu hoạch, hạt giống và súc vật, thì cũng có dấu vết của nhiều cuộc tấn kích hơn. Các mồ chôn tập thể cũng bắt đầu với việc khám phá ra kim loại. Nếu đã không có đủ các mỏ thiếc và mỏ đồng để làm hài lòng mọi người, thì khi khám phá ra một quặng mỏ, cần phải tuyệt đối bảo vệ nó, để các dân tộc lân cận không chiếm hữu được nó. Và cũng từ lúc đó, tức cách đây khoảng 5-6 ngàn năm, chúng ta tìm thấy các hố đầy xác người. Khi nghiên cứu lịch sử cổ xưa, thì người ta hiểu lịch sử ngày nay: vấn đề dầu lửa bên Irak cũng y như thế.

Hỏi: Khi nghiên cứu lịch sử cổ xưa của loài người, giáo sư cũng đã cung cấp các yếu tố giúp hiểu biết hướng phát triển của loài người trong tương lai, có đúng thế không?

Đáp: Điều mà tôi nhận thấy sau 3 triệu năm loài người xuất hiện trên Trái Đất này: đó là trong lịch sử của loài người đã có một sự tiến triển trên tất cả mọi bình diện. Con người đã tiến triển trong việc đẽo đá, trong các kỹ thuật, nhưng cũng tiến triển trong cung cách hành xử ngày càng thanh nhã và văn minh hơn. Nhất là có sự tiến triển trong ”chương trình” tức trong việc dự kiến: con người có khả năng thấy trước. Chẳng hạn cách đây 2 triệu năm, ”Homo abilis”, con người khéo tay đẽo đá; rồi đến ”Homo erectus” con người đứng thẳng biết sáng chế vật dụng có hai mặt, theo hình thể song song với nhau: nó tỏ ra chuyên môn hơn, sẵn sàng sử dụng vật dụng đó một cách cẩn thận hơn, trong một thời gian lâu hơn chừng vài tuần. Nghĩa là viễn tượng thời gian của nó kéo dài hơn. Những người đã trang hoàng các hang đá Lascaux ở miền Tây nam nước Pháp đã sử dụng một loại bùn trộn lẫn với máu của loài bò rừng bison: họa sĩ đã có trong đầu óc mục đích vẽ các hình trên vách đá để chúng có thể kéo dài với thời gian. Ông ta sống trong hy vọng tác phẩm của mình kéo dài vài năm, hay cả sau cuộc sống của ông nữa. Tác phẩm của một người luôn luôn kéo dài viễn tượng của nó trong thời gian.

Có một sợi dây nối liền tất cả các lịch sử này: đó là sự tiến bộ không thể chối cãi được. Khi nhìn qúa khứ tôi thấy một niềm hy vọng cho tương lai. Con người sẽ còn tiến bộ trong cung cách hành xử. Điều này đã luôn luôn xảy ra, và tôi tin tưởng rằng nó sẽ tiếp tục trong tương lai. 15 tỷ năm lịch sử đã dậy cho chúng ta biết rằng thể chất không ngừng trở thành phức tạp hơn và tự tổ chức: điều này giúp hé mở cho chúng ta trông thấy một số cơ phận của loài người còn phức tạp hơn và có tổ chức hơn nữa. Ngày mai của nhân loại phải là ngày mai của một thể chất suy tư hơn, hay siêu suy tư. Hay có lẽ tốt hơn phải nói một cách đơn sơ như thế này: đó là ngày mai của thể chất suy tư. Thiên tài của con người chưa hết gây ngạc nhiên cho chúng ta.

(Avvenire 15-1-2008)
Linh Tiến Khải


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
Nếu những người giàu có biết chia sẻ của cải cho những người nghèo thì thế giới sẽ không còn người bị chết vì đói nữa...
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng