Xem người Mỹ tham gia giao thông

Xem người Mỹ tham gia giao thông

TP - Tôi đã được tận mắt nhìn thấy cách thức đi lại, tham gia giao thông của người Mỹ. Đúng như nhiều người nói với tôi trước đây, người Mỹ đã xây dựng cho mình một văn hóa giao thông tiên tiến.

Trên đường phố Los Angeles


Trong hai năm 2008 và 2009, tôi có khoảng thời gian có thể nói tương đối dài sống cùng người thân ở Mỹ. Tại các thành phố như San Fransisco, Los Angeles, San Jose, Dalas, Atlanta, trung tâm nghỉ mát giữa Thái Bình Dương Haoai,… tôi đã được tận mắt nhìn thấy cách thức đi lại, tham gia giao thông của người Mỹ.

Người đi bộ phải đi trên vỉa hè. Người đi xe đạp phải đi sát mép đường bên phải. Người đi môtô phải đội mũ bảo hiểm, luôn duy trì tốc độ môtô bằng với tốc độ ô tô đi trước. Còn đã ngồi lên ô tô thì dứt khoát phải quàng dây bảo hiểm, xe phải chạy theo làn, nếu muốn chuyển làn phải ra hiệu xin phép.

Ở Mỹ mỗi tuyến đường thường có 8 làn hoặc 4 làn, 4 làn đi, 4 làn về hoặc 2 làn đi, 2 làn về. Chỉ ở các thị trấn hay ngoại thành đường mới có 2 làn.

Trong khoảng thời gian bảy tháng rưỡi, với nhiều lần tham gia giao thông bằng ô tô hoặc hằng ngày đi bộ trên các tuyến phố, tôi chưa thấy tai nạn giao thông nào.
Tuyến đường chạy men theo bờ biển Thái Bình Dương một bên là núi, một bên là vực, người Mỹ cũng bố trí xe chạy 2 làn, mỗi làn một chiều. Làn bên kia dù không có xe chạy, xe bên này cũng không được chạy lấn sang.

Ở thành phố du lịch San Fransisco xinh đẹp, thanh bình nổi tiếng của bang California có một con đường duy nhất chỉ có một làn. Đó là đường phố Lombard (Snake Road). Đoạn đường dài 150m, chiều rộng 2m chỉ đủ cho một xe du lịch đi.

Đường từ trên cao đổ xuống bãi biển ngoằn ngoèo, gấp khúc như một con rắn. Con đường độc đáo này với các cây hoa cảnh hai bên đã trở thành một trong những thắng cảnh thành phố dành cho khách tham quan.

Dân số nước Mỹ hiện nay là 300 triệu, tỷ lệ ô tô bình quân tính trên đầu người là 1,1 chiếc do vậy họ đã có Bộ luật Giao thông bao gồm những quy định chi tiết, chặt chẽ, những chế tài nghiêm ngặt buộc ai cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành, nếu không sẽ bị đánh trực tiếp vào túi tiền.

Hệ thống camera lắp ở các ngã tư, cảnh sát giao thông lưu động làm việc 24/24 giờ trong một ngày hầu như không để sót bất kỳ trường hợp vi phạm nào mà không bị xử lý.

Một đêm thứ bảy, trên đường đến Las Vegas -trung tâm cờ bạc và ăn chơi hoành tráng nhất ở Mỹ, hòa trong đoàn xe hơi trông như một con rồng lửa khổng lồ chuyển động trên đoạn đường qua sa mạc bang Nevada không ít hơn 4 lần tôi được chứng kiến cảnh xe cảnh sát giao thông không biết ở đâu xuất hiện bất ngờ ép xe con vào bên đường.

Sau khi nêu lỗi vi phạm, cảnh sát đưa cho lái xe biên lai nộp phạt, thường khoản tiền phạt dao động từ 200 đến 300 USD (tức là 4 đến 6 triệu VND). Trong bất kỳ trường hợp nào, người vi phạm cũng phải nộp phạt. Biên lai để càng lâu, tiền phạt càng tăng.

Trong trường hợp người vi phạm không đồng tình với các lời cáo buộc của cảnh sát, người đó sẽ được hẹn đến sở cảnh sát để giải quyết. Tại đây cảnh sát sẽ đưa ra các bằng chứng như băng ghi hình và đối chứng giữa người vi phạm với viên cảnh sát giao thông đã bắt lỗi. Phần thắng đại đa số thuộc về cảnh sát.

Chủ nhà nơi bạn tôi thuê kể: “Một lần tôi đi đón cậu em từ Washington đến San Fransisco. Vì lúc đó đã 2 giờ sáng, đường phố vắng tanh nên tôi cho xe chạy vượt đèn đỏ. Hôm sau một biên lai phạt 200 USD được gửi đến nhà tôi.

Một lần khác, chính tôi chứng kiến một người đàn ông Mỹ đứng tuổi điều khiển xe đến ngã tư thấy đèn đỏ thì dừng lại. Khi có tín hiệu được tiếp tục đi, ông ta nổ máy. Cùng lúc ấy một phụ nữ khoảng 50 - 60 tuổi từ vỉa hè bước xuống đường bỗng rụt chân lại.

Viên cảnh sát đứng gần đó tiến lại, nói: “Ngài điều khiển xe bất cẩn. Đáng nhẽ thấy người đi bộ muốn sang đường, ngài không được nổ máy. Việc làm của ngài làm người đi bộ sợ hãi. Ngài phải chịu phạt 200 USD!”.

Người lái xe ô tô ở Mỹ được giáo dục ý thức phải nhường thuận lợi cho người đi bộ. Khi người đi bộ chưa sang hết đường mà đã có tín hiệu cho phép ô tô đi, người lái ô tô vẫn ra hiệu cho người đi bộ đi tiếp. Nhiều lần tôi được lái xe ra hiệu cho đi trước, khi họ điều khiển xe từ ngõ hay từ gara đi ra.

Nói như vậy không phải mọi người Mỹ đều nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông. Nhiều người uống rượu vẫn điều khiển xe, lái xe vượt quá tốc độ cho phép, gây tai nạn rồi bỏ chạy. Những trường hợp đó, người vi phạm thường bị xử lý ngay hay bị truy đuổi đến cùng.

Chính mắt tôi chứng kiến một người uống rượu lái xe bị chặn lại, cảnh sát lôi anh ta ra khỏi xe, ấn đầu xuống capô, khóa tay, đưa sang xe khác.

Trên đài truyền hình Mỹ có hẳn kênh 68 chuyên cập nhật tình hình giao thông, các vụ tai nạn, cách xử lý các vụ vi phạm.

Cũng cần phải nói một điều rằng cảnh sát giao thông ở Mỹ là những người thi hành công vụ mẫn cán và có quyền lực tuyệt đối. Họ được tuyển chọn, huấn luyện kỹ lưỡng, được đãi ngộ xứng đáng, làm việc với trình độ nghiệp vụ cao. Ai cũng to, cao, trang phục màu đen.

Họ được trang bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ như dùi cui, khóa số 8, súng lục. Trong trường hợp khi đã ra lệnh, mà kẻ vi phạm có biểu hiện không chấp hành hoặc chống đối, cảnh sát có quyền bắn.

Trịnh Văn Quý


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng