Khiêm nhường

Khiêm nhường

Đức cha Bùi Tuần


Sống đạo đòi nhiều nhân đức. Bởi vì sống đạo thì phải sống đức. Một trong những nhân đức cần để sống đạo là đức khiêm nhường.

Khiêm nhường ví như một thứ muối thiêng. Nếu các nhân đức ví được như những món ăn nuôi dưỡng tâm hồn, thì nhân đức nào cũng cần có chút muối thiêng đó.

Trái lại, kiêu ngạo là một thứ thuốc độc. Việc lành nào bất cứ, nếu bị pha một chút thuốc độc kiêu ngạo vào, tất sẽ ra hư.

Có thứ khiêm nhường thật. Có thứ khiêm nhường giả.

Khiêm nhường giả.

Khiêm nhường giả thường là một hình ảnh mơ tưởng tự tạo. Coi khiêm nhường như một vinh quang, kết quả của những cố gắng tự sức. Để rồi có cớ nảy sinh tự đắc, lợi dụng trên đường danh lợi. Thỉnh thoảng người ta soi mình vào hình ảnh tự tạo đó, để tìm thích thú và thèm muốn được khen.

Nếu không cảnh giác, thì thứ khiêm nhường giả như thế sẽ rất nguy hiểm. Vì nó sẽ dễ trở thành thứ nọc độc có thể pha trộn vào mọi ý hướng đạo đức. Để rồi, sau cùng họ dùng việc đạo để tìm vinh quang ảo cho mình, từ những việc nhỏ đến cả những việc lớn bề ngoài mặc vẻ đạo đức. Hành trình của nó thường mang nhiều giả dối và mưu lược.

Khiêm nhường thật.

Trái lại, khiêm nhường thật thường phải trải qua những hành trình có nhiều phấn đấu. Phấn đấu với chính mình. Phấn đấu với lối sống cạnh tranh xấu của thế gian. Nhất là phấn đấu với ma quỉ, loại kẻ thù có nhiều xảo quyệt. Satan vốn bị Kinh Thánh coi là cha của kiêu ngạo, luôn tìm cách phá đức khiêm nhường.

Chính Chúa Thánh Thần tác động, làm nên sự khiêm nhường thật. Có thể nhận ra bằng những dấu chỉ này:

Con người cảm nhận sâu sắc mình yếu kém, hèn hạ. Họ rất thành thực nhận mình tội lỗi. Họ xem mình như người thu thuế cúi đầu cầu nguyện. Thực sự nghèo nàn. Thực sự khốn khó. Thực sự khiêm tốn: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

Sự cầu nguyện cậy trông Chúa phát xuất từ ơn Chúa cùng với sự cảm nhận sức mình yếu đuối. Ơn cậy trông đến dần dần một cách lặng lẽ, và kéo linh hồn về với Chúa một cách rất tế nhị. Nó làm cho linh hồn cảm thấy mình không ngừng cần phải đổi mới, để đón nhận được ơn cậy trông lôi kéo đó thường xuyên.

Từ sự cậy trông lôi kéo đó, linh hồn khát khao tìm kiếm chính Chúa. Sự gặp gỡ Chúa sẽ đem lại cho họ sự sám hối, tâm tình cảm tạ và thờ phượng.

Đồng thời, khi gần gũi Chúa, họ cảm thấy mình gần gũi mọi người. Có một tâm tình đồng cảm linh thiêng. Họ thấy mình chẳng có gì đáng gọi là đạo đức. Họ thấy mọi người đều là những người yếu đuối, nhưng được Chúa xót thương đỡ nâng tha thứ. Với cảm nghiệm đó, họ nhận ra mình có bổn phận phục vụ mọi người, người công chính cũng như người tội lỗi yếu đuối, theo gương Cha trên trời, là “Đấng cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).

Vài hoa trái của khiêm nhường.

Như vậy, sự khiêm nhường thật sẽ đem lại cho người sám hối sự bình an và hoan lạc. Sự khiêm nhường, khi đúng là hoa quả của ơn Chúa Thánh Thần, sẽ không gây nên những ray rứt dằn vặt cho ta, dù ta có một quá khứ đầy lỗi lầm. Những dằn vặt bối rối này nhiều khi do ma quỉ khuấy lên, để ta không nhận ra được dung mạo đầy tình yêu thương xót của Cha nhân lành, Đấng vui mừng sung sướng, khi có dịp tha thứ cho những đứa con biết trở về.

Sự khiêm nhường thật cũng đem lại cho con người tâm tình vâng phục Lời Chúa một cách đơn sơ tin tưởng, cho dù dư luận muốn kéo họ về hướng khác. Thí dụ: về việc bố thí, làm việc từ thiện, cầu nguyện và ăn chay, Chúa Giêsu dạy hãy làm kín đáo. Vì Cha trên trời, Đấng hiện diện nơi kín đáo thấu suốt mọi sự kín đáo sẽ trả công cho họ (Mt 6,16-18). Họ vâng lời Chúa, cho dù nhiều cám dỗ giục làm khác đi.

Sự khiêm nhường thật cũng thường gây cho chúng ta được ý thức tự trọng chính đáng, và nhận thức được bổn phận tìm cách khéo léo giúp các người thuộc về mình sống trong sự thực một cách khiêm nhường.

***

Mùa chay năm nay, chúng ta đang sống với nhiều bất ổn và lo âu. Thú thực là riêng tôi cũng đang phải phấn đấu từng giờ với nhiều khó khăn tinh thần và thể xác, để có thể nói như thánh vương David: “Chúng xô đẩy tôi, mong tôi té ngã. Nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi” (Tv 118,13-14).

Tôi mong rằng: Những gì tôi vừa chia sẻ sẽ được coi là những hạt giống nhỏ về Tin Mừng mùa chay. Tôi xin phép được gieo rắc chúng trong một thời điểm đang có những chân trời chinh chiến đau buồn, mang nhiều đe doạ khủng khiếp cho cả phần hồn phần xác.

Ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Hãy xem Người khiêm nhường thế nào và khiêm nhường đến mức nào. Người đang dạy chúng ta: “Hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Chúng ta cũng tin vào Lời Chúa phán xưa: “Chúng con hãy tỉnh thức, vì chúng con không biết ngày nào giờ nào” (Mt 25,13).

Sau cùng, chúng ta đừng quên lời thánh Phêrô: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau. Vì Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Giêsu Maria Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn
"Anh em đừng có lòng chai dạ đá , cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng…Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng..." (Đnl 15: 7-11)
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng