Thực tại hỏa ngục và lòng thương xót Chúa

Thực tại hỏa ngục và lòng thương xót Chúa

Lm. Phạm Quốc Hưng, CSsR.

Tháng trước, trong một bữa cơm ở nhà một người bạn ở Garden Grove, California, tôi có dịp nói chuyện với một hội viên Legio Mariae. Sau khi nói chuyện được một lúc, ông hỏi tôi: "Giáo lý nào Ðức Mẹ khuyên dạy ở Fatima đã khiến cho ba trẻ Lucia, Phanxicô và Giaxinta thay đổi đời sống như vậy?" Câu trả lời bật ra ngay trước mắt tôi: "Ðó là giáo lý về hỏa ngục".

Phải, nhờ Ðức Mẹ tỏ cho ba trẻ ở Fatima thấy sự kinh hoàng của thực tại hỏa ngục mà ba trẻ nhất là Giaxinta đã sẵn sàng gia tăng những hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho những người tội lỗi được ăn năn trở lại. Cũng nhờ cảm nhận thực tại của hỏa ngục, hậu quả kinh hoàng của tội lỗi khi con người khước từ Thiên Chúa Tình Thương, ba trẻ ấy đã nỗ lực yêu mến Chúa và Ðức Mẹ để đền bù lại những thiếu sót của tha nhân và kéo ơn cứu độ xuống cho bao người. Và cũng chính nhờ niềm xác tín sâu xa vào giáo lý về hỏa ngục như đã được Hội Thánh hằng dạy bảo và được Ðức Mẹ nhắc nhở, ba trẻ đã biến đổi đời sống vàtrở thành những ngôn sứ của thế kỷ XX.

Ðiều này khiến tôi nhớ đến một kinh nghiệm cho thấy kết quả tốt đẹp khi người ta được nhắc nhở và xác tín về thực tại hỏa ngục trong đời sống đức tin.

Vào đầu tháng 05/1998, sau một Thánh lễ lúc 7 giờ tối ngày thường tại nhà dòng chúng tôi ở Baldwin Park, California, tôi có dịp nói chuyện với mười thiếu niên, tám trai hai gái, sống trong vùng đến dự lễ. Tôi cho các em biết là các em diễm phúc chừng nào vì có dịp đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và kết hợp với Người trong Thánh Lễ mỗi ngày ở tuổi thanh xuân. Rồi tôi khích lệ các em hãy rủ nhau đến với Chúa Giêsu mỗi ngày trong Thánh Lễ và hãy xây dựng những tình bạn thiêng liêng cùng giúp nhau nên thánh. Có em nói: "Con không dám nghĩ đến việc nên thánh". Tôi nói: "Không nên thánh làm sao vào thiên đàng được".

Sau đó, tôi tiếp tục chia sẻ với các em niềm vui của việc nỗ lực sống thánh không phải đợi đến lúc hưởng phúc thiên đàng sau khi chết nhưng đã được cảm nghiệm ngay trong cuộc sống hiện tại. Cũng vậy, tôi nói với các em về sự bất hạnh của việc người ta không chịu sống theo lề luật Chúa và nhắc nhở các em về thực tại hỏa ngục đời đời. Và tôi kết luận: "Ðáng buồn là ngày nay chúng con không mấy khi được nghe nói về thực tại của hỏa ngục." Một em gái chống chế: "Nhưng nếu cha chỉ giảng về hỏa ngục thì người ta sẽ bị sợ hãi mà không muốn đến với Chúa".

Tôi nói: "Cha không nói là �chỉ giảng về hỏa ngục�, nhưng cha nói là phải nhắc đến hỏa ngục như một thực tại của đức tin. Cảm giác sợ hãi hỏa ngục có từ đức tin chân thật cũng rất tốt vì nó giúp ta xa lánh tội lỗi. Chúa dựng nên con người chúng ta với những cảm giác khác nhau, có yêu thích mà cũng có sợ hãi. Tất cả những cảm giác ấy đều giúp ta trong việc sống đạo để nên thánh. Và chúng ta phải biết xử dụng chúng để sống đẹp lòng Chúa và kiện toàn bản thân. Nhiều người đã sai lầm khi loại bỏ những cảm giác sợ hãi chính đáng trong việc sống đạo nên thường dẫn đến một lối sống thiếu cố gắng vươn lên, khi họ không cảm thấy những cảm giác sốt sắng trong đời sống đạo. Chính Thánh Kinh đã dạy rằng lòng kính sợ Chúa là đầu mối sự khôn ngoan. Chúa Giêsu còn nói: �Ta sẽ chỉ cho các ngươi phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng , cho chết rồi, lại có quyền tống vào hỏa ngục. Phải! Ta bảo các ngươi, hãy sợ Ðấng ấy� (Lc 12:5). Không phải lúc nào chúng ta cũng cảm nghiệm sự dịu ngọt của tình yêu Chúa để lánh xa tội lỗi và sốt sắng thực thi các giới răn Chúa. Nhưng có những lúc chúng ta cảm thấy khô khan nguội lạnh. Những lúc ấy, chúng ta có thể bị cám dỗ để tìm kiếm những thú vui tội lỗi. Nhưng nếu chúng ta còn nhớ và còn tin vào thực tại hỏa ngục như sự bất hạnh kinh hoàng do chính chúng ta gây nên khi phạm tội xúc phạm đến Chúa Nhân Lành, thì ít nữa vì sợ hỏa ngục như thế chúng ta sẽ không dám phạm tội".

Rồi tôi kể cho các em nghe câu chuyện vui về một người muốn xuống cân. Anh ta đến trung tâm giúp xuống cân bằng thể dục. Ngày đầu, một nữ nhân viên nói với anh: "Trong buổi tập hôm nay, nếu anh chạy đuổi theo và bắt được em, em sẽ để cho anh hôn em". Thấy vậy, anh ta hăng hái chạy rất hăng, nhưng không bắt được. Dù sao, nhờ chạy hăng như thế anh ta cũng đổ mồ hôi và xuống cân được một chút. Một vài ngày sau, anh ta cũng chạy theo như thế nhưng bắt đầu uể oải vì thấy khó bắt được cô gái xinh đẹp kia. Nhưng đang chạy uể oải nửa chừng, một người đàn ông to lớn dữ dằn xuất hiện cầm gậy nạt và đuổi theo anh ta: "Tại sao mày dám đuổi bắt bồ của tao?" Sợ quá, anh ta co giò chạy nhanh hơn và nhờ thế anh cũng được xuống cân.

Cả hai sự yêu thích cô gái đẹp và sự sợ hãi người đàn ông to lớn dữ dằn nơi người đàn ông trong câu chuyện vui trên đã giúp anh ta chạy nhanh và được xuống cân như lòng mong ước. Cũng vậy, cùng với lòng yêu mến Chúa và khao khát hạnh phúc thiên đàng, lòng gớm ghét tội lỗi và nỗi sợ hỏa ngục như ác quả lớn nhất của tội lỗi sẽ giúp người ta nỗ lực hơn trong đời sống đức tin.

Nghe vậy, em thú nhận với tôi rằng: "Cha nói đúng. Nhiều lúc con không muốn nhắc đến hỏa ngục để khỏi phải thay đổi đời sống tội lỗi của mình".

Ðang khi các em nghe tôi nói như thế, không ai bảo ai, có năm em trong số mười em thay nhau đến với cha Phaolô mới làm lễ xong để xưng tội. Trước khi các em về, tôi tặng các em mỗi người một quyển Truyện Một Tâm Hồn của Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu để khích lệ các em noi gương thánh nữ khao khát nên thánh. Từ ấy, tôi thấy các em rủ nhau đi lễ mỗi ngày đều hơn. Nhiều phụ huynh của các em thấy vậy cũng cùng con em đến nhà dòng dự lễ ngày thường. Trong nhóm thiếu niên thường xuyên đến nhà dòng dự lễ, ngày nay đã có bốn em vào các dòng tu. Có hai ba em khác dự định sang năm cũng đi tu sau khi hoàn tất chương trình trung học.

Phải chăng cũng chính nhờ hiểu biết và xác tín vào giáo lý về hỏa ngục, giáo lý về sự tự do và chung cánh đời đời của con người, mà các em trên đây đã biến đổi cuộc sống và dấn thân bước theo ơn gọi tu trì để góp phần vào việc cứu độ tha nhân?

Những suy thoái về đời sống đạo đức trong Giáo Hội và trên thế giới hôm có lẽ một phần là vì vô tình hay hữu ý nhiều giảng thuyết không nói đến thực tại hỏa ngục, sự công bình tuyệt đối của Thiên Chúa và nhu cầu phải nỗ lực thống hối ăn năn và cải thiện đời sống nữa. Người ta dại dột cho rằng thực tại hỏa ngục không tương hợp với lòng thương xót vô biên của Chúa. Ðiên khùng hơn nữa, có người cho rằng sự công bình tuyệt đối không thể có được nơi một Thiên Chúa đã mạc khải chính mình là Tình Yêu. Nhiều người không cảm thấy sự cấp thiết của việc phải ăn năn thống hối và cải thiện đời sống vì họ đã mất ý thức về tội lỗi và chỉ quan tâm đến cuộc sống hiện tại đến độ quên lãng hay bất cần sự sống đời đời.

Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nhận thấy điều này nên đã lên tiếng báo động với mọi người trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng như sau:

"Phải thú nhận rằng trong việc giảng dạy giáo lý từ trước đến giờ, vấn đề cánh chung đã không được nhấn mạnh đúng mức� Trong mức độ nào đó, con người đã lạc hướng, các nhà giảng thuyết lạc hướng, các người dạy giáo lý lạc hướng. Chính vì thế họ không còn can đảm nói đến sự �đe dọa� của hỏa ngục, và những người nghe theo họ cũng không còn sợ hỏa ngục.

"Thực vậy, con người thời đại chúng ta hầu như không còn nhạy cảm với vấn đề �chung sự�. Một mặt, sự tục hóa và tinh thần tục hóa đã làm cho con người thờ ơ với vấn đề �chung sự� và tạo nên não trạng chỉ biết hưởng thụ những của cải trần gian. Mặt khác, các �hỏa ngục trần gian� do con người dựng nên trong thế kỷ này, cũng đã góp phần vào thái độ thờ ơ ấy.

"Ý niệm về ngày chung thẩm của cuộc đời, về ngày tận thế trở nên xa lạ với con người thời đại này, nhất là trong nền văn minh của chúng ta. Thế nhưng, sự lãnh đạm ấy không đi đến chỗ xóa mờ niềm tin vào Thiên Chúa như là Ðấng Thẩm Phán Tối Cao, là Ðấng sẽ nói lên sự thật về tất cả mọi hành động của con người, để rồi cuối cùng, ân thưởng người lành và trừng phạt kẻ gian ác�

"Nhận thức này có thể xem là mẫu số chung cho các tôn giáo độc thần cũng như các tôn giáo khác. Công Ðồng khi nói đến đặc tính cánh chung của Giáo Hội lữ hành là dựa trên sự xác tín được cảm nhận này. Thiên Chúa là Ðấng Thẩm Phán công minh, là Ðấng sẽ ân thưởng người lành và trừng phạt kẻ gian ác. Ngài chính là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Môisen, và cũng là Thiên Chúa của Ðức Kitô. Nhưng trên hết, Thiên Chúa ấy là Tình Yêu. Ngài không chỉ giàu lòng nhân từ và thương xót, nhưng Ngài chính là Tình Yêu. Ngài không những chỉ là người Cha của đứa con hoang đàng, nhưng Ngài còn là người Cha �đã hiến ban Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời� (Jn 3:16)" (Bản dịch của Nguyễn Thanh Lượng và Trần Văn Trí).

Câu hỏi của người hội viên Legio Mariae và kinh nghiệm gặp gỡ mười thiếu niên trên đây đã giúp tôi cảm thấy cần phải mời gọi mọi người tìm hiểu và rao giảng một nền giáo lý và thần học lành mạnh, quân bình và toàn diện như đã được ghi nhận trong chính Thánh Kinh và truyền thống gần 2.000 năm của Hội Thánh Công Giáo. Trong đó, Thiên Chúa được tin nhận vừa là Ðấng Tuyệt Ðối Công Minh vừa là Ðấng Vô Cùng Nhân Hậu. Hình ảnh để diễn tả Thiên Chúa vừa là Người Cha Ðầy Lòng Thương Xót vừa là Vị Thẩm Phán Chí Công.

Thái độ chối bỏ Thiên Chúa là Ðấng Tuyệt Ðối Công Minh như một Vị Thẩm Phán Chí Công nơi nhiều người ngày nay không làm thay đổi bản tính đích thực của Thiên Chúa và thực tại bất biến của hỏa ngục nhưng chỉ tố cáo sự bất chính của chính họ. Thánh Augustinô nói với họ: "Phải chăng vì ngươi bất chính, nên ngươi mới trông mong Thiên Chúa bất chính như ngươi".

Năm nay, năm 1999, là năm được Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II dạy mọi người phải đào sâu vào lòng thương xót của Thiên Chúa như người Cha Ðầy Lòng Thương Xót và sốt sắng siêng năng lãnh nhận bí tích giải tội để lãnh nhận lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa như một hành động cụ thể để tích cực đón mừng Ðại Năm Thánh 2.000.

Tiếc thay, nhiều người bị ảnh hưởng của những thứ thần học và giáo lý què quặt nên thay vì nhìn nhận lòng thương xót của Chúa như là căn bản chắc chắn để không phải ngã lòng vì tội lỗi đã phạm và vững lòng thống hối ăn năn cải thiện đời sống, họ đã lạm dụng lòng thương xót của Chúa, cố tình duy trì lối sống tội lỗi và phủ nhận sự công minh tuyệt đối của Thiên Chúa cũng như thực tại hỏa ngục đời đời.

Ðó chính là lý do tại sao trong phiên họp ngày Thứ Tư 13-10-1999 tại Paris, Quốc Hội nước Pháp đã bỏ phiếu với tỉ số 315-249 để nhìn nhận những quyền lợi xã hội như có trong hôn nhân cho những đôi bạn không kết hôn nhưng sống chung với nhau như vợ chồng kể cả giữa những người đồng tính. Với quyết định này, nước Pháp đã trở thành quốc gia lớn nhất ở Châu Âu và quốc gia Công Giáo (trên danh nghĩa) đầu tiên hợp pháp hóa việc chung sống như vợ chồng giữa những người đồng tính. Bộ Trưởng Tư Pháp của nước Pháp Elisabeth Guigou cho rằng có khoảng 5 triệu cặp sống chung như thế, trong đó có khoảng 4.4 triệu cặp là khác phái (Theo báo Houston Chronicle Oct. 14, 1999). Ngày 13-10-1999 cũng chính là kỷ niệm 82 năm ngày Ðức Mẹ hiện ra lần cuối ở Fatima. Ở Fatima, Ðức Mẹ đã tiên báo là nếu người ta không ăn năn thống hối và cải thiện đời sống, nhiều quốc gia sẽ biến mất trên bản đồ thế giới. Phải chăng với quyết định hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính này, nước Pháp đã thêm một lần công khai chối bỏ đức tin Công Giáo và tự xóa tên trong bản đồ thế giới của những người tin?

Ðó cũng là lý do tại sao một giám mục như Ðức Cha Patrick Ziemann, Giám mục chính toà Ðịa phận Santa Rosa và cựu giáo sư của Tiểu Chủng viện Nữ Vương Thiên Thần ở California, phải từ chức mấy tháng trước đây vì đã có hành động đồng tính luyến ái với một linh mục do chính ngài truyền chức.

Và đó cũng là lý do tại sao nền "văn hóa tử vong" lan tràn khắp các xứ Âu Mỹ với việc pháp luật tại các quốc gia này hợp pháp hóa việc phá thai, triệt sản, sản xuất và lưu hành các sách báo phim ảnh khiêu dâm và coi lối sống tiền dâm hậu thú hay việc ở chung chạ của những người đồng tính luyến ái là việc tự nhiên bình thường. Ðồng thời, tệ nạn ly dị gia tăng và ơn gọi linh mục tu sĩ bị sa sút tại nhiều nơi trong Giáo Hội.

Chính vì hiểu biết sự quan trọng của việc phải nhắc nhở các tín hữu và mọi người về thực tại cánh chung--thực tại của sự chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục--nên ngay trong tác phẩm đầu tiên của ngài, cuốn Chân Lý Ðời Ðời, Cha Thánh Anphong Ligôri đã chú tâm quảng diễn những thực tại đức tin này với những lời thật thiết tha chân tình và rõ ràng khúc triết. Ðặc biệt, ngài đã vạch trần mưu chước của ma quỷ khi xúi giục người ta ỷ lại và lạm dụng lòng thương xót Chúa để cố tình ở lì trong tội và không cố gắng vươn lên. Ðồng thời, Cha Thánh Anphong đã chỉ cho mỗi người cách thức sống niềm tin vào Thiên Chúa vừa là Ðấng Tuyệt Ðối Công Minh và vừa là Ðấng Vô Cùng Nhân Hậu với những lời hết sức khôn ngoan có giá trị vĩnh cửu như sau:

"Khi ta thấy Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng Matthêu về dụ ngôn cỏ lùng, là một thứ cỏ dại, mọc lên giữa ruộng lẫn lộn với giống lúa tốt, mà đầy tớ xin nhổ đi; nhưng chủ ruộng không cho và nói: Khoan đã, cứ để yên, đợi mùa gặt đến, ta sẽ gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, thì ta liền hiểu rõ: Chúa vốn nhân từ hay thương xót người có tội, nhưng Người cũng nghiêm nhặt với kẻ không chịu ăn năn sám hối. Cho nên Thánh Augustinô nói rằng: Ma quỷ thường dùng hai cách mà lừa dối: Khi chưa phạm tội thì ma quỷ dỗ dành người ta cậy vào lòng nhân lành hay thương xót của Chúa, mà phạm tội. Nhưng khi phạm tội rồi, thì nó lại xúi giục người ta sợ hãi phép công thẳng của Chúa, mà ngã lòng trông cậy.

"Do đó, thánh nhân lại khuyên ta: Nếu chẳng may con có làm mất lòng Chúa, thì con hãy trông cậy vào lòng nhân lành hay thương xót của Chúa. Nhưng khi ma quỷ cám dỗ con phạm tội, thì con hãy nhớ đến phép công thẳng của Chúa mà sợ trước đi; vì hễ lạm dụng lòng nhân lành của Chúa để con ăn ở vô phép với Người, thì con chẳng hưởng được lòng thương xót của Người nữa. Chúa nhân từ với những ai có lòng kính sợ Người, còn ai vịn lẽ Chúa nhân lành mà khinh thị Người thì chẳng lãnh nhận được lòng nhân lành của Người đâu. Anphong Tosta đã nói rằng: �Phạm đến phép công thẳng thì còn phương cầu cứu tới lòng lân mẫn; còn nếu phạm đến lòng lân mẫn thì biết chạy đến cùng ai?�

"Không mấy khi gặp người có tội mà ngã lòng đến nỗi đành mất linh hồn mình, vì thường khi phạm tội, họ vẫn trông cậy được rỗi. Cho nên cứ phạm tội mà ai tự dối lòng mình rằng: �Chúa lòng lành hay thương xót; phạm tội rồi, tôi xưng tội, lo gì?� Ấy là điều kẻ phạm tội thường nói, như lời Thánh Augustinô dạy: Thương thay! Biết bao nhiêu người đang phải ở dưới hỏa ngục, cũng vì xưa đã quen nói như thế!

"� Thiên Chúa là Ðấng rất nhân lành mà cũng là Ðấng rất công bình. Vô phúc cho kẻ có tội! Vì họ chỉ nhớ lòng nhân từ của Chúa mà thôi! Như ngày kia Chúa nói với Bà Thánh Brigita rằng: �Ta vừa công bình vừa nhân từ hài hòa, nhưng kẻ có tội chỉ nhớ đến lòng nhân từ của Ta mà chẳng nhớ đến phép công thẳng của Ta�. Thánh Basiliô nói rằng: �Kẻ có tội chỉ nhìn xem Thiên Chúa một nửa thôi, là họ chỉ nhớ Người là Ðấng khoan nhân, mà quên Người là Ðấng công bình�. Vậy ta phải luôn nhớ rằng: Chúa vốn là Ðấng rất nhân từ, mà cũng là Ðấng rất công bình.

"Thiên Chúa vẫn hứa sẽ thương xót, nhưng Người không hứa với kẻ lạm dụng lòng nhân lành của Người để ở lì trong tội. Người chỉ hứa với những ai có lòng kính sợ Người mà thôi. Như lời Ðức Mẹ nói rõ trong bài ca Magnificat rằng: �Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người�. Phép công thẳng hằng ngăm đe những kẻ có tội cố chấp; cho nên Thánh Augustinô nói rằng: �Nếu Thiên Chúa không quên lời đã hứa, thì Người cũng chẳng quên lời Người đã ngăm đe�� Thánh Bênađô nói rằng: �Luxiphe đã bị Thiên Chúa trừng phạt là vì nó đã phản nghịch cùng Chúa, mà mong khỏi bị phạt�."

Thánh nhân còn viết thêm: "Người tội lỗi thường bị cám dỗ nghĩ rằng: Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Người không xét đoán nặng nề đâu. Ðó là cám dỗ thứ ba của ma quỷ khiến người ta phải hư mất đời đời. Có một sách viết: dưới hỏa ngục, số người bị vấp ngã vì lạm dụng lòng Chúa nhân từ đông hơn số người bị kết án vì Chúa công minh. Ấy là vì họ nại vào lòng Chúa thương xót để cứ tiếp tục phạm tội".

Việc Quốc Hội nước Pháp, một nước được coi là văn minh trên thế giới và là Trưởng Nữ của Hội Thánh, bỏ phiếu hợp pháp hóa việc sống chung như trong hôn nhân giữa những người đồng tính ngày hôm qua khiến tôi nhớ đến lời Thánh Phaolô trong phụng vụ một ngày trước đó: "Vì rằng họ đã biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh Người như Thiên Chúa, hay không tạ ơn Người, nhưng họ đã ra hư luống trong các suy tưởng của họ; và lòng ngu muội của họ đã ra tối tăm. Trong khi họ huênh hoang mình khôn ngoan, thì họ đã ra điên rồ. Và họ đã tráo đổi vinh quang Thiên Chúa bất hoại với hình tượng loài người hay hư nát, và bao cầm thú cùng rắn rít. Bởi thế cho nên Thiên Chúa đã phó mặc họ cho những đam mê của lòng họ hướng theo ô uế, mà làm nhục nhã thân xác họ, ngay nơi mình họ" (Rom 1:21-24).

Và những lời trên đây của Thánh Anphong về việc không được lạm dụng lòng Chúa nhân từ để cố tình phạm tội và không chịu sám hối như nhắc lại lời Thánh Phaolô trong phụng vụ hôm qua: "Hay ngươi khinh thường kho tàng phong phú là lòng nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại của Người, không nhận biết rằng: lòng nhân từ của Thiên Chúa thúc giục ngươi hối cải? Bởi sự chai đá của ngươi và tấm lòng không hối cải, ngươi tích kho nghĩa nộ cho ngươi, chờ ngày nghĩa nộ, ngày sẽ mạc khải án chí công của Thiên Chúa" (Rom 2:4-5).

Trong những ngày cuối cùng của năm 1999, năm được Hội Thánh dành để nhắc nhở mọi người về Lòng Thương Xót Vô Cùng của Thiên Chúa, như bàn tay nối dài của Cha Thánh Anphong tôi muốn viết những hàng trên, để giúp các độc giả yêu quý của mình khỏi bị mắc bẫy của ma quỷ mà lạm dụng hay xúc phạm đến Lòng Thương Xót Chúa, bằng thái độ nại đến lòng thương xót Chúa để trì hoãn việc sám hối tội lỗi và cố tình ở lì trong tội.

Khi viết lại những lời chí thiết của Cha Thánh Anphong trên đây từ bản dịch Việt ngữ của tác phẩm Chân Lý Ðời Ðời, tôi đã sửa lại cụm từ "trông cậy thái quá vào lòng thương xót Chúa" để thay bằng cụm từ "lạm dụng hay xúc phạm đến lòng thương xót Chúa" cho đúng ý của thánh nhân hơn. Tôi không tin có việc "trông cậy lòng thương xót Chúa thái quá" mà chỉ có sự thiếu trông cậy hay lạm dụng và xúc phạm đến lòng thương xót Chúa mà thôi. Cũng không thể nói đến việc "xứng đáng hay không xứng đáng được Chúa thương xót" vì lòng thương xót Chúa luôn là một món quà nhưng không của Chúa dành cho mọi người. Nhưng như bất cứ món quà nào khác, lòng thương xót Chúa có thể được đón nhận với lòng trân quý biết ơn hay bị khước từ chà đạp khinh rẻ. Thực tại của hỏa ngục, suy cho cùng, chính là thực tại của việc con người khước từ Lòng Thương Xót Chúa.

Cùng với Cha Thánh Anphong, tôi xác tín rằng lòng thương xót Chúa phải là căn bản, là hy vọng, là lẽ sống của đời tôi. Cha David Q. Liptak, giáo sư ở chủng viện của tôi khi trước, đã từng ân cần dặn bảo chúng tôi: "Các con hãy trở nên khí cụ của lòng thương xót Chúa". Và suốt đời tôi sẽ ghi nhớ những lời châu báu ấy.

Tình trạng tội lỗi gia tăng trên thế giới ngày nay không phải là lý do để tôi nghi nan lòng thương xót Chúa, nhưng phải là động cơ thúc bách tôi phải trông cậy vào lòng thương xót Chúa một cách thiết tha hơn. Sự trông cậy đích thực vào lòng thương xót Chúa đem lại cho tôi sự an vui đích thực trong tâm hồn và giúp tôi sống tinh thần khiêm cung thống hối và tin yêu phó thác cách sâu xa hơn. Tôi xác tín rằng bao lâu người ta thực sự cậy trông vào lòng thương xót Chúa để sám hối tội lỗi và cải thiện đời sống, bấy lâu họ có quyền hy vọng chắc chắn sẽ được hưởng trọn ơn cứu độ của Người. Vì thế, tôi muốn quảng đại và can đảm hơn trong việc dấn thân rao giảng Tin Mừng Sự Sống của Chúa Kitô, Hiện Thân của Lòng Thương Xót Chúa, và cổ võ lòng biệt kính Mẹ Maria, Dấu Chỉ của Hy Vọng cho nhân loại trong thế giới hôm nay.

Lúc gần đây, tôi đã bắt đầu noi gương Chân Phước Faustina, "vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa", đọc Chuỗi Thương Xót mỗi ngày để cầu cho mọi người và chính bản thân được nhận biết và trông cậy vào lòng thương xót Chúa mà thống hối ăn năn và cải thiện đời sống.

Chuỗi Thương Xót được thực hiện như sau:

- Làm Dấu Thánh Giá

- Ðọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Tin Kính.

- Rồi với chuỗi hạt 50 của Kinh Mân Côi, mỗi lần thay vì đọc 1 Kinh Lạy Cha thì đọc 1 lần: "Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha Mình Thánh, Máu Thánh, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu Cha--Chúa chúng con, để đền bù tội lỗi chúng con và toàn thế giới". Thay vì đọc 10 Kinh Kính Mừng thì đọc 10 lần: "Vì cuộc thương khó của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới".

- Sau chục thứ 5 và cũng là chục cuối để kết thúc Chuỗi Thương Xót thì đọc 3 lần: "Lạy Thiên Chúa Chí Thánh, Toàn Năng Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới".

Lời nguyện vắn gọn và đẹp nhất tôi có thể tìm thấy trong Kinh Thánh chính là lời nguyện của người thu thuế mà Chúa Giêsu nói đến trong Phúc Âm theo Thánh Luca: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18:13) hay lời nguyện của người trộm bên hữu Chúa trên đồi Golgotha: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con khi Ngài đến trong Nước của Ngài" (Lc 23:42).

Ước gì mỗi nhịp đập của trái tim tôi là một lần tôi lập lại lời nguyện đầy cậy trông của người thu thuế với tất cả tâm tình khiêm nhu thống hối và dạt dào yêu mến tri ân: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi".

Lạy Mẹ, xin Mẹ dạy con biết tuyệt đối cậy trông vào lòng thương xót Chúa và đời đời ngợi ca lòng thương xót Chúa.

(Oct. 14, 1999)



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng