GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO

GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
là trở nên môi trường đầu tiên và chính yếu
của việc chuyển giao đức tin



VÀO ĐỀ

Trong bài trước chúng ta đã biết được rằng: chủ để của cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ 5 của các gia đình sẽ diễn ra tại Valencia (Tây Ban Nha) vào đầu tháng 7 này là: “GIA ĐÌNH LÀ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN VÀ CHÍNH YẾU CỦA VIỆC CHUYỂN GIÁO ĐỨC TIN”. Bài này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa và nội dung của chủ đề ấy và nhận diện những cản trở của việc thi hành sứ mạng chuyển giao Đức Tin của gia đình.

TRÌNH BÀY

1. “Gia đình là môi trường đầu tiên và chính yếu của việc chuyển giao Đức tin” có nghĩa là gì?

Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa và nội dung của từng cụm từ trong chủ đề:

1.1 Gia đình là gì? Gia đình là ai?

- Gia đình là một tổ ấm tình yêu trong đó sự sống mới được hình thành và đón chờ bởi cha mẹ là những người yêu thương nhau và kết hôn với nhau để sống với nhau suốt đời. Gia đình là nơi mà con trẻ được sinh ra gồm cha mẹ, ông bà, anh chị. Gia đình có trách nhiệm giáo dục con cái nên người (giáo dục nhân bản) và nên người Ki-tô hữu (giáo dục Đức Tin). Vì là nơi con cái được sinh ra và được lớn lên nên gia đình là môi trường đầu tiên tức là môi trường trước nhất trong đó con cái được giáo dục. Sau gia đình mới là các môi trường khác như trường học, cộng đồng, giáo xứ, xã hội. Chẳng những là môi trường đầu tiên mà gia đình còn là môi trường chính yếu của việc giáo dục con cái nữa, vì trách nhiệm giáo dục Đức Tin cho con cái chủ yếu là trách nhiệm của cha mẹ như Công đồng Va-ti-can đã khẳng định trong Tuyên Ngôn về Giáo Dục Ki-tô giáo (1) và trong Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân (2).

1.2 Thế nào là chuyển giao (transmission) Đức Tin?

Chuyển giao Đức Tin là chuyển tất cả những hiểu biết, tình cảm, thực hành, tập quán và kinh nghiệm tôn giáo và tâm linh của cha mẹ sang con cái. Muốn làm tốt việc hệ trọng ấy cha mẹ được giả thiết

  • là những người sống Đức Tin một cách hiểu biết và tích cực;
  • là những người có khả năng chuyển giao hay giáo dục Đức Tin tức biết dùng các phương thế phù hợp với từng giai đoạn phát triển và hình thành nhân cách (lứa tuổi) của con cái, phù hợp với tâm lý, với trình độ còn non yếu, giới hạn của con cái để giúp chúng hiểu biết, yêu mến, đón nhận và sống Đức Tin Ki-tô giáo.

1.3 Gia đình chuyển giao Đức Tin bằng cách nào?

- Gia đình chuyển giao Đức Tin bằng gương sáng và giáo dục đức tin. Cả gương sáng và giáo dục đều là điều tối cần thiết, không thể thiếu trong việc chuyển giao Đức Tin. Cha ông chúng ta đã nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn”“Không thày đố mày làm nên” để nói lên tầm quan trọng của gương sáng và việc dạy dỗ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói đại ý như sau: “Ngày nay, con người cần các chứng nhân hơn các thày dạy và nếu các thày dạy lại cũng là các chứng nhân thì không có gì tuyệt vời hơn”

1.4 Đức Tin được cha mẹ chuyển giao cho con cái phải là Đức Tin nào?

- Đức Tin được cha mẹ chuyển giao cho con cái phải là Đức Tin sống động và trưởng thành. Đức Tin có sống động mới thu hút được con cái sống theo cha mẹ. Đức Tin có trưởng thành mới làm cho con cái chúng ta nên người Ki-tô hữu, sốt sáng tích cực, dấn thân.

2. Những cản trở khiến gia đình khó trở thành môi trường đầu tiên và chính yếu của việc chuyển giao Đức Tin

Việc chuyển giao Đức Tin từ cha mẹ sang con cái tự nó đã là một công việc khó khăn. Việc ấy càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh xã hội của thế giới hôm nay.

2.1 Ở các nước phát triển:

Ở các nước phát triển, có những thách đố “riêng” mang tính đặc thù của những xã hội đã công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Các thách đố ấy đe dọa trầm trọng sự bền vững của gia đình và khiến trách nhiệm giáo dục Đức Tin cho con cái gặp muôn vàn khó khăn. Chúng ta có thể kể một vài thách đố lớn:

(a) Xã hội tục hóa là xã hội mà trong đó các giá trị tôn giáo và tâm linh đã ít nhiều phai nhòa: con người không còn coi trọng Thiên Chúa như trước và cho rằng tôn giáo và tâm linh chỉ là những giá trị tương đối, thậm chí chỉ là “thứ yếu” so với những khoa học, công nghệ và kỹ thuật hiện đại.

(b) Não trạng thực dụng và duy vật khiến con người chỉ biết trân trọng và tìm kiếm những lợi lộc vật chất, trước mắt. Não trạng thực dụng ngày càng lây lan từ các nước tư bản chủ nghĩa sang các nước xã hội chủ nghĩa vì nền kinh tế của thế giới ngày nay là nền kinh tế thị trường, tức nền kinh tế đặt nền tảng trên sự (tự do) cạnh tranh để có nhiều lợi nhuận. Còn não trạng duy vật không chỉ phát triển ở trong các quốc gia mà chính quyền chủ trương vồ thần duy vật như Việt Nam mà ở cả trong các quốc gia phát triển cao về khoa học, kỹ thuật và công nghệ như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản v.v…

(c) Nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa và tôn thờ sự tự do cá nhân đang ngày càng bành trướng mạnh mẽ trong các quốc gia phát triển khiến các giá trị truyền thống của gia đình và xã hội bị tác hại cách trầm trọng.

Bản “Phúc trình về sự tiến hóa gia đình ở Âu Châu năm 2006” của Viện Chính Sách Gia Đình có trụ sở tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) vừa được công bố mới đây cho chúng ta bằng chứng về các điều nói trên.

Theo Bản Phúc Trình, từ năm 1980 đến 2004, số lượng các cuộc hôn nhân trong 25 nước thành viên của Liên Hiệp Âu Châu đã giảm bớt 663.600 vụ, trong khi đó dân số của 25 nước này lại gia tăng 31,1 triệu người. Trong năm 2003, tuổi trung bình để phái nam kết hôn là 30, trong khi đó phái nữ là 27,7. So với năm 1980 tuổi kết hôn của phái nam là 26 và phái nữ là 23,3.

Một khuynh hướng khác cũng đang gia tăng rất mạnh là ngày càng có nhiều hài nhi sinh ra bên ngoài hôn nhân, tức trên giấy tờ chỉ ghi tên mẹ mà không có cha. Ở Việt Nam gọi là con ngoại hôn. Hiện nay, không có con số để so sánh tất cả 25 nước thành viên, nhưng nếu lấy con số của 15 nước thành viên ban đầu của Liên Hiệp Âu Châu thì vào năm 1980 chỉ có 9,6% hài nhi là con ngoại hôn. Đến năm 2004, số này tăng lên tới 32,8%. Nếu tính cả 25 nước thành viên Âu Châu thì hiện nay số trẻ sơ sinh ngoại hôn là 31,6%. Nếu tính riêng từng quốc gia thì số hài nhi ngoại hôn cao nhất là 55,4% (Thụy Điển) và thấp nhất là 4,9 % (Hy Lạp).

Về tình trạng ly dị, trong khoảng ba thập niên qua, số gia đình ly dị tăng 50%. Từ năm 1990 đến 2004, nội 15 nước thành viên ban đầu của Liên Hiệp Âu châu có đến 10 triệu cuộc hôn nhân tan vỡ, ảnh hưởng đến 16 triệu thiếu nhi (4).

(d) Tình trạng có “không gian rộng mở nhưng thời gian lại thu hẹp” là một cản trở không nhỏ đối với những người giáo dân sống trong các nền kỹ nghệ công nghiệp. Không gian mở rộng mở là con người có nhiều điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin từ khắp thế giới, trong tất cả các lãnh vực. Thế giới như thu gọn lại trên màn hình vi tính. Chỉ cần ngồi trước bàn phím là người ta có thể liên lạc với bất kỳ ai, ở bất cứ đâu trên hành tinh này. Trong lúc không gian hiểu biết, tiếp xúc được mở rộng ra như thế thì thời gian của con người lại bị thu hẹp một cách không thể chống cự nổi: người ta không có thời gian để tham dự sinh hoạt hội đoàn hay huấn luyện. Thậm chí để trò chuyện, trao đổi với những người thân trong gia đình cũng không có thời gian. Giữa vợ và chồng có khi hằng ngày phải gửi “message” (tin nhắn) cho nhau bằng những mẩu giấy đặt trên bàn ăn. Vì thế mà gia đình thiếu bầu khí thân mật, riêng tư, thiếu sự quan tâm chăm sóc dành nhau và cho con cái.

2.2 Tại Việt Nam và các nước nghèo đang phát triển:

Tại Việt Nam cũng như tại tất cả các nước nghèo đang phát triển cũng có các nguy cơ “riêng” đe dọa trầm trọng các gia đình như Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã lên tiếng báo động trong Thư Mục Vụ về Gia Đình năm 2002:

“Hậu quả tiêu cực của tiến trình công nghiệp hóa là tiến trình ấy kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đà, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.

“Hậu quả tiêu cực của tiến trình đô thị hóa là tiến trình ấy khiến một số cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lạ, nên dễ bị bóc lột sức lao động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang.

“Hậu quả tiêu cực của sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội là du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực” (4).

KẾT LUẬN

Xem ra chẳng ở xã hội, đất nước, quốc gia nào gia đình được an toàn thực sự. Ở đâu cũng đầy những khó khăn, cản trở và thách đố. Nhưng dù gặp khó khăn trở ngại đến đâu chăng nữa, dù phải đối phó với những thách đố mới xuất hiện lần đầu trong cuộc sống thì gia đình vẫn có nguyên trách nhiệm phải thực thi sứ mạng bất di bất dịch của mình là cái nôi của sự sống, bao hàm cả việc sinh ra sự sống và cả việc nuôi dưỡng và giáo dục sự sống ấy (5). Vậy chúng ta phải làm gì hay làm thế nào để gia đình mình LÀ hay TRỞ NÊN môi trường đầu tiên và chính yếu của việc chuyển giao Đức Tin? Xin đón đọc bài sau để có câu trả lời.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Sàigòn ngày 31.05.2006

Chú thích:

(1) “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng và vì thể, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót sẽ khó lòng bổ khuyết được. Thật vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện của con cái trong đời sống cá nhân và xã hội được dễ dàng. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác vượt qua được” (Tuyên Ngôn về Giáo dục Ki-tô giáo, 3).

(2) "Những đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và là nhân chứng đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái... Chính họ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái bằng lời nói và gương sáng, họ huấn luyện con cái sống đời sống Ki-tô giáo và làm việc tông đồ" (Sắc lệnh Tông đồ Giáo Dân, 11).

(3) Xem Nguyễn Long Thao, VietCatholic News 23/05/2006.

(4) Thư Mục Vụ về Gia Đình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2002, số 3.

(5) Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn về Gia đình “Familiaris Consortio”, 28-41



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng