Có bản ghi là “Tám Mối Phúc Thật”, hẳn là có hàm ý nhắc nhở đến những điều mà người đời cho là “phúc” dựa trên lẽ tự nhiên. Như, giàu sang, có chức có quyền, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, chồng là “ông này”, vợ là “bà nọ”, con cái thì đứa làm nơi này, đứa làm chỗ kia v.v…đều là những công việc “hái ra tiền”, hoặc dễ “kiếm chác”; bằng không thì những nơi làm đó cũng là một cơ quan trọng yếu, một công ty lớn v.v…
Nói khác đi, người đời theo lẽ thường, có khuynh hướng phải tạo lập cho mình, cho gia đình mình một cuộc sống hạnh phúc ngay ở đời này.Những ghi nhận trên đây đều chính đáng. Nó chỉ trở nên không chính đáng, khi người ta coi chúng là mục đích chính, hoặc duy nhất trong cuộc sống ở trần gian này; nó trở nên sai lầm khi người ta đạt được một trong những mục tiêu này, người ta lại miệt thị những người khác có cuộc sống nghèo hơn, khổ cực hơn,lam lũ hơn, kém may mắn hơn, con cái của những người này không có địa vị hay một công việc “trí thức” như con cái của những thành phần trên kia. Hơn thế nữa, một mục đích là phải giàu sang, lắm bạc nhiều tiền khi người ta dùng bất cứ phương tiện nào để đạt đươc mục đích, kể cả bất nhân và thiếu lương tâm.
Xã hội Việt Nam đang đi theo xu hướng này. Cho nên, những điều mà người đời nghĩ rằng có được những thứ ấy là có “phúc”, thì đối với Chúa Giêsu: “ Nào người ta được ích gì khi được lời lãi tất cả thế gian, mà lại mất hay thiệt chính mình?” (Lc 9, 25); ở chỗ khác, Chúa Giêsu nói với dân chúng một ví dụ về người phú hộ , kho lẫm đầy ứ, không còn chỗ nào mà tích trữ của cải. Ông có ý định phá hết đi, để xây những lẫm lớn hơn rồi chất cả lúa má, của cải vào đó, rồi hồn tự nhủ : ta đã có nhiều của cải, hãy nghỉ đi, ăn uống, hưởng thụ đi. “Nhưng Thiên Chúa bảo nó : Đồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi điều ngươi đã soạn kia sẽ về tay ai ?” Kitô hữu chúng ta có một nhận thức khác, một quan điểm khác về việc làm cũng như những phương tiện trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Chắc chắn Kitô hữu chúng ta là những người đi theo một xu hướng ngược với dòng đời. Những thứ mà theo tiêu chuẩn của người đời cho là “phúc”, thì không phải là “phúc thật”. Trái lại, nó làm cho người ta “khó” vào Nước Trời (Lc 18, 24-25). Vì thế, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường để được Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp. Đó là “Tám Mối Phúc Thật”, theo Tin Mừng thánh Matthêô(5, 1-12).Còn Tin Mừng theo thánh Luca chỉ có bốn “Mối Phúc” thôi.(Lc 6, 20-22).
Có sách chép đây là “Bài giảng trên núi”, vì Chúa Giêsu thấy dân chúng đến với Người thì Người lên núi mà giảng; có sách chép la “Hiến chương Nước Trời”, đặt Tám Mối Phúc Thật vào vị trí hệ trong của nó. Chúng tôi chọn bài Tin Mừng về “Tám Mối Phúc ” như một chọn lựa tích cực để sống cuộc đời làm con Chúa mỗi ngày. Vì con đường nên thánh không có gì khác ngoài đời sống thiêng liêng và thực hành lời Chúa : Vác thánh giá của mình mỗi ngày, như ngọn nến trên bàn thờ, hao mòn xác thân mỗi ngày trong đời thường vì danh Chúa. Mỗi giây phút qua đi, người Kitô hữu đều góp phần nhất định của mình vào việc hình thành nên nhân cách một chứng nhân trong một thế giới vô thần, tục hóa hình ảnh tôn giáo và chối từ Chuộc tội. Cho nên, sống “Tám Mối Phúc” mỗi ngày trong Tuần Bát Nhật là một mục tiêu quan trong trong đời sống của người tín hữu Chúa Kitô. Mỗi ngày sống một “Mối Phúc” và trở nên sống động, trở nên hình ảnh của “Phúc” ấy. Bao lâu chưa đạt tới thì bấy lâu vẫn cứ miệt mài thực tập trong từng giây phút. Hãy tâm niệm rằng, giây phút này, giờ này, ngày này là giây phút, là giờ và là ngày cuối cùng của đời ta. Chân phước Têrêxa Calcutta có một câu nói với các linh mục : Các Linh mục khi cử hành thánh lễ nên nghĩ rằng, đây là thánh lễ đầu và cũng là thánh lễ cuối cùng của mình.
Ngày Thứ nhất: “ Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo, vì nước Trời là của họ.”
* Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì, trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ, Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.(Tv 23,1-3)
Hội thánh Công giáo có nhiều chứng nhân,từ bỏ cuộc sống giàu sang của gia đình, sống cuộc đời nghèo khó vì Nước Chúa..Trong số các chứng nhân này, chúng tôi thấy có thánh Alêxu ở thế kỷ thứ V là rất đặc biệt. Các sự tích về ngài mà ngày nay Giáo hội còn nhắc nhở đến, được cho là “khẩu truyền” Theo đó, người là con của một gia đình giàu có và quyền thế, thuộc hàng quí phái ở La Mã. Trong đêm tân hôn, sau khi được sự đồng ý của vợ, người xuống tàu đi sang xứ Syria và cư ngụ tại thành phố Edesse như một người hành khất suốt 17 năm.Sau đó, người dân được Đức Me cho biết là phải “đi tìm người của Thiên Chúa”.Biết rằng mình sắp bị lộ diện chân tướng, Alexu xuống tàu về Tarse, nhưng bị một cơn bão tấp vào nước Ý. Người về Rôma và biết cha mẹ mình còn sống.Người đến ăn xin nơi nhà cha mẹ và xin hai ông bà cho được sống dưới cầu thang của gia đình. Được chấp nhận, Alexu sống dưới cầu thang 17 năm ròng rã mà cha mẹ vẫn không nhận ra. Người đi ăn xin và bị các tôi tớ trong nhà đối xử tàn tệ. Sau khi người qua đời, tông tích của người mới được biết đến. Số là, trong một thánh lễ do ĐGH Innocent I cử hành, có Hoàng đế tham dự, thì nghe có tiếng cho biết : Hãy đi tìm người của Thiên Chúa tại nhà ông Euphêmien. Đức Giáo hoàng và Hoàng đế đến nhà, tìm thấy xác của Alexu dưới cầu thang, trên mình có mảnh giấy ghi tên và các chi tiết cuộc đời từ ngày người bỏ nhà cha mẹ ra đi.
Lễ nhớ : 17/7. Thánh thư đọc trong lễ nhớ này nói đến sự tham vọng của những ai chỉ biết tìm của cải vật chất, sự “ham mê là cội rễ mọi tội”. (Dẫn theo cuốn Điển Ngữ Các Thánh của Lm. Hồng Phúc, 1999.)
Vị thánh thứ hai chọn đời sống khó nghèo lừng danh không chỉ trong thế giới Công Giáo Rôma mà còn ảnh hưởng trên toàn thể Kitô giáo, đó là thánh Phanxicô Assise, (1186-1226).Cha của người là một nhà hàng hải, hay đi buôn bán ở Pháp. Mẹ của người rất nhân đức, ảnh hưởng nhiều nơi con.Năm 1201, Phanxicô tham chiến chống thành Perouse, bị bắt làm tù binh một năm.Bị bệnh, người bắt đầu suy nghĩ, rồi ơn gọi dần sáng tỏ, người quyết định dâng mình phục vụ Thiên Chúa và “kết nghĩa với đức khó nghèo mà người gọi là “Bà nghèo khó”.Trong một cuộc tranh chấp với bố, người quyết định từ bỏ hết mọi quyền lợi, của cải, kể cả áo quần bố sắm cho và ra đi trần trụi.Hai năm sau, nghe đọc bài Phúc Âm nói đến việc Chúa Giêsu sai mười hai môn đồ, dặn dò họ, “Đừng chuốc lấy vàng lấy bạc, hay tiền đồng hòng vặn thắt lưng, không bị đi đàng, đừng có hai áo, giầy dép, gây gộc, vì làm thợ thì đáng của nuôi thân.”(Mt 10, 9-10). Phanxicô quyết định từ bỏ tất cả, mặc chiếc áo thô buộc giây da, lòng hân hoan, đi rao giảng lời Chúa. Hai đồ đệ đến xin theo, người lấy 2 đoạn Phúc Âm thánh Matthêô (10,9; 20, 21) và 1 theo Luca ( 9, 23) làm mực thước.
Phanxicô Assise là một vị thánh được coi là “người Kitô hữu chân thật số môt của lịch sử”, “vị thánh dễ thương nhất”.(Sdt)
Cuốn Gương Phúc của Thomas a Kempis (1380-1431),được coi là cuốn sách hay thứ hai, sau Phúc Âm, vẫn có nhiều người đọc, mặc dù đã trải qua 6 thế kỷ rồi, chứng tỏ phần nội dung của sách đáp ứng được một nhu cầu nên thánh trong đời thường của Kitô hữu, qua các thời đại.
Trong một thế giới cạnh tranh, đua đòi và lệch về khuynh hướng hưởng thụ vật chất như ngày nay, chúng ta đọc lời sau đây của Gương Phúc :
*Con hãy khinh rẻ mọi của thế tục, từ khước tất cả thú vui đời tạm, con sẽ được Cha chúc phúc và được an ủi dồi dào.
Và càng từ rẫy những mơn trớn của tạo vật, con càng được an ủi êm dịu và mãnh liệt của Cha.( Chương XII quyển III)
Ngày Thứ Hai: “ Phúc cho những kẻ hiền lành vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp.”
Đoạn Tin Mừng theo Matthêô 11, 28-30, sau đó, Chúa Giêsu nói rõ hơn về Phúc thứ hai này : “ Hãy đến với Ta, hết thảy những kẻ lao đao và vác nặng, và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức; Hãy mang lấy ách của Ta vào mình, hãy thụ giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và các ngươi sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn. Vì chưng ách Ta thì êm ái, và gánh Ta lại nhẹ nhàng.”
Sống Phúc Âm giữa lòng trần thế đầy những bất công, áp bức, khủng bố và trấn áp dưới mọi hình thức như xã hội Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới ngày nay, người Kitô hữu cần có thái độ và cách ứng xử như thế nào,giữa im lặng và thỏa hiệp, để tránh dư luận nghiêm khắc , ít hay nhiều cũng đều không hay, nếu không nói là dù muốn hay không, đều ảnh hưởng trong dân chúng, nhất là những thành phần dân chúng là nạn nhân của tình trạng xã hội trên đây.Họ lại là những thành phần nghèo của xã hội. Nhất là họ là người của Chúa, họ thuộc về Chúa. Chúa Giêsu và Gia đình Nazareth đã sống nghèo giữa những người nghèo trong xứ Galilêa.Mà những người nghèo thì thường thường là rất hiền hậu, nhẫn nhục trong gian truân ưu phiền. Họ không được ai bênh vực, ủi an khi gặp thử thách. Chính vì thế mà Chúa Giêsu sinh ra trong phận nghèo và trong thời Israel bị đô hộ. Yếu tố lich sử này làm tăng nỗi thống khổ của dân Israel.Họ chịu hai áp bức. Một là do đế chế La Mã, hai là do tầng lớp lãnh đạo đền thờ.Cho nên, họ chỉ trông ngóng Đấng Cứu thế ra đời để giải thoát họ khỏi cảnh lầm than, cơ cực. Nhưng khi Đấng Thiên sai đến ở giữa họ thì họ lại không nhận ra người, phát xuất từ các tư tế, chứ không từ dân. Đất nước Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua, còn chịu nỗi thống khổ hơn rất nhiều dân Israel trong thời bị La Mã thống trị. Nêu vấn đề này ra đây , chúng tôi chỉ muốn nói đến việc những người nghèo trong xã hội Việt Nam, số đông người Công giáo thuộc thành phần này,qua các thời kỳ Cộng sản, họ là một thành phần quan trọng còn giữ gìn bản sắc dân tộc. Riêng với người Công giáo, họ có lời Chúa, có Giáo hội hướng dẫn. Giáo hội ở bên họ, sống với họ trong gian nan, thử thách, trong lao tù, trong khủng bố. Nhưng ngày nay, có bao nhiêu người Công giáo còn trung tín như thế ? Chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa tục hóa, hai hình thái vô thần, trong đời sống tôn giáo, xâm nhập cả vào thánh đường, có nguy cơ càng ngày càng lan rộng trong các tầng lớp,kể cả các vùng ở nông thôn, đặc biêt tại các thành phố lớn.
Chính trong bối cảnh xã hội như thế mà chúng tôi nghĩ đến việc phải sống một cách tích cực, sống mạnh mẽ với “Tám Mối Phúc “ trong Tuần Bát Nhật, tám ngày liên tiếp.Quả thật là rất cam go, đòi hỏi người tín hữu Công giáo phải can đảm, phải quyết tâm chọn lựa giữa lời Chúa và những mơn trớn, những quảng cáo đầy màu sắc nhưng cũng là hư ảo đang ngự trị trong mọi gia đình, nó điều khiển những sinh hoạt bình thường trong gia đình.Hãy học ở dân Israel,trải qua hàng thế kỷ, ngày đêm ngóng chờ Đấng Cứu Thế đến. Họ rất kiên nhẫn, ngày đêm cầu nguyện và hy vọng. Người Công giáo Việt Nam cũng thế, chúng ta đang sống trong một xã hội không muốn chấp nhân tôn giáo hiện diện trên đất nước này.Để tồn tại và không làm mất căn tính Kitô giáo của mình, Công giáo Việt Nam đã và đang đóng góp bằng rao giảng lời Chúa và thi hành bác ái trải rông khắp nước. Mà lời Chúa là chân thật, chân lý, bao dung , tha thứ và là đường dẫn tới sự sống vĩnh cửu.Đây là phương thế duy nhất theo tinh thần của Tin Mừng.
Câu chuyện sau đây liên quan đến thánh Phanxicô-đệ-Salêsiô, về đức nhẫn nhục và hiền lành . Thánh nhân có một người giúp việc, một tay bợm rượu và gạt ra ngoài tai mọi lời quở mắng. Một tối kia, người giúp việc này lén lút đi ra quán rượu bên cạnh. Nửa đêm, lò mò về nhà, người say mèm, nhưng gặp cổng lại đóng kỹ. Hắn gõ, gõ mãi. Song không thấy ai ra mở. Hắn nằm ngủ luôn trước cổng. Nghe tiếng động, Đức giám mục thức dậy bước ra vớ ngay được hắn nằm co dưới đất…Chẳng kêu ai giúp, ngài ẵm tên say rượu vào giường của ngài, rồi sau khi cầu nguyện cho linh hồn hắn, ngài đi ngủ trong một căn phòng khác.Tên say rượu ngủ một mạch cho đến trưa. Khi trở dậy, thấy mình nằm trong phòng chủ, kinh khiếp rụng rời, hắn liền chạy đến quỳ dưới chân thánh Phanxicô để xin ngài tha thứ, và hứa sẽ trở nên người mới. Hắn đã giữ lời.
Đức hiền từ thắng lướt mọi chướng ngại.
(Dẫn theo sách SỐNG, Vivre, của M.M. Arami, Sài-Gòn 1970 tr. 344)
Ngày Thứ Ba : “Phúc cho những kẻ ưu phiền, vì họ sẽ được an ủi.”
Đối tượng của hai “mối phúc” trên đây là những ai nghèo khó và hiền lành, chúng tôi hiểu theo lẽ thông thường, chứ không theo cách của các nhà chú giải kinh thánh. Đối tượng “mối phúc” thứ ba này cũng thế : Những kẻ “ưu phiền”, hay ưu sầu, theo cách hiểu và theo quan điểm của chúng tôi, là số đông dân chúng Việt Nam trong hai thành phần Công nhân và Nông dân, một thành phần khác không kém quan trong và cũng không phải là số ít, đấy là trí thức tiểu tư sản. Họ là những đối tượng chịu áp bức nhiều nhất, thua thiệt nhiều nhất kể từ khi Việt Minh - Cộng Sản nổi lên.
Vì thế, khi người Công giáo sống với tinh thần nghèo khó, hiền lành và mang nỗi ưu tư, phiền muộn thì không phải sống trong tâm trạng oán thán, hận thù hay là bất mãn thường xuyên. Song là, ý thức rõ lời Chúa chúc phúc cho kẻ nghèo khó, vì họ nên giống Người khi nhập thể, hòn đá không có gối đầu. Các giáo phụ giải thích : kẻ nghèo có nghĩa trước tiên là kẻ khiêm nhượng, kẻ có tinh thần nghèo khó. Cái nghèo khó ở nơi tinh thần, chứ không ở nơi của cải. Lý tưởng này, chính Chúa Giêsu đã nói về Người :”Ta khiêm nhường và hiền lành trong lòng” (Mt 11,29)
Vậy nên, người Công giáo hôm nay mang các mối phúc này vào đời sống của mình áp dụng mỗi ngày, một cách thành tâm, thiện chí và nhiệt thành cộng với quyết tâm, chắc chắn sẽ được Chúa trợ giúp. Hãy cầu xin với Chúa điều này, vì không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì. Riêng với mối phúc thứ ba, những kẻ ưu phiền. “ Họ có thể là những kẻ lầm than, ngậm tủi nuốt sầu, những tâm hồn bị nghiền tán, tan vỡ ra, những người bị một tang tóc, một âu sầu trong lòng, đau đớn như thể bị tan ra.” (Theo Lm Nguyễn Thế Thuấn trong cuốn Hiến chương Nước Trời, Bài giảng trên núi, không ghi năm xuất bản, tr.58.)
Sống với mối phúc này, có nghĩa chúng ta cảm thông và liên đới với họ.Trước những áp bức, bất công, khủng bố v.v…, người Công giáo không bao giờ lại có thể trở nên vô cảm, dửng dưng. Chúng ta không say mèm trước những người đang rách và đói ăn thực sự, không vui cười thỏa chí trước những người đang đau khổ vì bị bóc lột, bị thua thiệt trên tài sản của mình bị cướp đi…Hãy học với thánh Phaolô tông đồ : “Ai vấp ngã, mà tôi lại không sốt người lên ?”(2C 11,29)
Ngày Thứ Tư : “Phúc cho những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đầy”.
Phúc thứ tư này, Sách Mục Lục do nhà in Tân Định ấn hành, ghi: Thứ bốn, Ai khao khát nhơn đức trọn lành, ấy là phước thật, vì chưng sẽ đặng no đủ vậy.Bản của Nhóm phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ thì :Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Chúng tôi hiểu theo lối thông thường bình dân : “Khao khát nhân đức trọn lành”.
Người Kitô hữu sống giữa trần thế lắm quỷ nhiều ma, con cái ma quỷ khôn hơn con cái sự sáng, nhưng nếu họ có một “trí lự đơn thành” (lời sách Gương Phúc) và luôn khát khao trở nên người con đích thực của Chúa, vì Chúa là Đấng Thánh, là Đấng trọn lành, thì họ sẽ được no đủ và dồi dào.
*Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành.* (Mt 5, 48).
Tuy nhiên vì cái nghĩa “công chính” rất rộng nên chúng tôi mượn chú giải của cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn trong sách của ngài đã dẫn trên đây.Chúng tôi thiết nghĩ, qua phần chú giải này, chúng ta cũng có thể áp dụng vào cuộc sống của mỗi người trong chúng ta, về mối liên lạc giữa con người với nhau, và mối liên lạc giữa chúng ta với Thiên Chúa. Cha Nguyễn Thế Thuấn viết :
*Trong sách thánh, sự công chính có nhiều nghĩa. Trước hết, công chính trái ngược với bất công, như vậy có thể hiểu là quyền lợi chính đáng. Sự công chính, trước tiên, giống chữ nghĩa trong kiểu nói của Khổng tử “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Nhân có nghĩa là nhân từ, lòng thương người do bởi tình người với nhau. Chữ nghĩa cũng có nghĩa tương tự như vậy, nhưng đem về tính cách bổn phận và quyền lợi hơn. Chữ “dika” (công chính) là thái độ người ta phải có với nhau đúng theo liên lạc nào đó mà người ta gọi là liên lạc giao ước.Người ở xứng đáng với mối liên lạc phải có với nhau, tùy theo dây liên lạc xiết chặt lại nhau. Vì thế có thể nói được đến cái nghĩa vợ chồng với nhau, cái nghĩa vua tôi với nhau, cái nghĩa chủ tớ với nhau, hay là nghĩa bà con thân thuộc với nhau, ăn ở theo tình người với nhau. Vậy “dika” là tiếng đem về sự liên lạc tương quan giữa người với người. Sự liên lạc này được chuyển qua sự liên lạc với Thiên Chúa như trong sách Khởi nguyên đoạn 15 nói rằng Abraham đã tin vào Thiên Chúa và sự ấy được kể cho ông như sự công chính. Nghĩa là bởi tin, Abraham đã làm trọn điều phải có, đã làm trọn mối liên lạc phải có đối với Thiên Chúa rồi.*(tr.59tt).
Ngày Thứ Năm : “Phúc cho những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót”.
Theo chú giải của Cha Nguyễn Thế Thuấn, hình thức của ba mối phúc thật thứ 5,6 và 7 và cả mối phúc thật thứ 8, là của Matthêô.Thực sự bốn mối phúc thật này không còn theo kiểu tương phản như các mối phúc thật 1,2,3,4, mà trở thành nhân đức cả, và chúng liên kết với nhau, phần thưởng đi với nhân đức phải có : thương xót thì được thương xót, trong sạch thì mắt phải được tinh sạch để thấy Thiên Chúa, yêu chuộng hòa bình là tư cách của con Thiên Chúa, bị bắt bớ vì Nước Thiên Chúa thì được Nước Thiên Chúa làm của mình. Sự công chính ở đây là thế : công chính và bắt bớ như nhau. Do đó, chúng ta có thể thấy được bốn mối phúc thật đầu có nghĩa tuyệt đối và tương phản đúng với lời Chúa Kitô tuyên bố.
Vậy mối phúc thật thứ 5 này thường được chúng ta hiểu một cách quá khuyến thiện theo kiểu thiển cận. Chúng ta không thể hiểu là “ai thương người thì được người ta thương lại”. Đó là ích kỷ và chứng tỏ là không hiểu cách dùng văn. Câu “họ sẽ được thương xót” được viết theo kiểu thụ động để chỉ việc tránh Danh Thiên Chúa mà thôi, nên đúng nghĩa là : “Thiên Chúa thương xót” và “sẽ được thương xót” tức là sự thương xót cùng tận trong thời cánh chung Thiên Chúa can thiệp trước tòa phán xét của Người, chứ không phải là ở đời này. Vậy không thể cắt nghĩa như chúng ta thường cắt nghĩa là “kẻ thương người thì được người ta thương lại”.
Đây là những kẻ thi hành lòng thương xót chạnh thương những kẻ phiền sầu, ưu sầu và hơn nữa, là những kẻ có lòng từ tâm, tương thân tương ái, tha thứ, không chấp nhất lỗi lầm. Vậy mối phúc thật thứ 5 này muốn nói điều này là Thiên Chúa sẽ xử nhân hậu một cách lạ lùng với những kẻ thương người.(x. Hiến chương Nước Trời, tr.62-63).
Đấy là chú giải theo văn bản và cách hiểu thông thường, đồng thời đưa về ý nghĩa thực sự của thần học. Vì cái nghĩa chân thực của thần học mới là điều chúng ta cần tìm hiểu để sống trọn cái đạo làm con Chúa.
Trở lại với Phúc Thứ 5 :”Phúc cho những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót”.
Chúng ta ngược dòng cứu độ : Các người con của Jacob muốn hãm hại Giuse,đứa em út của họ, nhưng Thiên Chúa đã dùng Giuse để cứu nhà Jacob trong thời kỳ cơ bần và sau này, khi con cái nhà Israel trở nên đông đúc tại Ai Cập trong thân phận nô lệ, Thiên Chúa đã dùng Môisen để giài thoát ho khỏi cảnh khổ dịch, lầm than và dẫn họ vào Canaan, miền đất phì nhiêu. Nhưng trước đó, dân Israel đã phải trải qua 40 năm trong sa mạc. Không cái ăn thức uống, Thiên Chúa đã cho họ chim cút và manna, cho nước chảy ra từ một tảng đá; rắn độc cắn chết con cái Israel thì Thiên Chúa cũng ra tay cứu chữa họ.
Chúa Giêsu cũng làm chứng về lòng thương xót của Chúa Cha : “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.” (Mc 11,25)
Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Có bản gọi dụ ngôn này là : tên mắc nợ không biết thương xót, có bản ghi là : người bày tôi ác nghiệt. Chúa Giêsu nói : “ Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách . Khi nhà vua bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lậy : “Thưa ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : “Trả nợ cho tao !” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ : “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”(Mt 18, 23-35).
Chúng ta còn rất nhiều dẫn chứng qua toàn bộ kinh thánh về lòng thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu. Ở đây chỉ xin dẫn một vài trường hợp về lòng thương xót của Chúa Giêsu.
Việc chữa lành các bệnh tật, ốm đau:
*Chiều đến, người ta đem lại cho Ngài nhiều người bị quỉ ám, và Ngài trừ thần dữ bằng một lời nói và chữa lành hết mọi người ốm đau, hầu được nên trọn điều đã phán nhờ tiên tri Ysaya nói rằng : “Các bệnh tật của ta Ngài đã gánh lấy, Ngài đã vác lấy các nỗi đau thương của ta.”(Mt 8, 16-17)
Về tình cảnh khốn quẫn của dân :
*Đức Giêsu rảo khắp các thành, các làng, giảng dạy trong các hội đường của họ, và loan báo Tin Mừng về Nước cùng chữa lành mọi tật nguyền bịnh hoạn.
Thấy dân chúng, Ngài chạnh lòng thương họ, vì họ bơ phờ vất vưởng, như chiên không người chăn giữ. Bấy giờ Ngài bảo môn đồ : Mùa màng nhiều, thợ gặt ít ! Vậy các người hãy xin Chủ mùa sai thợ gặt đồng lúa của Người”.(Mt 10, 35-37)
Xin tạm dừng ở đây mấy phút để cảm thông với Chúa Giêsu khi thấy dân chúng trong tình cảnh bơ phờ vất vưởng, giữa một thế giới bao phủ bởi lề luật và nô lệ, một thế giới nghèo nàn về đường thiêng liêng, đạo đức mà không có người lãnh đạo. Đây chắc hẳn là một nỗi lo của Chúa Giêsu. Và hôm nay cũng vẫn là nỗi lo của Giáo Hội. Có lẽ nỗi lo này là rất lớn , xét về nội bộ Giáo Hội và hoàn cảnh thế giới bên ngoài.Vì thế, ngày 19-6 vừa qua, ĐTC Bênêđictô XVI, đã khai mạc Năm Linh Mục, sẽ chấm dứt vào ngày 19-6-2010.
Ước gì, mỗi Kitô hữu cũng mặc lấy cái tâm tình của Chúa Giêsu khi thấy thế giới mình đang sống còn rất nhiều người chưa biết Chúa và cũng có nhiều người khước từ Chúa. Lòng thương xót của Chúa Giêsu cũng phải là lòng thương xót của mỗi Kitô hữu trong hoàn cảnh sống của mình.
Đoạn Tin Mừng về “phán xét cùng tận” vẫn là một nhắc nhở căn bản cho mỗi Kitô hữu chúng ta về lòng thương xót của ta đối với tha nhân, nhất là với những người nghèo khó :
*Quả thật, Ta bảo các ngươi : những gì các ngươi đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta. (Mt 25, 40).
Ngày Thứ Sáu : “Phúc cho những kẻ tinh sạch trong lòng, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa”.
Mối Phúc thứ sáu này đưa chúng ta về Thánh Vịnh 24, 3-5 :
Ai sẽ lên núi Chúa ?
Ai sẽ đứng chầu trong chốn thánh điện của Người ?
Kẻ tay trắng trong, lòng băng tuyết.
Hồn không hướng tới hư không,
Không thể đặt mưu phỉnh gạt.
Kẻ ấy sẽ lĩnh chúc lành Chúa ban xuống,
cùng ân nghĩa từ thần linh tế độ.
Theo chú giải của Cha Nguyễn Thế Thuấn (Sđd, tr. 64), tay phải trắng trong và “lòng băng tuyết” là những điều kiện để được nhập vào khu vực thánh.Thực vậy, khi vào nơi thánh điện để dâng lễ vật cho Thiên Chúa Yavê, dân Israel phải không được “ gần đàn bà” (1Sm 21, 4), không bị phong cùi, không được đụng đến một người bị ô uế bởi xác chết, không được sờ đến côn trùng hoặc dơ bẩn nào khác (Lc 22, 4-8).Dần dần những nghi tiết và điều kiện này được thiêng liêng hóa đi. Do đó, sự trong sạch theo nghĩa thiêng liêng là lòng thành, đơn thành, không nhị tâm, không làm tôi hai chủ (Mt 6, 22-24),một ý chỉ ngay lành, mến Chúa và yêu đồng loại cách ngay lành : “Ai tưởng mình là đạo đức mà không gò hãm miệng lưỡi mình, song lại tự dối lòng mình, thì hư luống thay đạo đức của nó ! Lòng đạo đức trong sạch, vô tì, đối với Thiên Chúa và là Cha, ấy là viếng thăm cô nhi quả phụ lâm nỗi ngặt nghèo và giữ mình không bợn vết nhơ của thế gian.”(Yc 1, 26-27)
Sách Gương Phúc (hay Gương Chúa Giêsu), quyển II chương IV có lẽ tác giả,Thomas a Kempis, đã lấy cảm hứng từ Mối Phúc thứ sáu này để viết chương sách trên đây:
Đôi cánh nhiệm:
*Con người nhờ hai cánh để cất bổng mình lên trên thế sự : đức đơn sơ và trong sạch. Đơn sơ trong chí lự và trong sạch trong tâm tình.
Đơn sơ để đến cùng Chúa, trong sạch để được và hưởng Chúa.
Nếu tâm hồn thoát ly được mọi tình yêu lăng lố, thì làm gì bạn cũng sẽ không thấy nặng nhọc.
Nếu bạn quyết tâm và chỉ tìm đẹp ý Chúa và ích cho đồng loại, lòng trí bạn sẽ được thong dong thực.
Nếu tâm hồn bạn thẳng thắn, tất cả tạo vật sẽ nên tấm gương cho bạn soi để chỉnh đốn cuộc đời, và nên sách dạy bạn một học thuyết thánh thiện.
Chả tạo vật nào dầu nhỏ bé và tầm thường mấy, mà không biểu dương lòng tốt của Chúa.
Lợi ích của trong sạch:
Nếu có tâm hồn ngay chính và trong sạch bạn sẽ nhìn tỏ và thấu đáo được tất cả sự vật.
Tâm hồn trong trắng thâu nhập cả thiên đàng và hỏa ngục.
Người ta nhận xét sự vật bên ngoài tùy theo tình trạng tâm hồn mình.
Đời có gì vui, cái vui đó là kỷ phần của tâm hồn trong sạch.
Nhưng nếu gặp sầu tủi đau đớn, thì đó là sản phẩm của lương tâm bất chính.
Như sắt vào lửa sẽ rụng hết gỉ ghét và nên trong sáng, người thành tâm trở lại cùng Chúa cũng giũ sạch nhược tệ và nên người mới.
Khi người ta bắt đầu phóng túng, lúc đó dầu một việc nhẹ cũng ngại ngùng, và chỉ ham tìm an ủi bên ngoài.
Trái lại, khi người ta bắt đầu tự thắng và can đảm bước vào đường Chúa, người ta sẽ thấy cái trước kia là đá, bây giờ trở nhẹ như bông.
Ngày Thứ Bảy : “Phúc cho những kẻ tác tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”
Ý nghĩa thông thường xưa nay vẫn hiểu trong Mối Phúc thứ bảy này là sự thuận hòa giữa con người với nhau, “làm cho người hòa thuận”.Sách Mục Lục của nhà in Tân Định ghi là : “Thứ bảy, Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phước thật, vì chưng sẽ đặng gọi là con Đức Chúa Trời vậy.” Trong các bản khác, có nơi in là “xây dựng hòa bình”.Vậy, “tác tạo” hay “xây dựng” đều có một ý nghĩa tích cực.Giáo Hội là Giáo Hội của Hòa Bình.
*Công việc mà gia đình nhân loại phải bắt tay vào là xây dựng một thế giới thực sự nhân bản hơn cho tất cả mọi người ở mọi nơi. Công việc này chỉ được hoàn thành cách tốt đẹp nếu tất cả mọi người đều cải tạo tâm hồn để hướng về hòa bình đích thực. Như thế, sứ điệp Phúc Âm phụ họa với những khát vọng và cố gắng cao cả của nhân loại mới rực sáng lên ở thời đại chúng ta bằng luồng sáng mới, khi công bố phúc cho những người kiến tạo hòa bình “vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.(x.Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, câu 77)
Đấy là việc rộng, có tính toàn cầu hoặc quốc gia. Vấn đề này không thích hơp cho tinh thần của bài viết này, nên xin không bàn rộng đến. Tuy nhiên, mỗi Kitô hữu, trong vị trí và cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải là những yếu tố xây dựng bình an và hòa thuận, từ trong chính bản thân mình, trong gia đình mình và nơi cộng đoàn, các đoàn thể Công giáo tiến hành cũng như tại Giáo xứ.
*Vậy nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ , và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, mà đi làm hòa với anh em ngươi trước đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi.(Mt 5, 23-24)
Tin Mừng của Chúa Giêsu bao giờ và trong mọi vấn đề, luôn luôn đặt chúng ta trước những hành động hay tinh thần triệt để và tích cực. Trái lại, con người thời nay, chúng ta luôn ở vị trí lưng chừng , coi mình là cái rốn, không bao giờ muốn hạ thấp mình trước kẻ khác, không bao giờ tự động “làm hòa” với anh em mình trước !
Ngày Thứ Tám : “Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ.”
Theo chú giải của Cha Nguyễn Thế Thuấn, Mối Phúc thứ tám này có thể hiểu theo hai chiều.1-Trong thư Thứ nhất của thánh Phêrô, đoạn 3 câu 14 : “Mà nếu anh em phải khổ vì sự công chính, thì phúc cho anh em.” Ngài không dẫn câu 13, vì câu này mới là lời của thánh Phêrô, một lời khuyên giáo hữu của ngài, hãy làm điều thiện. Còn câu 14 trên đây là lời của Chúa Giêsu trong Mối Phúc thứ tám. Vậy cả hai câu 13 -14 như sau : “Vả lại ai nào hại được anh em, nếu anh em nhiệt thành với điều thiện ? Mà nếu anh em phải khổ vì sự công chính, thì phúc cho anh em !” 2-Nhưng trong văn mạch lạc của Mt, sự công chính vẫn là sự trọn lành, sự thánh thiện. Đó là sự công chính mới của Tin Mừng. Vậy bị bắt bớ vì sự công chính sẽ là bị bắt bớ vì mang tư cách của kẻ tin và đi theo đường Chúa Kitô đã vạch ra.Vậy như trong tinh thần của Mt thì nhấn vào điều này : điều cốt thiết của tín hữu là sống theo sự trọn lành Chúa Kitô đã dạy, ngay giữa những cấm cách bắt bớ, dẫu vì đạo Chúa mà bị ghét bỏ, khinh rẻ, bắt bớ này khác.” (Sđd, tr.67-68)
(ngày 25-7-2009)
Antôn Triều
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.