THEO ĐẠO KHÔNG SỐNG ĐẠO
Trần Mỹ Duyệt
- Ông theo đạo nào?
- Tôi theo đạo Ông Bà. Còn ông?
- Tôi theo đạo Tin Lành.
- Còn tôi theo đạo Công Giáo.
Những câu đối đáp trên cho thấy phần nào cái tâm trạng chung của nhiều Kitô hữu chúng ta, đó là theo đạo hay đi đạo đồng nghĩa với học đạo, sống đạo, và hành đạo. Chính vì vậy, nhiều người sau khi lãnh phép Thánh Tẩy là coi như tự nhiên biết đạo, tự nhiên là người có đạo, và do đó, không cần thiết tha, không cần tìm hiểu, và không cần sống đạo.
NHỮNG HÌNH THỨC ĐẠO THEO
“Lậy Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ”. Theo đạo hay đạo theo. Quan niệm này ngày nay đang xẩy ra dưới nhiều hình thức: theo đạo để có người yêu. Theo đạo để kiếm được địa vị. Theo đạo vì công ăn việc làm. Theo đạo vì bố mẹ mình có đạo. Theo đạo vì được rửa tội ngay từ còn nhỏ. Theo đạo vì thấy người trong đạo làm gì thì mình làm như vậy. Theo đạo vì thấy đạo vui vui, vì thấy đạo đáp ứng phần nào nhu cầu tâm linh của mình. Theo đạo để có chỗ mà cầu xin mỗi khi mình cần một cái gì. Với một số đông khác, theo đạo cùng nghĩa với việc gia nhập các hội đoàn, đoàn thể, các hoạt động tôn giáo.
Như vậy, linh mục chính xứ vì bất đồng ý kiến với một số vị trong hội đồng, mà đập bàn quát tháo, bất mãn rồi bất mãn bỏ phòng họp đi ra ngoài.
Không được bầu làm trưởng ban tổ chức, ông chủ tịch đã vùng vằng bỏ họp ra về. Ông đã giận linh mục chính xứ và cũng từ đó thôi luôn không tham dự các sinh hoạt của giáo xứ. Bỏ thánh lễ, và bỏ đạo.
Không được chị em tín nhiệm bầu lại trong nhiệm kỳ khóa hai nên nghỉ sinh hoạt với hội, và cũng cấm luôn người con trai không cho làm huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể trong giáo xứ.
Xưng tội “cha mới” thiêng hơn “cha cũ”. Xưng tội cho vui.
Tóm lại hình thức theo đạo, hay đạo theo đối với nhiều người còn cùng nghĩa với việc:
Tham dự các hội đoàn, đoàn thể. Tham gia các hoạt động tôn giáo để có chút danh tiếng, để xã giao và tạo cơ hội hùm hạp, làm ăn.
Tham dự các nghi lễ, và lãnh nhận các bí tích cho vui, hoặc tỏ ra là mình có đạo.
Kinh kệ dài dòng, hoặc đọc thuộc lòng những kinh sách mà không một chút suy tư.
Đếm coi bao nhiêu lễ mình dự, bao nhiêu lễ mình xin, và bao nhiêu ơn toàn xá, đại xá mình được để tin rằng với những bảo đảm tinh thần ấy sẽ được lên Thiên Đàng.
Những việc làm trên là một hình đạo theo, theo đạo chứ không sống đạo. Hành động theo cảm tính. Hoạt động vì ham danh, vì được người khác nể trọng. Tham dự các bí tích cho vui, ai sao tôi vậy. Đây không phải là sống đạo, vì những hành động ấy không mang lại sức sống tâm linh và làm nẩy sinh hoa trái của đời sống tâm linh thực sự.
SỐng đẠo
Đề cập đến hình thức đạo theo hay theo đạo, chúng ta không nhắm tới những người sau khi đã khôn lớn, bằng tác động thần linh học hỏi, khám phá, và cảm nhận được Đức Tin. Những Kitô hữu này đúng ra là nhận biết Chúa một cách muộn màng, chứ không phải là những kẻ theo đạo hoặc đạo theo như một số vẫn tự hào và cho mình là đạo gốc, đạo dòng thường quan niệm. Thánh Kinh đã nói rõ về điều này khi Chúa Giêsu dùng thí dụ người chủ thuê thợ làm vườn cho mình, trong đó có người được thuê từ sáng sớm, một số khác muộn màng hơn. Hoặc khi Ngài nói về nước trời thì cho biết là nhà Cha của Ngài có nhiều chỗ.
Những người đạo từ trong bụng mẹ đạo ra. Những người vừa sinh ra mấy ngày đã được mang đi rửa tội chưa chắc đã “có đạo”, nếu như không “sống đạo”. Ở một nghĩa nào đó, họ vẫn là những người theo đạo, hay đạo theo. Theo đạo bố mẹ, theo đạo anh chị em, theo đạo vì từ đời ông bà, cha mẹ đã theo đạo, và nay không muốn bỏ.
Học đạo, sống đạo, và hành đạo. Đây là ba điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu của một cursillista, thuộc phong trào Cursillo. Một phong trào Công Giáo Tiến Hành có tầm mức quốc tế và hiện thu hút rất nhiều Kitô hữu thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa gồm hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục, tu sỹ nam nữ, và giáo dân.
Ba điểm sống trên rất phù hợp với đường hướng sống đạo mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vạch ra cho Giáo Hội và riêng mỗi một Kitô hữu, đó là: “Lời Chúa, Thánh Thể, cầu nguyện, và bác ái huynh đệ.”
Người Kitô hữu sau khi đã trở thành con Chúa, dù là từ lúc còn nhỏ do cha mẹ đem đến thánh đường để nhận phép Thánh Tẩy, hoặc sau này do tự ý mình gia nhập Giáo Hội, cần thiết nhất là phải “sống đạo”. Sống đạo chứ không chỉ theo đạo.
Sống đạo là sống với Lời Chúa, sống bằng Thánh Thể, sống bằng cầu nguyện, và sống bằng những hành vi bác ái như Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở, và như chính Chúa Giêsu đã truyền dậy: “Người ta sẽ cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ thầy, là các con yêu thương nhau” (Jn 13:35).
Đọc kinh rang rang ngoài miệng chưa phải là cầu nguyện, và vì thế, chưa phải là sống đạo cách trưởng thành.
Cầu nguyện theo những kinh bổn đã được soạn sẵn, mặc dù đó là những tâm tình của nhiều vị thánh, hoặc những nhà đạo đức cũng chưa phải là sống đời cầu nguyện.
Cầu nguyện là thưa truyện với Chúa. Nói với Chúa như con nói với cha. Cầu nguyện như tâm tình cầu nguyện mà Chúa Giêsu dậy trong Thánh Kinh. Chúa cầu với Chúa Cha như thế nào? Và Chúa bảo các Tông Đồ cầu như thế nào, nơi chốn và cách thế, là cầu nguyện để sống đạo, và sống đạo do cầu nguyện. Đem tinh thần và Lời Chúa vào đời sống của mình bằng cách đối diện với Chúa, lắng nghe và thực hành Lời ngài dậy bảo.
Rước Thánh Thể cho qua lần chiếu lệ, không đem sức sống của Thánh Thể vào đời sống tâm linh và làm tăng trưởng cuộc sống ấy, chưa gọi là rước Chúa để sống đạo. Nhiều Kitô hữu vừa ra khỏi thánh đường đã cãi lẫy, gây sự, và có những hành vi thiếu hoặc lỗi đức ái, như vậy không phải là rước Thánh Thể để sống đạo. Không phải là có Chúa trong cuộc đời của mình.
Làm ngơ và không quan tâm đến những đau khổ, bất hạnh của anh chị em mình bằng cách khỏa lấp tính tham lam, hà tiện, hẹp hòi, kiêu căng qua những kinh kệ, qua những lần đến thánh đường, qua những buổi lễ lạc, tổ chức linh đình đó không phải là sống đạo.
Sống đạo là sống Lời Chúa:
“Lời Chúa là đèn soi lối con đi, là ánh sáng soi đường của con” (Ps 119:105). Người Kitô hữu thực sự phải học, phải say mê, và phải sống Lời Chúa. Nhưng cho đến nay, một điều xem như hiển nhiên là phần đông người Công Giáo Việt Nam trong lứa tuỗi 50 trở lên thuộc lòng nhiều kinh bổn, thuộc lòng nhiều ca vãn, nhưng biết ít về Kinh Thánh. Trong nhà nhiều người Công Giáo còn không có một cuốn Thánh Kinh. Có thể nói đây là lối sống đạo “đọc kinh”. Đọc kinh thay cho sống đạo.
Phần lớn, hay có thể nói là toàn tòng các thánh đường ở Việt Nam, ngay cả tại các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở Hoa Kỳ, mỗi ngày Chúa Nhật trước thánh lễ đều có đọc kinh rang rang. Kinh Mười Điều Răn, kinh Phúc Thật Tám Mối, kinh Tin Cậy Mến. Nhưng nếu hỏi tại sao và ở đâu Chúa đã ban 10 điều răn, hoặc cái ý chính của 10 giới răn ấy là gì thì có lẽ nhiều người không biết. Và phần đông sẽ cho rằng, đó là 10 điều phải giữ để khỏi phải sa địa ngục. Riêng về Phúc Thật Tám Mối, nếu có hỏi tại sao nghèo lại là cái phúc. Đói khát sự công chính, hoặc khóc lóc là cái phúc, nhiều người cũng sẽ không biết phải trả lời ra sao. Nhưng bảo đọc 10 giới răn, hoặc 8 mối phúc thật thì hầu hết đều đọc thuộc lòng. Đó cũng là lý do nhiều người vẫn coi Chúa như “quan tòa” nghiêm ngặt và khó tính, nên ráng phải giữ, phải tránh những điều phiền hà, những cái có thể làm cho mình bị phạt, không được vào Thiên Đàng.
“Vô tri bất mộ”. Không hiểu Chúa, không biết ngài làm sao yêu mến. Không yêu mến làm sao sống, và làm sao có thể truyền bá hoặc rao giảng. Để mộ mến, để sống thân mật, và để hãnh diện nói với người khác về Thiên Chúa, cách tốt nhất là phải hiểu ngài, và biết ngài. Làm cách nào? Bằng cách đọc và suy ngẫm Thánh Kinh. “Có lời tiên tri chép rằng: “Chúng sẽ được Thiên Chúa dậy dỗ. Những ai nghe tiếng Chúa Cha và học nơi người hãy đến với ta” (Jn 6:45).
“Chúa có lời ban sự sống đời đời” (Jn 6:68). Thánh Phêrô đại diện cho các Tông Đồ thưa với Chúa trong khi ngài buồn lòng vì một số không tin ngài và đã bỏ đi.
Chúa có lời ban sự sống. Chính ngài là Lời của Thiên Chúa. Cũng chính ngài là sự sống: “Thật vậy, Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban người Con duy nhất của ngài để những ai tin vào ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Jn 3:16).
Vậy, để cầu nguyện như Chúa muốn ta cầu nguyện. Cầu nguyện để Chúa nhận lời. Cầu nguyện để kết hợp mật thiết với Chúa. Và để hiểu được ý nghĩa cao cả của Thánh Thể. Để Thánh Thể trở nên của ăn, của uống nuôi dưỡng linh hồn và làm thăng tiến đời sống tâm linh. Để đức ái được bén rễ trong đời sống thường ngày. Để biết mở rộng lòng mình trước những nỗi khổ của người khác. Biết mở rộng vòng tay ôm ấp những người nghèo khổ, và giúp đỡ những anh chị em đang cần sự giúp đỡ, người Kitô hữu phải ghi khắc, yêu mến, và suy niệm Lời Chúa. Xem Chúa dậy mình những gì khi cầu nguyện. Xem sức sống thần linh của Chúa tác động như thế nào trong đời sống tâm linh. Và nhất là phải sống bác ái như thế nào để được gọi là con Thiên Chúa. Là người Kitô hữu.
Tóm lại, sống Lời Chúa là sống mật thiết với Thánh Thể. Sống Lời Chúa là sống cầu nguyện. Và sống Lời Chúa là sống bác ái huynh đệ.
Tóm lại, để sống đạo chứ không theo đạo, chúng ta cần chỉnh đốn lại lối sống đạo, và các hình thức sống đạo có vẻ bề ngoài, hình thức rườm rà kinh kệ, linh đình rước sách, rầm ran tổ chức. Cần dồn nỗ lực vào việc học hỏi và suy niệm lời Chúa. Điển hình nhất là mở những lớp giảng dậy về Thánh Kinh. Những lớp hướng dẫn Thánh Kinh. Chúng ta chỉ có thể sống đạo cách trưởng thành, sống đạo cách sống động qua việc tìm gặp và sống ý nghĩa của Lời Chúa. Và chỉ có thế, chúng ta mới dám sống chết với Chúa như Thánh Phêrô đã thưa với ngài: “Bỏ thầy chúng tôi biết theo ai?”. Và cùng với Phêrô, chúng ta xác tín: “Thầy có lời ban sự sống” (Jn 6:68).
Sau hết, như Mẹ Maria, chúng ta phải: “Ghi nhận và suy niệm trong lòng” (Lc 2:19) Lời Chúa. Đây là chính là phương thế giúp tăng trưởng đời sống tâm linh của Kitô hữu chúng ta. Đây chính là sống đạo chứ không theo đạo.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.