ĐỜI THƯỜNG
HƯƠNG VĨNH
CHỨNG NHÂN GIỮA DÒNG ĐỜI
Việc sống Đức Tin giữ giòng đời là một thực tế, nhằm mục tiêu thánh hóa bản thân và tha nhân. Đức Tin sống động phải thể hiện bằng sự hiện hữu đích thực trong đời thường. Anh hưởng của Đức Tin sống động đó được gọi là ‘chứng nhân’, dựa trên sự hội nhập toàn diện con người và sức sống.
Để dấn thân như thế, không chỉ mang danh xưng Kitô hữu mà đủ, còn phải là Kitô hữu nữa. Cũng không phải hài lòng với việc là Kitô hữu mà còn phải áp dụng một lối sống để có thể mỗi ngày trở nên Kitô hữu một cách hoàn hảo hơn.
Chỉ công bố Phúc Am như là phần rỗi cho thế giới cũng chưa đủ, phải chứng minh cho thế giới thấy sự sống động của Phúc Am đang cứu rỗi nhân loại. Muốn như vậy, trước tiên phải phúc âm hóa tư tưởng, hành động, con tim, cử chỉ, điệu bộ và toàn diện con người của mình. Chứng nhân vừa là phương tiện để truyền đạt chân lý mạc khải, vừa thể hiện sự nghiêm túc của những lời nói được trao ban…
René Latourelle
Kitô giáo là một tôn giáo đang hấp hối?
Kitô giáo còn có điều gì để cống hiến cho thế giới hiện đại nữa không? Cho dù phải đối diện với nhiều trào lưu thế tục dâng lên như ngọn thủy triều, trên hai tỷ người Kitô hữu trên khắp thế giới – trong đó có mấy triệu tín hữu ở tỉnh bang Québec Canada là nơi phát sinh Kitô giáo ở vùng Bắc Mỹ – đã trả lời “có” đối với câu hỏi căn bản trên đây. Với những người đó, Đức Kitô vẫn còn là trọng tâm và trung tâm của nhân sinh và vũ trụ nầy. Đó là niềm cậy trông không mai một bao giờ.
Tuy nhiên ở tỉnh bang Québec, từ khi có cuộc Cách Mạng thầm lặng, Kitô giáo đã đi từ chỗ suy đồi đến tồi tệ hơn. Những người tham dự Thánh lễ Chúa nhật không ngừng sút giảm và những cộng đoàn tu trì Kitô giáo chỉ còn lại những mái đầu bạc phơ mà thôi. Giới trẻ thì thấy Giáo hội chán ngấy, lỗi thời và nền luân lý khắt khe của Phúc Am không còn thích hợp với thời đại nầy nữa. Vì vậy mà rất nhiều khối óc nặng suy tư đã quả quyết chắc chắn rằng Kitô giáo đó, Giáo hội Công giáo đó, đã làm xong vai trò lịch sử của mình rồi.
Không nhằm mục đích đi ngược lại trào lưu hiện đại – cũng như không mù quáng hay ngây ngô – chúng tôi nhận thấy lối phán đoán đó không chính xác, chỉ phản ảnh tư duy của một thiểu số trí thức – phần đông là những baby-boomers, những người lãnh đạo dư luận quần chúng rất có thế giá trên những phương tiện truyền thông và những trung tâm gây ảnh hưởng dư luận đối với quần chúng – đã khuất phục trước những trào lưu tư duy không được lành mạnh và có tính cách thế tục, nhằm mục tiêu duy nhất là chống đối lại chế độ giáo sĩ trị, trong những thập niên vừa qua.
Chúng tôi thiết nghĩ những nhà trí thức và lãnh đạo dư luận quần chúng đó đã phần nào bị sa lầy trong một thứ hỗn hợp ý thức hệ có tính cách triết lý và tôn giáo định vị trong những biên vực bao gồm những tác nhân sau đây: một chủ nghĩa triết học có tính cách tương đối đặt tất cả trên một chuẫn mực giống nhau, cái đúng cũng như cái sai; một thứ chủ nghĩa có tính cách chủ quan sôi động mà ở đó cái tôi được thần thánh hóa đã trở thành mẫu mực cho mọi sự và mọi việc; một thứ lảnh đạm có tính cách tôn giáo và luân lý thuộc môn phái bất khả tri; một thứ linh đạo pha trộn và chỉ có bề mặt, được chuyên chở bởi nhóm New Age…Ngoài ra còn rất nhiều thứ nữa, kể ra không bao giờ hết được.
Chúng ta nên nghe lời Thánh Phaolồ xưa kia cũng đã phải đối diện với một thực tế phũ phàng như thế, vào thời đại của Ngài: “Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triet lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô.” (Cô-Lô-Xê 2,8).
Thật ra sai lầm căn bản của những tư tưởng gia thuộc thế hệ nầy là muốn thoát ra ngoài cái vòng luẩn quẩn được gọi là sự Đại Đen Tối của một chế độ thống trị vừa có tính cách chính trị vừa có tính cách giáo quyền và muốn làm lại tất cả trên những căn bản đổi mới, vô hình chung đã đưa tới việc loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài vũ trụ tư duy của họ, đẩy lui Ngài ra khỏi định hướng và cuộc đời của họ. Vô tình, chính quan niệm cổ thời về Do-Thái giáo và Kitô giáo của con người và cuộc sống, đặt căn bản trên Phúc Am và lấy nguồn cảm hứng từ Phúc Am, không còn chỗ đứng trong lòng xã hội hiện đại.
Nói tóm lại, thế giới hiện đại cũng như xã hội tân tiến của tỉnh bang Québec hiện đại được xây đắp trên sự khước từ Thiên Chúa một cách có hệ thống và tiệm tiến, hiện tượng mà người ta thường gọi là bội giáo. Trên phương diện tập thể, bằng cách khước từ mãnh lực siêu nhiên như An Sũng (được lãnh nhận qua các bí tích của Giáo hội), chúng ta chỉ nhắm tới những thế lực trần thế như Tối Huệ Quốc, bao gồm chính trị, kinh tế và tiền tài là một thứ chúa tể mới.
Trên bốn mươi năm sống dưới chế độ đó, người ta có thể quả quyết không chút sai lầm là tín hữu tỉnh bang Québec đã và đang phải trả một giá rất đắt cho sự bội giáo của mình, đứng trên phương diện tâm linh: nhân tâm ly tán đưa tới sự tuyệt vọng và thảm trạng tự tử. Những điều đó là kết quả của một thực tế vắng bóng ánh sáng, niềm vui và sự an bình mà chỉ một mình Chúa Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và đã phục sinh có thể ban tặng mà thôi. Ngài đã chiến thắng mọi “mãnh lực của sự tối tăm”.
Kitô giáo: một ý thức hệ giữa những ý thức hệ khác
Theo thiển kiến, Kitô giáo rất ít được tín thác trong xã hội hiện đại bởi vì Kitô giáo đã bị một nhóm người ưu tú trong xã hội tân tiến giản lược để trở thành một thứ ý thức hệ như bao ý thức hệ khác, giản lược vào một hệ thống bao gồm những tín điều, giáo điều và những phương châm luân lý, kế thừa từ giòng lịch sử xa xưa, từ ý thức hệ tôn giáo mà nền tảng – như biến cố có tính cách lịch sử và siêu nhiên của “Chúa Giêsu” – sẽ trở nên khó chấp nhận trong bối cảnh duy lý khoa học của xã hội hiện đại.
Tuy nhiên một sự nhận thức về Kitô giáo như thế đã sai nhầm rất lớn. Chúng tôi muốn nhắc nhở những vị luôn tìm cách đối kháng giữa đức tin và lý trí – tức chủ nghĩa hiện đại hóa – về Tông Thư Fides et Ratio (1998) của Đức Thánh Cha Gioan Phao lồ Đệ Nhị. Thứ “suy lý cực đoan” đó, mới xem qua, chỉ nhằm mục đích làm mất sự tín nhiệm của Kitô giáo ngay trên chính nền tảng của Kitô giáo, xem ra không hợp lý mấy!
Mặt khác, điều quan trọng hơn nhiều, Kitô giáo trước hết không phải là một hệ thống, hay nói đúng hơn, điều đó chỉ thứ yếu mà thôi. Trên tất cả, Kitô giáo là một sự gặp gỡ có tính cách cá nhân với Thiên Chúa hằng sống như đã được mạc khải bởi Chúa Giêsu Kitô cho trần thế.
Nhận định như thế, Kitô giáo trước tiên có tính cách hiện sinh và thực nghiệm. Kitô giáo đã cống hiến một kinh nghiệm sống, một hạnh phúc phải nắm bắt, trước khi liên kết bằng lý trí và con tim – tức Đức Tin – với những chân lý siêu nhiên, huyền nhiệm và thâm sâu vượt lên trên nhãn quan của kiếp nhân sinh vì đặc tính linh thiêng của nó.
Vì vậy Kitô giáo là một sự mạc khải về Thiên Chúa cho nhân loại một cách tiệm tiến qua trung gian của dân Do-thái, dựa trên kinh nghiệm đặc biệt có tính cách sáng lập mà Chúa Giêsu vừa là thừa kế vừa là Đấng hoàn thành viên mãn!
Kitô giáo chân chính phải được tỏa rạng bởi những chứng nhân
Người ta thường nhắc lại câu nói có tính cách ngôn sứ của Đức Thánh Cha Phaolồ VI: “Con người thời đại thích nghe những chứng nhân hơn là những bậc thầy, hoặc giả nếu họ nghe những bậc thầy, chính vì những người nầy là những chứng nhân.”
Tựu chung, phải chăng câu nói đó đã không diễn tả một cách minh bạch rằng niềm xác tín của Kitô giáo phải được xây đắp, một cách nào đó, trên những thực chứng bằng đời sống cụ thể của các Kitô hữu – nam cũng như nữ – ở giữa thế giới tân kỳ nầy sao? Có thể nói được, họ đã bị định mệnh an bài để trở nên thánh thiện trước mặt mọi người! Ơn gọi tuyệt diệu biết bao và…cũng rất khó thực hiện nếu không có An Sũng của Chúa!
Điều phải làm sáng tỏ cho mọi người thấy, đó là những giá trị siêu việt của Phúc Am nhằm mục đích trao ban những gì đã được hứa hẹn: hạnh phúc của một đời sống nhân sinh hoàn toàn thành công, một cuộc sống mà những kỳ công chiếu tỏa và mời gọi có tính cách ngôn sứ, như ý muốn của Chúa Giêsu: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em là Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 16). Anh sáng đó không phải có tính cách phụ thuộc, mà ngược lại.
Vì chưng cuối cùng hạnh phúc là sống một cách sung mãn như những chứng nhân của Đức Kitô, những cuộc sống đã được biến đổi, hoán cải cho đến độ họ trở nên tỏa rạng, thường khi rất quả cảm, không phải là chứng cớ hùng hồn, một sự tỏ lộ mang tính cách ngôn sứ về sự khả tín của sự phong phú luôn luôn đổi mới của Kitô giáo sao?
Để dùng một hình ảnh Phúc Am là một tôn giáo mang ý nghĩa gì nếu không phát sinh những hoa trái tốt? Phải chăng người ta đã xem trái để biết cây sao, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải làm (Xem Mt 7, 17). Nói rõ hơn, một tôn giáo không phát sinh những kết quả tốt cho nhân loại đương nhiên được kể như một thứ nha phiến, một loại ảo tưởng, một thứ tha hóa, như trường hợp của hầu hết các giáo phái.
Dĩ nhiên đó không phải là thứ Kitô giáo được hiểu rõ tường tận và được sống thật. Trên hai ngàn năm qua, những hoa trái cao quí của tôn giáo đó là những vị thánh – nam cũng như nữ – những chứng nhân vĩ đại đó, tỏ bày cho mọi người thấy rằng cây trái của Kitô giáo đã đâm rễ sâu trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch duy nhất của sự phong phú chân thật và viên mãn trên phương diện nhân linh và tâm linh!
Vì chưng chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần mới có thể làm cho chất bột có tính cách nhân loại và tội lỗi của chúng ta được trở nên linh thánh và chất bột đó được nhào nắn nên hình ảnh của Thiên Chúa. Các vị thánh, với những tầm cỡ khác nhau đều là những hình ảnh của Thiên Chúa.
Gặp gỡ Đức Kitô: khởi đầu một cuộc sống hoàn toàn đổi mới
Phúc Am cho chúng ta thấy rằng Đức Kitô phục sinh, sau một thời gian vắn vỏi sống với bạn bè, đã được đưa lên trời (Xem Mc 16, 19). Ngài đã hứa hẹn với họ là Đức Thánh Linh sẽ tiếp tục công việc của Ngài trên trần thế (Xem Gio 16, 13; 20,22) qua trung gian của các tông đồ. Và Đức Thánh Linh đó đã giữ lời hứa: từ lúc ban sơ của Giáo hội, Ngài đã làm đảo lộn đời sống của triệu triệu người trở thành tín hữu của Chúa Giêsu.
Dĩ nhiên cuộc gặp gỡ hoàn toàn có tính cách riêng tư và nội tâm đó với Đức Kitô không những đã biến đổi cuộc sống họ mà gián tiếp còn làm biến đổi gia đình, thôn xóm và đôi khi cả quốc gia họ nữa, nghĩa là toàn thế giới!
Người ta nên tưởng tới những khuôn mặt thánh thiện vĩ đại mà mỗi người ở vào thời của họ đều là những “ân ban của Thiên Chúa cho dân Ngài”: những thánh tông đồ tử đạo tiên khởi, Thánh Augustinô, Thánh Biển Đức và Thánh Scholastique, Thánh Tôma Aquinô, Thánh Đôminicô, Thánh Phanxicô thành Assise và gần chúng ta nhất là Marie (Guyart), Gioan Brébeuf và các bạn dòng Tên tử đạo giữa sắc dân Hurons, Jeanne Mance và Paul Chomedey, tu huynh André và rất gần đây là mẹ Têrêxa, Jean Vanier, v.v…Danh sách còn dài dài.
Tất cả những nhân vật đó đều có một mẫu số chung là họ đã gặp gỡ Đức Kitô một cách cá nhân khi Ngài hứa cho họ “cuộc sống sung mãn hơn” để đánh đổi việc họ từ bỏ nếp sống cũ của họ. Công lao duy nhất và trước hết của họ là đã có can đảm, sự tín thác và Đức Tin để đáp lại bằng một tiếng “xin vâng” có tính cách cương quyết đối với lời mời gọi của Đức Chúa Con: “Con có muốn nên trọn lành không?”
Bằng tình yêu chứ không phải do sợ hãi, họ đã chấp nhận hoán cải và bước theo Chúa Chúa Giêsu, bằng cách để Ngài ghi khắc vào trong tâm hồn mỗi người của họ hình ảnh thánh khiết của Ngài. Cũng bằng tình yêu, họ đã điều hướng tư duy và hành động của mình theo những yêu sách của Ngài: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con phải tuân giữ những giới răn của Thầy.” (Gioan 14, 15).
Làm như thế, họ đã gặp được một thứ hạnh phúc không chút ngờ vực, được kết tinh và đóng ấn bởi chính Thiên Chúa. Ngài đã dành để cho mỗi người – nam cũng như nữ – một con đường duy nhất, hoàn toàn thích ứng với nhân cách và sứ vụ của mình. Lời mời gọi được Thiên Chúa ban ra cho chúng ta hôm nay có khác biệt với lời mời gọi của các vị Thánh xưa kia không?
Ở trong Chúa Giêsu: một cuộc sống mang lại những hoa trái kỳ diệu
Người đã nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy có bổn phận biến đổi tha nhân để họ được xứng đáng hơn với Nước Thiên Chúa bắt đầu từ chính con người của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, bổn phận đó cũng là một sứ vụ, một sự dấn thân không ngừng nhưng nhiều khi cũng quá đòi hỏi, đôi khi vượt lên trên nhân loại tính, nhưng đó là bảo vật của sự xác tín thần thiêng!
Cho dù những trắc trở, những khó khăn và những bất lực, người tín hữu không thất vọng bao giờ vì họ biết rằng không phải họ hành động mà chính Chúa Kitô không bỏ rơi các thừa sai của Ngài bao giờ. Ngài là sự bảo đảm tối hậu về sự phong phú có tính cách nhân linh và tâm linh của một đời sống thánh hiến để phục vụ Ngài, đó là một lời đoan hứa!
“Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở nên môn đệ của Thầy…Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn…Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em cầu cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Gioan 15, 8,11,16).
Phải chăng đó là bí quyết của sự sung mãn phi thường của các Thánh? Đó là Chúa Kitô và An Sũng của Ngài đã giúp chúng ta vượt quá một cách dư dật những giới hạn nhân sinh của chúng ta. Điều đó hoàn toàn đúng bao lâu Thiên Chúa còn hiện hữu. Đức Tin cho phép chúng ta sống một cách trọn vẹn trên những phương tiện hạn hẹp của chúng ta. Đó là điều mà mỗi cuộc sống của các thánh – nam cũng như nữ – đã minh họa một cách rực rỡ và không chút nghi ngờ gì nữa. Những người đa nghi có thể nghi ngờ…trừ phi họ không muốn như thế!
Đông lực của sự sung mãn đó là gì? Đó là sức mạnh được ban cho bởi những bí tích của Chúa Kitô – nhất là Bí Tích Thánh Thể mà ở đó Ngài đã tự trao ban trọn vẹn con người của Ngài, cả xác lẫn hồn – bí tích đó cho phép mỗi người cởi bỏ dần dần nhưng không bao giờ không phải đau đớn, sự tù ngục và bạo tàn của cái tôi đế quốc là chúa tể của thời đại chúng ta và đi đến chỗ quên mình càng ngày càng triệt để.
“Cái tôi” ích kỷ đó đã cản trở chúng ta sống hạnh phúc, đến đỗi không cho phép chúng ta tự hiến mình một cách trọn vẹn theo gương Thầy Chí Thánh: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Gioan 15, 13).
Chỉ mình Chúa Kitô mới có thể thực hiện một sự biến đổi nội tâm đó một cách triệt để và được diễn tiến trong tình bác ái ngày một lớn mạnh hơn. Sự biến đổi đó là ân ban của Chúa Thánh Linh, nghĩa là chính bản chất của Thiên Chúa.
Nhờ thế mà “con người cũ qua đi” để nhường chỗ cho “con người mới”, (xem Rôma 6, 6; Cô-lô-xê 3, 10), được tái sinh bởi Đức Kitô trong Giáo Hội của Ngài – thực thể duy nhất nhằm ban phát Đức Kitô hằng sống qua các bí tích cho nhân loại và ở giữa nhân loại.
Như vậy mỗi một cuộc sống chứng nhân đích thực của Đức Kitô trở thành một nơi chốn mà ở đó Thiên Chúa tự tỏ mình ra bằng những hoa quả linh thiêng là dấu ấn của Ngài: “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Ga-lát 5, 22-23).
Đức Tin được tiếp nối: những chứng nhân của thời hiện đại
Sau đây là những lời chứng của các nam nữ tín hữu đã trưởng thành trong Đức Tin, một Đức Tin được nhận lãnh và hiện đại hóa. Mặc dù họ rất khác biệt nhau – giữa người nầy và người khác – những chứng nhân đích thực và kiên cường đó đều có một mẫu số chung là một ngày nào đó họ đã xây đáp cuộc đời của họ bằng cách tay trong tay với Đức Kitô và họ đã đặt để Ngài “ở trung tâm điểm của cuộc sống họ”. Họ đã chấp nhận Ngài là “Chúa cùng là Thiên Chúa của họ” (xem Gioan 20, 28).
Đó là những giáo dân hay những người thánh hiến, đàn ông cũng như đàn bà, cha mẹ gia đình, những nhà giáo dục, những nhà chiêm niệm…Những chứng nhân đó đã chấp nhận làm chứng với con tim rộng mở để chúng ta được nếm cảm niềm vui và sự sung mãn tràn trề nơi họ. Vì chưng theo bản chất, hạnh phúc cũng giống như ngọn lửa ái tình luôn luôn tìm cách lây lan.
Mong độc giả đọc qua những lời chứng đó, tìm được bí quyết của sự hạnh phúc và và sự sung mãn đích thực không “chóng qua” (xem Gioan 15, 16). Một thứ hạnh phúc mang một danh xưng và tỏ lộ một khuôn mặt là Chúa Giêsu Nazareth, Đức Kitô của Thiên Chúa hằng sống! Đức Giêsu Kitô là trung tâm điểm của vũ trụ, của đời sống hiện tại và tương lai của chúng ta.
(Phỏng theo Luc Phaneuf, trong sách “Témoins au coeur du monde” – Chứng Nhân Giữa Giòng Đời)
Hương Vĩnh
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++