Cái Tôi Trong Nhận Thức Của Người Kitô Hữu Việt Nam











Con người từ khi sinh ra cho tới khi lớn lên “có trí khôn” đã ý thức rất rõ về bản thân, về vai trò của mình trong lòng gia đình. Trẻ thơ đã biết làm nũng, đòi hỏi người khác làm theo nhu cầu của chúng. Trong giao tiếp với người khác, chúng đã biết khẳng định mình, biết xưng hô với người khác về cá nhân mình… Tuy nhiên, cùng với thời gian và học vấn, trẻ thơ vượt qua ý thức cá nhân trong gia đình mà tiếp cận với thế giới bên ngoài. Lúc này, ý thức cá nhân đã khác trước rất nhiều. Con người va chạm với hoàn cảnh xã hội, với những con người cụ thể, với những sự việc cụ thể, ý thức về “cái tôi” trong xã hội mang tính chất của hành vi nhân linh. Nếu cá nhân đó là người Kitô hữu thì vấn đề còn liên quan tới giáo lý đức tin và đời sống luân lý Kitô giáo nữa. Bởi lẽ niềm tin không phải là một thứ trang sức đeo vào cho có nhưng nó chi phối mọi hành vi của cá nhân. Do vậy, ý thức về “cái tôi” của người Kitô hữu phức tạp hơn nhiều.

Để tìm hiểu “cái tôi” của người Kitô hữu, trước hết chúng ta nên tìm hiểu “cái tôi” của người Việt Nam trong văn hóa Việt Nam. Sau đó, chúng ta cùng thử tìm hiểu xem đâu là ý nghĩa của việc phát hiện ra ý thức “cái tôi” trong giới trẻ ngày nay. Điều đó có những ý nghĩa, giá trị gì và những hệ quả kéo theo là những hệ quả nào trong đời sống đức tin Kitô giáo.

I/ “CÁI TÔI” CỦA NGƯỜI TÍN HỮU VIỆT NAM NẰM TRONG “CÁI TÔI” VĂN HÓA VIỆT NAM

Mỗi một cá nhân luôn mang trong mình một nền văn hóa của nơi mình sinh ra và lớn lên, học hỏi và lao động. Văn hóa ấy chi phối mọi hành vi của cá nhân đó. Do vậy người tín hữu Việt Nam đương nhiên chịu ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam. Trong khi ấy văn hóa Việt Nam lại chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà cụ thể là văn hóa Khổng giáo, rồi văn hóa Pháp thời Pháp thuộc, văn hóa Mỹ và văn hóa toàn cầu như hiện nay. Do vậy “cái tôi” của người Việt Nam cũng có những nét đăïc thù, thay đổi theo từng thời đại.

1. Từ “cái tôi” bị che khuất…

Người Việt Nam từ khi biết nói đến khi trưởng thành ít xưng “tôi”. Phải chăng như thế là không có “cái tôi” và những người ở các nước khác do dùng đại từ nhân xưng “tôi” mà nghiễm nhiên đã có “cái tôi”?

Từ lúc tập nói - theo truyền thống và giáo dục gia đình, đứa trẻ không tự xưng tôi, mà xưng và gọi người khác bằng vị trí và vai trò có trong quan hệ với nó. Đứa trẻ xưng là con, cháu, em… trong quan hệ với các thành viên trong gia đình. Với bạn bè cùng lứa tuổi, ở phạm vi gia đình, đứa trẻ mới xưng là “tao”, “tớ”, và gọi đối tượng giao tiếp là “bạn”, “cậu”, “mày”… Đằng sau vị trí và vai trò mà đứa trẻ tự nói ra là những quy tắc, quy phạm của hành vi ứng xử xã hội tương ứng. Đã là con, là em, là cháu thì phải ứng xử với vai trò, vị trí, vị thế đã được quy định trong quan hệ với mọi đối tượng. Giao tiếp với các thành viên trong gia đình, cũng như ngoài họ mạc, đứa trẻ được thừa hưởng những tình cảm yêu thương, đùm bọc, nâng niu dưới nhiều hình thức. Mặt khác, đứa trẻ cũng phải chấp nhận những thứ bậc được quy định theo huyết thống và bậc thang xã hội của nó, của bố - mẹ nó. Là con trưởng hay con thứ, là nam hay nữ, là cháu đích tôn hay không, là thành viên của chi trên hay chi dưới trong dòng họ…, tất cả đều gắn liền với quan hệ huyết thống và liên quan với nó là những quyền và lợi ích cụ thể. Thứ bậc huyết thống và xã hội đè nặng lên “cái tôi”. “Cái tôi” gửi gắm, phó thác và tan biến vào các quan hệ huyết thống, quan hệ xã hội, nên bị che khuất và lu mờ.

Từ nếp sống và giáo dục như thế, “Cái tôi” của người Việt Nam thường thiên về tình cảm hơn là về lý trí, thiên về phong tục tập quán hơn là về pháp luật, thiên về tâm lý xã hội hơn là hệ tư tưởng. Với quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, và nếp nghĩ “một người làm quan, cả họ được nhờ”, người ta ít ý thức về “cái tôi” của mình. Do đó, “cái tôi” trở thành mờ nhạt, thấp thoáng trong quan hệ người - người trong xã hội.

Trong khi giao tiếp, cá nhân hầu như bị che khuất đi, cho nên khi phải sử dụng đến “cái tôi” , người Việt Nam thường dùng đến những hình ảnh hoặc từ ngữ phiếm chỉ khác. Chẳng hạn như: “Ai về Đồng tỉnh, Huê cầu / Để thương để nhớ để sầu cho ai”, hoặc “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ / Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai”. Người ngoài cuộc giao tiếp chỉ có thể căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể mà xét đoán ai là chủ thể, ai là khách thể. Còn người trong giao tiếp thì dựa vào chỗ ai là người nói, ai là người nghe mà tự hiểu lấy. Đây cũng là một biểu hiện không xác định của “cái tôi”.

“Cái tôi” của người Việt trong quá khứ vẫn chủ yếu được gửi gắm, phó thác vào “cái ta” và “cái mọi người”. Không bộc lộ cá nhân, người ta nói: “Xấu đều còn hơn tốt lỏi”; không muốn tách biệt khỏi cộng đồng, người ta cho rằng: “Chết một đống hơn sống một người”; thiếu trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho tập thể, người ta biện bạch: “Toét mắt là tại hướng đình/Cả làng toét mắt chứ mình tôi đâu”… Còn biết bao nhiêu nếp nghĩ, nếp cảm nói lên sự hoà tan, cào bằng - nhân cách trong cộng đồng. “Cái tôi” chỉ biết phục tùng cái mà cộng đồng tuân thủ, chỉ biết bảo vệ cái mà mọi người giữ gìn, chỉ biết bắt chước cái mà các thành viên khác đang làm. Đó chính là dấu hiệu của cái tôi chưa phát triển. [1]

2. Đến “cái tôi” tự khẳng định hơn

Từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, văn học Việt Nam do ảnh hưởng của văn học Pháp, các văn sĩ thuộïc tầng lớp tiểu tư sản đã bắt đầu đề cao cá nhân và đề cao sự giải phóng con người. Chúng ta có thể nhận thấy dòng văn học này trong nhóm Tự lực Văn đoàn. Nguyên cái tên cũng cho chúng ta thấy tôn chỉ hoạt động của nhóm này.

Ngôn ngữ văn học, bên cạnh những đại từ nhân xưng vốn là những danh từ ngôi thứ ba như “chàng”, “nàng”, “anh”, “em”, “ta”, “mình”… đã bắt đầu xuất hiện bóng dáng của “cái tôi”. Qua câu thơ: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn”, có thể thấy một sự quá độ từ cộng đồng sang cá nhân, từ chỗ chưa xác định đến chỗ xác định. Với nhiều tiểu thuyết và thi ca khác, “cái tôi” xuất hiện nhiều hơn và rõ hơn. Cho đến câu thơ của Chế Lan Viên: “Đường về thu trước xa xa lắm / Mà kẻ đi về chỉ một tôi” thì “cái tôi” ở đây mới được biểu hiện ra một bản chất đích thực của nó: tự ý thức, tự chủ, tự thân, tự khẳng định, độc lập, khác với người xung quanh, với đồng loại, đứng đối diện với mọi người, chứ không phải nép vào bên cạnh, đứng đằng sau người khác như trước đây. Từ chỗ chỉ dám dùng những từ “mình”, “ta”, “ai” không tách bạch, không xác định giữa chủ thể và khách thể đến chỗ “mà kẻ đi về chỉ một tôi” là một bước ngoặt lớn, một bước tiến trên con đường tự khẳng định, tự xác định, tự chủ của “cái tôi”. Như vậy, tự khẳng định, tự xác định, tự chủ, tự thân, tự ý thức về chính mình, về cá tính của mình đã có những biểu hiện rõ ràng hơn trong sự tiến hoá từ cá thể đến con người, đến cá nhân, đến cá tính và nhân cách. Đó cũng chính là nội hàm của khái niệm nhân cách.[2]

3. Tôi và chúng ta

Khi nền văn học ảnh hưởng Tây phương chưa thực sự thấm nhuần trong đại bộ phận dân chúng Việt Nam thì xã hội thay đổi một lần nữa. Cách mạng tháng Tám thành công đã thay đổi hoàn toàn cục diện bộ mặt Việt Nam. Lúc này hầu như “cái tôi” không được thể hiện dù chỉ là ẩn núp dưới một hình thức khác. Chủ nghĩa xã hội không chấp nhận cá nhân chủ nghĩa. “Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa xây dựng trên cơ sở cộng đồng xã hội, coi cá nhân chỉ tồn tại trong xã hội, cộng đồng xã hội bằng hành động tập thể, bằng nhà nước tập quyền, hành động theo kế hoặc không gián đoạn để thực hiện một lý tưởng chung đã vạch sẵng là chủ nghĩa Cộng sản để đem lại tự do hạnh phúc cho mọi người.”[3]

Như vậy, con người xã hội chủ nghĩa chủ yếu sống với xã hội và sống cho đoàn thể, chứ không phải sống trong gia đình. Hậu quả tất nhiên là con người có thói quen hành xử như một thành viên của tổ chức, một bộ phận phụ thuộc và phục vụ toàn thể thay vì là một nhân vị tự tại, tự lập, có trách nhiệm và sáng tạo.[4]

Trong thời gian ấy, không ai dám nói tới “cái tôi” của mình mà tất cả chỉ là chúng ta. Có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt về lối sống tập thể này, như chuyện “ngắm trăng tập thể” chẳng hạn.

4. “Cái tôi” lên ngôi

Từ khi bức tường Berlin sụp đổ, thế giới liên lạc với nhau chỉ cần một cái click chuột, Việt Nam du nhập nền kinh tế thị trường, các giá trị xã hội chủ nghĩa bị xói mòn. Các giá trị kinh tế, chính trị, xã hội… của Việt Nam rơi vào khủng hoảng, tình hình Việt Nam rơi vào cảnh tranh tối tranh sáng. Tình trạng này gây hoang mang cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Vì không được giáo dục theo tiêu chuẩn đạo đức cổ truyền, đồng thời cũng chẳng còn lý tưởng xã hội chủ nghĩa làm chuẩn mực cho cuộc sống, nhiều người đang chao đảo và mất định hướng trong cuộc sống mới. Từ đó, một số người đã đồng hóa tự do thị trường với “tự do phóng túng”, phi đạo đức và bất chấp đạo đức.

Xem ra ngày nay, “cái tôi” của con người mang tính cá nhân chủ nghĩa. Người ta cũng tôn trọng tự do cá nhân của người khác hơn trước kia và tính liên đới xã hội hần như không còn nữa, còn giềng mối liên kết trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Ý thức cá nhân cao, tự do hơn nên cá nhân cũng không còn ý thức trách nhiệm với tập thể nhưng chịu trách nhiệm cá nhân về những hành động của mình.

Năm 1995, trên báo Tuổi trẻ, Nguyễn Văn Tiến Hùng đã phát biểu: “Chúng tôi đang làm cái việc thời đại thúc bách phải làm là miệt mài với vi tính, ngoại ngữ (…) Lắm lúc trách cha mẹ đẻ chi mình ra chốn thiếu thốn tứ bề không có tivi, đàn hát, nhạc họa để thua bạn bè, nay lại không có tiền cho con học ngoại ngữ, mua máy vi tính… mà phải đi làm thêm cực nhọc, phạc phờ. Lỗi thật, nhưng thôi, giữ chí làm giàu để cháu con bớt khổ.”[5] Anh nói như thế để trả lời cho quan niệm lo lắng vì thế hệ ngày nay đánh mất văn hóa truyền thống. Qua đó chúng ta thấy nỗi lo của thế hệ trẻ ngày nay không mang tính tập thể, mang trách nhiệm xã hội nhưng mang nặng tính cá nhân, lo làm giàu trước khi lo giữ gìn văn hóa dân tộc.

5. Descartes với quan điểm tự do

Quan điểm của Descartes thiên về lý trí, chính ông triệt để bảo vệ quan điểm: Tôi tư tưởng, vậy tôi hiện hữu. Từ đó, ông tạo nên hình ảnh con người khác với truyền thống. Với Descartes, con người là tự do: Sự hoàn hảo chính yếu của con người là có tự do, nhờ ý chí ta hành động một cách tự do, nhân đó được coi là chủ những hành động của mình. Không ai khen thưởng những chiếc máy tài tình, nhưng người ta đã khen ngợi người thợ đã làm nên chúng.[6]

Có thể nói với thời gian, tư tưởng tự do này đã ảnh hưởng rất lớn tới lối sống và văn hóa phương Tây, để rồi khi người Việt Nam tiếp thu văn hóa này, họ cũng phần nào ảnh hưởng lối sống tự do ấy. Ngày nay, khi không còn hệ tư tưởng chủ đạo nào chi phối như Khổng giáo hay xã hội chủ nghĩa dưới ánh sáng chủ nghĩa Mac-Lênin, giới trẻ Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nhiều văn hóa phương Tây, nhất là tư tưởng tự do này. Vì hệ thống thông tin toàn cầu cũng như hiện tượng giao thoa văn hóa, giao lưu văn hóa hoặc vấn đề du học hoặc ngoại kiều về nước… tất cả những nhân tố ấy mang theo trào lưu tư tưởng Tây phương mà nhiều khi chưa hẳn là đã chắt lọc phần tinh túy của nó.

Từ đây, “cái tôi” tự do của giới trẻ, là thành phần mau chóng thích ứng và tiếp thu cái mới nhất, càng thêm được khẳng định và có phần tiến tới cá nhân chủ nghĩa.

II/ “ CÁI TÔI” TỰ DO CỦA NGƯỜI TÍN HỮU VIỆT NAM

1. Tự do dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II

Theo tư tưởng cổ điển, tự do lựa chọn là khả năng cơ bản của con người để quyết định về hành vi và định hướng của đời người. Theo nguyên tắc đạo đức, mỗi người có quyền được nhìn nhận như một hữu thể tự do và có trách nhiệm. Đây là một quyền bất khả phân ly với phẩm giá con người và mọi người có bổn phận phải tôn trọng. Chính nhờ nó mà con người có thể chọn lựa những gì mình cho là tốt và định hướng cho tương lai, bất chấp những áp lực của xã hội và đòi hỏi của bản năng. Tôn trọng quyền tự do ấy, Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Tự do đích thực là một dấu chỉ độc đáo về hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn con người tự quyết định để tự mình kiếm tìm Đấng TaÏo Hóa và nhờ kết hiệp với Ngài một cách tự do, con người đạt tới hạnh phúc viên mãn. Như vậy, phẩm giá của con người đòi hỏi con người phải hành động theo sự lựa chọn ý thức và tự do, cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định do xác tín cá nhân, chứ không bởi sức thúc đẩy của bản năng hay sức cưỡng chế ngoại tại. Con người đạt tới phẩm giá này, khi giải thoát khỏi nô lệ của đam mê, bằng lựa chọn một cách tự do sự thiện, con người tiến về mục tiêu và cẩn thận tìm những phương tiện thích ứng. Vì tự do nhân loại đã bị tội lỗi làm tổn thương, cho nên phải nhờ ân sủng trợ giúp mới có thể hướng về Thiên Chúa một cách hiệu quả và trọn vẹn.”[7]

Thế nhưng xem ra người tín hữu Việt Nam không hiểu nhiều về “cái tôi” tự do trong Kitô giáo. Phần thì do ảnh hưởng nặêng nề của văn hóa Khổng giáo, trói buộc con người trong cái chung của làng xã, dòng họ… cho nên họ cũng không bao giờ thể hiện “cái tôi” bao giờ. Thậm chí vẫn còn đây quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”, đó là kỳ vọng của dòng họ vào một người đi tu. Nên có thể nói chuyện tự do chọn lựa một lối sống cho mình hầu như không có. Lập gia đình thì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, còn nếu đi tu thì do cha mẹ dắt vào gửi trong nhà Dòng và có khi không muốn tu cũng không dám về.

Còn trong đời sống đức tin của người giáo dân, họ hoàn toàn theo mệnh lệnh của cha xứ. Với lối sống làng xã, cá nhân không dám và không thể có những biểu hiện khác người, dù là sống đức tin.

Giáo hội, xét về một khía cạnh nào đó là một tổ chức chậm thay đổi so với thời đại. Giáo hội là nơi tồn giữ truyền thống một cách triệt để nhất, quan điểm thần học Giải phóng không bao giờ tới được với Giáo hội Việt Nam. Giáo hội Việt Nam, với đặc điểm là 80% dân số là nông dân, thành phần ít thay đổi theo thời đại nhất, xem ra rất dễ và luôn trung thành với quan điểm bảo thủ của Giáo hội Rôma. Thời “Giáo hội – pháp đình” đã lui vào dĩ vãng, nhưng dư âm và ảnh hưởng tiêu cực của nó vẫn còn lởn vởn trên đầu người giáo dân Việt Nam. Đó đây vẫn còn nhiều sợi dây vô hình và hữu hình đang trói ghì người Kitô hữu trong thái độ khúm núm, bối rối, lo âu, sợ hãi… Bầu khí Công Giáo Việt Nam chưa thể hiện được niềm vui cứu độ, trạng thái hân hoan được giải thoát, nét đẹp nơi sự tự do hào hùng của con cái Chúa.

2. Và thực tế

Ngày nay, khi hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế… thay đổi theo hướng toàn cầu, vấn đề sống niềm tin chân truyền nơi các bạn trẻ đang được mổ xẻ nhiều, vì thành phần này đang làm nên một lối sống mới, đời sốâng luân lý của họ theo xu hướng tự do cá nhân và khẳng định “cái tôi” theo cách riêng của họ, khuynh hướng này xem ra đang đi ngược lại với truyền thống Giáo hội. Hậu quả của tình trạng này là thái độ sống chủ quan: Đối với tôi, theo như tôi, tôi nghĩ là như thế, tôi tin là như thế nên tôi làm và tôi sống. Họ có khuynh hướng làm theo những gì mình cho là đúng và phù hợp. Nói cách khác, bản thân họ là thước đo, là chuẩn mực cho đời sống và như thế, họ chẳng cần đến sự hướng dẫn của bất kỳ cơ cấu, tổ chức giáo dục, tôn giáo nào.

Điển hình cho lối sống chủ quan này là việc đánh giá và phân định một số giá trị trong xã hội và tôn giáo:

- Hiện tượng đồng tính ái được chấp nhận, lý do là phải tôn trọng tự do cá nhân, mỗi người có thể diễn tả giới tính theo nhu cầu của mình.

- Tương quan tình dục trước hôn nhân, sốâng thử hoặc không kết hôn là chuyện không còn khắt khe như trước đây nữa.

- Không còn chú trọng những giá trị của quá khứ nên những gì thuộc về quá khứ đều là lạc hậu, thế hệ trước thì lỗi thời. Những giá trị truyền thống, gia đình, văn hóa, đạo đức bị coi nhẹ.

- Giới trẻ thích nhạc phương Tây vì nó mạnh mẽ, sôi động, trẻ trung, dễ lôi cuốn, thỏa mãn khát khao hiện đại, khát khao hòa nhập vào thế giới toàn cầu hóa.

Với những đặc tính trên, người trẻ tự hỏi mình giữ đạo để làm gì? Niềm tin Công giáo có giá trị gì và có cần thiết phải giữ không? Rấât nhiều bạn trẻ đã nhìn nhận rằng đi nhà thờ để khỏi bị cha mẹ la rầy chứ thực lòng thì không cảm nhận được điều gì cả. Xem ra thời gian đi nhà thờ tranh thủ đi làm thêm hoặc mánh mung còn có tiền hơn, ích lợi hơn và thú vị hơn. Vậy tự do Kitô giáo là gì?

3. Tự do Kitô giáo

Theo quan niệm thông thường, tự do là được giải thoát khỏi những ràng buộc, những giới hạn, những hình thức áp chế và áp lực. Đây là những thứ tự do hiện thực mà nhân loại đạt được sau những cuộc đấu tranh gian khổ, đầy mồ hôi, nước mắt và máu. Người ta thường gọi thứ tự do này là “tự do khỏi ràng buộc.” Tuy nhiên, đối với Kitô giáo, tự do còn đi một bước xa hơn, đó là tự do để hiến thân, tự do để phục vụ. Chiều kích tự do này đặt nổi yếu tố tích cực của ơn gọi và động lực của sứ vụ dấn thân. Tự do ở đây không chú trọng ở quyền lợi của mỗi người để lựa chọn cái này hay cái khác, hoặc làm hay không làm những gì mình muốn, mà là khả năng hy sinh chính tự do của mình vì một lý tưởng cao đẹp hơn. Chiều kích tự do này giúp con người thể hiện một cách sung mãn và sứ vụ làm người. Sứ vụ thì khác với công tác. Sứ vụ xuất phát từ ơn gọi, còn công tác lại là một đòi hỏi của nghề nghiệp. Ơn gọi gắn liền với ý nghĩa của cả cuộc đời con người và mở ra tính cách sứ vụ cho đời sống con người. Trong khi đó, nghề nghiệp chỉ là một phương thế kiếm sống và công tác chỉ là một trách nhiệm tương đối so với đòi hỏi của một nghề nghiệp, sứ vụ lại gắn liền với ý nghĩa của ơn gọi, ý nghĩa trọn vẹn cả cuộc đời.[8]

Kitô giáo đề cao chiều kích tự do dấn thân và hiến thân phục vụ này. Trong một xã hội coi trọng giá trị đồng tiền thì tinh thần phục vụ trong hy sinh, vô vị lợi là điều đáng quý trọng. Không riêng gì những tu sĩ, linh mục đòi hỏi phải tự do dấn thân phục vụ mà hầu hết những ai đã làm công đức cho nhà xứ, nhà thờ đều ý thức được chuyện này và người khác cũng đòi hỏi những người phục vụ nhà thờ phải có tinh thần này. Trong tất cả công việc và trong mọi vai trò phục vụ, mẫu gương cho người tín hữu Kitô giáo noi theo chính là Đức Kitô. Ngài dửng dưng trước cám dỗ và đề nghị của Satan. Ngài sống nhân ái, yêu thương và tôn trọng mọi người, nhất là những ai bé mọn và bị người đời khinh khi. Ngài không bao giờ khúm núm, quỵ lụy hay khiếp đảm trước những thế lực khác.

Đứng trước cái chết, Ngài đã thể hiện đúng tinh thần tự do đích thực: “Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh, và có quyền lấy lại mạng sống ấy.” (Ga 10,18) Mặc dù Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã không nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút hết vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự… Thánh Phaolô đã viết về Đức Giêsu như vậy, đó là hình ảnh minh chứng cụ thể nhất về tinh thần tự do Kitô giáo.

Điều bi thảm của kiếp người là con người nhân danh tự do để thi hành điều ác và biến thứ tự do hào hùng của Thiên Chúa thành thứ tự do phóng túng. Để đề phòng việc lạm dụng tự do này, một số người đã tạo ra rào cản và chất lên vai con người nhiều luật lệ mới. Điều đáng buồn là một số biện pháp quá tay đã dẫn tới chuyện hủy diệt hay phủ nhận tự do. Làm sao đừng rơi vào hai thái cực nghiệt ngã: nô lệ lề luật hoặc tự do phóng túng?

III/ KẾT LUẬN

“Cái tôi” hay ý thức tự do là một điều ai cũng biết vì ai cũng có, thế nhưng để hiểu nó và sống đúng với giá trị ấy thì không phải ai cũng biết. Tự do có thể ví là con dao hai lưỡi hay là một bình pha lê, rất xinh đẹp nhưng cũng mong manh dễ vỡ. Người tín hữu Việt Nam đang sống trong hoàn cảnh của đất nước có nhiều đổi mới, họ tiếp thu nhiều trào lưu tư tưởng mới từ phương Tây, trong đó có tư tưởng tự do, tự khẳng định chính mình và tuân thủ ý chí như tư tưởng của Descartes. Người tín hữu Việt Nam sau Công Đồng Vatican II với sự tự do và “cái tôi” được tôn trọng, kết hợp với tư tưởng tự do phương Tây, đã đóng góp nhiều cho Giáo hội Việt Nam, góp phần làm thăng tiến đời sống và thể hiện đời sống đức tin nơi cộng đoàn mình gắn bó. Ngày nay, nhiều tín hữu đã mạnh dạn kiêm nhiệm những công việc trong phụng vụ mà trước đây chỉ có thành phần tu sĩ mới gánh vác. Người tín hữu Việt Nam ngày nay thực sự là và phải là cánh tay nối dài của linh mục và tu sĩ, và thực tế có những công việc họ thực hiện hiệu quả hơn là thành phần tu sĩ, linh mục đảm trách.

Với trình độ dân trí ngày càng cao, phương tiện tiếp cận khoa học ngày càng dễ dàng cũng như tương quan giao tiếp với nhiều thành phần một cách dể dàng hơn, người tín hữu Việt Nam ý thức rất rõ về đời sống đức tin của mình, đó là một sự chọn lựa trong tự do và lòng yêu mến. Từ đó, họ thực sự tự do dấn thân và hy sinh phục vụ Giáo hội bằng ý thức “cái tôi” tích cực của mình.

Tuy nhiên, trong trào lưu thái quá của tự do phóng túng, một phần tín hữu Việt Nam cũng đang lao theo những biểu hiện tiêu cực của tự do. Đời sống luân lý và những giá trị cổ truyền hay bảo thủ đều bị họ gạt sang một bên. Chẳng có sự kiện hay một tệ nạn xã hội nào mà không có người Công giáo tham gia. Chúng ta khoan nói đến chuyện chê trách, phân tích theo khuynh hướng luân lý, nhưng chúng ta chỉ muốn trình bày cho ho biết rằng có một thứ tự do khác, thứ tự do Kitô giáo mà phải học tập và rèn luyện mới đạt được. Đó là thứ tự do theo gương Chúa Giêsu mà thánh Phaolô giới thiệu như sau: “Tôi được phép làm mọi sự nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự nhưng không phải mọi sự đều có tính xây dựng. Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác(…) Vậy dù ăn, dù uống hay làm bất cừ công việc gì, anh em hãy làm để tôn vinh Thiên Chúa.(1Cr, 10, 23-31).

Giuse Đinh Trọng Chính, OP



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng