ĐỨC MẾN KITÔ GIÁO CỦA GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

VÀO ĐỀ

Cùng với Đức Tin và Đức Cậy, Đức Mến (cũng gọi là Đức Ái) là một trong ba nhân đức đối thần và đứng đầu và quan trọng nhất trong ba nhân đức đối thần như lời của Thánh Phaolô: “Không có Đức Mến, tôi chẳng là gì hết”, “Không có Đức Mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”, “Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba tồn tại nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến” (1 Cr 13, 1-4.13).

Vậy trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu xem thế nào là Đức Mến Kitô giáo và gia đình Kitô hữu sống đạo phải thể hiện Đức Mến ấy như thế nào?

TRÌNH BÀY

1. Thế nào là Đức (Mến (hay Đức Ái) Kitô giáo?

1.1 Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo trình bày về Đức Mến Kitô giáo như sau:

(1o) Đức Mến là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính mình. (GLHTCG, số 1822).

(2o) Đức Giêsu đặt Đức Mến làm điều răn mới (Ga 13,34). Khi yêu mến những kẻ thuộc về Người “đến cùng” (Ga 13,1) Người biểu lộ Tình Yêu Người đã nhận được từ Chúa Cha. Khi yêu thương nhau các môn đệ noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã yêu mến họ. Vì thế Chúa Giêsu nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở trong Tình Yêu của Thầy” (Ga 15,9) “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (GLHTCG, số 1823).

(3o) Đức Mến là hoa trái của Thánh Thần và là sự viên mãn của lề luật. Yêu mến là giữ các điều răn của Thiên Chúa và của Đức Kitô: “Hãy ở trong tình thương của Thầy, nếu anh em giữ các điều răn của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, thì anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9-10 xem Mt 22,40; Rm 13,8-10) (GLHTCG, số 1824).

(4o) Đức Mến gợi hứng và thúc đẩy việc tập luyện mọi đức tính. Đức Mến là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14); là mô thể của các đức tính; liên kết và phối hợp các đức tính; là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các đức tính trong đời sống Kitô hữu. Đức Mến bảo đảm và thanh luyện và nâng khả năng yêu thương con người lên mức hoàn thiện siêu nhiên, trở thành tình yêu thiêng liêng. (GLHTCG, số 1827).

(5o) Đời sống luân lý được sinh động nhờ Đức Mến mới đem lại cho người Kitô hữu sự tự do thiêng liêng của con cái Thiên Chúa. Trong tương quan với Thiên Chúa, Kitô hữu không còn là kẻ nô lệ sống trong sự sợ hãi hay người làm công ăn lương, nhưng là người con đáp lại tình thương của “Đấng đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 2,19) (GLHTCG, số 1828).

6o) Hoa trái của Đức Mến là Niềm Vui, Bình An và Lòng Thương Xót. Đức Mến đòi buộc ta làm điều thiện và sủa lỗi huynh đệ. Đức Mến là tử tế, bất vụ lợi và hào phóng, là tình thân và sự hiệp thông (GLHTCG, số 1829).

1.2 Giải thích thêm về Giáo lý Công giáo về Đức Mến Kitô giáo:

(1o) Thiên Chúa là đối tượng của Đức Mến có nghĩa là Thiên Chúa được yêu mến vì Người tốt lành, thánh thiện, quyền năng và yêu thương nên Người đáng được yêu mến và đáng được yêu mến trên hết mọi sự. Điều này nói thì đơn giản và dễ dàng nhưng trong thực hành thì không dễ dàng và đơn giản như thế. Nhiều người yêu mến Thiên Chúa không phải vì Người mà vì mình, tức vì những ơn mà mình nhận hay hy vọng nhận được từ Thiên Chúa. Nhiều người yêu mến Thiên Chúa nhưng chỉ yêu mến với mức độ nào đó thôi, hoặc ngang bằng hoặc hơn các đối tượng khác một chút. Giới răn thứ nhất dậy chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và hết linh hồn, có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa cách tuyệt đối và với cả con người chúng ta.

(2o) Lòng yêu mến Thiên Chúa của chúng ta phải trải dài đến mọi người nhất là đến những người sống gần chúng ta. Họ cũng được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người như chúng ta. Họ cũng được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc như chúng ta. Chúng ta phải yêu thương tha nhân vì Thiên Chúa, chứ không phải vì họ, cũng không phải vì chúng ta. Vì họ là vì sự giầu sang, phú quý hay quyền cao, chức trọng của họ. Vì chúng ta là vì chúng ta được lợi khi chúng ta yêu thương người lân cận. Tiêu chuẩn thấp nhất là yêu thương tha nhân như bản thân mình.

(3o) Chúa Giêsu Kitô là mẫu mực và thước đo của Đức Mến. Người đã yêu mến Chúa Cha hết tâm trí, hết sức lực và hết linh hồn. Người cũng đã yêu thương con người đến mức cao nhất là hy sinh mạng sống vì họ. Người lấy tình yêu làm giới luật mới, giới luật riêng của những ai muốn theo Người. Nên tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu Kitô mời gọi chúng ta đạt tới là yêu tha nhân như chính Người đã yêu.

(4o) Đức Mến không phải do nỗ lực của chúng ta mà có, nhưng là hoa trái của Thánh Thần. Do đó, chúng ta phải cầu xin Thánh Thần Thiên Chúa ban Ơn trọng đại ấy cho chúng ta. Không có Đức Mến thì chúng ta chỉ là con số không khổng lồ. Có Đức Mến thì chúng ta mới biết sống tinh thần con cái và người tự do đối với Thiên Chúa là Cha và là nguồn mạch Tình Yêu. Có Đức Mến thì chúng ta mới có các nhân đức khác như nhẫn nhục, hiền hậu, khiêm nhu, vô vị lợi, tha thứ, tin tưởng, chịu đựng (xem 1 Cr 13,4-7). Có Đức Mến thì chúng ta mới có Niềm Vui, Bình An và Lòng Xót Thương đối với những người yếu đuối, kém may mắn và khốn khổ như / hơn chúng ta. Có Đức Mến thì chúng ta mới biết sống tử tế với mọi người, phục vụ con người và cộng đồng cách vô vị lợi và quảng đại.

2. Gia đình Công giáo sống Đức Mến Kitô giáo.

2.1 Đức Mến Kitô giáo khác xa và vượt trổi hơn tình yêu thương gia đình ruột thịt bội phần.

Qua phần giáo lý về Đức Mến Kitô giáo và phần giải thích về giáo lý về Đức Mến ấy thì điều ghi nhận đầu tiên là: Đức Mến Kitô giáo khác xa và vượt trổi hơn tình yêu thương gia đình ruột thịt bội phần. Trong Phúc âm Chúa Giêsu cũng đã xác nhận: Nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu chúng ta và làm ơn cho những kẻ làm ơn cho chúng ta, thì chúng ta chẳng hơn gì lương dân là những người chưa nhận biết Chúa, chưa biết giới răn của Chúa. Ý Chúa Giêsu là chúng ta phải yêu tha nhân vì Thiên Chúa và với mức độ rất cao là yêu người lân cận như chính mình hoặc yêu người lân cận như Chúa Giêsu Kitô đã yêu! Vì thế mà có ngay ghi nhận thứ hai là không dễ gì và không mấy ai trong chúng ta có được Đức Mến!

2.2 Đức Mến có rất nhiều cản trở.

Suy nghĩ và kiểm điểm nội tâm một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ thấy Đức Mến Kitô giáo có khá nhiều cản trở:

(a) Cản trở thứ nhất là rất nhiều người / gia đình Kitô hữu thiếu sự hiểu biết về Đức Mến.

(b) Cản trở thứ hai là rất nhiều người / gia đình Kitô hữu lẫn lộn Đức Mến với tình yêu thương gia đình ruột thịt hoặc với việc bố thí ít tiền còm cho người nghèo.

(c) Cản trở thứ ba là rất nhiều người / gia đình Kitô hữu tưởng lầm là tự mình có thể có được Đức Mến mà không nhận thức đúng đắn là chính Chúa Thánh Thần mới là Đấng ban Đức Mến cho những ai Người muốn, cho những ai cầu xin Người.

(d) Cản trở thứ bốn là rất nhiều người / gia đình Kitô hữu thiếu cầu nguyện và cầu nguyện không đúng đối tượng vì rất nhiều người / gia đình Kitô hữu chỉ xin những ơn phần xác và nặng tính vật chất chứ mấy ai quan tâm đến việc cầu xin Ơn Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến đều là những Ơn Đặc Biệt, Ơn Siêu Nhiên của Thiên Chúa.

2.3 Tự kiểm về Cách Sống Đức Mến.

Mỗi người / gia đình Công giáo hãy kiểm điểm xem mình thể hiện hay sống Đức Mến Kitô giáo như thế nào? Câu hỏi được đặt ta là: Trong cuộc sống thường ngày, nhất là trong những lúc khổ đau, bệnh tật, tai ương, hoạn nạn,

(a) Chúng ta có yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình không?

(b) Chúng ta có thật sự yêu thương người lân cận như chính mình không?

(c) Chúng ta có năng tha thiết cầu xin Thánh Thần ban Ơn Đức Mến cho chúng ta không?

(d) Chúng ta có khát khao nên giống Chúa Giêsu Kitô và hằng ngày có cố gắng sống yêu thương như Người không?

KẾT LUẬN

Để kết luận bài này thiết tưởng không gì tốt hơn là chúng ta dành vài phút suy niệm lời của Thánh Tông Đồ nói về Đức Mến Kitô giáo:

“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa mà không có Đức Mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.

Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có cả Đức Tin đến chuyển núi dời non, mà không có Đức Mến, thì tôi chẳng là gì.

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,1-3).

Lạy Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng con xin Chúa ban cho chúng con Ơn Đức Tin, Ơn Đức Cậy và nhất là Ơn Đức Mến để chúng con biết yêu mến Chúa và yêu thương người lân cận như Ý Chúa muốn!

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến trần gian để mặc khải và thể hiện Tình Yêu của Thiên Chúa, xin dạy chúng con biết Yêu Mến Cha và Yêu Thương anh em như Chúa!

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Ngày 14 tháng 02 năm 2006 (Valentine Day)


VÀO ĐỀ

Vì Đức Mến (cũng gọi là Đức Ái) đứng đầu ba nhân đức đối thần và quan trọng hơn cả Đức Tin và Đức Cậy nên chúng ta sẽ dành thêm một bài này nữa để tìm hiểu và suy gẫm thêm về Đức Mến, nhất là trong hướng tìm những áp dụng cụ thể vào đời sống gia đình của chúng ta.

TRÌNH BÀY

1. Thế nào là Đức Mến (hay Đức Ái) Kitô giáo?

1.1 Thánh Phaolô quảng diễn về Đức Mến Kitô giáo như sau:

“(4) Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, (5) không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, (6) không mừng khi thấy gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

(7) Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả.

(8) Đức Mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. (9) Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. (10) Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi….” (1 Cr 13,4-10).

1.2 Giải thích thêm về những dòng viết trên của Thánh Phaolô:

7 câu trong thư trên có thể chia làm hai phần:

Phần thứ nhất (câu 4-7): là những phẩm chất hay đặc tính của Đức Mến: nhẫn nhục, chịu đựng, không ghen tương, khiêm nhường tự hạ, vô vị lợi, hiền hòa, yêu chuộng sự công chính, điều lương thiện và chân thật.

Phần thứ hai (câu 8-10) là sự hoàn hảo và tồn tại vĩnh cửu của Đức Mến so với các Đức / các Ơn khác (tiên tri, nói tiếng lạ, hiểu biết…).

2. Gia đình Công giáo sống Đức Mến Kitô giáo.

2.1 Đức Mến Kitô giáo thì nhẫn nhục, chịu đựng:

Trong đời sống cá nhân cũng như gia đình cái cần nhất và cũng là khó nhất là nhẫn nhục chịu đựng lẫn nhau, giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái hay ngược lại. Vì - dù yêu nhau và cùng một dòng máu, nhưng mỗi người mỗi khác với bao điều khác biệt giữa chúng ta: giới (nam /nữ) tuổi tác, trình độ văn hóa, nhận thức và quan niệm sống... Thêm vào đó là những áp lực trong cuộc sống mà càng ở các nước công nghiệp, văn minh, tiên tiến thì áp lực cuộc sống càng nhiều và càng nặng. Trong một bối cảnh như thế, không có bí quyết nào thích hợp và hiệu quả cho bằng nhẫn nhục và chịu đựng.

Nhưng đức nhẫn nhục và chịu đựng phải được nâng lên một mức cao hơn nữa: Trong đời sống gia đình cũng như cá nhân của từng người, có biết bao điều, bao sự kiện, bao biến cố chúng ta không sao hiểu được vì tính “vô lý” và “bí nhiệm” của nó. Ví dụ: một cơn bệnh, một tai nạn, một bất công oan uổng… bất chợt xẩy đến cho một người trong gia đình chúng ta. Trong những trường hợp như thế cũng chỉ có nhẫn nhục và chịu đựng mới đem lại bình an cho tâm hồn chúng ta mà thôi.

2.2 Đức Mến Kitô giáo thì khiêm nhường, tự hạ (không ghen tương, không vênh vang, tự đắc) vô vị lợi, hiền hòa, thứ tha, tin tưởng:

Trong mối tương quan gia đình và xã hội Đức Mến Kitô giáo sẽ cung cấp cho chúng ta những phẩm chất hết sức tốt đẹp và cần thiết để chúng ta có thể có một cuộc sống hài hòa với người chung quanh và hạnh phúc cho riêng mình: đó là lòng khiêm nhường, tự hạ, vô vị lợi, hiền hòa, thứ tha và tin tưởng. Điều đó thật dễ hiểu. Chỉ cần chúng ta đặt một vài câu hỏi là chúng ta thấy rõ ngay thôi: Trong gia đình và xã hội có ai thích người kiêu căng, tự đắc hay vênh váo không? Trong gia đình và xã hội có ai không “tâm phục khẩu phục” những người làm việc và phục vụ cách nhiệt thành, vô vị lợi, không kể công và không cần đền đáp không? Trong gia đình và xã hội, những người có tấm lòng quảng đại, sẵn sàng thứ tha mọi thiếu sót, lỗi lầm, vấp phạm của người khác có phải là những người bình thản, tự tại và hạnh phúc nhất trần gian không?

2.3 Đức Mến Kitô giáo yêu chuộng sự công chính, điều lương thiện và chân thật (không làm điều bất chính, không mừng khi thấy gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật):

Nhẫn nhục, chịu đựng, khiêm tốn, hiền hòa…. nơi người có Đức Mến Kitô giáo không phải là những đức tính của những người mềm yếu, nhu nhược; trái lại đó là những phẩm chất của những con người mạnh mẽ, cao cả hơn người! Vì cùng với những phẩm chất ấy, người có Đức Mến Kitô giáo còn yêu chuộng sự công chính, mến mộ điều lương thiện và tìm kiếm điều chân thật nữa. Nói cách khác là người có Đức Mến Kitô giáo không dung dưỡng, thỏa hiệp và đồng lõa với cái xấu, cái dổm và cái bất lương trong cuộc đời ô trọc này.

Nếu trong gia đình mà có được người cha hay người mẹ (huống chi có cả hai) có Đức Mến Kitô giáo với những phẩm chất như thế thì chắc chắn gia đình sẽ là một cộng đồng kiên cường, mạnh mẽ, sống những giá trị CHÂN / THIỆN / MỸ. Nếu trong xã hội có nhiều cá nhân và nhất là nhiều gia đình Kitô hữu có Đức Mến Kitô giáo thì xã hội sẽ bớt những điều bất chính, bất lương và giả dối, lường gạt.

Nhìn vào xã hội Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy ở bất kỳ lãnh vực (y tế, giáo dục, công nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, thậm chí cả thể thao) và địa phương lớn nhỏ nào (từ cấp trung ương cho đến phường xã thôn ấp) cũng có tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, ăn cắp của công, lãng phí tài sản và tài năng con người, tệ nạn xã hội (như phá thai, buôn bán phụ nữ, ma túy, mãi dâm…lường gạt) thì chúng ta có thể kết luận được rằng xã hội đang rất cần những người Kitô hữu sống Đức Mến một cách triệt để và dấn thân. Trách nhiệm phục hưng đạo đức của xã hội và dân tộc Việt Nam hiện nay là trách nhiệm của chính quyền mọi cấp và của mọi người, nhất là của những người có niềm tin tôn giáo, trong đó có người Công giáo chúng ta! Trước nhu cầu cấp bách và hệ trọng này cũng như nhiều nhu cầu khác, chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm nặng nề của gia đình Công giáo phải là TRƯỜNG đào tạo, giáo dục con cái chúng ta nên người và nên người Kitô hữu!

2.4 Đức Mến Kitô giáo tồn tại vĩnh cửu vì là điều hoàn hảo.

Mạc Khải Kitô giáo cho chúng ta biết được Thiên Chúa là TÌNH YÊU (xem 1 Ga). Như vậy thì Yêu là thuộc Thiên Chúa, Yêu là Hoàn Hảo, Yêu là Bất Biến, là Vĩnh Hằng, vì Thiên Chúa là Đấng Toàn Hảo, Không Thay Đổi và Vĩnh Cửu!

Hiểu thế, nên Thánh Phaolô mới so sánh:

“Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến cả ba tồn tại. nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến” (1 Cr 13,10-13).

Vậy ai có Đức Mến Kitô giáo là người ấy đạt mức trưởng thành! Ai sống Đức Mến Kitô giáo là người ấy sống trưởng thành. Đó là mục tiêu của tất cả mọi Kitô hữu.

KẾT LUẬN

Để kết luận bài “Gia đình Sống Đạo là Thể Hiện Đức Mến Kitô giáo (tiếp theo)” này, xin đề nghị chúng ta hãy đọc lại và suy niệm thêm lời của Thánh Tông Đồ nói về Đức Mến Kitô giáo mà chúng ta đã đọc và suy niệm ở phần kết luận bài trước:

“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa mà không có Đức Mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.

Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có cả Đức Tin đến chuyển núi dời non, mà không có Đức Mến, thì tôi chẳng là gì.

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,1-3).

Lạy Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng con xin Chúa ban cho chúng con Ơn Đức Tin, Ơn Đức Cậy và nhất là Ơn Đức Mến để chúng con biết yêu mến Chúa và yêu thương người lân cận như Ý Chúa muốn!

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến trần gian để mặc khải và thể hiện Tình Yêu của Thiên Chúa, xin dạy chúng con biết Yêu Mến Cha và Yêu Thương anh em như Chúa!

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Ngày 19 tháng 02 năm 2006


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng