KINH THÁNH CỰU ƯỚC CÓ NHỮNG ĐỀU TRÁI LUÂN LÝ

Chúng tôi đọc Cựu ước với thành tâm thiện chí, nhưng xin thưa thực, sao chúng tôi thấy trong đó có những điều không được ổn. Chúng tôi thấy trong Cựu ước có đầy dẫy những điều trái luân lý như cha con ăn nằm với nhau (chuyện ông Lót), vấn đề đa thê như bất cứ dân tộc nào thời bán khai, dù họ (dân Israel) đã được Thượng đế nhiều lần trực tiếp giảng dạy?

‘Một người đang học đạo’




Download mp3

Chúng tôi thành thật cảm ơn ‘Người đang học đạo’ về bức thư dài, với nhiều câu hỏi lý thú.
Câu chuyện cha con ông Lót thời Cựu ước ‘ăn nằm’ với nhau được ghi lại trong sách Sáng thế ký 19, 30-38. Tác giả kể rằng, một ngày kia, ông Lót bị 2 cô con gái mình cho uống rượu say, rồi mỗi cô lần lượt đến ‘ngủ’ với ông. Lý do, theo lời cô chị, là : “Cha ta già rồi: trong xứ lại không có đàn ông nào đến với ta…Ta hãy ngủ với cha ta để lưu truyền giòng giống”.
Để hiểu việc làm của hai cô gái, và để đánh giá đúng đắn về việc ấy, chúng ta phải đặt câu chuyện này trong bối cảnh văn hóa, luân lý riêng của nó.
Theo quan niệm luân thường đạo lý ngày nay, hành động của 2 con ông Lót thật là chuyện loạn luân, không thể chấp nhận. Nhưng theo não trạng thời ông Lót, việc ấy không đến nỗi nào tồi bại. Chắc chắn không tồi bại hơn nguy cơ tuyệt tộc mà gia đình ông đang phải đối diện. Đối với họ, sự tuyệt tộc là một điều ô nhục và bất hạnh hơn là điều mà ngày nay chúng ta coi là loạn luân. Vậy, theo ý nghĩ và lương tâm của 2 cô, đó là việc chính đáng phải làm. Các cô cần bảo tồn giòng dõi để tránh một sự ô nhục luân lý. Quả nhiên, sau khi ăn nằm với cha, cả 2 cô đã thụ thai và sinh ra 2 người con là Moab và Ben-Ammi. Hai nhân vật ấy sau này sẽ là ông tổ của dân Moab và Ammôn. Ở vào hoàn cảnh và thời điểm cổ xưa ấy, có lẽ những người Do thái khác cũng sẽ làm như vậy.
Riêng ông Lót, nếu phân tích theo lối nhìn luân lý Kitô giáo thời nay, ông cũng không có lỗi gì. Lúc ấy, ông đã say rượu, không còn ý thức tự chủ. Cho nên, mặc dù có chuyện này xảy ra, Kinh thánh vẫn luôn coi ông là người công chính (Kn 10: 6-2).
Dù sao, chúng ta cũng nên nhớ rằng đây là lối hành xử luân lý của những con người mộc mạc trong một nền văn hóa bình dân cổ xưa, trước khi họ được đón nhận giáo huấn luân lý của đạo Chúa qua 10 điều răn.

* Còn về vấn đề đa thê thì sao ?

Cũng trong bối cảnh văn hóa và luân lý cổ xưa ấy mà chúng ta mới có thể hiểu được thói tục đa thê của người Do thái. Thời xưa, cũng như đa số các dân tộc khác, các người đàn ông Do thái thường có nhiều vợ. Họ kết hôn với vợ chính, lấy thêm vợ lẽ và còn nuôi thêm nhiều vợ hầu. Tổ phụ dân Do thái, ông Abraham (năm 1700 trước công nguyên) cũng là người đa thê. Các thế hệ con cháu ông cũng tiếp tục truyền thống này một thời gian rất lâu.
Trong quan niệm của người Do thái cổ, số lượng tỳ thiếp trong tay là thước đo sự sung túc của người chủ gia đình. Con cái đầy nhà là dấu chỉ của sự chúc phúc của Thượng đế. “Phúc cho ngươi và may mắn cho ngươi: hiền thê ngươi như gốc nho sai trái trong nội thất nhà ngươi. Con cái ngươi như chồi cây ô-liu xum xuê chung quanh mâm bàn ngươi” (Tv. 127: 2b-3). Vua Salomôn đã từng được coi là người giàu có, sung túc với khoảng 700 bà vợ và 300 cung phi mỹ nữ (xin coi I Sách Các Vua 11). Dĩ nhiên, họ coi thói tục ấy là điều bình thường, chẳng có chi là bất hợp pháp hoặc phản luân lý.
Tóm lại, xét về mặt tự nhiên, nền văn hóa và luân lý của dân Do thái thời xa xưa trong Cựu ước, cũng như của các dân tộc cổ thời ấy, phải trải qua những giai đoạn thô thiển trước khi phát triển cách tinh túy hơn. Vì thế, sẽ không hợp lý và công bằng nếu chúng ta phê phán và lên án những thực trạng của nền luân lý mộc mạc ấy đơn thuần theo các tiêu chuẩn luân lý tiến bộ ngày nay.
Xét về mặt siêu nhiên, chính qua tình trạng sơ khai của nền phong hóa cổ xưa ấy mà ta mới thấy rõ vai trò của giáo huấn Thánh kinh có tầm quan trọng và ý nghĩa thế nào. Chính nhờ những mạc khải đạo lý của Thiên Chúa mà nền luân thường của con người mới được soi sáng, nâng cấp để giúp con người đạt đến kích thước văn minh và trở nên người hơn. Bằng chứng là trong thời Cựu ước, vì kiên nhẫn mà Thiên Chúa đã để cho Maisen cho phép dân chúng đa thê (Mt. 19, 8). Nhưng khi giáo lý cứu rỗi được mạc khải trọn vẹn với Chúa Giêsu, thì luật nhất phu phụ được áp dụng cách tuyệt đối : “Sự gì Thiên Chúa liên kết, con người không được phân ly” (Mt. 19, 9). Đạo lý soi sáng cho luân thường là thế. Mạc khải Kinh thánh cứu độ những bất toàn của nhân loại cách cụ thể là như vậy. Do đó, để hiểu đúng và thấu triệt giáo huấn Thánh kinh, cần phải có cái nhìn tổng thể trên cả Cựu ước và Tân ước. Đồng thời cũng cần phải liên kết sứ điệp của cả hai phần Cựu và Tân ước.

Lm. Đa Minh Trần Quốc Bảo, DCCT





+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Cầu cho các linh hồn mồ côi và xin Chúa giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng