Kế sinh nhai của các môn đệ

Kế sinh nhai của các môn đệ

Đọc trong tất cả các Tin Mừng, thì thấy không ai nhắc đến các môn đệ của Chúa Giêsu thời đó làm gì để mà sống? Chẳng hạn thánh Giuse thì làm thợ mộc, còn các môn đệ của Chúa Giêsu không làm gì cả. Xin hỏi vào thời ấy như thế làm sao có lương thực để ăn trong khi không làm gì hết? Chắc chắn Chúa đâu có làm phép lạ mỗi ngày để có thức ăn cho các môn đệ? Thế thì họ sống bằng gì? (Ha Vi)

Bạn Ha Vi thân mến,

Câu hỏi của bạn liên hệ đến nếp sinh hoạt thực tế của các môn đệ – chính xác hơn, Nhóm Mười Hai - của Đức Giêsu, mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng muốn biết. Chúng ta có thể tưởng tượng ra nhiều hướng trả lời: Phải chăng các ông đã tận dụng số vốn liếng dành dụm được lâu nay? Phải chăng các ông đã phải bán dần các bất động sản của các ông? Khi còn ở Galilê, có những lúc các ông cũng đi đánh cá, và như vậy, nhóm vẫn có tiền bạc mà chi phí, bởi vì Đức Giêsu hoạt động ở Galilê lâu hơn cả (Thời gian sau khi Đức Giêsu đã sống lại, có một lần các tông đồ lại đi đánh cá (x. Ga 21,3), điều đó chứng tỏ các ông vẫn còn giữ lại ghe thuyền và lưới)? Một điều chắc chắn là có nhiều ân nhân mang của cải đến giúp đõ Nhóm (như gia đình cô Mácta: Lc 10,38t; thánh Luca còn ghi rõ (8,2-3): một nhóm các bà “đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ”). Nếu nghĩ đến cả thánh Phaolô, chúng ta được biết ông làm nghề dệt lều với vợ chồng Aquila và Prítkila (x. Cv 18,3). Và chúng ta cũng biết là tác giả Tư 2 Thêxalônica đã lên án lối sống “ăn không ngồi rồi”: “Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn !” (3,10), từ đó chúng ta hiểu chắc chắn Đức Giêsu không chúc phúc cho lối sống này.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào các bản văn Tin Mừng thì quả thật, các Tin Mừng không cung cấp nhiều yếu tố để chúng ta có thể trả lời câu hỏi của bạn cho thỏa đáng. Lý do: các Tin Mừng chỉ ghi lại những điều liên hệ đến sứ điệp cứu độ Đức Giêsu mang lại, nên tất cả những kiến thức khác không cần thiết cho việc cứu độ, thì các bản văn Tin Mừng không nói tới. Biết bao nhiêu chi tiết khác về thân thế của Đức Giêsu, chúng ta cũng đâu có biết, chẳng hạn: ngày sinh ngày tử chính xác; chi tiết về cha mẹ và gia đình; cách thức Người đối xử với các ngài và lớn lên; cách thức và nơi Người làm việc để sinh sống trước khi ra đi rao giảng; những sở thích của Người về ẩm thực; vấn đề sức khoẻ; Người có ăn nói tinh tế, xử sự thân ái và được dân Nadarét quí mến hay không.... Chúng ta hoàn toàn không có các chi tiết này trong các Tin Mừng. Do đó, chúng ta phải tập bỏ đi sự tò mò muốn biết hết mọi sự nhờ các Tin Mừng, hay thậm chí nhờ các bản văn Kinh Thánh. Và cũng phải bỏ đi một xu hướng tự nhiên lâu này trở thành một “tật”, đó là tạo ra những chi tiết kể truyện để nối các thông tin trong bản văn Kinh Thánh mà chúng ta thấy là không rõ ràng, không hợp lý, hay không mạch lạc. Làm như thế là gò bản văn theo quan điểm của chúng ta, để chúng ta thỏ mãn tính tò mò, chứ không phải là khiêm tốn đón nhận sứ điệp Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta qua bản văn thánh.

Cầu chúc bạn càng đọc Tin Mừng càng khám phá ra ơn cứu độ Thiên Chúa đang mời gọi bạn đến đón nhận.

Thân ái.

Lm PX Phan Long, ofm




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Cầu cho các linh hồn mồ côi và xin Chúa giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng