Thi hành tác vụ Bác ái một nhiệm vụ căn bản của Kitô hữu

Caritas TGP.TPHCM: Thi hành tác vụ Bác ái một nhiệm vụ căn bản của Kitô hữu


Bước vào cổng Tòa Tổng Giám mục sáng nay, mọi người chúng ta đều thấy một băng rôn treo ngang lối vào Hội trường, với hàng chữ: “CHÀO MỪNG ĐẠI BIỂU CARITAS GIÁO XỨ”. Từ Caritas đối với nhiều người thì đã quen rồi, nhưng đối với một số người thì vẫn còn là lạ. Vậy Caritas là gì? Đơn giản Caritas là Tình Yêu, một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, một tình yêu cho đi, một tình yêu đem lại hạnh phúc cho người khác mà chúng ta vẫn gọi là Bác Ái. Thánh Âu Tinh nói: “nếu bạn thấy tình Bác ái, thì bạn nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi”. Như thế, thi hành Bác Ái có mối tương quan chặt chẽ với Thiên Chúa.

Tôi xin dựa vào Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu của ĐTC Bênêđictô XVI để trình bày khái quát đề tài: “Thi hành tác vụ bác ái: một nhiệm vụ căn bản của Kitô hữu.”

1. Trách nhiệm thi hành tác vụ bác ái

Bản tính sâu xa nhất của Hội thánh được diễn tả qua 3 nhiệm vụ:
- Loan báo Lời Chúa,
- Cử hành các Bí tích
- Thi hành tác vụ bác ái.

Vậy thực hành việc bác ái là một trong những nhiệm vụ căn bản của Kitô hữu. Và nếu Hội Thánh không thể lơ là việc Loan báo Lời Chúa và không thể lơ là việc cử hành các Bí tích, thì Hội Thánh cũng không được thờ ơ với việc phục vụ bác ái. Phục vụ bác ái đối với con người là phục vụ chính Chúa (Mt 25,40). Hơn nữa, thực hành bác ái cũng giúp vào việc loan báo Tin Mừng, đồng thời cũng là một hành vi thờ phượng Chúa.

Đây là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu. Trách nhiệm này không thể ủy thác cho người khác được. Trách nhiệm này không thể chỉ dùng tiền của mà thay thế được.
Hậu quả của cơn bão số 9 vừa qua đã làm biết bao anh chi em chúng ta ở miền Trung và Cao Nguyên phải chết hoặc sống trong cảnh khốn khổ, đói khát, rét mướt, thì trái tim người kitô hữu cảm thấy thế nào? Và chúng ta đã có hành động gì? Đây là một trắc nghiệm về nhiệm vụ thi hành bác ái của chúng ta.

2. Nguồn mạch dẫn đến việc phục vụ bác ái

Một người tu sĩ trẻ dòng Bác ái Truyền giáo đã khấn hứa dâng cuộc đời mình để phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS nói với Mẹ Têrêsa Calcuta rằng: “Ơn gọi của con giờ đây là thuộc về những bệnh nhân HIV/AIDS”. Mẹ Têrêsa trả lời: “Không phải đâu thầy ạ, ơn gọi của thầy là thuộc về Đức Kitô”.

Phải, Phải Thuộc Về Đức Kitô, để Thánh Thần là nguồn sức mạnh bên trong, làm hòa nhập trái tim chúng ta với trái tim của Đức Giêsu, để Ngài thúc đẩy chúng ta yêu thương anh em như Đức Giêsu đã yêu thương, và để Ngài làm cho chúng ta cũng biết trắc ẩn, biết chạnh lòng thương, như Đức Giêsu: Ngài chạnh lòng thương giúp đỡ những người gặp khó khăn và chữa lành người bệnh tật. Đây cũng chính là hành vi loan báo Tin Mừng của Chúa

Không thể có những người phục vụ bác ái chân chính, nhưng đời sống họ lại xa Chúa. Chúng ta phải thuộc về Chúa để chúng ta có thể làm cho người khác cũng thuộc về Chúa.

3. Những yếu tố nền tảng của Bác ái Kitô giáo và của Giáo Hội

Một người hoạt động bác ái, trước hết cũng cần phải có một số vốn liếng về nghiệp vụ nào đó (đào tạo nghiệp vụ). Hơn nữa, họ cần một tình người (đào tạo con tim). Tuy nhiên, đối với một Kitô hữu, thì người hoạt động bác ái phải được hướng dẫn bởi Đức tin và hành động nhờ Đức ái. Điều này muốn nói rằng, chính Đức tin cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Tình yêu, Ngài yêu thương con người và yêu thương từng người chúng ta; rằng Đức Kitô là hiện thân tình yêu Thiên Chúa ở giữa con người. Chính tình yêu Đức Kitô thúc đẩy và gợi lên trong lòng chúng ta tình yêu đối với người lân cận.

Điều quan trọng khác nữa là người hoạt động bác ái cần phải là con người cầu nguyện. Cầu nguyện là phương thế múc nguồn sức mạnh mới từ Đức Kitô. Một lần nữa, chúng ta lại trích dẫn lời Mẹ Têrêsa Calcuta: “Lời cầu nguyện không những không làm tổn hại đến hiệu năng hay việc phục vụ yêu thương đối với người lân cận, nhưng lại còn là nguồn mạch vô tận cho công việc phục vụ ấy.” Cầu Nguyện đem lại cho ta Đức tin. Đức tin đem lại cho ta Tình yêu. Tình yêu thôi thúc ta hành động Bác ái.

Hoạt động bác ái Kitô giáo không phải là một hoạt động xã hội thuần túy, nhưng là hành vi thờ phượng Thiên Chúa, tôn thờ Tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Chính vì thế, chúng ta phải phục vụ Bác ái trong tinh thần khiêm tốn. Bởi nhiệm vụ giúp đỡ người khác là một ân ban. Người phục vụ không thể đặt mình ở trên người được phục vụ, dầu hoàn cảnh họ lúc này cực khổ thế nào đi nữa. Dù làm đến đâu, người phục vụ cũng áp dụng cho mình Lời của Chúa: “Tôi là đầy tớ vô dụng.

4. Phục vụ Bác ái cần có tổ chức

Tình yêu đối với người lân cận bắt nguồn từ Tinh yêu Thiên Chúa. Tình yêu ấy trước hết và trên hết là nhiệm vụ của mỗi cá nhân người tín hữu, nhưng nó cũng còn là nhiệm vụ của toàn thể Hội Thánh ở mọi cấp độ: từ cộng đoàn địa phương (giáo xứ) đến Hội thánh địa phương (Giáo phận) và rồi là Hội thánh hoàn vũ trong toàn thể của nó. Hội Thánh trong tư cách một cộng đoàn phải thực hành tình yêu. Vì thế, phục vụ bác ái cũng cần được tổ chức nếu nó muốn trở thành một công việc phục vụ có thứ tự đối với cộng đoàn.

Ngày nay, nhờ những phương tiện truyền thông tốt hơn, khoảng cách giữa con người được thu hẹp lại, những hoạt động bác ái có thể và phải bao gồm mọi người và mọi nhu cầu. Trong lãnh vực hoạt động bác ái, trên cấp bậc Hội thánh toàn cầu, chúng ta có Caritas quốc tế. Hiện Caritas đang hoạt động trên 162 quốc gia. Caritas Việt Nam mới đươc hội nhập lại với Caritas quốc tế từ tháng 7 năm 2008. Cùng với việc Caritas Việt nam được tái lập, Caritas giáo phận và Caritas giáo xứ cũng được tổ chức lại. Và buổi gặp gỡ ngày hôm nay là bước đầu cho việc thiết lập lại mạng lưới Caritas tại Giáo phận chúng ta.

Đến dây chúng ta đi đến phần kết luận: Thực thi bác ái là một trong những trách nhiệm của người Kitô hữu. Nhưng con người chúng ta còn nặng nề, ích kỷ. Hy sinh chính mình, của cái mình có là một điều khó khăn.

Chúng ta có một gương mẫu tuyệt vời về việc phục vụ bác ái là Đức Trinh nữ Maria. Hình ảnh Mẹ vội vã vượt qua mọi hiểm nguy để đi thăm bà chi họ Elisabet, khi nghe tin bà có thai trong lúc tuổi già làm chúng ta nhận ra lòng bác ái đầy nhiệt tình của Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng ta có con mắt tình yêu để sớm nhận ra những nhu cầu, những khó khăn của anh chị em chúng ta và sớm đến chia sẻ tình yêu với anh chi em chúng ta.



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh + 1 Kinh cầu cho linh hồn mồ côi. Bạn đã cứu được 1 linh hồn trong luyện ngục rồi đó.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng