Người giàu có khó vào Nước trời

st.xml">










Trong bất kỳ thời đại nào, ai ai cũng mong muốn cho đất nước, địa phương hay gia đình mình được giàu có. Thế nhưng, trong cả ba Tin mừng nhất lãm (Mt 19,23 // Mc 10,23 // Lc 18,24), Chúa Giêsu lại đưa ra câu nói: “người giàu có khó vào Nước Trời.” Như vậy phải chăng lời dạy của Chúa Giêsu đi ngược với ước muốn và xu thế của con người. Chúng ta cần phân tích, tìm hiểu xem đâu là ý nghĩa đúng đắn của câu nói này.

Để tìm hiểu cặn kẽ, chúng ta cùng xem xét một số từ ngữ trong câu nói: “người giàu có khó vào Nước Trời.” Trong câu Tin Mừng này, đối tượng mà Đức Giêsu nói đến đó là “người giàu” chứ không phải là người ta một cách chung chung. “Người giàu” thì có rất nhiều cách diễn tả giàu khác nhau. Người giàu nhiều, người giàu ít. Bên cạnh đó, người giàu còn bao hàm cả giàu về vật chất như của cải, tài sản, tiền bạc, đất đai… Và rồi giàu về những điều phi vật chất như kiến thức, tài năng, sắc đẹp, lòng yêu mến ái mộ. Như vậy, người giàu có thể bao gồm cả về mặt vật chất lẫn phi vật chất mà vượt lên trên mức trung bình mà xã hội quy định.

Đàng khác, câu Tin Mừng trên còn có từ “có” đi sau danh từ “người giàu” như một sự bổ sung cho từ đó đầy đủ ý nghĩa hơn. Từ “có” muốn nói đến tính sở hữu. Chẳng hạn, tôi có cái nhà, anh có mười mẫu cà-phê. Cái có nói đến tính thuộc về chủ nhân mang tính toàn vẹn. Nghĩa là cái gì thuộc về ai đó thì họ có toàn quyền quyết định trên cái đó. Như vậy, người giàu có là người có nhiều quyền sở hữu hơn, có nhiều phạm vi để định đoạt hơn.

Tiếp theo, cụm động từ “khó vào” trong câu Tin Mừng trên xác định căn tính hay thái độ sống của người giàu có. Ở đây, câu Tin Mừng chỉ nói “khó vào” chứ không phải là không được vào. Khó là còn có thể, hay còn có cách để vượt qua sự khó khăn đó. Như vậy, hóa ra người giàu có là người khó vào hơn người khác mà thôi. Điều quan trọng là người giàu có phải tìm ra sự cản trở hay khó khăn cho việc vào nước trời.

Vậy, Nước Trời là gì mà lại khó vào đối với người giàu có. Trong Tin Mừng, Nước Trời được coi là một nơi Thiên Chúa ngự trị. Một nơi đầy ắp tình thương. Chẳng hạn, trong Tin Mừng Gioan, tác giả định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu; ở đâu có tình yêu, ở đấy có Thiên Chúa. Như vậy, nói đúng ra Nước Trời chỉ là nơi dành cho những người có lòng thương yêu.

Thế nhưng như chúng ta đã nói ở trên, người giàu có là có nhiều quyền hạn hơn trong việc sở hữu và sử dụng cái mình có. Thực tế cho thấy rằng, những người sở hữu nhiều thứ thường dẫn đến một lối nghĩ sai lệch. Ví dụ, có tiền là có tất cả, muốn làm gì cũng được. hay có người cho rằng: mạng sống là của tôi nên tôi có quyền tự do trên đó và như vậy anh ta có quyền giết chết chính mình. Rồi còn có người tự hào về sắc đẹp, tài năng của mình mà khinh chê hay coi rẻ người khác. Hẳn nhiên, đây là thái độ tự mãn, chỉ biết đến mình và xem mình là nguyên nhân tác thành nên mọi cái có nơi bản thân. Thái độ này dễ dẫn đến một cách sống chối từ Thiên Chúa và xa cách với anh em đồng loại đặc biệt là người thấp kém hơn họ.

Thật vậy, người giàu có vì quá tin tưởng và cậy dựa vào chính mình nên họ sống không cần đến Thiên Chúa. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy rõ cách sống xa lìa Thiên Chúa của nhiều người trong thời kỳ cách mạng Ánh sáng vào thế kỷ 17, 18. Trong giai đoạn này, con người khám phá ra nhiều điều mới mà trước đây người ta chỉ dựa vào Kinh Thánh mà thôi. Chẳng hạn, trái đất quay quanh mặt trời theo một quỹ đạo nhất định chứ không phải mặt trời quay quanh mặt đất. Hay nhờ vào sự phát triển của thiên văn học, người ta đã giải thích được những hiện tượng tự nhiên vốn trước đây được gán ghép cho vị thần này thần kia. Thiên Chúa cũng bị liệt vào một trong những vị thần mà người ta vốn đặt rất nhiều tin tưởng. Lúc này, người ta tự khẳng định con người có thể làm được mọi sự, chỉ có điều người ta chưa tìm ra mà thôi. Kết quả là người ta loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ.

Một điểm khác nữa cho thấy người giàu có dễ dẫn đến thái độ sống bàng quang đối với nhiều người xung quanh. Câu chuyện ông nhà giàu và anh Lazarô trong Tin Mừng Luca là một ví dụ (x. Lc 16,19-31). Tác giả Luca không đưa ra một sai trái nào trong việc làm giàu của ông nhà giàu. Có thể ông là một con người làm ăn chân chính và giàu có là một điều tất yếu với khả năng của ông. Ở đây, Tin mừng chỉ giới thiệu cho chúng ta khung cảnh của một buổi tiệc tại nhà ông nhà giàu: yến tiệc linh đình. Trái lại, một khung cảnh khác hiện ra: anh Lazarô nghèo khổ, ghẻ chốc đang nằm ở cổng nhà của ông nhà giàu. Đến đây, đoạn Tin Mừng lại chuyển sang một khung cảnh khác: sau khi chết. Kết quả, anh Lazarô được đưa lên Trời còn ông nhà giàu phải bị thiêu đốt trong Hỏa ngục. Câu chuyện kết thúc ở đây mà không đưa ra một nguyện do nào. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy nguyên nhân dẫn đến kết cục của ông nhà giàu là vì ông sống thiếu quan tâm đến người nghèo khổ như anh Lazarô mà chắc hẳn ngày nào ông cũng trông thấy.

Như vậy, ta có thể nói người giàu có khó vào Nước Trời như là một sự chọn lựa thuộc quyền của con người chứ không phải Thiên Chúa bắt tội người ta phải sống nghèo khổ. Bởi vì, trong xã hội cũng có không ít kẻ nghèo rớt mồng tơi nhưng vẫn được coi là kẻ giàu có trước mặt Thiên Chúa. Bởi lẽ, họ vẫn có thái độ sống không khác gì những người được coi là giàu có. Mặt khác, có khi những người thực sự rất giàu có nhưng lại trở nên rất nghèo, chẳng hạn như Đức Ki-tô. Như thế, giàu có thuộc về thái độ sống của con người hơn là tình trạng hiện có của họ.

Vậy, chúng ta có thể kết luận rằng: câu nói của Chúa Giêsu: “người giàu có khó vào Nước Trời” không phải là một lời khẳng định đi ngược với ước muốn của con người. nhưng đúng hơn, đó như là một lời nhắc nhở, lời cảnh tỉnh những người vì quá yêu mình mà quên đi giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người.

Lighthouse



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng