NGƯỜI GIÀU CÓ KHÓ VÀO NƯỚC TRỜI

NGƯỜI GIÀU CÓ KHÓ VÀO NƯỚC TRỜI

http://www2.vietbao.vn/images/viet2/kinh-te/20760815_images1188495_dollar2.jpg

Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào Nước Thiên Chúa (Mt 19,24 ). Một khẳng định như thế khiến ta phải e dè và phân vân khi đọc thấy. Vì liệu ai trong chúng ta, những con người rất người, lại chẳng mong ước trở nên khá giả hoặc giàu có, và điều này hợp đạo đức chứ không phải là điều gì đáng ghê tởm. Thật vậy, của cải vật chất đem lại cho con người một cuộc sống thoải mái hơn, dễ chịu hơn và khởi đi từ đó người ta có điều kiện tốt hơn để thực hành tôn giáo, như một câu rất thực tế trong tiếng Việt : Có thực mới vực được đạo .

Liệu rằng, khi tuyên bố như trên, Ðức Giê-su có vô tình hay hữu ý lên án phần đông trong chúng ta hay không ? Liệu Ngài có ý muốn rằng tất cả những ai tin theo Ngài cần phải làm cho mình ra nghèo khổ hay không ? Câu trả lời có lẽ đã rõ, nếu chúng ta theo dõi từ đầu loạt bài này, nhưng ở đây, người viết muốn làm một thứ tóm kết về những gì đã nói, liên quan đến ý kiến trên, và đồng thời cũng là một dẫn nhập cho những gì sẽ được bàn trong những bài tiếp theo.

Quả thật, điều này đụng đến mỗi người một cách cụ thể.

Vậy, phải hiểu làm sao việc người giàu có khó vào Nước Trời. Chúng ta sẽ dễ dàng đồng cảm với các môn đệ Ðức Giê-su khi thấy các vị hỏi Ngài rằng : vậy liệu còn ai có thể vào Nước Trời được ? Và câu trả lời của Ðức Giê-su dường như chẳng mấy ăn nhập : Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được (Mt 19,26). Trọng tâm của vấn đề là ở câu trả lời này, chứ không phải ở cách "nói quá" kia.

Trước hết,

Nếu để vào được Nước Trời, người ta phải đi con đường hẹp ;

Nếu để đi theo Ðức Giê-su, người ta phải từ bỏ mọi sự mà theo ;

Nếu để chiếm hữu được Nước Thiên Chúa, người ta phải đánh đổi tất cả những gì mình sở hữu ;

Nếu để được chọn vào dự Tiệc Cưới, người ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng ;

Nếu để khỏi phải bị bắt chộp, người ta phải luôn canh thức ;

Nếu để đạt đến triều thiên vinh quang, người ta phải quên phía sau mà lao mình tới trước .

Và,

Nếu Nước Trời đòi con người phải yêu thương nhau như chính mình ;

Nếu Nước Trời đòi người ta phải chia sẻ cho nhau ;

Nếu Nước Trời đòi người ta phải đón nhận nhau ;

Nếu Nước Trời đòi người ta phải quan tâm đến nhau ;

Nếu tất cả những điều trên đòi hỏi người ta phải quan tâm học cho biết, như ta đã thấy trong các bài trước, về cách thế sử dụng tiền của một cách đúng đắn : tránh chà đạp người khác, và đặc biệt là nhằm tái tạo tình người và xây dựng xã hội con người ngày một tốt đẹp hơn .

Thì,

Vốn để vào được Nước Trời, quả đã là rất khó đối với một con người nói chung,

Còn khó hơn biết mấy đối với một người giàu.

Bởi vì, như ta đã nói nhiều lần, những người có của thường dễ dàng đặt sự an toàn của họ trên tài sản chiếm hữu, thường thì họ khó có thể dứt bỏ ra được khỏi chúng, họ thường dễ dàng rơi vào tình trạng tìm cách thu tích nhiều hơn nữa, cho dù phải chà đạp lên sự an toàn của người khác, họ thường khó chấp nhận chia sẻ hoặc sử dụng tài sản của họ cho những mục đích cao thượng, v.v.

Vâng, đối với họ, quả là khó nhọc vô cùng để đạt đến đích điểm mà Ðức Giê-su đã đến để mặc khải cho : Nước Trời. Ðến đỗi khó hơn cả một con lạc đà chui qua lỗ kim.

Thật vậy, sự giàu có của họ đã làm cho họ ra khờ dại , mù loà và điếc lác đến nỗi không còn biết nhận ra đâu là điều hơn lẽ thiệt, đâu là người thân cận và đâu là tiếng nói của chân lý liên quan đến hạnh phúc thật của họ. Ðó sẽ là những chủ đề quan trọng trong giáo huấn của Ðức Giê-su về vấn đề tiền bạc mà ta sẽ bàn đến trong khi tìm hiểu về các dụ ngôn Ngài dùng trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca : ông nhà giàu khờ dại, người giàu và anh La-da-rô nghèo khổ (mà ta sẽ bàn đến sau này).

Trở lại câu nói rằng người giàu có khó vào Nước Trời, ta sẽ xem xét thêm đôi nét hầu có thể giúp hiểu rõ thêm đâu là điều quan trọng của sứ điệp này. Câu nói trên có một qui chiếu rõ nét trong nền văn hoá Cổ Cận Ðông. Người ta tìm thấy trong nhiều bản văn của vùng này một cách nói quá, để chỉ một sự việc hiếm thấykhó thực hiện, chẳn hạn : Cho tới chừng nào một con voi chui qua được cái lỗ kim . Khi người Do thái muốn diễn tả một ý niệm tương tự, họ dùng cách nói quá này. Bằng sự tương phản giữa một con voi, vốn vừa to lớn lại vừa di chuyển một cách bệ vệ với các chuyển động của các chi và cả cái vòi lúc lắc nữa, và một cái lỗ kim bé tí tẹo, mà đôi khi ta phải tập trung hết khả năng nhìn của mình để thấy, người ta muốn diễn tả tính cách "bất khả thi". Quả vậy, sự tương phản đó làm cho nổi bật lên tính cách khó khăn đến mức dường như không thể thực hiện được của sự việc.

Người ta không rõ tại sao Ðức Giê-su, hoặc các tác giả Tin Mừng, lại thay thế hình ảnh con voi bằng con lạc đà. Có lẽ, hình ảnh con lạc đà quen thuộc hơn với người dân trong vùng, nhưng không có giải thích nào thoả đáng. Tuy nhiên, có lẽ, ý nghĩa của cách nói vẫn là một.

Cách nói này, có hàm ý diễn tả tính "bất khả thi" của một sự việc như thế, giúp ta nhận ra mối liên hệ với câu trả lời của Ðức Giê-su cho các môn đệ, như ta vừa gợi trên kia, rằng : Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được (Mt 19,26). Có nghĩa là, có một sự đối lập rất mạnh giữa một người giàu có (với tất cả những vấn đề mà ta đã có dịp bàn tới), và Nước Trời (với tất cả những đòi hỏi từ bỏ và yêu thương mà ta cũng đã nói), đến nỗi nếu chỉ bằng sức của con người thì dường như vô vọng ; nhưng nếu ta kể đến ơn trợ giúp của Thiên Chúa hằng ban liên tục và dồi dào cho nhân loại thì nó không còn là vấn đề nữa. Và Ðức Giê-su, khi công bố câu này, đã muốn khẳng định cái thực tại mang tính cứu độ Ngài mang đến trong thế gian. Thực tại đó đã xuất hiện rồi. Ðiều còn lại là liệu ta có biết đón nhận và sử dụng hay không giáo huấn của Ngài.

Chính vì vậy, như ta đã gặp nhiều lần trong Cựu Ước, qua các nhân vật đã được tìm hiểu, đã có nhiều người được kể là rất giàu có nhưng đồng thời cũng đã có chân trong Nước Trời, đặc biệt là nhân vật Tổ phụ Áp-ra-ham mà ta đã có dịp bàn kỹ.

Và hơn nữa, ngay trong Tân Ước, ta cũng có những ví dụ rất cụ thể về những người nam và nữ giàu có hằng đi theo trợ giúp Thầy Giê-su. Thật vậy, ta thấy, khi còn ở tại thế, Ðức Giê-su được bao bọc bởi những người đàn ông và đàn bà giàu có, những người sẵn lòng giúp Ngài về mặt vật chất, bằng của cải dồi dào họ có. Ta có thể kể ra một vài tên tuổi thường nghe nhắc đến trong Tin Mừng : ông Ni-cô-đê-mô, ông Giô-xếp người thành A-ri-ma-thê, bà Sa-lô-mê, v.v.

Ðó là chưa kể đến chính Ðức Giê-su được các Tin Mừng mô tả không như một người nghèo khổ, trái lại thì có. Thật vậy, ngay từ những ngày đầu được sinh ra, gia đình Ngài đã được các vị Ðạo sĩ đến dâng tặng nhiều vàng bạc ; ta không hề nghe nói đến việc Ngài phải lo lắng vất vả để kiếm cơm ăn áo mặc, ta chỉ nghe kể Ngài là một bác thợ ; trong khi đó, chiếc áo choàng của Ngài, mà mấy người lính Rô-ma đã quyết định rút thăm dưới chân thập giá, vốn là một chiếc áo đắt tiền mà chỉ có những người giàu có mới có được.

Những điều vừa nói cho thấy rằng : cũng có nhiều người giàu , trong đó có chính Ðức Giê-su, đã vào Nước Trời không mấy khó .

Vậy, vấn đề không phải là giàu hay nghèo mà là việc đặt tương quan của ta với của cải vật chất. Ưu tiên của tôi là cái gì : Thiên Chúa và anh em đồng loại hay tiền bạc. Thiết tưởng, đó mới là vấn đề mà cách nói trên muốn đặt cho chúng ta : làm thế nào để có thể vào được Nước Trời, cho dù tôi có thể đồng thời là một người giàu có ? Thuộc về mỗi chúng ta lời đáp, diện đối diện, với chính Ðấng đã dạy những điều cần thiết.

An Thụ

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng