Mục đích và hồng ân đặc biệt của Mùa Chay

Mùa Chay

Mở đường cho lễ Phục Sinh và mầu nhiệm Vượt Qua là ‘Mùa Chay’, bắt đầu từ lễ Tro, ngày thứ tư trước Chúa Nhật I Mùa Chay, đến ngày thứ năm Tuần Thánh. Trong tiếng La-tinh ‘Quadragessima’. Theo Kinh Thánh ‘bốn mươi ngày’ là thời gian bị thử thách, thanh tẩy và cầu nguyện trước những lựa chọn sẽ định hướng lại cuộc sống theo Thánh Ý Chúa. Giống như 40 ngày Đại Hồng Thủy và khế ước đầu tiên giữa Thiên Chúa và ông No-ê, 400 năm dân Do thái làm nô lệ tại Ai-cập và 40 năm đi trong sa mạc; giống như Môisê là người đã ăn chay trước khi đón nhận những tấm bia lề luật và việc Êlia ăn chay trước khi gặp Chúa tại núi Horép. Đức Giêsu cũng vậy, qua việc cầu nguyện và ăn chay, đã chuẩn bị cho sứ vụ đặt trước mặt Ngài, sứ vụ được đánh dấu vào lúc khởi đầu bằng một cuộc chiến đấu nghiêm trọng với kẻ cám dỗ.

Lịch sử Mùa Chay. Trong thế kỷ II các tân tòng ăn chay hai ngày trước khi được Rửa Tội trong Đêm Vọng Phục Sinh. Từ từ thời gian chuẩn bị và ăn chay kéo dài 2, 3 và 4 tuần. Trong thế kỷ V Giáo Hội thêm lễ Tro là một nghi thức dành cho tội nhân[1] đang hoán cải và sẽ được hòa giải ngày thứ Năm Tuần Thánh. Như vậy các tân tòng và tội nhân là nhân vật quan trọng trong Mùa Chay đầu tiên. Lời nguyện và bài đọc của Mùa Chay thường nhắc đến tân tòng đang chuẩn bị chịu phép Rửa Tội và tội nhân đang xin được hòa giải. Rất sớm Mùa Chay được dành cho mọi tín hữu. Thực sự mọi Ki-tô hữu đã là ‘tân tòng’ cần đi lại và đào sâu con đường dẫn đến Rửa Tội; vẫn là ‘tội nhân’ được mời xức tro và tích cực tham gia vào Mùa Chay để ăn năn sám hối và chuẩn bị lập lại lời hứa khi chịu Phép Rửa Tội.

Công Đồng Vat II muốn đem lại đặc tính đích thực cho Mùa Chay: “Hai đặc tính của mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ. Do đó:

a) Những yếu tố về phép Rửa Tội riêng cho Phụng Vụ Mùa Chay phải được sử dụng rộng rãi hơn. Một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu có thể, cần phải được tái lập.

b) Còn các yếu tố về việc sám hối cũng vậy. Trong khi dạy giáo lý, phải khắc ghi vào tâm trí các tín hữu, không những các hậu quả xã hội của tội mà còn chính bản chất của sám hối là ghét tội vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Không được bỏ quên vai trò của Giáo Hội trong tác động sám hối và phải nhấn mạnh đến việc cầu cho các tội nhân”.

“Trong Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy khuyến khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta, của các miền khác nhau cũng như tùy hoàn cảnh các tín hữu.” (Sacrosantum Concilium, số 109-110)

Theo nghi thức phụng vụ mới, từ năm 1969 Mùa Chay được chia thành ba giai đoạn với những bài Phúc Âm thích hợp: 1) Hai Chúa Nhật đầu nói về Chúa Ki-tô bị cam dỗ và biến hình, 2) Ba Chúa Nhật tiếp theo, trong năm A nói về giáo lý tân tòng, về nước (phụ nữ Samari), về ánh sáng (người mù) và về sự sống (Lazarô sống lại). Năm B có giáo lý về thập giá và Phục Sinh, năm C về hoán cải và lòng nhân từ của Chúa. 3) Chúa Nhật thứ sáu là Lễ Lákhai mạc Tuần Thánh.

Mục đích và hồng ân đặc biệt của Mùa Chay. Mùa Chay là thời gian đầy ân sủng của Chúa, giúp cho các tín hữu ý thức là ai theo lòng thương mến và kế hoạch Thiên Chúa dành cho mình; là thời gian nhớ lại ngày được Rửa Tội, là thời gian “dìm xuống” trong Đức Ki-tô để hoán cải sống thực sự theo vết chân Ngài. Là thời gian tìm gốc rễ của đời sống loài người. Gốc rễ là Đức Ki-tô đã chết và sống lại để ban cho nhân loại sự sống. Gốc rễ là hành động của Thần Khí nối kết chúng ta với Thiên Chúa và với anh em trong tình yêu.

Mùa Chay là một hành trình tập luyện thiêng liêng dẫn đến Phục Sinh. Trước khi xức tro có lời nguyện: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần”.

o Đêm Vọng Phục Sinh, trước khi lặp lại lời tuyên hứa bí tích thánh tẩy linh mục nói: “Anh chị em thân mến, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mai táng với Đức Ki tô trong bí tích thánh tẩy, để được cùng Người sống đời sống mới. Bởi thế, giờ đây, thời gian thanh luyên của Mùa Chay đã kết thúc, chúng ta cùng nhau lập lại những điều đã tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy: là từ bỏ Xa-tan với tất cả những gì thuộc về nó, và trung thành phụng sự Chúa trong Hội Thánh công giáo”.

1.- Lộ trình thiêng liêng dọn mình chịu phép Rửa Tội.

Nhờ phép Rửa Tội tín hữu được kết hợp với Đức Ki-tô chết và sống lại. Những gì đã xảy ra cho Ngài biến thành thực tại trong chúng ta. Con người cũ bị đóng đinh với Ngài và tín hữu nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Vốn dĩ con người chẳng có gì cao thượng, thánh thiện. Nhưng Thần Khí hoạt động để giải phóng ta ra khỏi vòng u tối, dẫn đến ánh sáng của đời sống mới trong Đức Ki-tô. Kẻ tội lỗi được cứu rỗi. Vì Đức Ki-tô đã sống lại, chúng ta có thể thoát khỏi ảnh hưởng nguy hại của tội lỗi và trở thành con Thiên Chúa.

Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! " Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8,14-17)”.

‘Tân tòng’ (Catechumen) bằng tiến Hy lạp là kẻ “lắng nghe” (katejei), tức là kẻ nhận ra tiếng kêu của Thiên Chúa. Kinh nghiệm căn bản của tân tòng là ‘nghe Thiên Chúa nói”. Khi đọc Kinh Thánh, thắc mắc chính của con người không phải là Thiên Chúa ‘có thật’ không, mà là Ngài ‘có nói’ thực sự chăng. Những thắc mắc về đức tin không được đáp lại bằng những lý luận rất giỏi mà bằng đức tin, khi chúng ta nhận thấy và nghe Thiên Chúa nói với mình.

Chịu phép Rửa Tội là đáp lại lời mời làm con của Chúa Cha, là chọn lựa bước theo vết chân của Đức Ki-tô, là mở trái tim cho Thần Khí, là định hướng lại cuộc sống từ tận gốc.

Chương trình giáo huấn các tân tòng rút ra từ kinh nghiệm rao giảng Tin Mừng và huấn luyện của các môn đệ kể từ thời kỳ các tông đồ và của chính Đức Ki-tô. Cách rao giảng Tin Mừng và huấn luyện môn đệ này có những yếu tố luôn luôn hiện diện trong mọi kinh nghiệm đức tin:

  • Loan báo Tin Mừng: ‘Nước Chúa đã đến và đang hiện diện ở giữa anh em’. Thiên Chúa mà đã từng nói với loài người, hôm nay vẫn hiện diện và muốn tâm tình với chúng ta. Có nhiều người làm chứng cho Ngài! Lời nói của Ngài kèm theo nhiều dấu chỉ: Ngài nói và làm, dạy dỗ và chữa lành.

  • Giáo lý dành cho những ai muốn ‘nghe’ Thiên Chúa sẽ mở đường hoán cải cho họ, sẽ trình bày một chương trình, một lối sống mới cho con người. Lối sống đó được đúc kết trong bài giảng trên núi, và trong các mối Phúc Thật. Giai đoạn này sẽ kéo dài một hai năm đối với tân tòng suốt đời đối với các tín hữu.

  • Nhờ quyền năng của Thần Khí. Đức Ki-tô ngày xưa và Giáo Hội ngày nay, loan báo Tin Mừng cứu rỗi nhờ quyền năng của Thn Khí, là hoa quả của Đức Ki-tô Phục Sinh. Tin Mừng các vị tông đồ loan báo dẫn đến kinh nghiệm nhận lãnh Thần Khí, là một biến cố các tín hữu đã từng chứng kiến. Bất cứ tín hữu nào cũng có thể làm chứng cho kinh nghiệm quý báu này.

  • Dạy cách cầu nguyện – đối thoại với Thiên Chúa – như Đức Giê-su ngày xưa đã dạy các môn đệ (Lc 11,1-13). Môn đệ cầu nguyện như Thầy: ‘một mình trong phòng’ (Mt 6,6) hay ‘trong cộng đoàn’ (Mt 11,25), ‘không dùng nhiều lời’ (Mt 6,7) hay với ‘Thánh Vịnh’ và ‘các nghi thức’ cử hành chung với cộng đoàn.

  • Giao cho tân tòng sứ mệnh của Đức Ki-tô. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Có nhiều sứ mệnh khác nhau: của Nhóm Mười Hai, của bảy mươi hai môn đệ, của các bà mà Đức Giê-su sai loan báo tin mừng Phục Sinh; của chúng ta là những môn đệ ngày nay.

2.- Lộ trình thiêng liêng hoán cải và sám hối.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để nhìn lại mầu nhiệm cuộc sống và định hướng lại những phạm vi còn lệch lạc. Ai ai cũng cần hoán cải. Thiên Chúa đến để cứu rỗi và giải phóng chúng ta. Như thế nào? Trong thực tế cuộc giải phóng này diễn tiến ra sao?

  • Hoán cải là một lộ trình thiêng liêng lâu dài. Dân Do-thái tiến về đất hứa qua 40 năm đi trong sa mạc. Trở nên ‘đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô’ là một cuộc hành trình thiêng liêng kéo dài suốt cuộc đời. Con người thành hình trong thời gian, qua rất nhiều lựa chọn tự do. Con người luôn luôn lựa chọn, không có thể ngưng lựa chọn. Trong cả vũ trụ chỉ có loài người mới có thể định hướng cuộc sống theo ước muốn mình.

  • Hoán cải và những lựa chọn lớn nhỏ. Có những lựa chọn quan trọng, tận gốc, căn bản: Tôi sống cho ai? Tôi sống để làm gi? Ai làm chủ trái tim tôi? Và có những lựa chọn nho nhỏ, hằng ngày. Tuy nhiên, những lựa chọn nho nhỏ này có liên hệ với các lựa chọn căn bản, tận gốc: là những lựa chọn hợp lý hay mâu thuẫn với lựa chọn tận gốc. Khi một người đã cam kết trước mặt cộng đoàn sống cho ai, nhưng trong cuộc sống hằng ngày có những hành động trái nghịch với lời tuyên hứa đó, chúng ta biết rằng, sự lựa chọn công khai đó chỉ là một ảo ảnh, một ảo tưởng; có vẻ thật, nhưng thực sự không có. Hành động biểu lộ các ước muốn đích thực của mình. “Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”. (Mt 6,21)

Thường thường muốn biết những lựa chọn căn bản của mình ra sao, chúng ta nên nhìn những lựa chọn nho nhỏ hằng ngày. Theo Th. Thoma “nhìn kỹ vào bất cứ hành động của một người, chúng ta sẽ khám phá ra người đó đang định hướng cuộc sống trước mặt Chúa và đời sống vĩnh viễn như thế nào”.

Mỗi người tự do định hướng cuộc sống trước mặt Thiên Chúa: Tôi là ai đối với Chúa? Ngài là ai đối với tôi? Đây là ý nghĩa đích thực của hoán cải. Tức là, qua các biến cố và kinh nghiệm sống con người khám phá ra lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với mình, và lựa chọn Ngài là cùng đích.

Ki-tô hữu là kẻ nhìn ngắm Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô khám phá ra mầu nhiệm của con người. Đức Ki-tô mặc khải cho con người những ước muốn sâu đậm nhất. Hoán cải đối với người Ki-tô hữu là tự hỏi: “Tôi đã thực sự lựa chọn Đức Ki-tô không? Tôi đã khám phá ra nơi Ngài tình thương, kế hoạch và lối sống Chúa Cha dành cho tôi không?” Tự hỏi, không phải trong lý thuyết và suy tư mà qua hành động và cách sống của mình. Bởi vì những hành động nho nhỏ hằng ngày sẽ chứng tỏ những lựa chọn căn bản của mỗi người.

  • Hoán cải là một biến đổi tận gốc. Hoán cải không chỉ là quyết định thêm giờ cầu nguyện, đi Lễ, làm chặng đàng Thánh Giá, bố thí cho người nghèo; không chỉ là cố gắng sửa chữa một tật xấu. Hoán cải cốt ở sự biến đổi tận gốc, là sự tái sinh, là đổi mới trái tim, "Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi. Ta sẽ cứu các ngươi khỏi mọi ô uế” (Ed 36,25-29).

  • Hoán cải là hoa quả của Thần Khí tình yêu. Đây là hồng ân của Thần Khí tình yêu. Thần Khí mới biến đổi chúng ta tận gốc. Khi ‘thánh hóa’ con người, Thần Khí biểu lộ những khả năng, duyên dáng cao đẹp nhất của mỗi người. Trở nên đồng hình đồng dạng với Đức ki-tô chúng ta ngày càng có tinh thần nghèo, trái tim trong sạch, tấm lòng thương xót, khao khát sự công chính, biết xây dựng hòa thuận, can đảm chịu đựng sự bách bớ. Nếp sống này có vẻ đẹp cao quý trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt loài người. Ngược lại, những ai dùng ý chí mà ‘thánh hóa’ mình theo kế hoạch riêng, chưa chắc được thêm duyên thánh. Người Pha-ri-sê-u tạ ơn Chúa vì đã giữ luật đầy đủ, đã thực hiện được mọi kế hoạch đạo đức. Vậy mà trước mặt Chúa chẳng có thêm duyên dáng hay công chính. Mọi sự cao đẹp của con người là hồng ân của Thần Khí tình yêu. Ai muốn hoán cải cuộc sống theo vết chân Đức Ki-tô, ngay trong các lựa chọn tự do của mình, cần có một thái độ cộng tác, xin vâng, mở lòng cho Thần Khí. Cần sự cộng tác liên tục của mỗi người. Nhưng, được hoán cải như vậy không phải do ý chí, cố gắng và rèn luyện của mình. Chính Thiên Chúa hoán cải chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa biến đổi chúng ta tận gốc. Tức là thanh tẩy các nết xấu, khuyết điểm và thói quen lệch lạc của chúng ta bằng lửa hăng say của một tình yêu mới.

  • Hoán cải và chay tịnh. Bước vào sa mạc không phải là tránh xa anh em và tự cô lập hóa chính mình trong một thế giới vị kỷ. Ngượi lại, chúng ta được mời bước vào sa mạc của Mùa Chay, để tìm lại chính mình và những gì chúng ta muốn chia sẻ với anh em. Sống giữa đám đông chưa chắc chúng ta sống thông cảm và chia sẻ. Sa mạc là nơi thanh vắng, chỉ có cát và vòm trời, ít chia trí, lại có nhiều cơ hội hồi tâm, nhìn ngắm chân trời mênh mông, vòm trời đầy ngôi sao, đt những câu hỏi căn bản về cuộc sống. Sa mạc rất nóng ban ngày, lạnh ban đêm. Ai bước vào sa mạc chỉ nên mang theo những gì cần thiết thôi: nếu thiếu, sẽ không sống nổi, còn nếu dư, sẽ không đi xa được. Chay tịnh là gạt bỏ một bên những điều gây lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những điều nuôi dưỡng tâm hồn, hầu yêu mến Thiên Chúa và tha nhân[2]. Thiên Chúa dẫn chúng ta vào sa mạc chay tịnh để tỏ tình yêu cho chúng ta và ‘quyến rũ’ chúng ta trở về với Ngài.

Phụ Lục về Bí Tích Hòa Giải

‘Xưng tội trong một năm ít là một lần’ và ‘Chịu Mình Thánh Chúa Giê-su trong mùa Phục Sinh’ là điều răn thứ ba và thứ bốn của Hội Thánh. Ngoài ‘làm chặng đàng Thánh Giá’, ‘bố thí cho người nghèo’ và ‘chay tịnh’, lãnh Bí Tích Hòa Giải cũng là thói quen đáng khuyến khích của các tín hữu trong Mùa Chay. Muốn được hoán cải tận gốc, chúng ta dọn mình lãnh bí tích Hòa Giải một cách chu đáo hơn, nguyện xin Thần Khí biến đổi cách quan sát, suy xét và hành động của chúng ta:

a) Mùa Chay là thời gian thuận tiện để quan sát, xem:

  • Tôi vun trồng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân như thế nào?

  • Tôi tìm cách nào để tự chủ, kiềm chế sở thích cá nhân và chú ý đến tình liên đới với tha nhân?

  • Tôi quý trọng tư cách và mầu nhiệm của mỗi người như thế nào?

  • Cách tôi vượt qua lý tưởng quá cao, không thực tế, và làm việc trong niềm hy vọng ra sao?

  • Cách tôi để tinh thn các Mối Phúc Thật thấm nhuận trái tim tôi như thế nào?

  • Cách tôi sống đạo qua hành động lớn nhỏ ngày càng trung thành và hiếu thảo với Thiên Chúa ra sao?

b) Mùa Chay là thời gian thuận tiện để suy xéttự hỏi:

  • Tại sao tình yêu của tôi còn dè dặt, ơ hờ, quá ích kỷ như thế?

  • Tại sao tôi chiều ý tôi nhiều, hưởng thụ những thứ vui quá độ làm tôi mất bình an và quên nhu cầu và ao ước của anh em?

  • Tại sao tôi còn coi thường anh em nghèo, kém học, hèn yếu?

  • Tại sao tôi mơ tưởng nhiều về một thế giới vừa ý tôi, quên những đòi hỏi của thực tế khắc khổ?

  • Tại sao tôi hay quên Tin Mừng Đức Ki-tô và tinh thần các mối Phúc Thật?

  • Tại sao tôi tự lừa dối mình, mặc đức tin như một áo đẹp hơn là một lối sống theo vết chân Đức Ki-tô trên Thập Giá?

c) Mùa Chay là thời gian thuận tiện để canh tân các hành động và để cố gắng:

  • Dẹp thái độ ơ hờ và xin ơn được hăng say dấn thân phục vụ anh em

  • Dung hòa cuộc sống nội tâm và hoạt động, theo lương tâm và đến gần anh em

  • Đối xử với mọi người xa gần một cách tế nhị, tôn trọng, từ tâm và quảng đại

  • Hiểu biết cuộc sống thực tế của anh em, tránh tự đóng lại trong một lâu đài đầy tham vọng ích kỷ

  • Ngày càng hiểu biết sâu xa hơn về Đức Ki-tô cũng như Tin Mừng, thập giá và ơn cứu chuộc của Ngài

  • Dung hòa ‘đạo’ và ‘đời’, ‘biết’ và ‘tin’, ‘sốt sáng cử hành Thánh Lễ’ và ‘phục vụ tha nhân’ để sống một cách thống nhất hơn.

Để suy và chiêm niệm:

Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a tại nhà ông Si-mon Cùi, thì có một người phụ nữ đến gần Người, mang theo một bình bạch ngọc, đựng một thứ dầu thơm đắt giá. Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, lúc Người đang dùng bữa. Thấy vậy, các môn đệ lấy làm bực tức nói: "Sao lại phí của như thế? Dầu đó có thể bán được nhiều tiền mà cho người nghèo." Biết thế, Đức Giê-su bảo các ông: "Sao lại muốn gây chuyện với người phụ nữ này? Quả thật, cô ấy vừa làm cho Thầy một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu! Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy. Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô." (Mt 26,6-13)

“Lạy Chúa, xin soi sáng mỗi người chúng con biết ăn năn hối cải và tăng cường việc bác ái yêu thương, hầu chế ngự mọi tính mê tật xấu. Nhờ đó, chúng con được sạch tội, và thêm lòng sốt sáng thông phần cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời”.



[1] Suốt bảy thế kỷ đầu tiên, các tín hữu quý trọng cuộc sống mới trong Thần Khí đã nhận khi chịu phép Rửa Tội đến nỗi, nếu rối đạo, giết người hay ngoại tình, chỉ được tha thứ và hòa giải một lần trong cuộc sống. Muốn được hòa giải phải công khai gia nhập vào ‘nhóm đền tội’ (ordo paenitentiae) qua nghi thức xức TRO. Nhưng, các tội nhân chỉ xưng tội riêng với vị Giám Mục (hay linh mục). Cộng đoàn biết những ai đang ‘đền tội’ nhưng không biết vì lỗi lầm nào. Mãi đến thế kỷ IX mới có bí tích Hòa Giải riêng và nhiều lần.

[2] ĐGH Benedictô XVI, “Sứ Điệp Mùa Chay 2009”


Eli Thành SJ


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng