Mùa Chay…Mùa chiến đấu

Mùa Chay…Mùa chiến đấu

Mùa Chay … Mùa đánh trống bỏ dùi!!

Bình mới - Rượu mới

Mong Manh

Trên chuyến xe đò vào sáng sớm tinh mơ. Mỗi khi xe đến gần một nhà thờ nào đó thì lại chứng kiến đoàn người tấp nập lũ lượt kéo nhau đến nhà thờ y như đi hội. Những nhà thờ chật cứng người tràn ra sân nhà thờ và tràn ra cả mé đường nữa. Không nói thì ai cũng biết hôm ấy là ngày gì rồi. Thứ Tư Lễ Tro, ăn chay và kiêng thịt. Mở đầu cho Mùa Chay thánh.

Người tín hữu, bước vào Mùa Chay năm nào cũng như năm ấy đều được nghe điệp khúc : Mùa Chay là mùa chiến đấu, mùa thanh luyện, mùa giành giật… giữa cái xấu và cái tốt, giữa sự thiện và sự ác, giữa tội lỗi và thánh thiện… Mở màn Mùa Chay là dân ta chiến đấu với giấc ngủ để mau mắn ra khỏi thói quen ngủ nướng thường ngày, chen lấn đến nhà thờ nhận một chút tro sức trên đầu. Dân ta đã chiến thắng thật vẻ vang và lừng lẫy.

Trên chuyến xe đò đó, thoạt đầu tôi cũng nghĩ ngợi vì hôm nay là ngay Thứ Tư Lễ Tro, ăn chay và kiêng thịt. Chắc hẳn anh tài xế sẽ rất phân vân so đo khi có linh mục ngồi bên cạnh mà lại cho quay đầu xe dừng chân ở một quán xá để mọi người xuống xe ăn uống thì còn gì là đạo đức “thánh thiện” nữa cơ chứ? Không có linh mục thì có dễ thở hơn không? Phạm tôi một mình không ai biết thì còn được, chứ anh là đầu tầu mà đầu têu cho mọi người phạm tội công khai thì có mà xuống đáy địa ngục! Thế mà chuyện xảy ra thật đấy! Anh ta chỉ dừng xe đổ xăng rồi chạy một mạch về đến nhà. Nghĩ mà tội nghiệp nhưng dân ta đã chiến thắng thật vẻ vang và lừng lẫy!

Đến cổng một Đan Viện thì có số người ra đón. Được thể nên than với họ rằng cái anh tài xế không dừng cho người ta ăn uống tí gì, mệt lử cả người, 300 cây số chứ bộ! Nhưng đám đông đó tròn xoe đôi mắt lấy làm ngạc nhiên vì hôm nay ăn chay kiêng thịt mà ông là “lờ mờ”… thì đúng quá đi chứ! Còn rên rẩm cái nỗi gì! - Oai! dân ta đã chiến thắng thật vẻ vang và lừng lẫy.

Chuyện người thanh niên vào tòa. Dành miếng bánh của em bé rồi cho vào miệng. Sực nhớ ra hôm nay ăn chay kiêng thịt nên vội vàng nhổ ra và… xin cha tha tội cho con!

Tình Yêu ơi Tình Yêu! Nỡ khắt khe đến thế vậy sao! Ăn một chút, uống một chút, lỡ một chút… mà xuống tận đáy địa ngục chăng? hay ai đã yêu thật rồi thì buộc phải như thế! Gồng mình giữ hai ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh còn 363 ngày kia thì xả láng ru!

Chúa nhật VIII Thường Niên, trước ngày thứ tư Lễ Tro, bài Tin Mừng Mc 2,18-22 : “Tại sao các môn đệ của ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?…”. Bác tài xế tốt bụng và những người đạo đức tôi gặp hôm đó có lẽ họ quên khuấy mất “chàng rể” - chính Chúa - đang ở với mình. Tình yêu thì không còn sợ sệt, cứng ngắc, trầm trọng, kinh khủng… “Tình yêu không biết đến sợ hãi… vì sợ hãi gắn liền với hình phạt…” (1Ga 4,18). Tôi viết bài này, thường ngày tuy là kẻ ham ăn, nhưng không phải hôm đó vì “không được ăn” mà biện hộ đâu à nghe!

Bài Tin Mừng của ngày thứ tư Lễ Tro (Mt 6,1-8.16-18). Sự kín đáo thì ngược hẳn lại với những kiểu cách phô trương (Mt 23,1-12)

Khi bố thí, ăn chay, cầu nguyện… kín đáo. Làm gì thì làm vẫn là làm sao có sự tương quan với Chúa bên trong. Kín đáo là chỉ có mình với Chúa, Chúa với mình. Trong căn phòng nội tâm kín đáo đó luôn có niềm vui, hạnh phúc, bình an thì không còn nhu cầu phô trương ra bên ngoài nữa. Trong căn phòng nhỏ bé kín đáo đó có Chúa là đủ cho mỗi người chúng ta rồi. Khi bên trong trống rỗng cô đơn đói khát mà đã được lấp đầy, no thỏa bằng Tình Yêu rồi thì con người không còn bận tâm chăm chút những hình thức bên ngoài nữa.

Bố thí hay thương người. Giúp đỡ chia sẻ cho người khác để giúp tôi nhận ra Chúa thương tôi, Chúa ban Ân Sủng là chính Chúa cho tôi, Chúa ban cho tôi của ăn áo mặc và những đồ dùng tôi cần thiết. Lãnh nhận nhưng không thì cho nhưng không. Cho thì có phúc hơn là nhận (Sứ Điệp Mùa Chay, Cv 20,35)

- Yêu thương nhau là san sẻ cho nhau của cải vật chất, cơm bánh bạc tiền. Luôn cảm thấy họ cần thiếu hơn mình… Không gây thiệt hại, không chọc phá gây lộn, không làm cho ức chế đau khổ…

- Yêu thương nhau là tôi sống hiền lành, khiêm nhường, tha thứ, đón nhận… luôn tạo nên bầu khí vui tươi, bình an, sống động, hạnh phúc, một tạo vật mới trong một trời mới đất mới. Sáng tạo, nối kết chứ không chặt phá đạp đổ giết chết.

- Yêu thương nhau là giúp nhau nhận ra ơn cứu độ. Gặp gỡ được chính Chúa là niềm vui bình an và hạnh phúc. Thân phận con người mỏng dòn, yếu đuối, giới hạn nhưng cùng nhận ra là được Chúa yêu thương. Chính Tình Yêu ấy làm nên sức sống. Không có quyền hành nhưng có sức mạnh. Sức mạnh của Tình Yêu.

Ăn chay hãm mình để giúp tôi nhận ra thân phận mỏng dòn yếu đuối của tôi.

- Khi ăn chay tôi đói, tôi khát, tôi thèm thuồng, ruột gan tôi cào bới… nhờ đó tôi nhận ra thân phận con người giới hạn bọt bèo của thân xác tôi.

- Sự đói khát thèm thuồng đó cũng giúp tôi ý thức được đói khát tâm linh bên trong là như thế nào. Khi tôi sống mà không nhận ra Chúa trong cuộc đời mình thì thật vô phúc cho tôi. Tôi không đói, không khát thì chẳng buồn lê bước đi kiếm tìm, mà đã không còn kiếm tìm thì sống cũng như đã chết.

Cầu nguyện để giúp tôi luôn sống tương quan thân mật với Chúa.

- Bước đầu việc cầu nguyện thật nản vì cứ thấy mình trơ trơ ra đó, chẳng thay đổi được gì, chẳng giải quyết được gì cho những nhu cầu riêng tư đang là quá cần thiết. Như thế một thời gian cực ngắn là bỏ. Nhưng nếu có sự thúc đẩy tha thiết ước muốn từ bên trong, rồi có được người đồng hành, tạo được bầu khí gần gũi thân mật với Chúa, đặc biệt Chúa Giêsu Thánh Thể thì một thời gian Chúa sẽ thực hiện những điều tốt đẹp trong lòng, và sẽ sớm nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa dẫn đi với những bước chân kỳ diệu. Làm thay đổi cuộc sống, thay đổi cõi lòng, thay đổi nếp suy nghĩ, thay đổi cách đối xử…

- Nếu kiên nhẫn trung thành cầu nguyện thì sức nóng tình yêu và ánh sáng của Chúa sẽ soi rọi vào ngóc ngách cuộc đời để biết con người thật của mình. Cầu nguyện để cho biết mình rõ hơn. Biết thật rõ nhưng lại được yêu thương chứ không phải để kết án trừng phạt đày đọa đay nghiến. Như thế mới là hạnh phúc thật!

Kết :

Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện(EP 4:22-24)

Mùa chay tới, chúng ta lại được dịp nghe các linh mục kêu gào: Hãy cởi bỏ con người cũ, mặc con người mới. Những bài thánh ca thúc giục chúng ta Hãy tỉnh thức đi!! Hãy sẵn sàng!! Hãy xé lòng, Đừng xé áo!! Nghe như những tiếng trống dồn dập… thúc quân tiến lên phía trước mang lại chiến công tòan thắng oai hùng.

Quan niệm thông thường

Trước đây, dù đã nghe đi nghe lại những lời kêu gọi trên cả trăm lần, nhưng chúng tôi không thể hiểu nổi. Chúng tôi chỉ hiểu rất lơ mơ rằng:

Hãy tỉnh thức: Đây là điều khó hiểu nhất. Thế nào là tỉnh thức? một ngày tỉnh thức mấy giây? Mấy phút? Chịu chết!! Không tài nào hiểu nổi.

Hãy sẵn sàng: điều này nghe có vẻ dễ hơn một chút. Chúng tôi lo giữ mình cho khỏi phạm tội trọng, nếu có tôi thì lo xưng ngay. Nếu không sẵn sàng, lỡ ra chết bất thình lình, chúng tôi phải đến trước tòa Chúa phán xét. Ngài thẩm phán chí công thấy chúng tôi còn mắc một tội trọng mà thối. Ngài sẽ phán quyết: Xuống hỏa ngục đời đời, ở đó mà khóc lóc, nghiến răng!! Chúng tôi sẵn sàng theo kiểu sinh viên muốn khỏi ở lại lớp, thì không môn nào bị dưới điểm 3 – gọi là điểm liệt!!

Cởi bỏ con người cũ, mặc con người mới thường được hiểu đơn giản là xét mình xem có gì bê bối thì bớt đi một chút. Tăng cường việc đạo đức hơn một chút. Thế là xong. Mùa chay năm sau, lại sao y bản chánh mà thực hiện cho đến suốt đời.. Vì thế, trong suốt mùa chay, mỗi người tự xét mình và lên một chương trình khá cụ thể với quyết tâm rất cao. Thí dụ như:

Mùa chay này, thay vì uống 3 xị, tôi chỉ uống 2 xị thôi..hy sinh dâng lên cho Chúa một xị!!

Mùa chay này, thay vì cứ khóai tụm năm túm ba chê bai các linh mục, nói xấu cộng đòan khác trong cùng giáo xứ, chúng tôi nhắc nhau nói ít lại một chút!!

Mùa chay này, chúng tôi sẽ tổ chức giúp người nghèo khổ rồi báo cáo rùm beng trên bảng thông tin giáo xứ.

Mùa chay này, ba việc quan trọng không thể thiếu – nếu thiếu - mùa chay sẽ mất 75% ý nghĩa. Đó là Thứ Tư Lễ Tro phải đi tham dự để được xứ tro lên đầu. Phải đi nghe giảng tĩnh tâm do các linh mục khách thuyết giảng để thay đổi bầu không khí. Cuối cùng là Phải Xưng Tội trước Tuần Thánh để đón mừng lễ Phục Sinh cho thật trọng thể và tưng bừng hân hoan sau những ngày bấm bụng chịu đựng suốt Mùa Chay Thánh!

Vút một cái, Mùa Chay Thánh qua đi… lại tiếp tục uống 3 xị mỗi ngày, tiếp tục tụm năm túm ba nói hành nói tỏi, tiếp tục sống tà tà … mỗi ngày như mọi ngày. Con người cũ vẫn hoàn con người cũ. Chưa kịp tỉnh thức đã tiếp tục ngủ vùi trong nếp sống đạo nhàm chán, lê thê suốt mùa thường niên lờ lững chảy trôi không định hướng Đúng là Mùa Chay…Mùa Đánh Trống Bỏ Dùi!!

Tại sao vậy?

Đơn giản thôi. Giữ đạo theo kiểu đàn cừu. Bảo ăn chay thì ăn chay mà chẳng biết ăn chay để làm gì. Bảo xưng tội thì xưng tội cho xong một bổn phận. Nói cho cùng, chẳng biết xưng tôi gì bây giờ. Chẳng làm hại ai, chẳng làm phiền lòng hàng xóm. Lâu lâu anh em cãi nhau. Lâu lâu vợ chồng chửi bới nhau một chút. Lâu lâu, buôn gian bán lận một chút..người làm ăn buôn bán nào mà chẳng như thế… Biết xưng tội gì đây? Bèn xưng đại cho có rồi đâu vẫn hòan đấy. Mang tiếng con nhà có đạo, đạo gốc, đạo dòng nhưng chẳng hề biết Chúa là ai ngay trong cuộc sống thường ngày của mình.

Quả thực, Mùa Chay…Mùa Đánh Trống Bỏ Dùi!!

Quan niệm tích cực

Chúng ta cùng nhau đọc lại cảm nghiệm của Phao-lô trong thơ gởi giáo đòan Ê-phê-xô: Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (Ep 4: 22-24)

Trong đọan trên, có ba vấn đề cần quan tâm: Phải để Thần Khí đổi mới – đổi mới tâm trí - hình ảnh Thiên Chúa.

Vấn đề thứ nhất: Phải để Thần Khí đổi mới. Quan niệm thông thường cho rằng: muốn đổi mới, chỉ cần quyết tâm, quyết tâm, cố gắng, cố gắng dẹp bỏ một vài thói hư, tật xấu dựa vào ý chí của mình… hưởng ứng theo phong trào đổi mới với biểu ngữ căng trước cổng nhà thờ và những hồi trống thúc giục đổi mới thùng thùng suốt mùa chay. Nhưng khi mùa Phục Sinh tưng bừng bước tới, phong trào đổi mới xẹp như bánh bao chiều. Tất cả chỉ vì chúng ta vận dụng sai sức mạnh đổi mới. Chúng ta giống như những người hì hục đẩy xe lên dốc bằng cơ bắp tay chân thay vì ngồi lên xe khởi động máy và vun vút phóng lên đỉnh yêu núi Tabor nơi đó chúng ta cũng được đổi mới con người cũ thành con người mới như Đức Giêsu đã từng biến hình thủa nào.

Thực vậy, chính Thần Khí mới đổi mới con người cũ của ta vừa nhanh vừa nhẹ nhàng. Nhưng tại sao hầu hết người giáo dân chúng ta không nhận ra Thần Khí Thiên Chúa trong mình? Đây là điều đáng tiếc biết bao!!! Bấy lâu nay chúng ta được dạy rằng: chúng ta chỉ là lòai thụ tạo yếu đuối, thấp hèn, tội lỗi. Ngay cả những nhóm chia sẻ Lời Chúa vẫn cứ còn lưẩn quẩn trong vòng kim cô của cảm tạ ngợi khen và xin ơn hết năm này tới năm khác. Cảm tạ và xin ơn rất có ích cho mấy năm đấu chập chững trong cộng đòan, nhưng nếu cứ kéo dài mãi cả chục năm thì Thần Khí Thiên Chúa bao giờ mới phát huy hết năng lực của Ngài đề đổi mới chúng ta. Bằng chứng là vài năm đầu anh chị em rất hăng hái nhưng rổi những năm sau các thành viên chán nản, mất sinh khi, rời bỏ cộng đòan hoặc ở lại chỉ để có dịp gặp gỡ anh em cho đỡ buồn.. còn chuyện khám phá ra Thần Khí Thiên Chúa trong tâm mình coi như chẳng mấy quan tâm.

Vấn đề thứ hai: Đổi mới tâm trí. Kinh Thánh ghi rõ ràng là đổi mới tâm trí, hy lạp gọi là metanoya: đổi mới tư duy, đổi mới não trạng; Đổi mới tâm trí chính là đổi mới quan niệm, đổi mới lối nhìn. Một khi chúng ta nhận ra Thần Khí Thiên Chúa trong tâm mình thì chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều tuyệt diệu: Chỉ cần trích một ít trong Roma chương tám thôi, cũng đủ rổi:

Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Ki-tô Giê-su, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết

Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an

Ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa

Quả thực là thú vị khi chúng ta nhận ra rằng nhờ Thần Khí Thiên Chúa, tôi thóat khỏi luật của sự tội và sự chết, từ nay tôi sống bình an trong tâm tình người con yêu dấu của Ngài. Từ khám phá tuyệt vời này, chúng ta nhìn Chúa, nhìn mình, nhìn anh em khác hẳn trước kia. Đó chính là đổi mới đích thực.

Nếu chúng ta lại thích đổi mới công việc: đọc kinh, đi lễ, lần hạt, làm việc bác ái, ra đi Loan báo Tin Mừng - nhưng lại không có Thần Khí Thiên Chúa thì không biết loại loan báo điều gì??!! Chúng ta vẫn mãi cũ xì!!

Vấn đề thứ ba: Hình ảnh Thiên Chúa.

Con người cũ chỉ biết đổi mới một số việc làm cụ thể để lập công chuộc tội. Đây là tâm tình của tên nô lệ, của làm công, của người anh cả trong ngụ ngôn người cha nhân lành..chính vì thế hết Mùa Chay, lập tức trở lại con người cũ.

Một trong những dấu chỉ con người mới chính là khám phá ra mình mang hình ảnh Thiên Chúa y như Đức Giêsu – một A-đam mới – một mẫu người mới lý tưởng tuyệt vời. Thực vậy Phao-lô đã chia sẻ cảm nghiệm này qua 2 câu Kinh Thánh ngắn gọn nhưng đầy xác tín:

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo
,(Cl 1:15)

Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người,

để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. (Rm 8:29)

Việc đồng hình đồng dạng này không phải do công phúc của chúng ta tạo ra như đi dự hàng ngàn Thánh lễ, lần hạt hàng ngàn chuỗi, viếng thánh thể hang trăm lần … nhưng chỉ vì yêu thương, Chúa Cha đã tiền định sẵn cho mỗi người chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Người.

Tóm lại, muốn cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới thì điều quan trọng đầu tiên là phải để Thần Khí đổi mới – đổi mới tâm trí với quan niệm mới, lối nhìn mới chứ không chỉ dựa vào một vài việc cụ thể bên ngoài. Cuối cùng là dần dần nhận ra hình ảnh Thiên Chúa ngay trong tâm mình…

Mến chúc tất cả chúng ta thực sự đổi mới trong Mùa Chay Thánh này, chứ không còn tình trạng đánh trống tùng thùng cho kêu theo phong trào rồi sau đó đã vội treo dùi lên giá!!!

Trần Mỹ Duyệt

- Bình mới rượu mới. Vải mới áo mới.

- Bình cũ rượu cũ. Vải cũ áo cũ.

Trên đây là hai so sánh có tính thực tiễn và đồng thuận. Nó cũng là những lý luận dễ dàng chấp nhận vì tính nhất quán của nó. Ngược lại, chúng sẽ bị cho là những so sánh hay lý luận chắp nối, bò bó, và thiếu nhất quán.

Chúa Giêsu qua những hình ảnh về cuộc sống và những chuyện đang xẩy ra trước mắt, ngài muốn dẫn chúng ta đến một nhận thức cao về ơn gọi, và về việc đón nhận giáo lý của ngài: ơn gọi là con Thiên Chúa, anh em với Đức Kitô, và giáo lý cứu độ nhằm giải thoát con người khỏi vòng thống trị của Satan, tội lỗi. Những điều này, ngài gọi là “mới”: áo mới, vải mới hoặc rượu mới, bình mới.

Qua những hình ảnh mới trên, đem chúng ta đến những cái được gọi là “cũ” như luật lệ và lối sống dựa trên kinh sách, lễ nghi hoặc truyền thống, nhưng lại không đem con người đến gần hơn với Thiên Chúa mà những kinh sư, thượng tế, luật sỹ, Pharisiêu vẫn thường dùng để nói và giảng về Thiên Chúa. Đúng hơn dùng để áp dặt và khủng bố tâm linh những ai có tâm tình muốn tìm kiếm Chúa.

Những tư tưởng “cũ” và “mới” này, do đó, đã được chính Chúa Giêsu nói tới khi trả lời cho những người thắc mắc về giáo lý của ngài. Thánh ký Máccô đã dẫn chứng bằng sự thắc mắc của các môn đệ Gioan và Pharisiêu khi biết rằng môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay. Và trong câu trả lời, Chúa đã cho biết rằng môn đệ ngài rồi ra cũng sẽ ăn chay, nhưng lúc này chưa phải là lúc ăn chay. Các môn đệ ngài sẽ ăn chay bằng một kiểu cách khác, mới mẻ hơn: “Các phù rể có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ hay sao? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ; chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo ao cũ, làm chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới” (Mc 2:18-22)

Qua câu trả lời trên, Chúa muốn nói với họ rằng: “Có chứ! Môn đệ tôi cũng phải ăn chay, nhưng không phải như các ông nghĩ”. Ăn chay mà kiêu căng, tự phụ, tham lam, ghen tỵ, dục vọng, và lỗi bác ái thì cũng như “ăn mặn”. Quan niệm chay tịnh của các biệt phái, Pharisiêu, luật sỹ và thượng tế thời ấy, vì thế coi như hoàn toàn khác với quan niệm chay tịnh của Chúa Giêsu.

Các môn đệ của Gioan và Pharisiêu tượng trưng cho tinh thần chay tịnh của lề luật, của thói lệ, của tập tục, và của hình thức. Những cái đó, tinh thần chay tịnh mới của Chúa Giêsu không chấp nhận, và vì thế không cần phải áp dụng – hay nói theo quan niệm của mấy ông Pharisiêu - là ăn chay.

Ở một nghĩa khác, giáo lý và tinh thần Tin Mừng mà Chúa Giêsu đang rao giảng, là một tinh thần và giáo lý cao siêu từ trời xuống. Một giáo lý mới mà chính Ngài đã minh chứng bằng quyền năng qua những phép lạ khi rao giảng. Giáo lý ấy sẽ nối kết con người lại với nhau trong tinh thần anh em, và liên kết con người lại với Thiên Chúa. Đó là một giáo lý của tình thương và lòng nhân ái.

Hình thức ăn chay, và lối sống giả hình của bọn luật sỹ, Pharisiêu, ký lục và các thượng tế lúc bấy giờ là một thứ rượu cũ, hoặc bình rượu cũ. Nó cũng là một thứ vải cũ hay chiếc áo cũ. Ngược lại, hình thức ăn chay và lối sống chay tịnh của Chúa Giêsu là một thứ rượu mới, bình rượu mới. Một thứ vải mới và áo mới. Theo Ngài, những thứ mới mẻ ấy không nên đem dùng trong mục đích vá víu, cũ mới lẫn lộn. Bình cũ sẽ vỡ chảy mất rượu. Áo cũ sẽ rách làm uổng một miếng vải mới.

Cũng theo Chúa Giêsu khi so sánh sự chấp nhận và mối tương quan giữa “cũ - mới”, ngài đã dùng một hình ảnh mạnh, một thái độ dứt khoát. Theo ngài không có lối sống thỏa hiệp, chia sẻ hoặc hoà hoãn giữa những cái cũ và mới ấy. Cho dù như nếu gán ghép và cưỡng bức, thì cũng chỉ đem lại một kết quả xấu, tiêu cực và làm hư chuyện.

Như vậy, giáo lý mới của ngài, tinh thần Tin Mừng mới mẻ của ngài, và chính Ngài không thể mang gán ghép vào khuôn khổ lề luật và lối sống câu nệ hình thức như bọn luật sỹ, Pharisiêu và thượng tế thời ngài vẫn làm. Ngay cả khi họ muốn lẫn lộn họ với môn đệ của Gioan thì Chúa Giêsu cũng không chấp nhận. Có nghĩa là cũng chỉ nửa mới, nửa cũ, vì đối với thời ngài, Gioan vẫn không cũ lắm mà cũng không phải là mới hẳn. Gioan là một thứ gạch nối giữa cũ và mới. Giữa Cựu và Tân Ước. Giữa lề luật, giao ước, các tiên tri và chính Chúa Giêsu.

Bình mới rượu mới hay rượu mới bình mới. Áo mới vải mới hay vải mới áo mới theo tinh thần của Tin Mừng, rõ ràng cho chúng ta một bài học thực hành về tinh thần và lối sống theo Chúa Giêsu. Vì nếu ngài đã giải thoát chúng ta khỏi những cái cũ kỹ của lề luật, thì chúng ta phải tiếp nhận lấy những cái mới mẻ của tinh thần Tin Mừng. Nếu ngài đã đến giải thoát chúng ta khỏi làm con cái và nô lệ cho Satan, ma quỉ, thì chúng ta cũng phải đón nhận ngài vào tâm hồn và cuộc sống của mình. Phải đổi mới con người và lối sống. Nhưng tinh thần chay tịnh mới của Chúa Giêsu là gì? Và làm cách nào để ta có ngài trong cuộc sống?

Tinh thần chay tịnh mới theo Chúa Giêsu, đó là “xé lòng mà không xé áo”. Đó là thương yêu giúp đỡ những anh em nghèo đói, bệnh tật, mù lòa, què cụt, già nua, những cô nhi, quả phụ. Ngoài ra, theo trào lưu tiến bộ, và theo hiện tượng xã hội ngày nay thì độc tài, cưỡng bức và khống chế người khác, ly dị, ly thân, phá thai, đồng tính, hôn nhân đồng tính, bạo động, buôn bán vũ khí, buôn bán thanh thiếu niên, khai thác tình dục trẻ em... là những thứ phải kiêng cữ, phải “ăn chay”. Và khi giữ những điều ấy, cùng với tâm hồn thiện tâm muốn tìm kiếm Chúa, là lập tức Chúa có ngay trong ta và trong cuộc đời mỗi người.

Bình mới rượu mới. Vải mới ao mới. Đã đến lúc và ngay hôm nay, chúng ta phải “ăn chay”. Ăn chay với quá khứ. Ăn chay bằng cách đổi mới tâm hồn và nếp sống của chính mình, để như một thứ bầu rượu mới, chúng ta có khả năng đón nhận và giữ lấy Chúa là thứ rượu mới Chúa Cha ban cho nhân loại. Và cũng như chiếc áo mới, chúng ta mặc vào mình tinh thần bác ái, lòng nhân hậu, quảng đại, và thứ tha của Chúa Giêsu, để những ai tiếp cận với chúng ta, họ liền nhận ra ngay chúng ta là môn đệ của Giêsu.



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng