VỀ BÀI GIẢNG THÁNH LỄ

VỀ BÀI GIẢNG THÁNH LỄ

Quý độc giả Ephata Việt Nam và Chứng Nhân Đức Kitô thân mến,

Hôm nay, ngày 8 tháng 8, toàn Giáo Hội mừng kính Thánh Đa-minh, Đấng sáng lập Dòng Đa-minh, còn gọi đúng tên là Dòng các Anh Em Thuyết Giảng ( Ordre des Prêcheurs – OP ). Từ “Thuyết Giảng” gợi những suy nghĩ về nhiệm vụ Ngôn Sứ của mọi Ki-tô hữu, đặc biệt, của hàng Giáo Sĩ.

Trước đây chúng ta vẫn quen dùng từ “Tiên Tri”, lâu nay chuyển sang dùng từ “Ngôn Sứ”, kể ra thì cũng còn nhiều quan điểm tranh luận khác nhau, chưa nhất trí hoàn toàn chọn cách gọi này hay cách gọi kia. Nhưng nếu tạm gác vấn đề từ ngữ một bên để chỉ lưu tâm đến ý nghĩa của cả hai cách gọi thì thấy thế nào cũng đúng, thế nào cũng hay, phối hợp cả hai càng tốt, càng rõ, càng trọn vẹn.

Tiên Tri không phải là thầy tướng số, thầy bói đoán mò để gạt gẫm ăn tiền những kẻ nhẹ dạ cả tin. Tiên tri là biết trước những điều thiên hạ chưa biết, hoặc chưa màng nghĩ tới. Làm sao mà biết trước được hậu vận tương lai một cách chính xác nếu như “thiên cơ bất khả lộ” ? Vậy mà Thiên Chúa của chúng ta lại... lộ tất cả cho Dân của Người. Một số người trong Cựu Ước đã được gọi, được chọn để nhận nhiệm vụ nghe Thiên Chúa lộ, rồi về mà lộ cho dân Ít-ra-en. Đến Đức Giê-su Ki-tô thì Người cũng được Chúa Cha sai đến cõi nhân sinh chúng ta để rồi đích thân lộ mọi sự của Chúa Cha cho chúng ta. Tất cả được ghi lại hết trong các Sách Tin Mừng. Chúng ta nghe Tin Mừng, chúng ta giảng Tin Mừng, chúng ta cũng đang là những người làm lộ ra cái Thiên Cơ, bộc bạch cái Thiên Tâm và kêu gọi mọi người sống theo cái Thiên Lương. Như thế, người nhận nhiệm vụ ấy, được sai đi để nói Lời Thiên Chúa ấy, chính là Ngôn Sứ. Vừa nghe, vừa nói, lại vừa sống, mỗi người, là Giáo Sĩ hay Giáo Sĩ, tùy theo cương vị mà được nghe, được nói, và... phải sống những gì mình đã nghe và đã nói.

Rành rọt như thế rồi thì chúng ta mới giật mình, thấy mình quan trọng quá ! Bản thân chúng tôi là Linh Mục, tức thuộc hàng Giáo Sĩ, lại càng giật mình mà thấy mình còn thiếu sót nhiều lắm trong nhiệm vụ làm Ngôn Sứ đối với đoàn dân Thiên Chúa đã trao phó, đặc biệt là trên Tòa Giảng, trong Bài Giảng Thánh Lễ Chúa Nhật.

Giáo Hội Việt Nam chúng ta đã từng có rất nhiều vị giảng thuyết lừng danh, và chắc chắn cũng đã có ngàn vạn Giáo Dân đã lắng nghe, đã đón nhận những lời giảng của các vị ấy mà xoay chuyển cuộc đời, mà quả cảm dấn thân sống Tin Mừng ngay trong đời thường, đem lại bao nhiêu công trình âm thầm mà lớn lao của Thiên Chúa giữa lòng xã hội, giữa lòng quê hương.

Nhưng ngược lại, cũng thường có, luôn luôn có không ít các Giáo Sĩ không chu toàn trách nhiệm dọn Bàn Tiệc Lời Chúa cho bổn đạo, cũng như về phía Giáo Dân, rất phổ biến tình trạng thờ ơ bàng quan đối với bài giảng Thánh Lễ, hoặc khen chê chỉ ở góc độ giọng nói, cung cách, dáng vẻ của vị giảng thuyết, để rồi sau đó có ai hỏi hôm nay Lời Chúa báo Tin Vui gì cho mình thì ngẩn người ra, không nhớ, không hiểu, không biết gì !

Dù vậy, chúng tôi thiết nghĩ, và chắc quý độc giả cũng đồng ý, rằng trách nhiệm trước hết và trên hết nằm về phía các Giáo Sĩ chúng tôi. Chân thành như vậy rồi thì mới có cơ may sám hối và đổi đời.

Bản thân chúng tôi, dạo cuối năm 1998, trong 5 ngày đi Tĩnh Tâm riêng theo đúng Giáo Luật để chuẩn bị được thụ phong Linh Mục trong DCCT, hôm ấy, Chúa Nhật 4 tháng 10, khi đọc Kinh Sách tuần 26 Thường Niên C, thật bất ngờ, chúng tôi choáng váng bàng hoàng trước lời giáo huấn dành cho hàng Linh Mục, lấy từ sách Quy Luật Mục Vụ của Thánh Giáo Hoàng Gregorio Cả. Xin phép trích ra mấy đoạn rất thẳng, rất mạnh, rất bốc lửa, có sức đánh động người đọc. Hơi dài, nhưng xin chịu khó kiên nhẫn đọc:

“Nhiều khi các vị lãnh đạo không biết lo xa, sợ không được lòng người đời, nên ngại không dám thẳng thắn nói ra sự thật. Họ không nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên theo Lời Đấng là Sự Thật, cho đúng với nhiệm vụ Mục Tử, mà chỉ chăn dắt như người làm thuê, vì khi ẩn mình làm thinh thì chẳng khác gì họ xa chạy cao bay khi chó sói đến. Vì thế, Chúa dùng lời Ngôn Sứ mà khiển trách họ rằng: “Bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa”. Người lại còn than phiền: “Các ngươi không lên lỗ hổng mà cũng chẳng xây tường bảo vệ nhà Ít-ra-en, để nó có thể cầm cự trong cuộc chiến đấu vào Ngày của Đức Chúa”. “Lên lỗ hổng” có nghĩa là dùng tiếng nói tự do để bảo vệ đoàn chiên chống lại những thế lực của trần gian này. Và “cầm cự trong cuộc chiến đấu vào Ngày của Đức Chúa” là đương đầu với các thù địch gian ác vì lòng yêu chuộng công lý.

Quả vậy, đối với người Mục Tử, làm thinh không dám nói sự thật vì sợ hãi, lại chẳng phải là quay lưng chạy trốn hay sao ? ( ... ) Trong Kinh Thánh, đôi khi các Ngôn Sứ được gọi là Thầy Dạy, vì khi cho thấy hiện tại mau qua, các ông tiên báo những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Thiên Chúa dùng Lời mà trách họ đã nhìn thấy những điều sai lạc, bởi vì khi sợ không dám sửa lỗi là họ đã phỉnh phờ những kẻ phạm tội bằng cách hứa hão cho chúng được an toàn. Họ không hề mở mắt cho những người có tội nhìn thấy điều gian ác của mình vì họ đã làm thinh không quở trách chúng ( ... )

Chúa dùng Ngôn Sứ I-sai-a mà khuyên nhủ: “Cứ kêu lên, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng lên như tù và”.

Tiến tới chức Linh Mục là nhận nhiệm vụ của người loan tin, tức là lớn tiếng kêu để báo trước rằng vị Thẩm Phán uy hùng sắp ngự đến. Vậy làm Linh Mục mà không biết giảng thì có khác gì người loan tin mà lại câm, liệu người đó sẽ kêu như thế nào ? Vì thế, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các vị Mục Tử đầu tiên dưới hình lưỡi lửa: quả thật, những kẻ Người đã làm cho tâm hồn được đầy tràn, thì tức khắc Người biến họ thành những con người biết nói”.

Đọc Giờ Kinh Sách hôm ấy xong, hai anh em Phó Tế chúng tôi, anh Nguyễn Minh Đức và tôi, ngồi lặng đi hồi lâu, rồi chỉ còn biết thinh lặng cầu nguyện. Bên ngoài trời đổ mưa rào. Khí trời mát lạnh. Không gian vắng vẻ.

Căn nhà chúng tôi xin mượn của Dòng Nữ Tử Bác Ai Vinh-sơn để Tĩnh Tâm, tương lai sẽ dành để các chị nuôi những cụ già bệnh tật neo đơ, vị trí ở đây hoàn toàn cô lập, chung quanh chỉ có cỏ cây xanh mướt, không một bóng người lai vãng, đến bữa chỉ có hai chị đệ tử trẻ mang cơm nước vào rồi lại dọn đi. Vậy mà, chúng tôi thấy như đâu đó, ở gần ngay bên cạnh là những người nghèo, những người bị bỏ rơi, và ở xa xa hơn nữa, ngoài chợ, ngoài đường, ngoài cuộc đời, vẫn đang có bao người, Ki-tô hữu có, chưa Ki-tô hữu có, ngong ngóng chờ đợi chúng tôi.

Chờ đợi những gì vậy ? Chắc không phải là những cái có sẵn ê hề ngoài chợ, ngoài đường, ngoài cuộc đời, mà là những cái từ Thiên Chúa gửi đến cho họ qua chúng tôi, những người có ơn gọi nghe và nói, chứ không phải là những người câm...

Hôm sau, chúng tôi lên đường đi nhận sứ vụ Linh Mục...

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 8.8.2004



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng