HÃY TRỞ NÊN NGHÈO NHƯ CHÚA GIÊ-SU CỨU THẾ
Trong một bài viết trên Ephata hoặc Gospelnet, chúng tôi nhớ một cha của Giáo Phận Phú Cường có nhận xét, đại để: Mùa Hè hằng năm, khoảng từ tháng 6 đến tháng 8, là mùa... phong chức. Để rồi 25 năm sau, 50 năm sau, có khi chỉ mới được 10 năm, thế nào cũng lại có kỷ niệm Ngân Khánh, Kim Khánh. Trong các Nhà Dòng còn có thêm Lễ Khấn Tạm, Khấn Trọn... Và đi theo sau các Thánh Lễ Truyền Chức Thánh, Thánh Lễ Tạ Ơn... thường là những bữa tiệc lớn ở khắp nơi, vui lắm, nhưng đôi lúc quá mức, thành ra linh đình, sa hoa, tốn kém. Lại thêm lâu nay đã xuất hiện những chuyện nhận các ông cố, bà cố, thậm chí, đến mức... anh cố, chị cố ! Nhiều Giáo Phận các Đức Cha đã ra nghiêm lệnh. DCCT chúng tôi cũng đôi lúc vướng vào “hủ tục” này, cứ phải sám hối, nhắc nhở nhau luôn luôn. Xin đăng lại bài giảng trong một Thánh Lễ Tạ Ơn mới đây, như là một tiếng nói nhỏ góp vào, hy vọng làm nên một tiếng kêu lớn:
“HÃY TRỞ NÊN NGHÈO NHƯ CHÚA GIÊ-SU CỨU THẾ”
Kính thưa quý cha quý thầy trong Nhà Dòng, quý ông bà và anh chị em, chúng ta vừa lắng nghe đoạn Tinh Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an. Chúa Giê-su nói: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su, và Chúa Giê-su lại sai các môn đệ, Chúa Giê-su lại sai tất cả chúng ta. Nên chúng tôi xin mạo muội dựa vào đoạn Tin Mừng này mà quả quyết rằng: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã yêu Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi, Thiên Chúa đã yêu thương gia đình, dòng họ của cha Nguyễn Văn Tâm, Thiên Chúa đã yêu thương Giáo Hội Việt Nam mà ban cho chúng ta một tân Linh Mục, không phải để “nâng lên hàng khanh tướng” như chúng ta thường hát trong các Thánh Lễ phong chức; không phải để chúng ta làm quan, làm tướng làm tá, làm cán bộ này nọ, không phải để chúng ta ăn trên ngồi trốc, không phải chúng ta để có chức này quyền kia mà vênh vang như thường tình trong cuộc đời này, đối với thế gian này.
Thêm một Linh Mục,chính là để vị Linh Mục ấy cùng với chúng ta, cũng lại làm một nhiệm vụ y như Chúa Giê-su đã làm, là: “Chúa Giê-su đã đến trong thế gian để những ai tin vào Ngài thì khỏi phải chết...” Cụ thể là cha Nguyễn Văn Tâm đây được trao cho một tác vụ, tiếp tục công việc Chúa Giê-su đã mở ra để ngày hôm nay, tất cả những ai tin vào lời rao giảng, tin vào chứng tá cuộc sống có ở nơi cha Tâm, có ở nơi anh em Linh Mục chúng tôi, có cả ở nơi anh chị em Ki-tô hữu chúng ta, thì họ sẽ từ đó mà gặp gỡ được Đức Giê-su, từ đó mà gặp gỡ được Chúa Cha, từ đó mà lãnh nhận được Ơn Cứu Độ.
Chính vì thế mà chúng ta mới có Thánh Lễ Tạ Ơn này. Không phải theo kiểu ngoài đời, mỗi khi người ta lên lon lên chức thì người ta đãi đằng tiệc tùng, người ta ăn khao linh đình, người ta trả ơn này trả ơn kia những ai đã góp công góp của đưa mình lên cái chức ấy. Ở đây, trong Nhà Thờ này hôm nay, chúng ta lại không hướng vào ai hết mà lại hướng vào Thiên Chúa, Đấng đã chọn, đã gọi, đã sai. Thánh Lễ mới gọi là Thánh Lễ Tạ Ơn là thế.
Trong phần mở đầu dâng lễ, lát nữa đây Linh Mục chủ tế sẽ mời gọi: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”, cộng đoàn chúng ta đáp lại: “Thật là chính đáng !” Vâng, nếu như cộng đoàn chúng ta đến đây mà không phải là để tạ ơn Thiên Chúa mà chỉ để cám ơn nhau, để mà làm đủ thứ nghi thức khách sáo, để mà đọc những bài diễn văn nghe thật mượt ma, thì... không hề chính đáng tý nào !
Nhưng nếu tất cả cộng đoàn anh chị em chúng ta, thậm chí có những người không biết Cha Tâm, không biết ông cố, bà cố – bố mẹ cha Tâm là ai, vẫn cứ đến đây để mà chung một lời tạ ơn, là bởi vì tất cả chúng ta đều cảm nhận được rằng: chính ơn lớn lao xuất phát từ Thiên Chúa ấy đã ban cho chúng ta.
Hôm nay, Thánh Lễ Tạ Ơn này lại với ngày anh em Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi mừng Đại Lễ Chúa Cứu Thế, nên ngoài việc cùng với Linh Mục tạ ơn Chúa, tất cả chúng ta, Nhà Dòng chúng tôi cũng như quý ông bà và anh chị em, chúng ta có dịp hướng mắt nhìn vào Chúa Giê-su Cứu Thế để nhận ra có một cái lời mời gọi, là hãy nói như Chúa Cứu Thế, hãy làm như Chúa Cứu Thế, hãy sống như Chúa Cứu Thế, hãy trở nên như Chúa Cứu Thế...
Thật ra, chúng ta đâu có tài ba đạo đức gì, chúng ta chẳng cứu được ai, cái mạng ta, ta cứu còn chưa được, huống hồ... Thế nhưng lại có một lời mời gọi để chúng ta cộng tác với Chúa Giê-su Cứu Thế, trước tiên cứu lấy đời ta, rồi cứu lấy những anh chị em chung quanh chúng ta, cứu lấy cái thế gian trầm luân khốn khổ này đang hư đi. Chúng ta trở nên giống Chúa Cứu Thế để rồi chúng ta mới khám phá ra là bấy lâu nay chúng ta có cái ơn gọi, có cái tên gọi, cái xưng danh của mình là Ki-tô hữu, thì chúng ta cũng có sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Ki-tô.
Nói về Chúa Cứu Thế dài lắm, nhiều lắm, phong phú vô cùng. Xin phép dừng lại ở một điểm, một đặc nét độc đáo cao nhất mà thôi. Đó là Đức Giê-su là một Người Nghèo. Đức Giê-su đã chọn sinh ra làm thân phận một con người, mà lại là người nghèo trong một gia đình ở một thôn xóm nghèo, ở một vùng quê rất nghèo, thuộc một dân tộc nghèo. Ngài lớn lên như một người lao động chân tay nghèo, sống nghèo ở giữa những người nghèo.
Rồi khi bắt đầu đi rao giảng thì Ngài lại cũng khởi sự như một người nghèo: ra đi không có gì cả, đến mức mà có lúc Ngài đã bảo: “Con của Thiên Chúa đến trong trần gian này không có đến một viên đá để gối đầu !”
Ngài cứ lang thang suốt. Giả sử Chúa Giê-su có đi khám bệnh, có đi xét nghiệm ở Trung Tâm Hòa Hảo, thì Ngài cũng nhận được kết quả bệnh tật đủ thứ như chúng ta bây giờ: bệnh đau bao tử chẳng hạn. Có bao giờ thấy Ngài ăn uống đúng giờ đúng giấc đâu, mà có ăn thì cũng chỉ là một mẩu cá, một chút bánh cùng với nước lã !
Hễ cứ thấy người nghèo đến, những người tật bệnh đau yếu đến, những người tội lỗi đến, là y như rằng Chúa Giê-su lại không tiếc thời giờ và sức khỏe để giảng dạy, làm phép lạ... Rồi đến khi ngơi ngơi được một tí, cũng chưa chịu ăn đâu, lại vào ngay một nơi hoang vắng nào đó để cầu nguyện. Đang cầu nguyện nửa chừng, các môn đệ lại đến kéo áo: “Thầy ơi, người ta lại đến ngoài kia nữa kìa...” Thế là lại bỏ đó để mà lo cho người nghèo.
Lại chắc chắn Chúa Giê-su còn thường xuyên bị nhồi máu cơ tim, bởi cứ trông thấy người nghèo ở đâu, cứ thoáng thấy cái mùi của người nghèo ở đâu, thì Chúa Giê-su lại thấy nhoi nhói. Tin Mừng bảo là Chúa Giê-su chạnh lòng thương, động lòng thương, nhói đau quặn thắt ở trong tâm hồn. Chúa Giê-su quan tâm đến mức thiên vị, Ngài nghiêng hẳn về phía người nghèo, Ngài trở nên người nghèo, Ngài xuống đến tận cùng với người nghèo. Người nghèo trở thành nỗi đau khôn nguôi của Ngài.
Rồi đến khi mời gọi các môn đệ đi theo, Chúa Giê-su cũng không hứa hẹn cho họ ngồi bên tả bên hữu, bên khanh bên tướng. Không phải là... “từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng !” Khanh là quan văn, tướng là quan võ. Bài hát chúng ta hát mãi, ta nghe mãi, ta tưởng là như vậy, mà hóa ra đâu có phải như vậy ! Chúa Giê-su chỉ hứa với các môn đệ đại để là: “Thầy lãnh đủ những trận đòn thế gian nó đập Thầy như thế nào, thì đến anh em cũng thế. Anh em không hơn Thầy đâu... Thầy sai anh em đi như là chiên đi vào giữa sói rừng. Thầy không sai anh em đi với phương tiện đầy đủ hiện đại, thênh thang trên con đường rộng mở. Anh em phải phấn đấu đi vào cửa hẹp. Anh em hãy trở nên nghèo...”
Chúa Giê-su còn dạy, còn dặn dò trong ngày Ngài sai các môn đệ lên đường, cái ngày mà các môn đệ lãnh nhận sứ vụ Linh Mục y như với cha Tâm ngày hôm nay, Chúa Giê-su bảo: “Này, anh em đừng có mang gì đi đường ngoại trừ cây gậy...” Cái dấu tích mà mgày hôm nay chúng ta còn thấy, Đức Giám Mục cầm cây gậy là để dẫn đường, để bảo vệ, để chiến đấu chống tất cả những gì tấn công đoàn chiên của mình...
Chúa Giê-su cũng dặn là không được mang lương thực, bao bị, không được mang tiền giắt lưng, được đi giép nhưng lại không mặc hai áo. Chúa Giê-su dặn như vậy có thừa lắm không nhỉ ? Dạ không đâu ! Chắc là Chúa Giê-su muốn cảnh báo chúng ta là đừng ỷ vào của cải vật chất, các tiện nghi trang thiết bị, các thứ vũ khí hùng hậu để tìm một sự an toàn theo kiểu người đời. Bởi một khi chúng ta dựa vào tất cả những gì ở bên ngoài, thì lúc đó ta trở thành kẻ yếu nhất. Chúng ta sẽ bị thế gian đập ngay, đập rất nhanh và đập mạnh nhất. Nhưng nếu biết phó thác tất cả cho Thiên Chúa, nghĩa là trở nên nghèo như Chúa Giê-su nghèo, không còn có gì để mà thủ thế, mà đề phòng, mà tự vệ thì lúc ấy Thiên Chúa sẽ chiến đấu và bênh đỡ chúng ta.
Có một lần nọ, có một anh thanh niên dễ thương tìm gặp Chúa Giê-su. Anh ta sống đàng hoàng chỉn chu lắm. Khuôn mặt anh ta chắc là cũng đẹp trai sáng láng. Anh ta đến xin theo Chúa. Sau một cuộc phỏng vấn ngắn, Chúa Giê-su bảo: “Tốt quá ! Như thế thì anh dễ thương quá rồi. Anh chỉ còn mỗi một việc nữa thôi, là anh hãy về bán hết của cải đi, đem cho người nghèo, rồi trở lại gặp Thầy...” Anh ta đã buồn rầu bỏ đi. Kinh Thánh ghi rõ: “Bởi vì anh ta có nhiều của cải !”
Tiền bạc, của cải trên thế gian này nó không có tội, nó không có gì là xấu cả. Quý ông bà và anh chị em là những người sống ngoài đời hiểu rõ cái giá trị của tiền bạc hơn Tu Sĩ chúng tôi. Chúng ta sống là cần phải làm ra tiền. Được bao nhiêu nuôi chồng, nuôi vợ, nuôi con, và dành dụm tích lũy cho gia đình mình ngày càng khá lên. Nguy tai ở cái chỗ là khi con người ta chỉ còn nằng nặc, chỉ còn đăm đăm, chỉ còn biết dán mắt vào chỉ một chuyện tiền bạc mà thôi để tìm an toàn sung sướng cho cuộc đời mình, khi ấy con người ta không còn khả năng mở hồn mình ra để đón nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa, đón nhận sự sống thật sự chứ không phải là sự sống giả tạo phù vân, chỉ lập lòe hấp dẫn như ánh đèn mầu quảng cáo đối với những con thiêu thân tội nghiệp !
Sau khi người thanh niên ấy bỏ đi rồi, Chúa Giê-su tiếc quá, Ngài than thở một câu: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” Quay sang nói với các môn đệ, Ngài ví von thế này: “Con lạc đà mà chui qua lỗ kim thì còn dễ hơn là người giàu có vào Nước Trời !” Các môn đệ lạnh cả xương sống ! Xét mình thì thấy ai cũng còn giàu có lắm, ai cũng thủ thế, ai cũng có cái gì đó tích chứa ở trong lòng để phòng thân. Hoảng quá, các ông liền nói: “Thưa Thầy, nếu vậy thì còn ai mà vào được Nước Trời đây ?” Chúa Giê-su mỉm cười: “Đối với thế gian cái gì không được là không được, nhưng đối với Thiên Chúa tưởng là không được mà lại được !”
Vậy là Chúa Giê-su vẫn mở ra cho chúng ta, những kẻ giàu có, cả chúng tôi và anh chị em, chúng ta nghèo đến đâu trước mắt thế gian thì chúng ta vẫn là những người giàu có đấy. Chúng ta còn có sức khỏe, chúng ta còn có định hướng, chúng ta còn được ăn học, chúng ta còn được lắng nghe Tin Mừng nên chúng ta vẫn còn giàu lắm. Cái giàu mà chúng ta cậy dựa vào Thiên Chúa, cái giàu ấy chính là cái nghèo, là passport để chúng ta có thể xin được nhập cảnh Nước Trời.
Chúa Giê-su đã trở nên nghèo. Giảng về cái nghèo, kêu gọi người ta trở nên nghèo, và đến cả cái chết cũng nghèo nốt. Thiên Chúa đã sai Con của mình, đến nỗi Con của mình tự nguyện từ khước mọi vinh quang đáng lẽ Ngài phải có, vì Ngài là Thiên Chúa. “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như kẻ người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá”, cái chết nghèo, nghèo về danh dự, nghèo về phẩm giá cùng tột của thế gian.
Ông Thánh An Phong, Thánh Tổ lập ra Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi đã suy niệm, đã dành trọn cuộc đời mình để nhìn ngắm cả tiến trình là người nghèo của Chúa Giê-su Cứu Thế. Và An Phong, như các vị Thánh nghèo khác, như Thánh Vinh Sơn, Thánh Phan-xi-cô chẳng hạn, khám phá ra cái đặc nét nghèo ở nơi Chúa Giê-su. Và Thánh An Phong đã lập ra một Dòng Tu. Ngài liều đến cái mức chọn luôn tên là Dòng Chúa Cứu Thế.
Chọn tên Dòng như thế không phải là để vênh vang, không phải là để phô trương, nhưng là để mỗi anh em Tu Sĩ Linh Mục, kể từ An Phong cho đến tất cả anh em chúng tôi, đến cha Nguyễn Văn Tâm ngày hôm nay, tất cả đều phải mang lấy nơi mình cái tang chứng của Chúa Cứu Thế. Chúng tôi mang lấy nơi mình con tim, đôi bàn tay, ánh mắt, tấm lòng luôn biết nhói đau, luôn biết chạnh lòng thương như Chúa Cứu Thế.
Lắm lúc, các cha các thầy ở trong Nhà Dòng, đặc biệt là anh em trẻ chúng tôi, xét mình kỹ kỹ một tí, thì giật mình. Giật mình là vì: Tôi đã khấn khó nghèo, lại ở trong một Dòng mà cứ mở miệng ra là nói đến người nghèo, giảng là giảng cho người nghèo, loan báo Tin Mừng cho người nghèo như Đức Giê-su là một Đấng nghèo. Nhưng anh em chúng tôi phải thú thật rằng, sao khó mà nghèo quá !
Chúng tôi cũng đâu phải là những con người tốt, toàn vẹn, hoàn thiện rồi đâu. Chúng tôi ý thức mình còn kém cỏi, còn đầy cám dỗ và lắm phen sa ngã trượt chân. Vì thế mà chúng tôi xin đi tu. Khái niệm tu của người Á Đông chúng ta là tự sửa mình để cho mình tốt. Thấy mình còn kém quá, còn râu ria rườm rà quá, thì để cho Thiên Chúa gọt tỉa, cắt xén, để cho Thiên Chúa uốn nắn lạicon người mình.
Rồi đến khi anh em chúng tôi chịu chức Linh Mục, đáng lẽ chúng tôi phải nghèo đi chứ, thì chúng tôi lại bắt đầu giàu lên. Của đáng tội ! Anh chị em Giáo Dân ai cũng thương chúng tôi lắm. Thời buổi tục hóa này, ở đâu chứ ở Việt Nam người ta vẫn còn quý trọng người đi tu lắm. Ai cũng thương, ai cũng thấy: “Trời ơi, ông cha bà sơ hy sinh mọi thứ ở đời này để đi tu... Chu choa, mấy cha mấy thầy ăn uống không đúng giờ, mặc loanh quanh có mấy cái áo cái quần, lại xông xáo làm việc đủ thứ, tội nghiệp quá đi, thôi thì mình là Giáo Dân phải biết lo cho các ngài chớ...”
Thế là cái gì anh em chúng tôi cũng có cả. Đã bỏ hết ở ngoài thế gian, cuối cùng, chúng tôi lại có lại, chúng tôi lại gom đủ ! Tiền bạc triệu, quà vô số ! Đặc biệt là trong những dịp lễ lạc !
Và chính vì thế mà hằng năm, cứ đến dịp tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm thường niên của cả Dòng, bao giờ chúng tôi cũng phải sám hối, đấm ngực thình thịch. Có cha đứng giữa cộng đoàn khóc òa lên: “Xin lỗi Nhà Dòng, xin lỗi Chúa, bởi vì chúng con nhận ra chúng con chưa đúng với những gì mà Chúa Cứu Thế mời gọi chúng con, đó là ở trong Dòng Chúa Cứu Thế để trở nên những người cứu thế...”
Thế nhưng mà khổ lắm ! Tĩnh tâm sám hối đều đặn đấy, nhưng sau đó, hễ có ai cho tiền, hễ có ai tặng quà, thì nhiều khi cũng lại phải đấu tranh ghê gớm lắm, phải tỉnh táo vô cùng. Không thể ngụy biện là tôi lấy cái tiền này để tôi lo chuyện này, toàn chuyện Nhà Dòng, tôi có lo cho tôi đâu. Lúc đó mới sực nhớ ra rằng mình cũng là tu sĩ, là Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế để sau đó có thể thong dong, tự do, có như không có, không có như có, y như Chúa Giê-su Cứu Thế !
Có những lúc cầm tiền trên tay, run kinh khủng, lấy hết can đảm đi gặp Bề Trên: “Cha ơi, có người cho con tiền, con trình Bề Trên...” Trong bụng cũng hơi tiếc đấy ! Nhưng mà Bề Trên chúng tôi thì lại rất thoáng. Ngài bảo: “Anh đã trưởng thành rồi. Anh cứ giữ lấy mà sử dụng. Anh sử dụng làm sao cho đúng lương tâm là Tu Sĩ, đúng với lời khấn khó nghèo, làm sao cho công việc truyền giáo, công việc trợ giúp người nghèo của anh nó tốt lên. Anh có lương tâm sáng suốt để làm điều đó...”
Thế là đem về, cho hết người nghèo, làm chuyện này, chuyện kia của Nhà Dòng. Xong xuôi thấy nó thanh thản, thấy nó sung sướng làm sao ! Tối đi ngủ nằm xuống mệt quá rồi, lăn ra ngủ là ngủ luôn. Không còn trăn trở, không còn tính toán là làm sao cho đồng lời nó sinh ra, làm sao cho có tiền nhiều hơn.
Và hễ có ai hỏi đến mình, anh là ai ? Không một chút mặc cảm, không có gì phải giấu giiếm, hãnh diện nói: “Tôi là Dòng Chúa Cứu Thế, tôi là Tu Sĩ, là Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế, tôi là người của Chúa Giê-su Cứu Thế, tôi là người được sai đi để cứu thế...”
Mới đây, trong Nhà Dòng chúng tôi họp Công Hội. Đại diện của các miền các nơi về, cầu nguyện, sám hối, thảo luận, bàn thảo, và lên tiếng báo động là đã có nguy cơ chúng tôi đánh mất cái đặc nét nghèo, cái căn tính nghèo nơi mình.
Và cuối Công Hội một số quy định được ban hành, từ nay không có tiệc tùng linh đình, chỉ ăn bánh uống nước thôi, dù đó là Lễ Khấn, Lễ Truyền Chức, Lễ Tạ Ơn của Phó Tế hay Linh Mục, dù là Kim Ngân Khánh Khấn Dòng hay Linh Mục của các cha.
Nhà Dòng cũng khuyến cáo anh em chúng tôi, thôi đừng có nhận ai là ông cố, bà cố. Có ông cố, bà cố là người sinh ra mình quý lắm rồi, không cần thêm... anh cố, chị cố !
Các ân nhân, các người bảo trợ ấy thật ra đa số đều là người tốt bụng, nhưng xoay sở vận động đủ thứ trong “hậu trường”, ngoài “hành lang” thì ta sẽ bắt đầu vướng vấn, bắt đầu bị ràng buộc trong những thứ tình cảm này kia, có khả năng sẽ ngăn cản bước đường cứu thế.
Từ nay về sau những chuyện giúp đỡ của mọi người, chúng tôi quý lắm, chúng tôi cần lắm, chứ không phải không, nhưng xin dồn hết cho việc bảo trợ ơn gọi, dồn hết cho việc loan báo Tin Mừng của Nhà Dòng, dồn hết cho công việc lo cho người nghèo khắp mọi nơi.
Vậy thì xin quý ông bà và anh chị em, tha thứ cho chúng tôi. Nếu như quý ông bà và anh chị em thật sự thương chúng tôi, thương mến cha Tâm đây, quý mến Nhà Dòng chúng tôi, quan tâm đến sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, quan tâm đến việc chia sẻ trợ giúp người nghèo, thì xin thông cảm cho chúng tôi nếu như chúng tôi phải chiến đấu với bản thân mình mà bật miệng nói ra một lời từ chối.
Xin anh chị em hãy nhìn lên thập giá của Chúa Giê-su Cứu Thế để nhận ra cả quý ông bà anh chị em nữa, cùng với chúng tôi trong Nhà Dòng, chúng ta cũng được mời gọi sống nghèo như Chúa Cứu Thế là Đấng đã sống nghèo. Bối cảnh ngày hôm nay xã hội đang bắt đầu giàu lên, nhưng cùng một lúc cách biệt giữa giàu và nghèo nó càng ngày càng sâu hơn. Một người giàu lên thì có đến mười người nghèo đi. Người nghèo lúc nào cũng đầy chung quanh chúng ta. Người nghèo nào cũng đang chờ đợi nơi chúng ta một điều gì đó...
Nếu bám chặt vào Chúa Giê-su Cứu Thế thì chúng ta sẽ trở nên những chứng tá rất anh hùng, rất quả cảm, dám lội ngược dòng đời để trở nên Tin Mừng cho người nghèo của Chúa. Bao nhiêu người nghèo đang ở quanh chúng ta. Họ nghèo văn hóa, nghèo phẩm giá, nghèo vật chất, nghèo sức khỏe, nghèo tinh thần, và nhất là nghèo Tin Mừng nghèo Ơn Cứu Độ.
Để kết thúc, chúng tôi xin dâng một lời nguyện. Đây là lời nguyện của một cha, không phải là Dòng Chúa Cứu Thế mà là Dòng Tên, tức là Dòng Chúa Giê-su, cha Nguyễn Công Đoan, là cha giáo môn Kinh Thánh của tôi, mấy khóa sau là cha giáo của cha Tâm. Ngài đã viết, đã cầu nguyện từ trong trại cải tạo.
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa, làm chân tay cho người què cụt, làm lỗ tai cho người bị điếc, làm miệng lưỡi cho người nói được, cho người không nói được, làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đồng lúa để đưa cơm cho người đói đang chờ, và đưa nước cho người họng đang khô, đem thuốc thang cho người đang đau ốm, đem áo quần cho người đang trần trụi, đem mền đắp cho người rét đang run.
Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đồng vắng, thắp đèn soi cho ai bước trong đêm, đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh, truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi, nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp, đem tự do cho những kiếp đọa đầy.
Lạy Chúa, xin cứ gửi con vào thôn xóm, đem an hòa cho những ai bất thuận, đem yên bình cho những kẻ sống âu lo, đem ủi an cho những người đang sầu khổ, đem niềm vui cho những ai bất hạnh, đem vận may cho người gặp rủi ro.
Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả, cho mọi người chung quanh chúng con được hạnh phúc an vui, còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, là lẽ sống. Ngài cho con tất cả niềm hy vọng để tin yêu mà vui sống trọn đời. Amen.
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 21.7.2004, Lễ Chúa Cứu Thế
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức