Đức Mẹ hiện ra?

Giáo Hội Công Giáo La Mã đã nêu lên một số lần Đức Mẹ hiện ra để củng cố thêm giáo lý : Tại Ba Lê, La Salette, Lộ Đức, Fatima...

a. Chúa Kitô dạy : "Vì sẽ có những Kitô giả và tiên tri giả chỗi dậy và chúng làm những dấu thiêng lớn lao và những điềm lạ..." (Mt 24,24). Vậy chúng ta không nên căn cứ vào một vài dấu thiêng lớn lao và những điềm lạ để kết luận rằng đó là Đức Mẹ hiện ra. Coi chừng lời tiên tri trên đã ứng nghiệm.

b. Những lời tuyên xưng và dạy dỗ của Đức Mẹ hiện ra một phần lớn trái nghịch với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Chúng ta hãy nghe lời dạy dỗ của Thầy Chí Thánh của chúng ta về vấn đề này : "Bây giờ có ai bảo các ngươi : này Đức Kitô ở đây hay ở đó, các ngươi đừng tin" (Mt 24,4-25).


Trước hết chúng tôi xin trình bày thái độ của Giáo Hội với các cuộc hiện ra, sau đó sẽ trả lời các vấn nạn.

A. LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI VỀ CÁC CUỘC MẶC KHẢI RIÊNG TƯ:

Thái độ của Giáo Hội đối với các cuộc hiện ra, các mạc khải, các thứ bí mật... đã được Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIV (1740-1758) trình bày trong quyển sách "De servorum Dei beatificatione et canonisatione" (Việc phong chân phước và phong thánh cho các tôi tớ của Thiên Chúa) như sau :

"Phải biết rằng việc Giáo Hội phê chuẩn một sự mạc khải riêng tư chỉ có nghĩa là : Giáo Hội, sau khi đã xem xét cẩn thận, cho phép người ta truyền đạt để các tín hữu được biết hầu có thể thu lượm lợi ích. Đối với những mạc khải ấy người ta không được phép và cũng không thể chấp thuận với đức tin siêu nhiên Công Giáo, nhưng người ta chỉ được phép thừa nhận với một niềm tin nhân loại, dựa trên những nguyên tắc của sự khôn ngoan, trong mức độ những mạc khải ấy đặt cơ sở trên những chứng cớ hợp lý và có thể chấp nhận được đối với lòng đạo đức... Bởi đó, người ta cũng có thể không tin và bỏ qua, miễn là người ta hành động như thế với sự khiêm tốn xứng hợp, với những lý do chính đáng và không có ý khinh dể ai" (x. De Canonisation, III,52).

Quan điểm trên đã được Thánh Bộ Phượng Tự ghi nhận (6.2.1875) và Đức Giáo Hoàng Piô X cũng nhắc lại trong Thông điệp "Pascendi" (8.9.1907) :

"Vấn đề này, Giáo Hội tỏ ra rất dè dặt và không cho phép phổ biến những tường thuật ấy trong các sách báo công khai, nếu không có những thận trọng cần thiết và ngay cả trong trường hợp cho phép phổ biến, Giáo Hội cũng không bảo đảm tính cách trung thực của sự kiện. Giáo Hội chỉ không ngăn cấm tin những điều mà một niềm tin nhân loại có thể chấp nhận được khi có đủ chứng cớ".

Từ những tài liệu chính thức của Giáo Hội, chúng ta có thể rút ra các điểm chính sau đây :

a. Giáo Hội phân biệt mạc khải công cộng mạc khải riêng tư. Mạc khải công cộng là do Chúa Giêsu thực hiện và dành cho tất cả mọi người. Đối với mạc khải này, con người được mời gọi đón nhận với đức tin Công Giáo, nghĩa là "con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do, dâng lên Thiên Chúa mạc khải một sự suy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí" (MK số 5). CĐ. Vaticanô II còn nói : "Chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công cộng nào khác nữa trước khi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hiện đến trong vinh quang" (MK số 4).

Còn mạc khải riêng tư là những điều Chúa tỏ cho một số người trong những hoàn cảnh đặc biệt. Đối với những mạc khải này, các tín hữu được phép thừa nhận với niềm tin nhân loại, nghĩa là niềm tin tự nhiên dựa trên óc phán đoán bình thường của con người.

b. Giáo Hội vì tin rằng Thiên Chúa là Đấng quyền năng có thể làm bất cứ điều gì trong vũ trụ và trong lịch sử, nên hết lòng tôn trọng sự tự do lương tâm của mọi người, đồng thời kêu gọi mọi người hãy tôn trọng sự tự do lương tâm của nhau : ai không tin thì cũng đừng khinh dể khích bác kẻ khác.

c. Công Đồng Vaticano II cũng nhắc lại cho các tín hữu bản chất của một lòng tôn sùng đích thực đối với Đức Maria : "Phần các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật ; đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta" (Giáo Hội số 67).

Riêng đối với Lộ Đức và Fatima, dựa trên nguyên tắc của Phúc Âm : "nhìn quả thì biết cây". Giáo Hội đã đi xa hơn một chút : sau một thời gian quan sát và kiểm chứng rất lâu dài, ngày nay Giáo Hội không những cho phép tin, nhưng còn khuyến khích các tín hữu nên thừa nhận. Thực ra, điều cốt yếu mà Giáo Hội thừa nhận ở hai nơi ấy là tính cách trung thực của phong trào cầu nguyện và sám hối. Còn về bản chất của các hiện tượng, Giáo Hội nhường lời phê phán cho các chuyên gia : các nhà thần học, các bác sĩ, các nhà tâm lý học...

B. TRẢ LỜI CÁC VẤN NẠN

a. Người hỏi đã muốn dựa trên Matthêu 24,24-25 để khuyên đừng tin vào các cuộc hiện ra.

Ông bạn đã tách những lời của Chúa Giêsu ra khỏi mạch ý của chúng nên đã hiểu sai ý của Chúa và áp dụng sai vào thực tế.

Câu nói được ghi trong Mt 24,24-26 nằm trong bài diễn từ chung luận của Chúa (Mt 24,1-25,46), mục đích là để trả lời câu hỏi của các tông đồ : "Xin nói cho chúng tôi biết : bao giờ điều ấy sẽ xảy ra và sự gì sẽ là điềm báo cuộc quang lâm của Ngài và buổi tận thế ?" (Mt 24,3).

Đại khái Chúa trả lời : hãy bình tĩnh chớ khiếp sợ trước các biến cố (Mt 24,6), hãy kiên nhẫn (Mt 24,13), hãy tỉnh thức và cầu nguyện (Mt 24,20.36.44; 25,1-13), hãy trung tín chu toàn việc bổn phận (24,45-50; 25,14-30) ; còn về "ngày ấy hay giờ ấy thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là một mình Cha" (Mt 24,36).

Trong những biến cố mà Chúa dặn phải canh chừng, đó là các "mêsia " giả, tiên tri giả (Mt 24,24). Canh chừng có nghĩa là phải biết phân biệt các tiên tri thật và các tiên tri giả. Chúa đã cho các tiêu chẩn : "Hãy coi chừng những tiên tri giả, chúng mang lốt chiên mà đến với các ngươi; nhưng bên trong, chúng là mãnh sói tham lam. Do quả chúng các ngươi sẽ nhận ra chúng..." (Mt 7,15-20). Đó là điều mà Giáo Hội làm qua mọi thời đại, vì ở thời đại nào cũng có đồ thật đồ giả. Và trước hết đó là bổn phận của các chủ chăn, mà Công Đồng Vaticanô II đã nhắc nhở : "Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và việc sử dụng hợp lý các ơn lạ (charismes); các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để trắc nghiệm và giữ lại điều thiện hảo" (1 Tx 5,12.19-21; Giáo Hội số 12).

b. Còn điều Chúa Giêsu bảo đừng tin không phải là các điềm thiêng dấu lạ : vì khi Chúa sống lại rồi, chính Chúa cũng đã hiện ra nhiều lần và các Tông đồ đã tin. Trong Giáo Hội tiên khởi, các Tông đồ cũng làm nhiều điềm thiêng dấu lạ (Cv 4,30-33) vì Chúa đã hứa ban cho như thế (Mc 16,17-18). Trong những ân điển mà Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu, cũng có những ơn làm phép lạ (1 Cr 12,10). Vậy điều Chúa Giêsu bảo đừng tin là những chuyện đồn đại về nơi chốn, cách thức và ngày giờ Chúa đến : "Nếu người ta bảo các ngươi : này Đấng Kitô ở đây hoặc ở đó, các ngươi đừng tin" (Mt 24,23). Trong ngày quang lâm, Chúa sẽ không đến một cách lén lút âm thầm, nhưng Người sẽ đến trên mây trời với quyền năng và vinh quang cao cả" (Mt 24,30). Còn về ngày giờ thì cũng đừng có ai đoán chừng, "vì chỉ có Chúa Cha biết mà thôi" (Mt 24,36).

Norberto



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng