Tóm Lược Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

Tóm Lược Lịch Sử
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam


Giáo Hội Việt Nam với hồ sơ 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam là cả một kho tàng châu báu của dân tộc Việt Nam, tiềm tàng chứa đựng cái gì là tinh hoa của Ðạo Thiên Chúa hơn ba thế kỷ đã được truyền bá trên khắp giang sơn đất Việt: Ðức Tin thuần tuý, Ðức Tin sắt đá, Ðức Tin nồng nàn quảng đại của Tổ Tiên Việt Nam. 117 vị Thánh Tử Ðạo là 117 đoạn lịch sử oai hùng riêng biệt, không ai giống ai, trừ một điểm: ai cũng chết oanh liệt, làm chứng cho Ðức Tin.

Tóm Lược

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

I. Thời gian Giáo Hội Công Giáo được thiết lập - Giáo Hội Thời Sứ Ðồ (Thế Kỷ 1)

- Nếu Giáo Hội Công Giáo được định nghĩa là một khối tín hữu vây quanh Chúa Cứu Thế và vâng lời Người, thì Giáo Hội đã có từ khi bốn dân chài: Phêrô và Anrê, Giacôbê và Gioan đáp lời mời của Chúa Giêsu bỏ thuyền lưới tại hồ Galilê, đi theo Chúa Giêsu để trở nên những ngư ông "đánh cá người" (Mt 4,18-22).

- Theo các nhà thần học, Giáo Hội được thành lập vào buổi sáng ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, khi thánh Phêrô và các Tông đồ được tràn đầy ơn Thánh Thần, mạnh dạn làm chứng nhân về sự Chúa sống lại, lên Trời, trước công chúng từ bốn phương kéo về nhân ngày lễ "Năm Mươi" (Act 2, 1-4). Theo các nhà hộ giáo, Phục sinh và Hiện xuống là hai sự kiện quan trọng trong việc khai sinh Giáo Hội. Nếu Chúa không sống lại như lời tiên báo, người ta sẽ không tin lời Chúa. Nếu Chúa Thánh Thần không đến, thì các Tông đồ, những chứng nhân của Chúa, sao có thể biến đổi từ người mộc mạc hèn nhát thành những nhà truyền giáo can đảm hăng hái, những nhà hộ giáo khôn ngoan thông minh được.

- Nhưng các sử gia, vì chỉ nhìn vào những sự kiện bên ngoài, coi Giáo Hội là một thực thể xã hội và tôn giáo chăm lo việc phượng thờ Thiên Chúa và nghe theo lời giáo huấn của Chúa Kitô, nên chỉ chấp nhận Giáo Hội Công Giáo có vào khoảng sáu hay bảy năm sau cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và sự thành lập đã được ghi chép trong sách Tông đồ Công vụ. Giáo Hội thành lập để nối tiếp công cuộc của Chúa Giêsu ở trần gian, ban đầu cũng đã sống và lớn lên trong dân Chúa kén chọn với những con người có một truyền thống từ bao thế hệ, để từ đây bành trướng khắp thế giới theo như ý muốn của Chúa: "Các con hãy đi rao giảng khắp muôn dân, làm phép Rửa cho mọi người nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy cho họ giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các con" (Mt. 28,19-20).

2. Chúa Giêsu Ðấng sáng lập Giáo Hội Công Giáo - Giáo Hồi Thời Phôi Thai ở Palestina

Từ khi là một dân tộc được Thiên Chúa kén chọn, người Do-thái, dù là Pharisêu, Sađukê hay Asseni đều mang trong mình sự trông đợi Ðấng Cứu Thế. Cứ mỗi lần quốc gia họ lâm nguy hoặc dân chúng rơi vào cảnh nô lệ, lòng trông đợi lại nổi lên mạnh mẽ. Qua các thời đại, nhờ sự nhắc nhớ của các Tiên tri, họ càng ý thức rõ rệt hơn về chọn lựa mà Thiên Chúa đã giao ước với Tổ phụ họ.

Lúc này sống dưới ách Ðế quốc La Mã, lòng trông đợi một lần nữa bị kích động mãnh liệt. Dựa theo lời Tiên tri, họ lý luận: "Thời gian trông đợi đã đầy", Tiên tri Ðaniel đã chẳng bảo là sau 69 "tuần năm", các đau khổ của Israel sẽ chấm dứt và Nơi Cực Thánh sẽ đón nhận Ðấng Kitô đó sao? (Ðan 9,20-27). Ðấng Cứu Thế sẽ là người thế nào? Người Do-Thái khi ấy không có một quan niệm rõ rệt và còn sai lầm nữa. Sống trong cảnh nô lệ áp bức, hầu hết họ cho rằng Ðấng Cứu Thế sẽ là vị anh hùng cứu quốc, trong tay có cả trăm ngàn binh sĩ. Ngài sẽ báo thù cho dân Ngài, "đập tan các thù địch như đập bình gốm". Ngài sẽ thống trị muôn dân, mở đầu cho thời huy hoàng của Israel. Như vậy, họ đã quên đi lời Tiên tri Isaia nói về Chúa Cứu Thế sẽ phải chịu đau khổ và nhục nhã (Is 43).

Giữa lúc dân Do-Thái nóng lòng mong đợi đó, Ðức Giêsu Kitô đã sinh ra ở Bêlem xứ Giuđêa, Triều vua Hêrôđê, cũng là thời Hoàng đế Augustô vừa ban hành lệnh kiểm tra dân số trong cả thiên hạ. Sau khi sinh ra được ít lâu, thánh Giuse và Ðức Mẹ Maria đem Chúa Giêsu đi trốn bên Aicập để tránh bàn tay tìm giết của Hêrôđê. Ông này chết, hai ông bà đưa Chúa Giêsu trở về quê quán và sống đời ẩn dật ở Nazarét bằng nghề thơ mộc. Năm 30 tuổi, Chúa Giêsu bắt đầu đời sống công khai, nhưng trước đấy, Gioan đã làm Tiền hô dọn đường cho Người. Bắt đầu Chúa Giêsu giảng Phúc Âm ở xứ Giuđêa, tỏ ra cho dân chúng biết chính Người là Ðấng Kitô các Tiên tri báo trước, nhưng họ không tin. Sau khi Gioan bị bắt, Người bỏ Giuđêa sang xứ Galilêa, tiếp tục rao giảng Nước Trời, làm nhiều phép lạ, chữa người bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, xua đuổi quỷ ám... Tin Mừng của Chúa được trình bày nhất là trong bài giảng trên Núi. Người đem đến cho nhân loại nguồn hạnh phúc thực sự, và luật của Người là luật tình yêu, một tình yêu mới và hoàn hảo.

Qua những bài giảng Dụ Ngôn về Nước Trời, Chúa Giêsu cho chúng ta biết Tin Mừng và công cuộc Cứu Thế của Người không hạn hẹp trong vùng Palestina, nó phải lan tràn đi các nơi và qua mọi thời đại, đó là lý do khiến Người nghĩ đến việc lập Giáo Hội. Ngay từ khi đời sống công khai bắt đầu, Chúa Giêsu đã để ý kêu gọi nhiều môn đệ. Người chọn 12 Tông đồ, ban cho các ông quyền chữa bệnh tật, trừ quỷ ám và sai đi giảng Tin Lành ở các miền xung quanh. Chúa Giêsu còn đặt Phêrô làm Tông đồ trưởng: "Con là Phêrô, nghĩa là đá, Ta sẽ xây Giáo Hội Ta trên đá này, dù quyền lực hỏa ngục tung ra cũng không thể phá nổi. Ta sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho con. Ðiều gì con cầm buộc ở dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc, và mọi điều con tháo cởi dưới đất, trên Trời cũng tháo cởi" (Mt 18, 18-19).

Nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy, thấy phép lạ Chúa Giêsu làm, dân chúng tin theo rất đông. Nhóm Pharisêu thấy mình bị mất ảnh hưởng, nên ghen ghét Chúa Giêsu, nhất là họ bị Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình và lối sống câu nệ; bởi vậy họ tìm cách làm hại Chúa Giêsu. Cả nhóm Sađukê cũng lo ngại trước ảnh hưởng của Chúa Giêsu trong dân chúng, họ sợ Người gây phong trào cách mạng chống La-mã, mà họ là những tay sai trung thành.

Biết rằng cuộc tử nạn đã gần đến, Chúa Giêsu loan báo cho các Tông đồ biết và dọn lòng các ông đón nhận sự kiện đó. Dịp lễ "Vượt Qua" năm cuối cùng, Chúa Giêsu lên Giêrusalem và được dân chúng đón rước rất trọng thể, trong khi ấy những đàn anh lập mưu bắt Người. Ngày thứ năm trước lễ "Vượt Qua", Chúa Giêsu ăn bữa Tiệc Ly, lập phép Thánh Thể, cũng đêm ấy Giuđa bội phản dẫn lính đến bắt Chúa Giêsu. Ðứng trước Công nghị Do-Thái (Sanhédrin), Chúa Giêsu bị kết án tử hình; Toàn quyền Philatô thấy Người vô tội muốn tha, nhưng vì nhát sợ trước áp lực của dân chúng có các đàn anh xúi xiểm, Philatô đã y án tử hình ác. Trong suốt đêm thứ năm và sáng thứ sáu, Chúa Giêsu bị đánh đập và chịu xỉ nhục trước khi vác thập giá lên núi Calvariô. Chiều thứ sáu, lúc tắt thở trên Thánh Giá, màn ngăn cách nơi Cực Thánh trong Ðền Thờ xé ra làm hai báo hiệu thời Tân Ước trong lịch sử.

Chúa Giêsu đã chết, nhưng khi còn sống Người đã tiên báo sau ba ngày sẽ sống lại. Lời đó Chúa Giêsu đã thực hiện trong 40 ngày ở lại trần thế, Người hiện ra với các Tông đồ, các môn đệ và nhiều người khác. Người hứa sai Thánh Thần đến với họ, làm họ trở nên những chứng nhân của Người không những ở Palestina mà còn cho tới cùng cõi trái đất. Ðồng thời Chúa đặt thánh Phêrô đứng đầu đoàn chiên, tức Giáo Hội của Người: "Con hãy chăn các chiên con và chiên mẹ của Ta" (Jo 21,17). Sau đó Chúa Giêsu lên Trời.

Sau khi được chứng kiến Chúa Giêsu về Trời, các Tông đồ và môn đệ, khoảng 120 người, trở lại Giêrusalem hội họp trong nhà Tiệc Ly để cầu nguyện, trông đợi Chúa Thánh Thần, Ðức Mẹ Maria cũng có mặt với họ. Ngay từ lúc đầu Phêrô đã ý thức trách nhiệm đứng đầu điều khiển Giáo Hội của Chúa Giêsu. Ông đề nghị tìm người thay thế Giuđa tên phản bội nộp Thày. Trong số những chứng nhân cuộc đời của Chúa Giêsu, Matthias đã trúng thăm để liệt vào hàng 12 Tông đồ. "Bỗng từ Trời có tiếng ào ào như tiếng gió thổi mạnh lùa vào nhà, nơi các Tông đồ và môn đệ đang hội họp. Và mọi người thấy những hình lưỡi lửa phân chia ra và đậu trên đầu mỗi người. Hết thảy được đầy Thánh Thần vàbắt đầu nói những tiếng lạ, làm theo như Thánh Thần ban cho để phát biểu" (Act 2,2-4). Giáo hội khai sinh từ đấy.

3. Giáo đoàn nguyên thủy Giêrusalem

Hôm ấy, dịp lễ "Ngũ Tuần", dân Dothái tụ họp ở Giêrusalem để mừng lễ rất đông. Nghe biết có điềm lạ, họ kéo nhau đến xem và gặp Phêrô đang giảng" :"Giêsu Nazarét, Ðấng mà Thiên Chúa đã minh chứng bằng nhiều phép lạ... Ðấng mà họ đã đóng đinh treo trên thập ác. Người đã được Thiên Chúa cho sống lại, và chúng tôi là chứng nhân... Người đã ban Thánh Thần xuống cho chúng tôi như các ông thấy và nghe" (Act 2,22-23). Mọi người lấy làm lạ vì các Tông đồ nói nhiều thứ tiếng khác nhau và khi nghe các ông giảng, dù họ là người nói tiếng Partha hay Aicập, Kyrenê ha La Mã đều hiểu hết. Lời giảng và sự lạ ấy đã làm họ xúc động và 3,000 người trở lại: đó là giáo đoàn nguyên thủy.

Giáo đoàn nguyên thủy mỗi ngày thêm đông. Lúc này vẫn toàn là người Do Thái, có người sinh trưởng ở Palestina nói tiếng Hy Bá (Do Thái), có người sinh quán ở những khu phân tán (diaspora) trong các miền thuộc Ðế quốc La Mã, nói tiếng Hy Lạp. Nhóm này phàn nàn vì trong việc phân phát của làm phúc, quả phụ của họ bị bỏ rơi. Thấy thế các Tông đồ đề nghị đặt chức Phó tế, để trông coi vấn đề vật chất. Giáo dân chọn bảy người và các Tông đồ đặt tay truyền chức cho họ. Trong số có hai nhân vật lỗi lạc là Stephan và Philippê quê ở vùng phân tán, có tài giảng thuyết và không bị trói buộc bởi những thành kiến Quốc gia như những người Do Thái sinh trưởng tại Palestina.

Stephan mở đầu một cuộc hộ giáo dựa theo các tài liệu Thánh Kinh, và kết luận bằng những lời lên án dân Do Thái: "Vì các người cứng đầu cứng cổ, lòng chai dạ đá, nên các người chống cự với Chúa Thánh Thần luôn". Những lời lẽ can đảm này đã đem lại cho thày Stêphan cái chết vì Ðạo đầu tiên như một phần thưởng. "Nghe những lời ấy, người Do Thái nghiến răng căm giận Stêphan, lại được nhà cầm quyền La Mã làm thinh, họ ném đá thày cho đến khi chết" (Act 6-8).

Cái chết của Stephan năm 34 mở đầu cuộc bách hại Giáo Hội ở Palestina. Saolô quê thành Tarsê là người hăng say bắt Ðạo hơn cả. Nhiều giáo dân phải bỏ Giêrusalem tản cư về các vùng quê ở Giuđêa hay Samaria, đi tới đâu họ truyền bá Ðạo tới đó. Như thế cuộc bách hại đã giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Kitô giáo, đem vào Cộng đồng phôi thai những phần tử mới, đó là những anh em Dân Ngoại, tức không phải Do Thái.

Saolô, trong một lần tình nguyện dẫn đầu một toán lính võ trang của Công nghị Do Thái đi dẹp nhiều "tổ" Kitô Giáo. Lúc đó vào khoảng gần trưa một ngày mùa hạ năm 35, "Khi Saolô gần tới Ðamas, bỗng có ánh sáng bởi Trời bao phủ ông: ông ngã xuống đất. Có tiếng phán: Saolô, Saolô, tại sao ngươi tìm bắt Ta? - Thưa Ngài, Ngài là ai? - Ta là Giêsu người đang bắt bớ. Song hãy chỗi dậy vào thành; người ta sẽ nói cho người biết phải làm gì" (Act 9,3-6). Saolô đứng dậy, mắt mở nhưng không thấy gì; ông được dắt vào thành, ở đó ba ngày liền không ăn uống. Một người đạo đức tên là Anania được Chúa sai đến khuyên bảo, chửa mắt và rửa tội cho Saolô. Ngay sau đó, Saolô đi tiếp xúc với giáo đoàn Ðamas và vào Giáo đường rao giảng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

(Trích từ tập sách Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo của Linh Mục Bùi Ðức Sinh)



Sự Nghiệp Truyền Giáo

tại Việt Nam

(1533-1960)

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

A. Những Nhà Truyền Giáo Ðến Việt Nam

I. Những Nhà Truyền Giáo Ðầu Tiên Ðến Việt Nam

Căn cứ theo tài liệu Lịch Sử Dân Sự Quốc Gia Khâm Ðịnh Sử đã một lần ghi nhận: "Năm Nguyên Hòa nguyên niên, tức đời vua Lê Trang Tôn, năm 1533 đã có người Tây tên là Inekhu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh thuộc huyện Nam Châu (tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ huyện Giao Thủy". Rất tiếc là những chi tiết liên hệ tới Inekhu (có lẽ được phiên âm từ Inigo - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Inhaxiô) ngày nay không còn được ghi nhớ, và do đó không ai biết rõ về tông tích, cũng như về công cuộc truyền đạo của vị thừa sai thứ nhất này.

Theo Linh Mục Marcos Gispert, O.P., nhà sử học dòng Anh Em Thuyết Giáo đã sống tại Việt Nam 34 năm trời, sau Inekhu còn một số nhà truyền giáo khác như:

- Linh Mục Gaspar de S. Cruz: năm 1550 từ Malacca đổ bộ lên Hà Tiên và sau đó từ cửa biển Bà Rịa đi Quảng Ðông.

- Hai Linh Mục Lopez và Acevedo: năm 1558 đã tới giảng vùng Cao Miên 10 năm.

- Hai Linh Mục Luis de Fonseca, O.P. (Bồ) và Grégoire de la Motte, O.P. (Pháp) cũng từ Malacca tới, suốt 6 năm đi truyền đạo tại Quảng Nam đời Chúa Nguyễn Hoàng vào thời gian 1580-1586. Chính quân đội Nguyễn Hoàng đã giết Linh Mục de Fonseca trong khi ngài hành lễ, còn Linh Mục Grégoire de la Motte về sau cũng chết vì bị trọng thương.

II. Những Nhà Truyền Giáo Dòng Tên Ðến Việt Nam

Rồi đến lượt các Linh Mục Dòng Tên: theo chân thánh Phanxicô Xaviê truyền đạo tại Nhật Bổn (1549), bị Hoàng Ðế Daifusama trục xuất khỏi đất Phù Tang năm 1614, kéo nhau về tập trung tại trụ sở Macao (khác nào như một đầu cầu thành lập từ năm 1564). Làm sao kìm hãm được sự hăng say của những nhà truyền giáo. Ngày 15/1/1615 hai Linh Mục Buzomi và Diego Carvalho cùng ba thày giúp việc tới Ðà Nẵng. Sau đó ngày 15/1/1627 - nhằm ngày lễ kính thánh Giuse - Linh Mục Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) đã cập bến Cửa Bạng (Thanh Hóa) tiếp tay cho các bạn đồng nghiệp. Và từ đó phát triển sự nghiệp truyền đạo không những bằng mục vụ thường xuyên, nhưng nhất là bằng cách hoàn bị việc thành lập chữ Quốc Ngữ - chúng ta đang có ngày nay - để phổ biến sự truyền bá Ðức Tin, và tổ chức Nhà Ðức Chúa Trời (1629), tức là tập trung khắp nơi từng nhóm thanh thiếu niên (hay cả người đã đứng tuổi) thiện chí, sống đời độc thân và cùng với các Linh Mục - trong giáo xứ hay là trong các nơi xa xôi hẻo lánh - chia sẻ việc truyền đạo, nhất là chuyện dạy giáo lý cho dân chúng.

Các Linh Mục Dòng Tên ở lại Việt Nam cho tới năm 1788. Vắng bóng đi trong một thời gian lâu 169 năm (1788-1957). Nhưng rồi Giáo Hội Việt Nam yêu cầu các ngài trở lại năm 1957, để ngày 13/9/1958 nhận trách nhiệm điều khiển Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X tại Ðà Lạt, đồng thời khuyếch trương nhiều hoạt động khác nhau trong lãnh vực văn hóa xã hội.

III. Hội Thừa Sai Paris (Les Missions Etrangeres de Paris) Ðến Việt Nam

Ngày 3/7/1645 Linh Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) rời Việt Nam về giáo đô Roma báo cáo cho Tòa Thánh về những tiến triển mau chóng trong việc truyền đạo tại Việt Nam, nhất là xin gửi một số Giám Mục đến cánh đồng phì nhiêu này để củng cố nền móng Giáo Hội. Ngài được Roma cho phép rảo khắp đất Pháp đi tìm những ơn kêu gọi, tìm những Linh Mục sẵn sàng xung phong và tiếp tục công việc đã khởi sự với nhiều thành quả may mắn: tại đây mới có Hội Thừa Sai Paris. Hội ra đời năm 1660 và được chấp nhận năm 1664 đời Ðức Giáo Hoàng Alexandrô VII. Cũng vị Giáo Hoàng này đã ký sắc lệnh bổ nhiệm hai Giám Mục đầu tiên cho Viễn Ðông: Ðức Cha Phanxicô Pallu và Ðức Cha Lambert de la Motte.

Hội Thừa Sai Paris có công lớn với Giáo Hội Việt Nam bằng cách:

- Ðã triệu tập Hội Nghị Mục Vụ đầu tiên: ngày 14/2/1670 tại Ðình Hiến tỉnh Nam Ðịnh, Ðức Cha Lambert de la Motte đã qui định thể chế Nhà Ðức Chúa Trời, và thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam: các chị em Nữ Tu là những cộng tác viên rất đắc lực của hàng Giáo Phẩm trong việc truyền đạo bên cạnh giáo dân, nhất là trong các vùng thôn quê.

- Ðã xây dựng Ðại Chủng Viện Penang (1870) để đào tạo các linh Mục bản xứ Á Châu và Việt Nam: các thánh Linh Mục Tử Ðạo miền Nam đều xuất thân từ đây; và suốt ba thế kỷ đã sống chết với Giáo Hội địa phương cho tới sáng 12/8/1975, ngày mà các vị Thừa Sai Ngoại Quốc sau cùng được mời ra khỏi Việt Nam.

IV. Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Dòng Ða Minh) Ðến Việt Nam

Theo lời mời của Ðức Cha Phanxicô Pallu vì những đòi hỏi rất khẩn trương tại Việt Nam: số tín hữu tân tòng tiếp tục gia tăng, Linh Mục Giám Tỉnh Dòng Anh Em Thuyết Giáo Felipe Pardo, O.P., từ Manila đã phái hai Linh Mục Juan de Santa Cruz và Juan Arjona đi lối Trung Linh (Bùi Chu) lên Phố Hiến (Hưng Yên) ngày 7/7/1676. Các ngài vẫn hoạt động chung với Hội Thừa Sai Paris cho tới thập năm 1659 Ðức Alexandro VII ban sắc lệnh thành lập hai Giáo Phận đầu tiên: Ðàng Trong và Ðàng Ngoài (Nam và Bắc: lấy con sông Gianh làm biên giới).

Năm 1679 Ðức Innocenxio XI lại chia Giáo Phận Ðàng Ngoài thành hai: Tây Ðàng Ngoài (từ sông Hồng Hà tới ranh giới Ai Lao) trao cho Hội Thừa Sai Paris dưới quyền quản nhiệm Ðức Cha de Bourges, và Ðông Ðàng Ngoài (từ tả ngạn sông Hồng Hà chạy ra biển): lúc ban đầu cũng do Giám Mục Deydier của Hội Thừa Sai Paris phụ trách. Năm 1693 Giám Mục Deydier qua đời, Ðức Cha De Bourges xin Tòa Thánh trao giáo phận này cho Dòng Thánh Ða Minh, vì từ 20/8/2679 tất cả số nhân sự của Dòng đã tập trung về đây.

Ðồng thời, Cha Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết Giáo sát nhập các cơ sở truyền giáo của Hội Dòng tại Bắc Việt hồi đó vào Tỉnh Dòng Ðức Mẹ Mân Côi tại Phi Luật Tân. Từ Nhà Tổng Quyền S. Sabina (tại Roma) cha Raimondo Lezoli, O.P., được Thánh Bộ Truyền Giáo đề cử sang tiếp tay với cha Juan de Santa Cruz hồi đó đang ở Trung Linh, về sau Tòa Thánh yêu cầu ngài chính thức lãnh trách nhiệm tất cả miền Ðông. Ngày 2/2/1702 tại Kẻ Sặt cha Raimondo Lezoli được thụ phong Giám Mục tiên khởi của Dòng Ða Minh tại Bắc Việt. Nền móng vững chắc Ða Minh đã được xây dựng trên mảnh đất Việt Nam, và một trong những hạt giống Dòng Thuyết Giáo đã gieo sâu trong lòng dân tộc bản xứ, tức là sự tôn sùng tràng hạt Ðức Mẹ Mân Côi vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Ngày 18/3/1967, tức 291 năm sau (1676-1967), Cha Bề Trên Tổng Quyền Aniceto Fernandez tuyên bố: đã tới thời gian tách rời Việt Nam ra khỏi Phi Luật Tân, và thành lập Tỉnh Dòng Anh Em Thuyết Giáo riêng biệt với danh hiệu Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

V. Những Hội Dòng Khác

Ngoài mấy Hội Dòng lớn kể trên đây - đã sống chết với Giáo Hội Việt Nam - còn hai Hội Dòng khác cũng đến truyền đạo tại xứ sở chúng ta:

1. Dòng Anh Em Thánh Augustinô (Augustiniani Scalzi):

Hoạt động tại Bắc Việt, tuy nhiên chỉ trong vòng hơn 60 năm (1701-1765): 15 vị Thừa Sai Ngoại Quốc - trong đó có Giám Mục Ilario Costa di Gesu (1735-1754) - 6 Linh Mục Việt Nam, và 2 Linh Mục khác, người Bồ, thường xuyên ở Cửa Hàn, làm tuyên úy cho cộng đoàn nhỏ bé người Bồ Ðào Nha phần nhiều là những thương gia đi qua đi lại, hay là trú ngụ tại đó từ trước năm 1596.

2. Dòng Phanxicô khó nghèo (Ordo Fratrum Minorum: OFM):

Từ năm 1583 đã có vết chân hai Giáo Sĩ P. Alfara và B. Ruyz tại miền Nam Việt Nam, nhưng vì gặp rất nhiều khó khăn nguyên do từ cạnh tranh giữa hai khối Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha, việc truyền đạo của Dòng Phanxicô bị gián đoạn và sau cùng bị bỏ dở. Mãi đến năm 1711 Dòng Phanxicô trở lại hoạt động tại giáo phận Ðàng Trong (một nửa tỉnh Ðồng Nai và kiêm luôn Cao Miên). Nhưng thời cuộc lúc đó cũng không may mắn hơn trước:

- Một đàng số giáo sĩ Bồ Ðào Nha - quá nương tựa vào ảnh hưởng Hoàng Gia nước Bồ - không chịu nhận quyền hành của hàng Giáo Sĩ do Tòa Thánh Roma trực tiếp bổ nhiệm;

- Ðàng khác sự bất đồng ý kiến giữa các Hội Thừa Sai về vấn đề "thờ cúng tổ tiên" và một vài phong tục cổ truyền: Dòng Tên và Dòng Phanxicô tán thành, trái lại Hội Thừa Sai người Pháp chống đối. Ðức Clemente XIII năm 1738 đã cử phái đoàn do Giám Mục De La Baume sang tận nơi điều tra và ổn định tình thế.

- Sau cùng, vào năm 1750, Võ Vương (Nguyễn Phước Khoát 1725-1765) đột nhiên ra lệnh đuổi hết Giáo Sĩ ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ. Tất cả 28 Giáo Sĩ bị lùng bắt và hạ ngục, trong số đó Giáo Sĩ Michel de Salamanque (thuộc Dòng Phanxicô Tây Ban Nha) chết rũ tù ngày 14/7/1750.

Trong Việt Nam Công Giáo Niên Giám còn kể thêm: vị Thừa Sai sau cùng Dòng Phanxicô là Thánh Odoric De Collodi - bị giam đồng thời với hai Thánh Gagelin và Jaccard thuộc Hội Thừa Sai Paris - ngày 23/5/1834 đã tắt thở trong ngục Lao Bảo "buồn vô hạn vì không được lấy máu đào làm chứng cho Chúa Giêsu".

Như thế Dòng Phanxicô đã hoạt động hơn một thế kỷ (1711-1833), có cả một Giám Mục: Ðức Cha Valeriô Rist (1737). Sau đó vắng đi một thời gian (gần một thế kỷ nữa) năm 1929 Ðức Cha A.J. Eloy, Giám Mục giáo phận Vinh, được sự chấp thuận của Bộ Truyền Giáo và Bộ Tu Sĩ, đã đặt giấy mời các Cha Dòng Thánh Phanxicô trở lại Việt Nam. Ngày 21/11/1929 Giáo Sĩ Maurice Bertin và một số Tu Sĩ Dòng Phanxicô đã lên bến Ðà Nẵng, và đặt cơ sở đầu tiên tại thị xã Vinh ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội: 8 tháng 12 năm 1931.

Chúng ta thấy công trình truyền đạo từ lúc khai nguyên với hai giáo phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài (1659) suốt ba thế kỷ đã phát triển không ngừng. Ngày nay đã thành 25 giáo phận (10 ngoài Bắc và 15 trong Nam).

B. Những Giáo Phận của Việt Nam từ thuở ban đầu

- Ngày 9/7/1659: Ðức Thánh Cha Alexandre VII ban sắc bổ nhiệm hai linh mục Francois Pallu và Lambert de la Motte làm Giám Mục Tiên Khởi hai giáo phận đầu tiên tại ViệtNam:

+ Giáo Phận Ðàng Trong: từ sông Gianh trở vào Nam, bao gồm Cao Miên và Chiêm Thành, trao cho Ðức Cha Pallu

+ Giáo Phận Ðàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra Bắc và miền Nam Trung Hoa, trao cho Ðức Cha Lambert de la Motte.

- Ngày 31/1/1668: tại Juthia kinh đô Thái Lan, Ðức Cha Lambert de la Motte tấn phong linh mục cho 4 thày giảng: Cha Giuse Trang và Luca Bền, thuộc giáo phận Ðàng Trong; cha Gioan Huệ và Benedictô Hiền, thuộc giáo phận Ðàng Ngoài. Ðây là 4 vị linh mục tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

- Năm 1669: Ðức Cha lambert de la Motte tấn phong thêm 7 vị linh mục Việt Nam.

- Năm 1670: Ðức Cha lambert de la Motte chuẩn y thành lập Dòng Mến Thánh Giá cho các nữ tu Việt Nam.

- Năm 1678: Ðức Cha Pallu từ Thái Lan về Rome, đề nghị tấn phong giám mục cho 6 linh mục trong số các linh mục tiên khởi. Tiếc rằng đề nghị này đã bị Tòa Thánh bác bỏ.

- Năm1679: Giáo Phận Ðàng Trong tách rời thành hai giáo phận mới, lấy sông Hồng Hà làm ranh giới. Hai giáo phận Ðàng Ngoài gồm 2 giám mục, 7 vị thừa sai Pháp, 11 linh mục Việt Nam và hơn 200,000 tín hữu:

+ Giáo Phận Ðông Ðàng Ngoài (Hải Phòng): từ sông Hồng Hà và các tỉnh ven biển, trao cho Ðức Cha Deydier đảm nhiệm.

+ Giáo Phận Tây Ðàng Ngoài (Hà Nội): từ sông Hồng đến biên giới Ai Lao, đặt dưới sự cai quản của Ðức tân Giám Mục De Bourges.

-Năm 1693: Ðức Cha Deydier (Giáo Phận Ðông Ðàng Ngoài) mất, Ðức Cha De Bourges phải cai quản hai giáo phận. Vì tình trạng thiếu hụt Thừa Sai, nên Ðức Cha De Bourges đã nhượng địa phận Ðông cho Dòng Ða Minh, trụ sở tại Manila (Phi Luật Tân).

- Năm 1844: Ðức Thánh Cha Grégoire XVI chia giáo phận Ðàng Trong thành hai giáo phận mới:

+ Giáo Phận Bắc Ðàng Trong (Qui Nhơn): do Ðức Cha Cuenot Thể đảm nhiệm;

+ Giáo Phận Nam Ðàng Trong (Sàigòn): trao cho Ðức tân Giám Mục D . Lefebre Ngãi.

- Năm 1846: Giáo Phận Tây Ðàng Ngoài được cắt để thành lập Giáo Phận Vinh. Tân giáo phận bao gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và một phần tỉnh Quảng Bình, được ủy thác cho Ðức Cha J. Gauthier Hậu.

- Năm 1848: Tòa Thánh thiết lập thêm địa phận mới gồm hai tỉnh Nam Ðịnh và Hưng Yên, tách rời từ Giáo Phận Ðông để thành lập Giáo Phận Bùi Chu (Trung). Tân Giáo Phận được giao cho Ðức Cha D. Martin Gia cai quản.

- Năm 1850: Tòa Thánh cắt giáo phận Bắc Ðàng Trong gồm các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Trị để thành lập Giáo Phận Huế, và đặt Ðức Cha Pellerin (Phan) cai quản.

- Năm 1850: Giáo Phận Nam Vang tách rời từ giáo phận Sàigòn và trao lại cho Ðức Cha J. Michel Mịch.

- Năm 1883: Giáo Phận Bắc Ninh được thành lập, tách rời từ giáo phận Hải Phòng, và bao gồm các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng. Tân giáo phận trao cho Ðức Cha Colomer Lễ.

- Năm 1895: Giáo Phận Hưng Hóa gồm các tỉnh Sơn Tây, Yên Bái, Hòa Bình và Lai Châu được thành lập. Tân giáo phận trao lại cho Ðức Cha Paul Maris Raymond.

- Năm 1901: Giáo Phận Phát Diệm (Thanh) được thành lập gồm hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Tân giáo phận tách rời từ giáo phận Hà Nội, và đặt dưới sự cai quản của Ðức Cha Alexandre Marcou Thành.

- Năm 1913: Hạt Phủ Doãn Lạng Sơn được thành lập, tách rời từ giáo phận Bắc Ninh và được ủy thác cho các vị thừa sai dòng Ða Minh Lyon đảm trách.

- Năm 1932: Giáo Phận Thanh Hóa gồm các tỉnh Thanh Hóa và Sầm Nứa (Ai Lao) được thiết lập. Tân giáo phận tách rời từ giáo phận Phát Diệm, và đặt dưới sự cai quản của Ðức Cha Louis de Cooman Hành.

- Năm 1932: Giáo Phận Kontum được thành lập, bao gồm 3 tỉnh Kontum, Darlac, Pleiku; tân giáo phận tách rời từ địa phận Qui Nhơn và đặt dưới sự hướng dẫn của Ðức Cha Jannin Phước.

- Ngày 11/6/1933, tại Ðền Thánh Phêrô (Rome), Ðức Thánh Cha Piô XI đã tấn phong vị Giám Mục tiên khởi cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là Ðức Cha Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Ngài là Giám Mục phó với quyền kế vị giáo phận Phát Diệm.

- Năm 1935: Ðức Cha Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn, vị giám mục thứ hai Việt Nam được tấn phong tại nhà thờ Phú Cam (Huế). Ngài là Giám Mục phụ tá với quyền kế vị giáo phận Bùi Chu.

- Năm 1936: Giáo Phận Thái Bình được thiết lập, tách rời từ giáo phận Bùi Chu, bao gồm hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên. Tân giáo phận đặt dưới sự cai quản của Ðức Cha Cassado Thuận.

- Năm 1938: Giáo Phận Vĩnh Long gồm các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre (Kiến Hòa) và Trà Vinh (Vĩnh Bình). Tân giáo phận tách rời từ giáo phận Sàigòn và trao cho Ðức Cha Phêrô Martino Ngô Ðình Thục. Ngài được tân phong vào ngày 4/5/1938 tại Huế, do Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam là Ðức Cha Drapier chủ sự.

- Năm 1939: Giáo Phận Lạng Sơn: Hạt Lạng Sơn được Tòa Thánh nâng lên hàng Giáo Phận, và trao cho Ðức Cha Felix (Minh ) quản nhiệm.

- Năm 1940: Thêm một vị giám mục nữa được tấn phong là Ðức Cha Gioan Maria Phan Ðình Phùng. Ngài là Giám Mục phụ tá với quyền kế vị địa phận Phát Diệm.

- Năm 1944: Ðức Cha Gioan Maria Phan Ðình Phùng tạ thế. Cố giám mục sinh tại làng Kiến Thái, Kim Sơn (Phát Diệm). Sau khi hoàn tất học vấn tại chủng viện Phúc Nhạc, Ngài du học tại Giáo Hoàng Học Viện Penang, thụ phong linh mục ngày 5/4/1924 và được đề cử làm giáo sư chủng viện Penang cho đến năm 1940, và được Tòa Thánh tấn phong Giám Mục vào ngày 3/12/1940. Ngài mất đột ngột vào ngày 28/5/1944 tại tu viện Châu Sơn, Nho Quan.

- Năm 1945: Sau đệ nhị thế chiến, Tòa Thánh lưu tâm đến việc tuyển chọn hàng giáo sĩ Việt Nam lên phẩm trật Giám Mục để lèo lái con thuyền giáo hội Việt Nam. Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục mới: Ðức Cha Anselmo Lê Hữu Từ, bấy giờ đang là Bề Trên Ðan Viện Xitô Phước Sơn (Nho Quan). Ngài là vị giám mục thứ năm người Việt Nam.

- Năm 1948: Ðức Cha Ða Minh Hồ Ngọc Cẩn từ trần. Cố giám mục sinh ngày 3/12/1876 tại Ba Châu (Huế), theo học tiểu chủng viện An Ninh (Quảng Trị), đại chủng viện Phú Xuân (Huế). Ngài thụ phong linh mục ngày 20/12/1902, sau đó lần lượt giữ chức cha phó xứ Kẻ Văn, chánh xứ Kẻ Hạc, giáo sư chủng viện An Ninh (1910). Năm 1935, Ðức Cha Monagorri mất, Ðức Cha Ða Minh chính thức nhận quyền Giám Mục Bùi Chu. Ðức Cha Ða Minh mất ngày 27/11/1948 tại Bùi Chu sau 12 năm cai quản giáo phận.

- Năm 1950: Ðức tân Giám Mục Ða Minh Hoàng Văn Ðoàn được tấn phong Giám Mục tại Rome ngày 3/9/1950, và nhận quyền Giám Mục giáo phận Bắc Ninh.

- Năm 1950: Ðức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê được tấn phong Giám Mục, và đảm nhận địa phận Hà Nội.

- Năm 1950: Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được tấn phong Giám Mục và đảm nhận giáo phận Bùi Chu.

- Năm 1950: Ðức Cha tiên khởi Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tạ thế. Ngài sinh ngày 7/8/1868 tại Gò Công, theo học các trường các thày dòng tại Ðịnh Tường đến năm 1880. Sau đó Ngài được gửi theo học tại Ðại Chủng Viện Sàigòn. Ngày 19/9/1896, Ðức Cha Depiere tấn phong linh mục cho cha Gioan Baotixita và chọn người làm thư ký Tòa Giám Mục. Trước khi được tấn phong giám mục, ngài lần lượt giữ chức cha sở họ Tân Ðịnh, Bà Rịa. Năm 1935, Ðức Cha Marcou Thành từ chức, trao quyền Giám Mục giáo phận Phát Diệm cho Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng. Ðây là giáo phận thứ nhất được ủy thác cho hàng giáo sĩ Việt Nam.

- Năm 1951: Giáo phận Vinh trao cho đức tân Giám Mục Baotixita Trần Hữu Ðức.

- Năm 1953: Ðức Cha Giuse Trương Cao Ðại nhận quyền Giám Mục giáo phận Hải Phòng. Ðức tân giám mục sinh ngày 4/6/1913 tại làng Tiền Môn, An Lập, Thái Bình. Năm 1927, ngài theo học tại tiểu chủng viện Ninh Cường, sau đó tại Giáo Hoàng Học Viện Nam Ðịnh. Năm 1936, ngài được gửi sang học ở Ða Minh Học Viện tại Hương Cảng, sau đó tại Manila (Phi Luật Tân) và đậu tiến sĩ tại đại học Thánh Thomas. Năm 1953, Tòa Thánh chọn ngài làm giám mục cai quản địa phận hải Phòng, nhưng được hơn một năm thì phải di cư vào Nam. Ngài định cư tại Madrid (Tây Ban Nha) và mất tại đó vào năm 1955.

- Năm 1955: Giáo Phận Cần Thơ được thành lậop và được giao cho đức tân Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Ngài sinh tại Tân Ðịnh ngày 1/9/1910, gia nhập tiểu chủng viện Sàigòn năm 1922. Năm 1932, Ðức Cha Dumortier gửi ngài qua Rome theo học trường Truyền Giáo, và thụ phong linh mục năm 1937. Trước khi Tòa Thánh chọn Ngài làm Giám Mục, cha Bình lần lượt giữ các chức vụ như: giáo sư chủng viện (1943), tuyên úy các sư huynh Sàigòn. Năm 1948, thực hiện tờ báo Tông Ðồ, cha xứ họ Cầu Ðất. Ngày 20/9/1955, Tòa Thánh chọn ngài làm Giám Mục cai quản tân giáo phận Cần Thơ. Năm 1960, Ðức Cha Bình thuyên chuyển về Sàigòn và làm Tổng Giám Mục địa phận Sàigòn cho đến ngày qua đời.

- Năm 1955: Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền được tấn phong Giám Mục, và đảm nhận giáo phận Sàigòn, thay thế Ðức Cha Cassaige Sanh từ chức để đi làm tuyên úy Trại Cùi Di Linh.

- Năm 1957: Tòa Thánh cắt hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận (thuộc địa phận Qui Nhơn) và hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy (thuộc địa phận Sàigòn) để thiết lập Giáo Phận Nha Trang. Tân giáo phận này trao cho Ðức Cha Piquet Lợi.

(Các tài liệu được trích dẫn từ:

- tập sách Giáo Hội Việt Nam của Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ,

- bài Tìm Hiểu Giáo Hội Việt Nam của Nguyễn Vũ Tuấn Linh)


Giáo Hội Việt Nam

Những thời kỳ bị bách hại

và những sắc chỉ cấm đạo

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Giáo Hội Việt Nam: Những thời kỳ bị bách hại và những sắc chỉ cấm đạo.

Cánh đồng truyền giáo trên đất Việt Nam đã được Thiên Chúa ban cho cách dồi dào ngay từ khi mới nhận hạt giống đức Tin, và do đã được thấm nhuần bằng nhiều máu các vị Tử Ðạo, xuất thân trong hàng giáo sĩ ngoại quốc cũng như trong hàng giáo sĩ bản xứ và trong Cộng đoàn giáo dân Việt Nam. Lời nhận xét của Tertuliano xưa đã thành như ngạn ngữ bất di bất dịch ngàn đời: "Sanguis Martyrum, semen Christianorum: Máu các vị Tử Ðạo là hạt giống sinh nhiều giáo hữu". Tất cả các vị đã chung vai sát cánh trong lao khổ, trong hy sinh vun trồng thì cũng sát cánh trong cái chết vô cùng anh dũng để làm chứng tá cho Chúa Kitô: "Không có tình yêu nào lớn hơn sự hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu" (Gioan 15,13).

Thời kỳ mới khai nguyên một số nhà truyền giáo đã chiếm được cảm tình nơi nhiều vị cầm quyền Việt Nam:

Thực tình mà nói, trong thời kỳ mới khai nguyên một số nhà truyền giáo đã chiếm được cảm tình nơi nhiều vị cầm quyền Việt Nam hồi xưa. Lịch sử còn ghi:

- Năm 1591 Giáo sĩ Ordeonez de Cevallos dạy giáo lý và làm phép Thánh Tẩy cho Công Chúa Mai Hoa (Phiên âm từ Maria): Công Chúa Mai Hoa là chị cửa Hoàng Tử Lê Thái Tông.

- Năm 1624, tại Thuận Hóa, Giáo sĩ De Pina dạy giáo lý và chuan bị cho bà Minh Ðức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ của chúa Nguyễn Hoàng, và cha Ðắc Lộ làm phép Thánh Tẩy cho bà với thánh hiệu Maria Madalena.

- Linh mục Ðắc Lộ, năm 1627 tới thủ đô Kẻ Chợ (Hà Nội), đã được tiếp kiến chúa Trịnh Tráng hồi đó xưng hiệu là Thanh Ðô Vương. Trong quãng thời gian ở tại thủ đô, ngài đã khuyên được em gái chúa Trịnh Tráng trở lại đạo Công Giáo mang thánh hiệu là Catarina còn chính chúa Thanh Ðô Vương cho phép ngài lập nhà thờ bên cạnh đền vua.

- Thời Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát) 1725-1765: bên cạnh chúa vẫn có một Linh Mục dòng Tên làm bác sĩ và dạy toán học.

Nhưng chính những thành quả kể trên đồng thời cũng là cơ hội gây nên ghen tương, hiểu lầm, vì sự kiện giáo dân càng ngày càng phát triển đông đúc, trước sự nhận xét vội vàng và đa nghi của một số vua chúa, quan lại và cả giới Tăng Ni, có nghĩa là sợ mất đi một phần thần dân, một phần ảnh hưởng, một phần tín đồ. Thêm vào đó giáo lý của đạo Công Giáo đem tới có vẻ qúa nghiêm khắc và bị lên án là gây xáo trộn trật tự xã hội, thí dụ trong gia đình, theo giáo lý Thiên Chúa, là chỉ có nhất phu nhất phụ, chứ không thể dung thứ, hay cho phép bảo tồn chế độ đa thê, tì thiếp, nàng hầu, là những sự kiện rất thịnh hành trong triều đình, trong giới quan lại, trong giai cấp thượng lưu giầu sang của thời xa xưa.

Những cuộc bách hại khởi xướng bằng những lý do mang nặng thành kiến:

Lúc ban đầu một số những cuộc bách hại khởi xướng bằng những lý do lu mờ và có thể nói là mang nặng thành kiến. Thí dụ:

Trong Nam, hai lần lệnh cấm đạo được ban hành: năm 1617 dưới thời chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên, 1615-1635) nhân vụ hạn hán, và năm 1663 dưới thời chúa Hiền Vương (Nguyễn Phúc Tần, 1648-1667) nhân cơ hội một trận bão lụt, các Thầy Tăng Ni giải thích rằng: sự có mặt của tây phương đạo trưởng và sự kiện nhiều người tin theo đạo mới làm cho các vị Thần Phật bất mãn, do đó mà không cho mưa xuống, hay đã khiến dòng nước dâng cao làm thiệt hại mùa màng!

Nhưng về sau, trong những cuộc bách hại đẫm máu, mới dần dần hiện rõ lý do chính thức tôn giáo: Sở dĩ là vì chính quyền thời đó ra mặt chống đối bài bác bắt bớ Thiên Chúa Giáo, hành quyết những vị Thừa sai ngoại quốc hay linh mục, giáo dân bản xứ và tìm cách tiêu diệt đạo Chúa, nói theo danh từ chuyên môn, là vì "hận thù tín ngưỡng: odium fidei". Tín ngưỡng nói đây là niềm xác tín sâu xa vào Thiên Chúa, sự tôn thờ Ngài là đấng Tạo dựng muôn loài, là vị Cứu tinh nhân loại và là Thẩm phán tối cao. Và chỉ khi nào chết vì tín ngưỡng, nghĩa là thà chết để chứng minh lòng mình trung kiên với Thiên Chúa, lúc đó cái chết mới cao cả, mới là lý tưởng bất diệt của con người: trước mặt Giáo hội hoàn vũ, cái chết này mới đáng tuyên dương và được đề cao làm mô phạm cho toàn dân Thiên Chúa.

Những sắc chỉ cấm đạo:

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam ghi nhớ tất cả 53 Sắc chỉ chính thức do các chúa (hai dòng họ Trịnh, Nguyễn: trong Nam ngoài Bắc), do nhà Tây Sơn và do các vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức ban hành nhằm khai trừ và tiêu diệt đạo Thiên Chúa.

1. Trong Nam: dưới thời các chúa Nguyễn (1615-1778): 8 Sắc chỉ:

- Chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên, 1615) Sắc chỉ năm 1625.

- Chúa Thượng (Nguyễn Phước Lan, 1635-1648) Sắc chỉ năm 1639 và 1644.

- Chúa Hiền Vương (Nguyễn Phước Tần, 1648-1687) Sắc chỉ năm 1663 và 1665.

- Chúa Ngãi Vương (Nguyễn Phước Trân, 1687-1691) Sắc chỉ năm 1691.

- Chúa Minh Vương (Nguyễn Phước Chu, 1691-1725) Sắc chỉ năm 1700.

- Chúa Võ Vương (Nguyễn Phước Khoát, 1725-1765) Sắc chỉ năm 1725.

Cuộc bách hại dữ nhất vào năm 1665 là vì có người vu khống cho rằng: tượng ảnh Thánh Giá là hình ảnh vua Bồ Ðào Nha, do đó người theo đạo tức khắc là con dân của đế quốc Bồ. Chúa Hiền Vương nổi giận trục xuất hết mọi vị Thừa sai và sát hại dân lành, nhất là vào hai tháng giêng và tháng hai năm 1665: lần đầu tiên tung ba thiếu nữ (Gioana, Maria và Luxia) cho voi giầy chà!

2. Ngoài Bắc: dưới thời các chúa Trịnh (1627-1786): 17 Sắc chỉ:

- Chính Trịnh Tráng (1627-1658): 5 Sắc chỉ: năm 1629 lần đầu tiên tại Bắc Việt và các năm 1632, 1635, 1638, 1643.

- Chúa Trịnh Tạc (1658-1682): 3 Sắc chỉ: năm 1658, 1663, 1669.

- Chúa Trịnh Căn (1682-1709): 1 Sắc chỉ: năm 1696.

- Chúa Trịnh Cương (1709-1729): 4 Sắc chỉ: năm 1709, 1712, 1721, 1722.

- Chúa Trịnh Giang (1729-1740): 1 Sắc chỉ: năm 1736.

- Chúa Trịnh Doanh (1740-1767): 2 Sắc chỉ: năm 1754, 1765.

- Chúa Trịnh Sâm (1767-1782): 1 Sắc chỉ: năm 1773.

Một đặc điểm: trong thời các chúa Trịnh Cương và Trịnh Giang, Dòng Tên đã đóng góp xương máu vào dòng giống Tử Ðạo Việt Nam: Lm Messari chết rũ tù ngày 15/06/1723, và ngày 11 tháng 10 cùng năm đến lượt Lm Bucharelli bị hành quyết tại Ðồng Mơ cùng với 9 Thầy giảng và Giáo dân. Năm 1736 bốn linh mục Dòng Tên khác: Alvarez, Cratz, D' Abreu, Da Cumba bị trảm quyết; 2 Thầy Việt Nam bị đánh giập đầu gối: 1 Thầy chết trong tù, còn Thầy kia bị đày chung thân biệt xứ.

3. Nhà Tây Sơn (1775-1800): Khởi nghĩa năm 1775, đóng đô tại Quy Nhơn:

Miền Nam: 3 Sắc chỉ: bát đầu 1779.

- Vua Thái Ðức: năm 1785.

- Vua Cảnh Thịnh: năm 1798.

Miền Bắc: năm 1786 Tây Sơn kéo quân ra chinh phục miền Bắc: 3 Sắc chỉ:

- Quan Thái Sư Bùi Ðắc Tuyên: 2 Sắc chỉ: năm 1795: ngày 7/01/1795 và 24/01/1795.

- Khâm Sai Bắc Việt Ngô Văn Sở: 1 Sắc chỉ: năm 1799.

Cuộc tàn sát năm 1798 ghê gớm hơn cả, vì đã khai diễn những màn tra tấn dã man như tẩm dầu vào các đầu ngón tay, hay đổ vào rốn, trước khi châm lửa, hoặc treo ngược đầu "tội nhân" xuống. Các cơ sở Công Giáo tại Bố Chính, Nghệ An, Thanh Hóa (nhà thờ, nhà xứ, tu viện, trường học) đều bị cướp phá, dân chúng chạy trốn lên rừng.

4. Vua Minh Mạng (1820-1840): 7 Sắc chỉ:

Các sử gia Âu Châu khi viết về những cuộc bách hại tôn giáo tại Việt Nam thường tặng vua Minh Mạng danh xưng: "Néron của Việt Nam", vì Hoàng đế Néron hồi xưa khét tiếng tàn bạo hung dữ trong những cuộc lùng bắt đạo Công Giáo tại thủ đô Roma và trong đế quốc La Mã. Thực ra trong tổng số 117 vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam, một nửa (58 vị) đã bị hành quyết trong vòng 20 năm nhà vua Minh Mạng cầm quyền, đặc biệt vào hai năm 1838-1839.

Cấm đạo: vua Minh Mạng cấm một cách khoa học:

- Một đàng cho lệnh tập trung về Huế tất cả các số Linh mục Thừa sai ngoại quốc. Bề ngoài nói khéo là nhà vua cần đến các vị để dịch sách ngoại ngữ ra tiếng Việt, nhưng thực ra là để cầm chân các nhà truyền đạo, không cho họ hoạt động và liên lạc với giáo đoàn. Trong khi đó chờ có cơ hội có tàu ngoại quốc cập bến là đẩy số Thừa sai này về nước, đồng thời không cho vị Thừa sai mới nào được phép nhập cảnh Việt Nam.

- Ðàng khác tiêu diệt các cơ sở, các tổ chức Công Giáo địa phương, nhất là căng màn lưới kiểm soát gắt gao để lùng bắt các đạo trưởng người bản xứ.

Nhà vua đã ký 7 Sắc lệnh nghiêm cấm vào những năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834, 1836 và 1838. Biết trong giáo lý đạo Công Giáo có "10 điều răn" và nhiều lễ cử hành trong năm, ngày 15/07/1834, vua cho công bố một đạo luật trong đó gồm 10 khoản, lấy từ triết học Khổng Tử đem áp dụng vào xã hội Việt Nam để dạy đạo làm người. Nội dung: về cương vị con người, lương tâm ngay thẳng, tự trọng bản lĩnh, nền tảng kinh tế, thuần phong mỹ tục, giáo dục giai cấp, vấn đề văn hóa, hãm dẹp tình dục, tôn trọng pháp luật và quãng đại với tha nhân. Ðạo luật này được niêm yết trên khắp mọi nẻo đường, bắt dân chúng phải học tập và tuân hành. Mộng của nhà vua là để cho đầu óc người dân khỏi bị tiêm nhiễm các thứ giáo lý ngoại bang, riêng với người Công Giáo là để thay thế cho 10 giới răn đạo Chúa.

Ngoài ra các Quan trong nước làm hai Kiến nghị (năm 1826 và 1830) yêu cầu nhà vua thẳng tay tiêu diệt đạo trưởng Thiên Chúa Giáo bằng án tử hình, viện cớ rằng: các vị Thừa sai tổ chức từng xứ đạo, có nghĩa là chia nước ra thành nhiều địa hạt chỉ huy như một chính quyền và giáo dân triệt để tuân theo. Những vụ tàn sát ở Nghệ An, ở làng Dương Sơn: Linh mục, giáo dân bị bắt, bị xử! Nhất là tại Nam Ðịnh do bàn tay khát máu của Thống Ðốc Trịnh Quang Khanh. Cuối năm 1837 ông bị nhà vua triệu về Kinh khiển trách nặng lời, vì chưa thẳng tay với Cộng đoàn Công Giáo miền Trung Châu và Duyên Hải Bắc Việt là hai địa điểm từ xưa đến nay vẫn là trung tâm Công Giáo phồn thịnh. Từ Huế trở về Nam Ðịnh, Trịnh Quang Khanh mang theo món quà 40 ảnh Thánh Giá cỡ lớn, quà của vua trao tặng, và 6 ngàn quân binh. Ảnh Thánh Giá được mang đặt khắp các cửa ngõ trong thành phố, hay là về sau di chuyển trong các họ đạo mỗi khi có các cuộc hành quân bách hại, trong khi đó từng ngàn quân mới được tiếp viện chạy đi bao vây khắp nơi, xua hết mọi gia đình Công Giáo ra ngoài, ép buộc họ phải bước lên ảnh Thập Giá, và bước lên ảnh Thập Giá có nghĩa là từ bỏ đạo thánh. Ba năm cuối đời Minh Mạng là những năm đau khổ nhất cho Giáo Hội Bắc Việt thời đó. Ðức Giám Mục Retord, Hội Thừa Sai Paris, diễn tả: "Không thể trốn thoát được nữa, vì không còn chỗ nào tối đủ để tránh né trăm nghìn con mắt rình rập"!

5. Vua Thiệu Trị (1840-1847: 2 Sắc Lệnh:

Sang đời vua Thiệu Trị cuộc bách hại vẫn tiếp tục, nghĩa là vua vẫn để cho thi hành những sắc lệnh đã được công bố đời vua Minh Mạng, mặc dầu trong một vài địa phương đã có phần giảm độ gắt gao. Tại Phúc Nhạc (Ninh Bình) Nữ Thánh Ine Lê Thành (tức bà Thánh Ðê, vị nữ Thánh duy nhất trong 117 Thánh Tử Ðạo) bị bắt, vì can tội chứa chấp "đạo trưởng", tức hai linh mục Thừa sai Berneux và Galy. Bà đã anh dũng xưng đạo và cam chịu mấy cuộc tra tấn dã man đến chết trong tù. Cũng như Linh Mục Phêrô Khanh bị trảm quyết năm 1842 và Thánh Mattêô Lê Văn Gẫm bị xử năm 1847. Mãi cho tới 1847, sau khi thất bại trong cuộc tranh chấp với đoàn tầu Pháp tại Cửa Hàn, vua phản ứng bằng cách đổ hết tội lỗi trên đầu người Công Giáo, và ngày 3/05/1847 vua ban hành sắc lệnh lùng bắt các linh mục Thừa Sai ngoại quốc.

6. Vua Tự Ðức (1847-1883): 13 Sắc lệnh:

Nếu tính số Sắc lệnh bắt đạo, dưới thời Tự Ðức lên tới 13 Sắc lệnh ký vào những năm 1848, 1851, 1855, riêng trong năm 1857: 4 Sắc lệnh; năm 1859: 3 Sắc lệnh; và năm 1860: 4 Sắc lệnh sau cùng. Nhiều lệnh như thế minh chứng ý chí nhà vua muốn tận diệt đạo Thiên Chúa bằng mọi giá, và tận diệt suốt trong 30 năm chấp chính. Chúng ta sẽ thấy nội dung những Sắc lệnh đó khủng khiếp tới mức nào!

- Ðạo Công Giáo được định nghĩa không những như một "Tả Ðạo" mà còn tệ hơn nữa: như một tôn giáo xấu xa "một dịch tễ" (Sắc lệnh: 7/06/1857).

- Do đó lệnh vua là các cơ quan chính quyền phải ráo riết bài trừ:

- Lệnh cho các xã ủy, cai tổng (Sắc lệnh: Tháng 5 năm 1857): Ai không tuân theo sẽ bị cách chức (Sắc lệnh 7/06/1857).

- Lệnh cho Triều đình và các quan địa phương (Sắc lệnh 24/08/1857).

- Phải bắt tất cả các tầng lớp Công Giáo:

- Hết mọi thanh niên trên 15 tuổi phải trình diện thường xuyên theo thời gian nhất định (Lệnh 17/01/1860). Người Công Giáo, dù học giỏi, có khả năng, cũng không được bổ nhiệm giữ chức vụ nào (Sắc lệnh 18/09/1855).

- Ðặc biệt giới ngư phủ: vì họ luôn luôn di chuyển và thường là chỗ ẩn náu cho các đạo trưởng (Sắc lệnh 18/09/1855).

- Ðặc biệt giới ngư phủ: vì họ luôn luôn di chuyển và thường là chỗ ẩn náu cho các đạo trưởng (Sắc lệnh 18/09/1855).

- Những người chứa chấp đạo trưởng sẽ bị phân thây và buông sông (Sắc lệnh 30/03/1851).

- Giáo dân không chịu đạp lên Thánh Giá sẽ bị khắc hai chữ "Tả Ðạo" trên mặt và đi đầy biệt xứ (Sắc lệnh 18/09/1855). Ai cố chấp xưng đạo: đàn ông sẽ bị cưỡng bách tòng quân, đàn bà bị tuyển làm nội trợ cho các quan (Sắc lệnh 7/06/1857).

- Bắt các thành phần trong Hội đồng giáo xứ (Sắc lệnh tháng 10/1859).

- Binh sĩ Công Giáo không đạp ảnh Thánh Giá sẽ bị giải ngũ, bị khắc hai chữ Tả Ðạo và bị đầy chung thân (Sắc lệnh Tháng 12/1859).

- Giới Quan lại Công Giáo: cả những ai đã chối đạo cũng bị cất chức. Những ai trung kiên sẽ bị trảm quyết (Sắc lệnh 15/12/1859).

- Các Nữ tu: không được cấp giấy thông hành để di chuyển ngoài địa phương mình đang ở, vì họ là những liên laic viên đắc lực. Ai không tuân lệnh sẽ bị: tù chung thân, hay làm nội trợ cho các quan (Sắc lệnh 17/01/1860 và Sắc lệnh tháng 7/1860).

- Các Linh mục Việt Nam: đạp Thánh Giá hay không đều bị phân thây để nêu gương; Ngoại quốc: bị trảm quyết, đầu phải treo luôn trong 3 ngày, rồi buông sông hay ném xuống biển (Sắc lệnh 15/09/1855).

- Các cơ sở Công Giáo (nhà thờ, nhà xứ, tu viện, nhà trường) bị đốt phá và tiêu hủy (Sắc lệnh 18/09/1855 và Sắc lệnh 8/12/1857). Nhất là cơ sở tại Vĩnh Trị: phải bình địa hóa triệt để (Sắc lệnh 1/12/1857).

- Những khổ hình dã man nhất: Phân sáp (1860): gồm 5 khoản:

- Khoản 1: Hết mọi người theo đạo Thiên Chúa, bất cứ nam nữ, giầu nghèo, già trẻ đều bị phân tán vào các làng bên lương.

- Khoản 2: Tất cả các làng bên lương có trách nhiệm canh gác những tín hữu Công Giáo: cứ năm người lương canh gác một người Công Giáo.

- Khoản 3: Tất cả các làng Công Giáo sẽ bị phá bình địa và tiêu hủy. Ruộng đất, vườn cây, nhà cửa sẽ bị chia cho các làng bên lương lân cận, và các làng bên lương này có nhiệm vụ phải nộp thuế hằng năm cho Chính Phủ.

- Khoản 4: Phân tán nam giới đi một tỉnh, nữ giới đi một tỉnh khác, để không còn cơ hội gặp nhau, con cái thì chia cho những gia đình bên lương nào muốn nhận nuôi.

- Khoản 5: Trước khi phân tán, tất cả giáo dân nam nữ và trẻ con đều bị khắc trên má trái hai chữ Tả Ðạo và trên má bên phải tên tổng, huyện, nơi bị giam giữ, như thế không còn cách nào trốn thoát.

Pháp luật nghiêm khắc như thế, thảo nào số người Công Giáo bị ngã gục đã lên cao: trong tổng số 117 vị Thánh Tử Ðạo, 50 vị đã hy sinh mạng sống dưới đời Tự Ðức!

Ðọc lại trang sử rùng rợn trên đây chúng tôi tự hỏi: con người với nhau, cùng là công dân một nước, cùng nói một ngôn ngữ, cùng sống một giang sơn, cùng đóng góp nghĩa vụ chung, tại sao lại có thể tàn bạo với nhau đến thế? Những Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân Việt Nam thời xưa là những công dân tốt lành, họ truyền bá những điều hợp lý, họ sống đời sống gương mẫu, họ ăn ở lương thiện bác ái. Có những người bị bắt bớ vì tín ngưỡng, bị đeo gông cùm, nhưng nhiều lần được cả lính canh gác ngục tù cảm phục, tôn kính; nhiều lần trên pháp trường được cả những lý hình xin lỗi, thanh minh trước khi giơ tay hành quyết, tại sao họ bị bao vây tầm nã, bị đối xử dã man, tệ hơn những tội nhân phản loạn, bị coi rẻ hơn những thành phần bất hảo? Theo lý luận trần gian, sự kiện lịch sử làm cho chúng ta điên đầu không tìm ra câu giải đáp!

Nhưng rồi ngửa mặt lên nhìn vào cây Thập Giá: từ đây một ánh sáng thiêng liêng sẽ cho chúng ta nhận thấy: trong loài người ai đã thánh thiện bằng Chúa Kitô, ai đã thi ân cho nhân loại bằng Ngài: qua giáo lý Ngài công bố, qua phép lạ Ngài làm, qua đời sống trong sáng Ngài nêu cho cả thế giới? Nhưng rồi ai đã phải chết đau khổ bằng Ngài và như Ngài? Chính Chúa Giêsu hồi xưa đã tiên báo: "Thầy phải đi Giêrusalem, ở đó sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ phải tử nạn và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Matt. 16,21). Sở dĩ Chúa đi chịu chết (và sau có phục sinh) là để: "Nhân danh Ngài sự ăn năn thống hối và ơn tha tội sẽ được lan truyền khắp nơi bắt đầu từ Giêrusalem" và Ngài trao cho các Tông Ðồ sứ mệnh "làm chứng nhân về tất cả những sự kiện đó" (Luc. 24,48-68).

Tự Ðức là vua sau cùng đã bách hại đạo Công Giáo, ý muốn của nhà vua là tiêu diệt tận gốc, nhưng nhà vua, cũng như các người bách hại đạo Công Giáo trên thế giới, đâu có ý thức được rằng: đạo Thiên Chúa xây đắp không phải trong ranh giới thời gian, trong lãnh vực địa dư quốc gia, nhưng là được củng cố trong lương tâm, trong tâm hồn nhân loại, làm sao mà tiêu diệt nổi? Ðạo Thiên Chúa được mở rộng biên cương, được phát triển không phải bằng những phương tiện kinh tế, vật chất, binh đao, nhưng bằng một luật tiến triển siêu nhiên: "Hạt giống gieo xuống đất mà không mục nát sẽ không sinh hoa trái, nhưng nếu mục nát đi nó sẽ sinh nhiều hạt khác" (Gio. 12,24-25).

7. Cuộc Bách Hại do nhóm Văn Thân (1885-1886):

Chính lý ra những cuộc bách hại chấm dứt dưới thời Tự Ðức, vì theo khoản 9 Hiệp Ước Giáp Tuất ký giữa Việt Nam và nước Pháp, ngày 15/03/1874, vua Tự Ðức đã ký nhận "quyền tự do theo đạo và hành đạo của người Công Giáo". Tuy nhiên lịch sử còn ghi chép: sau vua Tự Ðức sự bắt bớ Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam vẫn tiếp tục, không kém phần dữ dội tàn bạo, và diễn tiến trong hoàn cảnh rối ren khác biệt. Các vua kế vị Tự Ðức:

- Hiệp Hòa lên chấp chính được 4 tháng rồi sau đó ép buộc phải uống thuốc độc quyên sinh.

- Kiến Phúc lên ngôi hồi mới 15 tuổi;

- Hàm Nghi lên kế vị lúc còn 12 tuổi:

Do đó mọi quyền điều khiển quốc sự, giữa lúc đang phải đương đầu với ngoại bang, đều nằm trong tay mấy vị đại thần: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Kết quả đưa đến chỗ không may mắn: do hai Hiệp ước 1883 và 1884 một phần lãnh thổ Việt Nam và quyền hành cai trị quốc gia sang tay người ngoại quốc! Do đó năm 1885-1886 phong trào Văn Thân nổi dậy, lộng quyền trên khắp ba miền Nam Bắc Trung, và con vật hy sinh, một lần nữa, lại là nhân dân Công Giáo rải rác trên toàn quốc! Cuộc bách hại tàn ác vì lợi dụng hoàn cảnh "đục nước béo cò": chỉ trong mấy năm Văn Thân, số người Công Giáo bị tàn sát vì Tín ngưỡng đã lên cao gần bằng tổng số tín hữu đã hy sinh trong hơn hai thế kỷ bách hại, từ đời các chúa Trịnh, Nguyễn, cho tới hết đời Tự Ðức.

Những cuộc tàn sát thật ác liệt rùng rợn: từng lớp người, kể ra từng trăm từng ngàn, cứ mỗi lần phải qua một cơn bách hại là cứ tiếp tục ngã xuống, như những trái sung rụng trước cơn gió lộng! Người ta ước lượng: dưới thời các chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù; nhưng dưới thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công Giáo bị sát hại, chỉ vì là thành phần trong dân Thiên Chúa. Linh mục Ð. Trần Văn Phát, hồi xưa Tổng Quản Giáo Phận Huế, còn đi xuống những chi tiết "độ 100,000 đấng Tử Ðạo: ước 58 vị Giám Mục và Linh Mục ngoại quốc, 150 vị Linh Mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 1 chủng sinh, 270 Chị Dòng Mến Thánh Giá và 99,182 giáo dân".

Hồi đó vua Cảnh Thịnh (1798) ra lệnh tàn sát các họ đạo: dân chúng, trên đường thoát nạn, bồng bế con cái chạy và ẩn nấp trong rừng La Vang, và nơi đây, theo truyền thống, được Ðức Mẹ hiện ra trấn an và bảo vệ. Hồi đó Phong Trào Cần Vương đang tung hoành với khẩu hiệu "bình Tây sát Tả" (đuổi quân Tây diệt Tả Ðạo) đem từng ngàn binh đội đên vây hãm tứ phía làng Trà Kiệu, nhất là từ hai ngọn đồi Bửu Châu và Kim Sơn liên tục bắn phá. Họ đạo Trà Kiệu khác nào một hòn đảo bé nhỏ nằm dưới thung lũng làm mồi cho những cuộc tấn công liên tiếp 21 ngày đêm, từ 1 tới 21 tháng 9 năm 1885. Nhưng Trà Kiệu đã được một "Bà mặc áo trắng" từ trên ngọn tháp đền thờ bồng con đỡ đạn cho đám dân quân Công Giáo đang cầm cự bên trong.

(Trích tập sách Vụ Án Phong Thánh

của tác giả Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, xuất bản năm 1987, Hoa Kỳ)


117 Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Trong chương trình cải tạo Thế Giới đang bị vật chất hóa và đưa thế giới trở về Thiên Chúa, Ðức Gioan Phaolô II vẫn nuôi hoài bão trình bày cho từng lớp người và trong trường hợp có thể, cho cả từng quốc gia, từng miền, một hay nhiều vị Thánh mô phạm, một hay nhiều vị Thánh sinh trưởng tại chỗ, quen thuộc với nền văn hóa và các phong tục địa phương. Từ trên cao các vị Thánh, đủ mọi mầu da sắc tộc, như những ngọn đèn trời soi chiếu, như những tấm gương linh động sẽ kêu gọi, sẽ thúc đẩy và cổ võ con người thời nay trở về nếp sống đạo đức xứng đáng với danh nghĩa người con Thiên Chúa.

Hồ sơ 117 vị Tử Ðạo Việt Nam là cả một kho tàng châu báu của Giáo Hội Việt Nam, tiềm tàng chứa đựng cái gì là tinh hoa của Ðạo Thiên Chúa hơn ba thế kỷ đã được truyền bá trên khắp giang sơn đất Việt: Ðức Tin thuần tuý, Ðức Tin sắt đá, Ðức Tin nồng nàn quảng đại của Tổ Tiên Việt Nam. 117 vị Tử Ðạo là 117 đoạn lịch sử oai hùng riêng biệt, không ai giống ai, trừ một điểm: ai cũng chết oanh liệt, làm chứng cho Ðức Tin.



Thành Lập

Hàng Giáo Phẩm Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

I. Ðức Giám Mục tiên khởi người Việt Nam

- Ngày 11/6/1933 Ðức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, nguyên chính xứ Tân Ðịnh (Sàigòn), được Ðức Piô XI tấn phong Giám Mục tiên khởi người Việt Nam tại Ðền Thánh Phêrô tại La-Mã.

II. Thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam

- Năm 1954: với Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi nước Việt Nam thành hai miền Nam và Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc dưới chế Ðộc Tài Cộng Sản, miền Nam dưới chế độ Tự Do Cộng Hòa. Hơn 670,000 giáo dân miền Bắc phải rời bỏ làng xóm để lánh nạn Cộng Sản, di cư vào niềm Nam tìm tự do.

- Ngày 24/11/1960: Trong lúc Giáo Hội tại miền Bắc dưới chế độ Cộng Sản trở nên Giáo Hội thầm lặng, không phát triển được, thì Giáo Hội tại miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa đã phát triển mọi mặt, nên ngày 24/11/1960, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã ra tông hiến Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam với ba Giáo Tỉnh: Hà Nội - Huế - Sàigòn và các lãnh thổ truyền giáo được nâng lên hàng Giáo Phận theo đúng quy luật Giáo Hội hoàn vũ. Tông Hiến này được công bố trong ngày Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

+ Giáo Tỉnh Hà Nội (1679) bao gồm các giáo phận Lạng Sơn (1913), Hải Phòng (1678), Hưng Hóa (1895), Bắc Ninh (1883), Phát Diệm (1901), Bùi Chu (1848), Thái Bình (1936), Thanh Hóa (1932) và Vinh (1846).

+ Giáo Tỉnh Huế (1850) bao gồm các giáo phận Qui Nhơn (1844), Nha Trang (1957), Kontum (1932), Ðà Nẵng (1963), và Ban Mê Thuột (1967).

+ Giáo Tỉnh Sàigòn (1844) bao gồm các giáo phận Vĩnh Long (1938), Cần Thơ (1955) và 3 giáo phận mới là Ðà Lạt (1960), Mỹ Tho (1960), và Long Xuyên (1960). Cùng những giáo khác mới thành được thiết lập sau này: Phú Cường và Xuân Lộc (1966), Phan Thiết (1975).

Ðang lúc đó nhiều cộng đoàn đã được nâng lên hàng tỉnh dòng như dòng Chúa Cứu Thế (1964), Chi dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam (1964), dòng Ða Minh Việt Nam (1967) và dòng Phanxicô Việt Nam (1969), dòng Sư Huynh các trường Công Giáo (1897), dòng các nữ tu thánh Phaolô (1864).

- Năm 1960: Cũng trong Tông Hiến Venerabilium Nostrorum, Tòa Thánh thiết lập thêm 3 địa phận mới:

+ Giáo Phận Ðà Lạt: Gồm các tỉnh Tuyên Ðức, Lâm Ðồng, Quảng Ðức, Phước Long. Tân giáo phận Ðà Lạt trao cho Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền.

+ Giáo Phận Mỹ Tho: Gồm các tỉnh Ðịnh Tường, Kiến Phong. Tân giáo phận Mỹ Tho đặt dưới sự chăm sóc của Ðức Cha Giuse Trần Văn Thiện.

+ Giáo Phận Long Xuyên: Gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Chương Thiện. Tân giáo phận Long Xuyên được quản nhiệm bởi Ðức Cha Michael Nguyễn Khắc Ngữ.

Ðức Tân Giám Mục Nguyễn Khắc Ngữ sinh năm 1909 tại địa phận Lạng Sơn (Bắc Việt). Năm 1929, ngài du học tại Pháp và theo học tại chủng viện Lucon, thụ phong linh mục năm 1934 và làm giáo sư chủng viện Lạng Sơn. Năm 1938, ngài được bổ nhiệm làm thư ký Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Huế, giúp việc cho Ðức Khâm Sứ Antonin Drapier. Ngài làm cha chánh xứ họ Lục Bình, Mỹ Sơn và bề trên địa phận Lạng Sơn. Ngày 1/12/1960, Tòa Thánh tấn phong ngài làm Giám Mục chánh tòa, coi sóc tân giáo phận Long Xuyên.

- Năm 1960: Tòa Thánh cũng chọn Ðức Cha Phêrô Khuất Văn Tạo làm tân Giám Mục giáo phận Hải Phòng. Ngài cũng làm giám quản giáo phận Bắc Ninh cho đến năm 1963.

- Năm 1960: Cũng trong năm 1960, Tòa Thánh lại chọn cha Phêrô Nguyễn Huy Quang làm tân Giám Mục giáo phận Hưng Hóa.

- Năm 1960: Giáo Phận Thái Bình đón nhận đức tân Giám Mục Ða Minh Ðinh Ðức Trụ, được Tòa Thánh chọn làm giám mục giáo phận Thái Bình ngày 5/3/1960.

- Năm 1960: Ðức tân Giám Mục Vincente Phạm Anh Dụ cai quản giáo phận Lạng Sơn được phong Giám Mục ngày 5/3/1960 (nhưng cho tới 1992, nhà cầm quyền Hà Nội mới công nhận). Ngài sinh ngày 14/10/1922 tại Phát Diệm.

- Năm 1963: Giáo Phận Ðà Nẵng, gồm hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín được thành lập. Tân Giáo Phận được trao cho Ðức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi.

- Năm 1963: Tòa Thánh tấn phong Giám Mục cho Linh Mục Phaolô Trần Ðình Nhiên, và đề cử ngài làm Giám Mục phụ tá địa phận Vinh.

- Năm 1963: Ðức Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn được đề cử làm Giám Mục phó giáo phận Hà Nội (2/1963).

- Năm 1963: Ðức Cha Phaolô Phạm Ðình Tụng, tân Giám Mục giáo phận Bắc Ninh. Ngài sinh 1919 tại họ Cầu Mễ, thuộc xứ Quảng Nạp, giáo phận Phát Diệm. Ngài thụ phong linh mục năm 1949, và được tấn phong Giám Mục ngày 15/8/1963.

- Năm 1964: Tòa Thánh chọn cha Giuse Lê Quí Thanh làm Giám Mục phụ tá giáo phận Phát Diệm.

- Năm 1965: Tòa Thánh chọn cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, làm Giám Mục giáo phận Cần Thơ, thay thế Ðức Cha Philiphê Nguyễn Kim Ðiền nhận quyền Tổng Giám Mục Huế.

- Năm 1966: Tòa Thánh cắt các tỉnh Long Khánh, Biên Hòa, Phước Tuy và thị xã Vũng Tàu từ giáo phận Sàigòn, để thành lập Giáo Phận Xuân Lộc, tân giáo phận này được trao cho Ðức Cha Giuse Lê Văn Ấn.

- Năm 1966: Tân Giáo Phận Phú Cường được thành lập, gồm các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long. Giáo Phận Phú Cường được trao cho Ðức tân Giám Mục Giuse Phạm Văn Thiên.

- Năm 1966: Giáo phận Sàigòn có thêm Ðức Cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, Giám Mục phụ tá Tổng Giáo phận Sàigòn.

- Năm 1967: Giáo Phận Ban Mê Thuột được thành lập, bao gồm các tỉnh Ðắc Lắc, Quảng Ðức, Phước Long, tân giáo phận được trao cho Ðức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai.

- Năm 1967: Ðức tân Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đảm nhận giáo phận Nha Trang.

- Năm 1967: Ðức Cha Anselmo tadeo Lê Hữu Từ tạ thế. Ðức cố giám mục sinh ngày 28/10/1897 tại làng Di Loan, Quảng Trị, theo học tiểu chủng viện An Ninh, sau đó đại chủng viện Phú Xuân (Huế). trong thời gian học đại chủng viện, ngài xin gia nhập dòng khổ tu Phước Sơn, và thụ phong linh mục ngày 22/12/1928. Ngày 19/7/1945, Tòa Thánh chọn Ngài làm Giám Mục phụ tá giáo phận Phát Diệm. Năm 1946, Ðức Cha Lê Hữu Từ chính thức nhận quyền Giám Mục giáo phận Phát Diệm. Ngày 24/4/1967, Ngài qua đời tại nhà hưu dưỡng Phát Diệm, Xóm Mới, Gò Vấp, thọ 74 tuổi.

- Năm 1968: Cha Giacobê Nguyễn Văn Mầu được tấn phong Giám Mục. Ngài là giám mục giáo phận Vĩnh Long, thay thế Ðức Cha Nguyễn Văn Thiện.

- Năm 1968: Ðức Cha Phaolô Nguyễn Ðình Nhiên tạ thế, sau 5 năm làm Giám Mục phụ tá giáo phận Vinh.

- Năm 1971: Ðức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Ðức tạ thế. Ngài sinh năm 1892, tại Phước Tân, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tỉnh. Ngài theo học tại chủng viện Xã Ðoài. Ngày 15/9/1951, được Ðức Cha De Cooman tấn phong Giám Mục. Ngài mất tại Xã Ðoài (Vinh) ngày 5/1/1971, sau 20 năm cai quản giáo phận.

- Năm 1973: Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền tạ thế. Ðức cố giám mục sinh ngày 23/3/1906 tại làng Nhu Lý, Quảng Trị. Ngài gia nhập chủng viện ngày 8/6/1917. Năm 1932, du học tại trường Truyền Giáo Rome. Ngày 21/12/1935, ngài thụ phong linh mục và tiếp tục học tại Rome. Trở về Việt Nam năm 1940, ngài được Tòa Giám Mục Huế bổ nhiệm làm giáo sư trường Thiên Hữu, sau đó làm giám đốc đại chủng viện Kim Long. Ngày 20/9/1955, ngài được Tòa Thánh chọn làm giám mục giáo phận Sàigòn. Năm 1960, ngài được đề cử làm giám mục tân giáo phận Ðà Lạt. Ngài mất ngày 5/7/1973, sau 13 năm cai quản giáo phận Ðà Lạt.

- Năm 1974: Ðức cha Lê Quí Thanh tạ thế. Ðức cố Giám Mục sinh ngày 19/3/1900 tại An Hòa, Duy Tiên, Hà Nam, là cháu ba đời của nhà bác học Lê Quí Ðôn. Ngài thụ phong linh mục ngày 17/3/1934, giáo sư chủng viện Phúc Nhạc, rồi giám đốc trường thày giảng Phát Diệm, giáo sư chủng viện Thượng Kiệm. Ngày mồng Một Tết Giáp thìn (13/2/1964), ngài thụ phong Giám Mục, sau 10 năm giữ chức giám mục phó cho Ðức Cha Bùi Chu Tạo. Ngài qua đời vào ngày 7/5/1974, thọ 74 tuổi.

- Năm 1974: Ðức Cha Ða Minh Hoàng Văn Ðoàn tạ thế. Ðức cố Giám Mục sinh ngày 15/10/1912 tại Trà Lũ, Phú Nhai, Nam Ðịnh. Năm 1927, ngài được chọn vào chủng viện Ninh Cường; năm 1932 theo học lớp Triết tại Giáo Hoàng Học Viện Nam Ðịnh. Qua 3 năm Triết, ngài xin gia nhập dòng Ða Minh Quần Phương. Sau đó, du học tại Ða Minh Học Viện ở Hồng Kông (1/1936). Năm sau ngài qua Bỉ (1937), và Paris (1938). Học nội trú tại Nhà Dòng Etoiles và theo học ban văn chương tại đại học Sorbonne. Cũng năm ấy ngài thụ phong linh mục. Năm 1944, ngài đậu tiến sĩ Thần Học, và dạy tiếng La Tinh, Hi Lạp, Do Thái tại nhà dòng thánh Maximin và đại học Collegessete. Ngày 12/9/1950, ngài thụ phong Giám Mục cai quản giáo phận Bắc Ninh. Năm 1963, nhận quyền Giám Mục giáo phận Qui Nhơn. Ðức Cha Ðaminh Hoàng Văn Ðoàn mất ngày 20/5/1974 tại Qui Nhơn.

- Năm 1974: Ðức Cha Giuse Lê Văn Ấn tạ thế. Ngài mất ngày 17/6/1974, sau 8 năm cai quản giáo phận Xuân Lộc.

- Ngày 11/8/1974: Tòa Thánh tấn phong Ðức Cha Phaolô Huỳnh Ðông Các Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn.

- Năm 1975: Giáo Phận Phan Thiết được thiết lập và trao cho Ðức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi. Ðây là giáo phận thứ 25 được thành lập kể từ khi 2 giáo phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài thành hình.

- Năm 1975: Trước những biến chuyển mau lẹ của chiến tranh tại Việt Nam, trong năm 1975, Tòa đã nhanh chóng thích ứng với những biến chuyển mới của tình hình, đã phong thêm nhiều giám mục khác để cai quản các giáo phận tại Việt Nam trong hoàn cảnh mới:

+ Tòa Thánh tấn phong cha Phanxicô Nguyễn Quang Sách làm giám mục phụ tá giáo phận Ðà Nẵng.

+ Tân Giám Mục Stephanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục phó Tổng Giáo Phận Huế. (Năm 1983, Ngài đã xin về hưu).

+ Tân Giám Mục Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm, giám mục giáo phận Ðà Lạt. Ngài sinh năm 1929 tại Thanh Hóa, thụ phong linh mục năm 1957, sau đó xin gia nhập tu hội Xuân Bích, một Tu Hội chuyên về giảng dạy trong các chủng viện. Ngài qua Pháp năm 1960, và sang Rome theo học tại đại học Thánh của dòng Ða Minh. Năm 1963, ngài đậu cử nhân Thần Học, tiến sĩ Triết học. Trở về nước ngài dạy Triết học và nhập môn Thánh Kinh tại đại chủng viện Xuân Bích Vĩnh Long trong hai năm. Từ 1966 đến 1975, ngài làm giám đốc đại chủng viện Xuân Bích Huế. Năm 1975, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám Mục giáo phận Ðà Lạt. (Sau này, Ðức Cha Bartolomêô Nguyễn Sơn Lâm được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo Phận Thanh Hóa ở ngoài Bắc).

+ Tân Giám Mục Alexis Phạm Văn Lộc, giám mục giáo phận Kontum.

+ Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, tân Giám Mục giáo phận Nha Trang.

+ Tòa Thánh thuyên chuyển Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từ giáo phận Nha Trang về Sàigòn. Ngài là Tổng Giám Mục phó với quyền kế vị Tổng Giáo Phận Sàigòn.

+ Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Văn Lãng, tân giám mục Giáo Phận Xuân Lộc.

+ Ðức Cha Nguyễn Minh Nhật, tân giám mục phó với quyền kế vị giáo phận Xuân Lộc.

+ Ðức tân Giám Mục André Nguyễn Văn Nam, giám mục phụ tá giáo phận Mỹ Tho.

+ Ðức Cha Raphael Nguyễn Văn Diệp, tân giám mục phụ tá giáo phận Vĩnh Long.

+ Ðức tân Giám Mục Emmanuel Lê Phong Thuận, giám mục phụ tá giáo phận Cần Thơ.

+ Ðức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, giám mục phụ tá giáo phận Long Xuyên.

- Năm 1975: Ðức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, giám mục giáo phận Bùi Chu từ trần. Ðức cố giám mục thụ phong linh mục vào đầu thập niên 1940 sau nhiều năm phục vụ tại nhiều xứ đạo. Năm 1952, ngài được Ðức Cha Phạm Ngọc Chi mời về làm thư ký tòa Giám Mục. Năm 1954, Ngài theo làn sóng người di cư vào Nam, nhưng chạnh nghĩ lại số phận của hơn 10 ngàn tín hữu giáo dân Bùi Chu còn ở lại, ngài xin trở lại miền Bắc. Ngày 10/11/1960, ngài được Tòa Thánh tấn phong Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu. Ngài mất ngày 11/2/1975, sau 15 năm coi sóc giáo phận.

- Năm 1976: Tháng 5 năm 1976, Ðức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê, giáo phận Hà Nội, được Ðức Thánh Cha Phaolô VI chọn làm Hồng Y. Ngài là Hồng Y tiên khởi của Việt Nam.

- Năm 1976: Ðức Cha Phanxicô Trần Thanh Khâm, Giám Mục phụ tá giáo phận Sàigòn, tạ thế ngày 2/10/1976, sau 10 năm làm phụ tá giám mục Sàigòn.

- Năm 1977: Tòa Thánh đặt linh mục Giuse Nguyễn Thiện Khuyến làm giám mục phụ tá giáo phận Phát Diệm. Lễ tấn phong được cử hành tại nhà thờ Phát Diệm vào ngày 9/3/1977.

- Năm 1978: Nhân dịp tham dự Hội Nghị Giám Mục Thế Giới tại Rome, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã đề nghị và được Tòa Thánh chấp thuận để cha Aloisio Phạm văn Nẫm làm Giám Mục phụ tá giáo phận Sàigòn. Tân giám mục sinh năm 1913, từng là giáo sư, quản lý tiểu chủng viện Thánh Giuse tại Sàigòn. Lễ tấn phong được Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình cử hành tại Sàigòn ngày 2/2/1978.

- Năm 1978: Ðức Cha Phaolô Nguyễn Năng, giám mục giáo phận Vinh, từ trần tại Xã Ðoài, Nghệ An, vào ngày 17/6/1978, hưởng thọ 66 tuổi, sau 28 năm làm linh mục và 10 năm giám mục cai quản giáo phận Vinh.

- Năm 1978: Ðức Hồng Y tiên khởi Giuse Maria Trịnh Như Khuê tạ thế tại Hà Nội. Cố Hồng Y sinh ngày 11/12/1899 tại Tràng Ðức, Hà Nội. Thụ phong linh mục ngày 1/4/1944, tấn phong giám mục ngày 15/8/1960 tại nhà thờ chánh tòa Hà Nội. Ngày 24/11/1960, nhậm chức Tổng Giám Mục, và ngày 14/5/1976 được Ðức Thánh Cha Phaolô VI tấn phong Hồng Y tại Rome. Ngài tạ thế vào sáng thứ Hai, ngày 27/11/1978, hưởng thọ 78 tuổi.

- Năm 1979: Ðức Giám Mục Gioan Baotixita Urrutia (Thi), nguyên giám mục Huế, tạ thế ngày 15/1/1979 tại Montheton, Pháp quốc. Ðức cố giám mục sinh năm 1901, thụ phong linh mục năm 1925, được bổ nhiệm làm việc tại giáo phận Huế. Ngày 17/5/1947, thụ phong giám mục. Năm 1960, Tòa Thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, ngài trao giáo phận Huế cho Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục rồi ra hưu trí tại Lavang. Hè 1972, ngài về Huế lánh nạn và sau đó về Pháp. Ðức Giám Mục Thi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của ngài, và ao ước được chôn cất thân xác trên giải đất Việt Nam.

- Năm 1979: Tòa Thánh bổ nhiệm cha Phêrô Trần Xuân Hạp làm giám mục giáo phận Vinh, thay thế Ðức Cha Nguyễn Năng, tạ thế năm 1978. Tân giám mục sinh quán tại làng Nhân Hòa (Nghệ An), nguyên linh mục quản hạt Hướng Dương (Quảng Bình). Lễ tấn phong Ðức Giám Mục Hạp được cử hành tại Hà Nội ngày 19/3/1979.

- Năm 1979: Ngày 18/2/1979, Tòa Thánh cũng chọn cha Giuse Nguyễn Tùng Cương, nguyên quản lý Nhà Chung Hà Nội, làm giám mục phụ trách giáo phận Hải Phòng.

- Năm 1979: Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trao mũ Hồng Y cho Ðức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng Giám Mục giáo phận Hà Nội, vào ngày 16/5/1979. Ngài là vị Hồng Y thứ hai của Giáo Hội Việt Nam.

- Năm 1979: Ngày 8/8/1979, Tòa Thánh cũng chấp nhận lời đề nghị của Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn, chọn cha Giuse Vũ Duy Nhất làm Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu. Lễ tấn phong được Ðức Hồng Y Trịnh Văn Căn chủ tọa tại Hà Nội. Tân giám mục sinh năm 1911, thụ phong linh mục năm 1960, và thụ phong giám mục năm 1979.

- Năm 1979: Ngày 8/12/1979, Tòa Thánh chọn cha Phêrô Giuse Ðinh Bỉnh làm Giám Mục phó giáo phận Thái Bình.

- Năm 1981: Tòa Thánh chọn cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, cha chánh sở nhà thờ Hà Nội làm giám mục phụ tá giáo phận Hà Nội. Tân Giám Mục xuất thân từ đại chủng viện Xuân Bích từ năm 1953, chịu chức linh mục năm 1960. Từng nhiều năm làm thư ký cho Ðức cố Hồng Y Trịnh Như Khuê, và chánh xứ nhà thờ Hà Nội.

- Năm 1981: Cũng trong năm 1981, Tòa Thánh chấp thuận cha Giuse Trịnh Chính Trực, linh mục chánh sở giáo phận Ban Mê Thuột, làm giám mục giáo phận Ban Mê Thuột. Tân giám mục sinh năm 1925 tại Trác Bút, Hà Nam. Thụ phong linh mục năm 1954 tại Hà Nội. Ngài giữ chức chánh sở địa phận ban Mê Thuột từ ngày 8/9/1967 đến ngày thụ phong giám mục.

- Năm 1981: Ðức Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến, giám mục phụ tá giáo phận Phát Diệm từ trần. Ðức cố Giám Mục Giuse sinh năm 1900, tại xứ Mỹ Ðiện (Thanh Hóa), sau khi hoàn tất bậc tiểu và đại chủng viện. Ngài thụ phong linh mục ngày 5/4/1930, do cố Giám Mục Marcou truyền chức. Ngài lần lượt coi các xứ Khiết Kỷ, Hiếu Thuận, Tôn Ðạo, Văn Hải, Phúc Hải. Khi Ðức Cha Thanh từ trần (1974), Ngài làm cha chính giáo phận. Ngày 24/4/1977, ngài được tấn phong giám mục tại Phát Diệm, do Ðức Cha Căn chủ phong. Sau 4 năm phục vụ Giáo Hội, ngài qua đời đột ngột ngày 15/12/1981 tại Phát Diệm (Bắc Việt), thọ 81 tuổi.

- Năm 1981: Tòa Thánh tấn phong Giám Mục cho linh mục Phêrô Trần Thành Chung, giám mục phụ tá địa phận Kontum. Lễ tấn phong được cử hành tại Kontum ngày 15/8/1981.

- Năm 1982: Ðức Cha Ðaminh Maria Ðinh Ðức Trụ tạ thế. Ðức cố Giám Mục sinh tại Phú Nhai vào ngày 15/1/1908. Thụ phong linh mục 23/5/1938, sau đó được bổ nhiệm làm Giám Ðốc trường Thày Giảng Ðặng Ðức Thuận (Hưng Yên). Ngày 5/3/1960, Tòa Thánh đặt ngài làm Giám Mục hiệu tòa Cataquas, 21 ngày sau ngài được Ðức cố Hồng Y Trinh Như Khuê âm thầm tấn phong giám mục. Ngày 8/11/1960, Ðức Cha Ðinh Ðức Trụ chính thức nhận quyền giám mục địa phận Thái Bình. Ngài tạ thế ngày 7/6/1982.

- Năm 1982: Tòa Thánh chọn cha Louis Hà Kim Danh làm giám mục phụ tá giáo phận Phú Cường. Lễ tấn phong được cử hành vào ngày 10/10/1982.

- Năm 1984: Ðức Cha Paul Seitz (Kim) từ trần. Ðức cố giám mục Seitz sinh tại Le Havre năm 1906. Ngài gia nhập hội Thừa Sai Paris (MEP) và đến Việt Nam năm 1937. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm cha sở nhà thờ chánh tòa Hà Nội. Năm 1925, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Kontum. Ngày 15/8/1975, ngài bị Cộng Sản trục xuất. Trở về Pháp, Ngài cho xuất bản hai cuốn sách nói về tình trạng người dân miền Nam sống dưới chế độ Cộng Sản: cuốn "Le Temps Des Chiens Muets" (Thời của những con chó câm), và cuốn "Les Hommes Debout" (Những người đứng thẳng). Ngày 24/2/1984, ngài từ trần tại Pháp vì bịnh ung thư phổi, hưởng thọ 78 tuổi.

- Năm 1984: Ðức Tổng Giám Mục Phêrô-Martinô Ngô Ðình Thục từ trần. Ðức cố Tổng Giám Mục sinh tại Phú Cam (Huế) vào ngày 6/10/1897. Ngài theo học tiểu chủng viện Phú Xuân. Năm 1919, Ðức Cha Allys (Lý) gửi ngài du học tại Rome, ngài đậu tiến sĩ về triết học, thần học và giáo luật. Ngài thụ phong linh mục ngày 20/12/1925, sau đó giữ chức giáo sư đại chủng viện Phú Xuân, hiệu trưởng trường Providence (Thiên Hựu), chủ nhiệm tờ Sacerdos Indosineses. Năm 1938, Tòa Thánh đặt ngài làm giám mục tiên khởi giáo phận Vĩnh Long. Ngày 24/11/1960, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, và đặt ngài làm Tổng Giám Mục Huế cho đến năm 1965. Ðức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục mất lúc 11 giờ ngày 13/12/1984 tại bệnh viện St. John (Joplin, Missouri). Lễ an táng được cử hành lúc 11 giờ ngày 22/12/1984 tại giáo phận Springfield - Cape Giardeau.

- Năm 1985: Ðức Cha Phêrô Maria Nguyễn Huy Quang, giám mục giáo phận Hưng Hóa, từ trần vào ngày 13/11/1985, tại Nhà Chung Sơn Tây, Bắc Việt, hưởng thọ 78 tuổi.

- Năm 1987: Ðức Cha Ðaminh Lê Hữu Cung, Giám Mục giáo phận Bùi Chu, tạ thế ngày 12/3/1987, tại Bùi Chu, Bắc Việt Nam.

- Năm 1987: Ðức Cha Giuse Phan Văn Hoa, giám mục phụ tá giáo phận Qui Nhơn, tạ thế ngày 6/10/1987, sau 12 năm làm giám mục phụ tá giáo phận.

- Năm 1988: Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi qua đời. Ðức Cố giám mục sinh ngày 1909 tại Tôn Ðạo, Kim Sơn, Ninh Bình. Năm 1920, ngài gia nhập nhà tập Ba Làng (Thanh Hóa), tiểu chủng viện Phúc Nhạc. Năm 1927, ngài du học tại trường truyền giáo Rome, thụ phong linh mục ngày 23/12/1933 và tiếp tục học tại đại học Apollinaire. Ngài đậu Tiến Sĩ triết học, cử nhân Thần Học, và cử nhân văn chương, giáo luật. Năm 1936, ngài hồi hương và nhận chức giáo sư đại chủng viện Phát Diệm. Năm 1950, ngài được Tòa thánh bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Bùi Chu. Sau hiệp định Geneve (20/7/1954), ngài được ủy thác trông coi hàng giáo sĩ và giáo dân di cư. Ngày 5/7/1957, ngài được đề cử cai quản giáo phận Qui Nhơn. Sau đó, ngày 18/1/1963, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đặt ngài làm Giám Mục tiên khởi giáo phận Ðà Nẵng. Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi mất tại Ðà Nẵng ngày 21/1/1988, sau 25 năm cai quản giáo phận Ðà Nẵng.

- Năm 1988: Ðức Tổng Giám Mục Philiphe Nguyễn Kim Ðiền qua đời. Cố Tổng Giám Muc Philiphe sinh năm 1921 tại Gia Ðịnh. Ngài gia nhập dòng Tiểu Ðệ của cha Charles de Foucauld, sau đó ngài qua Phi Châu. Năm 1957, cha Ðiền trở về Việt Nam và làm cho hãng khuân vác tại bến tầu. Ngày 24/10/1960, Tòa Thánh chọn ngài làm Giám Mục tiên khởi giáo phận Cần Thơ, sau đó nhận chức Tổng Giám Mục Huế (1965). Ngài qua đời ngày 8/6/1988 tại Huế. Ngài xứng danh được gọi là chiến sĩ quốc gia, vì ngài đã mạnh mẽ lên án nhóm linh mục "quốc doanh". Ngài bị Cộng Sản làm khó dễ, và bị quản thúc tại tòa Giám Mục. Cái chết của ngài là một thiệt thòi cho Giáo Hội và Tổ Quốc Việt Nam.

- Năm 1988: Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Văn Lãng, giám mục giáo phận Xuân Lộc, từ trần ngày 19/12/1988. Trước khi được tấn phong giám mục, ngài đã từng là giám đốc đại chủng viện Thánh Thomas Long Xuyên, và giữ nhiều chức vụ quan trọng tại giáo phận Long Xuyên.

- Năm 1988: Tòa Thánh đã chọn cha Giuse Nguyễn Văn Yến làm giám mục phó giáo phận Phát Diệm. Ðức tân Giám Mục sinh ngày 26/12/1942 tại Vĩnh Trị, Kẻ Vĩnh (Hà Nội). Từ năm 1954 tới 1960, ngài theo học tại tiểu chủng viện Hà Nội. Trong lúc đang theo học, nhà nước ra lệnh đóng cửa chủng viện, thày Yến ra ngoài làm thợ may suốt 13 năm dài. Năm 1973, thày trở lại chủng viện, và thụ phong linh mục năm 1977. Ngày 14/11/1988, cha Yến được Tòa Thánh chính thức bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Phát Diệm. Lễ tấn phong được cử hành ngày 16/12/1988.

- Năm 1989: Ðức Cha Giuse Phan Thế Hinh, giám mục Hưng Hóa, tạ thế. Ðức cố Giám Mục sinh ngày 27/10/1928, thụ phong linh mục năm 1973. Năm 1976, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục phó giáo phận Hưng Hóa. Ngày 13/11/1985, khi Ðức Cha Phêrô Nguyễn Huy Quang qua đời, Ðức Cha Phan Thế Hinh lên kế vị trong việc coi sóc giáo phận, ngài qua đời sáng chủ nhật 22/1/1989.

- Năm 1989: Ngày 15/12/1989, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến làm Giám Mục phụ tá giáo phận Bắc Ninh. Ngài thụ phong linh mục bí mật vào năm 1975, nhưng mãi đến 1980 mới được nhà nước chấp thuận. Từ 1988, ngài được bổ nhiệm làm cha chánh sở nhà thờ Bắc Ninh, và ngày 15/12/1989 được Tòa Thánh tấn phong giám mục. Lễ tấn phong do Ðức Cha Phạm Ðình Tụng cử hành vào ngày 15/1/1989.

- Năm 1989: Ðức Cha Giuse Trần Văn Thiện, giám mục giáo phận Mỹ Tho, tạ thế ngày 24/2/1989, thọ 81 tuổi. Ðức Cố giám mục sinh tại Long Ðiền (Phước Tuy) ngày 1/10/1908, thụ phong linh mục ngày 21/9/1935, sau một thời gian làm cha phó, cha Thiện du học tại Pháp. Hồi hương năm 1947, ngài được cử làm giám đốc Chủng Viện Thánh Minh. Năm 1958, ngài được cử làm Viện Trưởng Ðại Học Ðà Lạt, và ngày 24/11/1960 ngài được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi giáo phận Mỹ Tho.

- Năm 1989: Ðức Cha Giuse Ðinh Bỉnh, từ trần ngày 14/3/1989 tại Tòa Giám Mục Thái Bình. Ngài nguyên là giám mục phụ tá của cố giám mục Ðinh Ðức Trụ, và được Tòa Thánh chỉ định coi sóc giáo phận Thái Bình sau khi Ðức Cha Trụ qua đời.

- Năm 1990: Ðức Cha Phêrô Phạm Tần, giám mục giáo phận Thanh Hóa, tạ thế lúc 4 giờ sáng ngày 1/2/1990 tại Tòa Giám Mục Thanh Hóa, hưởng thọ 77 tuổi.

- Năm 1990: Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn tạ thế. Ðức cố Hồng Y sinh tại Bút Ðông, Hà Nam, ngày 19/3/1921. Thụ phong linh mục ngày 8/12/1949, và được chọn làm Tổng Giám Mục phó hiệu tòa giáo phận Hà Nội ngày 5/2/1963. Nhận mũ giám mục ngày 2/6/1963 tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, và nhận mũ Hồng Y từ Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 26/5/1979. Ngài là vị Hồng Y thứ hai của Giáo Hội Việt Nam. Ngài tạ thế vào ngày thứ Sáu 18/6/1990 tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, thọ 69 tuổi, sau 41 năm linh mục, 27 năm giám mục và 11 năm với chức vụ Hồng Y. Lễ an táng do Ðức Hồng Y Etchegaray cử hành vào lúc 10 giờ sáng thứ Tư ngày 23/6/1990.

- Năm 1990: Ðức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, giám mục giáo phận Cần Thơ, tạ thế ngày 20/6/1990 tại Cần Thơ, hưởng thọ 81 tuổi, sau 25 năm cai quản giáo phận. Ðức cố Giám Mục sinh năm 1909 tại Sàigòn, thụ phong linh mục năm 1935 và giám mục năm 1965.

- Năm 1990: Ðức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai tạ thế. Cố giám mục sinh tại Khuyển Lương, Hà Nội ngày 3/7/1913. Năm 1967, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám muc tiên khởi giáo phận Ban Mê Thuột. Ngài qua đời vào lúc 6 giờ ngày 4/8/1990, thọ 77 tuổi, sau 23 năm cai quản giáo phận Ban Mê Thuột. Lễ an táng được cử hành vào ngày 8/8/1990. Ðức Cha Trịnh Chính Trực làm Giám Mục Giáo Phận Ban Mê Thuột thay thế Ðức Cha Nguyễn Huy Mai.

- Năm 1990: Tòa Thánh chỉ định Ðức Cha Phạm Ðình Tụng, giám mục giáo phận Bắc Ninh, kiêm giám quản tổng giáo phận Hà Nội. Và Ðức Cha Nguyễn Văn Sang nhận chức Giám Mục Giáo Phận Thái Bình.

- Năm 1991: Ðức Cha Nguyễn Phụng Hiểu được cử làm tân giám mục giáo phận Hưng Hóa. Ngày 11/4/1991, các Ðức Giám Mục Việt Nam đã đến nhà thờ chính tòa Hưng Hóa để tham dự lễ truyền chức giám mục cho Ðức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu. Ðức Cha Phaolô Phạm Ðình Tụng, Giám Mục Bắc Ninh, kiêm giám quản tổng giáo phận Hà Nội, là vị chủ phong. Ðức Tổng Giám Mục Alberto Tricarico, Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái Lan, Lào, Miến Ðiện và Mã Lai cũng đên tham dự, và chuyển lời chào mừng và phép lành của Ðức Thánh Cha tới Ðức tân Giám Mục.

- Năm 1991: Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngày 19/10/1991 làm Giám Mục phụ tá Giáo Phận Ðà Lạt với quyền kế vị. Sau thời gian theo học tại tiểu chủng viện Sàigòn (1948-1958), ngài theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X Ðà Lạt, đậu cử nhân văn chương Pháp tại Ðại Học Ðà Lạt. Ngài được Ðức cố Giám Mục Simon Hòa Hiền truyền chức linh mục ngày 21/12/1967, được bổ nhiệm làm giáo sư c chủng viện Ðà Lạt (1971-1975). Từ 1975 ngài làm cha chánh sở nhà thờ chính tòa kiêm tổng đại diện giáo phận Ðà Lạt. Thánh lễ truyền chức giám mục do Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm, Giám Mục giáo phận Ðà Lạt, chủ tế với sự hiện diện của Ðức Cha Nicholas Huỳnh Văn Nghi, Giám Mục Phan Thiết, và Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang, cùng hơn 15 ngàn tín hữu.

- Năm 1992: Ngày 15/2/1992, Ðức Cha Stephanô Nguyễn Như Thể, Giám Mục hiệu tòa Tipasa di Mauritania, nguyên giám mục phó giáo phận Huế, đã được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm thành viên Hội Ðồng Ðối Thoại Liên Tôn với nhiệm kỳ là 5 năm. Ðức Cha Thể sinh ngày 1/12/1935 tại Quảng Trị, chịu chức linh mục ngày 6/1/1962. Ngày 7/9/1975, ngài được Ðức cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền tấn phong làm Giám Mục phó giáo phận Huế, chiếu theo đặc quyền của Tòa Thánh ban cho các giám mục Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên ngày 23/11/1983, ngài được Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức. Với việc bổ nhiệm trên đây, Ðức Cha Thể là vị giám mục Việt Nam duy nhất là thành viên của một cơ quan Tòa Thánh, và như vậy sẽ được mời tới Rome tham dự các phiên họp khoáng đại 2 năm một lần của Hội Ðồng nói trên.

- Năm 1992: Lễ truyền chức giám mục cho Ðức Cha Thomas Nguyễn Văn Trâm, tân giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, đã được cử hành trọng thể hôm 7/5/1992 tại khuôn viên Tòa Giám Mục Xuân Lộc, do Ðức Cha Nguyễn Minh Nhật chủ phong, trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu. Ðồng tế Thánh Lễ còn có 15 vị giám mục và 530 linh mục khác. Ðức tân Giám Mục sinh ngày 9/1/1942 tại Phước Tuy. Sau khi theo học tiểu chủng viện và đại chủng viện Thánh Giuse, Thày Trâm thụ phong linh mục ngày 29/4/1969 rồi được bổ nhiệm làm cha phó một họ đạo tại Biên Hòa. Một năm sau đó, cha du học tại Rome ở trường Thánh Phêrô 4 năm (1970-1974) và đậu tiến sĩ giáo luật tại Ðại Học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ Truyền Giáo. Trở về Việt Nam, cha Trâm được Ðức Ðức cố Giám Mục Nguyễn Văn Lãng chọn làm bí thư và giám đốc chủng viện Xuân Lộc từ 1975 đến 1979.

- Năm 1992: Ðức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu tạ thế, tại Thủ Ðức lúc 2giờ30 chiều ngày 9/5/1992, hưởng thọ 70 tuổi, sau gần 3 tháng làm giám mục giáo phận Hưng Hóa. Với sự ra đi của Ðức Cha Hiểu, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vào lúc này (khoảng cuối năm 1992) còn 32 vị Giám Mục, và còn 4 giáo phận chưa có giám mục chính tòa coi sóc là Hà Nội, Hưng Hóa, Huế và Thanh Hóa. Ðức cố Giám Mục Hiểu sinh tại Hàm Phu, Ninh Bình, ngày 19/3/1921, thụ phong linh mục năm 1951, đã từng bị giam cầm và bị quản thúc hơn 10 năm trời. Ngài được bổ nhiệm giám mục chính tòa Hưng Hóa ngày 11/3/1990. Ngày 19/9/1991, ngài phải sang Rome chữa bệnh phổi và ngày 7/10/1991 ngài được giải phẫu tại nhà thương Piô XI và được bác sĩ xác nhận là ngài bị ung thư phổi. Hôm 7/5/1992, dù kiệt sức, ngài vẫn cố gắng đi dự lễ tấn phong Giám Mục Thomas Nguyễn Văn Trâm, và hai hôm sau ngài từ trần tại Thủ Ðức.

- Năm 1992: Ngày 24/7/1992, Tòa Thánh đã bổ nhiệm cha Phaolô Maria Cao Ðình Thuyên làm giám mục phó với quyền kế vị giáo phận Vinh. Ðức tân Giám Mục sinh tại Trảng Lưu năm 1926. Sau khi hoàn tất học tiểu và đại chủng viện Vinh, năm 1960 thầy Thuyên thụ phong linh mục, sau đó được chỉ định làm cha sở và năm 1974 giữ chức quản lý giáo phận. Từ 1980, cha Thuyên được Ðức Cha Hạp chỉ định làm tổng đại diện địa phận Vinh. Với việc tấn phong Ðức Cha Cao Ðình Thuyên, Giáo Hội Việt Nam vào lúc này (khoảng cuối năm 1992) có 33 vị giám mục, kể cả Ðức Cha Stephanô Nguyễn Như Thể, nguyên Giám Mục phó giáo phận Huế.

III. Ðức Hồng Y tiên khởi và các Hồng Y người Việt Nam

- Ngày 24/5/1976 Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Như Khuê được Ðức Phaolô VI bổ nhiệm Hồng Y thứ nhất người Việt Nam.

- Ngày 27/11/1978, Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê tạ thế. Ðức Gioan Phaolô II, vào ngày 30/6/1979, đã bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn lên chức vụ Hồng Y thứ hai người Việt Nam.

- Ngày 18/6/1990, Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn tạ thế. Ðức Gioan Phaolô II, vào ngày 26/11/1994, đã bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng lên chức vụ Hồng Y thứ ba người Việt Nam.

- Ngày 21/2/2001, Ðức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý Và Hòa Bình, lên chức vụ Hồng Y thứ tư người Việt Nam.

(Các tài liệu được trích dẫn từ:

- tập sách Giáo Hội Việt Nam của Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ.

- bài Tìm Hiểu Giáo Hội Việt Nam của Nguyễn Vũ Tuấn Linh.

- Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, của Linh Mục Phan Phát Huồn, CssR.)



Giáo Hội Việt Nam

dưới thời chế độ Cộng Sản

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

I. Giáo Hội miền Bắc sống dưới chế độ Cộng Sản

Giáo Hội Việt Nam đã trải qua gần một nửa thế kỷ dưới thời kỳ bị bách hại bởi các sắc chỉ cấm đạo của các vua chúa. Sau thời kỳ bị bách hại, Giáo Hội Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh trong bình an được thêm gần một nửa thế kỷ nữa. Lúc Giáo Hội Việt Nam ở vào thời kỳ vững vàng nhất, có một đức tin kiên cường nhất thì cũng là thời phải đối đầu với những khó khăn khác do bởi chế độ Cộng Sản gây nên. Năm 1954, với Hiệp Ðịnh Geneve, đất nước Việt Nam bị chia đôi làm hai miền. Miền Bắc ở dưới chế độ Cộng Sản, và hơn 670,000 giáo dân đã phải bỏ làng xóm lánh nạn Cộng Sản, di cư vào miền Nam tìm tự do. Sau đó, Giáo Hội miền Bắc đã phải trải qua những ngày đen tối. Tất cả các trường học, và hầu hết các tu viện đều bị nhà nước tịch thu. Một số các linh mục và chức sắc của xứ đạo bị bắt đi tù trong chính sách cải cách ruộng đất đẩm máu với những cuộc đấu tố rùng rợn dã man (1955-1956). Ngoại trừ Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng nữ tu Thánh Phaolô còn lại ở miền Bắc, các dòng khác đều rút lui vào miền Nam. Các giám mục và các linh mục còn lại phải sống khổ cực, và một ngày một già yếu, trong khi các chủng viện đều bị đóng cửa và bị cấm hoạt động. Nhiều Giám Mục vì nhu cầu đã phải phong chức "chui" cho một số tân linh mục. Tổng số linh mục Miền Bắc trong năm 1992 là 277 vị, gồm cả 30 linh mục được phong chức "chui". Còn về trình độ văn hóa đạo đời, ở miền Bắc, phần đông các linh mục hiện còn thi hành nhiệm vụ không có cơ hội để được học tại chủng viện. Ðiều này có nghĩa là một sự đào tạo cấp tốc rất thiếu sót để đáp ứng nhu cầu mục vụ của một linh mục, chưa nói đến đòi hỏi mục vụ của một giám mục. Mãi đến thập niên 1980, mới có một ít linh mục ở miền Bắc được tuyển chọn và được gởi qua Roma để thụ huấn thêm về Thần Học hoặc về Giáo Luật... Ðể lung lạc Giáo Hội, nhà nước đã dựng lên nhóm "Công Giáo yêu nước yêu hòa bình" (1955). Nhóm này xuất bản tờ "Chính Nghĩa" sau đổi là tờ "Người Công Giáo Việt Nam" để thông tin liên lạc và để hoạt động trong khuôn khổ của đảng Cộng Sản.

II. Hai miền Nam Bắc thống nhất, cả nước đều bị rơi vào tay Cộng Sản

Với biến cố 30/4/1975, Cộng Sản Việt Nam đã chiếm trọn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ Cộng Sản. Hơn nửa triệu giáo dân Việt Nam phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để trốn thoát khỏi sự đàn áp của Cộng Sản, và tìm đến một bến bờ tự do tại các trại ti nạn quanh vùng Ðông Nam Á và sau đó định cư ở xứ lạ quê người: Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, Âu Châu.... Những người còn kẹt lại tại Việt Nam, rất nhiều người bị đày đi kinh tế mới, bị đưa đi cải tại, tạo nên những cảnh vợ chồng cách biệt, gia đình ly tán... Hơn 100 Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo bị bắt đi tù cải tạo, và một số Linh Mục dân sự khác bị bắt giam, nhiều vị đã bị chết trong tù vì chế độ quá gian khổ và thiếu đủ mọi điều kiện. Hầu hết các cơ sở của Giáo Hội ở miền Nam như các trường học, các tu viện, các cơ sở xã hội như nhà thương, trại cùi... đều bị nhà nước tịch thu. Nhà nước cũng tổ chức nhóm Linh Mục "quốc doanh" để ủng hộ cho những hoạt động của đảng Cộng Sản, và nhóm này xuất bản tờ báo "Công Giáo và Dân Tộc" để làm công tác tôn giáo vụ theo đường hướng của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Với sự hậu thuẫn của nhóm Công Giáo và Dân Tộc, nhà nước Việt Nam đã đuổi Ðức Khâm Sứ Tòa Thánh Henri le Maitre ra khỏi nước, bắt giam Ðức Tổng Giám Mục Phó Sàigòn, Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, và chống đối việc Phong Thánh cho 117 vị Tử Ðạo tại Việt Nam. Trong nhóm "quốc doanh" này, có Linh Mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, trước kia ủng hộ "Cách Mạng" nay chống đối công khai, các ngài đã tách ra khỏi nhóm quốc doanh và can đảm nói lên lập trường của Giáo Hội nhất là trong vụ phong hiển thánh cho 117 vị Tử Ðạo tại Việt Nam.

Trong tình thế khó khăn như vậy, người Công Giáo trong Nam cũng như ngoài Bắc đã củng cố đức tin của mình theo gương của Ðức cố Hồng Y Trinh Như Khuê và Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền, họ làm bổn phận truyền giáo một cách hăng say: từ năm 1975 đến nay, các cha Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã âm thầm đào tạo từng nghìn giáo lý viên cho Giáo Hội. Tại Tây Nguyên dưới sự dìu dắt của các cha dòng, từng chục buôn Thượng xin chịu phép rửa tội tập thể. tại Tây Sơn, 4,000 người thiểu số xin theo đạo. Sự sống đạo của người giáo dân Việt Nam trong những lúc khó khăn vẫn tiếp tục gia tăng, và luôn sẵn sàng theo gương các bậc anh hùng tổ tiên là các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.

Dưới thời chế độ Cộng Sản, tất cả các chủng viện và dòng tu đều bị cấm chỉ hoạt động. Việc phong chức linh mục hoặc việc Tòa Thánh muốn bổ nhiệm các giám mục đều phải qua sự duyệt xét của nhà nước. Nhiều giáo phận, đã phải qua một thời kỳ hơn 15 năm không phong thêm được một tân Linh Mục nào. Nhiều Tòa Giám Mục vẫn bị trống ngôi hoặc nhiều giám mục đã ở tuổi quá già vì những người được Tòa Thánh bổ nhiệm để thay thế đã không không được nhà nước chấp thuận. Sự thiếu sót trầm trọng các linh mục ở nhiều giáo phận. Hầu hết các linh mục đều đã ở tuổi già. Mãi đến thời kỳ cởi mở của nhà nước, cả nước chỉ được 4 Liên Ðại Chủng Viện được phép mở cửa: Hà Nội, Vinh Thanh, Saigòn, Cần Thơ, và về sau này thêm đại chủng viện Nha Trang, nhưng số chủng sinh được nhập học nhà nước chỉ giới hạn với một con số rất là ít, và tất cả các chủng sinh này đều phải thông qua những cuộc phỏng vấn điều tra lý lịch của công an địa phương mới được vào nhập học.

III. Một vài chi tiết điển hình về tình hình một số Giáo Phận tại Việt Nam

Chúng tôi xin ghi lại nơi đây một vài chi tiết được tường thuật qua những lá thư của các Giám Mục Việt Nam gửi ra ngoại quốc về tình hình của một số giáo phận tại Việt Nam vào khoảng thời gian 1992:

1. Thư của Ðức Cha Bùi Chu Tạo, Giám Mục Phát Diệm:

Kính thưa cha,

Tôi đã được thư cha đề ngày 29/4/1992...

...tôi xin trả lời về các điểm cha nêu trong thư:

Dự án trước mắt:

- .....

- Ðào tạo 85 thanh niên dự tu. Họ không thể được huấn luyện tập trung. Nhà chung lo đào tạo ngắn hạn và hoạt động cho việc trau dồi thêm văn hóa, sinh ngữ và giáo lý. Ða số sẽ không được thâu nhận vào Ðại Chủng Viện, vì 3 năm mới được tuyển một lần. Lần đầu tiên năm 1989 Phát Diệm được ưu tiên gửi vào 8 thầy. Tuy nhiên họ tình nguyện sẽ sống độc thân, tiếp tục phục vụ xứ, họ, nhất là đang lúc thiếu linh mục. Kinh phí hàng năm cho tất cả hết quãng 8,000 mỹ kim.

- Ðào tạo đội ngũ gần 100 nữ giáo lý viên. Cũng như trường hợp trên, họ phải học hết cấp 3, đa số hệ bổ túc. Một số được gửi đi Hà Nội hay trong Nam. Hiện đã gửi 3 cô đi học lớp y sĩ của nhà nước mở tại Hà Nội. Họ được thường xuyên bồi dưỡng về giáo lý tại chỗ. Ða số rất muốn gia nhập các Hội Dòng. Kinh phí cho họ cũng xấp xỉ như cho giới dự tu nam, quãng 8,000 mỹ kim một năm.

- Xây lại ngay 7 nhà thờ xứ: 5 nhà bị tàn phá nặng trong hai cuộc chiến: Ninh Bình, Khoan Dụ, Vô Hốt, An Ngãi, Uy Ðức và 2 nhà thờ sụp đổ vì thời gian: Quảng Phúc, Cồn Thoi. Những công trình này đòi hỏi một khoản rất lớn, là nửa triệu. Một Ðức Cha đã xin giúp cho chung được 41,000 cho 9 dự án, mỗi dự án được từ 4,000 đến 5,000. Ðã bắt đầu làm nhà thờ Quảng Phúc và Cồn Thoi.

- Phục hồi nhà hát Ðức Cha Nguyễn Bá Tòng xây năm 1937. Bom đã phá sập, chỉ còn sườn bê tông cốt sắt. Sau khi sửa lại, nó sẽ được dùng làm nơi hội họp các đoàn thể, dạy giáo lý, chiếu phim, diễn thuyết, hội thảo và lễ thiếu nhi cho 2,000 em. Dự tính kinh phí làm mái, trần cửa, đóng ghế, lên đến 50,000 mỹ kim.

Thống kê địa phận:

- Ðịa dư: Giáo phận Phát Diệm gồm trọn tỉnh Ninh Bình và một phần huyện của tỉnh Hòa Bình (xứ Khoan Dụ). Diện tích: 1,395.77 km2. Nhà Chung (Tòa Giám Mục) thuộc thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cách Thị Xã Ninh Bình 28 km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 123 km về phía bắc, cách thành phố Nam Ðịnh 58 km về phía Ðông Bắc, cách thị xã Thanh Hóa 60 km về phía Nam.

- Giáo dân: 112,000, đa số dân tộc Kinh, thiểu số dân tộc Mường.

- Linh Mục: 22, trong đó 5 vị trên 70 tuổi, 13 vị chưa được nhà nước công nhận, 2 cha Dòng Xi Tô Châu Sơn trên 75 tuổi.

- Chủng sinh: 8 thầy, đang học tại Ðại Chủng Viện miền tại Hà Nội. Dự bị gồm 86 thầy, sống tại gia và phục vụ xứ và họ đạo.

....

(Phaolô Bùi Chu Tạo, Giám Mục Phát Diệm)

2. Thư của Ðức Cha Nguyễn Tùng Cương, Giám Mục Hải Phòng:

Tôi đã nhận được thơ của cha đề ngày 29/4/1992.....

- Ðịa dư: Ðịa phận Hải Phòng chúng tôi, về hành chính gồm thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và 2/3 tỉnh Hải Hưng, trên một địa bàn rộng lớn tới 10,000 km2, tổng số giáo dân là 150,000 người, 300 nhà thờ lớn nhỏ.

- Nhân sự: Với một địa bàn rộng lớn và đông dân như vậy, nhưng con số linh mục lại quá ít: chỉ có 16 linh mục, trong đó có một linh mục cao niên đã hưu trí và một linh mục CSSR. Cả địa phận chỉ có 2 tu sĩ (một nam và một nữ), không còn Dòng Tu nào. Ðể giúp việc mục vụ nơi Tòa Giám Mục và các xứ họ, có 30 chị em tận hiến thành tu hội trợ tá tình nguyện sống độc thân trọn đời.

- Chủng sinh: Số chủng sinh Hải Phòng hiện có 8, đang học tại đại chủng viện Hà Nội, và khoảng 30 chủng sinh dự bị đang chờ được nhà nước cho phép đi học chủng viện.

Nỗi lo lắng luôn thúc bách chúng tôi về giáo sĩ và giáo dân, là địa phận quá ít linh mục, cần có thêm nhân sự để làm việc mục vụ. Tuy nhà nước đã cởi mở về tôn giáo trong mấy năm gần đây, nhưng việc chọn và gửi người đi học chủng viện còn bị hạn chế, nên con số 16 linh mục là quá ít so với nhu cầu mục vụ.

- Nhà thờ: Ngoài ra chúng tôi còn phải lo sửa chữa các nhà thờ trong toàn giáo phận, vì đã xây dựng lâu năm, lại phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt đã hư hỏng hầu hết. Tuy đã cố gắng nhiều, nhưng những ngôi nhà thờ hư hại cũng chỉ được sửa chữa phần nào, để gọi là có nơi cầu nguyện

.....

Hải Phòng ngày 1 tháng 7 năm 1992

(GM Nguyễn Tùng Cương, Giám Mục Hải Phòng)

3. Thư của Ðức Cha Gioakim Vũ Duy Nhất, Giám Mục Bùi Chu:

- Giáo dân thuộc giáo phận Bùi Chu hiện nay là 300,000 người, có 47 linh mục trong đó có một số linh mục chưa được nhà nước cho làm mục vụ, lý do vì chịu chức "chui" đời Ðức Cha Phạm Năng Tĩnh. Có gần 300 tu sĩ nam nữ, phần đông là nữ tu dòng Mân Côi, dòng Ða Minh, Mến Thánh Giá và Tu Hội Ðức Mẹ Thăm Viếng.

- Hiện nay giáo phận Bùi Chu có rất nhiều ơn thiên triệu linh mục cũng như tu sĩ nam nữ. Riêng chủng sinh học chính thức tại Chủng Viện Hà Nội là 30 người, số học ở ngoài chuẩn bị vào chủng viện có trên dưới 100 chủng sinh. Những chủng sinh này phải sống rải rắc ở ngoài vừa đi làm vừa lo học để chuẩn bị được vào học trong Chủng Viện....

- Trong toàn giáo phận có hơn 500 nhà thờ lớn nhỏ. Những nhà thờ này hiện nay đã hư hại tới 2/3 vì thời gian, vì chiến tranh. Nhiều xứ đã từ lâu không có nơi để cử hành thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện và cử hành các phép Bí Tích....

- Cần sửa chữa ngay "Nhà Dục Anh Bùi Chu" để nuôi dưỡng các trẻ mồ côi theo tinh thần và truyền thống của giáo phận. Sửa chữa nhà cửa và còn cần tài chánh để tiếp tục nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em mồ côi bị bỏ rơi.

- Ngoài những nhà thờ cần sửa chữa nói trên, còn rất nhiều nhu cầu khác cần sửa chữa như các trường học để dậy giáo lý và chữ nghĩa cho các em trong khắp giáo phận. Ngay trong tòa giám mục cũng có nhiều nhu cầu cần phải sửa chữa, vì quá lâu ngày, nay đã hư hại.

(Gioakim Vũ Duy Nhất, Giám Mục Bùi Chu)

4. Thư của Ðức Cha Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Thái Bình:

Trước hết xin báo tin để cha biết tôi đã nhận được bức tâm thư của cha,...

- Nhà thờ: Ngoài công việc cần thiết cho địa phận thì tôi đang làm như sửa chữa hơn 300 nhà thờ, xây mới 5 cái, còn 300 cái đang có dự án sửa chữa lại...

- Tòa Giám Mục: Có thể cha xem có giúp dự án sửa chữa Tòa Giám Mục, tuy tôi đã sửa chữa rất nhiều cho Tòa Giám Mục đổ nát vì bom đạn ác liệt, song còn bị dột nát, tôi muốn tu sửa lại, chưa có ngôi Nhà Nguyện để làm lễ, đón các linh mục về cấm phòng, học tập v.v...

- Giáo dân: Con số giáo dân là 140,000 trên 2 triệu dân. Chủng sinh đang học ở Hà Nội 8 người, hai năm nữa ra trường vào năm 1994 để được hoạt động mục vụ, và 4 sẽ ra trường năm 1995. Ngoài ra còn độ 50 chủng sinh cũ, hoặc đã học xong chịu các chức: 2 phó tế, 6 chức bốn và các người khác. Ðộ 150 thỉnh tu nam, 100 thỉnh tu nữ và 50 nữ tu Ða Minh...

Kết lại, xin chân thành cảm ơn.... Xin Chúa, Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh Tử Ðạo Việt Nam ban muôn ơn cho các vị và cũng xin cầu cho tôi nhiều.

(F.X. Nguyễn Văn Sang, Giám Mục Thái Bình)

5. Thư của Ðức Cha Trần Xuân Hạp, Giám Mục Vinh:

Năm nay giáo phận Vinh chúng tôi đang mừng kỷ niệm 2 sự kiện:

- Mừng 100 năm ngày hiến dâng giáo phận cho Ðức Mẹ, cộng với

- Mừng trước đi 150 tuổi thọ. Là vì 2 cái mừng gần sát nút (cách nhau 4 năm), vì thế chúng tôi tổ chức một lần cho tiện luôn...

- Giáo phận chúng tôi hiện có 360,000 giáo dân, 72 linh mục (chỉ có 64 làm mục vụ). Ðại chủng viện chung cho cả Thanh Hóa và chúng tôi, hiện có 2 lớp đang học, 36 chủng sinh Vinh, 24 chủng sinh Thanh Hóa, mong rằng sau vài ba năm nữa sẽ có linh mục mới ra trường.

- Về dự án xây cất theo như cầu:

Dự án xây một căn nhà dài 18m rộng 6m chia ra 4 phòng, 3 lớp học và 1 phòng cho giáo viên. Trang bị đủ bàn ghế phải mất 45 triệu đồng theo giá hiện tại, tương đương 1,000 USD.

Dự án xây một nhà khác gồm 3 phòng nhỏ để làm dịch vụ y tế mới xong, chưa hoạt động được vì nhiều lý do. Chúng tôi mong với thời gian sẽ mở rộng để trở nên Trạm Xá Y Tế.

Sau hết xin cảm ơn cha và tất cả những tấm lòng hảo tâm: Xin Thiên Chúa chúc lành cho quí vị.

(P.J. Trần Xuân Hạp, Giám Mục Vinh)

6. Thư của Ðức Cha Trịnh Chính Trực, Giám Mục Ban Mê Thuột:

Giáo Phận Ban Mê Thuột đang lo làm sao cho một số đông đảo học sinh tốt nghiệp lớp 12 xin lên đại học mà không có nơi ăn chốn ở. Các số học sinh đều thuộc thành phần nông thôn, xa thị xã, xa nơi có đại học. Chúng tôi ước mong xây 2 cư xá sinh viên, 1 cho nam và 1 cho nữ ngay trong thị xã....

- Nhà nước đã chấp thuận cho 12 chủng sinh vào học tại đại chủng viện Nha Trang. Còn 31 chủng sinh đang chờ đợi được gửi vào chủng viện tiếp tục học.

- Ban Mê Thuột có 150,000 giáo dân, có 42 linh mục. Một số chủng sinh phải đi làm, chiều về học rồi tối phải về nhà, không được ngủ tại Tòa Giám Mục.

....

- Song song với đà gia tăng dân số, số giáo dân Công Giáo cũng gia tăng rõ rệt. Hiện nay có tới 150,000 giáo dân, mà trước 75 chỉ có 70 ngàn. Ngược lại, linh mục chỉ có 40 làm việc còn 4 bệnh hay chưa đi làm mục vụ. Chủng sinh thì 12 đã được nhà nước cho đi học đại chủng viện Nha Trang, chúng tôi đang xin thêm, nhưng còn đợi nhà nước cho phép, vì các chủng sinh sẽ bảo đảm tương lai của giáo phận Ban Mê Thuột. Hoàn cảnh hiện nay thật vất vả thiếu thốn mọi mặt...

Một lần nữa tôi xin chân thành cám ơn quí cha và anh chị em giáo dân hải ngoại. Xin cầu nguyện cho chúng tôi.

(Giuse Trịnh Chính Trực, Giám Mục)

7. Thư của Ðức Cha Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang:

- Giáo phận Nha Trang hiện có 130,000 giáo dân, 85 linh mục. Ðại Chủng Viện Sao Biển bắt đầu học từ 4/5/1992 gồm 30 đại chủng sinh, trong đó 12 thày thuộc giáo phận Ban Mê Thuột, 8 thày thuộc giáo phận Qui Nhơn, 10 thày thuộc giáo phận Nha Trang. Ngoài những chủng sinh đang học trong đại chủng viện Sao Biển, giáo phận Nha Trang còn một số đang ở với gia đình...

(Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang)

8. Thư của Ðức Cha Nguyễn Văn Nam, Giám Mục Mỹ Tho:

- ...

- Nhiều kẻ nghèo, bệnh , già yếu, nhà cửa rách nát, không kiếm được việc làm, vì thiếu cơ xưởng, ruộng đất canh tác thiếu hụt, lại còn bị lụt, rầy, sâu, có nơi thiếu hệ thống dẫn nước nhập điền...

- Khá đông người muốn học đạo, nhưng vì không đủ ăn, mà phải đi làm xa xôi, không có đủ giờ học đạo. Nhà thương sở phí càng ngày ngày càng cao, thuốc men, mổ xẻ, vô nước biển, mổ mắt, sạn thận v.v. đều tốn kém. Những trẻ con thiếu học vì thiếu sở phí, thiếu sách vở, học phí.

Trình bày để cha tường, nhưng xin cha đừng quá lo mà đau khổ về chúng dân. Chúa sẽ giúp cha, nếu đẹp lòng chúa.

Xin Chúa và Ðức Mẹ đừng quên quí vị ân nhân Giáo Hội Việt Nam. Chúng con rất thân thương.

(Anrê Nguyễn Văn Nam, Giám Mục Mỹ Tho)

Ngoài những trường hợp điển hình trên được tường thuật qua những lá thư của các Giám Mục Việt Nam gởi giáo dân Hải Ngoại, còn nhiều trường hợp khác nữa mà chúng tôi không tiện kể hết lên đây. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin vắn tắt trình bày một vài chi tiết điển hình, có lẽ, còn nhiều bài viết khác nữa đã được kể lại bởi những những người đã từng sống trong những hoàn cảnh khó khăn này, hoặc bởi rất nhiều các linh mục khác đã được trả tự do sau những năm dài trong các trại cải tạo, và nay đã được định cư ở Hoa Kỳ hay ở các nước thứ ba khác. Những bài viết đó, nếu quí vị có dịp, tìm đọc, cũng giúp ích rất nhiều cho quí vị để biết thêm về tình hình Giáo Hội Việt Nam dưới thời chế độ cộng sản. Hy vọng, với niềm tin kiên cường của người giáo dân Việt Nam cùng với tình yêu bao la và quyền năng vô biên của thiên Chúa, giáo hội Việt Nam sẽ mỗi ngày một tiến mạnh và sẽ có được những ngày tươi sáng với một cuộc sống tự do dân chủ và bình an trong tình yêu của Thiên Chúa.

(Tham khảo tài liệu:

- Giáo Hội Việt Nam tập I, tác giả Ðức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ.

- Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, của Linh Mục Phan Phát Huồn, CssR.

- Tập San Dân Chúa Âu Châu tháng 4 năm 1993.)


Giáo Hội Việt Nam

dưới thời hậu Cộng Sản

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

I. Mọi tôn giáo, mọi người dân Việt

đều chờ mong một ngày mới có tự do tôn giáo thực sự cho Việt Nam

"Qua cơn bỉ cực tới thời thái lai".

"Sau cơn mưa trời lại sáng".

Dân tộc Việt Nam, với gần một nửa thế kỷ sống dưới thời cấm đạo với các sắc chỉ của các vua chúa, nhưng niềm tin của tổ tiên Việt Nam vẫn luôn luôn kiên vững, bất khuất. Thà đổ máu đào làm chứng cho Tin Mừng chứ không bao giờ chối bỏ đức tin của người kitô hữu. Máu các vị Thánh Tử Ðạo Việt Nam đã để lại cho các con cháu, những gia tài đức tin kiên cường của Giáo Hội Việt Nam.

Cũng tương tự. Trong thời kỳ bị đàn áp dưới chế độ Cộng Sản vô thần ngày nay. Dù khó khăn, dù bị cấm đoán và bị phá hoại mọi mặt, giáo hội Việt Nam vẫn luôn phát triển, và những tân tòng vẫn một ngày một gia tăng. Chính niềm tin bất khuất của ngững giáo dân Việt Nam là một chứng minh hùng hồn làm gương sáng cho những người chung quanh.

Những ngày cấm đạo của các vua chúa đã qua đi, chế độ cộng sản ở những nước Ðông Âu cũng đã sụp đỗ. Mọi người dân Việt, mọi tôn giáo, vẫn đang chờ đợi có được một ngày mới, ngày đất nước Việt Nam sẽ được sống trong hạnh phúc, dưới một nền dân chủ và biết tôn trọng sự tự do tôn giáo.

Tự do tôn giáo thực sự cho Việt Nam, đó là một điều mọi người đang chờ đợi và khát khao.

Ðể có được tự do tôn giáo thực sự cho Việt Nam,

xin mọi người hãy cầu nguyện và chờ đợi.

Hãy lấy máu đào để làm chứng cho niềm tin của người kitô hữu.


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh + 1 Kinh cầu cho linh hồn mồ côi. Bạn đã cứu được 1 linh hồn trong luyện ngục rồi đó.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng