THÁNH PHAOLÔ - Mẫu gương vĩ đại về lòng kiên nhẫn

THÁNH PHAOLÔ

từ một người bách hại, và một người của bạo lực,

đến mẫu gương vĩ đại nhất về lòng kiên nhẫn

Lời Tựa

I. “Kẻ bắt đạo và con người bạo lực” (1Tm 1,13)

II. “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29)

III. “Một thứ ôn dịch, chuyên gây nổi loạn giữa mọi người Do Thái” (Cv 24,5)

IV. “Gian truân sinh nhẫn nại, nhẫn nại sinh trung kiên” (Rm 5,3).

V. “Hãy khiển trách, ngăm đe, khuyên nhủ,
với tất cả lòng kiên nhẫn và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2)

VI. “Lòng yêu mến thì nhẫn nhục” (1Cr 13,4)


Nguyên Tác:
St. Paul, From “Presecutor and Man of Violence” to “Greatest Model of Patience”
(Francesco Gioia - Libreria Editrice Vaticana, 2004)

Lời Tựa

Từ ngữ “kiên nhẫn-patience”, với nhiều sắc thái khác nhau [1], phần lớn vẫn được hiểu theo nghĩa thụ động, có nghĩa là sự sẵn sàng đón nhận đau khổ và bất công, hay là từ khước đấu tranh để thay đổi một tình trạng không vừa ý. Thực vậy, kiên nhẫn là sự chiến thắng của lý trí vượt lên trên cảm xúc và là lý trí được soi sáng bởi đức tin.

Thoáng nhìn về lịch sử của nhân loại, kiên nhẫn nổi bật trong mọi cuộc cách mạng đem lại nhiều lợi ích cho thế giới: Từ cuộc đánh giá lại toàn bộ những giá trị của con người do Đức Giêsu thành Nazareth đem lại, Đấng đã tuyên bố rằng người nghèo khó, người than khóc và người bị bách hại là những người được chúc phúc (Xc. Mt 5,3; Lc 6,20-23), cũng là Đấng đã rao giảng sự tha thứ cho kẻ thù, như gương mẫu Người để lại (Xc. Mt 18,21-22; Lc 23,34), cho tới chủ trương bất bạo động của Gandhi (1869 -1948), người đã dạy rằng “bất bạo động không phải là thái độ thụ động cũng không làm phát sinh từ tình trạng này, trái lại, đó là sức mạnh chủ động nhất trong thế giới[2]. Đó là luật lệ của loài người, và là luật lệ vô cùng lớn lao vượt lên trên sức mạnh tàn bạo. Đó là sức mạnh mà mọi người đều có thể vươn tới, dù là trẻ em, thiếu niên, nam cũng như nữ, giúp họ có được niềm tin sống động vào Thiên Chúa tình yêu và vì thế nuôi dưỡng một tình yêu bình đẳng đối với mọi người [3].

Kiên nhẫn là “nhân đức của những người có sức mạnh [4] như vẫn thường được hiểu trong các thư của thánh Phaolô [5].

Thường thì đời sống bấp bênh chắc chắn đòi phải có sự tập luyện cam go và lâu dài về đức kiên nhẫn. Nếu không có sức mạnh của đức kiên nhẫn, con người sẽ không thể có được bình an nội tâm, nhất là khi gặp những hoàn cảnh khổ đau, hay hoang mang trong nỗi cô đơn, hoặc những bất công dy vị tinh thần, hay đơn giản vì “ngày đã xế và bóng chiều đã ngả” (Gr 6,4).

Những tình cảnh như thế đòi một cái gì hơn nữa, chứ không chỉ là sự nhẫn nại có khả năng vượt lên trên sự nóng giận thình lình ập đến vào lúc bất hạnh, cũng không đơn thuần chỉ là một sự tự kiềm chế giúp mỗi người có lựa chọn hợp lý, biết đáp ứng thế nào cho phù hợp trước những yếu tố không biết trước trong những thách đố của cuộc sống. Vì thế, cần phải có nhân đức kiên nhẫn.

Kiên nhẫn - patience, theo nghĩa là kiên trì, là sự bền vững, là sức mạnh, là chịu đựng, là quảng đại, nhẫn nại, là điều cần phải có trong cuộc sống của người Kitô hữu. Thánh Phêrô nhấn mạnh: anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ là thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” (2 Pr 1,5-7).

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự liên kết giữa đức kiên nhẫn và ba nhân đức đối thần là Tin – Cậy – Mến khi khuyên các tín hữu Rôma: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12). “Chúng ta tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy”[6].

Theo Thánh Phaolô, kiên nhẫn phát xuất từ đức tin và được nâng đỡ trong đức cậy. Đó là mối dây liên kết giữa điều đang có và điều đang hình thành, từ điều đã đạt được với điều chưa hoàn thành: “nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8,25).

Không có đức cậy, đức tin sẽ chết; không có đức tin, đức cậy sẽ tan biến.

Thánh Giacôbê cũng khuyên nhủ: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).

Chỉ có đức kiên nhẫn dựa trên đức tin, đức cậy và đức mến mới đem lại ý nghĩa cứu độ cho mỗi khoảnh khắc của cuộc sống. Từ viễn tượng này, mỗi biến cố được xem như việc thực hiện cách diệu kỳ chương trình của Thiên Chúa chứ không phải là kết quả rủi ro do vận mệnh mù quáng.

Như lịch sử minh chứng, nhân đức kiên nhẫn là nền tảng của thái độ lạc quan, cho phép con người tiến về phía trước với niềm xác tín rằng sự dữ sẽ phải tan biến dù rằng không ai biết khi nào và như thế nào, đồng thời cũng biết rằng mỗi tình trạng đen tối cũng sẽ có một kết thúc tốt đẹp và tương lai sẽ tốt hơn hiện tại. Bởi vì như thánh Phaolô khẳng định: “chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Chính từ nhãn quan này của thánh Phaolô mà Manzoni đã đọc câu chuyện bi thương của Renzo và Lucia, những người, lúc đầu, được coi như những nạn nhân của bất công, khi ông giải thích: “Thiên Chúa không bao giờ được vui vì con cái của Người trừ khi để chuẩn bị cho họ niềm vui chân thực và bền vững hơn” [7].

Như thế, người thực sự kiên nhẫn sẽ không bị bấn loạn vì sự công chính có thể bị trì hoãn, là người hoàn toàn nhận biết rõ ràng rằng “sự thật là biết thinh lặng khi đó là thời gian phải thinh lặng, và chính trong sự thinh lặng mà sự thật hơ vang: hy kiên nhẫn”[8]. Trong mọi lúc, người kiên nhẫn luôn vững vàng chờ đợi sự can thiệp của Thiên Chúa để tái lập tình trạng an bình đã bị gián đoạn do bất công và đau khổ.

Người nào muốn đi vào cuộc phiêu lưu trn con đường “nhân đức” của “kẻ mạnh”, phải biết quên sự mất kiên nhẫn của ngày hôm qua và bắt đầu cuộc đời mới mỗi ngày theo mẫu gương thánh Phaolô viết cho tín hữu Philíp: “Quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

Vào lúc khởi đầu và kết thúc của tiến tình này, mỗi người chỉ có thể đạt tới đức kiên nhẫn qua một xác tín mãnh liệt rằng “người kiên nhẫn là người nhẫn nại với sự bất kiên nhẫn của mình”[9]. Với những người như thế này có thể nói một cách đúng đắn: “người được gọi là hạnh phúc chính là những người kiên định” (Gc 5,11).

Nỗ lực khó khăn để biết kiên nhẫn với chính sự bất kiên nhẫn của mình có thể được trợ giúp nhờ việc nhìn lại hành trình dài và đầy gian khổ đã biến Tông Đồ Phaolô từ một “người bách hại và bạo lực” (1Tm 1,13) thành một “mẫu gương vĩ đại nhất về đức kiên nhẫn”[10] như Đức Giáo Hoàng Clêment đã diễn tả rất đúng trong thư gửi giáo hữu Côrinthô, được viết vào khoảng năm 96.

Với những ai có ước nguyện tiến bước trong đức kiên nhẫn, thánh Phaolô dùng cùng một lời khuyên thường được nhắc lại trong các thư của thánh nhân: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11,1; Xc. 1Cr 4,16; Pl 3,17; 1Tx 1,6; 2,14; 2Tx 3,7). Ông Timôthê là một trong những người đã cố gắng noi gương thánh Phaolô, như thánh nhân đã diễn tả rõ ràng: “phần anh, anh đã theo sát đạo lý, cách sống, dự định của tôi; anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự kiên trì của tôi; anh đã biết những cơn bắt bớ, những sự đau khổ tôi đã gặp” (2Tm 3,10-11). Bí quyết của việc theo sát thánh Phaolô hệ tại xác tín rằng: “nhờ Đức Kitô anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người” (Pl 1,29).

Cuốn sách này, bao gồm nội dung từ hai tác phẩm trước đây của tôi về vị tông đồ dân ngoại[11]. Cuốn sách này có mục đích thu lượm từ các thư của thánh nhân sứ điệp về đức kiên nhẫn với hy vọng có thể gợi lên cảm hứng mỗi ngày để noi theo mẫu gương của thánh nhân là kiên nhẫn hơn với chính sự không kiên nhẫn.

+ Francesco Gioia, Tổng Giám mục

Giám quản Vương Cung Thánh Đường thánh Phaolô,

Rôma ngày 10 tháng 08 năm 2004.


[1] Kiên nhẫn – to have patience. Bắt nguồn từ tiếng Latin patior nghĩa là chống đỡ, chịu đựng và thường được xử dụng trong tiếng Hy lạp bằng thành ngữ hypoméno, xuất phát từ động từ méno nghĩa là tồn tại, chờ đợi, vững vàng, không trốn chạy khi phải đối diện với một địch thù.

[2] Harijan, 24 – 12 – 1938, tr. 393, trong R. K. PRABHU – U. R. RAO (eds), Gandhi: il mio credo, il mio pensiero, Newton, Roma 1992, tr. 149; Xc. Young India, 16 – 6 – 1927, tr. 196, sđd tr. 161-162

[3] Harijan, 5 – 9 – 1936, tr. 236, sđd tr. 135.

[4] Xc. F. Gioia, forza della pazienza: il camino della pace interiore (San Paolo, Cinisenllo Balsamo, 1994) & Il Vangelo della pazienza nelle religioni del mondo (San Paolo, Cinisenllo Balsamo, 1994), 1996.

[5] Truyền thống gán cho thánh Phaolô là tác giả 14 lá thư. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy thánh nhân không viết lá thư gửi người Do Thái. Như vậy, chỉ còn lại 13, trong đấy có 7 lá thư lớn” (1Tx, 1&2Cr, Gl, Rm, Pl, Plm) không bao giờ bị đặt thành vấn đề. Một vài vị coi thư thứ 2Tx là “giả danh” – pseudo work, có nghĩa là bản văn được gán cho 1 tác giả nào đó dựa theo ý kiến quần chúng, điều thường xảy ra trong văn chương cổ thời. 2 thư gửi cho ông Timôthê và Titô được viết vào “thời hậu Phaolô – post Pauline” và như thế cũng có nghĩa là “giả danh”. Một số người khác dè dặt khi nói Phaolô là tác giả của thư Cl và Ep.

Lá thư đầu tiên của thánh Phaolô là thư gửi giáo đòan Thessalônica được viết từ Côrintô vào khỏang năm 50, muộn nhất là vào năm 51, chính là tác bản văn xưa nhất của Tân ước.

Các thư của thánh Phaolô không phải là “thư riêng”. Thật vậy, 10 lá thư được gửi cho các giáo đòan và có mục đích để đọc ở nơi công cộng như chính thánh nhân đã viết: “nhân danh Chúa, tôi yêu cầu đọc thư này cho tất cả các anh em” (1Tx 5,27; Xc. 2 Tx 2,14-15; Cl 4,16). Sau đó, thánh nhân còn viết: “nếu có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thư này, anh em hãy ghi lấy tên và đừng giao du với người ấy, để họ biết xấu hổ” (2Tx 2,14-15). 4 lá thư khác của thánh Phaolô, mặc dù được gửi cho các cá nhân (1 & 2 Timôthê, Titô, Philêmon), nhưng vẫn có ý gửi cho cộng đòan, bởi vì vẫn giả thiết các thư ấy gửi cho các cộng đòan, cho thấy tính giáo huấn trong các lá thư (Xc. 1Tm 1,15; 3,1; 4,9; 2Tm 2,11; Tt 3,8). Thánh Phaolô viết các lá thư với xác tín rõ ràng tư cách tông đồ của mình, được Đức Kitô sai đi (Xc. Gl 1,1. 15-16; 5,2) với nhiệm vụ rõ ràng là công bố Tin mừng (Xc. 1 Cr 9,16), khích lệ và sửa dạy. Tiếp đến, các lá thư của thánh nhân đựơc xem như những bài diễn từ nhằm trả lời cho những hòan cảnh cụ thể. Trong ý nghĩ của thánh Phaolô, các lá thư của ngài, nhằm chuẩn bị cho các cuộc viếng thăm hay thay thế khi thánh nhân không thể hiện diện được (Xc. 1Cr 4,19)

[6] Rm 5,3-4; Ba nhân đức đối thần, mặc dù không nhất thiết đựơc bàn đến cùng lúc, nhưng vẫn được nói đến trong các thư của thánh Phaolô (1Cr 13,7. 13; Rm 5,1-5; 12,6-12; Gl 5,5-6; Cl 1,4-5; Ep 1,15; 4,2-5,1; 1Tx 1,3; 5,8; 1Tm 6,11; Tt 2,2; Dt 6,10-12; 10,22-24). Chúng ta thấy “tin và yêu” đi liềnvới nhau (Xc. 1Tx 3,6; 2Tx 1,2; Plm 5), “nhẫn nại và tin tưởng” (Xc. 2Tx 1,4), “yêu mến và nhẫn nại” (Xc. 2Tx 3,5). Trong 3 nhân đức ấy, đức mến là cao cả nhất (Xc 1Cr 13,13), vì lòng mến không bao giờ kết thúc trong trong khi đức tin và hy vọng sẽ chấm dứt khi chúng ta diện kiến Thiên Chúa (1Cr 13,8-12).

[7] A. Manzoni, The Betrothed, cap. VIII.

[8] Th. Catarina Siena “Letter to Card. Pietro De Luna.”

[9] E. Jungel – K. Rahner, La pazienza di Dio e dell’uomo, Morcelliana, Brescia 1973, p. 41.

[10] Đây là bản văn của thánh Clêment “thánh Phaolô minh chứng ngài đã đọat giải thưởng nhờ đức kiên nhẫn. Bảy lần bị cầm tù, đã bị trục xuất và bị ném đá. Thánh nhân đã rao giảng cả miền đông lẫn miền Tây. Cuối cùng đã đạt được vinh dự lớn lao nhờ lòng tin. Ngài đã giảng dạy cách đúng đắn cho tòan thế giới, đã đi đến tận cùng biên giới phía tây của đế quốc và chịu tử đạo. Vì vậy, ngài đã kết thúc vụ trần thế và chiếm được chỗ nơi thiên quốc như mẫu gương vĩ đại nhất về đức kiên nhẫn” (thư gửi người Côrintô, 5,6-7); thánh Pôlycarpô, người cùng thời với thánh Clêment, cũng gọi thánh Phaolô là mẫu gương của lòng kiên nhẫn. Xc. Thư gửi người Philípphê, 9,1)

[11] Paul of Tarsus: the Apostle Everyone Ought to Know” và “The Apostle Paul: The Testimony of Joy amidst Suffering”. Cả hai đều được ấn hành do NBX Vatican Polyglot Press (Vatican City) năm 2002 và 2004.

Chương I

Kẻ bắt đạo và con người bạo lực

(1Tm 1,13)

Phần ông Sao-lô, ông tán thành việc giết ông Tê-pha-nô. Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết. Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục (Cv 8,1-3)

Phaolô, cũng được gọi là Saolô (Xc. Cv 13,9) không phải là người có tính khí ôn hòa để dễ dàng thực thi đức kiên nhẫn. Trước khi trở lại, ông là người “hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa” (Cv 9,1).

Thánh Luca xác định ông Saolô “tán thành việc giết ông Stêphanô” (Cv 8,1), như chính ông xác nhận khi công khai bày tỏ với những người Do Thái ở Giêrusalem: “khi máu của ông Stêphanô, chứng nhân của Chúa, đổ ra, thì chính tôi cũng có mặt, tôi tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy” (Cv 22,20; Xc. 7,58).

Sau cái chết của ông Stêphanô, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bắt bớ dữ dội”, còn ông Saolô thì “vào từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8,2-3).

Điều này được Đức Giêsu xác nhận, khi Người đặt câu hỏi với ông Saolô trên đường đến Damas: “Saun, Saun, sao ngươi bắt bớ Ta?”. Ông hỏi: “thưa Ngài, Ngài là ai?”. Người đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ!” (Cv 9,4-5).

Trong lần biện hộ đầu tiên trước những người Do Thái ở Giêrusalem, ông Phaolô khiêm nhường thú nhận: “tôi đã bắt bớ Đạo này, đến nỗi giết kẻ theo đạo, đã xiềng xích và tống ngục đàn ông cũng như đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể đoàn kỳ mục làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em, và tôi đã đi Đamat để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị” (Cv 22,4-5; Xc. 9,1-2).

Còn ông Khanania, người được Chúa mời đi tới Damas để đặt tay trên ông Saun và làm cho ông Saun nhìn thấy được, đã ngần ngại hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con đã được nghe nhiều kẻ nói về người ấy về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa” (Cv 9,13-14).

Quá khứ của ông Saolô là trở ngại trong bước khởi đầu đi rao giảng, như chính Đức Giêsu mạc khải cho ông khi ông đang xuất thần cầu nguyện trong đền thờ: “mau lên, hãy rời khỏi Giêrusalem gấp, vì chúng sẽ không chấp nhận lời anh làm chứng về Thầy đâu… Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đi xa, đến với các dân ngoại”. Và ông Phaolô hăng hái đón nhận: “Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã đến từng hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin vào Chúa. Khi máu của ông Stêphanô, chứng nhân của Chúa, đổ ra, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy” (Cv 22,18-21).

Trong lần biện hộ thứ ba trước vua Agripa, ông Phaolô xác nhận: “về phần tôi, trước kia tôi nghĩ rằng phải dùng mọi cách để chống lại Danh Giêsu người Nazarét. Đó là điều tôi đã làm tại Giêrusalem. Được các thượng tế ủy quyền, chính tôi đã bỏ tù nhiều người trong các thánh; và khi họ bị xử tử, tôi đã bỏ phiếu tán thành. Nhiều lần tôi đã đi khắp các hội đường, trừng trị để cưỡng bức họ nói phạm thượng. Tôi đã giận dữ quá mức đến nỗi sang cả các thành ở nước ngoài mà bắt bớ họ” (Cv 26,9-11).

Mối ân hận vì đã bách hại các môn đệ Chúa Kitô luôn giày vò tâm hồn ông, như có thể đọc thấy trong thư gửi giáo đòan Côrintô: “tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Đồng thời, ông ôn tồn ý thức rằng “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ra ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ” (Gl 1,15).

Khi chống lại những kẻ muốn làm lung lạc đức tin của các tín hữu thành Philíp về vấn đề phép cắt bì, ông đã kể lại thái độ cực đoan của mình trong quá khứ và nói rõ ông là người “hăng say ngược đãi Hội Thánh” (Pl 3,6).

Ông cũng nhắc lại điều này với các tín hữu Galát: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái; tôi đã quá hăng say bắt bớ và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa; tôi đã tiến xa trong đạo Do Thái, vượt nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi, vì quá đỗi nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gl 1,13-14). Sau đó ông kể lại cho họ biết rằng “các Hội Thánh trong Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt ông, nhưng cũng nghe biết ông là người bắt bớ những ai tin theo Đức Kitô” (Xc. Gl 1,22-23).

Ông còn thú nhận với môn đệ Timôthê: “Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược”, và ông cũng cảm tạ Chúa bởi ông đã được Chúa “thương xót, vì tôi đã hành động vô ý thức, khi chưa có lòng tin” (1Tm 1,12-13,16).

Tất cả những ai biết ông đều lo ngại về quá khứ của ông. Thật vậy, sau cuộc trở lại khi ông công bố giữa hội đường rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, “mọi người nghe ông giảng đều sửng sốt và nói: “Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu Danh Giêsu sao? Chẳng phải ông đã đến đấy với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?” (Cv 9,21).

Để hiểu được tinh thần mà vì thế ông Phaolô bách hại Hội Thánh, cần phải nhớ rằng ông từng là thành viên của phái Pharisêu, phái “nghiêm nhặt nhất” trong Do Thái Giáo, nhóm tuyên bố rằng mình là đại diện cho Israel đích thực (xc. Cv 26,5-6). Chính ông thú nhận mình đã từng thuộc phái Pharisêu, giữ luật như người Pharisêu (Xc. Pl 3,5), quá đỗi nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gl 1,14).

Phaolô luôn tự nhận mình là thành phần dân Israel. Ông luôn khao khát rằng “Dân của lời hứa” (xc. Rm 15,8; Cv 13,32; 26,6) có thể lãnh nhận ơn cứu độ được ban cho Israel và mọi dân khác, qua tác vụ của ông (xc. Rm 11,13-14). Nỗi khao khát ấy thiêu đốt ông đến nỗi ông mong muốn đi đến tận cùng, ước gì “bị tru diệt, xa lìa Đức Kitô vì các anh em đồng bào của tôi theo huyết thống” (Rm 9,3).

Biến cố trên đường Damas là biến cố làm đảo lộn, tác động hoàn toàn tâm trạng của Phaolô. Đó là sự thay đổi toàn diện và tức khắc: từ nhiệt thành với lề luật, ông chuyển sang lòng nhiệt thành với Đức Kitô (xc. Gl 1,15-17), làm mọi sự có thể để đáp lại lời mời của Đức Kitô (xc. Pl 3,12-14).

Chương II

Anh em hãy học với tôi,

vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường

(Mt 11,29)

Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem. Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống. (Cv 9,1-9)

Ngay sau khi trở lại, ông Phaolô đã nhận được giáo huấn từ Đức Giêsu là Thầy như Người đã được mọi người nhìn nhận (xc. Ga 13,13; Mt 19,16; 22,16,36; Mc 9,5,17,38; Lc 7,40; 17,13; Ga 3,2; 11,28). Thật vậy, chỉ một mình Đức Giêsu là Thầy chân thật (xc. Mt 23,8). Ông Phaolô đã đón nhận toàn bộ tư tưởng của Thầy đến nỗi ông có thể nói lên: “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Để hiểu được toàn bộ cuộc đời của Phaolô, với những khoảnh khắc anh hùng về lòng kiên nhẫn và sứ điệp của ông về nhân đức này, cần phải nhắc lại chứng cớ và giáo huấn của Thầy Giêsu về đề tài này.

Không ai có thể sánh với Đức Giêsu trong việc thực thi đức kiên nhẫn. Do vậy, chính Người nêu lên Người là mẫu gương của sự kiên trì: “anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Rất nhiều đoạn Tin mừng[1] minh họa chân lý này[2].

Đức Giêsu trách mắng hai ông Giacôbê và Gioan vì không đủ nhẫn nại và muốn trả thù khi muốn xin lửa từ trời xuống đốt cháy ngôi làng Samaria đã không đón nhận Thầy của các ông (xc. Lc 9,51-55). Người cũng có thái độ tương tự khi ông Phêrô chém đứt tai phải của Mancô trong Vườn Cây Dầu (xc. Ga 18,10).

Đức Giêsu tỏ ra nhẫn nại vô bờ khi sống với các môn đệ, những người thường tỏ ra là kém đức tin (xc. Mt 6,30; 8,26; 14,31; 16,8; Lc 8,24-25; 12,28; Mc 4,39-40; 8,17) và tràn đầy sợ hãi (xc. Mt 8, 25-26; Mc 4,39-40; 6,49; 9,32; Lc 24,37,41; Ga 6,19). Một số người trong họ cho rằng sứ điệp của Thầy khó chấp nhận và lìa bỏ Người (xc. Ga 6,60, 66). Ông Phêrô cũng thường phản đối (xc. Mt 16,22; Ga 13,8). Hai anh em ông Giacôbê và Gioan muốn tìm chỗ nhất (xc. Mt 20,20-23; Mc 10,35-40), nhưng đến khi ở Vườn Cây Dầu, các ông không thể tỉnh thức để chia sẻ với Thầy, người đang “buồn đến chết được” (xc. Mt 26,38-40). Khi Đức Kitô chịu khổ nạn, tất cả chạy trốn, bỏ lại Người một mình (xc. Mt 26,56; Ga 16,21). Họ “chưa hiểu, chưa thấu” và “lòng chai đá” (xc. Mc 8,17-18). Giuđa phản bội Người (xc. Mt 27,47-50) còn Phêrô thì chối Thầy (xc. Mt 26,69-74). Các ông không tin câu chuyện ngôi mộ trống do Maria Macđala thuật lại (xc. Mc 16,11,14), coi đó là “chuyện vớ vẩn” (xc. Lc 24,11), vì các ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9; XC. Lc 24,25-27, 44-46). “Các ông hoài nghi”, khi Đấng Phục Sinh hiện ra với các ông ở Galilê (xc. Mt 28,17). Ông Tôma nhấn mạnh phải có chứng cớ về sự phục sinh (xc. Ga 20,24-25). Các môn đệ trên đường Emmaus “buồn rầu” và không chút hy vọng (xc. Lc 24,17, 21).

Tuy nhiên, Đức Giêsu “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38). Người đón tiếp các tội nhân với lòng thương cảm và yêu mến (xc. Mt 9,10-11; 11,19; Lc 15,12), dù rằng Người bị coi như là “dấu chỉ của sự mâu thuẫn” (xc. Lc 2,34), “vì Người mà đám đông đâm ra chia rẽ” (xc. Ga 7,43; 10,19). Người không chống lại khi người ta cáo buộc là “bị quỷ ám” (xc. Ga 10,20; 7,20; 8,48,52; Mt 12,24; Mc 3,22) hay là “tên bịp bợm” (xc. Mt 27,63), “điên khùng” (xc. Ga 10,20; Mc 3,21), “kẻ lộng ngôn” (xc. Ga 10,33; Lc 5,21; Mt 9,3; 26,65; Mc2,6), “người xách động” (xc. Lc 23,2), “là người Samari – tức là lạc giáo” (xc. Ga 8,48), “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (xc. Lc 7,34), là “người có tội” (xc. Ga 8,46).

Nhất là Đức Kitô tỏ ra kiên nhẫn cách lạ thường khi chịu khổ nạn. Trong Vườn Cây Dầu, sau khi xin với Cha cứu Người khỏi đau khổ, Người khiêm tốn đặt mình hoàn toàn tuân phục thánh ý Cha, với sự cam chịu tột cùng: “xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26,42), và “xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

Đức Giêsu “không làm điều gì sai trái” (Lc 23,41). Thật vậy, ngay cả Philatô cũng “không tìm thấy lý do gì để kết tội Đức Giêsu” (Ga 19,6). Mặc dù Người hoàn toàn vô tội (xc. Mt 26,61; 27,12), nhưng khi bị vu cáo (xc. Mt 26,61; 27,12), bị chế nhạo, bị xỉ nhục (xc. Mt 27,39-44; Lc 22, 63-65), và bị khạc nhổ (xc. Mt 26,67-68; 27,30; Mc15,19; Lc 22,63; Ga 18,22), Người vẫn giữ “yên lặng”, như bốn sách Tin mừng đã làm chứng (xc. Mt 27,14; Mc 14,60; Lc23,10; Ga 19,8). Các Tin mừng đều lặp đi lặp lại đức kiên nhẫn của Đức Giêsu qua giáo huấn của Người.

Chương trình về kiên nhẫn do Đức Giêsu công bố, được bày tỏ trong “Tám mối phúc thật” hay còn được gọi là “Đại Hiến Chương của Kitô giáo”. Bài giảng trên núi cho thấy có những loại người được chúc phúc: đó là những người có tinh thần nghèo khó, “vì Nước Trời là của họ”; những người sầu khổ “vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”; Những người hiền lành “vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”; những người khát khao nên công chính “vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”; những ai xót thương người “vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”; những ai có tâm hồn trong sạch “vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”; những ai xây dựng hòa bình “vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”; những ai bị bách hại vì sống công chính “vì Nước Trời là của họ”. Đức Giêsu đặc biệt nói đến loại người cuối cùng này, như muốn nhấn mạnh rằng những ai muốn theo Người phải biết thực thi đức kiên nhẫn, nhất là trong khi bị bách hại: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,3-11).

Những người môn đệ Đức Kitô phải bày tỏ lòng yêu mến những kẻ bách hại mình: “anh em đã nghe luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). Họ không được nuôi lòng giận dữ với anh em mình, vì “ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa”… “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,22-24).

Kitô hữu phải biết cách kiên nhẫn đón nhận mọi điều bất công. Khía cạnh mới của sứ điệp Tin mừng trong tương quan với giáo huấn truyền thống (của người Do thi) được sng tỏ trong cách đáp trả sự ngược đãi của thù địch: “anh em đã nghe Luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng, còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39).

Đức Giêsu cũng cho thấy những khía cạnh khác nhau của đức kiên nhẫn qua một số dụ ngôn. Trong dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giêsu muốn dạy cho các môn đệ của Người biết kiên nhẫn trước mầu nhiệm sự dữ[3]. Còn trong dụ ngôn cây vả không ra trái, Người muốn gợi lên sự nhẫn nại thông cảm[4]. Trong dụ ngôn mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, Người muốn khuyến khích các thính giả biết kiên trì chờ đợi[5]. Câu chuyện người gieo giống tung gieo hạt giống ở mọi nơi cho thấy sự kiên trì cuối cùng sẽ được ân thưởng[6]. Đức kiên trì cũng được thể hiện nơi người mục tử và người đàn bà khi cố công tìm kiếm con chiên lạc cũng như đồng bạc bị đánh rơi (Lc 5,4-10).

Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự thiếu kiên nhẫn của con người được minh họa rõ ràng trong dụ ngôn quen thuộc “người con hoang đàng”, một trong những kiệt tác về văn chương của thế giới (xc. Lc 15,11-32). Cũng vậy, dụ ngôn về tên đầy tớ không có lòng thương xót cũng làm rõ sự tương phản giữa một Thiên Chúa nhân từ kiên nhẫn với con người không có lòng xót thương[7].

Những kẻ nào không biết đợi chờ thì không thể có đức kiên trì. Trong bữa ăn tối cuối cùng với các môn đệ, Đức Giêsu nói với các ông: “anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan”, và do đó Người bảo đảm với các ông là họ xứng đáng gia nhập Vương Quốc[8]. Và để tránh mọi sự hiểu lầm, Người thêm: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”[9]


[1] Bản văn đầu tiên của Tin mừng Matthêu đựơc viết bằng tiếng Aram vào khỏang năm 64, nhưng không được lưu truyền tới chúng ta. Vào những năm từ 70-80, bản văn này được dịch ra tiếng Hylạp nhờ vào Tin mừng Maccô. Điều này giải thích tại sao có nhiều nét tương đồng giữa hai bản văn. Tin mừng Máccô,có lẽ, được viết vào khỏang 65. Tin mừng Luca xuất hiện khỏang 70-80, còn Tin mừng Gioan vào khỏang 90-50.

Cả 4 bản văn Tin mừng theo tiếng Hy lạp xử dụng tổng cộng 64. 327 từ, được phân chia như sau.

Tin mừng Luca: 19. 404 với 2. 055 từ căn bản được lập đi lập trong 24 chương.

Tin mừng Matthêu: 18. 278 với 1. 691 từ căn bản trong 28 chương.

Tin mừng Gioan: 15. 146 với 1. 011 từ căn bản trong 21 chương.

Tin mừng Maccô: 11. 229 với 1. 346 từ trong 16 chương.

[2] Tin mừng ghi lại nhiều cách diễn tả khác nhau của Đức Giêsu được xem như coi như nói về thái độ không kiên nhân (Xc. Mc 3,5; 9,19; 10,14; 15,17; Mt 16,4. 23; 21,18-19; Ga 3,36). Trong thực tế, mỗi tác giả sách Tin mừng đã đưa ra những giải thích cá nhân với ngôn ngữ của nhân loại về một số hoạt động của Thầy. Đó là vấn đề của trường hợp tương tự liên quan đến hình ảnh của Đức Chúa được nói đến trong Cựu ước, trong đó các người viết đã gán cho Thiên Chúa những cảm nghĩ của lòai người. Do vậy, chẳng hạn thánh Matthêu gán cho con người Đức Kitô sự đối lập trong các giáo hội tiên khởi và hội đường và đã thốt ra 7 nỗi khổ mà trong đó âm thanh được xem là lời nguyền rủa chống lại luật sỹ và biệt phái. Người nhiều lần gọi họ là: “những kẻ giả hình, quân dẫn đường mù quá, đồ ngu si, mồ mả tô vôi, đồ mãng xà, nòi rắn độc” (Xc. Mt 23,13-36; Lc 11,39-48. 25).

[3] Đức Giêsu ví nước trời như người gieo giống gieo hạt giống tốt trên ruộng mình, nhưng khi ông ta ngủ, kẻ thù đến gieo cỏ lùng…. (Xc. Mt 13,24-31).

[4] Thi hành đức kiên nhẫn qua việc đợi chờ và hiểu biết là thái độ của người đầy tớ khiêm tốn thưa với chủ: xin ông hoãn quyết định chặt cây vả (Xc. Lc 13,6-9).

[5] Nước trời đựơc ví với 10 cô trinh nữ cầm đèn đón chàng rể, trong đó có 5 cô khờ và cô khôn… (Xc. Mt 25,1-13; Lc 12,32-48).

Tương tự như thế, các đầy tớ trung thành chờ đợi chủ trở về được gọi là người có phúc (Xc. Lc 12,35-38; Mt 24,45-51).

[6] Minh chứng cách đặt biệt là sự kiên trì của người gieo giống, mặc dù công việc không đạt kết quả, ông vẫn tiếp tục gieo cho đến khi hạt giống rơi vào đất tốt và sinh được 100 (Xc. Lc 8,4-8; Mt 13,1-9; Mc 4,1-9).

[7] Hai tình huống trái ngược trong đó người đầy tớ đã không đủ kiên nhẫn với bạn mình, đangkhi anh ta đựơc chủ tha thứ (Xc. Mt 18,23-34).

[8] Lc 22,28-29.

[9] Lc 21,19

Chương III

Một thứ ôn dịch,

chuyên gây nổi loạn giữa mọi người Do Thái

(Cv 24,5)

Rồi ông ăn và khoẻ lại. Ông Sao-lô rao giảng tại Đa-mát. Ông ở lại Đa-mát với các môn đệ mấy hôm, rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe ông giảng đều kinh ngạc và nói: “Ông này chẳng phải là người ở Giê-ru-sa-lem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giê-su sao? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?” (Cv 9,19-21)

Một thời đã từng là người hung hăng bách hại Giáo Hội, chính Phaolô cũng bị người Do Thái, những người không tin và những người giả danh Kitô hữu truy đuổi (xc. 2Cr 11,26). Vì vậy trong các lá thư, thánh nhân cũng thường ám chỉ đến cuộc truy bắt của những người Do Thái (xc. Rm 15,31; 2Cr 11,24-26; Gl 5,11; 1Tx 2,14-16), và nói rõ đó là những thời khắc khó khăn nhất phải chịu đựng.

Khi nói về cuộc bách hại do những người Do Thái đưa ra để chống lại Giáo Hội sau khi ông Stêphanô bị giết, có lẽ thánh Luca muốn cho thấy bạo lực quần chúng có thể xảy ra trong bất cứ thể chế tôn giáo nào, khi nó cảm thấy bị đe dọa bởi một phong trào mới. Trong những tình huống như vậy, hội đường công bố các cá nhân là lạc đạo, rồi sau đó truy bắt và giết những ai không chia sẻ giáo huấn chân truyền, như trường hợp của Đức Giêsu, các ông Stêphanô và Phaolô.

Trong các lá thư, Thánh Tông Đồ liệt kê rất nhiều lý do khác nhau của những cuộc bách hại như thế.

Chắc chắn rằng, lý do đầu tiên là “loan báo Tin Mừng về đức tin mà trước đây ông muốn tiêu diệt” (Gl 1,23). Làm như thế, thánh nhân thách thức những yếu tố nền tảng của Do thái giáo, mà ông coi như “vô giá trị” so với đặc tính tuyệt vời là biết Đức Kitô (xc. Pl 3,4-8).

Yếu tố chính yếu là lời rao giảng của Phaolô khi ông tuyên bố rằng thành phần dân Thiên Chúa không đòi buộc phải chịu cắt bì (xc. Gl 3,1-5; X. 5,11; Cv 15,8-11), hay tuân giữ những quy định của lề luật về sự thanh sạch theo luật (xc. Gl 2,11-21).

Cuối cùng, ông bị tố cáo là không coi trọng các đòi hỏi luân lý, một cáo buộc mà ông bác bỏ như một lời vu khống (xc. Rm 3,7-8).

Vì những lý do trên, người Do Thái đã kể ông “như một thứ ôn dịch, chuyên gây nổi loạn giữa những người Do Thái khắp mọi nơi” (Cv 24,5; X. 16,20; 17,6). Vì thế, theo như sách Công Vụ thuật lại, họ liên tục truy đuổi ông.

Tại Damas, ngay sau khi gặp Đức Kitô và lần đầu tiên ông làm chứng Đức Giêsu là Đấng Kitô, người Do Thái giận dữ đến nỗi “cùng nhau bàn kế giết ông” (xc. Cv 9,22-23). Ngay cả ở Giêrusalem, họ cũng “tìm cách giết ông” (xc. Cv 9,29).

Trong hội đường Antiôkia ở Pisidia, khi ông Phaolô cùng với ông Banabê công bố rằng “điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện đầy đủ cho chúng ta là con cháu của các ngài khi làm cho Đức Giêsu sống lại… người Do Thái đầy lòng ghen tức, họ dùng lời phạm thượng mà phản đối những điều ông Phaolô nói… họ khích động những phụ nữ thượng lưu tôn thờ Thiên Chúa và những thân hữu trong thành, xúi giục họ bắt bớ ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông… đi tới Icônio” (Cv 13,32-33, 45,50-51).

Tại Icôniô, “những người ngoại và những người Do thái, cùng với các thủ lãnh của họ, mưu toan làm nhục và ném đá hai ông. Biết thế, hai ông lánh xa các thành miền Lycaonia là Lytra, Đecbê, và các vùng phụ cận; Tại đó, các ông tiếp tục loan báo Tin Mừng” (Cv 14,5-7).

Tại Lytra, có những người Do Thái từ Antiôkia và từ Icôniô đến, “thuyết phục được đám đông dân chúng. Họ ném đá ông Phaolô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng là ông đã chết” (Cv 14,19).

Tại Philíp, Phaolô cùng với Sila, đã trừ quỉ cho một người tớ gái, người đã làm cho các chủ của cô kiếm được nhiều lợi lộc. Khi thấy hy vọng kiếm lợi của mình đã tiêu tan, các ông chủ của cô liền bắt hai nhà truyền giáo, điệu đến trước quan tòa và tố cáo: “những người này gây xáo trộn trong thành phố chúng ta; Họ là người Do Thái và họ truyền bá những tập tục mà người Rôma chúng ta không được phép chấp nhận và tuân theo. Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại”. Sáng ngày, khi biết các ông là công dân Rôma, và không được đánh đòn hai ông, các quan toà buộc phải xin lỗi hai ông (Cv 16,14-39).

Tại Thessalônica, người Do Thái “sinh ghen tức” vì có một số người đã tin theo và nhập đoàn với ông Phaolô và ông Xila; một số rất đông những người Hy lạp tôn thờ Thiên Chúa và một số phụ nữ quý phái cũng làm như vậy, nên họ quy tụ một số du đãng đầu đường xó chợ, họp thành đám đông gây náo loạn trong thành. Họ lôi hai nhà truyền giáo ra trước nhà chức trách thành phố, tố cáo hai ông “làm ngược các chiếu chỉ của Hoàng Đế, và công bố “một vua khác là Giêsu”. Sau khi đã nộp tiền bảo lãnh, các ông được thả ra (Cv 17,4-9; X. 1Tx 2,14). Phaolô kể lại kinh nghiệm đau buồn này trong lá thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalônica: “Như anh em đã biết, chúng tôi đã đau khổ và bị làm nhục tại Philíp; nhưng dựa vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em, trong một cuộc chiến đấu gay go” (1Tx 2,2).

Tại Beroia, “khi những người Do Thái ở Thêxalonica biết là ông Phaolô cũng loan báo Lời Thiên Chúa ở Beroia nữa, thì họ lại đến khuấy động và gây xôn xao trong đám đông dân chúng”, buộc Thánh Tông Đồ phải rời đó để đi Athêna (xc. Cv 17,13-15).

Những người Do Thái ở Côrintô, khi nghe chính Thánh Tông Đồ công bố Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì đã nhất tề nổi dậy chống ông Phaolô; họ đưa ông ra tòa và nói: “tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật” (Cv 18,5-6, 12-13).

Phaolô ở Êphêsô hai năm, “khiến mọi người sống ở Asia, người Do Thái cũng như người Hy Lạp đều được nghe Lời Chúa”. Nhưng một số người thợ bạc trong thành phố, sợ rằng lời giảng của Thánh Tông Đồ có thể gây ảnh hưởng xấu trong việc bán “mô hình đền thờ nữ thần Artêmi bằng bạc”, nên đã xúi giục dân chúng chống lại Thánh Tông Đồ và buộc ông phải đi đến Makêđônia (xc. Cv 19,10, 23; 20,1). Khi các kỳ mục từ Êphêsô đến gặp ông tại Milêtô, lúc ông đang trên đường đi Giêrusalem, ông thú nhận: “khi phục vụ Thiên Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã phải rơi lệ, đã gặp thử thách do những âm mưu của người Do Thái” (Cv 20,19).

Tại Giêrusalem, đám đông dân chúng bị những người Do Thái từ Asia đến khuấy động, nên “tìm cách giết ông”. Ông đã được cứu thoát nhờ sự can thiệp của toà án, qua việc “bắt và lấy xiềng còng ông lại” (Cv 21,31, 33-36). Người Do Thái, tức giận vì lời lẽ ông Phaolô kể lại ơn gọi và sự công chính do việc ông làm, đã hò hét trước toà: “hãy bứng khỏi mặt đất loại người như thế! Nó không đáng sống”.

Nhờ là công dân Rôma, ông đã thoát khỏi bị đánh đòn, nhưng buộc phải ra trước Thượng Hội Đồng. “Thượng tế Khanania ra lệnh cho các phụ tá đánh vào miệng ông. Bài diễn văn của ông đề cập đến việc sống lại gây ra tranh luận giữa người Pharisêu và nhóm Xa-Đốc. Viên chỉ huy sợ rằng “họ có thể xé xác ông Phaolô”, nên đã lôi ông và đem về đồn. Tuy nhiên, người Do Thái vẫn giữ ý định. Một nhóm trên 40 người “đã bày mưu tính kế và thề rằng sẽ không ăn uống gì cho đến khi giết được ông Phaolô” (xc. Cv 21, 22-23, 23,14).

Để giúp cho ông Phaolô thoát khỏi âm mưu những người muốn ám hại ông, viên chỉ huy đã cho người hộ tống ông đến Xêdarê; tại đó, ông bị giam tù hai năm, dù rằng ông đã được đưa ra trước tổng trấn Phêlich (xc. Cv 21,23, 23,24, 27). Vì là công dân Rôma (xc. Cv 22,25-27 16,37), ông Phaolô đã kháng cáo lên Hoàng Đế, và vì vậy ông đến Rôma (xc. Cv 25,11-12).

Qua nhiều gian nan vất vả, kể cả bị đắm tàu (xc. Cv 27,9-43), cuối cùng ông Phaolô đến Rôma (xc. Cv 28,15). Tại đây, ông bị giam giữ tại nhà riêng hai năm, có lính canh bên ngoài, và ông “rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô” (Cv 28,16, 30-31).

Dầu vậy, ngay tại Rôma, vào cuối đời ông đã phải tranh đấu với một số người Do Thái, “những kẻ rao giảng Đức Kitô vì đố kỵ và cãi cọ…, vì tranh chấp, không có lòng ngay, thường là gây gian nan cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích”. Nhưng, ông không màng chi chuyện đối kháng: “có can gì không? trừ ra điều này là Đức Kitô được rao giảng cách này hay cách khác, với ý xấu hay ý lành, thế là tôi vui mừng rồi” (Pl 1,15, 17-18).

Chương IV

Gian truân sinh nhẫn nại,
nhẫn nại sinh trung kiên

(Rm 5,3)

Khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào. Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô. (Cv 9,26-30)

Đức kiên trì anh hùng của Thánh Phaolô qua nhiều cơn thử thách và nỗi khổ cực trong suốt cuộc đời đã được thánh nhân kể ra nhiều lần trong các lá thư của mình.

Chứng từ được biết đến nhiều nhất được tìm thấy trong lời bào chữa chi tiết và mãnh liệt về tính chính thống và hợp pháp trong công việc truyền giáo của ngài, và trong những lời đả kích dũng cảm và thường là quyết liệt của thánh nhân, chống lại những người đặt vấn đề về sứ vụ của thánh nhân với tư cách là một tông đồ, nhất là vì những khốn khó thánh nhân đã chịu (xc. 2Cr 4,7-15; 6,3-10; 11,23-33), tình trạng yếu đuối thể lý (xc. 2Cr 10,1,10; 1Cr 2,1-5), sự thiếu thốn về quyền uy ân sủng (xc. 2Cr 12,12; 13,3), và trách nhiệm của thánh nhân là tự do rao giảng Tin Mừng[1]. Một số các đối thủ của thánh nhân thuộc về cộng đoàn Kitô hữu ở Côrintô (xc. 2Cr 10,10; 11,4,12-15, 21-23), số khác không thuộc cộng đoàn đó (xc. 2Cr 13,5-10).

Trong phần tự biện hộ cho mình, Phaolô hoàn toàn ý thức rằng, một đàng huênh hoang về những việc làm của mình và những thành công là “điên rồ” (xc. 2Cr 11,1,16-21; 12,11), đàng khác, ngài có quyền tự hào vì vinh quang của ngài chỉ dựa trên sự yếu đuối (xc. 2Cr 11,30; 12,5; 13,9), bởi vì rõ ràng những thành công trong công tác tông đồ không phải do ông, nhưng chỉ do Đức Kitô mà thôi (xc. 2Cr 12,9; 4,7; 1Cr 1,27-31; 3,6).

Dựa trên khẳng định này, Phaolô cũng nói rõ “chúng tôi đang sống trong xác phàm, nhưng không chiến đấu theo tính xác thịt. Thật vậy, vũ khí chiến đấu của chúng tôi không thuộc về xác thịt, nhưng nhờ Thần Khí, có sức mạnh đánh đổ các đồn luỹ. chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng đưa mình lên chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng mà tuân phục Đức Kitô” (2Cr 10,3-5).

Mục đích của việc biện hộ của ông là chiếm lại những người tín hữu đã bị các đối thủ lừa gạt và đã ngã gục dưới sức mạnh của họ. Dựa trên sự hiền lành và khiêm nhường của Đức Kitô, Phaolô kêu gọi họ hoà giải trước khi ông dùng quyền uy mà can thiệp (xc. 2Cr 10,1-11). Ông tuyên bố rằng khi ông nại đến quyền uy của mình, thì “không phải chính ông truyền lệnh”, “nhưng chỉ tự hào trong Chúa”, và về điều mà chính Thiên Chúa hoàn tất qua ông như để làm chứng rằng ông là một tông đồ do chính Thiên Chúa “truyền lệnh” (xc. 2Cr 10,17-18). Ông quyết tâm chỉ hành động “theo quyền hành Chúa đã ban cho ông để xây dựng, chứ không phải để phá đổ” (2Cr 13,10).

Đoạn Kinh Thánh về phần biện hộ của ông Phaolô, khởi đầu với lời nhập đề ngắn gọn nhắc đến nguồn gốc Do Thái đích thực của ông[2], được chia thành năm phần, mỗi phần kể đến một nỗi khổ ông phải chịu với tư cách là “thừa tác viên của Đức Kitô”, hơn hẳn các đối thủ của ông.

Phần đầu tiên nói về nỗi đau khổ thể lý: “Tôi còn hơn họ nữa…, vất vả nhiều hơn, ở tù nhiều hơn, chịu đánh đập hơn gấp bội, suýt chết nhiều lần. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần chịu đánh đòn, một lần bị ném đá” (2Cr 11,23-25).

Trong phần hai, Thánh Tông Đồ kể đến những chuyến đi để loan báo Tin Mừng: “Ba lần bị đắm tàu; một ngày một đêm trôi giạt giữa biển khơi. Hành trình nhiều chuyến, nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, nguy hiểm trong sa mạc, nguy hiểm ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tại Damas, tổng đốc của vua Arêta đã cho canh gác thành để bắt tôi. Nhưng qua một cửa sổ, tôi đã được thả xuống dọc theo tường thành, và tôi đã thoát khỏi tay ông ta” (2Cr 11,25-26, 32-33).

Phần thứ ba kể đến một số vất vả do sứ vụ: “vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2Cr 11,27).

Trong phần bốn, “không kể những điều khác”, ông nói về những nỗi khổ tinh thần, phát xuất từ nhiệt tâm tông đồ: “nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh. Có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Có ai vấp ngã mà lòng tôi không cháy bừng?” (2Cr 11,28-29).

Trong phần năm, Thánh Phaolô bày tỏ những nỗi khổ sâu xa nhất liên hệ đến “những thị kiến và mạc khải của Chúa”, và việc ông “được đưa lên tầng trời thứ ba”. Nhằm ngăn ngừa tính kiêu căng về điều này, thánh nhân xác định: “để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường ấy, tôi đã bị một cái dằm đâm vào thân xác, đó là sứ giả của Xatan để nó đánh tôi, cho tôi khỏi phải tự cao tự đại. Về điều này, đã ba lần tôi xin Chúa đưa nó xa tôi, nhưng Người nói với tôi: “ơn của Thầy đủ cho anh rồi, vì quyền năng được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,1-9).

Thánh Phaolô coi sự yếu đuối của mình như một yếu tố đặc biệt để nói lên sự trổi vượt trên các đối thủ: “nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những điều cho thấy sự yếu đuối của tôi. Thiên Chúa, Đấng được chúc tụng muôn đời, là Thân phụ Chúa Giêsu, biết rằng tôi không nói dối… Về chính tôi, tôi sẽ chỉ tự hào về những yếu đuối của mình. Tôi rất thích tự hào hơn về những yếu đuối của tôi, để quyền năng của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị xỉ nhục, khốn quẫn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Quả thật, khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 11,30; 12,5,9-10). Sau cùng, ở cuối lá thư, thánh nhân nhấn mạnh: “chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu” (2Cr 13,9).

Gần cuối lá thư gửi tín hữu Côrintô, thánh nhân viết: “tôi chẳng thua kém gì các vị siêu tông đồ kia, dù tôi chẳng là gì. Các dấu chỉ của tông đồ được thực hiện giữa anh em: nào là đức kiên nhẫn hoàn hảo, nào là những dấu lạ điềm thiêng và phép lạ” (2Cr 12,11-12). Các điều ấy chứng tỏ rằng thánh nhân đích thực là người được Chúa sai đến.

Thánh nhân cũng nói với các tín hữu Côrintô: “Khi đến miền Makêđônia, thân xác chúng tôi chẳng được thảnh thơi chút nào; trái lại, ở đâu cũng gặp gian nan: bên ngoài phải chiến đấu, bên trong phải lo sợ” (2Cr 7,5). Ngay cả bệnh tật, điều vẫn là một ẩn số đối với mọi người, cũng không thể ngăn cản thánh nhân rao giảng cho người Galát (Gl 4,13-14).

Thánh nhân thực thi sứ vụ của mình qua việc “kiên trì chịu đựng khi bị gian nan, khốn quẫn, ngặt nghèo, đòn vọt, tù tội, khi gặp biến loạn, bị nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ”. Các hành động của Thánh nhân được thực thi bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa; lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục”.

Thánh Phaolô không bận tâm về điều thiên hạ nghĩ về mình, điều đáng kể là sự thật: “Bị coi như bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; như vô danh tiểu tốt, nhưng chúng tôi được mọi người biết đến; như sắp chết, nhưng chúng tôi vẫn sống; như bị trừng phạt, nhưng chúng tôi không bị giết chết; như phải buồn phiền, nhưng chúng tôi luôn vui vẻ; như nghèo túng, nhưng chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; như không có gì, nhưng chúng tôi có tất cả” (2Cr 6,4-10).

Nỗi khổ lớn nhất của Thánh Phaolô xuất phát từ sự không hiểu biết của giới cầm quyền trong đạo Kitô tại Giêrusalem (xc. Cv 21,17-21), và những người Do Thái trở lại. Những người này muốn theo ông Môsê, coi trọng Lề Luật, đền thờ, việc cắt bì, và những thực hành đạo đức khác; bằng chứng về sự kiện này có thể thấy, một cách nào đó, trong quyết định của cái được gọi là Công Đồng Giêrusalem (xc. Cv 15,23-25). Những người này nại đến uy thế của ông Giacôbê (xc. Gl 2,12) và theo dõi ông Phaolô cách sít sao nhằm ngăn cản cuộc khởi hành của ông, chống lại sứ điệp của ông và nghi ngờ về tính hợp thức trong sứ vụ tông đồ của ông (xc. 2Cr 11,5-12; 12,11).

Những thử thách gian khổ luôn đe doạ sự bình an tinh thần và nhẫn nại của thánh nhân, nhưng thánh nhân tìm được sức mạnh của mình nhờ lòng yêu mến Đức Kitô: “Tôi có sức chịu đựng được hết, nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).

Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh nhân đặt câu hỏi: “ai sẽ tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? chẳng lẽ là gian nan, ngặt nghèo, bắt bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo?” Từ kinh nghiệm cá nhân, thánh nhân xác định: “không, trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”. Thánh nhân xác tín mạnh mẽ: “tôi tin chắc rằng, cho dù sự chết hay sự sống, thiên sứ hay quản thần, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hoặc bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-38).

Thánh Phaolô đi từ thành phố này sang thành phố khác để loan báo Đức Kitô, đầy kiên nhẫn chịu đựng nhiều nỗi khốn khó và thái độ không thông cảm của dân chúng: “cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ, và lang thang phiêu bạt; thì chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng… Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, nên như đồ phế thải của mọi người”. Phản ứng của thánh nhân trước tất cả những điều này phát xuất trực tiếp từ Tin Mừng: “Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi” (1Cr 4,11-13). “Chúng tôi chịu đựng tất cả mọi sự để khỏi gây trở ngại cho Tin Mừng của Đức Kitô” (1Cr 9,12).

Thánh Phaolô không bao giờ chán nản, tuyệt vọng: “chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu” (2Cr 4,8-10). Vì luôn mang trên mình những dấu tích của Đức Giêsu (xc. Gl 6,17), nên Thánh nhân luôn “chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2Cr 7,4).

Thánh Phaolô hãnh diện về những khốn khó của mình: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta! Nhờ Thập Giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào Thập Giá đối với tôi và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14).

Thánh nhân so sánh mọi khốn khó của mình với cuộc rước khải hoàn của người Rôma, trong đó người thắng trận dẫn những tù nhân như là những nô lệ đến chỗ chết. Thánh nhân nhấn mạnh rằng Đức Kitô cũng xử với ông như vậy (xc. 2Cr 2,14).

Thánh nhân nói với người Côrintô rằng ông là người Thiên Chúa đã đặt “ở chỗ chót”, như Người “mang án tử” trong đấu trường của người Rôma (xc. 1Cr 4,9; X. 2Cr 1,9).

Hy vọng rằng việc kể ra những khốn khó mình đã trải qua không làm nản lòng những độc giả, thánh nhân viết: “tôi xin anh em đừng nản chí khi thấy tôi phải gian truân vì anh em”. Thánh nhân cũng cho họ biết lý do để không được chán nản: những gian truân ấy là “vinh quang của anh em” (Ep 3,13), tức là tôi được hưởng lợi vì ơn cứu độ của anh em. Thánh nhân cũng tạ ơn Chúa vì có cơ hội hiến dâng những đau khổ của mình vì ơn cứu độ người khác: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi nhân ái và là Thiên Chúa hằng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết nâng đỡ những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. Chúng tôi lấy làm an tâm về anh em, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy” (2Cr 1,3-7).

Thánh nhân cũng muốn kết hợp chính mình với những đau khổ của Đức Kitô nhân danh người khác: “giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Chính vì sự kiên nhẫn được thực thi qua bao nhiêu thử thách trong suốt thời gian thi hành tác vụ và trong khi chịu đựng muôn vàn khổ đau, Thánh Phaolô thật xứng danh là vị “Tông Đồ Vĩ Đại”, như người ta vẫn gọi, hay có thể gọi Thánh nhân là “Con Người của Đức Kiên Trì Cao Cả”.


[1] Chú tâm thực hành giáo huấn của Đức Giêsu: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10,8), thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng mà không nhận bất cứ đền bù nào, “không hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho”(Xc. 1Cr 9,13-18;2Cr 11,7-15; 2Cr 12,13-14). Mối bận tâm của thánh nhân là lao động bằng chính đôi tay của mình, và không muốn trở thành gánh nặng cho bất cứ ai, kể cả những người được nghe thánh nhân loan báo Tin Mừng (Xc. Cv 20,33-34; 1Cr 4,12; 2Cr 12, 13-14; 1Tx 2,9; 2Tx 3,8).

[2] Xc. 2Cr 11,22. Trong những đoạn khác nhau, Thánh Phaolô bảo vệ chính mình như là một người Do Thái thực thụ bằng cách kể lại quá khứ của mình (Xc. Rm 11,1; Gl 1,13-14; Pl 3,4-6; Cv 22,3-5; 26,4-5).

Chương V

Hãy khiển trách, ngăm đe, khuyên nhủ,

với tất cả lòng kiên nhẫn và chủ tâm dạy dỗ
(2Tm 4,2)

Được vị chỉ huy cho phép, ông Phao-lô đứng trên bậc thềm giơ tay làm hiệu cho dân. Mọi người im phăng phắc; ông Phao-lô nói với họ bằng tiếng Híp-ri: “Thưa quý vị là những bậc cha anh, xin nghe những lời biện bạch tôi nói với quý vị bây giờ đây.” Khi nghe thấy ông nói với họ bằng tiếng Híp-ri, họ càng yên lặng hơn. Ông nói tiếp: “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị. “Khi trở về Giê-ru-sa-lem, đang lúc tôi cầu nguyện trong Đền Thờ, thì tôi xuất thần và thấy Chúa bảo tôi: ‘Mau lên, hãy rời khỏi Giê-ru-sa-lem gấp, vì chúng sẽ không nhận lời anh làm chứng về Thầy đâu.’ Tôi thưa: ‘Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã đến từng hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin Chúa. Khi người ta đổ máu ông Tê-pha-nô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy.’ Chúa bảo tôi: ‘Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa.’” (Cv 21:40;22:1-5.17-21)

Mặc dù không xác định rõ ràng cá nhân mình “là thầy dạy”, trừ trong các thư gửi ông Timôthê (xc. 1Tm 2,7; 2Tm 1,11), Thánh Phaolô vẫn nhận mình là một trong những người hoàn thành tốt đẹp vai trò này, vừa cảnh báo lẫn khích lệ, vừa khen ngợi lẫn sửa bảo.

Mỗi khi thánh Phaolô tuyên dương các tín hữu trong các thư ngài gửi cho họ, ngài đều dùng những lời lẽ hăng say và chan chứa những lời nói tốt đẹp. Ngài nói với những người Thessalônica: “chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các Hội Thánh của Thiên Chúa, vì lòng kiên nhẫn và lòng tin của anh em trong mọi cơn bắt bớ và gian truân anh em phải chịu” (2Tx 1,4). Rồi thánh nhân tạ ơn Thiên Chúa, khen ngợi họ “vì lòng tin, vì nỗi khó nhọc họ gánh vác, vì lòng yêu mến”, và vì “sự kiên nhẫn chịu đựng do lòng trông cậy vào Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô”[1].

Về đề tài “quyên tiền giúp các thánh” (xc. 1Cr 16,1), thánh nhân cho thấy sự “khó nghèo cùng cực” của các Hội Thánh tại Makêđônia (Philíp, Thessalônica, Bêroa) đã biến họ thành những người giàu lòng quảng đại (2Cr 8,2). “Tôi xin làm chứng rằng theo khả năng của họ, và quá khả năng của họ nữa, một cách tự nguyện, họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các thánh. Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình trước tiên cho Chúa, rồi cho chúng tôi…” (2Cr 8,3-5; X. Gl 4,15; Pl 1,5; 4,14-16; 1Tx 1,8; 2Tm 1,4-5).

Thánh nhân viết cho các tín hữu Côrintô: “tôi rất tin tưởng anh em, tôi rất hãnh diện về anh em” (2Cr 7,4). Thánh nhân dành cho họ tình cảm đặc biệt: “tôi sẽ rất vui lòng tiêu những gì tôi có, và tiêu hao tất cả con người tôi vì linh hồn anh em” (2Cr 12,15). Dầu vậy, thánh nhân không ngần ngại nói rõ họ chưa phải là gương mẫu và đáng tin, mà vẫn còn là những người “sống theo xác thịt, những trẻ nhỏ trong Đức Kitô” (1Cr 3,1) giữa họ vẫn có những chia rẽ (xc. 1Cr 1,10-13; 2Cr 12,20); họ là những người kiêu ngạo (xc. 1Cr 4,18-19), sống gian dâm (xc. 1Cr 5,1), một số người khác lại kiện cáo nhau, để cho những người ngoại đạo xét xử (xc. 1Cr 6,1-7); và họ đã có những lạm dụng nghiêm trọng trong việc cử hành Thánh Thể (xc. 1Cr 10,14-30). Thoạt đầu, Thánh Tông Đồ giữ thái độ kiên nhẫn và yên lặng, tuy nhiên, thái độ ấy không đạt được mục đích mà còn kích động thêm những người gây rối loạn, họ tố cáo thánh nhân là yếu nhược. Vì thế thánh nhân đổi thái độ, xác định rằng khi đến nơi, thánh nhân sẽ chỉ cho họ thấy “ý nghĩa lời lẽ nghiêm khắc trong các thư” (xc. 1Cr 10,10). Thánh nhân cũng xác định rằng, “sẵn sàng sửa trị mọi sự bất tuân” (2Cr 10,6), và như ngài đã đe, sẽ không loại trừ việc sử dụng roi vọt (1Cr 4,21).

Dù vậy, thánh Phaolô cảm thấy cần phải bày tỏ lý do trong việc nghiêm khắc sửa trị: “tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để khuyên bảo anh em như những người con yêu quý của tôi” (1Cr 4,14). Thánh nhân còn giải thích thêm: “tôi đã phải gian nan nhiều, con tim se thắt, nước mắt chan hòa khi viết cho anh em: tôi viết không phải để làm cho anh em buồn phiền, nhưng là để cho anh em biết tôi hết lòng yêu mến anh em” (2Cr 2,4).

Thánh nhân còn viết: “tôi khuyên bảo anh em như những người con yêu quý của tôi. Thực vậy, thánh nhân xác định: “tôi đã cho anh em uống sữa” (1Cr 3,2); cho dẫu anh em có ngàn vạn giám hộ trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,14-15).

Và như một người cha, thánh Phaolô sẵn sàng tha thứ. Lý do duy nhất đẻ ngài mạnh tay xử phạt là hy vọng làm cho các con cái của mình biết hồi tâm nghĩ lại (2Cr 3,12).

Thánh nhân không ân hận vì đã khiển trách họ: “dù trong bức thư trước tôi có làm cho anh em buồn phiền, tôi cũng không hối tiếc. Mà giả như có hối tiếc – vì thấy rằng bức thư ấy đã làm cho anh em buồn phiền, tuy chỉ trong một thời gian ngắn -, thì nay tôi lại vui mừng, không phải vì anh em đã buồn phiền, nhưng vì nỗi buồn phiền đó làm cho anh em hối cải” (2Cr 7,8-9).

Với các tín hữu Thessalônica, thánh Phaolô cư xử dịu dàng, như người mẹ hiền với các con của mình. Thánh nhân quan tâm nhiều đến họ đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với họ không những Tin Mừng của Thiên Chúa mà cả mạng sống của mình nữa, vì họ đã trở nên những người thân yêu của ngài (xc. 1Tx 2,7-8). Thánh nhân khuyên bảo họ “như cha đối với con” (1Tx 2,1-11).

Tuy nhiên thánh nhân không nương tay với những người làm xáo trộn đời sống cộng đoàn, như được chứng tỏ trong cách sử dụng các từ ngữ: “những kẻ giả danh là anh em, những kẻ dò xét (Gl 2,4), những kẻ xuyên tạc Lời Chúa (2Cr 2,17), những tông đồ giả, thợ gian giảo, đội lốt tông đồ của Đức Kitô, đồ đệ của Satan, những kẻ đội lốt người phục vụ sự công chính” (2Cr 11,13-15).

Mặc dầu thánh Phaolô coi những người Galat như những người con bé nhỏ mà ngài phải vất vả cho đến khi “Đức Kitô hình thành nơi họ” (Gl 4,19), và mặc dù họ rất quý trọng thánh nhân, đến nỗi họ có thể móc mắt hiến cho ngài (xc. Gl 4,15), thánh nhân cũng không ngần ngại gọi họ là “những người ngu xuẩn” và “không hiểu biết” (Gl 3,1,3). Thánh nhân viết cho họ cách rõ ràng đầy kinh ngạc: “nếu có ai loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng anh em đã lãnh nhận, thì chớ gì kẻ ấy bị tru diệt” (Gl 1,9). Thánh nhân châm biếm “những kẻ gây xáo trộn” trong cộng đoàn hãy tiếp tục thực hành việc cắt bì và tự hoạn chính mình: “phải chi những kẻ làm cho anh em bị rối loạn, hãy tự thiến cho rồi!” (Gl 5,12). Thánh nhân khuyến khích mọi người thực thi đức bác ái; nhưng nếu họ không làm như vậy, thánh nhân châm biếm họ: “nếu anh em cắn xé và ăn thịt nhau, thì hãy coi chừng, kẻo anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!” (Gl 5,15).

Thánh Phaolô cũng dùng một số lời nghiêm khắc với người Philíp, cảnh báo họ đừng để bị mê hoặc bởi những người rao giảng sự cắt bì: “anh em hãy coi chừng quân chó má! hãy coi chừng bọn thợ xấu! hãy coi chừng những kẻ cắt bì giả hiệu!” (Pl 3,2).

Thánh nhân kêu mời môn đệ Timôthê noi gương ngài: “hãy rao giảng Lời Chúa, cứ lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy khiển trách, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng kiên nhẫn và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2). Người mục tử đích thực không để mình bị ngã gục vì những bất mãn; không được nản lòng vì những trì trệ ban đầu, nhưng phải có sức mạnh tinh thần và lòng kiên nhẫn để bắt đầu lại trong lòng tin.

Không phải lúc nào Thánh Phaolô cũng dùng những lời lẽ tâm tình như vậy; nhiều lúc thánh nhân không thể không nóng giận trước sự chống đối của những kẻ “giả danh là anh em” (xc. Gl 2,4) Tuy nhiên, trong chuyện này, thánh nhân không xử sự vì mất kiên nhẫn, nhưng chỉ vì lòng nhiệt thành khi nhìn thấy công việc loan báo Tin mừng của mình bị phá hoại một cách bất công (xc. Gl 3,1-4; Pl 3,2).

Thánh nhân còn tìm kiếm những cách khác nhau để loan báo Tin Mừng (xc. Pl 1,18), nhưng không phải là trình bày một Đức Kitô khác; cũng không phải là ông Môsê thay thế Đức Kitô (xc. 2Cr 11,4; Gl5,1-4). Mối bận tâm duy nhất của ngài là chân lý và ơn cứu độ. Vì thế, thánh nhân không thể yên lặng; nhưng trong những gì có liên quan đến ngài, ngài khiêm tốn và nhẫn nại đón nhận đau khổ và nhục nhã. “Bị nhục mạ, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi chịu đựng; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi” (1Cr 4,12-13). Thánh nhân sẵn sàng dùng “roi vọt” (dùng sức mạnh) nếu đó là vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn của sứ điệp Kitô giáo, dầu vậy, ngài vẫn ưa thích “tình yêu và lòng hiền hòa hơn” (1Cr 4,21).

Sức mạnh tinh thần của thánh Phaolô được thể hiện qua nhiều đường lối trái ngược nhau. Khi thấy anh em không tuân theo Tin mừng, thánh nhân sẵn sàng, nếu cần, “đối đầu với Kêpha (Phêrô)”, tuỳ theo hoàn cảnh, và tố cáo ông Kêpha cũng như ông Barnabê vì thái độ giả hình (xc. Gl 2, 11-14), nhưng thánh nhân lại trở nên không quyết đoán khi phải bày tỏ quan điểm của mình…

Để không làm giảm đi cơ hội loan báo Tin Mừng (xc. Cv 22,25-29), thánh nhân né tránh để không bị đánh đòn, nhưng ngài chấp nhận yêu cầu của giám mục Giêrusalem (Giacôbê) để đi vào đền thờ và đồng hành với bốn người đồng hương, những người muốn hoàn tất ước nguyện của dân thành Nazaret (xuống tóc) mặc dù ngài cho rằng điều đó không còn cần thiết nữa (xc. Cv 21,23-24).

Thánh nhân không ngần ngại trao nộp một người anh em lầm lạc cho Xatan (xc. 1Cr 5,5), nhưng nếu đó là việc cứu với một người anh em, hay không đặt ngăn trở cho đức tin của anh ta, thì thánh nhân sẵn sàng hiến cả mạng sống của mình cách vô điều kiện: “nếu của ăn mà làm cớ cho người anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho người anh em tôi sa ngã” (1Cr 8,13).


[1] 1Tx 1,3; Người Côrintô cũng được khen ngợi vì đã “kiên trì” với Tin Mừng mà Thánh Phaolô đã rao giảng cho họ (X. Cr 15,1).

Chương VI

Lòng yêu mến thì nhẫn nhục
(1Cr 13,4)

Đêm ấy Chúa đến bên ông Phao-lô và nói: “Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giê-ru-sa-lem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rô-ma nữa.” (Cv 23,11)

Các thư của thánh Phaolô áp dụng giáo huấn của Đức Kitô về đức kiên nhẫn vào những hoàn cảnh cụ thể của các cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai.

Thánh nhân nói cho Giáo Hội tại Côrintô biết rằng đức ái là phương tiện hữu hiệu nhất để giải quyết những chia rẽ (xc. 1Cr 1,10-12), nguồn gốc của sự đổ vỡ giữa các nhóm (xc. 1Cr 6,1-6; 11,18-22) và các cá nhân (xc. 1Cr 8,13; 10,23,29).

Trong “bài ca đức ái” thời danh, Thánh Tông Đồ kể đến đức kiên nhẫn như là đặc tính đầu tiên của đức ái Kitô giáo: “lòng yêu mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không kiêu ngạo, không làm điều khiếm nhã, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nghĩ điều xấu, không vui mừng trước sự bất chính, nhưng vui mừng vì điều chân thật. Lòng yêu mến dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7). Trong bài ca này, Thánh Phaolô họa lên hình ảnh về chính mình: “điều ngài đã học được từ chính Đức Kitô và cách hành động của Người.

Theo thánh Phaolô, đức kiên nhẫn là thành phần của cuộc sống được ghi dấu bởi tình yêu, như được nhấn mạnh qua lời khuyến khích sau đây: “lòng yêu mến không được giả dối…, hãy thương mến nhau với tình huynh đệ…, hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa… Đừng lấy ác báo ác, hãy quan tâm làm điều thiện trước mặt mọi người. Anh em hãy làm tất cả những gì có thể, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em yêu quý, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó… Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-10,14,17-21). Sau cùng thánh nhân khích lệ các độc giả hãy luôn nhìn ngắm mẫu gương là Đức Kitô và khơi dậy lòng trông cậy nhờ đức kiên nhẫn (hypomoné) (xc. Rm 15,4). Thánh nhân nhắc nhở họ: “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được hiệp lòng hiệp ý với nhau, như Đức Kitô đòi hỏi” (Rm 15,5).

Thay vì cãi lý với nhau, thì điều cần thiết là “hãy chiều theo sở thích người thân cận, nhằm mục đích tốt” (Rm 15,2) và đón nhận người khác như Đức Kitô đã làm, tức là trở thành người phục vụ kẻ khác (xc. Rm 15,7-8). Lý do tối thượng của lòng kiên nhẫn là mẫu gương và giáo huấn của Đức Kitô. Chỉ trong Đức Kitô mới có được sự kiên trì (hypomoné) của các thánh (Kh 13,10; 14,12).

Thánh Tông Đồ nhắc lại rằng trước Đức Kitô, đền thờ là nơi “Thiên Chúa thể hiện lòng khoan dung (anoché) (Rm 3,26), tức làThiên Chúa hết lòng kiên nhẫn chịu đựng” (Rm 9,22) đối với mọi người để bày tỏ lòng thương xót. Sau đó thánh nhân khẳng định là muốn được cứu độ cần phải kiên trì làm điều thiện” (Rm 2,7) và cảnh báo các cộng đòan “không được khinh thường lòng nhân hậu, khoan dung, kiên nhẫn dồi dào của Thiên Chúa” (Rm 2,4) bởi vì “từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô đạo và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm sự thật” (Rm 1,18) và “của những người không vâng phục Người Con” (Ga 3,36).

Sứ điệp Kitô giáo dựa trên đức tin vào Thiên Chúa đồng thời trên đức khiêm nhường và lòng yêu mến đối với người khác. Một cuộc sống hài hoà đòi buộc phải có khả năng trao đổi với mọi người thuộc mọi nguồn gốc, mọi nền giáo dục và đào tạo khác nhau. Thật ra, sống hòa đồng với nhau không phải là chuyện dễ dàng đâu; điều này đòi phải biết chờ đợi và thông cảm. Về vấn đề này, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Thêssalônica “hãy kiên nhẫn với mọi người”, nhất là với những người vô kỷ luật, nhút nhát, yếu đuối và cả với những người (theo mạch văn) gây ra sự đau khổ (1Tx 5,14).

Với những người được coi là kẻ thù, người Kitô hữu không xử sự theo cảm tính, nhưng do tình yêu tức là lòng kiên nhẫn, sự thông cảm và tính quảng đại: “Đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (1Tx 5,15; X. Rm 12,17; 1Pr 3,9, 11,17). Sau cùng thánh nhân cầu chúc cho mọi người: “Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em yêu mến Thiên Chúa và kiên nhẫn chịu đựng như Đức Kitô” (2Tx 3,5).

Các hành động của người khác, dù sai lầm và bất chính, cũng không thể làm xáo trộn sự an bình sâu xa của người có lòng tin. Bất kể mọi sự, người Kitô hữu luôn chứng tỏ họ có niềm vui (xc. 1Tx 5,16) và luôn nỗ lực trong lời cầu nguyện và tạ ơn (xc. 1Tx 5,17-18). Ngay cả khi chứng kiến cái chết của người thân, người Kitô hữu cũng không đánh mất niềm hy vọng, hay rơi vào tình trạng bất an (xc. 1Tx 4,13). Ở phần cuối, thánh Phaolô kết luận với lời khẩn cầu: “Xin Thiên Chúa là nguồn bình an thánh hoá toàn diện con người anh em” (1Tx 5,23). Bình an là nét riêng của tâm hồn người Kitô hữu, ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất.

Thực vậy, đời sống của người tín hữu tại thành phố Thessalônica không phải là dễ dàng, nhưng đức tin và lòng mến của họ vẫn không thiếu. Họ đã được vững mạnh nhờ những bách hại và thử thách “xảy đến cho họ vì Tin Mừng” (xc. 1Tx 1,3-4). Tình hình có thể trở nên xấu và tệ hơn, nhưng người Kitô hữu không ngừng thực thi điều tốt theo lời khuyên rõ ràng của thánh Phaolô: “đừng nản chí khi làm điều thiện” (2Tx 3,13), và lời cầu nguyện: “bình an mọi lúc về mọi phương diện” (2Tx 3,16). Bình an là bằng chứng của tâm hồn tràn đầy hiền hoà, bao dung và kiên nhẫn.

Thánh Phaolô cũng nhận thấy tín hữu Galat đang cần có bình an, vì hiện có tranh luận về tương quan giữa Do thái giáo và Kitô giáo. Mối tương quan này đã nóng lên đến mức những người trong cuộc “cắn xé và ăn thịt nhau” (Gl 5,15). Thánh nhân kêu gọi họ “từ bỏ những việc do tính xác thịt”, tức là mọi thứ tật xấu (xc. Gl 5,19), và “bước đi nhờ Thần Khí”, được Thần Khí hướng dẫn, với những hoa trái là : “bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, hảo tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ” (Gl 5,18, 22,25). Chỉ trong đường lối này mà chương trình đời sống của thánh Phaolô được hoàn thành: “Anh em hãy mang lấy gánh nặng của nhau” (Gl 6,2).

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh nhân trở lại với đề tài này và yêu cầu: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi anh em đã nhận được. Với tất cả lòng khiêm tốn, hiền hoà và kiên nhẫn, anh em hãy lấy lòng yêu mến mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí ban cho nhờ mối dây liên kết là sự bình an. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng khi anh em được kêu gọi” (Ep 4,1-4).

Để hiệp nhất, cần phải “phục tùng lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô”. Cách đặc biệt, vợ chồng hãy tùng phục lẫn nhau (xc. Ep 5,21-25), và con cái phải vâng phục cha mẹ (xc. Ep 6,1). Nô lệ cũng phải chấp nhận tình trạng của mình “với lòng đơn sơ” và cam chịu, xác tín rằng mình đang thi hành thánh ý Chúa (xc. Ep 6,5-8). Thánh Phaolô không nghi ngờ gì khi khuyên dân chúng đón nhận tình trạng hiện tại với lòng cam chịu và yêu mến, coi đó như là ý Thiên Chúa. Vì thế thánh nhân không ngần ngại trình bày và nhấn mạnh đề nghị của mình. Đang khi Thánh Phêrô nêu lên lý lẽ thần học về sự tùng phục: ngài khuyên những người nô lệ hãy kiên nhẫn với những người chủ của mình, dù rằng có “khó khăn”. Nếu vì lòng tin kính Thiên Chúa mà chấp nhận những nỗi khổ phải chịu một cách bất công thì đó là ân huệ (1Pr 2,19). Chịu đựng đau khổ như mình đáng chịu thì chẳng có công trạng hay lợi ích gì.

Còn Thánh Phaolô kêu mời dân chúng chuẩn bị sống kiên nhẫn như ơn gọi Kitô hữu đòi hỏi: “anh em hãy loại trừ mọi chua cay, gắt gỏng, giận hờn, hay la lối thoá mạ, cùng với mọi thứ gian ác. Hãy đối xử tốt với nhau, có lòng thương xót và tha thứ cho nhau, cũng như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,31-32). Rồi thánh nhân thêm: “chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Giận dữ là dấu chỉ của thái độ không kiên nhẫn.

Đức kiên nhẫn là yếu tố cần thiết để mỗi người tiếp cận với các biến cố của cuộc sống, và càng trở thành yếu tố quan trọng hơn trong cuộc sống hằng ngày của mỗi Kitô hữu nếu họ muốn được bình an và hợp nhất. Như thế, đức kiên nhẫn được nối kết với “đức hiền hòa” và “lòng khiêm hạ” nhằm xây dựng cộng đoàn (xc. Ep 4,2,12). Thánh nhân nói thêm: “hãy sống trong lòng yêu mến”, theo mẫu gương Đức Kitô để lại (Ep 5,2).

Sự dữ có thể tạo nên bất hòa. Vì vậy, phải “tỉnh thức và chuyên cần cầu xin” (Ep 6,18). Do đó, kiên nhẫn là động lực hướng dẫn sự hòa hợp trong cộng đoàn và trong đời sống trung thành với Tin Mừng. Khước từ đón nhận những biến cố và gánh nặng của cuộc sống sẽ dẫn tới bất ổn và sẽ chẳng có bác ái lẫn bình an.

Trong thư gửi tín hữu Côlôsê, thánh Phaolô vẫn quan tâm tới chiều hướng thần học và mục vụ. Có ai đó muốn gieo rắc sự lầm lạc trong những thành viên của cộng đoàn (xc. Cl 2,8), nên thánh nhân kêu gọi các tín hữu hãy chú ý, đồng thời nhắc lại cho họ biết điều Thiên Chúa muốn về họ. Họ được kêu mời để “biết” và “am tường” về Thánh Ý Người, và cố gắng “sống xứng đáng với Thiên Chúa”. Điều quan trọng chính là hiểu biết sâu xa về “sự thật” (Tin Mừng) (xc. Cl 1,6,9), đừng để mình đi lạc vào những lý luận triết học, mà là hành động đúng đắn, làm việc lành (xc. Cl 1,10), không mệt mỏi và không bao giờ bỏ cuộc. Hành động như thế đòi phải có sức mạnh và trên hết là “kiên trì và nhẫn nại” (xc. Cl 1,11).

Kiên nhẫn là điều thiết yếu để các hoạt động bên trong của cộng đoàn không bị hư hoại. Trước kia, con người được phân biệt tuỳ theo loại (nô lệ hay tự do, Do Thái hay Hy Lạp, người cắt bì hay không cắt bì, người man di, mọi rợ) còn điều làm cho trở thành “con người mới” là từ bỏ “nếp sống cũ và các thực hành của nó”, tức là giận dữ, phẫn nộ, độc ác, thóa mạ, ăn nói thô tục”, để mặc lấy “tâm tình thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và kiên nhẫn,… chịu đựng lẫn nhau… và tha thứ cho nhau” (Cl 3,8,12-13).

Kiên trì là nhẫn nại trong nếp sống mới này; đó là bao dung và quảng đại đối với những người trở thành bạn đồng hành mới trong cuộc sống thường ngày, những người thuộc các nguồn gốc khác nhau và chưa sống đúng với ơn gọi của họ.

Trong hai lá thư gửi cho ông Timôthê và trong lá thư gửi ông Titô, kiên nhẫn được kể đến như một đặc trưng của người chăm sóc các linh hồn. Ông Timôthê là “người của Thiên Chúa” nên không được kiêu căng, tự cao tự đại, cũng không được tranh luận bằng những lời lẽ “gây đố kỵ và bất đồng”. Ông phải theo đuổi “sự công chính, lòng đạo đức, lòng tin, lòng yêu mến, lòng kiên trì, và lòng hiền hậu” (1Tm 6,11). Trên tất cả, giám mục phải là “con người mới”, có nghĩa ông phải là “người quản lý của Thiên Chúa”, phải là người “không ngạo mạn, không nóng tính, không hiếu chiến”, mà ngược lại, phải là người “công chính và biết tự chủ” (Tt 1,7-8). Các cụ ông được khuyên nhủ cách riêng là hãy “sống tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, có lòng tin, lòng mến, và lòng kiên trì lành mạnh” (Tt 2,2).

Cách xử sự như thế là điều thiết yếu trong việc xây dựng một nếp sống Kitô hữu qui chiếu về tình yêu. Lối sống ấy sẽ không thể có được nếu không loại trừ những thái độ đê hèn, công kích, bất công và không trung thực. Loại trừ tính giận dữ và tìm kiếm cách giải quyết các tranh chấp là bằng chứng về sự can đảm chịu đựng giữa người này với người kia. Lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và người khác sẽ giúp cho mỗi người vượt qua những thử thách không thể tránh khỏi của cuộc sống thường ngày cũng như những thử thách gắn liền với ơn gọi Kitô hữu.

Một lần nữa, đó chính là bước theo chân Đức Kitô, như Thánh Tông Đồ gợi lên cho ông Timôthê: “nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,12). Lời khuyên tiếp theo phát xuất trực tiếp từ tâm hồn của thánh Phaolô: “Hãy tránh xa các đam mê tuổi trẻ”, bao gồm, dù rằng không nói ra, sự nóng giận; hãy ‘theo đuổi sự công chính, lòng tin, lòng mến, và sự bình an, cùng với những ai kêu cầu Chúa với lòng trong sạch. Còn những tranh luận điên dại và ngu dốt, anh hãy loại xa, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra xung đột. Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được xung đột, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối, may ra Thiên Chúa ban cho ơn hối cải để nhận biết sự thật” (2Tm 2,22-25). Thánh Phaolô nói rõ rằng chỉ trong đường lối ấy, con người mới có thể có tương giao thật sự với Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện: “Tôi muốn rằng đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay thánh thiện giơ lên, tâm hồn không giận hờn, không xung khắc” (1Tm 2,8).

Lá thư gửi tín hữu Do Thái (Hipri) được viết cho những người gốc Do Thái, trong đó có nhiều người là các tư tế của luật cũ. Đức tin của họ đang bị lung lay, vì thế cam kết của họ cần phải được củng cố. Vì thế, tác giả mời gọi họ nhớ lại nhiệt tình thưở ban đầu khi mới gia nhập Kitô giáo. Trên hết, thánh nhân nhắc nhớ họ về lòng kiên trì họ đã có vào thưở ấy: “xin anh em nhớ lại những ngày đầu, lúc vừa được ơn chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi khổ đau dồn dập. Khi thì anh em bị lăng nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ. Quả thật, anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng chấp nhận bị tước đoạt của cải, bởi biết rằng mình có những của vừa quý giá hơn và bền vững hơn. Vậy anh em đừng đánh mất lòng tin tưởng mạnh dạn của anh em; lòng tin tưởng đó sẽ mang lại một phần thưởng lớn lao”. Rồi thánh nhân kết luận: “anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành Thánh Ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều đã hứa” (Dt 10,32-36).

Thánh nhân cảnh báo họ về sự kém lòng tin và “thái độ uể oải”, đồng thời khuyến khích họ “noi gương những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa”. Có bước khởi đầu tốt đẹp chưa được kể là đã đủ, điều cần thiết là tiến tới trên con đường tốt lành, chống lại mọi cám dỗ muốn sống ngược lại. Tác giả nhắc đến mẫu gương của ông Abraham, người đã nhận được lời hứa vì đã kiên nhẫn đợi chờ” (Dt 6,12. 15). “Mặc dù không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18; X. 4,2-3; Dt 11,8,17; Gl 3,6,9; Gc 2,21). Ông hoàn toàn tin tưởng lời Thiên Chúa hứa sẽ ban cho ông một dòng dõi (xc. St 13,16; 15,5-6; 17,4-7) mặc dù ông đã già (xc. St 12,4; 16,16; 17,1,24; 18,11), và bà Sara vợ ông cũng lớn tuổi (xc. St 21,2; 17,17; Dt 11,11; Rm 4,19) và hiếm muộn (xc. St 16,2; 18,11).

Kiên trì là chờ đợi ngày mà chương trình của Thiên Chúa được tỏ hiện. Thái độ kiên trì chờ đợi như thế đã hoạt động trong đời sống các vị tổ phụ, nơi Ông Abel và những nhân vật trong suốt lịch sử Israen cho tới sau này (xc. Dt 11,2-38). Thật vậy, ông Môsê, dù phải chống lại những người đầy thế lực như Pharaô, “vẫn luôn vững vàng, không nao núng, vì như thể xem thấy Đấng vô hình” (Thiên Chúa) (Dt 11,27). Do đó, “phần chúng ta được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua đang ở phía trước chúng ta, mắt chăm chú nhìn vào Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin. Vì niềm vui đang chờ mình ở phía trước, chính Người đã chịu khổ hình thập giá” (Dt 12,1-2).

Để an ủi, thánh nhân trấn an họ: “Thiên Chúa không bất công mà quên việc anh em làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Người, vì anh em đã phục vụ và còn đang phục vụ các thánh” (Dt 6,10).

Kiên trì là một nhân đức đặc biệt trong đời sống Kitô hữu, bởi vì nó nâng đỡ những ai đi trên hành trình gian khổ, dù mục tiêu (đích đến) vẫn rõ ràng, nhưng không thể thấy trước được những khó khăn. Tin là tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, như ông Abraham đã làm, khi ông vâng nghe tiếng gọi mà “ra đi dù không biết mình đi đâu” (Dt,11,8).

Ông đã lìa bỏ mảnh đất của tổ tiên (Xc. St 12,1-4), và chỉ mang theo mình “lời hứa sẽ được thừa hưởng thế gian làm gia nghiệp…, hoàn toàn xác tín rằng điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4,13,21).

Lòng tin của tổ phụ Abraham đã được thử nghiệm khi Thiên Chúa yêu cầu ông sát tế người con duy nhất của ông, là Isaac (Xc. St 22,1-19), đứa con của lời hứa (Xc. Rm 9,7-9). Ông Abraham đã vâng nghe vì “ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết chỗi dậy” (Dt 11,19; X. Rm 4,17). Nhờ vậy, trước mặt Thiên Chúa, ông là cha của chúng ta trong đức tin, cha của nhiều dân tộc (Rm 4,16-18), và “được gọi là bạn hữu của Thiên Chúa (Gc 2,23).

Theo triết gia Kierkegaard, tổ phụ Abraham trở thành vĩ đại “vì biết đợi chờ”, hay nói cách khác chính là biết kiên nhẫn. Thực vậy, có người trở thành vĩ đại vì đang trông chờ điều có thể; người khác trở thành vĩ đại vì biết trông chờ điều vĩnh cửu; nhưng người vĩ đại nhất là người đã trông chờ điều không thể[1]. Tổ phụ Abraham “vì đã tin vào điều vô lý” và vì thế đã trở thành người vĩ đại nhờ sức mạnh của lòng tin, mà sức mạnh của ông chính là sự bất lực; ông vĩ đại vì sự khôn ngoan, mà điều thâm sâu của sự khôn ngoan ấy lại là sự dốt nát; ông vĩ đại bởi niềm hy vọng của mình mà cách thức của niềm hy vọng ấy thì khác thường[2].

“Đang khi dõi bước tổ phụ chúng ta là ông Abraham trên đường đức tin” (Rm 4,12), Thánh Tông Đồ dân ngọai, từ lúc trở lại theo Chúa cho đến lúc bị cầm tù và trảm quyết vì Tin Mừng, vẫn luôn trung tín với sứ mạng của mình, như một người lính trung thành với lệnh truyền đã lãnh nhận (Xc. 2Tm 2,4). Thánh nhân đã đón nhận tất cả những đau khổ trong sứ mệnh với một lòng kiên nhẫn đầy anh hùng, bởi vì, thánh nhân đã được thúc đẩy bởi một ước nguyện duy nhất là nhằm cứu độ chính các anh em của mình: “cam chịu mọi sự (hyponéno), để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn” (2Tm 2,10): đó là vinh dự của thánh nhân, đồng thời cũng là chương trình sống ông để lại cho tất cả những ai có lòng thiện chí, nhất là cho mọi người tin vào Đức Kitô Giêsu.


[1] S. Kierkegaard, Fear and Trembling, chương I.

[2] S. Kierkegaard, nt

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng