THÂN PHẬN CON NGƯỜI VÀ Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI

THÂN PHẬN CON NGƯỜI VÀ Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI





HÃY HỌC CÙNG GIÊSU (20)

Các bạn thân mến !

Nói đến thân phận con người và ý nghĩa cuộc đời là nói đến điều gì đó vừa cụ thể gần gũi nhưng lại vừa bao la vượt quá tầm hiểu biết của con người. Thân phận con người là điều mà chúng ta sống, chúng ta đảm nhận từng ngày. Cuộc đời có nghĩa hay vô nghĩa cũng là điều mà chúng ta sống và cảm nhận rất rõ ràng mỗi ngày. Thế mà xoay quanh thân phận con người và ý nghĩa cuộc đời luôn có những câu hỏi làm cho người ta trăn trở và day dứt khôn nguôi.

Quả thế, trong hành trình cuộc đời, thế nào cũng có lúc người ta phải dừng lại và tự đặt cho mình những câu hỏi như: Tôi là ai giữa cuộc đời này? Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Đâu là giá trị của thân phận con người? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Sống để làm gì?..

Chưa trả lời được cho câu hỏi về sự sống, người ta đã phải đối diện với một vấn nạn khác còn oan nghiệt hơn. Đó là cái chết. Mỗi khi bị đặt đối diện với cái chết của người khác, người ta không khỏi tưởng nghĩ đến cái chết của mình. Đôi lúc cái ranh giới giữa sống và chết bỗng trở nên mong manh quá đỗi. Có những người gần gũi với chúng ta, mới ngày hôm qua hãy còn là một con người sống động và đầy năng lực, hôm nay đã là một cái xác lạnh ngắt vô hồn trong huyệt mộ…

Nếu chết có nghĩa là hết, cái chết trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp cho cuộc sống của một con người. Thế nên có người quan niệm rằng con người được sinh ra là để hướng về cái chết. Bước qua mỗi ngày sống, người ta tiến gần đến với cái chết của mình hơn. (M. Heidegger). Cái chết khiến người ta nhìn về hành trình cuộc đời và thân phận con người hết sức bi quan và tiêu cực. Có người khi chứng kiến những điều tồi tệ trong hành trình ngắn ngủi của cuộc đời làm người, đã không ngại tuyên bố rằng con người chỉ là một dòng sông nhơ bẩn với đầy những tham vọng, bạo tàn và bất chính (F. Nietzsche). Người khác thì lại cho rằng con người chỉ thuần là vật chất, chết là hết chuyện (K. Marx). Nhiều người khác nữa lại có cái nhìn về con người thê thảm đến độ, với họ, giác ngộ và thức tỉnh về thân phận con người không gì khác hơn là nhìn ra những vô lý đến cùng cực trong thân phận làm người (A. Camus). Đó là lúc con người bị đau khổ choáng ngợp và thấy ghê tởm cả cuộc sống. Đó cũng là lúc họ phải đối diện với cái chết trống trơn vô nghĩa.

Với tất cả những suy nghĩ ấy, người ta cố vùng vẫy để tự ban cho cuộc đời mình một ý nghĩa, để khoát cho mình ánh vinh quang của những anh hùng, những siêu nhân. Cũng không ít người đi tìm kiến tạo cuộc đời mình trong tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội, khoái lạc xác thịt… Để rồi đến một lúc nào đó, họ ngỡ ngàng nhận ra rằng tất cả những điều ấy chỉ là những thứ bên ngoài mà mình đã cố công để tô điểm cho mình. Còn chính mình thì vẫn cứ là một vấn nạn càng lúc càng bí ẩn.

Thưa các bạn, nếu con người chúng ta không thể tự ban cho mình một cuộc đời, làm sao chúng ta có thể ban cho cuộc đời ấy một ý nghĩa đích thực? Mọi lý thuyết, mọi quan niệm nhân tạo gắn vào cuộc đời của con người dường như đều gượng gạo và gò ép. Thân phận con người và ý nghĩa của cuộc đời là điều người ta phải sống, phải chiêm niệm và khám phá từng ngày, hơn là điều để người ta tranh luận bàn cãi hay chiến đấu để chiếm đoạt.

Sống là một cuộc hành trình. Nhìn cuộc sống theo hướng nào, người ta sẽ đẩy hành trình đời mình theo hướng ấy. Nếu cuộc đời tôi chỉ là kết quả của một ngẫu nhiên vô tình nào đó, cùng lắm tôi chỉ có thể sống giữa đời ở mức ngẫu nhiên và vô tình. Nếu cuộc đời là bể khổ mênh mông và con người chỉ là một cánh bèo trôi bập bềnh trong bể khổ ấy, tôi chẳng cần ham sống để xây dựng cuộc đời, nhưng chỉ lo tìm cho mình một lối ngõ nào đó để vượt thoát mà thôi. Nếu cuộc đời là hư vô, tôi chỉ có thể giam mình trong nỗi day dứt của một thân phận bi đát bị tất định theo một cái định luật nghiệt ngã nào đó. Nếu cuộc đời tôi là một sự kết án và đày ải, không sớm thì muộn tôi sẽ nổi loạn, phá đổ và hủy hoại chính cuộc đời mình.

Còn ngược lại, nếu cuộc đời tôi là một quà tặng yêu thương, tôi giơ tay đón nhận với cả lòng biết ơn và sự quý mến. Nếu cuộc đời tôi là một mầu nhiệm, tôi sẽ chiêm bái và cung kính đối cuộc đời mình. Nếu cuộc đời tôi là một ân sủng có giá trị linh thánh, hành trình sống của tôi từ lòng mẹ cho đến lòng đất sẽ phải được bảo vệ và trân trọng.

Là một người Công Giáo, chúng ta tin rằng chết không có nghĩa là hết và cuộc đời làm người có một ý nghĩa đặc biệt. Tuy nhiên đây không phải là một xác tín dễ giải, không phải là một liều thuốc trấn an chúng ta, và càng không phải là một lối thoát để chúng ta được giải gỡ ra khỏi những trăn trở ưu tư về thân phận con người.

Chúng ta được dạy để thành thật nhìn ra những yếu đuối và tạm bợ trong cuộc đời làm người: như một thoáng mây bay chợt đến rồi chợt đi giữa cuộc đời, như bông hoa sớm nở chiều tàn, như sương mai vừa hợp đã vội tan, như mong manh cát bụi sẽ trở về với cát bụi… Tất cả những điều ấy đều gợi lên trong chúng ta nhiều suy tư và trăn trở. Tuy nhiên, tất cả những suy tưởng về thân phận con người chỉ được coi là nghiêm túc và sâu lắng khi đằng sau nó có lấp lánh chút tia sáng của niềm tin, của hy vọng. Tuyệt vọng trong chính những suy nghĩ bi quan của mình là hướng đi tự nhiên thường thấy. Nhìn ra những giá trị tích cực, tìm ra sự tươi tắn ngay trong những đổ vỡ mất mát và yếu nhược, đó mới là cách sống của một người có niềm tin vào Thiên Chúa. Khi đó, những trăn trở về thân phận con người không bao giờ có thể giam hãm chúng ta trong cái vòng xoay luẩn quẩn của bất mãn và tuyệt vọng.

Khi chiêm niệm về thân phận con người, chúng ta được dẫn đến với hình ảnh của một Thiên Chúa làm người. Trước những đớn đau dằn vặt của con người, Thiên Chúa cho chúng ta một câu trả lời. Câu trả lời ấy nằm chính nơi cuộc đời của con người Giêsu. Giêsu không đến để đưa ra một thiên khảo luận về con người, không giải đáp những thắc mắc về thân phận con người. Ngài đến để sống như một con người. Ba mươi năm ở làng Nagiareth, Giêsu lặng lẽ sống như một con người bình thường giữa bao nhiêu con người khác. Vì sao thế? Phải chăng vì cuộc sống con người với những cái bình lặng thường ngày của nó luôn có một giá trị nhất định. Chỉ cặp mắt biết chiêm niệm và con tim biết yêu thương mới có thể nhận ra cuộc đời này ý nghĩa dường bao.


Lạy Chúa
Chúa cho chúng con một cuộc đời,
rồi chúng con thường lao đao vất vả
đi tìm ý nghĩa của cuộc đời ấy.
Thế nhưng chúng con nhận ra rằng
một lý thuyết dù có hay đến độ nào đi nữa
cũng không thể vỗ về và làm chúng con an lòng,
và càng không thể miễn trừ cho chúng con
cái trách nhiệm phải đảm nhận cuộc đời của chính mình.

Lạy Chúa,
có những lúc chúng con không dám tin chắc rằng
mình đến từ Chúa và sẽ trở về với Chúa.
Dường như luôn có một thúc đẩy thầm kín nào đó
khiến chúng con luôn muốn vượt thoát thân phận thọ tạo
để trở thành những tạo hóa của chính mình.
Kết quả là chúng con dễ tự giam mình
giữa vòng luẩn quẩn trong nỗi ám ảnh của hư vô,
của đớn đau và tuyệt vọng.

Đồng hành với chúng con mỗi ngày trong kiếp người
xin Chúa giúp cho mỗi ngày sống của chúng con
là một cuộc thực tập trong lòng tin cậy mến
Chính niềm tin sẽ cứu rỗi chúng con
Chính niềm hy vọng sẽ nâng chúng con lên
Và chính lòng yêu mến sẽ cho chúng con tự do vui sống.

Nhờ quy hướng trọn vẹn về Chúa,
xin giúp chúng con cảm nghiệm sâu xa hơn
ý nghĩa của cuộc đời và giá trị của việc làm người.
nhờ đó chúng con biết yêu mến cuộc sống của mình hơn,
và nhờ đó, hết lòng xây dựng Nước Chúa nơi trần gian này. Amen.

RADIO VATICANA
MỤC : HÃY HỌC CÙNG GIÊSU
PHỤ TRÁCH : LƯU MINH GIAN


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh + 1 Kinh cầu cho linh hồn mồ côi. Bạn đã cứu được 1 linh hồn trong luyện ngục rồi đó.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng