SỐNG ĐỨC MẾN THEO THÁNH PHAOLÔ

DẪN NHẬP

Thánh Phaolô coi đức mến đối với tha nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu của đời sống Kitô hữu, là trọng tâm của tất cả hoạt động Kitô giáo. Mọi việc người ta làm đều phải xuất phát từ lòng mến (1Cr 16,14). Trổi vượt hơn những đặc sủng (1Cr 12,31-13,2), đức mến được xếp vào vị trí thứ nhất trong số các “hoa trái của Thánh Thần” (Gl 5,22-23). Đức mến là căn tính của Kitô hữu nên cũng là nền tảng xây dựng cộng đoàn Giáo Hội. Trong các thư gửi cho các giáo đoàn, thánh nhân đã nhiệt thành rao giảng đức mến và tha thiết mời gọi mọi người sống yêu thương và phục vụ nhau. Những lời giáo huấn đó được rọi sáng và tạo nên sức thuyết phục mạnh mẽ nhờ gương sáng và đời sống chứng tá của ngài. Ngài nói: “Omnibus omnia factus sum” (Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người) (1Cr 9 22). Quả thật, thái độ triệt để và tinh thần dấn thân quyết liệt sống đức mến của Thánh Phaolô là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta trong nỗ lực sống đời trọn hảo trong ơn gọi làm con Chúa.

Trước hết, chúng ta cùng cầu nguyện để có những tâm tình như Thánh Phaolô:

- 1Tx 2,8: “Chúng tôi đã yêu mến anh em tha thiết, đến nỗi sẵn sàng chia sẻ với anh em, không những chỉ Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả chính mình chúng tôi...”

- 1Cr 9,19-23: “…Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người…”

TRÌNH BÀY

Ở đây chúng ta tập trung tìm hiểu thái độ và lập trường của Phaolô trong một số hoàn cảnh cụ thể của sứ vụ tông đồ mà thánh nhân đã trải qua. Đoạn thư 1Cr 9,19-23 sẽ cho chúng ta thấy mẫu gương sống động của việc “trở nên tất cả” cho người Do Thái, cho thế giới dân ngoại, và những người yếu đuối. Tìm hiểu kỹ cách sống của ngài với những nhóm người này, chúng ta sẽ hiểu rõ được yếu tố cốt lõi của đức mến, đó là hết lòng yêu thương phục vụ con người để dẫn đưa mọi người về với Chúa.

Trở nên Do Thái cho những người Do Thái

“Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái, để chinh phục người Do-thái”. (1Cr 9,20) Phaolô đề cập đến nhóm này trước nhất, bởi vì sứ mệnh đem ơn cứu độ cho các anh em Do Thái của ngài vẫn luôn là việc ưu tiên trong tâm tư của ngài. Để chinh phục họ, ngài không quản ngại bất cứ đòi hỏi nào. Điều khó khăn nhất đối với ngài là đôi lúc phải chấp nhận từ bỏ niềm hạnh phúc được tự do, được thanh thoát trong Chúa Kitô. Điều này là thách đố bởi vì những người Do Thái thượng tôn lề luật đúng thực như ngài đề cao được tự do thoát khỏi lề luật. Đó là một đối cực. Đối với người Do Thái, Lề Luật xuất phát từ Thiên Chúa, đó là phương thế Thiên Chúa dùng để kí kết giao ước với họ, nghĩa là trao ban chính mình cho họ, và tuân giữ Lề Luật là cách thế họ đáp lại tình yêu của Ngài với tư cách là dân được tuyển chọn. Lề Luật là một phần của đời sống văn hoá và dân tộc đến nỗi xem thường lề luật chính là khước từ sự sống.

Thánh Phaolô chấp nhận chịu nhiều đau khổ cho mình hơn là tạo ra bất cứ điều gì làm cớ vấp phạm cho những người Do Thái trở về với Chúa Kitô. Do đó chúng ta thấy, trong mọi cuộc tiếp xúc với người Do Thái, ngài đã bày tỏ sự cẩn trọng, tế nhị nhất trong việc tuân giữ Lề Luật. Vào đoạn cuối chuyến hành trình thứ hai Phaolô đã thực hiện lời khấn của mình như một na-dia và lên Giêrusalem tiến dâng lễ vật theo Luật đòi hỏi để chu toàn luật buộc này (Cv 18,18). Ngài băn khoăn lên Giêrusalem cho kịp ngày lễ Ngũ Tuần (20,16). Vào cuối chuyến hành trình thứ ba, Phaolô cùng với bốn người Do Thái thực hiện lễ nghi thanh tẩy trong đền thờ (Cv 21,21-27). Ngài đã hướng dẫn để Timôthê, một cộng sự viên của ngài thực hiện phép cắt bì, bởi vì mẹ của Timôthê là Do Thái, còn cha là người Hi Lạp. Phaolô “tôn trọng những người Do Thái ở những miền đó” (Cv 16,3) nên không để tạo ra những trở ngại nào trong việc gia nhập Hội Thánh. Đó là một số dấu chứng cho thấy ngài tôn trọng Lề Luật của các anh em Do Thái, chưa kể đến việc tuân thủ những tập tục trong cách ăn uống và giao tiếp với đối họ.

Thánh Phaolô đã học theo gương của chính Chúa Giêsu trong cách hành xử của mình. Chính Chúa đã không làm theo ý riêng, nhưng Người luôn chu toàn thánh ý Chúa Cha. Chúa đã tuân phục Lề Luật và chấp nhận phép cắt bì để chinh phục những người anh em của Người và tỏ cho họ thấy Người đã chu toàn lời hứa của các Tiên Tri. Con đường của Chúa Giêsu là con đường hoàn toàn từ bỏ để phục vụ tha nhân, đó cũng chính là con đường Phaolô đã chọn theo.

Đối với những người sống ngoài Lề Luật

1) Khi Phaolô nói “Những người sống ngoài Lề Luật” ngài muốn đề cập đến mọi người trong thế giới thời đó, ngoại trừ người Do Thái. Những người dân ngoại đó không sống theo một đường lối đáp trả mặc khải của Thiên Chúa, thí dụ, một hình thức tuân phục Lề Luật như người Do Thái. Đối với thành phần này Phaolô không áp đặt bất cứ một lề lối đáp trả riêng biệt nào mà uyển chuyển đưa ra những hướng dẫn phát xuất từ cốt lõi sứ điệp Kitô giáo, hoặc từ nếp sống luân lý truyền thống đã bám rễ sâu vào cội nguồn văn hoá của họ. Chúng ta so sánh hướng dẫn của Phaolô trong 1Cr 8,1-6 và chỉ thị của Công đồng Giêrusalem trong Cv 15,19-21 về vấn đề thịt cúng.

Một trong những đóng góp lớn nhất của Phaolô cho Giáo Hội là chứng tỏ cho người ta thấy rằng: Chỉ Tin Mừng mà thôi đã dư đủ để đem con người trở về với Thiên Chúa, mà không cần thêm một điều gì khác. Và bất cứ đâu khi Tin Mừng lan tới, bất kể trong nền văn hoá hoặc dân tộc nào, người ta sẽ có những cách thế đón nhận thích hợp. Dĩ nhiên, việc đón nhận này có thể tuỳ thời hội nhập theo từng nền văn hoá, nhưng Phaolô xác tín rằng: Hạt giống Lời Chúa sẽ luôn tìm được mảnh đất thích hợp trong mọi hoàn cảnh.

Xác tín của Phaolô rằng việc đáp trả của con người đối với Chúa là tuỳ nghi uyển chuyển chính là lý do căn bản cho sự thành công trong sứ vụ tông đồ của ngài.

2) Thái độ thứ hai trong việc “trở nên mọi sự cho mọi người” đó là tôn trọng xác tín tôn giáo của những người mà Phaolô tiếp xúc. Là một người Do Thái nhiệt thành ngài có thể tỏ ra ít kiên nhẫn với các hình thức tôn sùng ngẫu tượng cùng với những lệch lạc của nó. Tuy nhiên ngài nhận ra rằng Thiên Chúa đã gieo vào trong tâm khảm con người một khả năng hướng thiện, nên ơn sủng của Chúa Kitô có thể được xây dựng trên chính nền tảng hướng thiện ấy. Thiên Chúa đã dựng nên con người có một lương tâm, một lề luật được ghi tạc trong tâm hồn họ. Ngỏ lời với dân ngoại, Phaolô viết trong Thư Rôma: “Họ (dân ngoại) cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó” (Rm 2,15). Tin tưởng đó giúp Phaolô trước tiên có thái độ chấp nhận thực tế của mỗi hoàn cảnh để rồi từng bước chuyển hoá nó.

Khi nói tới niềm tin tưởng của Phaolô vào lương tâm con người, chúng ta có thể đặt ra nhiều nghi vấn vì những điều ngài trình bày về tình trạng sa ngã của con người. Tuy nhiên, đó là hệ qủa của những người từ chối ơn thánh. Nhìn chung, người ta cho rằng quan điểm của Phaolô về con người là lạc quan hơn là bi quan. Con người có khả năng hướng đến điều thiện, và với sự trợ giúp của ơn thánh, họ có thể làm được những điều mà thông thường người ta cho là bất khả. Khi dùng từ “tôi” trong câu: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (7,24), Phaolô muốn nói đến điều kiện chung của mọi người.

3) Một phương diện khác, đó là vấn đề hội nhập ngôn ngữ. Xét về khả năng ngôn ngữ, Phaolô có lợi thế là sử dụng được cả hai ngôn ngữ; ngài nói tiếng Hi Lạp thông thạo hơn tiếng Aram, dù ngài đã sống thời gian tuổi trẻ tại Giêrusalem. Tuy nhiên, nói được một ngôn ngữ là một chuyện, còn nắm vững những giá trị văn hoá lại là vấn đề khác, nhất là về tôn giáo. Các thư của ngài sau này, Thư Côlôsê và Thư Ephêsô, cho thấy ngài đã nắm vững ngôn ngữ tôn giáo của những nhóm dân vùng Tiểu Á. Ngài ở lâu tại Êphêsô, nên hiểu rõ ngôn ngữ về “mầu nhiệm” tôn giáo đã bao trùm văn hoá của họ, và ngài đã cố gắng sử dụng chính ngôn ngữ đó trong bối cảnh mới là mặc khải Kitô giáo (x. Cl 1,25-27).

Rõ ràng, Phaolô đã nhận thấy qua kinh nghiệm của mình rằng ngài phải trình bày giáo thuyết Kitô giáo bằng chính ngôn ngữ tôn giáo đã gắn kết trong văn hoá của những người mà ngài tiếp xúc.

4) Thật sự có phải Phaolô bị giới hạn trong việc phải vay mượn ngôn ngữ tôn giáo dân ngoại, hay ngài muốn dùng chính triết học Hi Lạp để công bố mặc khải Kitô giáo? Chứng cứ cho thấy ngài theo hướng thứ hai. Trong loạt thư đầu, các Thư 1&2 Thessalônica và 1 Côrintô, Phaolô hướng về ngày Chúa trở lại như sắp xảy đến; ngài ước mong được sống vào thời đó (1Tx 4,17). Tuy nhiên vào thời điểm viết Thư 2 Côrintô, ngài bắt đầu suy nghĩ lại vấn đề này. Ngài nhận thấy sự sống của mình thật mong manh; và hầu chắc không thể rời khỏi Êphêsô mà còn sống (2Cr 1,8-11). Vậy việc phải chết trước ngày Chúa quang lâm và ngày Sống Lại sau hết sẽ là gì? Điều gì xảy ra cho các Kitô hữu phải chết trong thời gian chờ đợi Chúa đến? Phaolô trước đó, theo quan niệm Sêmit hiểu rằng thân xác toàn vẹn sẽ được sống lại cùng với Chúa Kitô, nhưng sau đó ngài đã vận dụng khái niệm triết học Hi Lạp về “Bản ngã tự tại” để suy tư theo một hướng mới. Trong Thư 2 Côrintô ngài kết luận rằng “bản ngã”, cái phần cốt lõi của con người, cùng với Thần Khí Chúa Kitô có thể làm cho “con người bên trong” vượt qua sự chết, để chờ được sống lại hoàn toàn trong thân xác. Vị Tông đồ viết: “Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời”.” (2Cr 4,16-17); xem thêm (2Cr 5,5).

Chúng ta có thể kết luận rằng Phaolô đã sử dụng tư tưởng Hi Lạp để suy tư về bản tính con người, và chứng minh rằng hệ qủa của sự phục sinh nơi Đức Giêsu sẽ được thành toàn nơi con người, cho dù họ phải ra đi trước ngày Chúa Quang Lâm.

5) Phaolô còn tôn trọng những giá trị luân lý nền tảng của những người đón nhận Tin Mừng ngài rao giảng:

“đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt.” (Rm 12,17).

Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài; hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người. (Cl 4,5-6).

Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe”.(Ep 4, 29).

Những đoạn văn trên đây cho thấy rằng đối với Phaolô cái cảm giác mà người Kitô hữu tạo ra nơi người không tin là một điều tế nhị, cần phải hết sức quan tâm. Những điều xúc phạm, những gì tạo cớ cho người khác hiểu lầm cần phải hết sức xa tránh.

Tôi đã trở nên yếu cho những người yếu...

Thành phần cuối cùng này không khỏi làm chúng ta bỡ ngỡ trước thái độ ứng xử của Thánh Phaolô. Bình thường chúng ta nghĩ rằng một người phải luôn tỏ ra cứng rắn và giữ vững lập trường của mình trước sự thật trong bất cứ hoàn cảnh nào? Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu nguyên tắc của Thánh Phaolô, ý kiến đó của chúng ta sẽ được chia sẻ thêm. Đối với ngài điều quan trọng duy nhất là làm thế nào để cứu “một người anh em mà Chúa Kitô đã chết để cứu chuộc” (1 Cr 8,11). Không có những bận tâm cá nhân nào, không hoàn cảnh ngoại tại nào có thể cản trở điều này. Qủa thật, ngay cả những quyền lợi chính đáng của một người cũng phải nhường chỗ cho những lợi ích thiêng liêng tối hậu của người khác. Đối với Phaolô, “từ bỏ chính mình” có nghĩa là hoàn toàn đặt lợi ích cá nhân quy hướng về mục đích tối thượng của Thiên Chúa trong chương trình cứu chuộc nhân loại.

Chúng ta thấy nguyên tắc này được trình bày rõ rệt trong 1Cr 8 và 9. Có một số Kitô hữu cảm thấy “lương tâm bất an” về vấn đề thịt cúng. Vì lương tâm, họ do dự, áy náy khi ăn thịt bán ngoài chợ, có thể đã được cúng cho các thần. Về mặt nhận thức thì họ biết rằng ngẫu tượng chẳng là gì cả. Nếu đã không tin ngẫu tượng thì cúng hay không cúng, việc đó có nghĩa gì đâu! Nhưng về mặt tâm lý, vì thói quen đã nhiều năm tập thành, họ cảm thấy bị bối rối và ức chế. Trớ trêu thay, có những Kitô hữu đã đủ ý thức về vấn đề này, lại cố tình hành động lấn lướt người khác bằng cách phục vụ những người này thịt cúng, hoặc ăn thịt cúng trước mặt họ. Kết quả là họ đã trở thành nguyên cớ sa ngã cho “những người yếu kém hơn”, nhận thấy mình hành động đi ngược lại lương tâm.

Phaolô chấp nhận quan điểm của những người “mạnh”, nhưng trách cứ họ vì thái độ của họ đối với những người yếu. Ngài giải thích: tự do Chúa ban không bao giờ được trở thành cớ vấp phạm cho những anh em khác. Những người được gọi là “tiến bộ” đó đã ý thức đủ về sự việc, nhưng sự hiểu biết thuần tuý ấy sẽ tạo ra kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng (8, 1). Ngài nói: “Coi chừng, kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã” (8, 9). Nguyên tắc ngài đưa ra là: mọi ân huệ người Kitô hữu phải được dùng để xây dựng và giúp đỡ người khác, chứ không phải để huỷ diệt họ (x. 1Cr 8,10-13).

Khi Phaolô viết những điều này, ngài không nói với tư cách một người cố vấn an vị trong phòng ốc để khuyên dạy thiên hạ. Ngài đã sống nguyên tắc đó trong chính cuộc đời của ngài. Cá nhân ngài cũng có những quyền lợi và sự tự do mà ngài có thể đòi hỏi để có được sự nâng đỡ và những tiện nghi trong hành trình tông đồ. Hẳn ngài cũng có quyền có quý bà đi theo để phụ giúp, như thói quen vẫn có trong Hội Thánh tại Giêrusalem. Ông Phêrô và anh em của Chúa đều như thế (1Cr 9,4-6). Cũng vậy, ngài có quyền đòi hỏi sự giúp đỡ vật chất nơi các tín hữu, tuy nhiên ngài đã chọn tự tay lao động để tự túc. Trong cả hai trường hợp này, ngài chọn từ bỏ những quyền lợi cá nhân chính đáng, bởi vì ngài nghĩ rằng sống như vậy, mối lợi của việc rao giảng Tin Mừng sẽ được thực hiện tốt hơn. Phaolô tóm kết toàn bộ thái độ của ngài khi nói: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người” (9,19). Ngài xác tín mạnh mẽ về chân lý của Tin Mừng, và về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho con người đến nỗi tất cả những việc tư riêng khác đều phải hi sinh: tiện nghi, sự hưởng dùng, sự độc lập… miễn là con người được ơn cứu độ.

KẾT LUẬN

Thánh Phaolô coi đức mến là vinculum perfectionis, giềng mối của sự trọn lành (Cl 3,14). Hình ảnh này còn được hiểu là sợi dây tuyệt hảo nối kết tình huynh đệ giữa các tín hữu; hay: sợi dây nối kết các nhân đức, làm cho mọi sự nên trọn lành. Hiểu cách nào thì đức mến cũng là nền tảng của đời sống thiêng liêng, cá nhân cũng như cộng đoàn.

Trong thời gian chuẩn bị tâm hồn mừng Kim Khánh Giáo phận, biến cố kỉ niệm ngày Giáo phận được thành lập, chúng ta được mời gọi sống đức mến một cách hăng say, nhiệt thành. Chắc chắn Thánh Phaolô là mẫu gương sống động cho mỗi người chúng ta noi theo.

............................................................................................................................

(*) Theo bố cục ban đầu bài này có tựa đề là “Phaolô yêu mến con người”

Lm. Giuse Ngô Quang Trung


BÀI HỌC

1. H. Đức mến có ý nghĩa nào trong giáo huấn của Thánh Phaolô?

T. Thánh Phaolô coi đức mến đối với tha nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu của đời sống Kitô hữu, là trọng tâm của tất cả hoạt động Kitô giáo.

2. H. Câu nói nào thể hiện gương sống đức mến của Thánh Phaolô?

T. Ngài nói: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9, 22).

3. H. Thánh Phaolô gặp khó khăn nào khi sống với những người Do Thái?

T. Khó khăn lớn nhất là: người Do Thái thượng tôn lề luật đúng như ngài đề cao thoát khỏi lề luật.

4. H. Vậy Thánh Phaolô đã giữ thái độ nào khi ngài rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái?

T. Ngài đã bày tỏ sự cẩn trọng, tế nhị trong các cuộc tiếp xúc và tôn trọng việc tuân giữ lề luật của họ.

5. H. Khi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, trước tiên Thánh Phaolô có thái độ nào?

T. Ngài tuần tự đưa ra những hướng dẫn phát xuất từ cốt lõi sứ điệp Kitô giáo, hoặc từ nếp sống luân lý truyền thống đã bám rễ sâu vào cội nguồn văn hoá của họ.

6. H. Thánh Phaolô đã nhận định gì khi rao giảng Tin Mừng trong các môi trường văn hoá khác nhau?

T. Ngài xác tín rằng chỉ Tin Mừng mà thôi đã đủ để đem con người trở về với Thiên Chúa mà không cần thêm một điều gì khác. Và bất cứ đâu khi Tin Mừng lan tới, người ta sẽ có những cách thức đón nhận thích hợp.

7. H. Tôn trọng xác tín tôn giáo của dân ngoại nghĩa là gì?

T. Đó là, trước tiên chấp nhận những hình thức tín ngưỡng khác nhau vẫn có trong các nền văn hoá, rồi từ đó hướng dẫn người ta đi vào đức tin Kitô giáo.

8. H. Tại sao Thánh Phaolô luôn tỏ ra lạc quan về con người?

T. Vì ngài cho rằng con người có khả năng hướng đến điều thiện, và với ơn Chúa trợ giúp, họ có thể làm được những điều vượt qua giới hạn thông thường.

9. H. Thánh Phaolô đã thực hiện hội nhập văn hoá thế nào?

T. Ngài đã dùng chính kho tàng văn hoá Hi Lạp đương thời để trình bày mặc khải Kitô giáo.

10. H. Thánh Phaolô quan niệm thế nào về việc từ bỏ mình?

T. Đó là hoàn toàn quy phục bản thân và lợi ích cá nhân để phục vụ chương trình cứu độ của Thiên Chúa.


BÀI ĐỌC THÊM

Dưới đây là một phần tóm lược bài huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 26/11/2008 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ngài tiếp tục loạt bài Giáo lý về chân dung và tư tưởng của Thánh Phaolô với chủ đề: “Giáo huấn về ơn công chính: “Đức tin phải kết hợp với hành động”.

Trong bài Giáo Lý thứ tư tuần trước, tôi đã bàn đến việc làm thế nào để một người được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Theo Thánh Phaolô, chúng ta thấy rằng một người không thể trở nên “công chính” nhờ bởi những việc làm của riêng mình, nhưng có thể thật sự trở nên “công chính” chỉ vì Thiên Chúa ban cho người ấy “ơn công chính” qua việc kết hợp với Con của Ngài là Chúa Kitô. Và người ta có được sự kết hợp với Đức Kitô là nhờ đức tin. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng, đức tin chứ không phải việc làm của chúng ta, giúp cho chúng ta nên “công chính”. Tuy nhiên, đức tin không phải là một tư tưởng, ý kiến, hay một khái niệm. Đức tin là sự hiệp thông với Đức Kitô, và vì thế nó phải trở nên sự sống, sự khuôn rập đời sống của chúng ta với Người. Hay nói cách khác, nếu chúng ta sống đức tin một cách chân thực, nó sẽ trở thành tình yêu, thành đức mến, và nó phải được thể hiện ra bằng đức mến. Một đức tin không có tình yêu, không có hoa trái, không thể là đức tin thật. Nó là một đức tin chết.

Điều quan trọng là Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát, một đàng ngài qủa quyết rằng ơn công chính hóa chúng ta nhận được là nhưng không, chứ không nhờ việc làm, nhưng đồng thời ngài cũng nói đến mối liên hệ giữa đức tin và đức mến, giữa đức tin và việc làm: “Trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị gì cả, mà là đức tin hoạt động qua đức mến” (Gl 5, 6). Bởi thế, một đàng có “những việc làm của xác thịt”, như là: “dâm đãng, ô uế, phóng túng, thờ tà thần,…” (Gl 5, 19- 21): đó là những việc làm trái ngược với đức tin; nhưng đàng khác, có những việc làm của Thánh Thần, những việc làm nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu, khơi dậy “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, và tiết độ” (Gl 5, 22): đó là những hoa quả của Chúa Thánh Thần, được phát sinh nhờ Đức Tin.

Đứng đầu danh sách các nhân đức này là agape, đức mến; và cuối cùng là đức tiết độ. Thật vậy, Chúa Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, tuôn đổ hồng ân của Ngài, agape, vào lòng chúng ta (x. Rm 5, 5); và agape, đức mến, để thể hiện một cách trọn vẹn cần phải có sự tiết độ. Trong Thông điệp đầu tiên của tôi, Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu), tôi đã trình bày về tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, đã thâm nhập vào lòng chúng ta và biến đổi cuộc đời chúng ta một cách sâu xa. Các tín hữu biết rằng tình yêu thương nhau được biểu hiện trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Kitô, và qua Chúa Thánh Thần.

Chúng ta hãy trở lại thư gửi tín hữu Galát. Ở đây, Thánh Phaolô nói rằng, các tín hữu làm trọn giới luật yêu thương bằng cách mang đỡ gánh nặng cho nhau (x. Gl 6, 2). Được nên công chính nhờ hồng ân đức tin vào Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi sống cho tha nhân trong tình yêu của Chúa Kitô, bởi vì đó là điều kiện mà dựa vào đó Chúa sẽ xét xử chúng ta khi kết thúc cuộc đời. Thật vậy, Thánh Phaolô không nói gì khác hơn là nhắc lại những gì chính Chúa Giêsu đã giảng dạy, được đọc trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, dụ ngôn về Ngày Chung Thẩm. Chúng ta cũng hãy trở lại Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã cống hiến cho chúng ta một bài ca tụng tình yêu thời danh, còn được gọi là “Bài ca đức mến”: “Nếu tôi nói được các ngôn ngữ của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng sẽ chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng… Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không gây hận thù... Đức mến không bao giờ mất được" (1Cr 13, 1. 4-8). Đức mến Kitô giáo đòi hỏi triệt để bởi vì nó phát xuất từ tình yêu trọn hảo Chúa Kitô dành cho chúng ta: tình yêu này cật vấn chúng ta, đón nhận chúng ta, ấp ủ chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, đến mức làm chúng ta bị dày vò, bởi vì nó đòi chúng ta không được sống cho chính mình, không còn khép kín trong tính ích kỉ, nhưng “sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (2Cr 5,15). Tình yêu của Chúa Kitô biến đổi chúng ta thành tạo vật mới trong Người (x. 2Cr 5,17), và tháp nhập chúng ta vào Nhiệm Thể của Người là Hội Thánh.

Nhìn theo nhãn quan đó, sự công chính hóa không do bởi việc làm, đối tượng chính của giáo huấn Thánh Phaolô, không trái ngược với đức tin hoạt động trong đức mến. Trái lại, chính đức tin của chúng ta cần phải được thể hiện cụ thể trong đời sống được hướng dẫn theo Thần Khí.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng