LUYỆN NGỤC

LUYỆN NGỤC



LUYỆN NGỤC:

CUỘC THANH TẨY CUỐI CÙNG

------------------------

Phần một: Lời vào

------------------------

Con người sinh ra đời không phải để sống luôn mãi, nhưng sau một thời gian vắn dài, con người phải chết. Đó là lối đi một chiều không có đường trở lại.

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng:

- Linh hồn người công chính khi chết nếu sạch mọi tội và hình phạt vì tội, thì được vào Thiên đàng hưởng phúc đời đời. Đó là điều thuộc đức tin.

- Ngược lại, kẻ chết khi linh hồn mắc tội trọng, sẽ phải vào Hỏa ngục chịu hình phạt đời đời. Điều này cũng thuộc đức tin.

- Còn người chết khi linh hồn mắc tội nhẹ, hoặc còn vướng hình phạt tạm vì tội chưa đền bù hết, sẽ phải vào Luyện ngục để chịu đền bù. Đó cũng là điều thuộc đức tin. ( Dr. Ludwig Ott, Fundamentals of Catholic Dogma, Tan Books...Inc.).

Nhưng mấy ai không "mắc tội nhẹ, và mấy ai không vướng hình phạt tạm thời vì tội chưa đền bù hết" để được vào Thiên đàng ngay sau khi chết? Họ sẽ đi đâu?

Những trang sau đây sẽ trình bày về Luyện ngục qua các đề tài:

1. Có Luyện ngục không? (Theo Kinh thánh, Giáo lý Công giáo, tâm lý con người)

2. Luyện ngục ở đâu?

3. Hình khổ Luyện ngục thế nào?

4. Các linh hồn trong Luyện ngục chịu thanh tẩy thời gian bao lâu?

5. Những phương thế cứu các linh hồn Luyện ngục?

6. Các linh hồn Luyện ngục trả ơn các ân nhân đã cứu mình thế nào?

7. Những cách tránh bị giam phạt trong Luyện ngục lâu dài.

Tài liệu trích dẫn:

Kinh Thánh, Thánh Truyền, Công đồng, Giáo lý Giáo hội Công giáo, và chứng cớ do các thánh thuật lại theo tài liệu từ 2 cuốn sách được phổ biến tại Mỹ: Charity for The Sufferings Souls của linh mục Gioan Nageleisen, và Purgatory của linh mục Schouppe dòng Tên. Phần ân xá trình bày theo Tông huấn Ân xá của Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 ban hành ngày 1 tháng 1 năm 1967.

Ước mong những trang này giúp các độc giả hiểu hơn về Luyện ngục, nơi thanh tẩy cuối cùng, để gắng vâng Ý Chúa, vui chịu những đau khổ đời này để lập công đền tội tránh Luyện ngục lâu dài sau này, và tìm cách cứu các linh hồn, nhất là các linh hồn thân yêu của chúng ta mau ra khỏi Luyện ngục đau đớn nóng nảy, về hưởng sự Sống hạnh phúc trong nhà Cha quê ta đời đời.

1. CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG?

11. Kinh thánh Công giáo chứng minh có Luyện ngục:

* Kinh Thánh Cựu ước nói tới Luyện ngục cách gián tiếp như sau:

111. Tiên tri Mikha viết:" Nếu tôi phải ngồi trong tối tăm, thì Yavê là ánh sáng cho tôi. Tôi xin mang lấy phẫn nộ của Yavê, vì tôi đã có lỗi với Người, Người sẽ đem tôi ra ánh sáng và tôi sẽ được thấy đức độ của Người" (Mk 7,8-9).

112. Sách thứ 2 Macabê kể rằng: "Yuđa thu quân và đi đến thành Ôđôlam, và vì ngày thứ Bảy đến nơi rồi, họ đã thanh tẩy mình theo lệ và qua ngày Hưu lễ ở đó. Hôm sau người ta đến gặp Yuđa, xin để đi thu lượm xác những người đã thiệt mạng, mà đem về chôn cất họ với thân thuộc nơi mộ tổ. Nhưng dưới áo lót của mọi người chết, người ta đã tìm thấy những đồ cúng cho tượng thần Yamnia, điều lề luật cấm chỉ người Do thái, nên mọi người đều rõ vì duyên do nào mà các người ấy đã bị thiệt mạng. Bấy giờ mọi người đều chúc tụng cách xử sự của Chúa, Đấng phán xét chí công và tỏ bày ra những điều giấu kín. Và họ đã quay đầu khẩn nguyện, xin cho tội phạm được hoàn toàn tẩy xóa. Còn vị anh hùng Giuđa thì ra lời khuyên nhủ đạo quân giữ mình sạch tội, một khi họ đã thấy nhãn tiền sự xảy ra vì tội những người đã thiệt mạng.

Đoạn ông quyên tiền nơi mọi người và gửi về Giêrusalem lối hai ngàn quan, để dâng lễ tế đền tội: Ông đã làm một điều rất tốt lành và cao quí, vì nghĩ đến sự sống lại, vì nếu ông không trông rằng những người bị thiệt mạng ấy sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết là việc dư thừa và ngớ ngẩn, còn nếu ông nhìn đến phần thưởng tuyệt hảo dành cho những người đã an nghỉ cách đạo đức, thì quả là ý nghĩ lành thánh và đạo hạnh; do đó ông đã xin dâng lễ tế xá tội cho những người đã chết để họ được tha thứ tội lỗi"(2 Mcb 12,38-45- Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR).

* Kinh Thánh Tân Ước cũng nói tới Luyện ngục cách gián tiếp như sau:

111. Phúc âm theo thánh Matthêu Chương 5 câu 25-26 Chúa Giêsu phán: "Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại trao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng".

Theo lý luận của các nhà giải nghĩa Kinh Thánh: "Ra khỏi nơi đó" không thể hiểu là ra khỏi Thiên đàng, vì Thiên đàng không phải là nơi ngục tù. Ai đã được vào Thiên đàng thì không bao giờ phải loại ra. "Ra khỏi đó" cũng không thể hiểu là ra khỏi Hỏa ngục, vì đã vào Hỏa ngục thì đời đời không được ra nữa. Vậy "ra khỏi nơi đó" chỉ có thể hiểu là ra khỏi Luyện ngục, nơi linh hồn đã đền tội xong.

112. Cũng Phúc âm theo thánh Matthêu chương 12 câu 32 Chúa Giêsu phán: "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người sẽ được tha thứ, nhưng bất cứ ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ không được tha, dù đời này dù đời sau".

Các Thánh Tiến sĩ như Augustinô, Gregoriô Cả, Benađô, Bêđa, đều cắt nghĩa rằng lời Chúa phán "không được tha dù đời sau" không thể hiểu về Thiên đàng, nơi đó không cần sự tha thứ; cũng không thể hiểu về Hỏa ngục, nơi đó không có sự tha thứ. Vậy "được tha thứ đời sau" chỉ có thể hiểu về Luyện ngục.

3. Thư Thánh Phaolô gửi dân thành Corinhtô đoạn sau đây cũng thường được cắt nghĩa về Luyện ngục: "Thật thế, ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì ngày ấy tỏ rạng trong lửa, chính lửa này sẽ thử nghiệm các giá trị công việc của mọi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ bị thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa" (1 Cr 3,11-15).

Các Thánh Giáo phụ giải nghĩa "vàng, bạc, đá quí" là những việc lành. "gỗ, cỏ, rơm" là những tội nhẹ, những khuyết điểm.

12. Giáo lý Công giáo dạy có Luyện ngục:

Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo được Đức Giáo hòang Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 tuyên bố trong các số sau:

1030

Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.

1031

Giáo Hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị án phạt. Giáo Hội đã trình bày giáo lý của đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia( xem DS 1304) và Trentô( xem DS 1820; 1580). Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh( Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), Truyền thống của Giáo Hội nói đến một thứ lửa thanh luyện:

"Đối với một số những lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán xét, theo như những gì mà Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau" (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau" ( Th. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).

1032

Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: "Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình" (2 Mcb 12,46). Ngay từ những thời gian đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng niệm các người đã qua đời, và dâng kinh lễ để cầu cho họ, nhất là dâng Thánh lễ( xem DS 856), để họ được thanh tẩy và tiến vào nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Giáo Hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ để giúp các người đã qua đời:

Chúng ta hãy cứu giúp họ và hãy tưởng nhớ họ. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hy sinh của cha họ( xem G 1,5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không mang lại ủi an cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ( Th. Gioan Kim khẩu, Hom. in 1 Cr 41,5).

13. Tâm lý con người muốn có Luyện ngục:

* Tâm lý con người muốn có nơi đền tội hơn là bị đọa phạt muôn đời:

Nhiều người dân các nước trên hoàn cầu vẫn tin có nơi đền tội trước khi linh hồn được siêu thoát về nơi cực lạc.

Theo tâm lý chung, khi cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng, bạn hữu ta qua đời, ai trong chúng ta lại không muốn các ngài được siêu thoát, được sống trong nơi hạnh phúc, mát mẻ, an nhàn. Nhưng nếu các ngài chưa đáng được vào nơi hạnh phúc Thiên đàng ấy, nếu các ngài chưa thanh sạch để vào gặp Chúa thanh sạch vô cùng, nếu các ngài chưa thánh thiện để vào gặp Chúa thánh thiện vô cùng, tự các ngài sẽ muốn có một thời gian, một nơi để tẩy luyện, để chuẩn bị gặp Chúa. Đàng khác, bởi con người yếu đuối lầm lỗi, ta không dám nghĩ rằng, người thân yêu của ta sẽ được lên Thiên đàng ngay, ta cũng không muốn nghĩ rằng người thân yêu của ta đã làm điều gian ác đến nỗi phải xuống Hỏa ngục, nếu suốt đời đã cố gắng giữ đạo Chúa. Vậy chắc các ngài còn phải đền bù tội lỗi ở một nơi nào đó, nơi đó gọi là Luyện ngục.

Bằng chứng từ người quá cố: Trong sách Mạc khải của thánh nữ Gêtruđê in năm 1875 tại Poitiers bên Pháp kể rằng:

"Trong tu viện thánh nữ có một nữ tu trẻ rất đạo đức nên được thánh nữ yêu mến cách riêng, nữ tu này qua đời trong hương thơm thánh thiện. Khi thánh nữ đang phó dâng linh hồn nữ tu này cho Chúa, thánh nữ được ngất trí đi. Bà thấy nữ tu mới qua đời đang đứng trước tòa Chúa, quanh mình nữ tu có hào quang sáng láng và được mặc y phục diễm lệ. Tuy nhiên nữ tu tỏ vẻ buồn và luống cuống, mặt cúi xuống đất, xấu hổ, không dám nhìn tôn nhan Chúa. Hình như nữ tu muốn chạy trốn đi ẩn mình. Thánh nữ Gêtruđê rất ngạc nhiên, bà thưa cùng Bạn Các Trinh nữ:

- "Lạy Chúa êm dịu tốt lành vô cùng, sao Chúa không gọi bạn Chúa đến cùng Chúa, cho bạn Chúa vào Nước Thiên đàng mà để bạn Chúa đứng xấu hổ, e thẹn trước Nhan Chúa như vậy?". Chúa Giêsu mỉm cười, vời nữ tu lại gần, nhưng nữ tu run rẩy, kinh hãi định chạy trốn. Thánh nữ liền nói với nữ tu:

- "Sao Chúa gọi con mà con không đến, con lại chạy đi?

- " Nữ tu trả lời:"Thưa Mẹ yêu dấu, con thấy mình không đáng đến trước mặt Con Chiên trong sạch vô cùng. Con vẫn còn vài lầm lỗi. Để được đứng trước Con Chiên, con phải trong sáng như ánh mặt trời. Con chưa được trong sạch như vậy, dù cửa Thiên đàng mở sẵn cho con, con cũng không dám vào, trừ khi con được thanh tẩy hoàn toàn mọi vết nhơ. Nếu con vào bây giờ, ca đoàn trinh nữ theo sau Con Chiên sẽ kinh hãi đẩy con lại".

- - Thánh nữ lại nói:"Mẹ thấy quanh con đã có ánh sáng bao bọc rồi mà?"

- - Nữ tu trả lời: "Thưa mẹ, đó chỉ là phần ngoài của ánh vinh quang, để mặc chiếc áo vinh quang này, người ta phải sạch hết mọi vết nhơ tội lỗi" (Purgatory p. 70-72).

2. LUYỆN NGỤC Ở ĐÂU?

Kinh Thánh không nói rõ Luyện ngục ở đâu, nhưng chắc chắn phải có một nơi nào đó (có ý kiến cho là một tình trạng) giam giữ các linh hồn cần thanh tẩy trước khi vào Thiên đàng.

* Giáo hội dạy: "Luyện ngục là một nơi và là một tình trạng thanh tẩy tạm thời mà nhiều linh hồn phải chịu phạt ở đó" (FCD p.482).

* Theo thánh Tôma Aquinô thì "Ý kiến có thể nhận được, và thấy hợp với những lời các thánh được mạc khải tư là Luyện ngục có hai nơi: một nơi dành chung cho các linh hồn, nơi này gần hoả ngục hơn; một nơi dành riêng cho một số trường hợp không thông thường, từ nơi này nhiều linh hồn được phép hiện về" (Purgatory p. 9).

* Thánh nữ Têrêsa Avila hay giúp các linh hồn bằng lời cầu nguyện, hi sinh và việc từ thiện. Để thưởng công, Thiên Chúa thường cho bà được thấy các linh hồn lúc ra khỏi Luyện ngục về Thiên đàng. Các linh hồn này từ dưới đất đi lên. Bà thánh viết: " Tôi được tin một Bề trên Tỉnh dòng mà tôi quen biết đã qua đời. Khi còn sống ngài đã giúp tôi nhiều. Dù vị tu sĩ này được coi là có nhiều nhân đức, nhưng tôi thấy cần cầu nguyện cho linh hồn ngài, bởi ngài làm Bề trên trong thời gian 20 năm, nên tôi e ngại nhiều về việc săn sóc các linh hồn đã được trao phó cho ngài. Phiền muộn, tôi đi tới nhà Nguyện dâng lên Chúa chút việc lành đã làm, và van nài công nghiệp vô cùng của Chúa, xin giải thoát linh hồn vị Bề trên này khỏi Luyện ngục. Trong khi tôi đang sốt sắng khẩn nài như vậy, tôi thấy vị Bề trên này từ dưới đất đi lên phía bên phải tôi, rồi lên thẳng Thiên đàng cách vui vẻ. Vị Bề trên này đã cao tuổi, nhưng tôi thấy dáng người như ở tuổi ba mươi, vẻ mặt rạng ngời ánh sáng. Thị kiến này xảy ra rất ngắn, nhưng tôi không nghi ngờ chút nào về sự thật tôi đã được thấy. Dù ở xa chỗ ngài qua đời.

3. HÌNH KHỔ LUYỆN NGỤC THẾ NÀO?

Trong Luyện ngục, các linh hồn phải chịu 3 thứ khổ: Khổ vì khao khát Chúa và khổ vì Lửa thiêu đốt và các hình khổ khác .

1. Khổ vì tâm hồn khao khát được thấy Chúa

* Thánh nữ Catarina thành Genova quả quyết: "Lòng ước muốn về gặp Chúa của linh hồn, chính là ngọn lửa cực nóng nảy làm héo hắt và gây đau thương cho các ngài hơn bất cứ thứ lửa thật nào khác".

* Thánh nữ Têrêsa Mẹ viết trong sách Lâu đài Tâm hồn rằng: "Hình khổ mong thấy Chúa vượt quá mọi hình khổ có thể tưởng tượng, vì linh hồn khao khát thấy Chúa mà còn bị phép Công bằng Chúa giữ lại. (Purgatory p. 38).

* Năm 1880, một linh hồn kể lại với bà Thánh Mechtilđê rằng, "Tôi không cảm thấy khổ, nhưng tôi không được thấy Chúa, Đấng mà tôi nhiệt liệt khát khao , mọi sự mong ước của loài người trên trái đất hợp lại cũng không sánh được với sự khát khao của tôi."

2. Khổ thứ hai bị lửa thiêu đốt

* Thánh Tôma Aquinô viết rằng: "Lửa thiêu đốt các linh hồn trong Hỏa ngục cũng là lửa thiêu các linh hồn trong Luyện ngục".

3. Những hình khổ khác:

* Thánh nữ Catarina thành Genoa viết rằng:" Linh hồn Luyện ngục phải chịu cực hình quá sức không lời diễn tả, không ý niệm nào giúp cho hiểu dễ dàng một chút, nếu Chúa không giúp cho cách riêng. Không miệng lưỡi nào có thể nói lên, không tâm trí nào có thể tạo nên một ý tưởng đúng về Luyện ngục. Về các đau khổ ở đó, đúng là như trong Hỏa ngục" (Purgatory p. 37).

- Bà thánh Brigitta thấy có những linh hồn chịu lạnh lẽo giá buốt.

- Bà Thánh Hedvigê thấy kẻ kiêu ngạo bị ném vào vũng bùn và nơi nhơ nhớp, kẻ không chịu vâng lời phải cúi gò lưng xuống như đang mang đồ nặng, kẻ khác bị thuốc độc như bất tỉnh, kẻ tham ăn bị cơn đói khát cồn cào ruột gan, kẻ phạm tội lỗi trong sạch bị lửa thiêu đốt cháy khét.

- Bà thánh Mađalena de Pazzi thấy rất đông những linh hồn bị đè dưới máy ép, họ là những kẻ nghiện ngập, bất nhẫn, bất vâng phục khi còn sống. Những kẻ dối trá bị đổ chì lỏng vào miệng và đồng thời bị run rẩy bởi băng giá. Những linh hồn quá gắn bó với những của cải đời này, họ phạm tội hà tiện, keo kiết, họ đã được giầu có mà vẫn không thỏa lòng, đang bị tan chảy như nến sáp trong lò lửa. Những linh hồn phạm tội tà dâm bị giam ở nơi dơ bẩn, làm nôn mửa. Những kẻ tham lam và kiêu căng, muốn sáng chói trước mặt người đời, bây giờ phải sống nơi tối tăm ghê rợn. Những kẻ sống vô ơn Thiên Chúa, họ bị ngâm trong hồ chì lỏng để đền bù những tội vô ơn. (Purgatory p. 17-21).

* Thánh Tôma Aquinô xác quyết: "Hình khổ nhỏ mọn nhất trong Luyện ngục cũng vượt quá mọi đau khổ trên trần gian" (Purgatory p. 34).

4. CÁC LINH HỒN L.NGỤC CHỊU THANH TẨY BAO LÂU?

* Thánh Tôma Aquinô viết: "Sự đau đớn của các linh hồn cùng một hình phạt thì giống nhau, nhưng khác nhau về thời gian lâu mau". Lâu, bởi mong ước từng giây được sớm về cùng Chúa. Khi càng mong, càng nóng ruột, thời giờ càng như chậm lại, ngày dài như cả ngàn năm.

* Cha Tôma a Kempis, tác giả sách Gương Chúa Giêsu cũng viết: "Nơi đó, một giờ chịu hành hình còn dữ dằn hơn cả trăm năm chịu cực hình hung bạo trên dương thế" (Gương Chúa Giêsu, quyển một , chương 24, đoạn 2).

* Thánh Augustinô nói rằng, " Hình khổ Luyện ngục lâu mau là tùy ở tội lỗi và sự đền bù của mọi người". Có thể một ngày, có thể lâu hơn, 10 năm, 20 năm. Một linh hồn hiện về nói, tôi chịu phạt 3 ngày mà lâu như 3 ngàn năm.

* Bà Đáng kính Frances Thánh Thể kể lại rằng: "Một số bà sơ đạo đức dòng Carmelô chịu khổ 20 năm, 40, 50 năm. Một Giám mục chịu khổ 55 năm bởi thiếu cẩn thận trong một số điều. Một linh mục bị phạt 40 năm cũng chỉ bởi thiếu cẩn thận trong khi thi hành nhiệm vụ. Một người giầu bị phạt 55 năm chỉ bởi quá ham mê cờ bạc".

* Thánh Antôniô kể lại trong sách Summa của người (Phần 4 tiết 4) câu truyện sau được trích trong cuốn Niên ký dòng của người năm 1285:

"Có một người đạo đức kia đã chịu đau khổ nhiều năm bởi bệnh tật. Sợ mình chán nản ngã lòng, ông ta xin Chúa cho mình được chết sớm cho bớt khổ. Ông ta không nghĩ rằng được chịu đau khổ là do lòng Chúa thương mình, mà chỉ muốn chấm dứt những đau khổ càng sớm càng tốt.

Đáp lời ông cầu nguyện, Chúa sai thiên thần Bản mạnh ông tới, cho ông chọn một trong hai: một là chết ngay và phải vào Luyện ngục 3 ngày, hai là chịu bệnh một năm nữa rồi chết, và được lên Thiên đàng ngay. Ông bệnh nhân này không ngần ngại chọn điều thứ nhất, ông muốn chịu đau khổ 3 ngày trong Luyện ngục hơn là chịu bệnh cả năm nữa trên trần gian.

Sau khi ông chết được một giờ, thiên thần Bản mạnh vào thăm ông trong Luyện ngục. Thấy thiên thần, ông lên tiếng phàn nàn coi như đã để ông phải chịu cực hình một thời gian quá lâu, ông lên tiếng: "Sao thiên thần nói với tôi là có ba ngày mà để tôi chịu cực hình ở đây quá lâu như vậy?". Thiên thần hỏi: "Ông nghĩ lâu là bao lâu?". Ông trả lời: "Ít ra cũng nhiều năm". Thiên thần tiếp: "Này, tôi cho ông biết: Ông mới ở trong Luyện ngục một giờ. Đau khổ ở đây làm cho thời giờ sai biến, một lúc thành một ngày, một giờ thành nhiều năm". Linh hồn khẩn khoản: "Lạy thiên thần, tôi thật ngu dại quá khi chọn vào chốn này, xin tha thứ cho tôi và cầu Chúa cho tôi được trở lại trần gian, tôi bằng lòng chịu những bệnh nạn đau đớn nhất, không phải chỉ vài năm mà bao nhiêu năm tùy Thánh Ý Chúa. Sáu năm chịu cực hình khốn khổ ở trần gian còn hơn một giờ ở trong vực thẳm ghê gớm này" (Purgatory p.63-64).

5. NHỮNG PHƯƠNG THẾ CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Công đồng Lyon năm 1274 và Công đồng Florence năm 1439 tuyên ngôn rằng: "Để làm giảm bớt các hình phạt các linh hồn khốn khó phải chịu trong Luyện ngục: Lời cầu nguyện, việc làm phúc bố thí, và các việc lành khác mà các giáo dân quen làm như Giáo hội dạy, nhất là Thánh Lễ Misa, có thể giảm bớt hình khổ cho các linh hồn Luyện ngục." (D. 464, 693).

Muốn cho các việc chúng ta làm sinh ơn ích cứu rõi các linh hồn, theo ý kiến Thánh Tôma Aquinô cần 3 điều sau:

1. Phải có ý nhường công phúc việc lành mình làm cho linh hồn nào đó, hoặc cho các linh hồn mồ côi. Nếu không có ý nhường thì công phúc việc lành vẫn thuộc về người làm.

2. Phải làm việc có tính cách đền tội, bởi tuy là việc lành nhưng sinh công hiệu khác nhau: công hiệu kinh Mân côi khác công hiệu lễ Misa. Và còn tùy người làm cách sốt sắng thánh thiện hay khô khan ơ hờ.

3. Phải làm khi có ơn nghĩa Chúa, nghĩa là sạch tội trọng. Không kể những việc lành nguyên tự phát sinh công hiệu như Thánh lễ Misa, dù người dự hay xin lễ không có ơn nghĩa Chúa, Thánh lễ vẫn sinh công hiệu cho các linh hồn.

* Truyện kể rằng, một người cha đang khi hấp hối dặn đứa con trai nhớ đến và năng cầu nguyện cho cha sau khi cha qua đời. Người con hiếu thảo vâng lời ngay, chàng siêng năng cầu nguyện, dâng việc lành phúc đức cầu cho linh hồn cha.

Sau 33 năm người cha nói trên hiện về với con, quanh mình phủ đầy lửa, cay đắng phàn nàn:

- Tại sao con quên cha lâu năm như vậy, không cầu nguyện cứu giúp cha.

Người con hết sức ngạc nhiên không hiểu câu nói của cha, chàng liền hỏi:

- Những lời cầu nguyện, việc lành, bố thí của con không giúp ích gì cho cha sao?

Người cha trả lời:

- Không con ơi, các việc lành phúc đức con làm không sinh ích gì cho con và cho cha, bởi con làm khi con mắc tội trọng. Con xưng tội, nhưng không có lòng ăn năn chừa tội thật. Chúa nhân từ cho phép cha hiện về với con để làm ích cho cha con ta.

Từ đó, người con thật lòng ăn năn chừa tội và chẳng bao lâu sau đã cứu được linh hồn cha khỏi Luyện ngục lên Thiên đàng rực rỡ vô ngần (Charity p. 526).

Phương thế 1: ĐỌC KINH CẦU NGUYỆN CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

* Theo thánh Augustinô: "Ai biết cầu nguyện là biết sống tử tế". Và nơi khác ngài nói: "Cầu nguyện là chìa khóa mở cửa Thiên đàng".

* Thánh Gioan Chrisotômô dạy rằng: "Anh chị em khóc lóc kêu la thảm thiết trước quan tài người chết, nào có ích chi, tốt hơn là nên đọc kinh cầu nguyện và làm việc lành chỉ cho người quá cố".

Người ta có thể cầu nguyện bằng các lời than văn tắt hay các kinh, nhất là các kinh Giáo hội đã ban ân xá như sau:

1. Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy (được Tiểu xá),

2. Kinh Vực sâu (được Tiểu xá),

3. Chúng con cậy bởi Danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

4. Lời than sau một chục kinh Đức Mẹ dạy ở Fatima: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội lỗi chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa Hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là các linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.

5. Giêsu Maria Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn.

* Trong sách cầu cho các linh hồn Luyện ngục, ông Ackermann kể rằng: "Một người nhà giầu kia biếu cha Bề trên nhà dòng một món tiền lớn để xin cầu nguyện cho cha ông ta mới qua đời. Khi các thầy hát kinh, ông cũng tham dự, nhưng chờ mãi không thấy có gì trịnh trọng khác thường cầu cho cha ông ngoài một câu "Xin cho linh hồn ấy được nghỉ yên". Người nhà giầu cằn nhằn bởi nghĩ rằng lời cầu ấy không tương xứng với món tiền lớn ông đã dâng.

Khi nghe biết đầu đuôi câu chuyện, cha Bề trên bảo một thầy viết lại câu "Xin cho linh hồn ấy được nghỉ yên" vào một mảnh giấy. Rồi ngài bảo để mảnh giấy vừa viết trên một đĩa cân, còn đĩa cân bên kia để món tiền của người nhà giầu. Trước mặt các thầy dòng, người nhà giầu mở to hai mắt để coi cho rõ. Ông ta hết sức kinh ngạc khi thấy gói tiền của mình bị cất bổng lên cách nhẹ nhàng, còn tờ giấy ghi lời cầu nguyện lại làm cho đĩa cân bên kia chĩu nặng xuống. Thấy sự lạ lùng trước mắt, người nhà giầu lúng túng xấu hổ không biết ăn nói ra sao với các cha các thầy. Ông ta xin lỗi, và cảm thấy rất được yên lòng. Đức Giáo Hoàng Beneđictô 13 cũng đã kể chuyện này trong phiên họp do Ngài chủ tọa (Charity p. 99).

Phương thế 2: ĐỌC KINH MÂN CÔI CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Chính Đức Mẹ đã phán với Thánh Đaminh rằng," Một trong những hiệu quả chính của kinh Mân Côi là cứu rỗi các linh hồn trong Luyện ngục."

Ngày 1 tháng 1 năm 1967 Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã ban ơn đại xá cho những ai đọc đủ 50 kinh Mân côi chung với gia đình, chung trong nhà thờ, chung trong Tu viện, chung một nhóm người trong Hội đoàn, với những điều kiện thông thường là xưng tội trước hoặc sau đó vài ba tuần, rước lễ chính ngày lãnh đại xá, đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng cầu theo ý Đức Giáo Hoàng. Ai không đọc đủ 50 kinh hoặc không đủ các điều kiện nói trên cũng vẫn được hưởng Tiểu xá để chỉ cho các linh hồn theo ý muốn.

* Thánh Alano dòng Đaminh kể lại về nhiều tu sĩ và nữ tu đang khi đọc kinh Mân Côi đã thấy các linh hồn từ Luyện ngục hiện về, các linh hồn này có mang dấu Thánh giá trên trán nài xin các vị tiếp tục đọc kinh Mân côi cho mình. Nhờ kinh Mân Côi giáo dân đọc hằng ngày mà một số lớn linh hồn Luyện ngục được lên Thiên đàng ngày này qua ngày khác.

Trong 15 ơn Đức Mẹ hứa với Thánh Alanô, ban cho những ai thành tâm sốt sắng đọc kinh Mân côi, có ơn thứ 9 Đức Mẹ hứa rõ rệt rằng: " Mẹ sẽ mau mắn cứu vớt các linh hồn siêng năng lần hạt Mân côi ra khỏi Luyện ngục".

* Linh mục Eusebio Nieremberg là người rất thương các linh hồn trong Luyện ngục, ngài thường đọc kinh Mân côi cầu cho các linh hồn. Ngài đã thuật lại truyện sau đây minh chứng Đức Mẹ đã thương một tội nhân có lòng tôn sùng và siêng năng đọc kinh Kính mừng kính Đức Mẹ:

"Ở tỉnh Aragon trong nước Tây ban nha, có một thiếu nữ nhan sắc tuyệt vời, tên là Alexandria. Nàng là con nhà giầu sang, quyền thế, nên nhiều gia đình quí phái muốn hỏi nàng cho con trai mình. Trong số đó cho hai thanh niên nhất định tranh nhau cho bằng được mới thôi. Khi thấy mình kém vế, không thể nào tranh giành ảnh hưởng với tình địch, một trong hai thanh niên mù quáng đến nỗi hạ sát Alexandria để trả thù đối phương. Y chặt đầu cô, quăng xuống một giếng kia cách kín đáo không ai biết. Sau đó ba hôm, Thánh Đaminh tình cờ đi qua, thấy đầu cô đã nổi lên trên mặt nước và nói năng được như người còn sống, đồng thời xin Thánh nhân ban phép giải tội.

Tin này đồn ra khắp nơi nhanh chóng, người ta tuốn đến bên giếng đông nghịt để xem sự lạ chưa từng có. Khi Alexandria đã xưng tội xong, Thánh Đaminh buộc cô phải nói ra bởi lý do nào mà cô được ơn đặc biệt quá sức tưởng tượng như vậy. Vâng lời Thánh Đaminh, cô Alexandria thuật lại rằng," Sở dĩ con được ơn Đức Mẹ thương cách đặc biệt này là bởi từ thuở nhỏ, con vẫn có lòng kính mến Đức Mẹ và siêng năng đọc kinh Mân côi có ý xin được ơn ăn năn xưng tội trước khi chết."

Nhờ dịp này, Thánh Đaminh khuyến khích mọi người theo gương cô trong việc đọc kinh Mân côi tôn sùng Đức Mẹ, tin chắc chắn sẽ được hưởng nhiều ơn quí hóa do Đức Mẹ ban.

Qua hai ngày sau, đầu cô Alexandria mới chìm xuống nước. Mười lăm ngày sau, cô hiện về với Thánh Đaminh cám ơn ngài đã lo liệu cho mình được chịu phép giải tội trong trường hợp đặc biệt đó, nói đoạn cô tươi cười vui vẻ từ gia? Thánh nhân để lên Thiên đàng hưởng tôn nhan Mẹ lành.
(Lm. Nguyễn Tri Ân, Tháng Mân Côi Đức Bà, 1960, trang 203).

Phương thế 3: ĂN CHAY, HÃM MÌNH, BÁC ÁI THỨ THA CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Việc ăn chay hãm mình, ngoài hiệu quả lập công đền tội, còn sinh ích cứu rỗi các linh hồn Luyện ngục rất nhiều:

* Thánh Tôma Aquinô nói: "Đền tội cho người đã chết thì đẹp lòng Chúa hơn đền tội cho người còn sống bởi người đã chết ở trong tình trạng khẩn thiết hơn, họ không còn tự giúp mình được như người còn sống" (Supplem. Q. 71 art. 5).

* Chân phúc Cecilia dòng nữ Đaminh quen hãm mình khi khát nước để tôn kính sự khát của Chúa Giêsu trên Thánh giá và để giải khát cho các linh hồn Luyện ngục. Sau khi qua đời, bà hiện về với các nữ tu cùng dòng, nói rằng: "Ngay sau khi tôi vào Luyện ngục, Chúa cho Thiên thần mang đến một thùng nước, đổ xuống giập tắt ngọn lửa thiêu đốt tôi và cấp tốc đưa tôi về Thiên đàng mát mẻ đời đời."

* Vua Sanxiô bị chết bởi thuốc độc, hoàng hậu đêm ngày cầu nguyện cho linh hồn vua. Thứ Bảy bà chỉ ăn bánh mì uống nước lã để tôn kính Đức Mẹ, có ý cầu cho vua. Vua được hiện về cám ơn hoàng hậu về việc hãm mình ấy, và xin hoàng hậu cứ tiếp tục. Sau 40 ngày, hoàng hậu thấy vua hiện về rực rỡ ánh sáng Thiên đàng, chào tạm biệt hoàng hậu, nói rằng: "Bây giờ tôi được giải thoát khỏi cực hình. Tôi mắc nợ bà, nguyện xin Chúa chúc lành cho bà đến muôn đời".

* Thánh Augustinô nói: "Nào có ích gì khi ta kiêng rượu mà lại bị đầu độc bởi nóng nảy giận hờn! Nào có hay gì khi ta kiêng thịt mà lại như con thú hoang làm hại danh giá tiếng tốt người lân cận!"

* Thánh Phanxicô Salesiô thuật truyện sau: Tại thành Padua, nơi người theo học khi còn là sinh viên, thành này có một tục lệ đáng chê: Những chàng thanh niên đeo gươm giáo ban đêm chạy ngoài đường phố nếu gặp ai thì hỏi lớn tiếng: Ai đi đâu đó? Người được hỏi bắt buộc phải trả lời, nếu không sẽ bị đốt, bị thương hay bị chết. Một đêm kia, có một sinh viên không trả lời, chàng ta bị đánh vỡ đầu và chết ngay. Kẻ gây ra án mạng này rất sợ hãi, tìm trốn ẩn trong nhà một quả phụ tốt lành y đã biết, mà con bà lại là nạn nhân đã qua đời. Chàng thú tội với nước mắt chan hòa rằng mình đã gây tử thương cho một người mà chàng không biết là ai, xin bà cho chàng ẩn núp trong nhà bà. Động lòng thương, và không ngờ rằng kẻ giết con mình đang đứng trước mặt mình, bà bằng lòng cho hắn ẩn náu một nơi an toàn nhất trong nhà mà cảnh sát không dễ tìm ra được. Nửa giờ sau, có nhiều tiếng đập cửa, người ta đem xác nạn nhân đặt trước mặt bà. Trời ơi, đây chính là con tôi, và kẻ giết con tôi đang ẩn náu trong nhà tôi. Người Mẹ đau khổ như vỡ tim ra, bà gào thét rồi vội chạy vào chỗ kẻ sát nhân ẩn náu, gào to: Mày là thằng khốn nạn, con tao đã làm gì mày mà mày giết nó?! Thủ phạm bấy giờ mới nhận ra rằng mình đã làm chết người bạn, chàng vò đầu bứt tóc khổ sở, qùi xuống chân bà Mẹ xin ơn tha thứ và bào chữa cho mình, trao mình cho tòa án để chàng chịu mọi hình phạt đáng tội.. Bà Mẹ người con quá cố sực nhớ mình là người Công giáo, nhớ gương Chúa đã tha thứ cho kẻ làm khốn mình, bà quyết tâm noi gương Chúa, làm một việc bác ái anh hùng: dù đau khổ cực độ, bà đã tha cho kẻ giết con bà và bênh đỡ hắn trước mặt tòa án. Sự tha thứ này rất đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa đã cho phép con bà từ Luyện ngục được hiện về sáng láng nói với bà rằng: " Mẹ yêu dấu, Chúa đã tỏ lòng thương xót con, bởi Mẹ đã tỏ lòng thương tha thứ cho nạn nhân, bởi sự tha thứ quảng đại này rất đẹp lòng Chúa, con đã được Chúa tha thứ khỏi Luyện ngục, nếu Mẹ không tha thứ như vậy, con sẽ còn phải giam phạt ở đó nhiều năm trong những đau đớn cực hình dữ dội".

Phương thế 4: LÀM PHÚC BỐ THÍ, GIÚP VIỆC TỪ THIỆN CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Sách Huấn Ca trong Kinh Thánh Cựu Ước viết rằng:

"Nước giập tắt lửa, của làm phúc xóa các tội lỗi" (Hc 3,30).

* Đức Giáo Hoàng Beneđitô 13 dạy rằng: "Nếu muốn trả nợ cho chóng trong Luyện ngục, tốt hơn là nên trả ngay ở đời này bằng việc làm phúc bố thí, giúp đỡ cơ quan từ thiện bác ái".

* Thánh Bênađinô kể truyện về hai vợ chồng kia không có con. Ông bà đã làm giao kèo với nhau rằng: Nếu ai chết trước, thì người còn sống sẽ lấy phần gia tài của người chết chia cho người nghèo cầu cho linh hồn đã qua đời. Người chồng đã chết trước, nhưng người vợ chểnh mảng không giữ lời đã đoan hứa. Người chồng được phép hiện về với Mẹ vợ, xin bà nói lại với vợ mình nhân Danh Chúa hãy mau mau thực hiện lời đoan kết xưa, nếu không phân phát của cải cho người nghèo, thì 30 ngày nữa sẽ phải chết bất ngờ. Người vợ nghe những lời Mẹ nói cho rằng đó chỉ là mơ màng rồi bà ta không để ý tới. Ba mươi ngày qua, người đàn bà kia lên lầu có chút việc, bà đã ngã xuống qua cửa sổ chết ngay lập tức" (Purgatory p. 303-304).

Phương thế 5: LÃNH ÂN XÁ CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Ân xá là ơn Giáo hội ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh, để tha hình phạt tạm người ta phải chịu bởi những tội đã được Chúa tha.

Ân xá có hai loại: Đại xá (tha hết), và Tiểu xá (tha một phần).

Mọi tín hữu có thể lãnh đại xá, tiểu xá cho mình hoặc nhường lại cho người đã qua đời (Giáo Luật 994).

Muốn hưởng ân xá, tín hữu phải có những điều kiện sau:

1. Phải đọc kinh hay làm việc Giáo hội dạy để lãnh ân xá. Trước khi đọc kinh hay làm việc ấy phải giục lòng ăn năn chê ghét dốc lòng chừa mọi tội trọng, tội nhẹ đã phạm (Tông huấn Ân xá số 26).

2. Phải xưng tội ít nhiều ngày trước hoặc sau ngày lãnh đại xá, rước lễ chính ngày lãnh đại xá, và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng là đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, hay một kinh nào tùy lòng đạo đức mọi người. Khi viếng nhà thờ để lãnh đại xá sẽ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin kính.

Chúa Giêsu dạy thánh nữ Faustina rằng:"Hãy dâng lên Cha các linh hồn luyện ngục. Hãy nhận chìm họ trong đại dương thương xót của Cha. Hãy để nguồn máu thánh Cha làm dịu bớt ngọn lửa hồng đang thiêu đốt họ. Tất cả linh hồn này được Cha hết lòng thương yêu. Họ đang đền trả sự công chính Cha. Chỉ chúng con mới có khả năng đem lại sự giải thoát cho họ. Hãy lãnh nhận mọi ân xá từ kho tàng của Giáo hội dâng cho các linh hồn đó. Ôi nếu chúng con hiểu thấu được những cực hình mà họ phải chịu chắc chúng con không ngừng làm việc phúc đức dâng hiến thay cho họ, và giúp họ đền trả sự công chính của Cha".(Tuần 9 trước lễ Chúa Tình thương, ngày thứ 8).

Bà Thánh Brigitta nói: "Ai lãnh được một đại xá trước khi chết, thì sẽ được tha thứ và được rước vào Thiên đàng ngay, như khi vừa lãnh Bí tích Rửa tội mà chết vậy".

Ngày 1.1.1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục đã định lại các ân xá. Mọi ngày chỉ được lãnh một đại xá, trừ khi gần chết được lãnh thêm một đại xá nguy tử (số 24).

Tiểu xá có thể lãnh một ngày nhiều lần (số 24,3).

Sau đây xin kể những kinh, những việc có đại xá, tiểu xá:

1. CÁC KINH CÓ ĐẠI XÁ (theo số trong Tông huấn)

22. Đọc kinh Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành rất cam thay sau khi Rước lễ các Thứ Sáu Mùa Chay, và Tuần Thương khó. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.

26. Đọc kinh Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội vào ngày lễ kính Trái Tim Chúa để đền tạ Chúa. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.

27. Đọc kinh Lạy Đức Chúa Giêsu rất êm ái dịu dàng, là Đấng đã chuộc tội loài người ta vào ngày lễ Chúa Giêsu Vua. Các ngày khác chỉ được tiểu xá.

48. Đọc chung và suy ngắm 50 kinh Mân côi trong nhà thờ, hoặc nhà nguyện công, hoặc với gia đình, cộng đồng tu trì, hay hội đạo đức. Ngoài ra chỉ được tiểu xá.

59. Hát kinh "Đây Nhiệm tích vô cùng cao quí" tối Thứ Năm Tuần Thánh và lễ Mình Thánh Chúa. Hát các lúc khác chỉ được tiểu xá.

60. Hát kinh Tạ Ơn Chúa (Te Deum) chiều ngày cuối năm. Hát lúc khác chỉ được tiểu xá.

61. Hát kinh Đức Chúa Thánh Thần (Veni Creator) ngày đầu năm mới và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Các lúc khác chỉ được tiểu xá.

2. CÁC VIỆC CÓ ĐẠI XÁ

3. Viếng Chúa, chầu Mình Thánh Chúa nửa giờ. Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.

11. Viếng một trong bốn đại Thánh đường Rôma vào lễ Bổn mạng đại thánh đường ấy, hoặc tùy chọn một lần trong năm.

12. Lãnh phép lành Đức Giáo Hoàng ban cho Rôma và thế giới (dù qua radio, TV).

13. Viếng nghĩa địa cầu hồn trong vòng 8 (tám) ngày đầu tháng 11. Viếng các ngày khác chỉ được tiểu xá.

17. Thờ lạy và hôn kính Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần thánh theo nghi lễ Giáo hội.

23. Dự nghi lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể

25. Cấm phòng ba ngày trọn.

28. Giờ nguy tử, dù không thể có Linh mục tới ban các Bí tích cuối cùng và phép lành Tòa Thánh, Giáo hội cũng ban đại xá cho những ai trong đời sống đã có thói quen đọc kinh cầu nguyện (trường hợp này thói quen đó thay ba điều kiện xưng tội, rước lễ, cầu theo ý Đức Giáo Hoàng). Người nguy tử hôn kính tượng Thánh giá, giục lòng ăn năn tội để lãnh đại xá.

35. Dùng Thánh giá, tràng hạt, ảnh đeo Đức Giáo Hoàng hay Đức Giám Mục đã làm phép (để tôn kính, lần hạt...) vào ngày lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô Phaolô, và đọc bản tuyên xưng Đức Tin (kinh Tin kính). Dùng Thánh giá, tràng hạt, ảnh đeo do Linh mục làm phép chỉ được tiểu xá.

41. Nghe vài bài giảng trong kỳ có Linh mục tới giảng đại phúc, cấm phòng và dự nghi lễ trọng thể bế mạc. Nghe các bài giảng lúc khác chỉ được tiểu xá.

42. Người Rước lễ lần đầu và những người dự Thánh lễ ấy.

43. Linh mục dâng lễ đầu tay trọng thể và những người dự lễ ấy.

49. Linh mục tuyên hứa lại trung thành với Ơn gọi tu trì và những ai dự lễ trọng kỷ niệm 25, 50, 60 năm thụ phong Linh mục.

50. Cung kính đọc Kinh Thánh đủ nửa giờ. Không đủ nửa giờ chỉ được tiểu xá.

63. Viếng và suy gẫm đủ 14 đàng Thánh giá. Đi từng nơi, nếu ít người.

65. Viếng nhà thờ giáo xứ ngày lễ Bổn mạng nhà thờ ấy, hoặc ngày 02 tháng 8 (ngày đặc ân Portiuncula của nhà thờ Thánh Phanxicô tại nước Ý).

66. Viếng nhà thờ, hoặc bàn thờ ngày được làm phép hiến thánh.

67. Viếng nhà thờ hoặc nhà nguyện công hay bán công vào Chúa Nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ các Thánh để cầu cho các linh hồn Luyện ngục.

68. Viếng nhà thờ, nhà nguyện dòng ngày kính Vị Thánh Sáng lập.

69. Dự một nghi lễ tại nhà thờ trong thời gian Đức Giám Mục hay Đại diện thăm mục vụ Giáo xứ. Nếu chỉ viếng nhà thờ trong thời gian đó thì được tiểu xá.

70. Tuyên lại lời hứa khi lãnh Bí tich Rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh, hoặc vào ngày kỷ niệm được Rửa tội theo cách Giáo hội chỉ dạy (từ bỏ ma quỉ, tin kính Thiên Chúa). Tuyên lại lúc khác chỉ được tiểu xá.

3. CÁC KINH CÓ TIỂU XÁ

2. Kinh Tin, Cậy, Mến, và ăn năn tội.

6. Kinh Lạy ơn Ông Thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng Người.

9. Kinh Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin, hoặc Lạy Nữ vương Thiên đàng.

10. Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô.

16. Kinh Tin kính các Thánh Tông đồ (Tôi tin kính ĐCT là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất).

19. Kinh Vực sâu.

29. Kinh Cầu Tên Đức Chúa Giêsu, kinh Cầu Trái tim Chúa, Máu Thánh Châu Báu Chúa, kinh Cầu Đức Bà, kinh Cầu ông Thánh Giuse, kinh Cầu Các Thánh.

30. Kinh Ngợi khen (Magnificat, Linh hồn tôi ngợi khen Chúa).

32. Kinh Hãy nhớ (Lạy Thánh Nữ Đồng trinh Maria là Mẹ rất nhân từ).

33. Thánh vịnh Thống hối 50.

37. Kinh cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục, Tu sĩ (được giáo quyền chuẩn nhận).

38. Dùng ít phút cầu nguyện thầm trong trí.

39. Lời nguyện cho Đức Giáo Hoàng (Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng...).

44. Cầu nguyện cho Giáo hội hợp nhất (theo bản kinh được chấp nhận).

46. Lời cầu nghỉ yên (Lạy Chúa xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy).

51. Kinh Lạy Nữ vương (Lạy Nữ vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống).

54. Tôn kính Thánh theo ngày chỉ trong lịch Công Giáo (đọc lời nguyện theo sách lễ, hoặc đọc kinh kính vị Thánh ấy).

57. Kinh Trông cậy (Chúng con trông cậy rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời).

4. CÁC VIỆC CÓ TIỂU XÁ

1. Tiểu xá ban chung cho tín hữu nào trong khi làm việc bổn phận và chịu gian nan ở đời, hướng tâm trí lên cùng Chúa, khiêm nhường trông cậy thầm đọc một lời cầu xin (để giữ và gia tăng sự kết hợp với Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:

Matthêu 7,7-8 "Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở".

Matthêu 26,40 "Tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ",

1 Corinhtô 10,31 "Dù anh chị em ăn uống hay làm việc gì, nhớ làm bởi vinh Danh Chúa".

Công đồng Vaticanô 2, Hiến chế Giáo hội số 41, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 4 cũng khuyên những lời tương tự.

2. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần đức tin và tình thương, hy sinh sức khỏe, hoặc của cải giúp anh chị em túng cực (của ăn, áo mặc, an ủi), bởi Chúa đã phán:

Matthêu 25,35-36 "Khi Ta đói, ngươi đã cho Ta ăn... Khi Ta yếu ngươi đã thăm viếng".

1 Gioan 3,17-18 "Ai có của, khi thấy anh chị em mình túng cực mà khóa lòng lại, hỏi kẻ ấy có thật lòng yêu mến Chúa chăngì"

Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân số 8, số 31, Hiến chế Giáo hội trong thế giới ngày nay số 93 cũng khuyên những lời tương tự.

3. Tiểu xá ban chung cho tín hữu trong tinh thần thống hối, tự nguyện từ bỏ những cái được phép, những cái thỏa lòng mình (để cầm hãm dục vọng, bắt xác thịt sống nghèo và khổ sở như Chúa Kitô), bởi Chúa đã phán:

Luca 9,23 "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thánh giá mình hằng ngày mà theo Ta".

Thư Roma 8,13 "Nếu bởi tinh thần, anh chị em giết chết việc xác thịt, anh chị em sẽ được sống".

Công đồng Vaticanô 2 trong Sắc lệnh Huấn luyện Linh mục số 9, Hiến chế Giáo hội số 10, số 41 cũng có những lời khuyên tương tự.

15. Rước lễ thiêng liêng (Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa trong linh hồn con...)

20. Dạy giáo lý, hoặc học giáo lý Công Giáo.

34. Tham dự làm Tuần Chín tại nhà thờ trước lễ Sinh nhật Chúa, lễ Hiện Xuống, lễ Mẹ Vô Nhiễm.

45. Dự Cấm phòng tháng.

55. Làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha và con và Thánh Thần Amen.

Phương thế 6: DỰ LỄ MISA CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Chúa Giêsu phán với Thánh nữ Getruđê rằng, "Vào giờ chết, Cha sẽ sai nhiều Thánh đến an ủi giúp đỡ những ai siêng năng sốt sắng tham dự Thánh lễ khi còn sống".

Công đồng Trentô xác quyết rằng, "Các tín hữu còn sống có thể cầu nguyện cứu giúp các linh hồn Luyện ngục, nhưng lời cầu nguyện giá trị nhất chính là Thánh lễ Misa".

* Thánh Tôma Aquinô cũng dạy rằng, "Không có hy sinh nào giải cứu các linh hồn Luyện ngục bằng hy sinh của Thánh lễ Misa".

* Thánh nữ Isave Hoàng hậu nước Bồ có một công chúa tên là Constance qua đời đột ngột. Công chúa đã được hiện về với một thầy ẩn tu ở tỉnh Santarem. Thầy vội chạy đi tìm thánh nữ báo tin công chúa của người hiện đang bị giam phạt ở tầng sâu trong Luyện ngục, và còn phải giam ở đó lâu dài, chịu những hình phạt khủng khiếp. Nhưng công chúa sẽ được giải thoát, nếu có linh mục dâng thánh lễ chỉ cho linh hồn công chúa trong vòng một năm. Khi nghe thế, các cận thần quanh thánh nữ hoàng hậu phì cười, cho là ông thầy điên, ăn nói xằng bậy. Nhưng thánh nữ quay sang hỏi đức vua, đức vua trả lời: ông tin điều đó là đúng. Linh mục Ferdinand Mendez được mời dâng lễ cho công chúa hằng ngày.

Sau một năm, công chúa đã hiện về sáng láng cùng Mẹ nói rằng: "Mẹ ơi, hôm nay con được ra khỏi Luyện ngục để vào Thiên đàng". Cảm động vô ngần, thánh nữ Isave vội đi vào nhà thờ dâng lời cảm tạ Chúa. Thánh nữ đi tìm cha Mendez, ngài nói, hôm qua ngài đã dâng xong 365 thánh lễ như đã được chỉ định. Thánh Isave hiểu là Chúa đã giữ lời hứa với thầy ẩn sĩ. Thánh nữ đã phân phát nhiều của cải cho người nghèo khó để tạ ơn Chúa.

Phương thế 7: RƯỚC LỄ CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

* Thánh nữ Gêtruđê cứu rất nhiều linh hồn Luyện ngục, bà thánh thích nhất là những ngày được rước lễ. Thời đó giáo dân chưa được phép rước lễ hằng ngày. Một lần Chúa phán với Thánh nữ: "Làm sao Cha từ chối lời con cầu xin cho các linh hồn Luyện ngục trong những ngày con rước lễ được, bởi con là bạn trăm năm của Cha".

* Khi thánh nữ Mađalena de Pazzi thấy linh hồn em mình đang chịu đau khổ trong Luyện ngục, bà cảm kích, chan hòa nước mắt kêu than: " Ôi linh hồn khốn cực chừng nào, ôi hình khổ dữ dằn chừng nào, sao người ta không hiểu điều đó và không chịu vác thánh giá mình khi còn sống ở đời này? Em ơi, sao khi còn sống em không nghe lời chị khuyên và bây giờ em nóng lòng muốn chị nghe lời em van xin. Em xin chị điều gì đây? Bà thánh lắng nghe đếm tới số 107, bà nói lớn, đó là 107 lần Rước lễ mà em tôi xin phải không? Được, chị sẽ Rước lễ, nhưng than ôi, thời gian dài chừng nào. Lạy Chúa tôi, nếu Chúa cho phép, chị sẽ xuống Luyện ngục để giải thoát em, và tránh cho những người khác khỏi phải xuống nơi này".

* Cha Đáng kính Lui Blosio thuật truyện một linh hồn Luyện ngục quanh mình đầy lửa nóng rát rúa quá sức hiện về với ngài lúc giáo dân rước lễ và nài xin rằng: "Xin ngài bởi lòng kính mến Chúa và lòng thương các linh hồn làm ơn rước lễ chỉ cho tôi một lần, nhưng dọn mình thật sốt sắng trước khi rước lễ, có như vậy, tôi sẽ được ra khỏi chốn nóng nảy đau đớn tôi đang chịu bởi tội thờ ơ với Bí tích Mình Thánh Chúa khi còn sống". Cha Đáng kính Lui đã sốt sắng rước lễ chỉ cho linh hồn ấy, và ngài đã thấy linh hồn bay vào Thiên đàng.

Chúng ta hãy siêng năng và sốt sắng dọn linh hồn bằng lòng tin cậy kính mến, khiêm nhường, nhất là cậy nhờ Đức Mẹ giúp ta dọn mình và cảm ơn Chúa để được nhiều ơn phúc cứu rõi các linh hồn Luyện ngục.

Phương thế 8: XIN LỄ MISA CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

* Thánh Anselmo dạy: "Sốt sắng dâng một Thánh lễ khi còn sống, lợi ích hơn cả ngàn Thánh lễ khi đã qua đời" (Charity p.226).

Phương thế 9: VIẾNG ĐÀNG THÁNH GIÁ CỨU CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC

Theo truyền thống từ xa xưa tới nay trong Giáo hội, các Đức Giáo hoàng như Innocentê 11, Innocentê 12, Bênêđictô 23, Clêmentê 12, Bênêđictô 14 và nhiều đấng khác ban nhiều ân xá cho những ai viếng đàng Thánh giá. Đức Phaolô 6 đã ban đại xá cho người viếng đàng Thánh giá.

Phương thế 10: RẢY NƯỚC THÁNH CỨU CÁC LINH HỒN L. NGỤC

Khi làm dấu Thánh giá với Nước thánh, giục lòng ăn năn tội thì được những ơn ích sau:

1. Được tha các tội mọn (do lòng ăn năn).

2. Được tha một số hình phạt tạm (do ân Tiểu xá, số 55).

3. Được sức khỏe phần xác theo Ý Chúa (do hiệu lực Nước thánh).

4. Được ơn chống cám dỗ (do hiệu lực Nước thánh).

* Một người chết được chôn ở nghĩa địa thành Roma, nước Ý, đã chết 17 năm. Ông ta hiện về với Đấng Đáng kính Đaminh Giêsu Maria nài xin rảy Nước thánh cho mình để linh hồn ông ta được mát mẻ.

* Một thầy dòng Carmelô để sọ người trên bàn làm việc của thầy để dễ suy sự chết, một hôm thầy lấy Nước thánh rảy trên sọ ấy, liền nghe tiếng xin: "Rảy nữa! Rảy Nước thánh nữa!"

* Bà Đáng kính Mình Thánh Chúa thấy một sơ bạn đã qua đời thường hiện về xin rảy Nước thánh trên mộ mình để linh hồn được mát mẻ dưới Luyện ngục.

* Bà đáng kính Lindmayer đôi khi được Chúa nhắc cho rảy Nước thánh cho các người đã chết. Bà có thói quen rảy Nước thánh rồi mới đi ngủ. Một hôm bà vội vàng lên giường, quên rảy Nước thánh như thói quen thì nghe tiếng các linh hồn nài van, bà lập tức chỗi dậy rảy Nước thánh và không thấy tiếng kêu nài như trước (Charity 133).

Nếu các linh hồn Luyện ngục xin chúng ta một chút Nước phép để các ngài được mát mẻ, chúng ta đừng tiếc. Khi vào hay ra khỏi cửa nhà thờ đừng quên giơ tay chấm Nước phép làm dấu Thánh giá, giục lòng ăn năn tội, lãnh ân xá cầu cho các linh hồn.

Nhiều giáo dân đạo đức quen làm dấu Thánh giá bằng Nước phép trước khi ra khỏi nhà và khi trở về, khi rời khỏi phòng, trước khi đi ngủ, khi bị cám dỗ. Cha Mẹ nên dạy con cái năng dùng Nước phép để chúng được ơn phù hộ hồn xác và cứu giúp các linh hồn Luyện ngục.

6. LINH HỒN LUYỆN NGỤC TRẢ ƠN ÂN NHÂN

Chúa Giêsu đã phán: "Hãy dùng tiền của vô nghĩa mà mua chuộc bạn bè, để khi ngươi hết của, họ sẽ đón ngươi vào nơi ở muôn đời" (Lc 16,9).

* Thánh Anphongsô cũng dạy: "Ai cứu giúp các linh hồn Luyện ngục là những con cái rất thân thương của Chúa, người ấy có thể tin tưởng rằng mình sẽ được cứu rõi, bởi nếu một linh hồn được giải thoát nhờ lời cầu nguyện và các việc lành của ai, linh hồn được cứu sẽ cầu nguyện không ngừng cho người đã cứu mình, và Chúa sẽ không từ chối lời cầu xin của bạn thân thiết Người".

1. Các linh hồn cầu bầu cho các ân nhân trước mặt Chúa.

2. Các linh hồn giúp đỡ các ân nhân trong công việc làm ăn đời này.

3. Các linh hồn biết ơn các ân nhân bằng cách giúp phần rõi đời đời.

4. Các linh hồn giúp đỡ các ân nhân khi họ qua đời và trước tòa Chúa phán xét.

* Thánh nữ Magarita thành Cortona có lòng thương các linh hồn Luyện ngục lắm. Trong truyện đời thánh nữ, người ta kể rằng: Sau khi qua đời, thánh nữ đã thấy vô số linh hồn mà người đã cứu khỏi Luyện ngục đã mặc hình người đón linh hồn thánh nữ vào thiên quốc.

* Thánh Philip Nêri cũng được nhiều linh hồn con thiêng liêng người hiện ra với người sau khi họ qua đời, hoặc để xin người cầu nguyện, hoặc để cảm ơn người đã cứu giúp. Khi thánh nhân qua đời, một linh mục dòng người được thấy vô số linh hồn đến vây quanh và đưa người vào Thiên đàng.

* Cha Lacordaire, một Linh mục nổi tiếng nước Pháp kể truyện sau đây trong cuốn sách Các Bài giảng về linh hồn bất tử: Một hoàng tử vô thần người Ba lan đã viết xong một quyển sách chống vấn đề linh hồn bất tử . Hoàng tử sắp cho in ra. Ngày kia, ông đang đi bộ trong công viên, một phụ nữ chạy tới qùi xuống chân ông khóc lóc: "Lạy hoàng tử, chồng tôi chết mấy ngày nay, có lễ linh hồn ông ta đang ở dưới Luyện ngục đau khổ, nhưng tôi nghèo không có lấy một đồng để xin lễ cho linh hồn chồng tôi, xin hoàng tử giúp tôi để tôi giúp lại chồng".

Dù không tin có đời sau, hoàng tử cũng mủi lòng và đưa cho bà ta một đồng tiền vàng ông đem theo mình. Người đàn bà mau mắn chạy đến nhà thờ xin lễ cho chồng. Ba hôm sau, vào buổi chiều, hoàng tử đang ngồi nghỉ trong phòng đọc sách vắng vẻ, bận bịu sửa chữa lần chót quyển sách nói trên, bỗng ông nghe có tiếng động đậy, vội nhìn chung quanh, ông đã thấy sừng sừng trước mặt một người ăn vận kiểu nhà quê đang đứng đó. Ngạc nhiên và tức giận, sao lại có người nhà quê vào phòng lúc này khi ông chưa cho phép. Ông đứng dậy đuổi đi ngay. Người nhà quê biến mất. Hoàng tử gọi các tôi tớ đến trách mắng tại sao lại cho người nhà quê vào phòng không xin phép trước. Các tôi tớ ngạc nhiên không biết ai đã vào phòng ông. Họ quả quyết không có khách lạ vào dinh lúc này. Hoàng tử im lặng về phòng, nhưng đinh ninh rằng "Chắc chắn có người đã vào".

Cũng cùng giờ chiều hôm trước, khi ông ta đã quên truyện ấy, người nhà quê lại hiện ra đứng trước mặt ông không nói nửa lời. Lần này hoàng tử nổi giận quát mắng xua đuổi ra ngay. Người nhà quê lại biến mất. Hoàng tử chạy tìm quanh nhà không thấy người ấy đâu. Tôi tớ xục xạo khắp chốn nhưng không ai hiểu ra sao hết. Hoàng tử bắt đầu suy nghĩ, chờ đợi.

Chiều hôm sau cũng giờ ấy, người nhà quê đến nữa, nhưng trước khi hoàng tử nổi nóng đuổi đi thì ông đã lên tiếng: "Thưa hoàng tử, tôi tới đây cảm ơn ngài, tôi là chồng của đàn bà nghèo khổ, ngài đã bố thí cho một đồng vàng để bà ta xin lễ cầu cho linh hồn tôi cách đây mấy bữa. Cử chỉ bác ái của ngài đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa cho phép tôi về đây để cảm ơn hoàng tử và quả quyết với ông rằng "có đời sau", và linh hồn người ta không chết. Hoàng tử hãy dùng ơn Chúa ban đây để lo phần rõi đời đời của mình". Nói xong người nhà quê biến đi. Hoàng tử đã chợt bừng tỉnh, ông quyết định không xuất bản quyển sách chống linh hồn bất tử nữa (Charity p. 298).

* Thánh nữ Catarina thành Bologna chứng thực rằng, bất cứ khi nào bà xin Chúa ơn gì, bà luôn nhờ các linh hồn Luyện ngục, và hầu như lần nào bà cũng được ơn xin. Bà thánh thêm rằng, nhiều ơn bà xin các Thánh không được, bà xin các linh hồn Luyện ngục lại được, bà nói: "Khi tôi muốn được ơn nào từ Cha nhân lành, tôi thường xin qua các linh hồn đau khổ trong Luyện ngục, và tôi thường được ơn tôi xin" (Charity p. 299).

* Cha thánh Gioan Vianey nói: "Các linh hồn Luyện ngục có thần thế chừng nào đối với Trái Tim nhân lành của Chúa, nếu chúng ta biết đã nhận bao nhiêu ơn lành do các linh hôn cầu bầu, ta sẽ không quên cầu cho các ngài". Thánh nhân nói thêm: "Ta phải cầu thật nhiều cho các linh hồn Luyện ngục, để các linh hồn Luyện ngục cầu nhiều cho ta" (Purgatory p. 339).

7. NHỮNG PHƯƠNG THẾ TRÁNH LUYỆN NGỤC LÂU DÀI

71. ĂN NĂN SÁM HỐI.

Sau khi đã đọc hoặc đã nghe từ đầu cuốn sách này cho tới đây, ta đã biết phải làm gì để tránh chịu thanh tẩy trong Luyện ngục lâu dài. Điều phải gắng trước hết là TRÁNH PHẠM TỘI. Tội trọng chỉ được tha với lòng ăn năn thật và xưng thú cùng linh mục, trừ khi không có thể. Tội nhẹ được tha bằng nhiều cách: Aên năn sám hối, qua Bí tích Hòa giải, qua Bí tích Thánh Thể, qua dấu Thánh giá với Nước thánh. Sách Gương Chúa Giêsu khuyên ta: "Thà gột rửa tội lỗi và khử trừ thói hư ngay bây giờ, còn hơn đợi đến trong kiếp sau" (Q. một, chương 24, đoạn 2)

72. ĐỀN TỘI

Đền tội có thể bằng nhiều cách, như ta đã nghe qua ở các chương trên: Có thể bằng đền trả những xâm phạm bất công về tiền của và danh giá, bằng hy sinh, hãm mình, chịu đau khổ theo thánh Ý Chúa; có thể bằng lãnh ân xá Giáo hội ban, bằng chia sẻ của cải, giúp đỡ tha nhân, yêu mến Chúa (tôn thờ Thánh Thể Chúa và sự Thương khó Chúa), yêu mến Đức Mẹ; xây đắp Giáo hội Chúa ... Ở đây xin nhấn mạnh tới một vài việc:

73. HY SINH, HÃM MÌNH, VUI CHỊU ĐAU KHỔ

Tác giả Sách Gương Chúa Giêsu khuyên ta: "Ai ngày nay khiêm tốn chịu người đời xét đoán... chịu khinh bởi Chúa Kitô...đến ngày công phán sẽ vui mừng. Lúc đó thân xác bị cầm hãm sẽ nhảy mừng hơn là được nâng niu. Lúc đó chiếc áo thô sẽ tỏa sáng hơn lụa là lộng lẫy. Lúc đó xó lều tranh còn quí hơn lầu vàng. Lúc đó lòng nhìn nhục quí hơn quyền lực thế gian. Lúc đó lương tâm trong sạch quí hơn thông minh xuất chúng" (Quyển một, chương 24, đoạn 3)

* Thánh nữ Catarina thành Siena, theo lời cha Đáng kính Raymond Capua kể lại rằng: Tôi tớ Chúa có lòng rất nhiệt thành cứu các linh hồn, trước hết, tôi xin kể về việc cứu cha của người là ông Giacômô. Ông bố này nhận ra sự thánh thiện của con gái mình nên ông có lòng kính trọng con ông lắm, ông bảo mọi người trong nhà không bao giờ được làm gì trái ý cô, nhưng để cho con tự do làm việc lành phúc đức. Tình cha con ngày một tăng tiến. Catarina kiên tâm cầu nguyện cho phần rõi của cha. Ông Giacômô vui cách tốt lành trong các nhân đức của con, hy vọng nhờ đó ông được ơn trước mặt Chúa.

Ông Giacômô đã chết bởi cơn trọng bệnh, Catarina cầu nguyện xin Chúa là Bạn Trăm năm trên trời của mình cứu chữa cha khỏi bệnh, nhưng Chúa trả lời, Gicômô cha của con phải chết, bởi có sống lâu, ông cũng không ích lợi cho ông. Catarina liền khuyên cha sẵn lòng ra khỏi cuộc đời, thánh nữ cảm ơn Chúa hết lòng và không dám tiếc xót. Nhưng thánh nữ cầu xin Chúa ban ơn tha tội cho cha bà, hơn nữa được Chúa nhận vào Thiên đàng ngay sau khi chết, không phải qua lửa Luyện ngục. Chúa phán: "Cha con đã sống đời tốt lành trong bậc gia đình, đã làm những việc lành đẹp lòng Chúa, cách cư xử với con của cha con làm đẹp lòng Chúa, nhưng sự Công bằng của Chúa đòi cha con phải thanh luyện bằng lửa, để tẩy hết mọi vết nhơ dính bén sự đời". Thánh Catarina van nài: "Lạy Chúa, làm sao con chịu được cảnh người đã nuôi con, dạy con cách yêu thương, đã cư xử tốt lành với con cả cuộc đời phải chịu đau đớn trong lửa nóng nảy như vậy? Con xin Chúa nhân từ vô cùng đừng để linh hồn cha con rời xác đến khi được sạch hoàn toàn để không còn phải qua Luyện ngục...nếu con không xin được ơn này, xin Chúa cho con được chịu đau khổ thay cho cha con tất cả những đau khổ nào vừa Ý Chúa". Chúa trả lời: "Bởi lòng con mến Chúa, Chúa bằng lòng chấp nhận điều con xin, con sẽ phải đau khổ thay cho cha con". Thánh nữ cảm tạ Chúa vô ngần, quay sang phó linh hồn cho cha. Vừa lúc ông Giacômô tắt thờ, thánh nữ bị cơn đau đớn dữ dội lập tức, tưởng phải chết đến nơi, nhưng thánh nữ rất can đảm chịu đựng không hé môi. Người cầu nguyện: Chúc tụng Chúa và mở miệng mỉm cười như nói với cha: Cha ơi, con ước gì được như cha bây giờ. Trong tang lễ, thánh nữ an ủi Mẹ và mọi người cách can đảm. Linh hồn ông Giacômô đã lên Thiên đàng ngay như người trộm lành được ơn tha thứ (Purgatory p. 310-314).

74. VÂNG THEO Ý CHÚA ĐÌNH ĐOẠT MỌI SỰ, KỂ CẢ SỰ CHẾT

(Theo G.B. Saint-Jure, S.J. Tin Cậy Chúa Quan Phòng trang 70-73).

Chúng ta còn phải đem sự tuân theo Thánh Ý Chúa vào việc nhận lấy cái chết của chúng ta nữa. Chúng ta sẽ chết, đó là một quyết định không có thể kháng cự được. Chúng ta sẽ chết vào ngày giờ và bằng thứ chết mà Chúa sẽ muốn. Chính cái chết đó Người đã định cho ta phải vui nhận, bởi đó là cái chết Chúa đã xét là hợp với sự vinh quang của Người nhất. Một hôm bà thánh Gertruđê trèo đồi, trượt chân, lăn xuống một thung lịng. Chỗi dậy an lành, bà lại trèo đồi và nói: "Lạy Chúa đáng mến, thực là một phúc lớn cho con, nếu cái ngã vừa rồi đã giúp con một phương tiện tiến đến Chúa sớm hơn". Các chị em đứng chung quanh hỏi: "Lúc đó bà không sợ chết mà không được chịu các phép sau hết sao?". "Ồ, bà thánh trả lời, thực tôi ao ước hết lòng được chịu các Bí tích trong giờ sau hết nhưng tôi còn yêu mến thánh Ý Chúa hơn. Tôi tin chắc rằng sự dọn mình chết tốt nhất và chắc chắn nhất để chết lành là tuân phục Ý Chúa muốn. Cho nên cái chết Chúa muốn cho tôi qua để về cùng Ngài là cái chết tôi mong ước và tôi tin rằng: được sửa soạn như thế, thì dù chết cách nào, sự thương xót của Chúa cũng đến giúp tôi".

Hơn nữa, nhiều nhà tu đạo học nổi danh đã cùng thánh Louis de Blois dạy rằng: Ai trong lúc sắp chết làm một việc tuân theo Ý Chúa hoàn toàn, thì sẽ được giải thoát không những khỏi Hỏa ngục, mà còn khỏi cả Luyện ngục nữa, dù một mình người đó đã phạm hết mọt tội của cả thế gian. Lý do là bởi- thánh Anphongsô nói thêm- kẻ nhận lấy cái chết một cách nhìn nhục hoàn toàn, thì được công nghiệp giống như công nghiệp các thánh tử đạo là những vị đã tự hiến mạng sống mình bởi Đức Chúa Giêsu. Hơn nữa, người đó chết vui vẻ và thỏa mãn, dù ở giữa những đau đớn mãnh liệt nhất.

75. THỰC THI ĐỨC BÁC ÁI

* Thánh Phêrô Đamianô đã thuật lại trong sách của người truyện này: Ở thành Rôma có một ông chúa tên là Gioan Patrixi đã qua đời. Cuộc sống của ông, tuy là một người Công giáo, được coi như một người giầu có, khác xa với Thầy Chí Thánh là Chúa Kitô nghèo khó, đau khổ, đội mạo gai, chịu đánh đòn. Tuy nhiên ông ta rất có lòng bác ái thương người nghèo, có khi ông cho cả áo choàng của mình để che thân họ. Ít ngày sau khi ông qua đời, một linh mục thánh thiện, khi đang cầu nguyện, được ơn ngất trí, thấy mình được đưa đến đại thánh đường thánh nữ Cecilia, một trong những thánh đường nổi tiếng ở Rôma. Linh mục thánh thiện này trông thấy vô số thánh nữ đồng trinh từ trời xuống, thánh Cecilia, thánh Anê, thánh Agata và các vị thánh khác vây quanh cỗ kiệu lộng lẫy Đức Nữ Đồng Trinh Maria đang ngự, có các thiên thần và linh hồn hạnh phúc bao quanh.

Vào lúc đó, một người phụ nữ nghèo khó, mặc áo rách rưới, nhưng lại khoác áo choàng lông đắt giá trên vai bà. Bà nghèo này qùi khiêm tốn trước nhan thánh Đức Mẹ, tay chắp, mắt tràn đầy dòng lệ, thân thưa với niềm vui: "Lạy Mẹ Tình thương, nhân danh lòng tốt lành vô biên của Mẹ, con xin Mẹ thương xót người bất hạnh là Gioan Patrixi vừa mới chết, và bây giờ đang chịu cực hình Luyện ngục". Ba lần, người phụ nữ nghèo đều cầu nguyện một lời như nhau, mỗi lần một sốt sắng hơn, nhưng vẫn không được Đức Mẹ trả lời. Bà ta lại van xin: "Lạy Mẹ là Nữ vương rất hay thương xót, Mẹ quá biết, con là kẻ ăn xin ngồi ở cửa đền thánh, xin của bố thí vào mùa đông rét buốt, con không có áo che thân, mà chỉ có manh dẻ rách. Con run rẩy bởi giá lạnh. Thế nhưng khi con xin ông Gioan nhân Danh Mẹ, ông đã đưa áo choàng lông đắt giá đang mặc cho con, không kể gì đến bản thân mình. Ông đã làm việc bác ái anh hùng đó, lại không đáng được Mẹ, Ôi Maria, ban cho chút ân xá sao?". Nghe thế, Đức Nữ vương động lòng thương xót, âu yếm cúi xuống trên người phụ nữ đáng thương đang kêu van nói rằng: "Người mà con đang cầu xin cho đã phải luận phạt một thời gian lâu, với những đau khổ dữ dằn để đền những tội vô số của ông ta, nhưng bởi ông ta có hai nhân đức nổi bật là lòng thương kẻ nghèo khó và lòng tôn sùng các bàn thờ Mẹ, Mẹ sẽ xuống cứu vớt ông ta". Sau những lời này, cả đoàn thánh nhân lộ vẻ vui mừng biết ơn Mẹ Tình Thương. Ông Patrixi được dẫn đến: thân hình xanh xao, hình thù ghê gớm, mang đầy xiềng xích, nhiều vết thương sâu hoắm. Đức Nữ Vương nhìn ông ta một lúc với dạ cảm thương, rồi Người ra lệnh tháo xiềng, mặc cho ông áo vinh quang, cho ông được tham dự vào đám đông đang vây quanh Mẹ. Lệnh được thi hành lập tức và chấm dứt cuộc ngất trí.

Vị linh mục thánh thiện này từ đó đã không ngớt ca tụng Tình Thương Vô biên của Mẹ Maria là Nữ Vương Thương xót. đối với các linh hồn khốn khổ trong Luyện ngục, nhất là những linh hồn đã chân thành tôn kính phụng sự Người, và những ai đã biết thương xót bác ái với những người nghèo khó (Purgatory p. 379-381).

76. KÍNH MẾN ĐỨC MẸ (LẦN HẠT MÂN CÔI, ĐEO ÁO ĐỨC MẸ...)

Truyện sau đây lưu ý ta về lời khuyên của thánh Gioan Vianey xứ Ars bên Pháp, về lòng sùng kính Đức Mẹ và việc lành cầu cho các linh hồn:

* Một linh mục dòng giảng truyền giáo cho các quí bà ở thành Nancy. Trong số các bà, có một bà vẻ mặt âu sầu, mình mặc áo tang đến với cha dòng nói rằng: "Thưa cha, cha khuyên chúng con tin cậy cầu khẩn cho các linh hồn, những gì mới xảy đến cho con minh chứng điều đó. Con có người chồng rất tử tế và dễ thương, dù đời sống của chồng con không có điều gì tội lỗi, nhưng anh ấy lơ là việc sống đạo. Con đã cầu nguyện và khuyên nhủ nhưng không kết quả gì. Trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ, trước khi nhà con qua đời, theo thói quen, con làm một bàn thờ nhỏ trong phòng con và trang hoàng hoa nến để kính Đức Mẹ. Chồng con cứ ngày Chúa nhật là về miền quê, nhưng khi trở lại nhà, anh thường đem về cho con một bó hoa chính anh đã hái, con dùng những bông hoa ấy trang hoàng bàn thờ Đức Mẹ. Anh có biết điều đó hay không? Anh tặng hoa cho vui lòng con? Anh có lòng kính mến Đức Mẹ? Con không biết, chỉ biết rằng anh luôn mang hoa về cho con.

Vào tháng sau, nhà con qua đời, không kịp lãnh các Bí tích cuối cùng trong đạo. Con đau đớn vô ngần, bởi những hy vọng đưa anh về với Chúa đã tiêu tan. Trong nỗi chán chường như vậy, con đâm ra yếu đau, xuống tinh thần rõ rệt. Gia đình con khuyên con nên đi nghỉ ngơi ở miền Nam một thời gian. Khi con đi qua thành Lyon, con muốn qua thăm cha sở xứ Ars, nên con viết thư xin được gặp người, và xin người cầu cho chồng con đã chết bất ngờ, ngoài ra con không nói thêm gì nữa.

Đi tới xứ Ars, vào gặp cha Sở. Con thật hãi hùng khi nghe người nói với con những lời này: "Thưa bà, bà đang lo buồn, bà đã quên những bó hoa chồng bà đã đem về cho bà các ngày Chúa nhật trong tháng Năm phải không?". Thật không thể giấu được nỗi ngạc nhiên khi nghe những lời cha Gioan Vianey vừa nói, người nhắc cho con điều con đã không hề nói với ai, như vậy người chỉ có thể biết nhờ ơn Chúa tỏ ra. Người nói thêm: "Thiên Chúa tỏ lòng thương xót cho những ai tôn kính Mẹ Thánh Người. Vào lúc chết, chồng bà đã thống hối, linh hồn ông đang ở trong Luyện ngục, lời cầu nguyện và việc lành của chúng ta sẽ giải thoát ông khỏi chốn này" (Purgatory p. 274- 275).

* Thánh nữ Brigitta cho biết Đức Mẹ đã nói với bà rằng: " Mẹ là Mẹ các linh hồn Luyện ngục, Mẹ hằng giúp đỡ, giảm bớt những hình khổ cho chúng". Điều này rất thích hợp, bởi Mẹ trần gian khi thấy con mình rơi vào đống lửa sẽ cứu ra ngay lập tức, Đức Mẹ là Mẹ nhân từ bội phần lẽ nào thấy con mình rơi vào lửa Luyện ngục cực khốn khổ, sao lại không cứu giúp. Mẹ thúc giục những con cái còn sống dâng lời cầu nguyện và những việc lành cầu cho các linh hồn, hoặc Đức Mẹ xin Chúa cho các linh hồn Luyện ngục về thế gian xin người sống cứu giúp. Đức Mẹ cũng xuống Luyện ngục để an ủi, giảm bớt hình phạt cho các linh hồn, nhất là những linh hồn mồ côi. Nhiều thánh nhân dạy rằng: Trong các ngày lễ, Đức Mẹ xuống Luyện ngục, và khi Người từ Luyện ngục về trời, Người đem theo nhiều linh hồn về Thiên đàng với Người.

Những người con yêu của Đức Mẹ khi sống siêng năng và sốt sắng đọc kinh Mân côi tôn kính Mẹ, khi chết Mẹ sẽ cứu khỏi Luyện ngục rất sớm.

Những người có lòng tin kính sùng mộ đeo Áo Đức Mẹ (mảnh trước ngực mảnh sau lưng, sau một thời gian có thể đeo ảnh vảy Áo Đức Mẹ thay thế, theo ơn Đức Giáo hoàng Piô 10 ban năm 1910) còn được hứa ban ơn thoát khỏi Luyện ngục sớm hơn nữa. Đức Mẹ đã hứa cùng thánh Simon Stock Bề trên dòng Carmelô ngày 16 tháng 7 năm 1251 rằng: "Những ai sùng kính đeo Áo này sẽ được cứu thoát khỏi Hỏa ngục. Đây là dấu cứu rỗi, gìn giữ khỏi bị tiêu diệt, là sự hứa ban bình an và che chở đặc biệt tới mãn đời". Sau khi thánh Simon qua đời được 15 năm, một buổi sáng kia, khi Đức Giáo hoàng Gioan 22 đang cầu nguyện, Đức Mẹ hiện ra mang Áo Đức Mẹ Carmelô và phán: "Nếu những ai là tu sĩ dòng hoặc là người vào hội Áo, bởi tội lỗi mình phải vào Luyện ngục, Mẹ sẽ xuống, như người Mẹ nhân lành vào ngày thứ Bảy sau khi chúng qua đời để cứu vớt chúng và đem chúng về hưởng phúc muôn đời". Những lời vừa qua được công bố trong Tông thư "Sabbatine Bull" công bố ngày 3 tháng 3 năm 1322. Theo Tông thư này, muốn hưởng đặc ân trên phải giữ 3 điều kiện:

1. Ghi tên vào sổ nơi giáo xứ mình và đeo Áo Đức Mẹ,

2. Giữ đức trinh khiết theo bậc mình, và

3. Đọc kinh Tiểu nhật khóa Đức Mẹ hằng ngày, ai không đọc kinh Tiểu nhật khóa Đức Mẹ được, thì phải kiêng thịt các thứ Tư và Thứ Bảy. Linh mục nào có năng quyền có thể thay điều kiện thứ 3 bằng một việc đạo đức khác, ví dụ đọc kinh Mân côi hằng ngày. Bởi ơn ích rất trọng của ơn được cứu khỏi Luyện ngục ngày thứ Bảy (Sabbat), dòng Carmelô đề nghị điều kiện thứ 3 được thay thế bằng việc đọc 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính mừng, 7 kinh Sáng Danh. (Purgatory p. 411-412).

-------------

Kết luận

-------------

Linh hồn Luyện ngục chịu đau khổ mà không được tính công nghiệp gì. Đau khổ mà không cứu được mình, và phải ở đó cho tới khi trả hết đồng xu cuối cùng (Mt 5,26).

Phần ta, muốn khỏi đền tội lâu dài trong Luyện ngục, chỉ có cách lo đền tội trước ở đời này như Chúa Kitô đã phán: Hãy làm việc khi trời còn sáng, đêm tối đến biết đường đâu mà làm. (Ga 9,4) Ta còn được sống, hãy lo làm việc lành phúc đức để tôn vinh Danh Chúa, lập công đền tội cách nhẹ ở đời này, và để cứu các linh hồn Luyện ngục, nhất là các linh hồn mồ côi hằng mong chờ lòng thương xót Chúa Đức Mẹ Maria và lòng bác ái của người trên dương thế.

Nay ta cứu người, mai người cứu ta.

"Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được nên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen."

Lm. Đoàn Quang, CMC

Carthage,MO 7 tháng Hoa 2007




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng