Da Vinci Code

Hỏi: xin Cha giải thích vắn gọn những sai lầm lớn trong cuốn phim Da Vinci Code đang gây chú ý trong dư luận thế giới và Giáo Hội

Trả lời: Câu chuyện bắt đầu với bức tranh “The Last Supper” ( Bữa Tiệc Cuối Cùng Chúa Giêsu ăn với 12 Tông Đồ) của một danh họa người Ý tên là Leonardo da Vinci (1452-1519). Tác phẩm này ra đời vào năm 1598.

Trong bức họa này, Leonardo đã chọn một thanh niên có khuôn mặt giống gái nhiều hơn là trai, rất trẻ đẹp, tóc dài để đóng vai thánh Gioan ngồi tựa đầu cách lả lơi tình tứ vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly ... Chính hình ảnh này đã gợi cảm hứng và trí tưởng tượng phong phú cho Dan Brown, (sinh năm 1964 taị Exeter,Tiểu Bang New Hampshire) để viết cuốn tiểu thuyết nhan đề “The Da Vinci Code” (có nghĩa là Mật mã của DaVinci), xuất bản vào tháng 3 năm 2003 và đã có mức bán kỷ lục. Mới đây, tác phẩm này đã được Hãng Sony Pictures đóng thành phim và đang được trình chiếu ở Mỹ và nhiều nơi khác.

Sở dỉ cuốn tiểu thuyết của Dan Browm và phim The DaVinci Code được nhiều người chú ý và đang gây ra những phản ứng trái ngược trong dư luận cũng như sự phản đối của nhiều cấp lãnh đạo Giáo Hội là vì nội dung xuyên tạc trắng trợn lịch sử, nhằm mục đích bôi xấụ Kitô Giáo của tác phẩm này.

Sau đây là tóm tắt những sai lầm lớn của Dan Brown có chủ đích lăng mạ chính Chúa Giêsu và niềm tin KitôGiáo nói chung qua cuốn tiểu thuyết và phim ảnh này :

1- Chúa Giêsu không phải chết trên thập giá mà đã lấy bà Maria Magdalene và có con với bà này. Đây là một sự lăng mạ, xỉ nhục thô bạo nhất xúc phạm đến Chúa Giêsu vì tuyệt đối không có tài liệu xác thực nào của Giáo Hội kể cả các ngụy thư (apocryphas) đã đề cập đến việc này. Đây hoàn toàn chỉ là điều tưởng tượng, bịa đặt của Dan Brown sau khi nghiên cứu bức tranh “the Last Supper” của Leonardo da Vinci và cho rằng thánh Gioan chính là Maria Magdalene ngồi tựa đầu cách lã lơi vào ngực Chúa Giêsu qua nét vẽ lãng mạn của Leonardo mà thôi.

2- Xúc phạm nặng nề niềm tin của Giáo Hội Công Giáo nói riêng và của toàn thể Kitôgiáo nói chung về Thiên tính (Divinity) của Chúa Giêsu khi cho rằng Chúa chỉ là người phàm và chỉ được coi là có “thần tính” nhờ áp lực của Hoàng Đế Contantine tại Nicaea năm 325 : Đây là sự xuyên tạc trắng trợn sự kiện lịch sử là năm 325 Công Đồng chung Nicaea được triêu tập theo đề nghị của Đại Đế Constantine và được Đức Giáo Hoàng chấp thụân để lên án lạc thuyết (heresy) của Arius, một linh mục ở Alexandria, đã chối bỏ Thiên tính của Chúa Giêsu qua tác phẩm Thalia của ông... Công Đồng Nicaea năm 325 đã lên án lạc thuyết này, đã khai trừ Arius, và công bố Kinh Tín Kinh tuyên xưng Chúa Giêsu “ là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, đồng bản tính (consubstantialis) với Đức Chúa Cha...” như chúng ta ngày nay đọc trong Kinh tin kính các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng. Đây là kinh tuyên xưng đức tin của Công Đồng Nicaea (the Nicene Creed) tức của Giáo Hội về Thiên Tính của Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể (The Incarnate Word).

3- Về Hội Dòng Opus Dei: Dan Brown đã mù quáng vu khống cho Opus Dei là một “Hội kín” hoạt động để ám haị những người muốn tìm hiểu những “ bí mật” về Chúa Giêsu tức là giải những “Mật Mã” của Da Vinci trong bức hoa về Bữa Tiệc Ly cuối cùng (the Last Supper).

Sự thật thì Opus Dei (có nghĩa là Công Việc của Thiên Chúa) là một Hội Dòng hay Phong Trào của giáo dân do Đức Cha José Mariá Escrivá de Balaguer thành lập năm 1928 tại Tậy Ban Nha và được Toà Thánh công nhận năm 1950. Hội Dòng này qui tụ các giáo dân sống độc thân hay có gia đình với mục đích tha thiết sống Đạo giữa đời và chuyên làm việc bác ái để làm chứng nhân cho Chúa Kitô trước mặt người khác. Năm 1982 Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã cho phép sáp nhập Hội Dòng này vào Phủ Giám Hạt Thánh Giá (The Prelature of Holy Cross and Opus Dei) Hội có những linh mục và Giám Mục làm linh hướng cho hội viên như Đức Cha José Gomez đương kim Tổng Giám Mục San Antonio, từng là Đaị Diện miền Texas của Opus Dei ở Hoa Kỳ.

4- Về cái gọi là “Bí Mật Grail” . Dan Brown tưởng tượng ra điều này như một “Mật mã lớn nhất ” về cuộc sống phàm tục của Chúa Giêsu với bà thánh Maria Magdalene mà Opus Dei muốn che dấu và bảo vệ. Sự thật thì Grail hay Holy Grail chỉ là cái Chén Thánh (Chalice) mà theo truyền thuyết xa xưa thì Chúa Giêsu đã dùng Chén này trong Bữa Tiệc cuối cùng và sau đó ông Giuse Arimathé đã dùng để hứng những giọt máu từ cạnh sườn Chúa bị đâm thủng chảy ra. Như vậy, Grail không hề là một “mật mã” gì về Chúa Giêsu như Dan Brown đã tưởng tượng với ý xấu xa..

Đó là những sai lầm to lớn và đầy ác ý của Dan Brown khi viết cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code được làm thành phim và đang gây phản ứng hiện nay.

Chắc chắn Dan Brown không đánh lừa được ai tin những điều bịa đặt của y và do đó người tín hữu chúng ta không có gì phải lo ngại về hậu quả của cuốn tiểu thuyết và phim rác rưởi này. Nó chỉ là một trong những sản phẩm rất tồi tệ của các thế lực thù nghịch KitôGiáo tung ra để đánh phá cách tuyệt vọng Đạo Thánh của Chúa Kitô mà thôi.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng