Chỗ đứng của con người trong vũ trụ

Chỗ đứng của con người trong vũ trụ theo linh mục Teilhard De Chardin

§ Trịnh Nhất Định

Vài cảm nhận:

Hôm nay, tôi xin giới thiệu với quí vị một lối sống trí thức của Linh Mục Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955), một nhà Cổ Sinh Vật học người Pháp nổi tiếng. Lối sống của Ngài khác hẳn với lối sống của nhiều vị Linh mục khác, như thánh linh mục Gioan Viê-nây. Lối sống Linh Mục trí thức của Teilhard de Chardin, theo tôi, có thể gợi ra cho các linh mục một gương sáng về đời sống trí thức Triết-Thần học mới. Hơn nữa, vì Lớp giáo dân trẻ VN. hiện nay cũng có nhiều thắc mắc băn khoăn liên quan đến lãnh vực Đức Tin và Khoa Học, nên Linh mục cũng cần hiểu biết rành rẽ hơn nữa về những tiến bộ Khoa Học Kỹ thuật nói chung, ngày nay được phát triển rất cao, nhưng cũng có nhiều mối nguy hiểm, để có một cái nhìn tiến bộ, đúng đắn, hợp với Tin Mừng, để sẵn sàng hướng dẫn giáo dân VN. sống Lời Chúa cách tuyệt hảo và sinh nhiều hoa quả tốt cho Giáo Hội Công Giáo VN. đúng theo ý của Chúa. Hơn nữa, đây cũng là vấn đề đang được Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16 quan tâm, trong bài giảng mới đây của Ngài tại Aosta (Ý), ngày 6/9/2009.

Pierre_Teilhard_de_Chardin.jpg

Lm Teilhard de Chardin (1881-1955)

Cái nhìn của Linh Mục Teilhard de Chardin chắc chắn sẽ giúp giải quyết được nhiều vướng mắc mà giáo dân VN. đang gặp phải. Ví dụ, từ trước tới nay, trong giờ học Giáo lý, các linh mục dạy giáo dân là: Con người được Thiên Chúa dựng nên như trong sách Sáng Thế, đoạn 1 câu 1-31, thế nhưng, đùng một cái, nhiều giáo dân lại nghe một tiếng sét bên tai: Con người bởi khỉ mà ra. Nhất là vào thập niên 70-80 cuả thế kỷ 20, ở Việt Nam, tin sấm sét đó đã làm lung lay lòng Tin cuả nhiều người, vì không được giảng giải từ trước một cách thỏa đáng.

Hiện nay, trong Kinh Thánh cũng còn nhiều vấn đề liên quan đến Đức Tin-Khoa học cần đựơc Giáo Hội cắt nghiã cho Giáo dân thấu hiểu kỹ lưỡng hơn nữa, như vấn đề Thiên Đàng ở đâu? Hoả ngục ở đâu?, Chúa dựng nên Con người như thế nào? Tương quan giữa Con người và Vũ trụ là gì? Vũ trụ có cần được cứu chuộc hay không? Có tận thế hay không? Tận thế sẽ như thế nào? vân vân…

Ước mong sao thuyết Tiến Hoá của Linh Mục Teilhard de Chardin mà tôi trình bày dưới đây có thể góp một phần nhỏ vào việc xây dựng đời sống Đức Tin của chúng ta được sáng suốt, tiến bộ, vững bền, thánh thiện hơn, để chúng ta sống , tuyên xưng và rao giảng Lời Chúa cho xã hội Việt Nam thân yêu cuả chúng ta một cách hiệu quả cao và tốt đẹp nhất…

***

Bài này được chia thành ba phần lớn:

Phần một: Nhập đề.

Phần hai: Trình bày và nhận định.

I - Vũ Trụ sinh thành.
A/ Trình bày những khám phá mới mẻ của Khoa Cổ sinh vật học theo Teilhard.
B/ Suy tư Triết học và cảm nhận thần học của Teilhard về những khám phá đó.

II- Vũ trụ sinh thành ở giai đoạn trước sự Sống:
A/ Trình bày những khám phá mới mẻ của Khoa Cổ Sinh Vật học theo Teilhard.
B/ Suy tư Triết học và cảm nhận thần học của Teilhard về những sự kiện đó.

III- Vũ trụ sinh thành ở Sinh Đẳng:
A/Trình bày những khám phá mới mẻ của Khoa Cổ Sinh Vật học theo Teilhard.
B/ Suy tư triết học và cảm nhận thần học của Teilhard về những sự kiện đó.

IV- Vũ trụ sinh thành ở Trí Đẳng:
A/ Trình bày những khám phá mới mẻ của Khoa Cổ Sinh Vật học theo Teilhard.
B/ Suy tư Triết học và cảm nhận thần học của Teilhard về những sự kiện đó.

V- Chỗ Đứng của Con Người trong Vũ trụ sinh thành theo Teilhard de Chardin…

Phần ba: Kết luận: Góp ý về vấn đề “Chỗ Đứng của Con người trong Vũ trụ theo Linh mục P. Teilhard de Chardin”….


Chỗ đứng của con người trong vũ trụ theo linh mục Teilhard De Chardin (2)

§ Trịnh Nhất Định

NHẬP ĐỀ:

Có lẽ từ ngàn xưa Con Người đã tìm hiểu về Vũ Trụ và những quan niệm của người xưa thường thiên về tôn giáo hay thần thoại. Nhưng những quan niệm có tính chất triết học về Vũ Trụ đã khởi đầu từ Thalès de Milet vào thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Từ đó, Con Người không ngừng tìm hiểu, phân tách các yếu tố cấu tạo nên Vũ Trụ để rồi đạt đến một Vũ Trụ quan tĩnh với Aristote ở Hi-lạp (năm 384 – 322 trước Công nguyên). Theo Aristote, Vũ Trụ (cosmos) có một hình cầu và Trái Đất là trung tâm của Vũ Trụ. Vũ Trụ được quan niệm như một hình cầu vì hình cầu là hình hoàn hảo nhất, có thẩm mỹ nhất. Và mỗi tinh tú trong Vũ Trụ đều có hình cầu. Trái đất được coi là trung tâm của Vũ Trụ và trái đất là vĩnh cửu không hề biến hóa, và luôn luôn đứng im một chỗ. Tất cả các tinh tú khác đều vận chuyển xung quanh trái đất theo một nhịp điệu giống nhau. Ở giữa địa cầu là Con Người, vua của Vũ Trụ. Quan niệm địa cầu là trung tâm của Vũ Trụ và Con Người là trung tâm của địa cầu của Aristote được diễn tả trong chương Traité du monde của cuốn Traité du Ciel như sau:

“Vũ Trụ là một tổ hợp có trời và đất và những tạo vật khác được chứa đựng trong đó. Nhưng Vũ Trụ còn được hiểu theo một nghĩa khác là: sự trật tự và xếp đặt của mọi vật, được bảo tồn bởi Thượng Đế và vì Thượng Đế (Thượng Đế hiểu theo nghĩa là Nguyên Nhân Đệ Nhất). Trong Vũ Trụ ấy, cái trung tâm, một điểm cố định và không chuyển động chính là Trái đất, nguồn mạch của sự sống, điểm qui tụ và mẫu tử của mọi sinh vật. Còn miền cao hơn Vũ Trụ được rào kín tứ phía, và phần cao nhất là nơi cư ngụ của các Thần được gọi là Trời. Trời chứa đầy dẫy các vật thể thần thánh mà chúng ta gọi là các vị tinh tú và chuyển động theo một nhịp vĩnh cửu, trong một quỹ đạo độc nhất, theo một vòng tròn cùng với tất cả các vị tinh tú, không bao giờ ngừng từ thuở đời đời. Tất cả Trời và Trái đất có hình cầu, và chúng hằng chuyển động, như tôi đã nói; vị trí của chúng đối nghịch nhau, như thể trong trường hợp một bánh xe quay: có những điểm cố định và giữ lấy hình cầu mà cả khối trời quay xung quanh chúng. Những điểm đó được gọi là các cực. Nếu ta tưởng tượng ra một đường thẳng đi ngang qua các cực đó và nối chúng lại với nhau, người ta sẽ có đường kính của thế giới, có trái đất là trung tâm và hai cực là hai đầu.”

Mời xem: Aristote: Traité du Ciel, traduction par J.Tricot, Paris, 1949, trang79-181.

Tuy nhiên, con người không chỉ an phận trong cái nhìn của Aristote về chỗ đứng của mình trong Vũ Trụ. Thật vậy, với những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, vấn đề về chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ cũng được quan niệm khác hẳn, nghĩa là thiên về cái nhìn có tính cách khoa học hơn. Những tiến bộ khoa học đáng kể bắt đầu từ thế kỷ XVI với chủ thuyết “Mặt trời ở trung tâm” (heliocentric theory) của Nicolas Copernic (1473-1543), một giáo sĩ Ba-lan. Bước qua thế kỷ XVII, chúng ta thấy Johannes Képler (1571-1630) là nhà thiên văn học quan trọng đầu tiên sau Copernic đã chấp nhận thuyết “Mặt trời ở trung tâm”, và một nhà thiên văn học đã gây nhiều chấn động hơn cả là Galilée (1564-1642) người sáng lập ngành Động lực học (the dynamics). Người hoàn tất công trình của Copernic, Képler và Galilée là Isaac Newton (1653-1727) với lý thuyết về “Luật vạn vật hấp dẫn” (Law of universal gravitation). Điều đáng kể ở đây hơn cả là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật khởi đầu từ Copernic đó đã ảnh hưởng sâu xa đến quan niệm về chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ.

Thật vậy, với Vũ trụ quan của Copernic và Newton, vấn đề lại khác hẳn. Trái đất chỉ là một hành tinh nhỏ bé trong thái dương hệ và không có một ưu thế nào trên các hành tinh khác trong thái dương hệ lẫn trên Vũ Trụ bao la. Trái đất không được coi như thể trung tâm điểm của Vũ Trụ, nhưng ngược lại, đã bị coi như một “đứa con ghẻ” bị Vũ Trụ ruồng bỏ. Blaise Pascal (1623-1662) đã dùng hình ảnh sau đây để diễn tả hoàn cảnh, địa vị của trái đất sau cuộc “cách mạng của Copernic” trên phương diện thiên văn học: hình ảnh của Vũ Trụ trước thời Copernic được Pascal so sánh với hình ảnh một quốc gia, thủ đô là thành phố quan trọng nhất, là trung tâm mà các tỉnh, thị xã trong quốc gia ấy đều phải qui hướng về trên mọi bình diện, cách riêng bình diện chính trị và hành chánh. Quan niệm trước thời Copernic cũng tương tự như thế: Vũ Trụ to lớn và được tổ chức như một quốc gia mà thủ đô là trái đất, còn các hành tinh khác là các tỉnh, các thị xã. Nói khác đi, trái đất có một địa vị quan trọng như một thủ đô trong một quốc gia.

Nhưng với cuộc “cách mạng của Copernic” trên bình diện thiên văn học, trái đất không còn là thủ đô của Vũ Trụ nữa, cũng không phải là một tỉnh, một thị xã nữa, nhưng –theo Pascal – trái đất chỉ là một “quận lẻ” heo hút không ai thèm để ý tới. Ông viết:

“Trái đất chỉ là một “quận lẻ” hẻo lánh của Vũ Trụ.” (“un canton détourné de la Nature”) Xem Pascal, Les Pensées, số 72. Édition de Brunschvicg.

Nói cách khác, trái đất đã mất hết tầm quan trọng của nó trong Vũ Trụ.

Sự kiện trái đất bị “truất ngôi” do mặt trời thực hiện, đã kéo theo sự “sụp đổ ngai vàng” của Con Người trong Vũ Trụ. Vũ Trụ đã được khám phá rất nhiều trong thế kỷ XVII này nhờ những tiến bộ về kỹ thuật. Vũ Trụ không còn bị hạn hẹp trong khuôn khổ như một quốc gia nữa, nhưng Vũ Trụ là bao la, là vô biên. Vũ Trụ không chỉ là vỏn vẹn thái dương hệ, nhưng bao gồm hàng ngàn hàng vạn tinh tú khác được khám phá nhờ những ống kính viễn vọng. Blaise Pascal đã diễn tả điều đó như sau:

“Con người là gì trong Vũ Trụ? Một sự hư vô trước sự vô biên, một tất cả trước hư vô, một trung điểm giữa sự hư vô và vô biên.”

Mời xem: Pascal, Les Pensées, số 72, Edition de Brunschvicg.

Như thế, quan niệm Con Người là trung tâm của trái đất cũng lỗi thời theo quan niệm “trái đất ở trung tâm của Vũ Trụ”. Con người không còn là trung tâm trái đất xét trên bình diện địa lý. Trái đất không còn được “dựng nên” cho Con Người như một công viên được tạo nên cho một hoàng tử và như Pascal nhận xét rất đúng rằng khi vật chất đè bẹp Con Người thì vật chất cũng không ý thức được điều đó. Giữa hai cực, cực tiểu và cực đại, Con Người sẽ cảm thấy mình bị “ngộp thở”.

Đặc điểm đáng kể của quan niệm trên là Pascal đã nêu rõ được sự chênh lệch giữa thế giới cực đại và thế giới cực tiểu. Nhưng đây lại chính là khuyết điểm của Pascal, vì sự chênh lệch này chỉ được xét trên bình diện trọng lượng và độ lớn của sự vật. Do đó cái nhìn của Pascal vẫn còn đứng trong một Vũ Trụ quan hoàn toàn tĩnh như quan niệm của Aristote.

Mà bao lâu còn đứng trong một Vũ Trụ quan tĩnh thì bấy lâu Con Người chưa thấy được cái “bên trong” của sự vật. Chính cái “bên trong” đó sẽ xác định cái chỗ của Sự Sống và cái chỗ của Con Người trong Vũ Trụ.

Vậy làm sao thấy được cái “bên trong” của sự vật?

Nhờ sự tiến bộ của Khoa học Thực nghiệm nói chung và khoa Cổ sinh vật học nói riêng, Teilhard de Chardin đã đưa ra một Vũ Trụ quan động: một Vũ Trụ quan sinh thành. Sự Tiến Hóa của Vũ Trụ có một hướng đi rõ rệt. Trong Vũ Trụ sinh thành ấy Con Người là đích điểm của sự Tiến Hóa. Vậy, chỗ đứng của Con Người là “chóp đỉnh” của sự Tiến Hóa. Nói cách khác, Con Người là chóp đỉnh của một quá trình Tiến Hóa rất dài của Vũ Trụ đi từ hình thức thô sơ nhất của nguyên tử đến hình thức phức tạp nhất của Con Người. Hình thức phức tạp này của Con Người, theo Teilhard, vẫn còn đang tiến về điểm Chung cục mà ông gọi là Oméga.

Muốn thấu triệt quan niệm trên, trước hết có lẽ cũng cần nói qua về thân thế, sự nghiệp, phương pháp và quan điểm của Teilhard trước khi đi thẳng vào chính quan niệm của ông, để có một cái nhìn xác thực hơn và tránh được những nhận xét sai lầm đáng tiếc.

Pierre Teilhard de Chardin sinh năm 1881 tại Sarcenat, quận Orcines, gần Clermont-Ferrant (Pháp). Là người con thứ tư trong số 11 người con của một gia đính Công Giáo mộ đạo. Năm 1889 ông đi tu trong Dòng Tên, thụ phong linh mục năm 1911. Từ năm 1920 đến hết năm 1922 ông dạy môn Địa chất học và Cổ sinh vật học tại Institut Catholique de Paris. Từ năm 1923 đến năm 1946 Teilhard đã thực hiện các cuộc du khảo quan trọng với những cộng tác viên khoa học tên tuổi sau đây:

- 1923: với Breuil, Teilhard du khảo tại Trung Hoa: khai quật tại Ordos (Tây Đông). Tại đây, Teilhard rất thích thú tìm được 15 két ngà voi, tê giác, ma mút, ngựa.

- 1926 – 1927: ba cuộc du khảo tại Kansou, thung lũng Sang-Kan-ho Mongolie Orientale (Trung Hoa).

- 1929 – 1930: du khảo tại Shasi, Mandchourie (Trung Hoa).

Năm 1929, trở thành cố vấn cho cơ quan Địa chất học ở Trung Hoa do hội Carnegie thành lập. Teilhard cũng điều khiển môn Địa chất học và Cổ sinh vật học trong công việc khảo cứu các di tích của sọ con Hầu nhân ở Chokoutien, cách Bắc Kinh 50 cây số, với sự cộng tác của Licent.

Năm 1930, tham gia với Roy, Chapman, Andrews vào cuộc du khảo lớn: du khảo miền Trung Á (Mongolie) do hội American Museum of Natural History tổ chức.

- 1931: với Breuil, Teilhard khám phá ra rằng con Hầu nhân là “faber” nghĩa là biết đẽo đá, dùng lửa.

- 1931 – 1932: cùng với Osborn, Andrews và Haardt, Teilhard tham dự một cuộc du khảo lớn khác gọi là “La Croisière jaune” ngang qua toàn vùng Trung Á bằng xe hơi, do André Citroen tổ chức. Cuộc du khảo này thực sự chỉ giúp Teilhard mở rộng tẩm hiểu biết về Con Người chứ không khám phá được điều gì quan trọng.

- 1933: cuối năm này, với Black, Teilhard tìm thấy ở Choukoutien một cái hang nhỏ đầy những vết tích về con Hầu nhân: hai sọ người, các dụng cụ bằng đá và bằng xương, kiềng đeo cổ bằng các răng nối lại. Các vết tích này có một vai trò hết sức quan trọng vì nhờ đó Teilhard thấy được rằng: con Hoa nhân là một vật trung gian giữa loài Khỉ và loài Người, nghĩa là nó có một số đặc điểm của Khỉ và một số đặc điểm của Người. Như thế, giữa Khỉ và Người, trên phương diện khoa học, sự Tiến Hóa không bị đứt đoạn như người ta vẫn nghĩ từ trước đến nay.

Nhờ sự khám phá đó, Teilhard trở thành một nhà bác học danh tiếng.

- 1940: Teilhard thành lập viện Địa sinh vật học, với P. Leroy, ở Bắc kinh.

- 1943: với P. Leroy, Teilhard xuất bản tạp chí “Geobiologia” (Địa sinh vật tạp chí).

- 1950: Teilhard được bầu làm Khoa trưởng Khoa Địa – Sinh Vật học ở Institut Catholique de Paris.

- 1955, ngày 10 tháng Tư, Teilhard qua đời tại Nữu Ước, Mỹ.

Một cái nhìn hết sức tổng quát về một số chặng đời của Teilhard như thế cho ta thấy rõ nét đặc biệt này: đời của Linh mục Teilhard là một đời sống hoàn toàn hiến dâng cho Khoa học, cách riêng môn Cổ sinh vật học. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với chúng ta ở đây là Teilhard không chỉ ngừng lại ở những kết quả Khoa học tìm thấy được, nhưng đã nỗ lực tìm ra một ý nghĩa triết học và thần học về sự Tiến Hóa của Vũ Trụ ngang qua những khám phá Khoa học. Nói cách khác, Teilhard là một khoa học gia Công giáo, có những suy tư Triết học và những cảm nghiệm thần học rất có ích cho việc xây dựng một Đức Tin Công giáo tiến bộ ngày nay vậy.

Những tác phẩm quan trọng của ông có liên quan trực tiếp đến bài này là:

- Le Phénomène humain, Paris, Seuil, 1955.

- L’Apparition de l’ Homme, Paris, Seuil, 1956.

- La Place de l’ Homme dans la Nature, Paris, Seuil, 1956.

- La Vision du Passé, Paris, Seuil, 1957.

- L’ Avenir de l’ Homme, Paris, Seuil, 1959.

- Hymne de l’Univers, Paris, Seuil, 1961.

- L’ Energie humaine, Paris, Seuil, 1965.

- Science et Christ, Partis, Seuil, 1965.

- L’ Activation de l’ Energie, Paris, Seuil, 1965.

Và nhiều tài liệu xưa và nay khác nữa…

Chính vì Teilhard là nhà Cổ Sinh Vật học nhưng đồng thời có những suy tư triết học và những cảm nghiệm thần học nên chúng ta cần nói đến quan điểm và phương pháp riêng biệt của Teilhard hầu nhận định chính xác hơn về quan niệm của ông.

Trong các tác phẩm của Teilhard, chúng ta thấy thể hiện một quan điểm rất khách quan và tổng hợp. Khách quan như một bác học chứ không có cái nhìn nội quan của các triết gia như Bergson chẳng hạn. Tổng hợp vì Teilhard không khảo cứu một cá nhân riêng rẽ, cũng không học hỏi về “bản thể” trừu tượng của Con Người, nhưng Teilhard chỉ chú trọng đến toàn thể nhân loại, vì thế ông luôn luôn viết chữ Homme với chữ H hoa. Với một quan điểm như thế, dĩ nhiên Teilhard cũng đã dùng một phương pháp đặc biệt xứng hợp.

Phương pháp của Teilhard là phương pháp “Hiện - tượng - luận” (Phénoménologie). Phương pháp “Hiện - tượng- luận” của Teilhard rất khác với “Hiện – tượng – luận” của Husserl và Merleau-Ponty. Chính Teilhard cũng xác nhận như vậy trong lá thư ông viết cho Claude Cuénot ngày 11 – 4 – 1953 (xem Claude Cuénot trong bài “Teilhard de Chardin et philosophes, báo La table ronde, tháng 5 – 1955, trang 39). Phương pháp “Hiện-tượng-luận” của Teilhard có lẽ là một loại “biện chứng pháp” rất mềm dẻo, rất dài, bao la, không có tính diễn dịch luận lý như Hégel, mà có tính thăng tiến cho tới khi đạt tới một Nhất trí nội tại. Sự Thăng tiến đó gồm có 3 giai đoạn mà Teilhard diễn tả cách rất thi vị bằng những danh từ như:

- Ánh hồng của Vật chất (la pourpre de la Matière).

- Hoàng kim của Tinh thần (l’or de l’Esprit).

- Trạng thái sôi bỏng của một Người-nào-đó (l’incandescence de Quelqu’un) (hiểu là Đức Kitô).

Tóm lại, Teilhard đã luôn luôn đứng trên bình diện Khoa học tự nhiên là Khoa Cổ Sinh Vật học, nhưng cũng có những suy tư Triết học và những cảm nghiệm Thần học, để diễn tả cái trực giác nòng cốt của ông về sự xuất hiện của Con Người trong Vũ Trụ và cùng với Vũ Trụ đang tiến về Chung điểm Oméga, mà ở cuối đời, Ông gọi là Đức Kitô.

Vậy trực giác nòng cốt này là gì? Nó có thể thỏa mãn phần nào câu hỏi của chúng ta vể chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ theo Teilhard không?

Tìm sâu vào trực giác nòng cốt của Teilhard de Chardin là mục đích chính của những hàng sau đây.


Chỗ đứng của con người trong vũ trụ theo linh mục Teilhard De Chardin (3)

§ Trịnh Nhất Định

NỘI DUNG:

I. Vũ Trụ Sinh Thành

A/ Trình bày những khám phá mới mẻ của Khoa Cổ Sinh vật học:

1. Tiến Hóa là một sự kiện được các nhà Sinh vật học công nhận:

Trên bình diện Khoa học, chúng ta thấy nhiều thuyết khác nhau như thuyết của Lamarck, Darwin và De Vries cố gắng cắt nghĩa sự Tiến Hóa, nhưng không thấy một nhà bác học nào lại phủ nhận sự Tiến Hóa. Trừ trường hợp Termier là người đã giảm khinh điều đó vì những lý do phần nào ngoài Khoa học và đi ngược lại chủ trương của một nhà Sinh vật học. Jacques Monod nói về lập trường của các lý thuyết đó như sau:

“Các lý thuyết đó coi các sinh vật là những sản phẩm tinh luyện nhất và hoàn hảo nhất của cuộc Tiến Hóa toàn diện hướng về và đã thực sự đạt tới Con Người và nhân loại, bởi vì nó phải đạt tới đó.”

Mời xem: Jacques Monod, Le Hasard et la nécessité, essai sur la philosophie naturelle de la biologie moderne, Paris, Seuil, 1970, trang 39.

Những lý do căn bản khiến cho các nhà khoa học ngày nay chấp nhận sự Tiến Hóa của Vũ Trụ thường được dựa trên những khám phá của năm Khoa học sau đây:

- Khoa Cơ-thể-học so sánh (Comparative Anatomy).
- Khoa Sinh-vật địa lý học (Biogeography).
- Khoa Thai-sinh-vật-học (Embryology).
- Khoa Di-truyền-học (Genetics).
- Và nhất là Khoa Cổ-sinh-vật-học (Paleontology).

Tuy nhiên, không phải vì không có ai phủ nhận có sự Tiến Hóa thì vị tất chúng ta bị bắt buộc phải công nhận nó mà không cần nêu ra một vài nhận định quan trọng sau đây:

Trước hết, muốn công nhận sự Tiến Hóa, đối với nhà bác học, ta phải dựa trên sự kiện được chứng minh. Mà làm sao có thể quan sát và thu tập được các sự kiện để chứng minh?

Muốn đạt được mục đích đó, nhà bác học phải nhờ vào những dấu vết không thể chối cãi được của cơ cấu mà thế giới sinh vật, xét như một toàn thể, đã thể hiện ra trong các cuộc thí nghiệm. Tại sao phải dựa vào sự quan sát các dấu vết đó?

Lý do là vì có sự phân phối và liên lạc tự nhiên giữa các yếu tố sống động của thế giới trong không gian và thời gian.

Vì thế, theo Teilhard, các “dấu vết”, những hình thái của cơ cấu sinh vật biến đỏi qua thời gian và không gian có thể được mô tả lại, kể lại, và coi như là đối tượng của một lịch sử về thiên nhiên. Nói cách khác, những tăng tiến liên tục của Sự Sống có thể là đối tượng của một lịch sử.

Đến đây chúng ta cần nêu ra một câu hỏi như sau:

Lịch sử này có giá tri lớn lao, đáng tin cậy hay ngược lại không có giá trị gì cả?

Theo Teilhard, như bất cứ giai đoạn đầu của một lịch sử nào, giai đoạn đầu tiên của Khoa học thiên nhiên đã xây dựng trên những kiến thức chưa hoàn toàn vững chắc. Tại sao? Vì những thời kỳ đầu của bất cứ lịch sử nào cũng rất lu mờ đối với chúng ta. Nó lu mờ vì nó chưa đạt tầm mức quan trọng nhất của nó nên chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút sự chú ý của ta. Vì thế sử liệu của giai đoạn đầu của các lịch sử bao giờ cũng khó có thể đầy đủ. Nói cách khác, trên mọi bình diện, khi một điều gì thật sự mới mẻ bắt đầu ló dạng quanh ta, ta không phân biệt ngay được, lý do đơn giản là ta phải thấy trong tương lai sự phát triển của nó thì ta mới chú ý đến khởi điểm của nó. Và khi điều đó phát triển, ta ngược dòng thời gian để tìm về cái nguồn gốc và những nét lịch sử đầu tiên của nó thì chính những giai đoạn tiên khởi này lại đã bị lu mờ, bị hủy diệt hay bị quên lãng bởi thời gian. Thời gian tẩy xóa mọi nét phụ thuộc trong những bức họa về Sự Sống, nên chúng ta có thể xác định hơn nữa rằng:

Hoặc về một cá nhân hay một xã hội, hoặc về một thành thị hay một nền văn minh, những gì phôi thai không bao giờ hóa thạch, nói cách khác, không được lưu trữ lại.

Tuy không có đầy đủ các chi tiết lịch sử chính xác về những giai đoạn sơ khởi của các lịch sử ấy, nhưng nhìn chung thì lịch sử ấy cũng cho chúng ta những đặc tính chính yếu, vì những sự kiện chính yếu này đã được lưu tồn cho đến thời của chúng ta nhờ Khoa Cổ sinh vật học. Thật ra, và đây là điều đáng quí, Khoa Cổ sinh vật học đã cho ta thấy rằng: những sự bành trướng cuối cùng của những Loài vật còn kéo dài sự hiện hữu cho tới thời hiện đại bằng sự sống sót của chúng.

Những vật hóa thạch đó được Khoa Cổ sinh vật học mô tả rất tỉ mỉ. Chúng ta có thể nêu ra trong ít hàng sau đây:

a/ Theo giáo sư Gros Clark thì những con Linh Trưởng tiên khởi (Primates) xuất hiện vào đầu thời Đệ Tam kỷ (vào khoảng 70 triệu năm trước Công nguyên). Còn những con đười ươi hóa thạch xuất hiện vào thời Oligocène (khoảng 40 triệu năm), gọi là con Parapithecus.

b/ Loại Cro-Magnon, tìm được ở miền nam nước Pháp, đã thấy xuất hiện vào khoảng năm 20.000 trước Công nguyên.

c/ Loại Néanderthal, tìm thấy được cách đây quãng hơn một thế kỷ, sống ở vùng Dusseldorf (Đức), có bộ óc gần giống bộ óc con người ngày nay, sống vào khoảng giữa những năm 200.000 và 100.000 trước Công nguyên.

d/ Cách đây hơn một thế kỷ, Dubois đã tìm ra ở Java con Hầu nhân (Pithecanthropus).

e/ Năm 1933, David Black và Teilhard de Chardin tìm ra ở Choukoutien, gần Bắc kinh, con Hoa nhân (Sinanthropus). Con Pithecanthropus và Sinanthropus đã xuất hiện vào khoảng năm 500.000 trước Công nguyên.

f/ Cách đây quãng hơn 80 năm, Dart, Broom và Robinson khai quật ở Nam Phi châu các con Australopithecinal.

g/ Năm 1959, L. Leakey tìm ra con Zinjanthropus ở Tanzania sống vào khoảng năm 1.750.000 trước Công nguyên; sau đó ít lâu L. Leakey cũng tìm ra con vật gọi là Homo habilis sống đồng thời với con Zinjanthropus.

Nhìn vào những dữ kiện chính yếu mà Khoa Cổ sinh vật học đã tìm được, chúng ta thấy lịch sử về Thiên Nhiên này đã cống hiến cho ta nhiều đặc điểm. Những đặc điểm mà lịch sử Thiên Nhiên này cống hiến cho ta có thể gói ghém lại như sau:

Sự Sống có đặc tính thiết yếu là bổ sung (additif), nghĩa là những đặc tính mới bổ sung cho những đặc tính cũ ngang qua các thế hệ. Như thế ta có thể nhận định một cách tổng quát là: các yếu tố mới…đã thực hiện một cái gì hoàn hảo hơn là sự thay thế: chúng bổ sung lẫn cho nhau.

Ngoài ra, sự bổ sung này được dự trù, được hướng dẫn theo một hướng nhất định, chứ không vu vơ hay lang thang, tổng số của chúng tăng theo một hướng nhất định.

Tuy nhiên, sự định hướng của Sự Sống và của các Nhánh (phyla) khác nhau của nó không phải được thực hiện cách dễ dàng, nhưng rất khó khăn. Nó chỉ thể hiện ngang qua sự thí nghiệm và mò mẫm. Sự mò mẫm này không hoàn toàn mù quáng nhưng được qui về một hướng. Không thể hiểu hay giản lược nó thành một may rủi suông nào đó, nhưng nó là một sự may rủi được điều khiển. Hay nói theo Jacques Monod thì đây là một “sự ngẫu nhiên… được trở thành trật tự, qui luật, tất yếu.” Xem Jacques Monod, Le Hasard et la Nécessité, Paris, Seuil, 1970, trang 112.

Ngoài những đặc điểm trên đây, sự Tiến Hóa còn có một đặc tính khác nữa là bất phản hồi (irréversibilité) nghĩa là một vật có thể tích trữ những dấu vết của mỗi giai đoạn mà nó trải qua nhưng vật ấy không thể bị thoái hóa trở lại cách hoàn toàn về một giai đoạn quá khứ nào của nó. Nói cách khác, tuy nó bị ảnh hưởng bởi sự di truyền nhưng Sự Sống luôn luôn tiến tới một trạng thái hoàn hảo hơn. Như thế, luật Bất phản hồi được áp dụng vào bất cứ nơi nào có sự di truyền. Quả thật, khi một vật lưu trữ những di tích của mỗi giai đoạn nó trải qua, thì do sự kết cấu của nó, nó không thể trở lại y nguyên về bất cứ một trạng thái nào nó đã trải qua. Nghĩa là sự Tiến Hóa có tính liên tục và bất phản hồi.

Qua những nhận xét trên đây có tính chất khoa học, chúng ta đi đến kết luận có tính triết học như sau: không thể quan niệm như xưa rằng thế giới được tạo dựng một lần là hoàn tất, nhưng thế giới được hình thành nhờ những sự Tiến Hóa lâu dài.

Đồng thời, chúng ta cũng phải quan niệm rằng:

2. Tiến Hóa là một hiện tượng chung của tất cả các yếu tố cấu tạo nên Vũ Trụ và của chính Vũ Trụ nữa:

Đã từ hơn ba thế kỷ nay, sự Tiến Hóa không còn bị quan niệm quá hẹp hòi, quá giới hạn trong phạm vi các sinh vật nữa, nhưng nó bao hàm một tầm vóc toàn diện hơn, chung cho mọi yếu tố cấu tạo nên Vũ Trụ.

Quả thật, theo Descartes, có một điều chắc chắn, và đây cũng là một ý kiến được chấp nhận bởi toàn thể các nhà thần học, là: tác động mà nhờ đó hiện giờ Thượng Đế bảo tồn thế giới thì cũng là tác động mà nhờ đó Thượng Đế dựng nên Vũ Trụ. Và còn theo cách thức là Thượng Đế đã không ban cho thế giới, ở khởi nguyên Vũ Trụ, một hình thể nào khác hơn hình thể hỗn mang (chaos), miễn là một khi thiết lập xong những định luật về Vũ Trụ, Thượng Đế chỉ việc ban sức cho Vũ trụ để nó hành động theo một thói quen sẵn có, vì thế ta có thể tin mà không sợ xúc phạm đến phép lạ Sáng Tạo rằng: nguyên bởi điều đó mà thôi, tất cả sự vật mà bản tính hoàn toàn là vật chất đã có thể, với thời gian, trở thành hình thái như hiện nay ta thấy. Và ta có thể hiểu dễ hơn về bản chất của chúng khi quan niệm rằng: chúng tự sinh thành dần dần theo kiểu đó hơn là chỉ coi chúng như được tạo dựng một lần là xong.

Ngoài ra, dưới những khía cạnh khác nhau ta còn thấy Lemaître, Buffon, Kant và Laplace cũng đề cập đến sự sinh thành của vật chất và Vũ Trụ. Chúng ta có thể tóm tắt như sau:

Tất cả những lời cắt nghĩa về thế giới, từ ba thế kỷ nay, dưới những hình thức khác nhau, đều chủ trương: Vạn Vật Tiến Hóa. Từ những cơn lốc của Descartes, Descartes đã nói tới sự sinh thành của các sự vật, đến các Nguyên tử tiên khởi và tới Vũ Trụ đang bành trướng của vị Kinh sĩ Lemaître, ngang qua những “Thời đại của Thiên Nhiên” của Buffon, “Lịch sử Thiên Nhiên và lý thuyết đại cương về trời” của Kant và Hệ thống của Vũ Trụ” của Laplace.

Đặc biệt hơn cả, Sự Sống ngày nay không còn được quan niệm như một đặc ân riêng của sự Tiến Hóa nữa, nó chỉ là một trường hợp đặc biệt của một hiện tượng Tiến Hóa chung, nghĩa là có một tiến trình chung, không định kỳ, qui định sự Tiến Hóa Toàn Diện của hành tinh.

B/ Những suy tư triết học và cảm nghiệm thần học của Linh Mục Teilhard de Chardin về những khám phá mới mẻ trên đây của Khoa Cổ Sinh Vật học:

Sự Tiến Hóa của Vũ Trụ đi về đâu ?

Trên đây chúng ta thấy Teilhard đã nêu ra quan điểm của Khoa Cổ Sinh Vật học về Tiến Hóa: Tiến Hóa là một điều không thể chối cãi được, nó là hiện tượng chung cho cả Vũ Trụ. Từ những khám phá mới mẻ của Khoa Cổ sinh vật học, Teilhard đã đưa ra những suy tư Triết học và những cảm nghiệm thần học về Vũ Trụ sinh thành như sau: Mọi sự vật được thể hiện trong một tiến trình rộng rãi bao la, mọi vật liên đới với nhau, cùng tiến hóa chung với nhau và cùng nhau tiến về Đỉnh Điểm là Oméga, là Đức Kitô, để tạo ra một dung mạo mới mẻ của Vũ Trụ. Với cái nhìn như thế, Teilhard đã thoát khỏi một quan niệm tĩnh về Vũ Trụ để tiến tới một quan niệm động về Vũ Trụ.

Ra khỏi một Vũ Trụ quan tĩnh, Teilhard đi vào một Vũ Trụ quan động, nhưng phải hiểu thế nào về chữ “động” ? “động” là “cử động lộn xộn”, là “múa may lung tung” hay là sinh thành” ? Nói cách khác, sự Tiến Hóa của Vũ Trụ có ý nghĩa gì không? Sự Tiến Hóa của Vũ Trụ có đi về đâu không?

Đây là một vấn đề hết sức gay go đối với Teilhard de Chardin, có thể nói đó là vấn đề đã ám ảnh ông rất nhiều. “Gay go” vì những người đương thời với Teilhard, nhất là những “Đấng Bản Quyền” trong Công giáo, vẫn còn một quan niệm lỗi thời về vấn đề này. Vì thế, Teilhard đã mường tượng đến cảnh “một vấn đề Galilée mới” (une nouvelle question de Galilée). Vấn đề này đã gây nhiều sóng gió và vô cùng đau đớn cho Teilhard de Chardin.

Để trả lời cho một câu hỏi có thể có một ý nghĩa của sự Tiến Hóa hay không, dĩ nhiên câu trả lời của Teilhard sẽ là khẳng định, Teilhard đã phải dày công khó nhọc để thay đổi cả một quan niệm có từ ngàn xưa và vẫn còn được chấp nhận bởi hầu hết người đương thời.

Quan niệm cổ xưa về Vũ Trụ là một quan niệm Duy Vật, theo nghĩa là người ta hiểu và cắt nghĩa tất cả mọi sự vật bằng những nguyên tố đệ nhất. Người ta chỉ chú trọng vào những “nguyên tử” ấy và người ta cắt nghĩa sự cấu tạo của Vũ Trụ bằng sự phối hợp của các nguyên tử ấy. Và người ta nghĩ rằng tất cả mọi sự vật sẽ phát xuất từ đó, bằng sự tổ hợp liên tiếp giữa các nguyên tử. Nhưng sự tổ hợp này, theo nhãn giới cổ điển, tự phối hợp và tự phân chia mà vẫn giữ nguyên tính cách độc lập của chúng. Ngay trong cả trường hợp Con Người cũng thế, sự cấu tạo của Con Người cũng được cắt nghĩa như vậy.

Đến đây, chúng ta cần phải mở một dấu ngoặc: khi nói lên quan niệm Khoa học cổ truyền trên đây chúng ta không có ý công nhận rằng trong suốt thời kỳ trước Teilhard và đồng thời với Teilhard chỉ có một quan niệm duy nhất về Vũ Trụ là quan niệm Duy Vật, vì thực ra chúng ta không thể không biết đến tầm quan trọng của thuyết Tiến Hóa Sáng Tạo (l’Evolution créatrice) do Bergson đề xướng năm 1907, nghĩa là 9 năm trước tác phẩm đầu tiên của Teilhard là cuốn “La Vie cosmique”. Nhưng thuyết Tiến Hóa Sáng Tạo của Bergson hệ tại trên một bình diện Triết học hơn là Khoa học.

Ngoài ra, trên bình diện Triết học vẫn còn có một phong trào Duy Linh sau Bergson và rất mạnh trong thời kỳ của Teilhard.

Còn quan niệm của Teilhard về sự Tiến Hóa của Vật Chất thì sao?

Teilhard đã quan niệm khác hẳn với quan niệm của Khoa học cổ truyền. Ông xây dựng quan niệm của mình trên những khám phá của Khoa học Thực nghiệm nói chung và trên Cổ sinh vật học nói riêng. Quan niệm của Teilhard thấy xuất hiện dần dần từ năm 1916, trong cuốn “La Vie cosmique” cho tới ngày 5 tháng 5 năm 1925 thì quan niệm ấy thể hiện rõ ràng, táo bạo và dứt khoát hơn trong cuốn “Hominisation”. Xây dựng trên nền tảng Khoa học Thực nghiệm, nhưng lại rất khác với chiều hướng Khoa học thời bấy giờ. Thời đó, Khoa học Thực nghiệm chỉ chú trọng đến những vấn đề thuộc khoa giải thể học; ngoài cái nhìn “cơ thể học” về Con Người thì Khoa học Thực nghiệm thời đó phó mặc mọi vấn đề khác cho Triết học. Do đó có một sự kiện nghịch thường này: có một Khoa học về Vũ Trụ trong đó không có Con Người. Và cũng có một tri thức về Con Người bên lề Vũ Trụ, một Vũ Trụ trải rộng ra đến tận Con Người, xét nguyên là Con Người. Nghĩa là Teilhard rất ngạc nhiên vì không thấy ai đặt vấn đề về cái chỗ đứng của Khả năng Tư Tưởng trong Khoa học Thực nghiệm, do đó Teilhard muốn phản ngược lại một hoàn cảnh phản Khoa học như thế.

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 179.

Nói tóm lại, quan niệm về Tiến Hóa của Teilhard de Chardin không nhằm cắt nghĩa Vũ Trụ bằng những nguyên tố đệ nhất, nghĩa là các nguyên tử như quan niệm Khoa học cổ truyền và đồng thời đi xa và rộng hơn quan niệm của Khoa Giải thể học đương thời.

Vậy, quan niệm của Teilhard thiết yếu tại điểm nào? Nói cách khác, mục đích của ông là gì?

Teilhard trả lời cho câu hỏi đó như sau:

“...(mục đích của tôi là) diễn tả một trực giác về Nhân Loại, cách hết sức khách quan và đơn giản, một Nhân Loại xét như một Hiện Tượng trong tổng quát của nó và trong sự liên lạc của nó trong Vũ Trụ.

(...) Trong thực tế, chứ không phải là trên lý thuyết, các nhà khảo cứu và các nhà tư tưởng luôn luôn hành động như thể Con Người là một Vũ Trụ nào đó và tất cả những gì không thuộc về Con Người lại là một Vũ Trụ khác hẳn. Gần như chỉ có Khoa Giải thể học và Hình thể học đã cố gắng thực hiện sự chắp nối, nghĩa là coi Con Người như một yếu tố của những cấu tạo Khoa học của họ. Nhưng vì họ chỉ đã thực hiện điều đó trên lãnh vực của họ mà thôi và một cách hẹp hòi, nên họ đã làm mất hết giá trị Con Người, họ đã dứt bỏ hiện tượng Người ra khỏi các yếu tố đặc thù của nó, và cuối cùng ra, họ đã thường xuyên làm lu mờ cái nhìn của chúng ta về Chỗ Đứng của Con Người trong Vũ Trụ mà thôi.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Vision du Passé, trang 77.

Như vậy, mục đích của Teilhard là tìm hiểu Con Người toàn diện, vật chất, tinh thần, tôn giáo, thần học trong nhãn giới Khoa học Thực nghiệm.

Teilhard đã bắt đầu công trình nghiên cứu tìm tòi của mình không phải nại vào sự cắt nghĩa Vũ Trụ bằng những nguyên tử theo quan niệm Duy Vật, cũng không phải bằng những quan niệm phiến diện của Khoa học đương thời, nhưng với cái nhìn Cổ sinh vật học để dần dần tìm ra tất cả những tiến trình rất dài của cuộc Tiến Hóa của Vũ Trụ và chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ sinh thành và hướng tới Đích Điểm là Oméga, là Cánh Chung (Parousie) trong Kinh Thánh.

Mời xem:
- Isaia 41:4; 44:6
- Khải Huyền 1:8; 21:6; 22:13.

Sau khi đã có một cái nhìn tổng quát về vài điểm then chốt trong quá trình Tiến Hóa, chúng ta có thể kết luận như sau: Theo Teilhard, phải có một Vũ Trụ quan động ta mới có thể hội ra tầm quan trọng của đà Tiến Hóa toàn diện và có đích hướng tới của Vũ Trụ. Với cái nhìn về Vũ Trụ sinh thành như thế, ta mới thấy được chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ qua những giai đoạn trước Sự Sống, giai đoạn của Sự Sống, giai đoạn của Tư Tưởng trên đà tiến tới Đích Điểm, Cánh Chung Oméga.…

II. Vũ Trụ Sinh Thành ở giai đoạn Trước Sự Sống.

A. Trình bày những khám phá mới mẻ của Khoa Cổ Sinh Vật học:

1. Cái Hơn được sinh ra từ cái Kém …

Trên đây, chúng ta đã bàn tới một quan niệm Khoa học lỗi thời đã coi Con Người sống biệt lập với Vũ Trụ và Vũ Trụ biệt lập với Con Người, và như thế đã mặc nhiên coi sự liên tục giữa Vật lý học và Sinh vật học là một chuyện quái đản. Nói cách khác, quan niệm này hằng chủ trương rằng giữa Vật chất vô cơ và Sinh vật có một lỗ hổng không thể vượt qua được. Lý do mà họ dựa trên đó để kết luận như thế là:

Cái Không không thể nào sinh ra cái Có được. Vật vô cơ không thể nào sinh ra vật hữu cơ được. Những gì kém hoàn hảo không thể sinh ra những gì lại hoàn hảo hơn. Một Sinh vật không thể sinh ra do tiền Sinh vật được.

Ngay ở thế kỷ XIX, khoa Vật lý học vẫn còn có một cái nhìn rất gần với cái nhìn của Toán học thuần túy về thế giới, nghĩa là coi thế giới càng ngày càng tiến dần đến một trạng thái tĩnh.

Nhưng Teilhard de Chardin lại có một lập trường hoàn toàn trái ngược. Theo ông, thời Sinh Đẳng đã có một thời Tiền Sinh đẳng. Trong thời Tiền Sinh đẳng này, Vật chất không cứng đọng, trái lại, nó đã phục tùng định luật Phức Tạp rồi, nghĩa là do cơ cấu của nó, Vật Chất đã có những dấu hiệu chứng tỏ có một khả năng sinh thành. Nơi Vật Chất đã thấy tiềm tàng mầm mống của Sự Sống.

Nói cách khác, tất cả Vũ Trụ: Vật chất, Sinh vật và loài Người, đều sinh thành. Teilhard viết:

“Mỗi yếu tố của Vũ Trụ đã tích cực dệt thành tất cả những yếu tố khác”.

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 38.

Như thế, ngay ở mỗi đơn tử hay tiểu bộ phận tích lũy đều đã thấy thể hiện sự đồng trương ra với toàn công cuộc sinh thành của Vũ Trụ, đều Tiến Hóa từ chỗ hết sức đơn giản đến những trình độ càng ngày càng hết sức phức tạp hơn. Từ những tinh vân, hành tinh, tinh tú đến trái đất và mọi vật trong đó đều tàng ẩn cái Toàn Diện rồi.

Nói cách khác, chấp nhận ý niệm về giai đoạn Tiền Sinh này là một vấn đề hết sức quan trọng như trong trường hợp các nhà bác học cách đây hơn một thế kỷ chấp nhận quan niệm mới mẻ về Vật Chất của P. Marie Curie, vì nó sẽ giúp ta xây dựng một viễn tượng Tiến Hóa bao trùm cả Vũ Trụ. Teilhard viết như sau:

“Trong viễn tượng quán xuyến của Hoàn Vũ, Sự Sống tất nhiên phải giả thiết một giai đoạn Tiền Sinh đi trước nó xa vời.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 53.

Sự quả quyết trên đây của Teilhard de Chardin lại trùng hợp với sự quả quyết của J. B. S. Haldane, một nhà Khoa học danh tiếng người Anh, và điều đó đã tạo cho Teilhard de Chardin không ít sự bỡ ngỡ. Teilhard đã viết lại như sau:

“Những trang ấy, tôi đã viết từ lâu rồi, và tôi rất bỡ ngỡ vì tìm được cùng một nội dung tôi đã viết khi đọc những hàng chữ quan trọng do J. B. S. Haldane mới viết như sau: “Chúng tôi không tìm thấy một dấu vết hiển nhiên nào của sự sống trong cái mà chúng tôi gọi là Vật Chất.”, nhà Sinh vật học danh tiếng ấy đã nói thế, “và như vậy chúng tôi tìm tòi học hỏi hơn xem những đặc tính nào thể hiện rõ rệt hơn cả. Nhưng nếu những viễn tượng mới mẻ của Khoa học là đúng, thì cuối cùng ra chúng ta phải công nhận rằng đã gặp được những đặc tính ấy, ít ra trong những hình thức thô sơ, trong cả Vũ Trụ.”

Mời xem: J.B.S.Haldane, The Inequality of Man, Pelican Editions, A.12, trang 114, Science Ethics.

Trích lại theo Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 53.

Nói khác đi, tất cả những gì bên dưới hay có trước Sự Sống đều đã chứa đựng những mầm mống tiềm tàng của Sự Sống rồi. Có như thế thì tiến trình của Tiến Hóa mới nhất trí và liên tục được.

2. Sự lưỡng diện của Vật Chất.

Để giải thích tại sao những đơn tử của Vật Chất đã chứa cái mầm mống của Sự Sống, Teilhard đã đưa ra quan niệm sau đây: Sự vật là lưỡng diện.

Muốn có cái nhìn chính xác về Sự Vật, chúng ta phải nhìn cả hai phía của nó: phía bên ngoài và phía bên trong, và coi chúng đều quan trọng như nhau. Phái Duy Vật chỉ nhìn thấy “phía ngoài” của Sự Vật, còn phái Duy Linh lại chỉ nhìn thấy “phía trong” của nó. Quan niệm Duy Vật và Duy Linh đều khiếm khuyết, nên vì thế phải bổ khuyết cho nhau, như nhận xét hữu lý của Teilhard:

“Theo tôi, cả hai quan niệm ấy đòi hỏi phải được gặp gỡ nhau… trong một thứ Hiện tượng luận hay Vật lý học đã được tổng quát hóa, ở đó, phía trong của vạn vật sẽ được chú ý tới cũng như phía ngoài của Thế giới.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 49.

Ngoài ra, về sự lưỡng diện của Vật Chất, Teilhard còn xác nhận rõ hơn:

“Lớp vải (l’Étoffe) của Vũ Trụ có một phía trong, tất nhiên vì nó lưỡng diện theo cơ cấu, nghĩa là bất cứ ở đâu trong không gian và thời gian, …:cùng đồng trương ra phía ngoài của chúng thì có phía trong của chúng nữa.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 52-53.

Nếu thế, ta phải phân biệt hai loại năng lượng tương đương với hai phía, phía trong và phía ngoài của sự vật; hai năng lượng ấy Teilhard gọi là: năng lượng giáp tuyến và năng lượng xuyên tâm. Năng lượng giáp tuyến là năng lượng cơ học, còn năng lượng xuyên tâm là luật tâm lý. Hay nói theo Jacques Monod: năng lượng xuyên tâm là năng lượng làm cho sự Tiến Hóa của Vật Chất đi lên để qui tụ vào Chung Điểm Oméga.

Mời xem: Jacques Monod, Le Hasard et la nécessité, essai sur la philosophie naturelle de la biologie moderne, Paris, Seuil, 1970, trang 45.

Teilhard viết như sau:

“Chúng ta chấp nhận rằng, mọi năng lượng đều có một bản chất tâm lý. Nhưng chúng ta cũng thêm rằng: trong mỗi hạt nguyên tố, cái năng lượng căn bản đó chia làm hai thành phần khác nhau: một năng lượng giáp tuyến làm cho một yếu tố liên đới với mọi yếu tố cùng loại với nó (nghĩa là cùng sự phức tạp tính và sự qui tâm tính) như chính nó trong Vũ Trụ; và một năng lượng xuyên tâm hằng thu hút nó trong hướng đi tới một trạng thái luôn luôn phức tạp và qui tâm hơn, hướng về vị lai.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 62.

Nói cách khác, năng lượng xuyên tâm (énergie radiale) là năng lượng của Vũ Trụ trên phương diện xây dựng những hệ thống càng ngày càng phức tạp, do đó càng ngày càng tích lũy và qui tâm hơn, hay nói như Barthélémy-Madaule là năng lượng tinh thần hóa .

Mời xem: Madeleine Barthélémy-Madaule: Bergson et Teilhard, Paris, Seuil, 1963, trang 107.

Còn năng lượng giáp tuyến là năng lượng của Vũ Trụ dưới khía cạnh thiết lập những liên hệ hoàn toàn ngoại giới giữa các vật thể chất.

Như thế, một yếu tố càng ít có tính cách qui tâm thì năng lượng giáp tuyến của nó lại càng thể hiện rõ rệt bởi những hậu quả mạnh mẽ của nó.

Ngoài ra, sự phân biệt trên kia của Teilhard cho chúng ta thấy rằng: sự liên lạc giữa hai năng lượng đó khá phức tạp. Trước hết, Teilhard luôn từ chối không chịu coi năng lượng xuyên tâm như là một tùy thể không hơn không kém của năng lượng giáp tuyến. Tuy năng lượng xuyên tâm bằng cách nào đó có tùy thuộc vào năng lượng giáp tuyến, nhưng năng lượng xuyên tâm lại sử dụng năng lượng giáp tuyến đó theo những mục tiêu của nó. Sự xích lại gần nhau của các yếu tố được thực hiện bởi năng lượng giáp tuyến đã làm cho sự xuất hiện của Phức tạp tính mới mẻ được dễ dàng hơn và do đó cũng giúp đỡ cho sự đi lên của năng lượng xuyên tâm, vì thế cũng lôi kéo các yếu tố đến những sự hỗn hợp mới càng ngày càng phức tạp hơn. Năng lượng xuyên tâm không phải là một Phụ Tượng, nhưng chính là một Hiện Tượng. Chính nó đã tạo nên cái tiếp xuất căn bản (la dérive fondamentale) và hướng dẫn đến cái trục của sự vận chuyển của Vũ Trụ.

Khác hẳn với năng lượng giáp tuyến hoạt động như một lực thúc đẩy, năng lượng xuyên tâm xuất hiện như một “sự đẩy tới”, một “sự thu hút” từ căn bản. Khi sự Tiến Hóa đạt đến mức độ Con Người, chúng ta thấy nó thể hiện như một “ý chí muốn sống” căn bản vậy.

Nói tóm lại, cái “phía trong” và cái “phía ngoài” đều cần thiết để sự sinh thành của Vũ Trụ được tiếp tục tiến về một đích điểm là Oméga, nhưng cái “phía trong” giữ vai trò quan trọng, vì chính cái bên trong của Sự Vật sẽ xác định đâu là những cơ cấu có tính phức tạp và đâu là những vật không được tổ chức theo định luật Phức Tạp.

Teilhard viết như sau:

“Chúng tôi hiểu từ “phức tạp tính” là tính chất của sự vật có khả năng dung nạp được nhiều nguyên tố; được tổ chức liên hệ với nhau rất chặt chẽ.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, L’Avenir de l’Homme, trang 137.

Nói cách khác, từ “Phức tạp tính” không diễn tả một sự tập hợp đơn giản nào đó (simple agréation), nghĩa là một sự tập hợp mà trong đó các yếu tố không được tổ chức, như trường hợp một đống cát, một chòm sao, một vùng tinh tú nào đó.

Từ “Phức tạp tính” cũng không có nghĩa là sự lặp đi lặp lại đơn giản có tính cách hình học, vô định của các đơn vị, như trong trường hợp hiện tượng kết tinh (cristallisation), mặc dù các đơn vị ấy có thay đổi mấy đi nữa, và các trục của sự tổ chức có nhiều mấy cũng thế.

Vậy, từ “Phức tạp tính” của Teilhard diễn tả cái gì?

“Phức tạp tính diễn tả sự hỗn hợp (combinaison) –nghĩa là cái hình thức đặc biệt và thượng đẳng của sự kết nhóm mà đặc tính là sự quấn mình trên một số yếu tố nhất định nào đó (ít hay nhiều yếu tố không thành vấn đề) – với hay không với sự trợ giúp của kết khối và sự lặp đi lặp lại – thành một tổng hợp kiện toàn, với đường kính nhất định: như nguyên tử, phân tử, tế bào, đa bào động vật vv…”

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Place de l’Homme dans la Nature, trang 29.

Trong định nghĩa trên đây, chúng ta thấy Teilhard có ý nhấn mạnh đến hai đặc tính là: sự tổ chức của một số các yếu tố và sự chặt chẽ của mỗi tổ chức (ensemble clos). Hai yếu tố này quan trọng, vì:

Trong trường hợp của sự kết khối và sự kết tinh, sự tổ chức từ bản chất của nó là, và luôn luôn vẫn là một tổ chức không thể kiện toàn, từ bên ngoài. Nói cách khác, trong các tinh tú hay tinh thể, ta không gặp thấy dấu vết của một đơn vị được giới hạn với chính nó, nhưng chỉ thấy xuất hiện đơn giản của một hệ thống “uốn cong mình” cách bất tất.

Trái lại, trong trường hợp của sự hỗn hợp (combinaison) lại khác. Nhờ hỗn hợp, nên lại sinh ra một loại nhóm có cơ cấu được kiện toàn, đó là Vi Vật (le Corpuscule), có tiểu vi vật và đại vi vật. Vi vật là một đơn vị “tự nhiên” thật sự và kép, nghĩa là nó có giới hạn trong cơ thể và sự độc lập của nó. Như vậy, sự Phức tạp hệ tại ở chỗ “qui tâm” của cơ cấu Sự Vật.

Teilhard diễn tả sự Phức Tạp được tăng tiến dần dần của Vật Chất trong đường biến thiên mà Teilhard mượn của Huxley một phần như sau:

Nhìn vào hình này, trên đường Oy, chúng ta không thấy gì đặc biệt vì đường Oy chỉ diễn tả, theo cm, chỉ chiều dài (hay đường kính) của các vật-tiêu-chuẩn chính theo Vạn vật học, từ các vật nhỏ nhất đến lớn nhất. Khởi điểm của Oy được Huxley cho là 10 -13, nghĩa là một định số tuyệt đối của chiều dài trong Vũ Trụ.

Trục Ox diễn tả và đo lường không phải chiều dài của vạn vât, nhưng là độ phức tạp của chúng. Dĩ nhiên ở đây chúng ta phải nói đến tính cách tưởng tượng phần nào của những điều diễn tả ở Ox, vì khi ta vượt quá giới hạn của các phân tử, thì hầu như không thể đo lường cách hết sức chính xác hoặc là số của các yếu tố (đơn hay phức tạp) cấu tạo nên nó, hoặc số của các liên lạc giữa các yếu tố hay nhóm các yếu tố với nhau. Vì thế chúng ta chỉ có thể nói đến một giá trị tương đối chính xác thôi. Cũng trong tương đối, Teilhard dùng cái “thông số phức tạp tính” để chỉ số các nguyên tử trong một Vi Vật.

Đường cong diễn tả sự tiến triển về Phức Tạp theo Teilhard de Chardin

Sau đó, Teilhard mới khởi sự vẽ đường biểu diễn sự Vi vật hóa của các vật trong Vũ Trụ. Đường biểu diễn này có được nhờ sự tập hợp các Vi Vật tự nhiên mà ta biết được theo hai hệ số dài và phức tạp của chúng. Đường biểu diễn này khởi đầu từ vật rất đơn giản (yếu tố hạch tâm) lên tới các Vi Vật sống rất mau chóng. Bên trên các Vi Vật sống này, nó lên rất từ từ. Teilhard vẽ nó tiệm cận với đường bán kính của Trái Đất để chúng ta dễ hội ra rằng: sự phức tạp tính ở mức cao và rộng nhất của Vũ Trụ là điều mà Teilhard sẽ gọi là Nhân Loại được hành-tinh-hóa hay Trí Đẳng.

Nhìn vào đường biểu diễn này ta thấy gì?

Điều đáng chú ý đầu tiên là một cực thứ ba sẽ xuất hiện đó là cực Phức Tạp. Nếu không có cực Phức Tạp này, Vũ Trụ quan của ta không thể vượt ra khỏi Vũ Trụ quan tĩnh với hai cực của Pascal. Như thế, Vũ Trụ này được sinh thành trong ba cực: cực đại, cực tiểu, cực Phức tạp.

Điều đó đưa ta đến nhận xét thứ hai sau đây còn quan trọng hơn nhận xét thứ nhất. Đó là: mỗi cực đều có một số “hậu quả” đặc biệt, không phải chỉ vì nguyên cực đó mới có những hậu quả đó, nhưng có nghĩa là chỉ trên cực đó các Sự Vật mới tỏ hiện ra cách rõ rệt. Ví dụ, các Nguyên Lượng trên cực tiểu, sự Tương Đối trên cực đại, còn trên cực Phức Tạp, đó là SỰ SỐNG.

Nếu biết nhìn như thế, thì chính cái nhìn này lại giải tỏa chúng ta khỏi một quan niệm sai lầm luôn coi Sự Sống là đứa con rơi của Vật Chất. Nếu biết nhìn, ta sẽ thấy Sự Sống không là gì khác, theo kinh nghiệm của Khoa Học, là một số hậu quả loại biệt của Vật Chất được phức tạp hóa: Nó có đặc tính đồng trương ra toàn thể lớp vải của Vũ Trụ và chỉ có thể nhận thấy được khi sự Phức Tạp đạt tới một mức độ nào đó. Teilhard gọi đó là những “bước” phải vượt qua. Khi sự Phức Tạp vượt qua cái “bước” đó, nó mới tạo ra những đặc tính mới mẻ khác.

Như thế, khi cơ cấu của Sự Vật càng được sắp xếp (arrangement) và càng được tích lũy (centration) thì Phức tạp tính càng được tăng lên.

Áp dụng vào Vật Chất, chúng ta thấy một nguyên tử sẽ phức tạp hơn một đơn tử (électron), một phân tử (molécule) lại phức tạp hơn một nguyên tử; một tế bào sống (cellule vivante) lại phức tạp hơn những hạt nhân hóa học (noyaux chimiques) cao đẳng nhất mà nó bao hàm.

Do đó, sự khác biệt giữa những nguyên tố (éléments) không chỉ hệ tại ở số lượng và sự khác biệt của những yếu tố được dung nạp trong mỗi trường hợp mà còn hệ tại ở số lượng và sự khác biệt của những tương quan giữa chúng với nhau nữa. Như thế chúng ta đã ra khỏi một quan niệm tĩnh về các nguyên tố, theo đó các nguyên tố được coi là đặt kề bên nhau mà không có sự liên lạc gì với nhau. Trái lại, theo Vũ Trụ quan động thì trong nguyên tố có nhiều yếu tố hợp lại, nhưng sự kết hợp này không phải như bất cứ sự kết hợp đơn giản nào mà là sự kết hợp có tổ chức (non pas simple multiplicité, mais multiplicité organisée); hơn nữa, trong đó có sự phức tạp, nhưng không phải một sự phức tạp tầm thường mà là một sự phức tạp tích lũy (non pas simple complication, mais complication centrée). Nói rõ hơn, Teilhard gọi đó là sự Phức Tạp Qui tâm (centro-complécité).

3. Những hậu quả:

Những hậu quả rút ra từ định luật Phức Tạp tính này thật lớn lao:

- Hậu quả thứ nhất:

Trước hết, nhờ định luật Phức Tạp tính này, ta phân biệt được đâu là những đơn vị tự nhiên thực thụ (les vraies unités naturelles) và đâu là những đơn vị giả tạo phụ thuộc (les Pseudos-unités accidentelles). Dĩ nhiên, những đơn vị tự nhiên thực thụ mới đáng kể, vì nơi chúng, ta sẽ nhận ra sự có mặt tiềm tàng của Sự Sống. Vậy, chỉ có: nguyên tử, phân tử, tế bào, vật sống là những đơn vị tự nhiên thực thụ, vì chúng vừa tập hợp vừa tích lũy. Còn những đơn vị giả tạo phụ thuộc đều không đáng kể, như hạt nước, đống cát, trái đất, mặt trời…nói chung là các tinh tú, tuy gồm nhiều hợp chất nhưng lại không có sự tập trung và tích lũy nào cả.

- Hậu quả thứ hai:

Trong số các đơn vị tự nhiên thực thụ mà nhờ định luật Phức Tạp tính ta nhận ra được hệ số phức tạp tính của chúng, thì cũng nhờ những hệ số này ta có thể thiết lập một biểu đồ rất tự nhiên và phổ biến như sau hầu dễ hội ra tính cách Phức tạp theo đẳng cấp của các vật thể trong Vũ Trụ:

Trước hết, ở nấc thang cuối cùng có 103 vật thể đơn giản của hóa học, từ Hydro đến Lawrencium, được cấu tạo như những tập hợp của những hạt tâm nguyên tử.

Mời xem: Irving Adler: l’Univers de l’Atome, introduction à la physique moderne, trang 19; Coll. Marabout, Paris 1965. Và xem Ernest R.M.Kay: Biochemistry, an introduction to Dynamic Biology, trang 20.

Trên những nấc thang đó là những phân tử (molécule) được cấu tạo bằng những tập hợp của những nguyên tử. Các phân tử ấy có thể trở thành khổng lồ trong những hóa hợp carbone (composés de carbone). Sau đó trong những chất Đản bạch (albuminoide) hay Đản bạch tinh (protéines) có hàng ngàn ngàn nguyên tử hợp lại: phân tử trọng (poids moléculaire) là 68.000 trong huyết sắc tố (hémoglobine du sang).

Bên trên nữa, bắt đầu có các cực vi khuẩn (virus). Cho đến bây giờ, người ta chưa biết chúng có chứa đựng những đại phân tử hóa học (les molécules chimiques) hay đã chất chứa những cực vi trình (les Infra-bactéries) có Sự Sống hay không? Phân tử lượng của chúng đã lên tới hàng triệu triệu.

Lên cao hơn một cấp nữa mới đến các Tế bào tiên khởi (les premières cellules). Thật khó xác định tới nội dung nguyên tử của chúng, có thể đã lên tới hàng ngàn ngàn triệu. Có điều chắc chắn là: chúng bao hàm những hỗn hợp Đản bạch tinh rồi.

Sau cùng, đến thế giới của các Sinh Vật được cấu tạo bằng những tập hợp của nhiều Tế bào. Ngày nay Khoa học đã thiết lập được, ngay ở trường hợp rất đơn giản của một cây bèo, nguyên tử trọng của nó phỏng độ 4 x 10 20 nguyên tử.

Dựa vào biểu đồ về tiến trình Phức tạp tính đi lên ấy, Teilhard cho chúng ta thấy: Vật Chất nguyên thủy là một cái gì vượt trên trạng thái gồm những tiểu bộ phận lúc nhúc (grouillement particulaire), nên ngay ở đó đã thấy có vách Tế bào Sinh vật (feuillet biologique) rồi. Chính lớp Tế bào đó là “phía trong”, là “ý thức” hay “bột phát tính” của Vật Chất. Teilhard viết như sau:

“Ở mức độ đơn giản nhất của nó, Vật Chất nguyên thủy đã có một cái gì tích cực hơn là những tiểu bộ phận lúc nhúc mà Khoa Tâm Vật lý học đã phân tích thấy được cách kỳ diệu. Dưới cái Tế bào cơ học tiên khởi ấy, tuy nó còn mỏng tí ti, nhưng ta phải nhận ra đó là một vách Tế Bào sinh vật rồi: nó rất cần thiết để giải thích trạng thái của Vũ Trụ trong những thời tiếp sau. “Phía trong”, “Ý Thức”, và “Bột Phát tính”, ba kiểu nói đó diễn tả cùng một sự vật. Và chúng ta không thể nào không xác định cách thực nghiệm sự khởi đầu tuyệt đối không còn thấy xuất hiện ở bất cứ một chỗ nào trên Vũ Trụ ngoài chỗ ấy.

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 53.

Chính vách tế bào “Sinh vật” đó là nhịp cầu nối Thạch Đẳng với “Sinh Đẳng”. Đặc điểm của giai đoạn này là chất “Lục diệp” (chlorophyle). Khi các điều kiện vật lý đã hội được đầy đủ trong lúc vỏ trái đất hình thành thì đã sản xuất ra một thứ chất đầy sức sống động, có màu xanh. Dưới ảnh hưởng của ánh mặt trời, chất lục diệp này phối hợp với acide carbonique bằng cách xả oxy ra; tiếp đó mới sản xuất ra những chất hydrate carbone, amidon và đường. Những chất này sẽ là nguồn dinh dưỡng tiên khởi và duy nhất của loài thảo mộc và các loại Sinh vật trở lên nữa.

Như thế, sự Tiền Sinh đã không tiềm tàng trong bất cứ đâu khác ngoài trái đất. Vì theo Teilhard:

“Mặc dù khổng lồ và sáng ngời, các tinh tú cũng không thể đẩy sự sinh hóa của Vật Chất xa hơn loại các nguyên tử được.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, L’Avenir de l’Homme, trang 142.

Và sau đó ông lại tiếp:

“ Nhưng trái lại, trên những hành tinh rất tối tăm, và chỉ ở nơi chúng mới có những may mắn để theo đuổi một thăng tiến huyền bí của Vũ Trụ hướng lên những gì phức tạp cao đẳng nhất. Trong lịch sử các tinh tú, tuy vị trí của chúng bé nhỏ và phụ thuộc, nhưng những hành tinh ấy lại là những địa điểm trọng tâm của Hoàn Vũ, vì bây giờ cây trục chính hiện đang xuyên qua chúng và từ nay ở nơi chúng sẽ tập trung cái nỗ lực của sự Tiến Hóa đặc biệt chú trọng đến việc tác tạo ra những đại phân tử.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, L’Avenir de l’homme, trang 142.

Trong số các hành tinh này, Teilhard tỏ ra rất ưu đãi Trái Đất của chúng ta, tuy nó nhỏ bé nhưng giá trị của nó rất lớn. Teilhard viết:

“(Trái Đất) là địa điểm duy nhất trong Hoàn Vũ giúp ta lần được theo cuộc Tiến Hóa của Vật Chất qua những biến tượng của nó và cho tới chính chúng ta”.

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Vision du Passé, trang 312.

- Hậu quả thứ Ba:

Ý Thức xuất hiện như kết quả của quá trình Tiến Hóa phức tạp.

Đây cũng là hậu quả quan trọng vào bậc nhất. Thật vậy, trong một Vũ Trụ quan tĩnh, Tinh Thần và Vật Chất đã được ít nhiều coi như – rõ ràng nhất với Platon và Descartes – hai phạm trù đặt kề nhau và giữa chúng không có một nhịp cầu liên lạc nào. Vì thế, họ đã đi tới một quan niệm Nhị Nguyên mà điều căn bản là: Vật Chất thì đối diện với Tinh Thần cũng được vật hóa.

Trái lại, trong nhãn giới Vũ -Trụ sinh thành theo kiểu hội tụ, thì vấn đề lại khác hẳn. Sự sinh thành của Tinh Thần đòi hỏi cách tất yếu sự sắp xếp (l’arrangement) của Vật Chất. Giữa Tinh Thần và Vật Chất có một sự liên lạc mật thiết tất yếu. Nói cách khác, Tinh Thần muốn xuất hiện, phải có Vật Chất được sắp xếp, vì có một liên lạc chặt chẽ giữa số lượng Vật Chất được tổ hợp, tích lũy, qui tâm và trình độ hơn kém của Ý Thức. Như thế, Tinh Thần và Vật Chất không còn bị coi là hai yếu tố tách biệt, độc lập với nhau, nhưng chỉ là hai bộ mặt của cùng một thực tại duy nhất. Teilhard viết như sau:

“Vật Chất và Ý Thức liên kết lại với nhau: không phải theo nghĩa là Ý Thức trực tiếp biến thành khả lượng, nhưng theo ý nghĩa là Ý Thức cắm rễ sâu một cách có cơ cấu và một cách vật lý vào trong chính cùng một tiến trình của Hoàn Vũ tức là Vũ Trụ mà khoa Vật Lý học nghiên cứu.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Vision du Passé, trang 312.

Nói tóm lại, trên bình diện Khoa học Thực nghiệm thì Tinh Thần xuất hiện như kết quả của quá trình Tiến Hóa phức tạp nhất của Vật Chất.

Teilhard không rơi vào khuyết điểm của quan niệm Duy Vật như lúc đầu có một số người đã tưởng. Trong một Vũ Trụ quan tĩnh, đối với quan niệm Duy Vật, Tinh Thần chỉ là một hình thức tinh túy, một sản phẩm tinh hoa của Vật Chất. Nhưng với một Vũ Trụ quan động thì không có gì ngăn trở chúng ta chấp nhận rằng cái siêu cơ cấu Ý Thức có thể được xây dựng trên hạ tầng cơ sở Vật Chất.

Trên đây chúng ta nhận định rằng Sự Sống chỉ xuất hiện khi Vật Chất đạt tới một mức độ tuyệt đối về phức tạp và qui tâm nào đó. Nếu như vậy, vấn đề đặt ra là: muốn tiến từ một trạng thái kém đến một trạng thái hơn, từ một Vật Chất vô cơ đến Sự Sống, thì sự Tiến Hóa có phải vượt qua một nấc thang mới không?

Teilhard thường công nhận rằng muốn bước qua một giai đoạn mới mẻ, thì sự Tiến Hóa phải trải qua một bước “nhảy vọt”. Ông giải thích điều đó qua nhiều danh từ khác nhau như sau:

“Trong mọi lãnh vực, khi một độ lớn đã lớn đủ, thì đột nhiên nó thay đổi phương diện, trạng thái hay bản chất của nó. …Đó là những điểm ranh giới, những biến đổi về trạng thái, những chặng đánh dấu những nấc của sườn dốc… - những bước nhảy vọt của mọi loài trong quá trình phát triển của chúng.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 78.

Ngay sau đó, ở trang sau của tác phẩm quan trọng ấy, Teilhard còn xác định rõ hơn như sau:

“... Có lẽ chúng ta không bao giờ biết được điều đó, (trừ khi, trong tương lai, nhờ sự may mắn, Khoa học có thể tái thiết được trong phòng thí nghiệm) – lịch sử sẽ không bao giờ tìm lại được cách trực tiếp các dấu vết Vật Chất của sự thoát thai vi vật phát xuất khỏi phân tử, của cơ chất khỏi hóa chất, của Sinh vật khỏi tiền-sinh vật. Nhưng có một điều chắc chắn là: một sự biến hình như thế không thể cắt nghĩa bằng một tiến trình liên tục đơn giản được. Theo phương pháp loại suy của Khoa học về so sánh giữa các sự tự nhiên, chúng ta phải nhìn thấy trong giai đoạn đặc biệt của sự Tiến hóa của Trái Đất một sự đột biến, một sự lột xác, một ngưỡng cửa, một sự khủng hoảng lớn lao nhất: đó là khởi điểm của một trật tự mới.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 79.

Ngoài ra, để diễn tả cái trật tự mới đó, Teilhard còn dùng nhiều danh từ khác như:
- Sự thay đổi về bản thể (Mời xem Le Phénomène humain, trang 91).
- Sự gián đoạn (Mời xem La Vision du Passée, trang 233).
- Bề mặt của sự gián đoạn về bản chất (Mời xem l’Energie humaine, Paris, Seuil, 1965, trang 52).

Quả thật, sự Tiến Hóa muốn đi lên mãi mãi phải có những sự thay đổi mới mẻ từ bên trong: phân tử không phải là một nguyên tử to hơn, nhưng là một thứ “nguyên tử các nguyên tử” (atome d’atomes). Cũng thế, khi một phân tử có số trên hàng ngàn nguyên tử, nó ngừng sự Tiến Hóa của nó lại, và Thiên Nhiên đã sinh ra tế bào, và tế bào lại là một thứ “phân tử các phân tử” (molécule de molécules). Tiến xa hơn nữa, tế bào cũng xem ra cạn sức để tiếp tục lịch trình Tiến Hóa, nên thiên nhiên đã sinh ra một thứ cơ chất khác, đó là đa tế bào (polycellule), hay “tế bào của các tế bào” (cellule de cellules).

Tuy nhiên, sự gián đoạn không hẳn hoàn toàn mất hết liên lạc, vì thật ra ta vẫn thấy một phong trào Tiến Hóa đó đang tiếp tục. Nếu: giai đoạn không phải là đứt đoạn vĩnh viễn thì đây là một sự gián đoạn đặc biệt. Teilhard viết như sau:

“ (Đây là một sự)…gián đoạn nhưng trong liên tục.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 178.

Tóm lại, giữa lòng Tiến Hóa liên tục ấy vẫn có những sự gián đoạn, những bước mới, những bản chất mới của Sự Vật; những sự gián đoạn ấy lại không hủy bỏ được tính cách liên tục của sự sinh thành.

Như thế hẳn sự sinh thành đã theo một qui luật, mà Teilhard gọi là Luật Biến Thái (Loi de transformation). Theo luật này, một tiến bộ bao giờ cũng là một dịp dẫn đến một tiến bộ hơn nữa. Vậy, bao giờ cũng có một yếu tố đi trước để dọn đường cho một yếu tố đến sau. Sự biến thái thực nghiệm này không hủy bỏ một sự gián đoạn nào về bản thể. Nói cách khác, có sự đứt đoạn, nhưng sự đứt đoạn đặc biệt ở chỗ không hủy diệt sự liên tục. Cuối cùng , có cả hai phương diện, nghĩa là vừa có sự liên tục lại vừa có sự bất liên tục.

Teilhard công nhận điều đó như sau:

Sự biến thái của vật có trước (không hủy bỏ, trái lại còn đòi hỏi một sự gián đoạn về bản thể, một sự sáng tạo)”.

Mời xem: Teilhard de Chardin trong Cahier số 3, ngày 26-1-1917. Trích theo De Solages, Tác phẩm Teilhard NXB. Edouart Privat, Paris, 1967, trang 110, chú thích số 110.

Teilhard cắt nghĩa sự liên tục lại vừa không liên tục ấy như sau:

“Nguyên tắc của sự liên tục trong sự bất liên tục đã cắt nghĩa được mà không tổn thương đến sự đứt đoạn trong Vũ Trụ, sự sống sau khi chết, tư tưởng sau bản năng, sự Mặc Khải sau nỗ lực suy tư, Tân thế giới sau Cựu thế giới…”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Cahier 7, ngày 20-12-1919. Trích theo De Solages, std. trang 111.

Nếu vậy có mấy thứ gián đoạn? Theo Teilhard de Chardin (trong cuốn La Vision du Passée, trang 233), có nhiều mức độ khác biệt của sự gián đoạn, nhưng hai trong số đó là quan trọng, đó là sự gián đoạn giữa Sự Sống và Vật Chất vô cơ, hai là sự gián đoạn giữa Sinh Vật và Tư Tưởng. Nói đúng hơn, giữa những giai đoạn chính là sự xuất hiện của Sự Sống và sự xuất hiện của Tư Tưởng.

Ngoài ra, sự liên tục của các biến thái, nghĩa là đi từ một trạng thái cũ đổi qua một trạng thái mới bởi một cách thức mới, nhưng đồng thời cũng giống với cách thức trước, để tạo ra một vật mới có một Phức tạp tính mới, đã tạo nên điều mà Teilhard gọi là: luật phản hồi. Ông viết như sau:

“Thế giới là một loạt các sự vật được tạo dựng cái này nhờ cái kia, sự sống nhờ bởi sự quân bình nào đó của hóa chất – Tư Tưởng nhờ bởi một sự phát triển nào đó của não bộ, ơn huệ nhờ bởi sự hoàn thiện nào đó của đạo đức…”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Cahier số 1, ngày 18-2-1916, và Cahier số 1, 28-2-1916. Trích theo De Solages, std. trang 112.

Tổng kết lại cả giai đoạn Trước Sự Sống này chúng ta có thể nói rằng: trong chính Vật Chất đã ngầm chứa sự xuất hiện hơn kém của Sự Sống rồi. Và chúng ta chỉ cần cho yếu tố thời gian sẽ đến để thay đổi bộ mặt mới mẻ của Vật Chất.

Teilhard đã nhận định chung cục như sau:

“Này đây, vào một lúc nào đó, sau môt thời gian lâu dài vừa đủ, chính những làn nước ấy đã bắt đầu lúc nhúc đầy những “sinh vật tí hon” tùy theo từng chỗ. Và từ tình trạng lúc nhúc khởi thủy đó đã xuất hiện lên một chất lượng khác thường rất có tổ chức, mà cái lớp vỏ phức tạp tạo nên lần vải bọc cuối cùng ngày nay (hay đúng hơn là trước cuối cùng) của Trái Đất chúng ta, đó chính là Sinh Đẳng.

Mời xem: Teilhard de Chadin, Le Phénomène humain, trang 79.

B. Suy tư triết học và cảm nghiệm thần học của Teilhard về giai đoạn Trước Sự Sống:

Nhìn lại giai đoạn Trước Sự Sống này, Teilhard có rút ra một kết luận nào mang tính cách suy tư triết học và thần học mới không ?

Thưa: với tất cả những phân tích có tính cách Khoa học thực nghiệm trên đây, chúng ta thấy Teilhard đã đưa ra một khẳng định có tính Triết-Thần học mới như sau: Vũ Trụ từ nguyên thủy đã sinh thành và sự sinh thành này càng ngày càng tiến gần đến đích điểm Oméga hơn, nghĩa là đến Đấng là Đầu hết và là Cuối hết, là Đức Kitô vậy.

Nói cách khác, Vật Chất được Tinh Thần hóa nhờ luật Phức tạp – Ý Thức (la loi de Complexité - Conscience) nghĩa là nhờ năng lượng qui tâm Vật Chất càng ngày càng tiến đến một trạng thái tinh thần hơn. Như vậy, giữa Vật Chất và Tinh Thần có một tương quan mới mẻ và chặt chẽ. Vậy, theo Teilhard, tương quan mới mẻ giữa Vật Chất và Tinh Thần ấy là gì? Nó tiến hoá về đâu ?

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta hãy mạo muội tìm sâu vào hai điều sau đây của Teilhard:

1. Sự phân tích của Teilhard về ý niệm Vật Chất.

Vật Chất, theo Teilhard, mới đầu xem ra là một ý niệm hàm hồ và ý niệm – ranh giới, vì Teilhard ở tuổi ba mươi, vẫn còn chịu ảnh hưởng ít nhiều Triết-Thần học Kinh viện dòng Tên, nghĩa là chịu ảnh hưởng của Platon, Aristote, Thánh Tô-ma.

Tuy nhiên ở đây chúng ta thấy Teilhard dần dần sẽ thoát ra khỏi ảnh hưởng của Triết-Thần học Kinh viện đó khi Teilhard khám phá ra được sự Tiến Hóa của Vũ Trụ. Thật vậy, Teilhard đã thoát ra khỏi quan niệm về Chất – Mô của Aristote. Quan niệm của Aristote về tương quan giữa chất thể và mô thể là quan niệm định chủng (fixisme), trong khi đó tương quan ấy lại được mô tả dưới phương diện Tiến Hóa nơi Teilhard. Trong quan niệm của Aristote, chất – thể vẫn luôn luôn là mô – thể dưới một khía cạnh nào đó, và mô – thể cũng là chất – thể dưới một khía cạnh nào đó. Và chúng luôn luôn không hề biến hóa. Còn nơi quan niệm của Teilhard, Vật Chất không bao giờ cô đọng, mà trái lại, Vật Chất luôn luôn tiến tới sự duy nhất hóa cao đẳng, một tác động sẽ làm biến đổi khuôn mặt của Vật Chất. Đây chính là vấn đề Nhất Thể và Đa Thể (l’Un et le Multiple).

Vật Chất chính là Đa thể, theo Aristote. Ta chỉ thấy trong khái niệm Đa thể một sự phân tán toàn diện; không có một ý hướng duy nhất hóa nào, hay tổng hợp nào nơi Đa thể. Tự nó, Đa thể không có khả năng tự tích lũy và tiến hóa, vì nó chỉ là động lực phân tán. Teilhard phản đối một quan niệm như thế. Quả thật, từ năm 1917, ông đã thoát ra khỏi quan niệm ấy, ông cho rằng Vật Chất phải là hướng đi lên Tinh Thần, chứ không là phân tán và bất động. Vật Chất theo Aristote hoàn toàn chỉ có ngoại tính và cô đọng tính. Teilhard đã tìm thấy nội tính của Vật Chất. Vật Chất không hề cô đọng nhưng Vật Chất là trung tâm được Tinh thần hóa. Điều này có nghĩa là tương quan Vật Chất – Tinh Thần diễn tả, - và đây là cái nhìn Triết và Thần học rất mới mẻ của Teilhard – sự đi lên của Tinh thần giữa lòng Vật Chất và sự tiến về Omega nhờ sự Tinh Thần hóa Vật Chất. Như thế, Vật Chất có nhiệm vụ chống đỡ, hay đối trọng (contre – poids) của sự Tinh thần hóa. Sự Tinh thần hóa này luôn tiến lên Đỉnh Điểm Oméga, tức là Đức Kitô.

Mời xem Khải Huyền 1:8; 21:22; 22:13.

2. Tiến trình từ Vật Chất đến Tinh Thần, từ Tinh Thần đến Oméga là Đức Kitô:

Nếu Vật Chất có nhiệm vụ chống đỡ hay đối trọng cho sự Tinh thần hóa, hay nói cách khác là sự biến đổi; vậy tiến trình từ Vật Chất đến Tinh Thần sẽ được mô tả như thế nào nơi Teilhard de Chardin?

Chúng ta hãy dựa vào hai đoạn văn sau đây để hội ra tiến trình này. Đoạn văn thứ nhất được viết vào năm 1936, trong bài Esquisse d’un Univers personnel, và đoạn văn thứ hai được viết năm 1950, trong bài Le Coeur de la Matière.

Ta hãy bắt đầu bằng đoạn văn của bài Le coeur de la matière, vì đây là bản tổng kết của quá trình 40 năm suy tư và tìm kiếm.

Trước khi khám phá ra sự Tiến Hóa trong Vũ Trụ, Teilhard đã ngoan ngoãn chấp nhận khái niệm Nhị Nguyên được truyền lại từ một quan niệm huyền bí và khổ hạnh nào đó. Teilhard viết như sau:

“Do sự giáo dục và tôn giáo, xưa kia tôi vẫn ngoan ngoãn chấp nhận, - mà không suy nghĩ kỹ lưỡng – một cái dị chất tính từ căn bản Vật Chất và Tinh Thần – Thân xác và Linh hồn, Vô thức và Ý thức: hai “bản thể” khác nhau từ bản chất, hai “loại” hữu thể sát nhập lại với nhau một cách không thể hiểu được trong một hỗn hợp sống động, và người ta bảo đảm với tôi rằng với bất cứ giá nào điều này là bản thể thứ Nhất – (tức là Vật Chất linh thiêng của tôi!) chỉ là nữ tì khiêm nhượng (để không nói là đối thủ) của bản thể thứ Hai: bản thể này (tức Tinh Thần) khi đó trước mắt tôi bị giản lược thành một bóng tối, mà theo nguyên tắc ta phải kính tôn, nhưng thật ra nói theo cảm xúc và lý trí thì theo tôi lại không cảm thấy một sự hấp dẫn nào đối với nó.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Coeur de la Matière, trang 9.

Nhị nguyên thuyết mà Teilhard đã hấp thụ đó lại bày tỏ những chống đối giữa Đa thể và Nhất thể, và đây cũng còn là một vấn đề còn trong vòng tranh luận. Cái hậu quả của sự chống đối ấy đòi hỏi phải bãi bỏ quan niệm cổ hủ về Vật Chất: nghĩa là phải nhìn thấy cái “bên trong” của Vật Chất để có thể Tinh thần hóa nó. Mà Tinh Thần thì luôn luôn là Nhất thể. Có nhìn thấy cái “bên trong” của Vật Chất mới thoát ra khỏi cái nhìn lỗi thời của Nhị nguyên thuyết về cả phương diện siêu hình lẫn phương diện đạo đức học. Cái nhìn của Teilhard trước tiên là một cái nhìn của Khoa học gia thuộc về một thế kỷ mà Con Người làm chủ và chế ngự được thiên nhiên, vì thế Teilhard không thể thấy Nhị nguyên thuyết là hữu lý và do đó không thể chấp nhận được lý thuyết đó. Teilhard không chấp nhận sự chống đối giữa Vật Chất và Tinh Thần đó không phải vì sự đòi hỏi của Vật Chất mà thôi, nhưng còn vì thấy rằng hy sinh một trong hai là không cần thiết cho sự thăng tiến của cái kia; vì Teilhard cảm thấy rằng Vật Chất và Tinh Thần chỉ là hai chị em sinh đôi mà từ xưa người ta vẫn tách biệt và khinh dể một trong hai, nay cần được hội tụ lại, và vì Teilhard cảm thấy rằng nếu một trong hai bị tách biệt khỏi nhau thì chỉ khi đó cái này mới là “bóng” của cái kia. Cuối cùng ra cả hai, Vật Chất và Tinh Thần đều chỉ là hai khuôn mặt của một thực tại duy nhất, mà cả hai đều phải được đề cao như nhau. Năm 1936, Teilhard đã viết:

“Không hề có sự chống chọi giữa Đa thể và Nhất thể, nếu người ta nhìn sự vật dưới khía cạnh là tồn tại trong một trào lưu Nhân hóa: nhưng chỉ là hai biến tướng (hay đúng hơn là hai hướng) của cùng một thực tại biến dịch, chung quanh ta. Tinh Thần và Vật Chất sẽ mâu thuẫn nhau nếu người ta cô lập chúng, hay tượng trưng chúng dưới hình thức của những ý niệm trừu tượng, cố định, và sau hết không thể thực hiện được: Đa thể thuần túy và đơn giản thuần túy. “Trong bản thể của sự vật”, cái này không thể bị tách rời khỏi cái kia; cái này không thể có nếu không có cái kia, và vì lý do: cái này xuất hiện cách cốt thiết tiếp theo sau sự tổng hợp của cái kia.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, L’Energie humaine, trang 73-74.

Vì thế, năm 1950, trong bài “Le Coeur de la Matière”, Teilhard kết luận:”Vật Chất và Tinh Thần: không phải là hai vật, - nhưng là hai trạng thái, hai bộ mặt của cùng một Tấm Vải của Vũ Trụ, tùy theo người ta nhìn nó hay kéo dài nó, theo cái hướng mà nó tự tạo thành (như Bergson đã nói), -hay trái lại theo cái hướng mà nó tự hủy diệt.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Coeur de la Matière, trang 9.

Những đoạn văn trên đây diễn tả rõ ràng lập trường của Teilhard. Sự phân biệt giữa Tinh Thần và Vật Chất vẫn còn được duy trì, tuy nhiên không có sự mâu thuẫn hay chống đối giữa chúng, vì chúng không phải là hai thực tại cứng đọng bất di bất dịch, nhưng là hai bộ mặt, hai hướng chứ không phải hai giai đoạn, vì mỗi giai đoạn tùy theo người ta nhìn về hướng này hay hướng kia, Vật Chất hay Tinh Thần vẫn thể hiện. Nhưng một điều rất đúng là càng ngày Tinh Thần càng có ưu thế hơn.

Thuyết Nhị nguyên siêu hình dẫn đến một thái độ đoạn giao với thế giới khả giác, như trong triết học của Platon và Malebranche. Vì thế, Teilhard cảm thấy phải trở lại với thế giới của hiện tượng. Điều đó chứng tỏ Teilhard có những suy tư triết học và những cảm nghiệm thần học rất sâu sắc và hiện đại hơn bao giờ hết. Một ý hướng Hiện tượng luận nào đó đã làm cho cái thực xuất hiện rất khác với cái nhìn của Nhị nguyên thuyết cổ truyền. Vì thế đối với tinh thần của Nhị nguyên thuyết, thì sự biến dịch là trốn chạy và phản ảnh mù mờ (Platon) hay là cơ giới vô hồn (Descartes và Malebranche), điều đó chứng tỏ rằng một lối nhìn siêu hình quyết định một khuôn mặt nào đó của hiện tượng. Ngược lại, khi trình bày một cơ cấu mới của hiện tượng, Teilhard đã khước từ cái tiên thiên (a priori) của siêu hình nhưng không chối từ tất cả siêu hình, vì Teilhard vẫn còn duy trì một thứ siêu hình nào đó dựa trên Cổ sinh vật học cách riêng, nghĩa là trên Khoa học Thực nghiệm. Cái nhìn siêu hình của Teilhard như thế làm cho ta thấy rằng Teilhard và Bergson cũng có những liên hệ chặt chẽ. Vậy, tiến trình từ Vật Chất đến Tinh Thần hệ tại ở chỗ nào?

Chúng ta hãy nhớ lại định luật Phức Tạp – Ý Thức và định luật Tích Lũy và Qui tâm. Phương pháp của Teilhard luôn nhắm tới sự diễn tả chân lý sau đây: sự nối kết toàn diện của mọi thành phần làm nên Vũ Trụ. Cái đặc sắc của chân lý đó là khả năng tự phát huy vô biên, trong đó mọi thành phần đều liên kết lại và nâng đỡ nhau. Như thế, chân lý của Con Người là chân lý của Vũ Trụ được dựng nên cho Con Người. Vũ Trụ sinh thành chính là sự sinh thành của Tinh Thần. Điều đó giả thiết sự xây dựng một nền tảng dựa trên nền của sự Tinh Thần hóa.

Nói cách khác, không có Vật Chất và Tinh Thần, nhưng chỉ có Vật Chất trở thành Tinh Thần. Trong thế giới không có Tinh Thần cũng không có Vật Chất đứng riêng rẽ, nhưng chỉ có Tấm Vải của Vũ Trụ chính là Tinh Thần – Vật Chất, một thực tại duy nhất vậy.Nếu đứng trong một cái nhìn luận lý tĩnh ta không thể nhận ra điều đó, nhưng trong một sự suy tư biện chứng điều đó lại rất dễ chấp nhận.

Tóm lại, Tinh Thần bao giờ cũng diễn tả một sự sinh thành. Một hữu thể càng lên cao trong sự tồn tục bao nhiêu lại càng trở thành kết tinh của một sự phức tạp qui tâm lớn lao bấy nhiêu. Tinh Thần là Tổng hợp. Luật Phức Tạp – Ý Thức cho ta thấy sự Phức Tạp hóa là một ý niệm về Tiến Hóa, nghĩa là tiến trình của Tinh Thần ngang qua Vật Chất.

Hơn nữa, khi chúng ta nhận thấy rằng các yếu tố cấu tạo nên Vũ Trụ quy tụ lại với nhau để tạo nên một Trung Tâm, lúc đó sự Phức Tạp hóa bao gồm một tiến trình càng sâu xa hơn, đó là tiến trình qui tâm. Chính trong nội tâm đó mà sự Tiến Hóa đã diễn ra. Mỗi một trung tâm lại làm cho ta thấy một Trung Tâm cao hơn và cuối cùng là Điểm Chung Kết Oméga, nơi đây sự Phức Tạp đã đạt tới tột đỉnh của nó vậy. Trong Trung Tâm cuối cùng này mọi vật đều kết hợp với nhau trong chiều sâu nhất của hữu thể.

Đó là tương quan giữa Vật Chất và Tinh Thần theo cái nhìn mới mẻ của Teilhard vậy. Nó luôn tiến hoá về Chung Điểm Oméga, là Đức Kitô.

III. Vũ Trụ Sinh Thành ở Sinh Đẳng.

A. Trình bày những Khám phá mới mẻ của Khoa Cổ Sinh Vật học:

1. Sự xuất hiện của Sự Sống:

Ngưỡng cửa của Sự Sống: Thế giới của Nguyên tử…

Ngày nay, không còn ai nghi ngờ được rằng đã có và vẫn còn đang có một sự kiện quan trọng, đó là sự sinh thành của các nguyên tử. Tuy nhiên, sự sinh thành của các nguyên tử được thực hiện theo kiểu nào, kiểu đơn hay kiểu kép? Về vấn đề này, giữa những nhà Thiên văn học và Vật lý học vẫn chưa có sự đồng ý với nhau. Thật vậy, các đơn tử và các nhân, tự kết thành tổ hợp theo cách thức nào, từ chất hydrogène đến Lawrencium? Hoặc chúng trực tiếp dưới ảnh hưởng của những nhiệt độ hay áp lực không khí đặc biệt nào đó, rơi vào một trong hai trường hợp (loại quang phổ) ? Hay, trái lại, phải tưởng tượng rằng chúng tập hợp nhau lại (loại bổ sung) dần dần, từng giai đoạn, bắt đầu từ Hydrogène? Hay ngược lại, (loại giảm trừ), như kết quả của sự tan rã của Vật Chất siêu cô đọng khởi thủy, tan rã bằng những bước nhảy liên tiếp nhau?

Cho đến bây giờ, chưa có sự đồng ý chung vì có lẽ người ta chỉ hiểu nhiều về các nguyên tử tự tan rã hơn là về sự tích lũy của chúng.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn cho ta hiện giờ và quan trọng, là: nơi các nguyên tử, ta vẫn thấy vắng bóng các Nhánh (Phyla) đích thực. Cho dù là các nguyên tử tự tạo thành ngay một lúc hay qua nhiều giai đoạn, thì ngang qua một quá trình lịch sử của chúng, ta vẫn thấy rằng chúng chỉ có một cá thể phát sinh,“ontogénèse”, nghĩa là chúng chỉ được sinh ra cho chúng, chứ không được sinh ra làm đầu mối phát sinh ra loài vật khác; như xây một cái nhà lên, các nguyên tử ấy chỉ sinh thành nên mình. Và ngày nay Khoa Vật Lý hạch tâm cũng cho rằng trên phương diện Vi vật hóa Vật Chất, hình như các nguyên tử sinh thành vẫn “đụng phải trần nhà” làm cản trở bước tiến của nó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nguyên tử không biết thay đổi chiều hướng, cái ý hướng vươn lên của mình trong cộng đồng Vũ Trụ đang Tiến Hóa về Chung Điểm (Oméga). Cái hướng này tốt đẹp hơn, phong phú hơn, đó là hướng của các Tế bào. Thế giới của Nguyên tử là thế giới của một loại tập hợp cứng đọng, còn thế giới của Tế bào, trái lại, tỏ ra có một sự mềm dẻo nội tại khiến nó có thể đẩy mạnh cuộc Tiến Hóa hơn nữa…

Nói cách khác, với thế giới của Tế bào, Sự Sống đã vượt một bước mới, rất quyết định. Vì thế, Teilhard viết:

“Nhìn theo quan điểm Vật Chất và từ phía ngoài, điều tốt nhất mà ta có thể quả quyết bây giờ là: Sự Sống thực thụ bắt đầu với sự xuất hiện của Tế Bào.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 79.

2. Thế giới của Tế Bào:

Nói đến cơ cấu của Tế Bào, chúng ta thấy Teilhard có cái nhìn đặc biệt sau:

“Từ một thế kỷ nay, Khoa học đã hết sức nỗ lực để thiết định một cơ cấu duy nhất của Tế Bào, và càng ngày càng nhận thấy rằng: Tế Bào là một siêu phức tạp cả về phương diện hóa học lẫn phương diện cơ cấu học. Nhờ đó ta lại càng nhận thấy rõ rằng: Tế Bào chất chứa một bí nhiệm. Và khi biết được bí nhiệm đó rồi ta lại có thể tiên cảm rằng giữa Sinh vật học và Vật lý học có một liên hệ chặt chẽ.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 79 – 80.

Sở dĩ có sự liên hệ chặt chẽ giữa Vật lý học và Sinh vật học như vậy, là vì trong quá trình Vũ Trụ sinh hóa liên, không một sự vật nào trong Vũ Trụ lại tự cô lập hóa chính mình được, lại không đồng trương ra với đà tiến toàn diện của Vũ Trụ được.

Vậy muốn hiểu về Tế Bào, chúng ta cũng phải đặt nó trong quá trình chung của Vũ Trụ sinh thành, nếu không, Tế Bào sẽ trở thành một vật không thể hiểu được tuy Tế Bào xem ra là một kỳ công rất độc đáo, đã được viết trong rất nhiều tác phẩm. Nói cách khác, để hiểu được Tế Bào, ta phải đặt nó trong hệ thống liên tục của Vũ Trụ, nghĩa là trong tương quan chặt chẽ với nhau, giữa tương lai và quá khứ. Trái với quan niệm xưa nay vẫn coi Tế Bào là một vật không có tiền chất, Teilhard cho rằng phải coi Tế Bào là một vật được chuẩn bị từ rất lâu vừa có đặc tính riêng biệt rất sâu xa, nghĩa là phải coi Tế Bào như một vật được sinh thành.

Vậy, cái gì sinh ra Tế Bào?

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta thấy Teilhard đưa ra nhận định sau:

“Trong và nhờ Tế Bào, ta thấy đó là thế giới của các phân tử “đích thân trong đó” (nếu tôi có thể nói được như thế…) nổi lên mặt, qua đi và biến dạng trong lòng những kiến tạo cao hơn của Sự Sống.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 81.

Nói cách khác, nếu ta có thể loại bỏ những gì có tính cách Sinh vật học: như Tế Bào thần kinh hệ, tế bào bắp thịt vv…, chúng ta sẽ thấy gì còn lại trong các đa bào động vật? Chúng ta sẽ thấy cái chất lượng vi vật (la masse corpusculaire) trong liên lạc với các Vật Chất mà nó bao trùm. Và chúng ta sẽ nhận ra ngay, không một chút lưỡng lự, sự liên hệ hiển nhiên nối kết thế giới các Đản bạch tinh sống động với thế giới của Vật lý – Hóa học, trong sự cấu tạo và hình thức của chất Đản bạch tinh. Nói khác đi, các nguyên tử đã bày tỏ, từ Hydrogène cho tới chất Uranium, tất cả một loạt hình thức của sự Phức tạp hướng đến sự cấu tạo ra các phân tử nhờ các hóa trị của chất Carbone, chúng tạo ra các Đại phân tử (méga-molécules). Các Đại phân tử này, khi đạt đến một giai đoạn mới của sự Phức tạp tính sẽ có khả năng sinh ra các phân tử đồng nhất với chúng.

Đế đây, chúng ta đang chứng kiến một sự xuất hiện của Hừng Đông Sự Sống, nghĩa là sự xuất hiện của Tế Bào.

Nói cách khác, ngang qua những bước tiến của sự sinh thành của Vũ Trụ, những sự vươn lên của Vật Chất, những chất hỗn hợp có những đặc tính bất ngờ, sự Tiến Hóa của Sự Sống như đã kéo dài cái phong trào Phức tạp hóa các vật thể sơ đẳng nhất. Cuối cùng ra, như mọi vật khác, Sự Sống đã múc nguồn sống của mình trong thế giới của các hỗn hợp không có Sự Sống. Sự Sống, cái bên trong của Sự vật, đã tiếp nối cái Vũ Trụ sinh thành vậy.

Giai đoạn “Đại phân tử” là giai đoạn nối kết Vật Chất và Sinh Lực để sửa soạn đón nhận cách hết sức tưng bừng cuộc cách mạng vĩ đại và mới mẻ, tức cuộc cách mạng Tế Bào.

Chính nơi các chất Đản bạch tinh mà cuộc cách mạng đó xảy ra, như nhận xét của Teilhard:

“Không thể giả thiết rằng các chất loại đản bạch tinh đã tạo nên khu vực vỏ ngoài, linh động và chói chan của Trái Đất còn trẻ măng; và do đó không thể không ước đoán rằng: chính giữa lòng các chất Đản bạch tinh tiên khởi này đã thấy thể hiện ... cái Hiện Tượng vĩ đại của sự sinh thành ra Sự Sống.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Place de l’Homme dans la Nature, trang 42.

Điều ước đoán của Teilhard nay đã trở thành sự thật. Các nhà Sinh-hóa-học (Biochimistes) nay đã chứng minh được rằng Sự Sống tiên khởi đã dấy lên từ lòng các chất Đản bạch tinh. Thật vậy, theo Avery, Mc Leod, Mc Carty, Whöhler và Oparin, ở khởi nguyên của Trái Đất, chỉ có các chất vô cơ. Trái Đất trẻ măng đó được một làn khí bao bọc, làn khí này gồm có một số nguyên tố chính như C, H, O, N. Nhờ sức ly tâm đẩy ra khỏi Trái Đất, các khí này phản ứng nhẹ trên nhau, theo những điều kiện đặc biệt của thời kỳ tiên khởi đó, để rồi tạo thành những hợp chất nặng như hơi nước. Hơi nước trở về Trái Đất dưới hình thức mưa rồi lại bốc hơi. Cứ như thế sau một thời gian rất dài, Trái Đất càng ngày càng nguội dần và thấy xuất hiện trên đất một lớp nước. Nước hòa tan các chất vô cơ trên mặt đất để rồi tạo ra những hợp chất phức tạp hơn, như CH4 hay NH2. Ngày nay, nhờ quang phổ ký (spectrographe), các nhà bác học quan sát được một số hành tinh bắt đầu ngội, có chất CH4.

Sau đó, nhờ sự xúc tác của nhiệt độ (như dung nham gần miệng núi lửa), nhờ áp suất, nhờ tia cực tím của mặt trời và những tia điện của sấm sét, các phân tử đơn giản khác nhau được kết hợp lại thành một chất hữu cơ phức tạp hơn, đó là acide aminé, hydrate carbone.

Năm 1879, Miller đã kiểm chứng được điều đó bằng cách dùng một ống nghiệm đựng hỗn hợp khí: hydro, mê-tan, ammoniac và hơi nước, có hai tia lửa điện yếu hoạt động trong ống nghiệm. Vài tuần sau, Miller phân tích chất hỗn hợp đó thì thấy sự hiện diện của nhiều acide aminé. Điều đó chứng tỏ rằng: các chất hữu cơ phức tạp được thành lập từ các chất vô cơ, hay nói cách khác, cái Kém đã sinh ra cái Hơn.

Nếu ta dùng Cl hay Br thay cho Hydro thì phản ứng xảy ra rất dễ dàng, và có thể cho ra những hợp chất phức tạp như: R – CH2OH và acide vô cơ như HCl.

Chất rượu R – CH2OH có thể biến thành Aldehyd.

R – CH2OH R – CHO + H2.

Aldehyd trùng hợp thành đường.

6 (HCHO) C6H1206

Ngoài ra:

CH2OH

+ NH3 acide aminé.

CH2OH

Các acide aminé vừa có chất acide vừa có chất aminé có thể hòa lại với nhau: chất acide hòa với chất aminé rồi loại một phân tử nước ra thì ta có:

CO OH H HN

R - CH CH - R’

NH4 HOOC

Vậy, chất được tạo ra do 2 acide aminé là một dipeptid. Các dipeptid có thể hòa hợp với 1 acide aminé khác để tạo thành tripeptid. Và phản ứng có thể tiếp tục mãi như thế để tạo ra một polypeptid và từ đó các chất protéin phức tạp được tạo thành.

Các chất protéin tụ họp lại thành một dung dịch khá đậm đặc trong các đại dương bao la. Chính tại nơi đây, chúng được hòa trộn với những acide aminé được tạo ra từ trong đất liền rồi trôi theo nước mưa ra biển. Hiện tượng này tạo ra một dung dịch giao trạng (coacervat), trong đó, nhờ xúc tác bên ngoài như ánh sáng, chớp, tia tử ngoại thấy xuất hiện chất protéin có tính cách phân hóa tố và xúc tác việc kết hợp protéin với chất hữu cơ chung quanh như acid nucléic:

Protéin + acide nucléic: nucléoprotéin.

Acide nucléic có hai loại là:

- Acide ribonucléic, viết tắt là RNA, hiện diện ở nhân và tế bào chất của Tế Bào.

- Acide desoxiribonucléic, viết tắt là DNA, đặc sắc của nhân Tế Bào. DNA là một cấu thể quan trọng nhất của Sự Sống vì nó có thể thâu nhận các protéin làm vỏ bọc và nó có khả năng sinh sản làm hai. Trong dung dịch giao trạng, khi nhiều phân tử DNA được bọc bởi protéin sẽ sinh ra một hình thức cực vi khuẩn (virus). Chính khi đó Sự Sống đã bắt đầu xuất hiện. Đó chính là nguồn gốc của Sự Sống, vì cực vi khuẩn có tính cách hữu cơ vô sinh, và mang tính chất của một chất sống, như Stanley đã minh chứng, nghĩa là khả năng sinh sản ra đông đúc và nhanh chóng.

Vào năm 1957, hai nhà Sinh học Mỹ là C. Frankael và R. C. William đã thành công trong cuộc thí nghiệm: sản xuất nhân tạo một cơ thể sống. Hai ông này tách rời acide nucléic ra khỏi protéin trong một cấu tạo vi khuẩn, đựng trong hai ống nghiệm riêng biệt. Khi tách biệt như thế, hai chất này không sống, nhưng khi pha trộn chúng lại bằng phương pháp hóa học thì thấy phân tử protéin quay chung quanh phân tử acid nucléic để rồi sinh ra hàng ngàn cực vi khuẩn, trong đó có vài vi khuẩn sống.

Theo tài liệu báo Times, ngày 11-5-1970, trang 39, xem ra cũng minh chứng điều ước đoán của Teilhard. Nhà Hóa học trẻ tuổi người Do Thái tên là Akiba Bar - Nun và vợ là Nurit, một nhà Sinh vật học, đã làm nhiều thí nghiệm chứng minh cho thuyết tổng hợp hóa chất tạo nên Sự Sống, như sau:

Trong một bầu chứa đựng hỗn hợp khí Ammoniac, Methane, Ethane và hơi nước (là những hoá chất mà người ta cho rằng đã bao quanh Trái đất trong thời kỳ trẻ măng). Bầu này được nối liền với một ống nhỏ bằng một màng mỏng. Ở đầu ống nhỏ có chứa hơi Helium, Bar-Nun gia tăng sức ép của hơi này đến khi màng mỏng bể ra. Khi màng bể, một luồng hơi mạnh làm cho các hỗn hợp khí tăng lên đến nhiều ngàn độ. Trong 7 lần thí nghiệm như thế, Bar-Nun thấy ít nhất có 4 acide aminé. Nếu dùng tia tử ngoại, kết quả sẽ mau hơn. Car. Sagan thấy rằng trong thí nghiệm trên, có 36% chất ammoniac được biến thành acide aminé.

Nói tóm lại, ngày nay các nhà bác học đều chấp nhận quan niệm cho rằng Sự Sống đã dấy lên từ lòng các chất Đản bạch tinh. Nghĩa là khi chất RNA hay DNA được bọc lại bởi chất Đản bạch tinh, nhờ một số điều kiện nào đó, thì tạo thành một vật chuyển tiếp từ trạng thái vô cơ sang trạng thái hữu cơ, đó là cực vi khuẩn (virus). Như thế, chất RNA và DNA giữ một vai trò hết sức quan trọng, đó là vai trò phát sinh, như nhận xét của Ernest R.M.Kay sau đây:

“Vậy, ý niệm về nguyên tắc biến hóa … dẫn tới ý niệm cho rằng chính chất DNA là chất di truyền.”

Mời xem: Ernest R.M.Kay, Biochemistry, Mac Millan comp. New-York, 1966, trang 144.

Thật ra, lập trường của Akiba Bar-Nun và Nurit, Ernest R.M.Kay đến nay vẫn chưa được tất cả mọi nhà bác học công nhận và công cuộc tìm kiếm về nguồn gốc Sự Sống vẫn còn đang tiếp diễn, cũng năm 1970, Jacques Monod, F. Jacob là hai nhà Sinh vật học cũng cũng công nhận rằng chúng ta đã nắm được chìa khóa của vấn đền nguồn gốc Sự Sống. Nghĩa là, trên phương diện hoàn toàn vật lý, cái “ ‘màn’ bí mật của Sự Sống ngày nay một phần lớn đã được vén lên”. Như thế, chúng ta có thể nhận ra rằng phần đông các nhà Sinh vật học và Tế bào học đều đồng ý với quan niệm trên đây của Teilhard.

Với sự xuất hiện của Sự Sống như thế, chúng ta có thể đưa ra một nhận định nào có tầm vóc Triết học, Thần học ?

Thưa, chúng ta thấy rằng sự Tiến Hóa đã bước sang một giai đoạn mới: từ thế giới không có Sự Sống đến thế giới có Sự Sống. Như thế, Vật chất vô cơ không cứng đọng như trong quan niệm cũ, nhưng đã có một sự liên tục nào đó trong sự Tiến Hóa từ chất vô cơ đến chất hữu cơ. Nói cách khác, ở đây chúng ta lại được chứng kiến một giai đoạn quan trọng của Vũ Trụ đang sinh thành và đang Tiến Hóa dần dần đến một tình trạng tâm lý phức tạp hơn, qui tâm hơn, tiến về Chung Điểm Oméga hơn vậy.

3. Những đặc tính tiên khởi của Sinh Đẳng:

Môi trường phát sinh của Sự Sống

Hình thái mông lung nhỏ bé của Sự Sống

Nhất Nguyên hay Đa Nguyên?

Sinh Đẳng là gì ?

Theo Teilhard, Sinh Đẳng:

“…không phải là một vùng chu vi của địa cầu trong đó có Sự Sống…

...Nhưng chính là cái màng mỏng của chất hữu cơ bao bọc Trái Đất: lớp cơ cấu đích thực của hành tinh, tuy nó rất mỏng”.

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Place de l’Homme dans la Nature, trang 57.

Theo định nghĩa ấy, Sinh Đẳng có những đặc tính gì?

Theo Teilhard de Chardin, ở khởi nguyên của Trái Đất, hình thức sơ khởi của Sinh Đẳng, tức là các bọt nguyên sinh chất (écume protoplasmique), đã thể hiện rõ ràng hai đặc tính cốt thiết là: ‘hành tinh tính” và sự liên đới rất mạnh giữa các yếu tố cấu tạo nên vật thể còn mông lung và bấp bênh.

Vậy, “hành tinh tính” là gì?

Là sự kiện thiết lập một toàn thể hữu cơ, liên đới với toàn thể của Hành tinh. Nói cách khác, càng ngày Sự Sống càng vươn lên và phát triển nhanh chóng từ hình thức một Tế Bào đơn đến Tế Bào kép và cứ thế tiến mãi.

Như đã nói: Sự Sống khởi đầu thực thụ với sự xuất hiện của Tế Bào, và Tế Bào xuất hiện như Tấm Vải của Vũ Trụ (l’Etoffe de l’Univers) tái hiện với tất cả đặc tính của nó, nhưng ở giai đoạn Sự Sống này nó có một cơ cấu phức tạp hơn và sự tổ chức của các yếu tố trong Tế Bào có tính cách liên đới chặt chẽ với nhau hơn.

Mà “Tấm Vải của Vũ Trụ” là gì?

Là lớp vỏ mà từ trong đó phát xuất ra Sự Sống. Không nên quan niệm sai lầm rằng “Tấm Vải của Vũ Trụ” là vật chất vật lý. “Tấm Vải của Vũ Trụ không thể được quan niệm như thế, vì nó thể hiện cho ta thấy cả cái “bên trong” (là Ý Thức) và cả cái “bên ngoài” (Vật Chất). “Tấm Vải của Vũ Trụ” thấm nhuần sự hoạt động sáng tạo và qui hướng về Đích Điểm Oméga, vì nó tự quấn mình và qui tâm. Hai yếu tố trên đây của nó chỉ tạo thành một thực tại duy nhất, bất khả phân chia. Tóm lại, đó là thực tại của Tinh Thần – Vật Chất được hình thành dần dần trong Vũ Trụ.

Như thế, khi một cơ thể càng được tổ chức chặt chẽ mật thiết giữa các yếu tố nội tại với nhau bao nhiêu và đồng thời liên đới cách mật thiết cách đồng loạt với cái toàn thể của Hành Tinh bao nhiêu thì chính là lúc Sự Sống thể hiện mạnh mẽ và rõ rệt các đặc tính nguyên thủy của nó bấy nhiêu.

Nhưng, cũng như khởi đầu của mọi lịch sử, kể cả Sinh vật học, những khởi đầu này đã trở nên rất lu mờ vì thời gian xa cách giữa chúng ta và chúng quá lớn lao, nên khó tưởng tượng nổi. Vì thế, Teilhard phải dựa trên lịch sử Cổ sinh vật học để ứơc đoán và giải thích hiện tượng Sinh Đẳng này.

a/ Môi trường phát sinh:

Theo Teilhard, lịch sử của Sinh Đẳng có lẽ đã kéo dài hàng ngàn triệu năm, và nó khởi đầu lúc Trái Đất còn mênh mang đầy đại dương vô bến bờ với một số những chỗ lồi lõm nhấp nhô tức là những lục địa do tác động của núi lửa tạo nên. Theo Teilhard, những làn sóng biển ấm áp ấy chứa đầy những hóa chất rời rạc (les chimismes libres), và vì thế, ông đưa ra nhận định sau:

“Chính trong một thứ rượu nồng như thế, nặng và linh hoạt, - trong một môi trường lỏng, là điều chắc chắn - , mà những Tế Bào tiên khởi được hình thành:.

Mời xem: Teilhard de Cardin, Le Phénomène humain, trang 93.

b/ Hình thái sơ khai của Sự Sống:

Trong một môi trường đầy hóa chất rời rạc và xa tít tắp với chúng ta như thế, chúng ta nhận thấy rằng hình thái sơ khai của Sự Sống còn rất mù mờ. Thật ra, những hình thái sơ khai của Tế Bào còn là những “hạt nguyên sinh chất” như Teilhard mô tả sau đây:

“Những hạt nguyên sinh chất, có khi có, có khi chưa có cái nhân được cá biệt hóa…Đó là tất cả những điều chúng ta có thể tìm thấy để tạo ra một ý niệm về những đặc tính của thế hệ tiên khởi đó.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 95.

Ngoài đặc tính cá biệt hóa trên đây của Tế Bào, chúng ta còn thấy Teilhard nêu ra một đặc tính khác, đó là: sự nhỏ bé và đông đúc của Sự Sống lúc ban đầu. Thật vậy, một điều ta không thể nghi ngờ được là hình vóc các Tế Bào tiên khởi rất nhỏ bé. Ví dụ, hình vóc của những Vi Trình (bactéries) chỉ dài chừng một vài phần triệu của một mét.

Ngoài ra, có một tính khác nữa là: sự đông đúc của những Tế Bào. Theo Teilhard, có một tỷ lệ thuận giữa tầm vóc sinh sôi mạnh mẽ của Tế Bào. Nghĩa là Tế Bào càng nhỏ bé bao nhiêu thì chúng lại càng sinh nở đông đúc vô cùng bấy nhiêu. Nói cách khác, nếu ta đo chúng bằng con số một phần triệu mét thì ta lại đếm được chúng bằng số triệu triệu. Về đặc tính này, Teilhard viết như sau:

“… Sự Sống xuất hiện trước mắt ta cùng một lúc vừa rất nhỏ lại vừa rất đông đúc, ngay từ khởi đầu của nó mà chúng ta có thể theo sát được.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang. 95.

c/ Nhất Nguyên hay Đa Nguyên ?

Tế Bào phát sinh từ một điểm, từ một nguồn hay từ nhiều nguồn khác nhau? Trả lời được câu hỏi này là nêu ra được một đặc tính khác nữa của Sự Sống ở khởi nguyên của nó.

Nói cách khác, theo Teilhard,

Khi “… Sự Sống mới xuất hiện vẫn còn đầm đìa trong trạng thái Phân tử”

Thì “… Sự Sống đã bắt đầu đông đúc như kiến rồi.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 95.

Để cắt nghĩa cho sự đông đúc ngay từ khởi đầu công cuộc Tiến Hóa của các sinh vật và cũng để thiết định rõ hơn bản tính của sự đông đúc ấy, Teilhard nhận thấy có hai đường hướng sau đây:

- Đường hướng thứ nhất giả thiết rằng: những Tế Bào tiên khởi đã chỉ xuất hiện ở một điểm hay một số điểm, nhưng đồng thời chúng đã sinh sôi nảy nở hầu như ngay tức khắc, vì theo Teilhard:

“Trái Đất trẻ măng bây giờ đang ở trong một trạng thái siêu căng thẳng của Sức Sống.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 95.

- Đường hướng thứ hai giả thiết rằng: ở nhiều địa điểm đã có thể hầu như cùng một lúc có sự biến chuyển từ những Đại phân tử sang các Tế Bào. Sở dĩ ta có thể giả thiết như vậy là vì những điều kiện của khởi điểm quá mong manh.

Tóm lại, vì không thể trực tiếp quan sát được những phát triển của Sự Sống ở khởi điểm nên ta luôn chạm trán với một song luận nan giải: hoặc là mọi Sinh vật đều do một Nhánh (Phylum) duy nhất mà phát xuất, hoặc là Vạn Vật đã do nhiều Nhánh mà phát xuất.

Nói khác đi, đây là vấn đề cổ điển: Đa nguyên hay Nhất nguyên. Quan niệm từ cổ xưa vẫn chỉ có thể chấp nhận một trong hai giả thuyết: hoặc chấp nhận Đa nguyên thì sẽ phủ nhận Nhất nguyên; hoặc chấp nhận Nhất nguyên thì sẽ phủ nhận Đa nguyên. Sự lựa chọn giả thuyết này thì sẽ đương nhiên loại bỏ giả thuyết kia. Nhưng theo Teilhard, cả hai giả thuyết đó đều có thể được chấp nhận, vì cái chính yếu trong hai giả thuyết đều giống nhau, có khác nhau chỉ là khác ở những điểm phụ thuộc. Teilhard viết:

“Tuy xem ra rất thanh thoát, Sự Sống như một cuống hoa tiên khởi chất chứa một số đáng kể những thớ cắm sâu trong thế giới bao la của phân tử. Và ngược lại, tuy xem như đã được phân tán ra rộng rãi thành nhiều mảnh, cuống hoa Sự Sống cũng như bất cứ thực tại vật chất nào vừa chớm nở cũng đã có thể xuất hiện một khả năng phi thường có thể phát triển thành nhiều hình thức mới mẻ khác. Cuối cùng ra, cả hai phương diện chỉ khác nhau ở sự quan trọng tương đối được ghép trong hai yếu tố tiên khởi là (Phức tạp tính và Phát triển tính) mà thật ra trong cả hai trường hợp chúng chỉ là một. Ngoài ra, cả hai đều đòi hỏi rằng: giữa các sinh vật tiên khởi đều có một họ hàng gần gũi và tiến hóa giữa lòng Trái Đất trẻ măng.”

Mời xem Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 96.

Sau khi nhận định về hai giả thuyết như thế, Teilhard đã bỏ qua những đối lập phụ thuộc để chú tâm vào sự kiện thiết yếu thấy rõ trong cả hai giả thuyết như sau:

“ Bất cứ nhìn về phía nào cũng đều thấy thế giới Tế Bào khi mới chớm nở cũng đã là một thế giới vô cùng phức tạp rồi. Hoặc là vì có những địa điểm nguyên thủy, hoặc phải thêm rằng vì những miền khác biệt về từng miền đất (khí hậu hay hóa chất) trong vỏ Trái Đất lúc bấy giờ còn đầy nước, chúng ta có thể đi tới một quan niệm về Sự Sống nhìn theo trạng thái Tế Bào nguyên thủy của nó đã là một chùm to lớn những thớ đa hình. Ngay từ những khởi thủy này, hiện tượng Sự Sống chỉ có thể được giải quyết thỏa đáng nếu ta coi đó như một vấn đề có tính cách liên kết chặt chẽ giữa nhiều khối sống động.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 97.

Cuối cùng, Teilhard muốn cho ta thấy rằng: dù theo giả thuyết Nhất Nguyên hay Đa Nguyên, thì Sự Sống ở khởi thủy đã là một cơ thể sống động có thể tự nó phát triển rồi chứ không phải là một thực tại tĩnh thể. Nói cách khác, Teilhard muốn trình bày sự quan trọng là ở chỗ vấn đề sống động của cơ thể các khối, của sự đông đúc chứ không phải vấn đề tĩnh thể của các số.

Tại sao lại có sự phân biệt này?

Thưa, là vì vấn đề này đưa tới những hậu quả hết sức quan trọng:

Tính chất cộng đồng sinh hoạt của Tế Bào:

Theo Teilhard, trước hết ta phải nhìn ra sự khác biệt ấy là vì ngay từ đầu, Sự Sống đã sinh sôi nẩy nở không phải một cách bừa bãi, nhưng trái lại đã phục tùng những định luật liên hệ rất chặt chẽ, nghĩa là Tế Bào từ bên trong đã phát triển theo một hình thức liên thuộc rồi, chúng không phát triển cách vô kỷ luật. Teilhard viết về vấn đề đó như sau:

“Trước hết, khối Tế Bào tiên khởi đã phải lệ thuộc, từ bên trong, ngay từ lúc đầu, một hình thức liên – lập, hình thức này không phải chỉ là một sự ăn khớp máy móc đơn giản mà thôi, nhưng là khởi điểm của một cộng đồng sinh hoạt rồi.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 98.

Ngoài đặc tính liên – lập ấy, hằng hà sa số các yếu tố cấu tạo ra lớp màng mỏng đầy Sự Sống đã bao phủ Trái Đất còn một đặc tính khác nữa: chúng không được tổ chức một cách may rủi, nhưng trái lại, chúng đã được hướng dẫn do một sự tuyển lựa bí nhiệm hay lưỡng chi phân trạng, nghĩa là đươc an bài từ nguyên thủy rồi.

Teilhard viết về điều đó như sau:

“Những yếu tố đông đúc tạo ra lớp Vỏ Sự Sống của Trái Đất ở nguyên thủy đó xem ra đã không bị tập hợp có tính cách may rủi. Nhưng sự dung nạp của chúng trong lớp Vỏ Sự Sống tiên khởi cho ta cái cảm tưởng rằng chúng đã được hướng dẫn bởi sự tuyển chọn bí nhiệm hay sự lưỡng chi phân trạng được an bài từ trước.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 98.

Đặc tính này của Tế Bào xem ra đã rất phù hợp với điều mà các nhà Sinh vật học hiện đại công nhận. Thật vậy, vào đầu mùa hè năm 1957, tức là quãng 17 năm sau khi Teilhard viết những hàng ước đoán trên, hai nhà Vật lý học người Mỹ gốc Hoa là Tsung-Dao-Lee và Chen-Ning-Yang thuộc đại học Columbia và Viện khảo cứu Princeton đã chứng nghiệm được cách vững chắc rằng: các phân tử được sát nhập trong Vật Chất không đối xứng bao giờ, nghĩa là hoặc chúng đều thuộc về phía hữu hoặc chúng đều thuộc về phía tả theo sự an bài bí nhiệm nào đó theo từng trường hợp. Nói cách khác, luật bảo tồn sự đối xứng trong Cơ học lượng tử từ lâu được công thức hóa bởi E. P. Wigner nay đã bị đánh đổ, vì không còn ứng hiệu trong những tiến trình phóng xạ thật chậm của những vi tử căn bản khác nhau. Lee và Yang được giải thưởng Nobel về Vật lý năm 1957.

Mời xem: Encyclopedia britanica, 200 th Edition, chữParity, và Richard Feynman: La nature des lois physiques; bản dịch của Robert Lafon, Paris 1965.

Sự tuyển lựa bí nhiệm ấy cho ta một nhận định có tính cách Triết học và Thần học là: trong Vũ Trụ sinh thành, Đích Điểm là Oméga đã chi phối, điều khiển trong tất cả mọi giai đoạn của tiến trình sinh hóa của Vũ Trụ. Nghĩa là Vũ Trụ càng sinh thành càng phức tạp bao nhiêu thì càng tiến gần đến Đích Điểm Oméga bấy nhiêu, càng thể hiện dung mạo tươi sáng của Oméga.

Ngòai ra, các nhà Sinh vật học hiện đại còn nêu ra một đặc điểm kỳ diệu hơn nữa là tất cả các sinh vật từ con vi trùng bé tí ti cho đến Con Người đều chỉ chứa đựng những phức tạp về sinh tố và chất men giống như nhau. Xét như thế, ta nhận thấy rằng ngay từ khởi điểm, Sự Sống đã xuất hiện theo một định luật chi phối bởi Chung Điểm là Oméga rồi.

Ngoài những đặc điểm trên đây, Teilhard còn nêu ra một đặc điểm hết sức quan trọng nữa là: từ khởi thủy, các Tế Bào đã đã bắt đầu khai sinh theo định luật Nhánh Cây cách y như hình thức phát triển sau này rồi. Teilhard viết như sau:

“… Xét một cách tổng quát, sự xuất hiện của các Tế Bào tiên khởi đã đặt ra cùng những vấn đề khởi thủy của mỗi cây đến sau này ta gọi là Nhánh. Vũ Trụ đã bắt đầu chia Nhánh rồi.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 99.

Thật ra, đó là vô số những nguyên tố rất phức tạp, rất bé nhỏ, nhưng khá đông để có thể bao bọc cả mặt đất và chúng có họ hàng gần gũi với nhau, được tuyển chọn để kết thành một Toàn Thể liên hệ chặt chẽ với nhau về cơ cấu và về phát sinh. Đó là Sự Sống rất sơ khai đã xuất hiện trước đây từ bao nhiêu thế kỷ vậy.

Tất cả những yếu tố trên đã kết thành cái mà Teilhard gọi là “Mùa của Sự Sống”.

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 100: La Saison de la Vie.

Teilhard nhận định về Sự Sống ấy như sau:

“Sự Sống ấy đã phát sinh và tràn lan trên khắp mặt đất như sự thúc đẩy đơn độc, đó là làn sóng duy nhất mà từ đây về sau ta phải theo dõi cho tới Con Người và xa hơn nữa nếu có thể…”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 107.

Sự phát triển của Sự Sống:

Như một nhà Vật lý học đặt câu hỏi về sự phát triển của một làn sóng, nhà Sinh vật học có nhiệm vụ là mô tả sự thăng tiến hay sự phát triển của Sự Sống.

Teilhard đã làm công việc ấy khi ông mô tả sự phát triển của Sự Sống bằng cách nêu ra những đặc điểm sau đây:

- Những phong trào sơ đẳng của Sự Sống.

- Sự chia nhánh bột phát của Chất –lượng sống động.

- Cây Sự Sống.

Công trình tìm kiếm và mô tả thật là tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Để có một ý niệm tổng quát về sự phát triển của Sự Sống theo Teilhard, chúng ta hãy bàn sâu vào ba điểm trên đây của ông.

Trước hết là:

a/ Những phong trào sơ đẳng trong công cuộc phát triển của Sự Sống:

* Phong trào sinh sản (Reproduction):

Theo Teilhard, ngay từ khởi nguyên của Sự Sống đã thấy thể hiện một phong trào sinh sản rất mau lẹ khiến Sự Sống được phát triển rất dồi dào. Teilhard viết như sau:

“Mọi Tế Bào, đến một lúc nào đó, tự phân chia mình ra (bằng cách “phân liệt” hay “tách nhân”), và sinh ra một Tế Bào mới giống như chính nó.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 109.

Đây là một phong trào căn bản cho cả công trình Tiến Hóa sau này nữa, vì chỉ gọi là Sống khi một vật có thể sinh sản.

* Phong trào tăng bội (Multiplicité):

Một Tế Bào sinh làm hai, thì theo Teilhard:

“Do bởi sự kiện duy nhất mà Tế Bào tự hóa làm đôi, và vì không có gì có thể ngăn chặn nó tiếp tục hóa đôi mãi mãi, nên Sự Sống có một sức phát triển không tài nào ngăn nổi như sự phát triển của một vật dãn hay bốc hơi. Tuy nhiên, trong khi ở trường hợp Vật Chất được gọi là bất động thì sự gia tăng khối lượng rồi cũng sẽ tìm được sự thăng bằng, còn trường hợp tế bào sống lại khác, không có một sự nghỉ ngơi nào xem ra đã xuất hiện.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 110.

* Phong trào canh tân:

Sự Sống phát triển rất mạnh, nhưng cũng có lúc xem ra mệt mỏi. Lúc đó Thiên Nhiên lại can thiệp và canh tân sự cằn cỗi để biến đổi nó thành nguồn sống mới hầu đủ sức tiếp tục công cuộc Tiến Hóa. Teilhard nhận định về việc Thiên Nhiên canh tân Sự Sống như sau:

“Khép lại trên chính mình, yếu tố Sống đạt tới nhanh hay chậm một trạng thái bất động. Nó mắc kẹt, đông lại trong đà Tiến Hóa. Lúc đó, nhờ bởi sự can thiệp của phong trào truyền giống, nó tìm lại được khả năng tái thích hợp từ bên trong và sau đó mặc lấy một khuôn mặt và đường hướng mới.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 111.

* Phong trào Tiếp hợp (Conjugaison):

Ở khởi đầu của Sự Sống, phong trào này xuất hiện như phương tiện để gia tốc và tăng cường cả hai hậu quả tăng bội và phân chia mà Sự Sống đã có được nhờ phong trào Truyền giống còn vô tính.

* Phong trào Liên hiệp (association):

Đây là một phong trào quan trọng mà Thiên Nhiên dùng để phát triển Sự Sống. Phong trào Liên hiệp là phong trào mà các Tế Bào liên kết lại với nhau thành một hiệp hội. Sự kết tụ các Tế Bào có một hậu quả rất quan trọng vì nó tạo ra một phương pháp làm hoàn hảo sự phát sinh của Tế Bào trong suốt lịch sử Tiến Hóa của nó. Nói khác đi, nhờ sự kết hợp giữa các Tế Bào mà có sự tổ chức Phức tạp đi lên và càng ngày càng hoàn hảo hơn.

* Phong trào Bổ sung được hướng dẫn (addivité dirigée):

Như đã nói phần nào ở trên đây, các Tế Bào sinh sôi nẩy nở, tiếp hợp, liên hiệp với nhau. Nhưng không chỉ có thế! Các Tế Bào còn bổ sung lẫn nhau nhưng theo một sự hướng dẫn nào đó của Thiên Nhiên. Nói cách khác, Sự Sống đã phát triển theo luật Trực tiến phát sinh (orthogenèse), nghĩa là Sự Sống càng sinh sôi nẩy nở thì càng hướng thẳng đến một hình thức hoàn hảo nhất.

b/ Sự Chia Nhánh của chất lượng sống động:

Xét cách tổng quát, Sự Sống càng tiến lên thì càng tự phân chia ra thành nhiều Nhánh. Những yếu tố đã cấu tạo ra hiện tượng Chia Nhánh của Sự Sống là 3 yếu tố chính:

- Sự phân tán của Sự Sống đã tạo ra các Nhánh (phyla).

- Sự trưởng thành đầy đủ của Sự Sống tạo nên các “luân sinh” (verticilles).

- Hậu quả xa: sự cắt xén, giảm bớt các “cuống hoa”.

Nói cách khác, sự phát sinh bình thường của Sự Sống đã tuân theo hai hình thức “Nhánh cây” và “phân tán” theo nhận định của Teilhard như sau:

“…Từ khởi nguyên, sự phát triển của Sự Sống hằng tuân theo luật Nhánh Câyluật phân tán.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, L’Avenir de l’Homme, trang 204.

Luật Nhánh Cây: theo luật này, mọi loài vật hay nhóm loài vật kết thành một Nhánh (phylum). Mỗi Nhánh bắt buộc phải theo luật “Trực tiến phát sinh” theo một đường hướng đã định sẵn: ví dụ các chi thể phải giảm thiểu hay thích nghi; các răng càng ngày càng phải phức tạp hơn; mỗi loài càng ngày càng phải thể hiện loại tính của mình hơn như loài ăn thịt, ăn cỏ, biết chạy, biết chũi, biết bơi, biết bay vv…

Luật Phân tán: theo luật này, các Nhánh khác biệt đó càng ngày càng xa dần nhau bắt đầu từ một số điểm phân triển Tế Bào và một số những nút thắt (noeuds). Như thế, các Nhánh đã phát triển ra theo hình rẻ quạt nhưng tia hình thái vật càng ngày càng phân tán ra mãi, mỗi tia hình thái vật lại phát triển thêm, bắt đầu từ một nút thắt mới, một rẻ quạt khác.

c/ Cây Sự Sống:

Sau khi nhìn tổng quát về các phong trào phát sinh và Chia Nhánh của Sự Sống, chúng ta hãy nhìn vào Cây Sự Sống và bàn đến chính các Nhánh Cây Sự Sống.

Nhìn vào Cây Sự Sống đó, ta nhận thấy từ dưới lên trên các Nhánh Cây đều phục tùng một định luật Phức tạp, thăng tiến duy nhất. Nhưng trong quan niệm về Phức Tạp, Teilhard luôn luôn thêm một quan niệm về Ý Thức để cho ta thấy đà tiến thực sự của Sự Sống qua những giai đoạn mới mẻ khác nhau. Vì thế, Teilhard gọi luật Phức Tạp này là định luật Phức Tạp – Ý Thức (la loi de la Complexité – Conscience).

Nói khác đi, theo Teilhard, Sự Sống có Phức Tạp tính không phải ở chỗ nó có được tổ chức theo kiểu máy móc tự động như người máy (robot), do một bàn tay ngoại lai nào đó chế tạo ra, trái lại, nhìn vào Cây Sự Sống ta thấy các Sinh vật tăng trưởng về Phức tạp tính vì sự tổ chức nội tại bên trong của chúng càng ngày càng được tập trung, hiệp nhất và tích lũy hơn. Thật thế, chúng ta nhận thấy từ những sự vật đơn giản nhất như đơn tử đến sự vật phức tạp nhất như Con Người luôn luôn có sự tổ chức và tích lũy càng ngày càng phức tạp hơn mãi. Tuy Sự Sống cũng là kết tinh của những hỗn hợp nguyên tử và năng lượng đã được cấu tạo chặt chẽ hơn, tổ chức hơn, tích lũy hơn nên mới trở thành một cơ thể tổ chức có tính cách Đại Phân tử (macromoléculaire) vô cùng phức tạp và do đó, Sự Sống đã có những đức tính và khả năng của Vật chất vô cơ.

Như thế, càng tiến lên một cấp, một Lớp Sinh vật cao hơn, thì định luật Phức Tạp – Ý Thức lại càng thấy thể hiện rõ rệt hơn, vì mỗi đợt tiến triển về Ý Thức thì đi theo một đợt tích lũy Phức Tạp.

Chúng ta dùng từ Ý Thức để chỉ mọi hình thức tâm lý, từ hình thức đơn giản nhất, thô sơ nhất, đến hình thức qui tâm nhất. Như thế, Ý Thức chính là một hình thức loại biệt của các trạng thái có tổ chức từ trong lòng lớp Vải của Vũ Trụ. Vì Ý Thức có nhiều trình độ khác nhau, nên ta có thể phân biệt nhiều loại Ý Thức khác nhau:

- Ý Thức của Sự Sống.
- Ý Thức của động vật.
- Ý Thức phản tỉnh.

Vậy, Ý Thức của Sự Sống là gì?

Là loại Ý Thức sơ đẳng nhất của Vật Chất sống động nơi Tế Bào. Ý Thức của Sự Sống là kết tinh của một tình trạng tích lũy không có tính cách thần kinh hệ mà chỉ căn cứ trên tính cách vật lý hóa học của Tế Bào mà thôi.

Ý Thức của động vật là gì ?

Là loại Ý Thức cao đẳng hơn Ý Thức của Sự Sống, xuất hiện nơi những động vật có thần kinh hệ cao đẳng và quan trọng vì có những hạch giống não để bảo vệ cho Ý Thức. Chúng ta bắt đầu nhận ra những đặc tính ấy xuất hiện nơi những loài sâu bọ và những loài động vật đã biết sống hợp quần như nhện, tôm, cua, sò, hến, đầu túc (céphalopodes), bạch tuộc hay cá mực … Ở giai đoạn Tiến Hóa này, cái Ý Thức của Sự Sống đã bước qua một trình độ cao hơn vì nó bắt đầu làm cho các Sinh vật biết thích nghi với môi trường sống. Có lẽ đó là bước đầu của trình độ sơ khai của Tư Tưởng. Nhưng trình độ này vẫn còn bị sa lầy trong thế giới của tự động tính và xung động tính hữu kiện. Ta thấy Teilhard tạm gọi nó là Ý Thức – Bản Năng. Tuy nhiên, đây không phải là thứ bản năng hoàn toàn thụ động và thô thiển như trong tâm lý học cổ điển, vì nếu ta hiểu bản năng là hoàn toàn thụ động và thô thiển như trong tâm lý học cổ điển thì Ý Thức – Bản Năng này hoàn toàn đối lập với Ý Thức phản tỉnh và Trí Tuệ. Điều này không hợp với định nghĩa của Teilhard về Ý Thức nêu trên đây.

Ngoài cấp Ý Thức của Động vật sơ khai trên đây, ta còn có thể nói đến một cấp Ý Thức của Động vật thượng đẳng hơn (La zoo-Conscience Supérieure), vì nó chất chứa một số những biểu tượng gặp thấy nơi Ý Thức của Con Người như vỏ não.

Thật thế, theo Teilhard, mỗi cơ thể Sinh vật đều đã có một guồng máy lựa chọn để giúp Ý Thức có thể thực hiện được. Ta thấy điều đó trực tiếp nơi Con Người với hệ thống thần kinh, vì hệ thống này có một cái gì hệ tại tích lũy mà ta có thể, nhờ ngôn ngữ, nhận ra nơi ta và nơi kẻ khác. Nhưng ta còn có thể nhận thấy điều đó nơi các động vật. Tuy ta không nhận biết cách trực tiếp về cái nội tại nơi các Sinh vật như nơi ta, nhưng ta có thể đo lường, ước chừng được điều đó bằng trình độ não của chúng.

Teilhard xác nhận điều đó như sau:

“Nói cách thực nghiệm và trực tiếp, chúng ta chỉ nhận ra duy một nội tâm trong thế giới: đó là nội tâm của chúng ta; và đồng thời, bởi một sự tương đồng trực tiếp, nhờ ngôn ngữ, chúng ta cũng nhận ra nội tâm của người khác. Nhưng chúng ta cũng có đủ mọi lý do để nghĩ rằng nơi các động vật cũng có một thứ bên trong nào đó, có thể đo lường gần đúng nhờ sự kiện toàn của não bộ,.

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 156.

Teilhard viết:

“… Từ Lớp này đến Lớp khác, do những bước nhảy vọt từng loạt, hệ thống thần kinh phát triển liên miên và càng tích lũy.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain , trang 156.

Để nhìn thấy rõ sự phát triển bất ngờ và liên tục ấy ta chỉ cần nhìn xuống phía bên dưới Nhánh Chordate sẽ thấy ngay bộ óc nhỏ xíu của các con Dinausorien này là loại lưỡng thê (amphibiens) và các con cá.

Nhưng nếu ta tiến thêm lên trên các Nhánh Chordate, ta thấy gì?

Ta sẽ nhận ra ngay một loài đặc biệt là Loài Có Vú, Não bộ trung bình của nó thì lớn hơn và có nhiều vân não hơn các loài trong Loài có xương sống. Nghĩa là, với thời gian, Sự Sống càng ngày càng tiến đến chỗ thể hiện ra những hình thức càng hoàn thành hơn về não bộ, và điều đó chúng ta thấy thể hiện không những ngay tại bên trong cùng một Lớp (à l’intérieur d’une même nappe) mà còn được thể hiện qua những Lớp khác nhau. Ví dụ: nếu ta nhảy qua một Nhánh khác là Loài Côn trùng có khớp (les Arthropodes) và Loài Sâu bọ, thì ta cũng thấy xuất hiện cùng một hiện tượng như bên Nhánh Có Vú. Nghĩa là, tùy loại Ý Thức ở đây có đặc sắc khác, từ thời này sang thời khác các hình thức Sinh Vật đều tỏ ra đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của sự hình thành não bộ. Vì nói chung, các hạch thần kinh cũng đều quây quần tập hợp lại, chúng được định cư lại và phình ra phía trước nơi đầu của chúng. Và đồng thời, các bản năng cũng phức tạp hơn, vì ở đây, các Sinh Vật ấy đã khởi sự biết đời sống cộng đồng. Nói chung đã thấy xuất hiện những nếp sống ít máy móc hơn trước, chúng có khả năng chú ý hơn trong công việc của chúng, biết lợi dụng những kinh nghiệm đã có, biết kiện toàn công việc của chúng nhiều hơn; chúng còn có khả năng phân biệt được thế giới bên ngoài và tìm cách thích nghi với thế giới đó và chúng sống với đồng loại hơn, và sau hết, chúng đã bắt đầu biết “yêu đương”…

Tóm lại, trong muôn vàn hình thức của sự phát triển của Sự Sống, ta thấy xuất hiện hệ thống Thần Kinh là hình thức đầy ý nghĩa hơn cả và cho ta thấy sự Tiến Hóa có một hướng đi lên rõ rệt. Nhưng sự xuất hiện của hệ thống Thần kinh chỉ là một biến đổi quan trọng, chứ chưa phải là tất cả ý nghĩa của Tiến Hóa. Vì trong đà Tiến Hóa này còn có một biến đổi khác quan trọng hơn: đó là sự xuất hiện của não bộ.

Vì theo Teilhard:

“Nơi các Sinh vật, não bộ là một biểu thị và thước đo của Ý Thức.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 159.

Và từ hệ luận trên đây, chúng ta có thể đi đến kết luận này: với thời gian, não bộ sẽ càng ngày càng phức tạp thêm và hoàn bị hơn đến nỗi có thể nói, với mỗi giai đoạn của thời gian Tiến Hóa, ta lại thấy xuất hiện một đặc tính hoàn toàn mới mẻ và hoàn bị hơn của não bộ.

Teilhard gọi biến tượng đó là đợt xoắn ốc thứ nhất, hay nói cách khác, là Sinh Đẳng trong sự phát triển năng lượng giáp tuyến.

Bây giờ chúng ta hãy xét đến sự đi lên của Ý Thức hay Sinh Đẳng trong sự phát triển các năng lượng xuyên tâm, hay còn gọi là giai đoạn chuẩn bị cho Bước Ý Thức Phản Tỉnh.

Ý Thức Phản Tỉnh được chuẩn bị rất kỹ càng.

Để có một ý niệm về giai đoạn của Ý Thức Phản Tỉnh, ta hãy lui về với Nhánh Loài Có Vú trên Cây Sự Sống. Theo Cổ sinh vật học, loài Có Vú phát sinh mạnh ở cuối thời kỳ Đệ Tam địa chất (Tertiaire). Vậy, trên dòng sông Sự Sống tiến triển đến thời kỳ Đệ Tam địa chất chúng ta thấy gì? Theo Teilhard, lúc đó trên mặt Trái Đất xem ra mọi sự còn im lìm, phẳng lặng. Từ miền nam Phi châu đến miền nam Mỹ châu chúng ta chỉ thấy đầy dẫy những hoang nguyên bao la và rừng rú trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau vô tận, nơi đây chính là môi trường sống của đủ loại những con sơn dương, những con ngựa vằn, những con nai đủ sừng, những hùm beo, sói, chồn, giống như ngày nay trong những sở thú Zambèse, Congo hay Arzona. Nhưng chúng ta không hề thấy ở một nơi nào có bốc lên một đám khói của một làng mạc hay một bộ lạc nào.

Đó là thời kỳ im lặng, và Teilhard viết: “Lớp Có Vú đã trải rộng ra.”

Mời xem Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain trang 167.

Tuy nhiên, công cuộc Tiến Hóa vẫn không ngừng. Vì vẫn có một cái gì đó, ở một nơi nào đó đang sẵn sàng để nhảy vọt đến một bước khác, mới mẻ hơn.

Cái đó là gì? Nó ở đâu?

Để khám phá được một cái gì đang chín mùi và đang thai nghén trong lòng Đất Mẹ là Vũ Trụ trẻ măng ở trong thời kỳ này, Teilhard đã dùng một dấu chỉ:”Sự Sống là sự đi lên của Ý Thức.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 167.

Nói cách khác, Sự Sống càng ngày càng tiến triển. Như vậy Sự Sống Tiến Hóa ở đâu? Thưa, năng lượng nội tại đang ngấm ngầm chớm nở một vài điểm dưới long bào của một Trái Đất đang trổ hoa. Nghĩa là, đó đây có một trương lực của Ý Thức đang vươn lên từ đáy sâu của những hệ thần kinh. Vậy chúng ta hãy dùng Ý Thức như một “ống nhiệt kế” và đem đặt vào trong lòng Trái Đất đang thiu thiu ngủ kia để quan sát xem trong miền não của Sinh Đẳng ở thời kỳ Tiền Tân Thế (pliocène) nhiệt độ của Sự Sống đang chực vọt lên?

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta hãy chỉ khảo sát hai đầu Nhánh Cây Sự Sống xuất hiện trước mắt chúng ta trong không khí, ánh sáng và bột phát.

Đầu Nhánh I là loài Côn trùng chân có khớp.

Đầu Nhánh II là loài Có Vú ở phía vật có xương sống.

Trong hai Nhánh đó, tương lai của Tiến Hoá hiện thời đang ở đâu? Thưa: phía loài Sâu bọ sẽ không phải là tương lai đó, vì thân hình não bộ của chúng quá bé nhỏ. Và vì chính thân hình bé nhỏ của não bộ, chúng chỉ có thể có được một ý thức hết sức sơ đẳng. Teilhard đưa ra lý do ấy như sau:

“Những sinh hoạt tinh thần thượng đẳng đòi hỏi một khối óc vật chất rất lớn.”

Mời xem Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 168.

Vì thế, loại Sâu bọ chỉ có thể có được những hành vi mà cuối cùng ra chỉ là những xung động bản năng. Nói tóm lại, Ý Thức của chúng có tính cách máy móc và luôn luôn hướng ngoại để rồi ngưng bặt. Đó là một chiều hướng không thể đi đến chỗ tích lũy thực thụ. Vì thế ta hãy bỏ qua loài Sâu bọ để khảo sát loài Có Vú.

Loài Có Vú lại khác hẳn, vì theo Teilhard: “Đến đây, lập tức ta thấy như thoải mái hơn đến nỗi như có cảm tưởng rằng mình đang sống thế giới của Con Người rồi.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 169.

Thật vậy, khác với loài Sâu bọ, loài Có Vú không còn là phân tử nô lệ chặt chẽ vào Nhánh Sinh vật của chúng nữa. Trái lại, xung quanh chúng đã thấy cả một “quầng sáng” tự do, một tia sáng về nhân cách đã bắt đầu ló dạng. Về phía đó ta thấy xuất kiện những khả năng vô tận tiến về tương lai. Nhưng trong viễn tượng huy hoàng ấy, Sinh Vật nào cuối cùng ra sẽ là tiền phong dẫn đạo? Một lần nữa ta hãy trở về thời Tiền Tân Thế (Pliocène) để nhìn kỹ ngoài những vật khổng lồ như những con Polyclades, Stropsicères, voi, machairodres và ngoài rất nhiều vật khác ra, chúng ta còn thấy có những con Linh Trưởng (les Primates).

Đến đây công cuộc Tiến Hóa xem ra như bỏ bê tất cả các chi thể khác của Sinh Vật để chỉ kiện toàn não bộ của Sinh Vật thôi. Vì thế tính cách quan trọng và giá trị Sinh vật học của các con Linh Trưởng là ở chỗ chúng đại diện cho một Nhánh Sinh vật gồm toàn những loài có bộ não được tổ chức và tích lũy hơn.

Do đó, ta có thể kết luận rằng: nếu trên Cây Sự Sống loài Có Vú kết thành một Nhánh Chính duy nhất, thì phải công nhận rằng các con Linh Trưởng, tức các con vật có óc và tay là mũi tên của Nhánh này, và những con Khỉ giống Người (les Anthropoides) là cái nụ ở đầu mũi tên ấy.

Như vậy, nhờ ở sự hiện diện của các con Linh Trưởng, ta mới có thể dễ dàng xác định được Sinh Đẳng đứng ở chỗ nào để chờ đợi một cái gì mới mẻ đang xảy đến. Như ta đã biết, khắp các đầu Nhánh đều có các đường gân Nhánh đầy linh động và đang sôi bỏng Ý Thức. Nhưng trong một miền rõ rệt nhất định, ở trong tâm trạng các loài Có Vú, ở chỗ mà những bộ óc vĩ đại nhất chưa bao giờ được Thiên Nhiên cấu tạo ra thì các đường gân Nhánh đó đã đỏ hồng. Và trong chính trọng tâm của miền đó, một điểm Đỏ Hồng đã bừng lên. Đến đây, sự mong ngóng của ta về chặng thứ hai của Tiến Hóa đã được thỏa đáp ít nhiều, vì chúng ta đã gặp lại được sự sôi bỏng của Sự Sống. Sự Sống đang sục sôi Ý Thức. Ý Thức đang bước qua một giai đoạn hết sức quan trọng, đó là giai đoạn Hoàng Kim của Tinh Thần. Hay nói khác đi, đó là Hừng Đông của Ý Thức.

“Tư Tưởng đã đến đây rồi!”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 157.

B/ Những suy tư Triết học và cảm nhận Thần học của Teilhard de Chardin về Vũ Trụ sinh thành ở Sinh Đẳng:

Trên đây là những dữ kiện đáng tin cậy mà Cổ sinh vật học đã cung cấp cho chúng ta và chúng ta có thể chấp nhận thuyết Tiến Hóa như phần đông các nhà Khoa học hiện nay. Nhưng trong quan điểm biến hóa đó chúng ta có thể phân biệt nhiều bình diện: bình diện khoa học, triết học và thần học, bởi vì trình bày ra một diễn tiến về những dữ kiện Tiến Hóa có tầm vóc khoa học chưa phải là nêu ra những suy tư triết học, thần học của những dữ kiện trên. Thật vậy, khoa Sinh vật học có chuẩn đích nêu ra những dữ kiện được kế tiếp trong một thời gian theo một luật lệ. Đối tượng của nó là cái khả giác, như đối tượng của mọi tri thức khoa học. Vậy, chúng ta có thể tự hỏi: những sự kiện khoa học ấy có mang một ý nghĩa nào đó không? Nghĩa là Sự Tiến Hóa có hướng về một sự phát huy nào đó có tính hữu thể học và thần học không? Nếu có, thì do từ động lực nào ? Ta có thể giản lược thuyết Biến Hóa vào một quan niệm triết học, thần học, hay Duy Vật nào đó không? Làm sao ta có thể quả quyết được rằng cái Có phát sinh từ cái Không, cái Hơn phát sinh từ cái Kém? Ta có thể quả quyết được rằng có một tiến trình của Sự Sống có liên quan đến vấn đề nội tại tính và siêu việt tính không? Nếu sự Tiến Hóa không kéo theo quan niệm Duy Vật thì có thể kéo theo quan niệm Duy Linh, thần học không?

Trả lời cho những câu hỏi đó là nêu ra suy tư triết học và thần học của Teilhard về tiến trình của Sự Sống vậy.

1/ Sự Tiến Hóa theo chiều hướng Duy Linh, Thần học:

Trước hết, chúng ta thấy rằng thuyết Biến hóa (transformisme) không hề bó buộc kéo theo cách đương nhiên một quan niệm về triết học, thần học. Nói cách khác, chúng ta không thể diễn dịch ra một lập trường triết học, thần học nào từ những dữ kiện khoa học cách trực tiếp, và ngay cả từ cái nhìn tổng quát về các hiện tượng. Tuy nhiên, vẫn có những tương quan khác hẳn những tương quan nhân quả. Vẫn có những tương quan khả hữu hay gần như dễ chấp nhận hơn những tương quan khác. Những tương quan này tuy không được chứng minh cách thực nghiệm nhưng ta có thể dựa vào đó để đưa ra một lập trường triết học, thần học được không?

Thưa, có thể được. Chúng ta hãy xét đến những điểm sau:

Trước hết, một cái nhìn tổng quát, như cái nhìn của Tiến Hóa, mặc dù chỉ đứng trên bình diện của hiện tượng , vẫn gói ghém một phần lớn sự giải thích sâu xa về Vũ Trụ. Về điểm này, Teilhard de Chardin đã tỏ ra rất thành công vì khi ta đọc từng trang, từng hàng trong các tác phẩm của ông, ta đều hội ra chiều sâu của một sự suy tư về cái lý lẽ cuối cùng của Vũ Trụ, về ý nghĩa thâm thúy của Con Người trong Vũ Trụ luôn tiến hóa về Chung Điểm Oméga tức là Đức Kitô. Nói cách khác, các tác phẩm khoa học của Teilhard đều bày tỏ một quan niệm Tiến Hóa theo kiểu Duy Linh và Thần Linh. Ông viết như sau: “Xây dựng một lý thuyết về Tiến Hóa kiểu Duy Linh, Thần Linh thì hấp dẫn hơn, dễ chấp nhận hơn một lý thuyết về Tiến Hóa kiểu Duy Vật, bằng cách sử dụng những cái nhìn của thuyết Biến hóa khoa học.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Vision du Passé, trang 220.

Một nguyên tắc căn bản triết học, thần học chi phối tất cả: chiều sâu của Tiến Hóa được điều khiển bởi Chung Điểm Oméga, nghĩa là Chung Điểm chi phối toàn diện tiến trình Tiến Hóa đang đi lên. Cái tiến trình ấy càng đi lên thì lại càng thấy thể hiện rõ ràng hơn. Theo ý nghĩa đó, sự Tiến Hóa là sự tiếp xuất của Vũ Trụ tiến về Tinh Thần và Đức Kitô. Như thế, sự Tiến hóa được điều khiển bởi Tinh Thần, bởi Đức Kitô. Với cái nhìn đó, chúng ta đã đạt tới một suy tư triết học và thần học mới đề cao vai trò “ưu tiên của những năng lượng Tinh Thần được hướng về Chung Điểm là Đức Kitô”.

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Vision du Passé, trang 222.

Có lẽ ta cũng nên nối kết cái nhìn như thế của Teilhard với cái nhìn của Darwin khi ông viết những dòng chữ rất gần với cái nhìn của Teilhard như sau:

“Một giáo sĩ nổi danh ngày kia viết cho tôi rằng cuối cùng ông đã hiểu ra rằng tin vào sự sáng tạo của vài hình thể có thể tự phát triển ra thành những hình thể khác cần thiết là đã có một quan niệm về Thượng Đế cũng cao quí như tin rằng cần có những tác động sáng tạo mới để lấp đầy những khoảng trống tạo ra do tác động của những luật mà Thượng Đế đã thiết lập.”

Mời xem: Darwin: L’Origine des Espèces, traduction Barbier, Paris, Alfred Costes, Editeur, 1951, trang 556.

Và ở cuối cuốn sách ấy ông có viết một câu rất gần với cái nhìn của Teilhard: “Trong cách đề cập tới Sự Sống với những động lực khác nhau mà Thượng Đế đã ban từ đầu cho một số nhỏ các hình thể, đã không có một sự cao trọng đích thực đó sao?” (Darwin, std. trang 576).

Đến đây chúng ta đã đi rất xa thuyết Sáng tạo theo lối cổ xưa. Teilhard đã dùng phạm trù “Biến hóa – Sáng tạo” để công nhận rằng Thượng Đế ít trực tiếp tạo ra tất cả các sự vật hơn là tạo ra một số vật để rồi chúng tự sáng tạo , tự sinh sôi nẩy nở ra mãi mãi. Một quan niệm về sáng tạo như thế có lẽ nối kết quan điểm hiện tượng tức khoa học với quan điểm siêu hình học, và đã làm cho Teilhard gần gũi với một Heidegger, một Gaston Bachelard… Teilhard không xa vời, không cô lập, không bị bỏ rơi trong thế kỷ của ông vì cái nhìn của ông là một cái nhìn Hiện Tượng luận, một cái nhìn hiện sinh. Thật vậy, đối với Con Người, sau khi được Thiên Chuá tạo dựng, thì thiết yếu hệ tại ở sự tham dự vào việc sáng tạo cuả Thiên Chuá, và Con Người phải là vật tự mình sáng tạo ra cái khuôn mặt Tinh Thần của mình để khỏi rơi vào sự vật Vật Chất. Phải Tinh thần hóa Vật Chất chứ không để bị Vật Chất hóa Tinh Thần. Như thế, thuyết Biến Hóa được áp dụng vào Sinh Vật và Con Người, dẫn tới thuyết Tiến Hóa Duy Linh trên bình diện triết học, và thuyết Tiến Hóa Thần linh trên bình diện thần học, và nó hợp với cái nhìn mới mẻ về sự Sáng Tạo hơn. Thuyết biến hóa theo chiều hướng đó dẫn tới hai hệ luận có tính đạo đức học và tính thần học sau đây:

- Ý thức về một trách nhiệm mà sự cao cả đạt tới vô hạn vì Con Người là mũi tên của sự Tiến Hóa và trong nó, Con Người sẽ trở thành Ý Thức và làm chủ chính nó.

- Ý thức về sự liên đới với Vũ Trụ mà từ đó nó xuất phát. Và trong chính Vũ Trụ ấy Teilhard đã hình dung ra được bộ mặt của Đức Kitô và của Lòng Mến.

Tóm lại, những giá trị đạo đức học, siêu hình học và thần học được thấm nhuần cách sâu xa trong quan niệm khoa học về Sự Sống của Teilhard vậy.

2/ Vai trò của cứu cánh tính trong thuyết Biến Hóa:

Thuyết Tiến Hóa của Teilhard có thể bị giản lược vào thuyết Cứu Cánh không?

Có lẽ một số tác giả như J. Carles (Mời xem: J. Carles: Le Transformisme, coll. “Que sais-je”, PUF, Paris 1957, trang 86) đã chủ trương như vậy. Nhưng theo chúng ta, Teilhard có chủ trương nêu ra thuyết Cứu Cánh không? Vì trong quan niệm của Teilhard chúng ta thấy ông chủ trương rằng Sự Sống tiến đến Tinh Thần như Vật Chất tiến đến Sự Sống ? Hay vì những dữ kiện khoa học mà Teilhard nêu ra đã vượt quá giá trị của một tổng hợp ? Hay vì cái tổng hợp ấy đạt tới tột đỉnh của Ý Thức tuyệt đối?

Thưa: Không. Vì theo Teilhard, tuy Vũ Trụ tiến về một Chung Điểm thánh thiêng, mà sau này ở cuối đời ông gọi là Oméga, hiểu là Đức Kitô, nhưng cần phân biệt rõ hai điểm sau đây trong chủ trương của Teilhard. Điểm thứ nhất: Tiến Hóa là một thứ sáng tạo trong sự tồn tại liên tục đích thực chứ không phải ở sự thực hiện một chương trình dự định sẽ diễn ra. Ở đây, ta thấy Teilhard rất gần gũi với chủ trương của Bergson. Điểm thứ hai: đây là điểm quan trọng hơn đối với chúng ta. Theo Teilhard, có thể nói đến cái cứu cánh ở trình độ của sự Tiến Hóa về bản thể và toàn diện, ở trình độ Con Người và ở trình độ của Thượng Đế. Tuy nhiên Teilhard thầm nhận rằng cứu cánh tính (finalité) không có vai trò nào ở trình độ sinh vật.

Ý niệm Tiến Hóa được gắn liền vào sự tìm hiểu một tiến trình các vật đi trước và những hậu quả theo sau, mà không can dự vào lãnh vực của những “bản thể” và “nguyên nhân”. Tư tưởng ấy đã được lặp đi lặp lại dưới những hình thức khác nhau mỗi khi Teilhard nói đến sự Tiến Hóa của Sự Sống. Sự kiện Trực- Tiến- Phát- Sinh (Orthogénèse) xem ra không hợp với điều quả quyết trên đây. Nhưng, như chúng ta đã nói: Teilhard luôn luôn phân biệt sự kiện Trực Tiến Phát sinh với cứu cánh tính. Sự Trực Tiến Phát sinh là một động lực nội tại của sự sắp xếp các yếu tố của Vật Chất và của cả Vũ Trụ. Nhưng ý nghĩa ấy còn quá tổng quát. Sự biến đổi có điều khiển có nghĩa là, theo Teilhard, là một sự biến đổi theo một hướng mà hướng đó không bị thay đổi ở bất cứ một trình độ và dưới bất cứ một ảnh hưởng nào mà hướng đó xuất hiện. Mọi ý nghĩa Sinh vật học hay Cứu Cánh thuyết, đối với Teilhard, đều không thể chấp nhận được và đều lỗi thời.

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Vision du Passé, trang 386.

Teilhard không hề chủ trương một sự thần bí nào trong sự Trực tiến Phát sinh cả. Khoa Cổ sinh vật học, đối với Teilhard là khoa Trực tiến Phát sinh, không hề được coi là khoa học về Cứu Cánh tính. Teilhard còn nói rõ hơn như sau:
”Ở đây và các chỗ khác trong tác phẩm này, tôi hiểu chữ Trực tiến Phát sinh như một danh từ còn bị tranh luận nhiều,… theo ngữ nguyên, là sự phát triển có định hướng: không phải cái phẩm chất hoàn toàn “vếc-tơ” (trong trường hợp vắng mặt nó, ta không thể nói đến các “trends”, các phyla) tự nó kéo theo một ý niệm nào về Nhất Nguyên, hay (ít nhất ở khởi điểm của nó) một ý niệm nào về Cứu cánh tính.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, L’Apparition de l’Homme, trang 304, chú thích 1.

Như thế, lập trường của Teilhard là rất rõ rệt: sự Trực tiến Phát sinh, tự nó, không bao gồm một ý niệm nào về Cứu Cánh tính, nhờ sự tiến triển của Ý Thức, càng tiến lên lại càng được phân biệt rõ rệt hơn. Trái lại, nó gợi cho ta dễ dàng đi đến một suy tư triết – thần học hơn. Và khi đó ta đã bước sang một bình diện khác.

Tóm lại, ở trình độ Vật Chất vô cơ, ta thấy rằng duy chỉ có những luật tất định mới có thể được hội ra; ở trình độ của Sự Sống, sự Trực tiến Phát sinh đã thấy nổi bật; ở trình độ Con Người, Cứu Cánh tính đã xuất hiện, tuy nhiên vẫn còn một đường hướng chung điều khiển tiến trình chung của sự Tiến Hóa toàn diện vậy.

3/ Phiếm Linh thuyết:

Có thể nói đến một chủ trương có tính cách Phiếm Linh trong thuyết Tiến Hóa của Teilhard không?

Nếu không có Cứu Cánh tính, những sự biến hóa kế tiếp nhau của thế giới hữu cơ không thể nào giải thích được. Thật vậy, nếu ta không nại vào những lực tổng hợp; và ngoại trừ khi Teilhard dùng Ý Thức can thiệp vào mọi trình độ của Hữu thể, vì sự tiếp xuất của luật Phức Tạp – Ý Thức đóng vai trò quan trọng trong suốt công cuộc Tiến Hóa, từ Nguyên tử đến Con Người, và vì Tâm Thần (le psychique) là yếu tố căn bản của cuộc Tiến Hóa; và vì những lực Tâm Thần cấu tạo ra yếu tố liên kết các hệ thống nhất định và khác nhau mà sự tập hợp của chúng tạo ra Thế giới hữu cơ thì những sự kiện biến hóa kế tiếp nhau không thể tìm được một lời giải thích thỏa đáng. Thật ra những nhận định trên đây không có tính cách phản Khoa học. Vì đối với Teilhard, cái Tâm Thần là điều cần thiết để thấu triệt và giải thích bí nhiệm của Sự Sống. Vì thế chúng ta thấy Teilhard nói đến các năng lượng trong các tác phẩm của ông. Chúng ta chấp nhận rằng các năng lượng Tinh Thần có địa vị ưu tiên trong hiện tượng Con Người và Vũ Trụ có bản chất Tâm Thần.

Quả quyết trên đây đã làm cho nhiều người có thái độ phẫn nộ đối với Teilhard (Mời xem: Bournoure: Déterminisme et finalité, Flammarion, Paris 1957, trang 211), vì làm như thế là hạ giá Tinh Thần và sẽ rơi vào lỗi lầm của Phiếm Linh thuyết và Nội tại thuyết.

Nhưng nếu xét cho kỹ hơn, chúng ta thấy Teilhard không chủ trương Phiếm Linh thuyết hay Nội tại thuyết, vì như chúng ta đã thấy Teilhard chủ trương rằng sự liên tục và đứt đoạn trong công trình Tiến Hóa không khử trừ nhau. Nghiã là ở mỗi cấp bậc vẫn có sự khác biệt nhau từ bản thể. Ý niệm về “sự Biến đổi Sáng tạo” cho phép ta vượt lên trên những mâu thuẫn của nguyên tắc đồng nhất của luận lý học Aristote.

Ngoài ra, theo Rabut, sinh hoạt tâm thần thuộc về bình diện hiện tượng và không dự phần đến những thực tại siêu hình hay tôn giáo. (Mời xem: Rabut, Dialogue with Teilhard de Chardin, trang 34, 36, 40).

Hơn nữa, cái Tâm Thần, đôi khi Teilhard gọi là Ý Thức, là một sinh hoạt ở một mức độ rất thô sơ, và bản chất của nó cũng khác hẳn bản chất suy tư của Con Người. Vì thế, không thể nào có thể cho rằng Teilhard đã chủ trương hay rơi vào Phiếm Linh thuyết.

Cái sinh hoạt Tâm Thần, theo Rabut, đã được chuẩn bị từ trước. Ý Thức có thể có những yếu tố thuộc về thời gian đi trước nó nhưng không thể có một ngoại trương bao trùm cả Vũ Trụ. Và vì thế chúng ta rất dễ bị, khi đọc Teilhard, cám dỗ rơi vào lỗi lầm này: gán ghép một vai trò quá lớn cho sinh hoạt Tâm Thần lan tràn ra toàn Vũ Trụ. Nếu hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy rằng sinh hoạt Tâm Thần kiểu toàn diện, trong thuyết Tiến Hóa của Teilhard, không có gì đáng sợ hay sai lầm vì không phủ nhận cái trình độ đặc thù của mọi giai đoạn của công cuộc Tiến Hóa. Để có một cái nhìn kiểu Teilhard và tránh mọi ngộ nhận, chúng ta phải thoát ra khỏi kiểu suy luận bắt nguồn từ luận lý học của Aristote và Thánh Tô-ma để chuyển qua một cái nhìn có tính cách luận lý học biện chứng.

Để tóm lại, sự Tiến Hóa của Sự Sống có thể đưa tới một quan niệm Duy Linh nhưng không bó buộc cách tất yếu. Duy Linh thuyết có đặc tính là tiến lên và nổi bật lên trong Cực Thứ Ba tức Cực Phức Tạp: cực của Ý Thức, của Tinh Thần. Sự Trực tiến Phát sinh có thể đưa đến một chiều hướng hội tụ của sự Tiến Hóa ở Chung Điểm Oméga. Nó hé mở cho ta thấy sự hiện diện của sinh hoạt Tâm Thần được thể hiện ở mọi giai đoạn dưới một hình thức hoàn toàn đặc thù. Ở trình độ Sinh vật, ta thấy nó thể hiện dưới hình thức là bản năng và xung động, nhưng ta không thể nói đến sự Cứu Cánh hóa ở trình độ này. Như thế, bình diện Sinh vật có thể gợi ra một quan niệm Duy Linh ở khởi đầu, nghĩa là chưa có thể được hoàn tất.

4. Bản chất của Sự Sống – Sự Sống và Vật Chất.

Sự Sống là gì?

Ta không thể định nghĩa nó, vì định nghĩa nó là đóng khung nó; mà đóng khung nó thì không còn là Sự Sống nữa. Tuy nhiên, ta có thể nêu ra những đặc tính của Sự Sống. Những đặc tính này rất khác nhau, tùy theo phương diện hay tùy theo thời gian mà ta đề cập tới:

a/ Trên phương diện Vật Chất vô cơ, nghĩa là trên phương diện trước Sự Sống, thì Sự Sống là hậu quả cụ thể của sự Phức tạp. Sự Phức tạp đích thực, như chúng ta đã nói qua, là một Kích thước của Vũ Trụ. Sự Sống xuất hiện cách hòa hợp và tất yếu (nói theo ngôn ngữ của Hiện tượng) vào một điểm nào đó của đường biểu diễn sự Vi Vật hóa. Điều đó làm cho Sự Sống không phải là một tùy thể hay Phụ tượng của Vũ Trụ. Trên đây chúng ta đã thấy Teilhard diễn tả cái nhìn tổng hợp của ba cực. Đường cong biểu diễn sự Vi Vật hóa tiến lên mau chóng đến Sự Sống: đó là một hậu quả về lượng bỗng nhiên biến đổi qua một thực tại về phẩm. Từ quan điểm đó, thì đời sống chỉ là Vật Chất được biến đổi tột bực; Sinh vật học chỉ là “Vật lý học về Phức Tạp” (Mời xem: Le Groupe Zoologique humain của Teilhard de Chardin).

Tuy nhiên, Vật lý học hiểu theo nghĩa đó, phải được coi như một lịch sử, một sự sinh thành và Vật Chất như một sự tiền sinh. Từ nhận định táo bạo và mới mẻ đó, ta có thể nhận ra sự liên tục giữa Vật Chất và Sự Sống trong tiến trình từ Nguyên tử đến Phân tử, trong sự sinh thành của các Phân tử khởi đầu từ các Nguyên tử. Tuy nhiên, đặc tính của sự xuất hiện ấy không thể hội ra cách đầy đủ vì không có Nguyên tử nào, với một số điều kiện nào đó, lại có thể trở thành Phân tử. Như thế, không có một điểm rõ rệt ở đó xảy ra hiện tượng Phân tử.

b/ Nếu ta muốn cắt nghĩa động lực của sự Phức Tạp hóa đó, ta phải dùng phương pháp: giả thuyết. Và người ta thường lưỡng lự giữa nhiều giả thuyết khác nhau. Nếu ta coi sự lớn lên của sự Phức Tạp về mặt lượng và những ranh giới có tính cách phẩm của sự Phức Tạp ấy như một thâu thập dần dần bắt đầu từ những gì đơn giản nhất thì ta đã giản lược Vật Chất sống động thành Vật Chất cứng đọng rồi; thành một sự sinh thành có tính cách Duy Vật của Vật Chất cao đẳng do từ Vật Chất thô sơ. Nếu ta coi rằng tất cả đều bị khởi động bằng động lực qui tâm, được coi như là sinh hoạt Tâm Thần thì ta đã biến sự Phức tạp thành một Hiện tượng bành trướng của Ý Thức, và như thế ta đã đạt tới thuyết Duy Linh. Nếu ta từ chối vượt lên những điều mà Hiện tượng dạy cho ta, lúc đó ta phải từ chối hai loại giải thích nguyên nhân trên kia và chỉ chủ trương rằng Sự Phức Tạp hóa đi theo một sự vô định ngày càng lớn lên, và tương đương với một sự nội tâm hóa và một sự độc lập ngày càng lớn lên dần của Trung Tâm . Mà Teilhard công nhận rằng: cho đến Ngưỡng cửa Con Người, nếu chỉ có một động lực tất định duy nhất cũng có thể hội ra được những ý nghĩa thì từ cái bước của Suy Tư, sự ưu thế của Trung Tâm động lực tâm lý hay động lực phát sinh đã trở thành tất yếu. Nếu ta nhìn Sự Sống từ khi nó còn là vật vô cơ, ta sẽ kéo dài hoạt động duy nhất của các sự tất định. Nếu ta nhìn Sự Sống trong tương quan với sự Suy Tư, ta phân biệt được sự sinh hoạt tâm thần và sự phát minh còn ở trạng thái mới bắt đầu, và như thế, ta coi Sự Sống là một sự Tiền-Suy-Tư. Vừa rồi, nó là hiệu quả của sự Phức Tạp hóa Vật Chất và là một dữ kiện của một khoa Vật lý học phát sinh; bây giờ nó là hiệu quả của Ý Thức còn lu mờ và là dữ kiện của tâm lý học được tổng quát hóa. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào Sự Sống cũng thể hiện cái bản chất của nó là bản chất Phức Tạp toàn diện hay sinh hoạt tâm thần.

c/ Ta có thể coi sự chuyển tiếp của hiện tượng là ít xác định vì ở trình độ Vi Cơ Thể đã biện minh cho sự lỏng lẻo của Sự Sống. Nhưng đó lại không phải là những gì mà sự quan sát đã cho ta biết. Nếu rất khó biết được sự khác biệt nằm ở những cơ thể nào, đâu là ranh giới, thì ngược lại, rất có thể rút ra những đặc tính mà Sự Sống thể hiện. Trên đây chúng ta đã có lần nói tới sự “mở ra” của Vật Chất. Vật Chất vô cơ không cứng đọng tuyệt đối nhưng “mở ra” cho Sự Sống thấm nhuần vào. Sự thấm nhuần ấy tạo nên sự đổi mới về cơ cấu và nhờ đó tạo nên sự liên đới giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa giòng giống này với các Nhánh khác.

Cái giòng giống càng ngày càng có địa vị quan trọng, nếu ta đi từ các đơn Tế Bào đến các Đa Tế bào. Và vì Sự Sống không thể kéo dài sự sống của mình mãi mãi, nên các giòng giống đã bảo đảm cho sự liên tục của Sự Sống bằng những tiến trình của sự tiếp vận, đó là cơ cấu của các Lớp mà chúng ta đã nói sơ qua trên kia. Cuối cùng, các giòng giống xem ra đã tự đơn giản hóa dần dần thành vài loại đặc biệt, (như: thực vật, loài Côn Trùng chân có khớp, loài có xương sống) và sau hết thành một hướng độc nhất là Con Người.

Như thế, Sự Sống đã thể hiện ra những đặc tính động, đặc biệt và đặc thù. Những đặc tính ấy bày tỏ sự nổi bật lên của nó, sự đặc sắc riêng tư của nó, giá trị hiếm có của nó; nói tóm lại nó diễn tả tính chất bất liên tục của nó đối với Vật Chất vô cơ và với cả Suy Tư phản tỉnh nữa. Tuy nhiên, mặc dù nó cá tính cách đặc thù ấy, giá trị của nó vẫn là ở chỗ nó mang trong nó một thực chất sâu thẳm đang dọn đường cho sự Tiến Hóa thực hiện,. đó là “chính bản chất của Hiện tượng”.

Mời xem Teilhard de Chardin, Le Groupe Zoologique humain, trang 15.

Tóm lại, trong giai đoạn của Sự Sống, chúng ta có thể phác họa ra những ý nghĩa triết - thần học dựa trên những dữ kiện mà Sinh vật học cung cấp. Chúng ta thấy Teilhard đã mặc cho Hiện tượng một ý nghĩa Duy Linh, tôn giáo, thần học. Teilhard đã vạch cho chúng ta thấy chiều hướng của sinh hoạt Tâm Thần, tuy Teilhard đã không đi vào đường hướng của thuyết Cứu Cánh tính. Chúng ta cũng còn thấy Teilhard đề cập tới sự sáng tạo theo lối nhìn của thần học: Thiên Chúa dựng nên tất cả Sự Sống. Như thế Teilhard có những suy tư triết học và thần học vậy.

IV. Vũ Trụ Sinh Thành ở Trí Đẳng.

A. Trình bày những sự kiện Khoa học:

Sự Sinh thành của Tư Tưởng

Ngưỡng cửa của Suy Tư

Tư Tưởng đã đến !

Khi tiến đến giai đoạn này, bỗng nhiên Sự Sống đã vượt qua được một ngưỡng cửa ngăn cách Sự Sống và Tư Tưởng. Đây là một bước nhảy vọt tuy không đáng kể về mặt hình thái Sinh vật nhưng lại rất quan trọng vì đã gây ra một chấn động khôn lường nơi các tầng lớp của Sự Sống. Và Teilhard kết luận như sau:

“…đó là tất cả sự nghịch thường về Con Người…”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 179.

Sự nghịch thường đó đã không được Khoa học đề cao đúng mức và vì thế đã giảm mất phần quan trọng phi thường của công cuộc Tiến Hóa toàn diện của Vũ Trụ, nghĩa là Tiến Hóa cả “phía ngoài “ lẫn “phía trong”. Nói cách khác, tiến triển cả về trình độ Ý Thức lẫn về sự tích lũy của Tế Bào của não bộ, nghĩa là trình độ Ý Thức thì tiến song song với trình độ tích lũy của Óc. Nơi các Sinh vật khác, não bộ vẫn còn thô sơ xét về mặt tích lũy. Nhưng với Con Người, nhờ não bộ được tích lũy rất đặc biệt, Con Người đã có một cá tính làm cho Con Người trở thành chủ động trong mọi hành vi và tư tưởng của mình. Nhờ não bộ, Con Người có được khả năng độc đáo là sự hiện diện từ bên trong các hoạt động tâm lý của mình.

Chính khả năng độc đáo ấy làm cho bản năng của sinh lý nơi Con Người khác hẳn với bản chất của sinh lý nơi các con Hầu Nhân là những Sinh vật có não bộ ít được phát triển hơn não bộ của Con Người. Nói khác đi, nếu não bộ ít phát triển, ta sẽ không thấy được khả năng Tư Tưởng.

Nơi Con Người, Khả năng Tư Tưởng đã phát sinh nhờ sự nhảy vọt nói trên. Bước nhảy vọt này sẽ dẫn tới ba bước mới cao hơn như sau:

1/ Bước Sơ đẳng:

Bước Sơ đẳng của sự Nhảy vọt là bước Nhân hóa Cá vật (l’Hominisation de l’individu). Vậy Nhân hóa Cá vật là gì? Là bước biến đổi từ tình trạng Động vật qua tình trạng Con Người. Nhưng làm sao có thể phân biệt được ranh giới phân chia Động cật và Con Người? Đây là một điều rất khó, vì thật ra ranh giới ấy không có gì rõ rệt, nên một số nhà tâm lý học, như Watson, vẫn chưa xác định cách dứt khoát những điểm khác biệt từ trong bản thể giữa Ý Thức Phản tỉnh của Con Người và Ý Thức của Động vật. Trên thực tế, một phần lớn các nhà bác học không chịu công nhận sự phân cách từ bản thể giữa Ý Thức của Động vật với Ý Thức Phản tỉnh của Con Người.

Nhưng để giải quyết vấn đề nan giải này, Teilhard đã đưa ra một phương pháp. Sở dĩ, trên phương diện triết học, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này là để có thể có ích lợi cho đời sống đạo đức và đời sống tri thức thuần túy. Vậy phương cách Teilhard đề nghị là gì?

Teilhard đề nghị phương tiện duy nhất đó là: loại trừ hẳn những biểu thị phụ thuộc và hàm hồ của hoạt động nội tại trong vô số những hoạt động của Con Người, để rồi chỉ đối diện với hiện tượng chính yếu là Suy Tư.

Vậy Suy Tư là gì?

Theo quan điểm Thực nghiệm, Teilhard định nghĩa như sau:

“Suy Tư là khả năng của Ý Thức khi nó tự phản tỉnh được và sở hữu được chính mình như sở hữu được một đối tượng tự nó có nội dung và giá trị đặc biệt: nghĩa là không chỉ tri thức, nhưng còn tự tri thức được chính mình; không những chỉ biết mà còn biết được rằng mình biết.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 181.

Nhờ bởi sự Cá nhân hóa chính mình trong thâm tâm sâu thẳm của mình, như thế, cái yếu tố sống động trong nội giới tức là Ý Thức đó, từ trước tới nay còn bị phân tán và rời rạc trong các tri giác và hoạt động của nó, bây giờ được cấu tạo thành một trung tâm liên kết tất cả mọi biểu thị và kinh nghiệm và tạo thành một toàn thể Ý Thức về chính sự tổ chức của nó.

Xét như thế, thì sự biến đổi ấy có những hậu quả vô cùng sâu rộng. Và chúng ta còn đọc thấy rõ rệt những hậu quả ấy không những trong Thiên Nhiên mà trong cả bất cứ một sự kiện nào mà Vật lý học và Thiên văn học đã thu lượm. Nhờ sự tự phản tỉnh, Con Người bỗng nhiên có được khả năng hoạt động và phát triển trong một phạm vi hoàn toàn mới mẻ. Quả thật, đây là một thế giới khác hẳn đang sinh thành mang tới những đặc tính sau đây: khả năng trừu tượng hóa, lý luận, lựa chọn và phát minh, tóan học, nghệ thuật, tri giác có thể đo lường được về không gian và tồn tục, ưu tư khắc khoải và mơ mộng yêu đương… Tất cả những hoạt động nội giới đó cấu tạo nên một nội tâm rất mới mẻ, phong phú. Tâm linh mới mẻ của Con Người lúc này khác biệt hẳn, từ trong bản thể với Ý Thức của Động vật cũng có Ý Thức thật đó nhưng nó không ý thức được về Ý Thức của nó. Như thế, giữa Ý Thức của Động vật và Ý Thức của Con Người có một sự biến đổi từ bản thể.

Nói tóm lại, để Tư Tưởng được xuất hiện thì Sự Sống phải biến đổi hoàn toàn mới mẻ từ “phía trong”. Nghĩa là Tư Tưởng và Bản Năng có một ranh giới rõ rệt. Chúng ta không thể quan niệm như các nhà Triết học Kinh viện cổ điển rằng Bản năng là một thứ Tinh Thần hạ cấp có tính cách đồng loạt và cố định. Cũng không thể quan niệm như Descartes và trường phái của ông cho rằng chỉ có Tư Tưởng là hiện hữu và con vật không có cái “phía trong” nên chỉ là một cái gì máy móc. Cũng không thể quan niệm như các nhà Sinh vật học hiện đại cho rằng không có một ranh giới rõ rệt nào ngăn cách giữa Bản năng và Tư Tưởng, không có sự biến đổi về bản chất giữa Bản năng và Tư Tưởng, mà chỉ có sự khác biệt về trình độ.

Vậy chúng ta phải quan niệm thế nào về sự khác biệt từ bản chất giữa Tư Tưởng và Bản năng? Muốn giải quyết vấn đề này chúng ta phải có một quan niệm khác hẳn về “Bản năng”. Vậy phải hiểu thế nào về Bản năng?

Bàn năng không phải là một Phụ tượng, nhưng diễn tả chính Hiện tượng Sự Sống và nó bày tỏ nhiều hình thức khác nhau. Ở mỗi hình thức khác nhau đó lại thấy sự tiến triển về Tâm Thần (le psychisme). Ví dụ: tâm thần của con giun, con dế.

Nơi Con Người, Tâm Thần đạt tới một mức độ cao đến nỗi trở thành chính Tư Tưởng, chính Suy tư Phản tỉnh. Đó là điểm làm Con Người khác con vật. Nhờ thông minh, Con Người mới biết sáng tạo.

Nói cách tổng quát hơn, ở cuối Đệ Tam kỷ, từ hơn 500 triệu năm rồi, mức độ Tâm Thần đã nhảy vọt lên trong thế giới Tế Bào. Từ Cành này sang Cành khác, từ Lớp này sang Lớp khác, các hệ thống thần kinh hệ càng ngày càng phức tạp và qui tâm hơn để rồi cuối cùng về phía loài Linh Trưởng (les Primates) thấy Tâm Thần xuất hiện với những đặc tính mềm dẻo và phong phú khiến nó càng phức tạp và tích lũy hơn các loài trước nó. Tuy nhiên, sự Tiến Hóa không ngừng lại ở đây, mà còn tiến lên mãi đến loài Hầu Nhân thì hầu như Tiến Hóa đã gần tới chóp đỉnh. Nhưng điều đó vẫn chưa cho ta nhận thấy đà Tiến hóa bị ngưng đọng mà trái lại đã tiến tới một bước hoàn toàn mới mẻ. Năng lượng giáp tuyến và năng lượng xuyên tâm còn tiến xa mãi đến vô tận cho đến lúc nhảy vọt lên một bước khác: bước Tư Tưởng, bước Nhân hóa Cá vật. Xét về mặt hình thái sinh lý thì ở bước này gần như không có gì thay đổi lớn lao cho lắm nhưng bên trong thì Ý Thức đang sôi bỏng và từ bản thể đã thay đổi hẳn.

Sự biến đổi về Ý Thức trong bản thể của nó đã thấy kéo theo một Ý Thức khác loại kèm theo bộ Óc phức tạp, nhưng còn hơn thế nữa là sự tiến triển về Văn hóa. Nghĩa là nhờ tư duy, Ý Thức của Con Người đã đạt tới chiều gian vô hạn của nó, khác với nơi Con vật sự tập luyện và giáo dục chỉ mang lại một trình độ rất kém của Ý Thức. Vì có bộ Óc không mà thôi thì chưa đủ để làm cho nó có Khả năng sáng tạo, phát minh; nhưng cần thiết phải có yếu tố tư duy, một sự mạo hiểm Ý Thức. Ngôn ngữ là một phát minh quan trọng của Con Người trong Xã hội. Nghĩa là việc sử dụng não bộ theo tâm lý Con Người còn căn cứ trên việc sở hữu được một ngôn ngữ nhờ lãnh vực và ảnh hưởng của Xã hội Con Người. Con Người thiết yếu có tính chất Xã hội nên bộ Óc của Con Người cũng phải thích hợp để tìm đến những gì hoàn toàn mới mẻ hơn nơi xã hội loài vật.

Nếu chỉ công nhận rằng Ý Thức của Con Người cao hơn Ý Thức của các loài vật chỉ vì Con Người có ngôn ngữ riêng biệt mà thôi thì chưa đủ, vì khi khảo sát não bộ Con Người ta thấy chỉ nơi não bộ phức tạp và qui tâm ấy mới có một thứ ngôn ngữ nội tại nhờ đó Con Người mới ý thức được về chính mình. Thật vậy, đi từ những loài Có Vú thông thường đến những con khỉ hạ đẳng, rồi từ những con khỉ hạ đẳng này đến các con Hầu Nhân đến Con Người, không những não bộ càng ngày càng phức tạp hơn vì số những Tế bào thần kinh được tăng thêm, mà nơi Con Người não bộ còn được phát triển cách đặc biệt hơn mọi loài khác, ở một miền gọi là Miền Trước Trán. Theo khoa Thần kinh sinh lý, miền này được tích lũy cao nhất nơi Con Người. Nó liên kết phần óc bản năng sơ đẳng và tình cảm, phần óc bên hông và đằng sau (cerveau noétique: cerveau latéral et postérieur) của ngôn ngữ và suy tư lại với nhau để tạo cho não bộ toàn diện một Khả năng phán đoán và tìm tòi ra những đường lối để đạt tới sự Thiện. Cái đó là Siêu Thức hay Siêu Suy Tư mà xưa kia người ta gọi là “Trái Tim” hay “Tình Yêu”. Vì thế, có thể nói rằng: Trái Tim là đỉnh cao nhất của Ý Thức.

Sau cùng, nhờ Ý thức phản tỉnh ấy, mỗi cá vật (individu) đã trở thành một chủ thể. Nhưng chủ thể ấy chỉ có thể đứng vững được nhờ ở việc càng ngày nó càng trở nên chính nó hơn. Như thế, ta thấy chủ thể này là một Nhân cách (personnalité).

Nói cách vắn tắt hơn: “Tế bào đã trở nên Con Người

Mời xem Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 191.

Teilhard gọi thời kỳ này là một “niên hiệu quyết định” (date cruciale). Từ đây, các ý thức càng ngày càng đi lên, nghĩa là từ Ý Thức cá nhân đi lên Ý Thức Cộng đồng, gồm nhiều Ý Thức cá nhân.

Đó là nội dung của Bước “Nhân hóa Cá vật”.

Bây giờ chúng ta hãy bước qua một Bước khác gọi là “Bước Nhánh Cây”, hay Nhân hóa Giống Người.

2. Bước Nhánh Cây hay Nhân hóa Giống Người:

(Le pas phylétique. L’Hominisation de l’Espèce).

Ở đây, mỗi cá nhân đã biết ý thức rằng mình thuộc về một loài riêng biệt. Đó là Người hay Giống Người. Loài Người có những đặc tính riêng biệt và vượt lên hẳn loài Vật vì ở đây Con Người đã biết vượt lên trên những biểu hiệu cuả Xã hội tính sơ đẳng nơi Sinh vật bằng cách phân ra thành những chủng tộc (Les races), dân tộc (nations), quốc gia (états), tổ quốc (patries) và văn hoá (cultures) vv…

Đây là một Bước tiến rất quan trọng vì nó chuẩn bị để tiến tới một Cộng Đồng Nhân loại đích thực, tức là Bước Trái Đất được Hành Tinh hóa, hay Trí Đẳng thực thụ.

3. Bước Trái Đất được Hành Tinh hóa - Trí Đẳng.

Trí Đẳng là gì ?

Là lớp Ý Thức phản tỉnh cao độ nhất, cấu tạo nên một giai đoạn hoàn toàn mới mẻ, loại biệt, cơ cấu hóa và đang tiến đến sự thống nhất hóa toàn thể Nhân loại. Trí Đẳng rất khác biệt với Sinh Đẳng. Ở Sinh Đẳng, Ý thức chưa tự phản tỉnh được; còn ở Trí Đẳng, Ý thức đã tự phản tỉnh được rồi. Chính sự phản tỉnh của Ý thức đã đưa đến những đặc điểm vô cùng quan trọng là: Tất cả mọi Cá nhân ngày càng cảm thấy cần phải gần gũi nhau hơn về mọi mặt, càng cần phải thông cảm với nhau hơn, càng cần phải liên kết với nhau hơn để kết thành một Cộng đồng Nhân loại duy nhất, hợp nhất, đồng trách nhiệm. Nói cách khác, mỗi Cá nhân khi đạt tới khả năng tự phản tỉnh rồi thì lại có thể sinh ra sự “Xoắn ốc”, sự phản tỉnh cho các Sinh vật cùng Nhánh ảnh hưởng lẫn trên nhau, rồi sự Xoắn ốc này lại sinh ra sự Xoắn ốc cho toàn thể hệ thống trên mặt Trái Đất. Cuối cùng ra, đây là một sự tập trung về tâm lý, một sự Xoắn ốc theo Nhánh Sinh vật, một sự bao trùm có tính cách hành tinh. Ba biến cố đó liên kết chặt chẽ với nhau để tạo ra thời kỳ hoàn toàn mới mẻ này gọi là Trí Đẳng.

Những hình thức tiên khởi của sự sinh thành ra Tư Tưởng:

Con Người đã gia nhập vào thế giới cách rất êm đềm, nghĩa là nó xuất hiện như bất cứ một Loài nào khác.

Thật thế, như ta đã biết, một hình thức Sinh Vật không bao giờ xuất hiện cách lẻ loi. Luôn luôn nó có một hình thức rất họ hàng với những hình thức Sinh Vật gần với nó. Sự xuất hiện của Con Người cũng mặc một hình thức như bất cứ một Sinh vật nào khác, nghĩa là nó cũng có những hình thức họ hàng giống với nó, ở khởi nguyên. Điều này thật rõ ràng khi chúng ta nhìn vào miền rừng núi chạy dài từ Nam Phi châu đến nam Trung Quốc và Mã lai, nơi đó có con Hầu Nhân ở cuối thời Đệ Tam kỷ đông đúc hơn bây giờ rất nhiều; ngoài vô số những con Khỉ Đột (Gorille), con Hắc Tinh Tinh (chympanzé), con Đười Ươi (Orang), chúng ta còn thấy cả những con Linh Trưởng (les Primates). Trong số những loài Khỉ đó. Có vài loài Hầu Nhân có lẽ có những đặc tính gần như loài Người.

Ngoài ra, nếu xét trên phương diện hình thể của Nhánh Sinh vật, ta cũng nhận thấy Con Người đã xuất hiện theo luật Nhánh Cây như tất cả mọi Sinh vật khác. Hơn nữa, nếu xét về phương diện cơ cấu của Nhóm Sinh vật, ta còn thấy Con Người cũng có một khuynh hướng tự phân tán ra rất mau lẹ, hay nói cách khác, Con Người cũng có khả năng Phân Nhánh (ramifier).

Nói tóm lại, Con Người với tư cách như là một Loài Vật , lúc mới sinh thành, đã tuân theo luật Nhánh Cây và luật Phân Tán như mọi Loài khác. Như ta đã biết, cái “phía trong” của Con Người đã làm cho Con Người khác hẳn với mọi loài Sinh vật khác, tuy vậy, ta còn thấy sự khác biệt giữa Loài Người với các loài Sinh Vật khác ở những khả năng phát triển của nó. Đến đây ta thử ngừng lại một chút để hỏi xem sự Tiến Hóa đi đến đâu rồi? Một Vũ Trụ sinh thành như thế đã đạt đến mức độ nào rồi? Thưa, đã đạt đến sự xuất hiện của Con Người. Nhưng tới giai đoạn này Vũ Trụ có còn Tiến Hóa nữa hay không? Chính khi khảo sát sự phát triển của Trí Đẳng ta hi vọng sẽ tìm thấy câu giải đáp cho vấn nạn trên đây.

4. Sự Phát triển của Trí Đẳng:

a/ Giai đoạn Chia Nhánh của các con Hầu Nhân trước Con Người.

Nhìn vào lược đồ tượng trưng cho sự phát triển của lớp Người, ta thấy, từ cuối thời Thượng Tân Kỷ đã thấy có dấu vết của các con Hầu Nhân, như việc sử dụng đá đẽo. Đến đầu thời Hạ Tứ Kỷ chúng ta thấy rõ hơn sự xuất hiện của loài Hầu Nhân ở Java (Mã lai) và loài Hoa Nhân (sinanthrope) ở Chu Khẩu Điểm (Trung Quốc). Hai loại Hầu Nhân này, xét về phương diện cơ thể học, đã có tầm vóc gần giống với Con Người ngày nay phần nào rồi, như bộ óc của chúng không dưới 800 cm3 và có khi đạt tới 1100 cm3 rồi, chúng thường có thể đứng bằng hai chân. Tuy nhiên hình dạng của chúng vẫn là một hình dáng quái đản và đáng gọi là vật-trước-người, nghĩa là vẫn chưa hoàn toàn đạt tới một Ý Thức phản tỉnh. Tuy nhiên, và đây là kết luận có tầm vóc triết học, chúng cho ta thấy đây cũng là một giai đoạn Tiến Hóa mà Con Người hiện đại đã đi qua vào một lúc nào đó trong tiến trình phát sinh của mình.

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12)

(1) Pliopithèque ; (2) Proconsul ; (3) Oréopithèque ; (4) Ramapithèque ; (5) Australopithèque Gracile ; (6) Gros Australopithèque ; (7) Homo Habilis ; (8) Pithécanthrope ; (9) Pré-Sapiens ; (10) Homme de Néanderthal ; (11) Homme de

Cro-Magnon ; (12) Homme Moderne.

b/ Nhánh các Linh Trưởng thuộc loài Néanderthal:

Sau thời Hạ Tứ Kỷ, hai loài Hầu Nhân trên kia đã biến mất, nhưng cách đây quãng hơn 60.000 năm lại có các Linh Trưởng thuộc loài Néanderthal xuất hiện nhiều hơn các loài Hầu Nhân trên kia. Như vậy, có sự tiến bộ về số lượng. Nhưng đặc biệt hơn là song song với sự tiến bộ về số lượng lại có sự tiến bộ về sự “hóa nhân” (Hominisation). Thật vậy, ở thời Trung Tứ Kỷ, ta đã thấy những dấu vết của Con Người như: kỹ nghệ làm hang để cư trú và sự chôn cất người chết. Và Teilhard rất đỗi kinh ngạc và vui mừng hô lớn:

“Con Người đích thực rồi !”

Mời xem Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 219.

Tuy nhiên, vẫn chưa phải là Con Người như chúng ta bây giờ,vì những bộ phận cơ thể của giống Người này còn rất khác với ta, như: không có cằm, xương sọ còn quá dài, trán thấp, không có răng nanh. Các răng cũng phát triển khác ta bây giờ. Loài các con Linh Trưởng thuộc loài Néanderthal này lại chia làm hai loại nhóm khác là: nhóm “Hầu Nhân trước Con- người” ((les Pré-homoniens) (là nhóm ta đã bàn tới) và nhóm “trẻ măng” là những người ở vùng Palestine, là người ở vùng Steinheim. Những nhóm người này gần với chúng ta hơn mọi nhóm khác.

c/ Con Người biết cảm nghĩ (Homo sapiens)

Đến đầu thời Phấn Kỷ, chúng ta thấy sự xuất hiện của Con Người đã đạt tới sự “biết cảm nghĩ” (Homo sapiens). Homo Sapiens là người hiện đại xuất hiện ở đợt cuối cùng của sự “hóa nhân” (Hominisation), có khả năng suy tư trên ý nghĩa tôn giáo của sứ mạng của mình, có khả năng sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật và có khả năng suy tư phản tỉnh. Người này từ Nhánh nào mà xuất hiện? Chắc chắn rằng Người này cũng đã trải qua những giai đoạn tiến triển mà chúng ta đã mô tả, nhưng theo Teilhard thì hẳn nó đã bắt nguồn từ một Nhánh Cây vô danh nào đó để rồi khi đến thời của nó, nó đã xuất hiện một cách vô cùng rực rỡ giữa lòng các Nhánh Tân Linh Trưởng thuộc loài Néanderthal. Con Người mà ta mới thấy xuất hiện đây đích thực đã là Người ngày nay về mọi phương diện như trán cao, lỗ mắt bé lại, xương đính phình ra nhiều, gáy bớt nhọn, tiểu não phình ra, hàm răng thanh tao, cằm nhô ra. Con Người này xuất hiện khắp nơi trên Trái Đất như ngày nay chúng ta thường thấy: các dân tộc da vàng, da đen, da đỏ, da trắng, với tất cả đặc tính về nhân chủng học như đặc tính đoàn kết lại với nhau, mặc dầu rất khác nhau thành một hệ thống mạch lạc. Hơn nữa, ta còn nhận thấy đã phát xuất từ nơi họ một điều rất quí hóa, đó là Nghệ thuật.

Trong những năm 1901 – 1940, các nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều hang đá, nơi đây có những bức tranh, những tượng đá nhỏ của các nghệ sĩ tiên khởi.

Mời xem: André Varagnac: L’Homme avant l’écriture, Armand Colin, Paris 1959.

Trong số đó có 4 hang đá đáng kể nhất: ở Pháp có hang Lascaux (Dordogne), hang Cougnac (Lot) và hang Giáo Hoàng (grotte du Pape); ở Tây ban nha có hang Altamira (Santader).

Tại hang đá Giáo Hoàng ta thấy các nhà điêu khắc tiên khởi đã để lại một tượng nhỏ gọi là “La ‘dame’ de Brassempoy bằng ngà voi. Pho tượng nhỏ này đã được điêu khắc vào quãng năm 36.000 trước Công nguyên.

Tại hang Lascaux (Dordogne) các Homo sapiens tiên khởi còn chạm trổ các “Vénus”, mà đặc biệt nhất là “Vénus de Sireul” vào khoảng năm 30.000 trước Công nguyên bằng thứ đá trong mờ. Cũng tại hang Lascaux đó, ta còn tìm thấy bức họa trên đá: bức “Con bò cái đang nhảy” vào quãng năm 17.000 trước Công nguyên.

Tại hang Cougnac (Lot), một bức họa trên đá cũng được tìm thấy , đó là “bà phù thủy” bị tên bắn vào người và con voi. Bức họa này có lẽ đã xuất hiện vào năm 25.000 – 20.000 trước Công nguyên.

Tại Tây ban nha các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở hang Altamira (Santader) một bức họa trên đá: hình con bò rừng, xuất hiện vào năm 15.000 trước Công nguyên.

Nói tổng quát thì nơi các nghệ sĩ tiên khởi này ta thấy thể hiện rõ rệt những đặc tính như khiếu quan sát, niềm vui sáng tạo, khuynh hướng phóng túng. Đó là tất cả hoa quả của Ý Thức phản tỉnh của Con Người tuy chưa đến tuổi trưởng thành nhưng cũng đạt tới tuổi biết cảm nghĩ.

Đến đây, sự Tiến Hóa có còn tiếp tục đi lên nữa không hay bị tắc nghẽn ? Thưa, sự Tiến Hóa không hề bị bế tắc nhưng vẫn còn tiếp tục tiến lên mãi, nhất là ở đây, sự Tiến Hóa đang thực hiện một biến đổi khác nữa, cao hơn. Đó là sự biến đổi ở thời đại Tân Thạch Khí (la métamorphose Néolithique).

d/ Thời kỳ Con Người sống theo từng xã hội:

Theo quá trình Tiến Hóa nơi các loài động vật, đời sống xã hội của chúng chứng tỏ một tiến bộ đáng kể nhất. Tuy nhiên, đời sống xã hội đó đến với loài vật có hơi trễ so với loài Người, sự biến đổi từ trạng thái sống riêng rẽ đến hình thức sống theo từng bộ lạc, từng xã hội được thấy xuất hiện rất sớm theo một đà tiến rất nhanh, vì loài Người có khả năng suy tư phản tỉnh. Teilhard viết như sau:

“Các tổ tiên của chúng ta xuất hiện theo Nhóm, quây quần bên đống lửa.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 226.

Hiện tượng sống theo Nhóm của Con Người tiên khởi được nhận thấy vào thời Tân Thạch Khí. Đây là một thời kỳ đã bị các sử gia bỏ quên, nhưng đối với Teilhard thì thời kỳ này lại rất quan trọng, vì trong thời kỳ này Con Người đã biết cùng nhau sống chung, cùng đi tìm đến những vùng đất phì nhiêu để cày cấy. Họ đã biết định cư và biết tổ chức đời sống xã hội, như biết chia đất đai và khai khẩn ruộng nương. Đó là một bước tiến rất quan trọng của nền văn minh Nhân loại. Chúng ta hãy bàn sâu hơn về những yếu tố của nó.

Trước tiên, chúng ta thấy có hiện tượng sinh sôi nẩy nở, gia tăng về dân số, vì thế càng ngày các cánh rừng không mông quạnh càng bị thu hẹp vì được khai phá. Con Người thời đó bỏ nghề săn bắn và bắt đầu sống về nghề chăn nuôi và nông nghiệp.

Đời sống mới này làm cho Con Người nay đã rất đông đúc và phức tạp, cần đến những tổ chức qui mô để sống theo trật tự, vì thế chúng ta thấy xuất hiện các tập tục và luật lệ nói đến các bổn phận và quyền lợi. Và đà văn minh càng ngày càng tiến lên mãi. Đồng thời trong những dân tộc sơ khai đó, cái nhu cầu và khiếu tìm tòi đang được phát triển rất mạnh và kết quả là Con Người đã biết phát minh ra những dụng cụ để làm ruộng, chăn nuôi, trồng cây, trồng ngũ cốc. Kỹ nghệ đồ gốm và kỹ nghệ dệt đã thấy phát triển ở thời kỳ này.

Đặc biệt hơn nữa, có lẽ là ở thời kỳ này Con Người đã biết sử dụng một thứ văn tự tượng hình (écriture pictographique) và cũng trong thời kỳ này đã thấy những bước đầu rất thô sơ của ngành kỹ nghệ nặng rôì. Với một bộ óc trẻ măng như thế, Con Người càng bành trướng, lan tràn khắp mặt đất cách rất mau chóng. Thật vậy, ở cuối thời kỳ Tân Thạch Khí này đã thấy có những làn sóng người từ ngả Alaska và có lẽ nhiều ngả khác tràn vào Mỹ châu; nơi đây họ cũng bắt đầu khai phá, canh tác, biết ăn ngô, biết trồng cây bàng, cây xoài, cây dừa. Thật ra các Con Người này vẫn còn sống chưa được liên đới với nhau như ngày nay cho lắm, vì họ còn cách xa nhau về địa dư và vì không có phương tiện truyền thanh truyền hình nên đời sống còn rất rời rạc. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu của một Nhân loại đang thành hình và còn đang tiếp tục phát triển ngang qua Tiền Sử đến Lịch sử mà vẫn không đứt đoạn để rồi vẫn tiếp tục Tiến Hóa đi lên đến ngày nay, và vẫn theo những định luật đã chi phối tất cả công cuộc Tiến Hóa rất dài trên đây của Vũ Trụ.

Trên quan điểm Sinh vật học, ta có thể nói rằng càng ngày Homo sapiens càng phát triển giữa bầu khí rất thuận lợi tạo nên bởi sự biến đổi ở thời Tân Thạch Khí. Sự phát triển của nó tùy thuộc vào phần lớn hoàn cảnh địa lý. Nơi nào đất đai có nhiều màu mỡ sẽ thu hút Con Người sống theo đời sống nông nghiệp và đời sống văn minh cũng sẽ từ đó lan tràn ra. Ta có thể thấy 5 trung tâm văn minh thời sau Tân Thạch Khí là: miền trung Mỹ châu với nền văn minh Maya; từ những miền duyên hải về phía nam phát sinh nền văn minh Polynésie; nơi những vùng châu thổ sông Hoàng Hà có nền văn minh Trung Hoa; những vùng thung lũng sông Ganges và Indus với những nền văn minh Ấn Độ; sông Nil với nền văn minh Ai cập và cuối cùng là Sumer với nền văn minh Mésopotamie. Những trung tâm văn minh này có lẽ đã xuất hiện gần đồng thời với nhau, vào khoảng 1 hay 2000 năm trước Kỷ nguyên chúng ta, tuy không có liên lạc gì với nhau. Như vậy chứng tỏ rằng có một sức sống và suy tư nào đó đã vươn lên và đang hướng dẫn toàn thể Nhân loại trực tiến về Chung Điểm của Lịch sử, ngang qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, qua những giai đoạn phát triển văn hóa khác nhau, để rồi cuối cùng đã tới thời kỳ phát triển của một Trái Đất ngày nay.

Những giai đoạn lịch sử Tiến Hóa của Nhân Loại đã được Teilhard nói đến rất dài trong cuốn L’Avenir de l’Homme từ trang 319 đế 385, gồm 3 giai đoạn sau đây:

- Giai đoạn Hạ Nhân (Infra-humain):

Ở giai đoạn này, Con Người sống theo luật “Rừng xanh”, có nếp sống ăn thịt người, cá lớn nuốt cá bé. Con Người sống theo từng bộ lạc biệt lập, ít liên lạc thân thiết hay cộng tác theo chương trình qui mô trên mọi lãnh vực.

Nhưng Con Người có sống mãi theo từng bộ lạc, theo luật “Rừng xanh” mãi không? Hay nói cách khác, Con Người còn Tiến Hóa nữa không?

- Giai đoạn Nhân (l’Humain):

Theo các nhà Thiên Nhiên học cổ điển thì loài Người đã đạt tới một sự quân bình nào đó trên lãnh vực Sự Sống, nghĩa là Con Người không còn Tiến Hóa nữa.

Nhưng ngày nay ta không thể tiếp tục quan niệm như xưa được nữa. Chúng ta hãy nghĩ ngay tới một sự kiện rất nhỏ bé như Tế Bào của Con Người chúng ta, nó hằng thay đổi, nghĩa là sinh sôi và chết đi. Những sự kiện khác như động đất, núi lửa, những cơn lốc vv…tất cả đều chứng minh rằng Vũ Trụ này vẫn còn trong cõi sinh thành. Con Người cũng vậy. Thế giới của Con Người cũng vẫn tuân theo định luật Tiến Hóa của Vũ Trụ. Con Người không còn sống theo bộ lạc cô lập và đã bãi bỏ luật “rừng xanh”, để Con Người đã bước sang một giai đoạn mới là sống theo từng quốc gia với những luật lệ riêng của mình. Đó là một bước Tiến Hóa quan trọng.

Ngày nay, Nhân Loại đã bắt bước sang một giai đoạn Tiến Hóa mới quan trọng hơn, đó là sống chung hòa bình. Teilhard gọi đó là sự Toàn Thể Hóa Nhân loại (la totalisation humaine).

Mời xem: Teilhard de Chardin, L’Avenir de l’Homme, trang 328.

Sự Toàn Thể hóa Con Người này sẽ đẩy Nhân Loại tiến đến một nấc cao hơn, đó là giai đoạn “Siêu Nhân” (Ultra-humain).

Mời xem: L’Avenir de l’Homme, trang 352.

- Giai đoạn Siêu Nhân (Ultra-humain):

Đây là một giai đoạn mà toàn thể Nhân loại nhất nhất muôn người như một đều đồng tâm nhất trí với nhau. Nghĩa là mọi dân nước, mọi Con Người đều hiệp nhất về tâm cũng như về trí. Như vậy Con Người sẽ không bị diệt vong nhưng trái lại sẽ mãi mãi được tồn tại. Ở giai đoạn này chỉ có một luật chi phối toàn thể xã hội Nhân loại là luật Tình Thương và Hiệp Nhất. Càng hiệp nhất với nhau, Con Người càng thương nhau. Càng thương nhau thì Con Người càng hiệp nhất. Nói cách khác, sự Tiến Hóa càng tăng lên thì Con Người càng hội tụ với nhau xét về mặt cơ cấu và tâm linh để tạo thành sự duy nhất tự nhiên, cơ cấu và tâm linh không thể phân chia.

Như thế, Trái Đất ngày nay đang bước vào một Kỷ nguyên hoàn toàn mới.

Quả thật, từ cuối thế kỷ XVIII vừa qua, Con Người đã đi vào một thế giới mới mẻ của nền văn minh Tây phương với những biến đổi về kinh tế và xã hội. Trước hết, thế giới ngày nay đã có một bộ mặt kinh tế khác hẳn bộ mặt kinh tế cách đây 20.000 năm trước Công nguyên. Thời đó Con Người còn sống nhờ vào việc canh tác đất đai, nông nghiệp. Đất đai trồng trọt vẫn là căn bản của đời sống cá nhân, gia đình, quốc gia. Nhưng dần dần, mãnh lực của Tiền đã đến thay thế cho Đất Đai: Con Người đã đi vào một kỷ nguyên kinh tế mới mẻ.

Như thế, Con Người đã bước vào một kỷ nguyên của Kỹ Nghệ: máy móc thay thế cho nhân công và súc vật. Và như vậy, sự kỹ nghệ hóa đó đã đưa đến sự biến đổi về xã hội, điện tử và nguyên tử. Thời kỳ của máy móc, cơ khí và đồng thời cũng là thời kỳ của những vấn đề nhân sinh mới với đầy đủ những lo âu và hy vọng.

Nếu ta nhìn lại suốt quá trình Tiến Hóa của Vũ Trụ, của Thế giới, chúng ta thấy sự Tiến Hóa không hề ngừng lại, không hề bị cô đọng lại nhưng hằng sáng tạo, hằng sinh thành và hướng thẳng đến Đích Điểm là Oméga. Tuy ngày nay Nhân loại đang trải qua những cơn khủng hoảng trầm trọng (Chúng ta hãy liên tưởng đến những cảnh hãi hùng của hai trận thế chiến vừa qua…), nhưng nó đã khởi sự tìm một lối thoát, và theo Teilhard, nó đã tìm ra được lối thoát đó vì hiện nay toàn thể nhân loại và cả hoàn vũ đang hướng đến một Tổng Hợp bao la rộng rãi. Đó là lối thoát Cộng đồng (L’ issue collective). Từ đây, Con Người sẽ tiến đến một trạng thái Siêu Nhân Cách (Hyper-Personnel) là giai đoạn kết tinh và tích lũy toàn vẹn nhất của Tình Yêu cao quí tột bậc. Đó là Chung Điểm Oméga, hiểu là Đức Ki-Tô, nghĩa là cuối hết của toàn diện công cuộc Vũ Trụ Sinh Thành vậy.

B- Những suy tư Triết Học và cảm nghiệm Thần học của Teilhard de Chardin về Vũ Trụ sinh thành ở Trí Đẳng:

Nhìn qua những dữ kiện mà Khoa học thực nghiệm và Nhân chủng học cung cấp trên đây, chúng ta tự hỏi: ý nghĩa của hiện tượng Con Người trong liên lạc với toàn thể Vũ Trụ sinh thành ở Trí Đẳng là gì?

Trả lời cho câu hỏi đó là nêu ra cái ý nghĩa của sự hội tụ của Trí Đẳng trong Vũ Trụ sinh thành vậy. Để hội ra ý nghĩa có tầm vóc Triết – Thần học ấy, chúng ta hãy đề cập tới những điểm sau đây:

a/ Vật lý học về năng lượng và sự hội tụ của Con Người:

Sự hội tụ đòi hỏi một năng lượng, và dưới những hậu quả của sự hội tụ, ta phải giả thiết có một lực cũng tiên khởi, cũng tổng quát nhưng lại biểu lộ ra cái bản chất vật lý của Vũ Trụ hơn những lực hạch tâm hay trọng lực. Khi chúng ta nhận ra cái đặc tính của Vật Chất được sắp xếp trong hiện tượng Ý Thức thì ta đã công nhận có một năng lượng Tinh Thần rồi. Suy tư và hội tụ là những biểu lộ của năng lượng Tinh Thần. Vì Con Người xưa kia đã suy tư theo cá nhân nên ngày nay nó không thể không hội tụ trên chính nó về cả phương diện kỹ thuật lẫn xã hội. Và chính nó hội tụ trên nó, cách không thể cưỡng được và theo lối tập thể, nên nó bị bó buộc phải phản tỉnh ngày càng sâu xa trên chính nó và trên tha nhân của nó. Nói cách khác, một Nhân Loại hội tụ là một Nhân Loại siêu suy tư. Và ngược lại, một Nhân Loại siêu suy tư là một Nhân Loại hội tụ. Đặt lại cái năng lượng ấy trong Vũ Trụ tức là giải quyết vấn đề năng lượng mà sự hòa hợp của các luật của Nhiệt Động học với sự xuất hiện và phát triển của Suy Tư đã đặt ra. Như thế, chúng ta gặp lại vấn đề của hai năng lượng xuyên tâm và giáp tuyến mà ta đã đặt ra; nhưng ở đây vấn đề được nêu ra cách rộng rãi hơn vì sự gia tăng của sự bấp bênh (Improbable) từ giai đoạn Vật Chất đến giai đoạn Con Người. Có một sự mâu thuẫn giữa Nội chuyển lực (entropie) và sự Trực Tiến phát sinh của luật Phức tạp –Ý thức. Nội chuyển lực đã thắng thế trong Vật lý học mặc dù sự Vi Vật hóa và Phức Tạp hóa đang hoạt động; sự Trực tiến Phát sinh lại thắng thế trong lãnh vực Sinh vật học và trong hiện tượng Con Người. Các nhà bác học không mang lại câu trả lời nào ngoại trừ họ đã giảm thiểu tầm quan trọng của cái bấp bênh; còn các Triết gia Duy Vật xem ra lại không thấy sự khó khăn; các Triết gia Duy Linh như Bergson và Le Roy lại lẩn tránh điều đó bằng cách biến Sự Sống thành một linh tính đối nghịch với Vật Chất. Tuy nhiên, thực ra, như chúng ta đã nói, sự Sinh Lực hóa các phân tử chỉ nối dài sự phân tử hóa các nguyên tử, sự nguyên tử hóa các năng lượng , nghĩa là toàn thể cả Vũ Trụ. Như thế, một khi Sự Sống đã xuất hiện đâu đó, nó sẽ tự phát triển cách mạnh mẽ; và Ý Thức, suy tư, hội tụ đều phát xuất từ đó và trở thành một “điểm quyết định “ của Vũ Trụ. Tinh Thần là giai đoạn cuối cùng của công cuộc Tiến Hóa mà Vật Chất là yếu tố phát sinh. Tinh Thần ở trình độ cao nhất của nó , cao nhất của Vũ Trụ, của sự hội tụ, chính là Ý Thức. Sự hội tụ của Trí Đẳng, ở trung tâm siêu-nhân-loại của nó, là trung tâm thu hút toàn thể Vũ Trụ và là động lực của chính nó. Sự thu hút và cứu cánh tính thay thế cho xung động và các yếu tố tất định thay thế cho xung động và các yếu tố tất định. Như thế, Tinh Thần không hủy diệt chúng, nhưng mặc cho chúng một ý nghĩa. Do đó Con Người đã mặc cho Vật lý học được tổng quát hóa một ý nghĩa vậy.

b/ Sinh vật học và sự hội tụ của Con Người:

Trong Vật lý học đã được tổng quát như thế, Sinh vật là một giai đoạn đi trước giai đoạn Con Người, và Con Người xã hội là một biểu lộ đầy đủ nhất của Con Người, lại có một bản chất cắm sâu trong Sinh vật. Vậy Xã hội tính và Sinh vật tính nơi Con Người nối kết lại với nhau nhờ bởi điều gì? Thưa, nhờ bởi tất cả. Vì không có gì nơi Con Người lại không bắt nguồn sâu xa từ Sinh vật. Nhưng đồng thời không có một cái gì nơi Con Người mà lại không có một tính cách đặc thù riêng biệt và có thể giản lược thành Sinh vật. Nói cách khác, yếu tố Sinh vật được biến đổi thành yếu tố Con Người khi bước qua ngưỡng cửa của Suy Tư. Vì thế, Teilhard nói yếu tố Sinh vật đã chịu lấy một sự “biến đổi sáng tạo”.

Chúng ta đã nhận định rằng trong sự Hóa Nhân có sự đột biến giống như trong tất cả các loài vật khác, nghĩa là Con Người cũng là một loài mặc dù Con Người đạt tới Trí Đẳng. (Mời xem: Teilhard de Chardin, L’Hominisation, trang 11).

Tuy nhiên, trong sự Tiến Hóa liên tục ấy vẫn có sự bất liên tục căn bản. Vì với Con Người, tất cả những biểu lộ hạ đẳng của Sự Sống đều đã được canh tân và thấm nhuần một sinh khí mới mẻ hoàn toàn. Vì thế, ta có thể làm nổi bật tính cách tương tự giữa dụng cụ và cơ quan của Con Người; nhưng dụng cụ thì không xác định cái Nhánh như cơ quan, vì dụng cụ là đặc tính riêng biệt của mọi Con Người, chứ không phải của một phạm trù trong Con Người. Nó là cái động lực đẩy mạnh Con Người. Mặt khác, nếu dùng cơ quan để tìm hiểu những hiện tượng về Con Người là điều có ích lợi, thì cũng nên lấy Con Người để tìm hiểu các loài Có Vú, và lấy Trí Đẳng để tìm hiểu Sinh Đẳng. Cách thức đó cũng rất phù hợp với kiểu suy luận của luận lý học: một đường cong được cắt nghĩa bởi điểm chung kết của nó; một hiện tượng được cắt nghĩa bởi sự phát triển tột bực của nó. Như thế, tương lai thì ưu thế hơn quá khứ, và trong trường hợp Con Người thì sự hội tụ có ưu thế hơn sự phân tán. Chính từ những nguyên tắc ấy mà Teilhard đã rút ra một cái nhìn có tính cách Sinh vật học về các nền văn minh. Nhưng cũng cần lưu ý rằng: không bao giờ rơi vào một quan niệm Duy Sinh Vật học, vì Teilhard không giản lược văn minh và các xã hội thành một cơ thể, trái lại Teilhard dùng những xã hội và các nền văn minh để tìm hiểu cơ thể.

Từ năm 1923, Teilhard đã phác họa các nền văn minh theo kiểu Toynbee.

Mời xem: Teilhared de Chardin, l’Hominisation, trang 14.

Sự Tiến Hóa của các nền văn minh ấy trong thời gian cũng giống như sự Tiến Hóa của các giòng giống động vật. Trong không gian, các dân tộc vẫn luôn luôn giữ lấy cái giòng giống tính của mình. Chính trong ý nghĩa đó mà Teilhard đã nói tới “bản chất Sinh Vật học” của một nền văn minh (Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Groupe Zoologique humain, trang 114.), và sự sát nhập sâu xa giữa lịch sử thiên nhiên và lịch sử Nhân Loại. Chính sự sát nhập ấy đã cơ cấu hóa sự tiến triển của Con Người. Các đơn vị Nhân Loại đều có tính cách tự nhiên, nhưng những đặc tính của nó lại mặc lấy bộ mặt rất mới mẻ và đặc thù kết tinh bởi sự Suy Tư phản tỉnh. Tóm lại, sự hội tụ toàn diện không là gì khác hơn là một hành động của các lực bất biến của sự Trực tiến phát sinh. Và Trí Đẳng hội tụ không phải là một sự kỳ dị trong Thiên Nhiên nhưng chỉ là một sản phẩm tự nhiên và cuối cùng của sự Tiến Hóa của Vật Chất được đẩy mạnh đến tột độ mà thôi. Đó là cái nhìn tổng hợp của Teilhard về Trí Đẳng. Nhưng nếu ta đi sâu hơn nữa vào cái nhìn tổng hợp đó ta sẽ hội ra được những suy tư triết học và thần học rất sâu xa về sự Hiệp nhất Sáng tạo (Union Créatrice).

c/ Suy tư triết – thần học về sự Hiệp Nhất Sáng Tạo:

Đối với Teilhard, sự Hiệp – Nhất Sáng Tạo là hoa quả của cuộc suy tư suốt cả đời ông. Sự Hiệp – Nhất Sáng Tạo này được thể hiện trên nhiều bình diện, nhưng ở đây chúng ta chỉ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nó trên bình diện triết học và thần học.

Sự Hiệp-Nhất Sáng Tạo được coi như trọng tâm của cái nhìn tổng hợp triết-thần học của Teilhard.

Con Người chỉ tư tưởng bằng cái nhìn tổng hợp. Thật ra, cái nhìn tổng hợp không phải là đường lối duy nhất dẫn đến Chân lý vì Tổng hợp không phải là gì khác hơn một giả thiết được nới rộng ra đến cái toàn diện. Chân lý mà tri thức Con Người có thể đạt tới có dấu hiệu là sự mạch lạc và sự phong phú của sự giải thích. Đó là lý do dẫn tới sự lựa chọn một Ý tưởng chính. Ý Tưởng của các Ý Tưởng, một thứ Ý Tưởng có khả năng thu thập mức độ phức tạp rộng lớn nhất. Ý Tưởng đó là lý thuyết của sự Hiệp Nhất Sáng tạo. Lý thuyết này được gợi lên do bởi những sự kiện và những khám phá của các Khoa học, nhưng nó cũng sử dụng sự tuyển chọn và nguyên lý căn bản trong mọi sự xây dựng của nó.

Chúng ta đồng ý rằng sự Tiến Hóa là một hiển nhiên, Tiến Hóa có một ý nghĩa, vì thế sự phức tạp của các hiện tượng Tiến Hóa có thể tự giản lược thànnh một sự đi về Tinh Thần bằng đường lối hiệp nhất dần dần của Đa thể. Giải thích dung mạo của cái thực là giải thích sự sinh thành của Tư Tưởng. Sự sinh thành của Tư Tưởng được giải thích bằng sự giản lược của Đa thể thành Nhất thể. Chính cái Phức Tạp và các cơ thể đã được sáng tạo như thế. Sáng tạo là Hiệp-Nhất. Muốn cho sự Hiệp-Nhất trở thành Sáng Tạo thì phải có sự tăng trưởng của hữu thể, nhưng sự tăng trưởng này không phải là sự phối hợp các lực lại với nhau, trái lại, nó là một cái gì hoàn toàn mới mẻ. Như thế, ta thấy rằng ý niệm về sự biến đổi Sáng Tạo đã dẫn tới ý niệm về Hiệp Nhất và Sáng tạo. Vậy ta có thể nói: Sáng tạo bởi Hiệp Nhất hay Hiệp Nhất để Sáng tạo. Trong Đa thể có một lực Hiệp Nhất. Lực này chống lại Đa thể, và từ bản chất của nó, nó rất khác với Đa thể, nó là nội giới. Tinh Thần không bao giờ thể hiện cách tuần túy, đơn độc. Vật Chất cũng thế. Nhưng Vật Chất thì được hiểu là sự duy nhất hóa đã tiến triển ít nhiều. Nếu Đa thể tiến đến sự phân tán thì sự Hiệp Nhất lại có tính cách siêu việt. Do đó ta thấy có một thực tại Vật Chất – Tinh Thần diễn tả một Nhị nguyên thuyết về bản thể, và một Nhất nguyên thuyết về hiện tượng, nghĩa là một tiến trình duy nhất ngang qua cái thực, một tiến trình hội tụ và đi lên diễn tả cái điểm chung cục của sự thu hút hơn là nguồn gốc của xung động. Duy một tiến trình căn bản đã làm sống động cả Vật Chất, cả Sự Sống lẫn Tư Tưởng. Tiến trình đó được thể hiện như một sự Hội Tụ. Từ lý thuyết về Tiến Hóa được coi là một hành động của Nhất thể giữa lòng Đa thể và được coi là một sự biến hình của Vật Chất thành Tinh Thần như thế, tất cả cái nhìn của Teilhard về Vũ Trụ xem ra đã được giải thích rõ rệt hơn. Theo cái nhìn Hiện Tượng luận kiểu Teilhard, thế giới có một chiều hướng về Tinh Thần. Tiến trình của sự sinh thành ấy là sự biến đổi sáng tạo; nghĩa là sự trổi bật của những biến cố bất liên tục và ngẫu nhiên phát xuất từ sự liên tục. Sự biến đổi sáng tạo không là gì khác hơn là chính trung tâm sinh thành, nghĩa là sự Hiệp-Nhất Sáng Tạo.

Luật Phức tạp - Ý thức diễn tả cái chức vụ của thời gian, nghĩa là cái tương quan mật thiết giữa động lực qui tâm và sự khác biệt, sự phong phú của sự Phức Tạp. Luật này chỉ có thể hiểu được nếu coi đó là một vếc-tơ của thời gian, hay đúng hơn là một luật Không gian – Thời gian. Nó là hậu quả của sự Hiệp-Nhất Sáng tạo: vì sự trổi bật của năng lượng Tinh Thần mà Teilhard gọi là Ý Thức đã được thực hiện ngang qua những Phức tạp ngày càng Qui tâm hơn. Teilhard gọi nó là Ý Thức (Tâm Thần) để phân biệt với Ý Thức phản tỉnh. Năng lượng giáp tuyến chỉ là toàn thể các tương quan phối hợp các yếu tố của một phức tạp lại với nhau và giữa các phức tạp với nhau. Nội Chuyên lực có hiệu lực trên bình diện chiều ngang và giáp tuyến, còn Hiệp-Nhất Sáng tạo lại ảnh hưởng trên đường cao. Và rồi dần dần giáp tuyến và Nội Chuyên lực tự bớt dần ảnh hưởng để chỉ còn thấy ảnh hưởng của lực Xuyên Tâm, sự đi lên và sự tự do được phát triển đến tột bực. Đối với các nhà Vật lý học, năng lượng Xuyên Tâm còn bị coi là ảo tưởng vì không thể đo lường được. Ai có thể đo lường được sự Trực tiến Phát sinh của động vật và của Cổ sinh vật học? Ai có thể đo lường được những Sáng kiến của Con Người? Như thế ta phải công nhận rằng Năng lượng Hiệp Nhất hay Tinh Thần thì không thể đo lường chính xác và đầy đủ được, nhưng nó lại rất cần thiết cho sự toàn vẹn hay duy nhất của hiện tượng. Tóm lại, sự Hiệp Nhất Sáng tạo bày tỏ một năng lượng phát sinh bao la hơn Nội chuyên lực (Entropie). Nó biểu lộ một trọng tâm, một năng lượng Xuyên Tâm, cái “bên trong của Sự Vật”, và một dịch vụ của Phức tạp Ý Thức dẫn tới một tầm vóc của cực thứ Ba vậy.

Ở trình độ của Sự Sống, sự Hiệp Nhất Sáng tạo thể hiện ra dưới hình thức là Trực tiến Phát sinh, cái hướng duy nhất và hội tụ làm chủ sự phân tán của các loài, như năng lượng Xuyên Tâm làm chủ Nội chuyên lực vật lý, để rồi sau cùng đạt tới Con Người biết cảm nghĩ. Càng đi lên, sự hội tụ càng được thể hiện đầy đủ. Hội tụ là kết hợp vậy.

Ở trình độ Con Người, sự Hiệp Nhất lại càng được thể hiện cách rõ rệt hơn. Nơi mỗi cá nhân, sự Hiệp Nhất thực hiện một trọng tâm hoàn hảo để rồi càng ngày càng làm chủ Đa thể cách trọn vẹn. Vì thế, đạo đức học chân thật không phải là một mớ những qui ước và sản phẩm của những xã hội đóng kín, nhưng là sự sát nhập vào năng lượng Hiệp Nhất có mục đích là tạo thành những nhân cách: nghĩa là tự do hơn, trách nhiệm hơn, hiểu biết và thương yêu hơn. Mà trách nhịêm là lãnh nhận những hậu quả khác nhau của các hành vi có ý thức. Tự do là trọng tâm phát xuất những hành động, không bị cưỡng ép. Hiệp Nhất là sự duy nhất hóa mối khác biệt để làm thành một tổng hợp tri thức. Tình yêu là động lực sát nhập lại với nhau, nghĩa là Hiệp Nhất. Sau cùng, sự xã hội hóa là sự đưa các cá nhân đến một tổng hợp cao hơn. Nhưng, chính sự Hiệp Nhất Sáng Tạo cũng đẩy mạnh các xã hội tiến lên một trình độ hiệp nhất cao hơn nữa, đó là Chung Điểm Oméga. Nhờ Oméga, các xã hội sẽ dần dần biến thành một Cộng Đồng Hiệp Nhất bằng Tình Thương và Ý Thức vậy.

Ngoài ra, nếu Hữu Thể là tác động Hiệp Nhất, ta có thể đưa ra một nhận định khác nữa: sự Hiệp Nhất Sáng Tạo cũng được coi là Hữu thể học. Tuy Teilhard de Chardin không nhấn mạnh đến điểm này, nhưng cũng không phải là không đề cập tới. Teilhard viết:

“plus esse = plus plura unire (thể chủ động).
plus esse = plus a pluribus uniri (thể thụ động)

Mời xem: Teilhard de Chardin, Comment je vois, trang 17.

Có lẽ vì thế mà Teilhard luôn luôn tỏ ra rất lạc quan, vì theo Teilhard cũng như theo các Triết gia về Hữu thể học thì sự sát nhập với Hữu thể sẽ tạo ra niềm vui sáng tạo.

còn hơn Không (qu’il vaut mieux être que de ne pas être,)
Có nhiều
hơn Có ít (…être plus qu’être moins.)

Mời xem Teilhard de Chardin, Mon Univers, (1924), trang 2, 3, 4.

Đến đây chúng ta nên nói qua về Suy tư thần học của Teilhard liên quan đến vấn đề Hiệp Nhất Sáng Tạo vì hiện nay đang được Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI rất quan tâm. Vì thế, chúng ta có thể nói đến những suy tư, những chứng tá Thần học của Teilhard. Vậy chứng tá Thần học của Teilhard liên quan đến bài này là Teilhard làm chứng rằng Thiên Chúa đã Tạo Dựng nên Vũ trụ. Nói cách khác, Thế giới là công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nhưng ta phải hiểu thế nào về cách thức sáng tạo của Thiên Chúa ? Theo Teilhard, công trình ấy được thực hiện dần dần trong thời gian. Dĩ nhiên Thiên Chúa Đầu Hết, là Alpha, đã trực tiếp tạo dựng Vũ Trụ bằng định luật Tiến Hóa. Như thế, sự sáng tạo này có thể gọi là Sáng Tạo Tiến Hóa được diễn ra bằng sự biến đổi sáng tạo. Và vì thế chúng ta thấy sự liên lạc giữa sự Hiệp - Nhất Sáng Tạo, và chỉ Sáng Tạo nếu có Hiệp Nhất. Do đó, sự Sáng Tạo có thể coi là sự giản lược của Đa thể vào Nhất thể. Sự phong phú của Sáng Tạo không phải ở chỗ gia tăng về lượng nhưng hệ tại ở sự Hiệp Nhất.

Mời xem: Teilhard de Chardin, Union Créatrice, trang 6 và 9.

Càng Hiệp Nhất bao nhiêu, công trình Sáng Tạo càng thể hiện rõ rệt bấy nhiêu. Ta hãy đọc lại Hymne de l’Univers của Teilhard, nhất là những trang 22 và 23, chúng ta sẽ nhận thấy Thiên Chúa sáng tạo ra Vũ Trụ cách rất êm đềm và công cuộc đó còn kéo dài mãi mãi để rồi cuối cùng tiến tới chóp đỉnh Plérômè. Ở đây, ta thấy Teilhard rất gần gũi với Thánh Phao Lô, tác giả của thư gởi cho tín hữu thành Rô- Ma, đoạn thứ 8, câu 19 –22. Thật vậy, Vũ Trụ này còn đang ngong ngóng, đang “ở cữ” để chờ ngày Tái Lâm (Eschatalogie) của Chúa Kitô.

Nói đến tư tưởng Thần học chính yếu của Teilhard như thế là làm nổi bật cái căn bản của chính sự Hiệp Nhất Sáng Tạo.

Tóm lại, sự Hiệp Nhất Sáng Tạo có thể được coi là trọng tâm của những suy tư Triết học và những cảm nghiệm Thần Học, là Lối Sống Chứng nhân cho Đức Kitô của Linh Mục Teilhard de Chardin vậy.

V. Chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ Sinh Thành theo Teilhard de Chardin.

Với tất cả những dữ kiện mà Khoa Cổ sinh vật học đã cung cấp cho chúng ta và cái nhìn giải thích mới mẻ và nhận định sâu sắc có tầm vóc Triết học, Thần học của Teilhard trên đây, chúng ta hãy nêu câu hỏi cuối cùng như sau:

Vậy thì chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ theo Teilhard là gì?

Câu hỏi này thực sự đã được tranh luận sôi nổi gay go, và riêng đối với chúng ta nó còn có một tầm quan trọng đáng kể , vì trả lời được câu hỏi đó là trả lời được câu hỏi: Con Người là gì? Con Người có giá trị gì? Con Người đang đi về đâu?

Như ta đã biết, cho đến thế kỷ XVI, mọi người đều chấp nhận quan niệm Con Người là trung tâm của công cuộc tạo dựng, Con Người là trung tâm hình học và có địa vị cao trong một Vũ Trụ được tạo thành bởi những hình cầu qui về trung tâm của Trái Đất. Chúng ta cũng biết rằng sau những khám phá của Galilée và Darwin, thì quan niệm Con Người là trung tâm (Anthropocentrisme) của cha ông chúng ta có vẻ ngây thơ ấy đã chóng lỗi thời, và đến thế kỷ XIX, thì không còn được chấp nhận nữa. Vì trong thời kỳ này Con Người lại cảm thấy mình quá nhỏ bé so với các tinh tú. Con Người chỉ là một “chiếc lá úa” trong muôn vàn lá của Cây Sự Sống bao la, khổng lồ. Cách đây mới chừng một thế kỷ, Khoa học vẫn coi Con Người bị sống trong một tình trạng rất khiêm nhượng vì Con Người không có gì đặc sắc trong Vũ Trụ. Nhưng với quan niệm của Teilhard chúng ta nhận thấy Con Người không còn là trung tâm của một thế giới tĩnh, trái lại, Con Người đã được quan niệm như một yếu tố siêu ý nghĩa, chính yếu của một Thế Giới, một Vũ Trụ sinh thành. Nhờ cái nhìn mới mẻ của nhà Cổ sinh vật học Teilhard de Chardin như thế, chúng ta thấy chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ không phải là chỗ đứng giữa hai cực; cực đại và cực tiểu, nhưng chỗ đứng đích thực của Con Người là chỗ chóp đỉnh của cực Phức Tạp.

Như thế, Vũ Trụ còn có một cực thứ Ba là cực Phức Tạp. Với cực Phức Tạp này, dung mạo của Vũ Trụ đã thay đổi: nó tự sinh thành. Con Người trong chóp đỉnh Phức Tạp của Vũ Trụ sinh thành như thế có đặc điểm gì? Thưa, Ý Thức và Tự Do là đặc tính thiết yếu của Con Người coi như chóp đỉnh của cực Phức Tạp. Thật vậy, theo Teilhard:

“Vật Chất hoàn toàn cứng đọng, Vật Chất hoàn toàn thô thiển không bao giờ hiện hữu. Nhưng mọi yếu tố của Vũ Trụ đều chất chứa, ít nhất ở một mức độ vi tích phân của nó, một mầm mống nội tại và bột phát, nghĩa là Ý Thức”.

Mời xem Teilard de Chardin, La Vision du Passé, trang 316.

Mức độ Phức tạp của Vật chất càng tăng thì mức độ Ý Thức cũng tăng theo và vì thế làm cho mức độ Tự Do cũng được thăng hóa. Như thế, Vật Chất và Ý Thức không còn bị coi là cô lập nhau và sự xuất hiện của Ý Thức cũng không còn bị coi là một tùy thể may rủi, kỳ dị trong Vũ Trụ; trái lại, Ý Thức trở thành chính hiện tượng sống động và quan trọng. Nói cách khác, sự đi lên của Ý Thức ngang qua thời gian tạo nên cái trục của Vũ Trụ sinh thành. Từ nhận định đó, ta thấy chỗ đứng của Con Người càng lớn lên, càng quan trọng và càng mặc lấy một khuôn mặt mới mẻ hơn bao giờ hết. Thật ra, ngày nay không còn ai chối cãi được rằng trong não bộ của Con Người có hàng triệu triệu Tế Bào đạt tới mức kỷ lục về Phức Tạp và Tích Lũy. Theo niên biểu và cơ cấu, thì Con Người xuất hiện sau cùng so các vật khác, nhưng lại đạt tới một mức độ Phức Tạp cao nhất và đồng thời tích lũy hơn hết mọi phân tử. Chính trong Con Người mà sự Tiến Hóa của Vũ Trụ đã đạt tới chóp đỉnh của Ý Thức tức Ý Thức phản tỉnh. Thuyết “Người là trung tâm” cũ xưa đã có khuyết điểm lớn vì coi Con Người là trung tâm hình học và trung tâm quyền lợi của Vũ Trụ Tĩnh. Nhưng với Teilhard, chỗ đứng của Con Người được nhận định đúng hơn khi kéo Con Người đang bị chìm nghỉm ra khỏi thế giới cực lớn và làm cho Con Người xuất hiện ở chóp đỉnh của làn sóng phân tử trong Vũ Trụ. Từ những vật đơn sơ nhất đến vật phức tạp nhất, trong hiện tại và quá khứ của Vũ Trụ, sự Phức Tạp hằng đi lên và bao trùm toàn diện khuôn mặt mới mẻ của thế giới đầy vẻ phong nhiêu và hợp nhất đang hướng về Tương Lai là Chung Điểm Oméga.

Nói cách khác, chỗ đứng của Con Người là chỗ đứng ở chóp đỉnh của sự Phức Tạp, và phải hiểu theo hai khía cạnh sau đây: khía cạnh Con Người xét trên bình diện thể lý của cá nhân, và với khía cạnh Con Người là Nhân Loại đang sinh thành, một Cộng Đồng Nhân Loại đang hướng về sự Hợp Nhất. Con Người thể lý ở đây nghĩa là Con Người trong thân xác chất chứa hàng tỷ tỷ Tế Bào, nhất là với một não bộ đầy dẫy hàng ngàn triệu nhân thần kinh được tổ chức và tích lũy. Chỗ đứng của Con Người là chóp đỉnh, là mũi tên của sự Phức Tạp cao độ nhất so với mọi Sinh vật khác. Sự Phức tạp này không bao giờ ngừng tiến lên, và càng tiến lên thì lại càng làm cho Ý Thức tăng trưởng theo.

Còn Con Người trong khía cạnh Nhân Loại thì sao? Con Người xét như một Cộng đồng Nhân Loại vẫn đang sinh thành, nghĩa là đang hướng về một Cộng đồng Tình Mến và Hiệp Nhất. Thật vậy, tất cả mọi hình thức hay biến đổi mà Nhân Loại sẽ thể hiện, hay nói theo ngôn ngữ của Teilhard là cái Siêu Tế Bào to lớn, cái não bộ của các não bộ, cái Trí Đẳng, sẽ được kết tinh bởi mọi trí tuệ trên mặt đất, sẽ được thể hiện ra trong tương lai. Chúng ta có thể tiên đoán được rằng: trong một Nhân Loại hoàn toàn mới mẻ ấy, trong loại tổng hợp sinh hóa mới mẻ như thế, không thể quan niệm được rằng tất cả mọi tự do cá nhân đã đạt tới sự sinh thành tối đa rồi. Nghĩa là chúng ta không thể quan niệm rằng chúng không còn tiếp tục sinh thành nữa. Vậy thì chúng ta có quyền tự hỏi: những Kích Thước và sự hiện hữu của Tương Lai mà Nhân Loại đang hướng về có thể được tiên đoán như thế nào? Thưa, với sự hiểu biết của chúng ta trong hiện tại, và với sự tiên đoán về tương lai trong từng triệu năm sắp tới của Nhân Loại, chúng ta có thể đi đến một nhận định như sau: Nhân Loại càng thực hiện được nhiều cuộc chinh phục trên bất cứ lãnh vực nào thì càng đi đến chỗ hợp nhất với nhau hơn. Hay nói cách khác, tất cả những gì đi lên đều hội tụ lại (Đăng Giả Hội).

Tại sao lại như thế?

Sau đây là những lý do khiến ta có thể quả quyết như trên: một khi ta tiến lên theo đà tiến của sự Phức Tạp, ta sẽ bước vào những lãnh vực cao nhất của Ý Thức. Ở đây chúng ta không chỉ gặp những đặc tính mới mẻ được phục hồi mà thôi, nhưng ở đây, sự Phức Tạp đã trở thành một dung mạo đặc biệt của năng lượng đang xuất hiện, hay nói đúng hơn, đây là một dung mạo mới của Nhân Loại đang thể hiện, một dung mạo qui tụ tất cả mọi sự phong nhiêu và hiệp nhất của mọi năng lượng khác.

Cái năng lượng liên kết toàn thể Nhân Loại đã làm cho Con Người vượt lên trên chính mình, vượt xa chính mình. Năng lượng này không những thúc đẩy Con Người hòa hợp với những gì trổi xa hơn chính mình mà còn làm cho Con Người muốn và thích hòa hợp với một năng lượng khác cao hơn, đang thúc đẩy nó, lôi kéo nó càng ngày càng hướng về sự Phức Tạp tột đỉnh hơn. Nếu Nhân Loại chán ngán, không còn thích hướng lên một sự Phức Tạp ngày càng gia tăng, Nhân Loại sẽ bị tiêu diệt rất nhanh chóng và không thể thực hiện được vai trò của mình..

Nhưng có điều kiện nào để đảm bảo rằng Hoàn Vũ chắc chắn sẽ làm cho Con Người không bao giờ đình chỉ cuộc tiến hóa về sự Phức Tạp tuyệt đỉnh?

Điều kiện đó là sự bất phản hồi của công cuộc Phức Tạp hóa Vũ Trụ. Vũ Trụ không thể bị một luật nào có thể bắt buộc nó ngừng nghỉ công cuộc Tiến Hóa của nó hay bị thoái hóa bằng cách nào đó, nhưng trái lại, bản chất của Vũ Trụ là tiến lên mãi mãi về Đích điểm Oméga.

Nếu giả như chúng ta biết được rằng Thế Giới khi đạt tới tuyệt đỉnh của sự Phức Tạp rồi sẽ bị bắt buộc quay về tình trạng nguyên thủy của nó là cơ cấu thô sơ, đơn giản, không tích lũy, chúng ta sẽ còn tâm trí nào để sống, chúng ta sẽ còn niềm vui nào để hy vọng?

Không bao giờ Con Người sẽ bước vào con đường của anh chàng Sisyphe!

Như thế, chỗ đứng của Con Người không phải chỉ vỏn vẹn nằm ở chỗ mà sự Phức Tạp đã đạt được khi Ý Thức tự phản tỉnh, ngay cả ở mức độ cao hơn nữa ở tình trạng “hành tinh hóa” của Ý Thức mà thôi; và chỗ đứng của Con Người không thể hiểu là sự “ngừng lại” hay “thoái hóa”; nhưng nhờ những điều kiện mới mẻ và những đòi hòi của Ý Thức phản tỉnh, chúng ta có thể nói rằng: Chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ là chóp đỉnh của sự hội tụ của tất cả mọi vật trong Vũ Trụ. Con Người có chỗ đứng ở chóp đỉnh của sự Phức Tạp và sự Phức Tạp này luôn luôn hướng về tương lai. Càng tiến về tương lai sự Phức Tạp ấy lại càng hội tụ lại cho đến khi hợp nhất với nhau trong Tình Mến. Teilhard hé mở cho ta một chân trời mới về chỗ đứng của Con Người trong Vũ trụ. Chỗ đứng này thật ra mang một ý nghĩa vừa có tính chất Triết học vừa mặc một ý nghiã Thần học. Đọc những hàng sau đây của Teilhard, chúng ta không thể không nhìn thấy cái chỗ đứng của Con Người trong Vũ Trụ là chỗ đứng hòa hợp được cả ý nghĩa về Vũ Trụ, Con Người và Thiên Chúa:

“Nhờ sự chú trọng đến những sự Phức Tạp hóa lớn lao và một khi vách tường từ ngàn xưa vẫn ngăn cách, đối với Khoa học giữa Ý Thức và Vô hồn nay đã bị đập đổ, thì thuyết Năng Lượng về Tinh Thần sẽ chồng lên thuyết Năng lượng về Vật Chất. Sự quân bình của Thế giới sẽ không còn được diễn tả hoàn toàn theo công thức của Einstein nữa (vì những công thức này chỉ có giá trị với một Vũ Trụ xét theo hai cực mà thôi). Nhưng, trong một Thế giới có ba cực, muốn cứu vớt tất cả hiện tượng, thì phải nhờ đến những hạn từ, những giá trị của Hành Động.Thế giới chỉ có thể tiếp tục tiến lên đến sự Phức Tạp và Ý Thức hơn nữa, từ lúc nó trở thành Con Người, bằng cách đạt tới một Chỗ Đứng luôn luôn rõ rệt hơn đối với những năng lực Tinh Thần là Chờ Đợi và Hy Vọng, nghĩa là Tôn giáo.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Vision du Passé, trang 324.

Nói tóm lại, Teilhard ước đoán rằng trong tương lai Nhân Loại sẽ mặc lấy một dung mạo mới mẻ, một dung mạo được tổ chức, qui tâm, hiệp nhất ở mức cao nhất; tuy rằng trong hiện tại chúng ta thấy điều đó khó thực hiện được vì bao nguyên do như chiến tranh, hận thù… Theo Teilhard, khổ ác và tội lỗi của giai đoạn hiện tại chỉ tạo nên những va chạm nho nhỏ và vì thế không thể ngăn cản nổi cái đà Hiệp Nhất của Nhân Loại được. Do đó, ông có cái nhìn theo kiểu tiên tri rất lạc quan, được xây dựng trên một Thị Kiến huyền nhiệm như Thánh Phao Lô, chứ không phải trên sự quan sát thực nghiệm về những chuyển vận căn bản nhất của Vũ Trụ. Teilhard kết thúc cái nhìn về Vũ Trụ và Con Người sống trong Vũ Trụ như sau:

“… (Vũ Trụ sẽ thực hiện) một bước tiến mới, một bước quyết định, theo nghĩa là một tình trạng Siêu Ý Thức và Siêu Hiệp Nhất trên mặt Trái Đất.”

“… Những đặc tính của cơn khủng hoảng ngày nay không có tính chất là tan rã, nhưng là sinh thành”.

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Vision du Passé, trang 326.

Vì thế:

“Những điều chúng ta đang chịu chỉ là giá mua, là sự loan báo, là giai đoạn đầu của sự nhất trí của chúng ta vậy.”

Mời xem: Teilhard de Chardin, La Vision du Passé, trang 326.

Tóm lại, suy tư Triết học của Teilhard có thể diễn tả gọn ghẽ như sau: Con Người là chìa khóa của Vũ Trụ Sinh Thành; còn cảm nghiệm Thần học của Teilhard được tóm gọn như sau: Cả Vũ Trụ, trong đó có Con Người, đang còn tiếp tục Sinh Thành và đang tiến về Ngày Cánh Chung, Ngày Quang Lâm của Đức Ki-Tô.


Chỗ đứng của con người trong vũ trụ theo linh mục Teilhard De Chardin (4)

§ Trịnh Nhất Định

KẾT LUẬN:

Phải nhận định và phê bình thế nào về Chỗ Đứng của Con Người trong Vũ Trụ theo Teilhard de Chardin ?

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta thử bàn đến những điểm sau đây:

- Có thể nói đến những suy tư mang đặc tính triết học và những cảm nhận mang đặc tính thần học của Teilhard được không?

- Đâu là những Ưu-Khuyết điểm trong những suy tư, cảm nhận đó của Teilhard ?

Có người sau khi đọc Teilhard de Chardin đã đưa ra nhận định: Ông là một Khoa học gia trăm phần trăm, và ông chỉ là một Khoa học gia mà thôi. Nói cách khác, theo họ, ta không thể nói gì đến tư tưởng Triết học hay Thần học của Teilhard.

Nhưng nếu hiểu Triết học là một cái nhìn về Con Người, về Vũ Trụ , về Thượng Đế, thì hẳn nhận định của những người trên đây không hoàn toàn đúng, vì Teilhard cũng đã nhìn, nhìn cả “phía ngoài” lẫn “phía trong” của Sự Vật. Cái nhìn của Teilhard có tầm quan trọng bậc nhất. Ngay trang đầu tiên của cuốn Hiện tượng Con Người (Le Phénomène humain), ông đã nói đến sự quan trọng của cái Nhìn: có biết nhìn mới thấy. Vậy, cái Nhìn là căn bản của Trí Thức. Mà căn bản của Trí Thức là sự liên lạc với cái trực tiếp, với Hữu Thể, với Tuyệt Đối chứ không phải là với các ý niệm ; nói cách khác, là sự thông hiệp với thực tại mà trong đó chúng ta sống, nhưng không mấy ai lại nhìn thấy, ngoại trừ một số người. Teilhard gọi sự hiển nhiên của thực tại đó là một Ý Nghĩa. Nó tạo ra một kinh nghiệm tiên khởi mà tri thức thuần lý có thể hoạt động trên đó. Tuy nhiên thay vì là một kinh nghiệm về một sự kiện giới hạn thì chính là kinh nghiệm về một Toàn Thể. Chúng ta đã thấy, ở phần hai, sự Tiến Hóa của cái trực giác ấy thể hiện ở từng giai đoạn. Lúc đầu, nó bị coi là đã bão hòa, đã ngưng biến đổi, nhưng sau đó nó xuất hiện như một sự Tiến Hóa. Từ Ý nghĩa về Tuyệt đối, ta đã đi qua Ý nghĩa về Tiến Hóa. Như vậy, cái trực giác ấy đã mang lấy tất cả tầm quan trọng của vấn đề Triết – Thần học của Teilhard. Đã là Ý nghĩa về cái Toàn Thể thì trực giác ấy đi trước mọi sự phân biệt giữa Tri Thức và Hữu Thể. Như vậy, nó có vai trò của một ý niệm hướng dẫn. Nó là một hướng, một hướng hoạt động, có khả năng làm tỏ hiện mọi “phía” của Toàn Thể. Nó là một động lực nội tại vậy. Do bởi động lực ấy mà nó thông hiệp với Tinh Thần và nó rút ra những liên lạc với Tuyệt Đối, với Thiên Chúa. Nó là Cảm xúc Sáng tạo từ căn bản của nó vậy.

Nếu thế, trên phương diện Thần học, ý nghĩa về Tuyệt Đối sẽ làm nẩy ra ý nghĩa về “Con-Người”. Hữu Thể sẽ trở thành “Người nào đó”, và sự Tiến Hóa sẽ mặc khải ra dung mạo của Đức Kitô là Đầu Mối và Đích Điểm của sự Tiến Hóa.

Trên phương diện Hiện tượng luận, ý nghĩa của Tiến Hóa sẽ đạt tới sự Phức Tạp – Ý Thức , sự sinh thành từ trung tâm, sự liên kết Tinh Thần – Vật Chất, và sẽ dẫn tới Chỗ Đứng của Con Người trong Vũ Trụ.

Trên phương diện Triết học, như chúng ta đã thấy, chính sự Hiệp Nhất – Sáng tạo đã tạo ra cơ cấu của Tiến Hóa.

Khám phá ra những chân lý mới mẻ như thế, cái trực giác ấy đã hóa giải được những xung đột phát sinh từ những quan niệm cổ xưa: xung đột giữa Tinh Thần và Vật Chất, Vũ Trụ và Con Người, Thế giới và Thượng Đế.

Ngoài ra, trong những suy tư Triết học kiểu Teilhard như thế, thì tiến trình từ Hữu Thể đến Tri Thức quả thật là hợp lý. Tác động thứ nhất của tiến trình ấy là Trực giác tiên khởi. Trực giác tiên khởi là sự hiện diện của Hữu Thể: Hiệp Nhất với Hữu Thể. Tác động thứ hai là suy luận nhằm làm sáng tỏ tất cả những gì còn chưa minh bạch ở khởi đầu. Kế đến là tác động trực giác cuối cùng tức Hiệp Nhất, hay cái nhìn tổng hợp. Thật ra mỗi tác động, theo Teilhard, đều là một trực giác. Mỗi trực giác là sinh thành, sung mãn và tổng hợp. Tóm lại, cái nhìn của Teilhard là một tổng hợp của Hữu Thể và Tri Thức.

Mời xem Teilhard de Chardin, Comment je vois, trang 1 và Le Phénomène humain, trang 28, 29.

Một trong số các lý do mà những người phủ nhận mọi ý nghĩa Triết học của Teilhard là sự vắng bóng của mọi suy luận phản tỉnh, và sự lẫn lộn giữa Chủ Tri và Đối Tượng. Thật ra, họ chỉ chấp nhận một đường lối suy tư của Descrtes và Kant. Nhưng nếu thế, ta vẫn không thể hiểu được Teilhard, vì nếu theo một lối suy tư biện chứng đích thực nào đó , ta vẫn có thể suy tư đúng. Mà căn bản của tri thức của Teilhard được diễn tả nhiều lần như sau: Người là trung tâm của cái nhìn. Vì thật ra, không phải chỉ có Con Người mới biết nhìn các vật xung quanh, mọi con vật đều biết điều đó. Nhưng chỉ có Con Người mới biết xây dựng một lối nhìn có mạch lạc và sáng tạo. Nói cách khác, theo Teilhard, cái nhìn là một Ý Thức phản tỉnh. Cái nhìn đó là tác động chính yếu của trí tuệ, và chính trong một Vũ Trụ nhân bản mà Con Người là trung tâm sáng tạo.

Tất cả cái nhìn ấy được Teilhard diễn tả bằng một phương pháp đặc biệt là Hiện Tựơng luận riêng tư của ông. Hiện Tượng luận kiểu Teilhard trước hết là sự tìm kiếm một ý nghĩa về Tiến Hóa của Vũ Trụ và về Con Người cũng Tiến Hóa.

Như thế, hẳn ta có thể nói đến những suy tư Triết học của Teilhard không ?

Câu trả lời thật đơn giản. Trước hết chúng ta hãy hỏi Teilhard xem ông có ý định trình bày một lý thuyết có tầm vóc Triết học nào không ?

Tuy trong tác phẩm quan trọng nhất của Teilhard là cuốn “Hiện Tượng Con Người”, Teilhard đã lưu ý độc giả không nên coi tác phẩm của ông là một tác phẩm có tính cách Siêu hình học hay tệ hơn nữa, có tính cách Thần học ; và Teilhard nói: “Tác phẩm này chỉ được coi vỏn vẹn như là một tiểu luận có tính cách hoàn toàn Khoa học”.

Mời xem: Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, trang 21.

Nhưng càng tìm sâu vào các tác phẩm đầu tiên của ông, chúng ta càng thấy những chủ đề và phương pháp đã thể hiện một mức độ Triết học nào đó, nghĩa là chúng bày tỏ ra một tiến trình của Tinh Thần tiến đến một cái nhìn nào đó về Vũ Trụ và về Con Người, những ý niệm về Nhất thể, Đa thể, Hư vô, Hữu thể, tương quan giữa Chủ thể và Đối Tượng. Thật vậy, cuốn La lutte contre la Multitude có thể được coi là một giải thích về thế giới. Cuốn L’Union créatrice bênh vực sự chính đáng của các tổng hợp. La Vie cosmique diễn tả sự cần thiết duy nhất hóa một viễn tượng. Cuốn Mon Univers đầu tiên đã mặc một màu áo Triết học, và chúng ta thấy Teilhard đã nói đến “Triết học của tôi…”.

Mời xem Teilhard de Chardin, Mon Univers, (1924), trang 1.

Teilhard chủ trương một thứ Triết học về sự “Hiệp nhất Sáng tạo”, nghĩa là một trình bày tổng hợp về Triết học có sức chống đỡ cho cả một hệ thống tư tưởng đạo đức học và thần học. Cuốn La Centrologie (1944) xác định việc sử dụng từ Triết học. Và năm 1945, trong bài “La morale peut-elle se passer” ở trang 1, Teilhard định nghĩa từ “Siêu hình học” là một giải pháp hay một cái nhìn về Vũ Trụ (Une Vision du Monde) coi như một Tổng hợp (as a Whole). Năm 1948, Teilhard coi siêu hình học là một yếu tố của cái nhìn Toàn Thể.

Như thế, có lẽ những tác phẩm đầu tiên của Teilhard đã diễn tả khá rõ trình độ của Trực giác Tổng hợp ở bước khởi đầu của nó và có thể nói vượt trên những sự phân biệt giữa Thần học, Triết học và Khoa học. Những tác phẩm ấy chất chứa rất nhiều ý nghĩa Triết học trong nội dung cũng như ở hình thức. Từ năm 1918 trở đi, vì bị đả kích quá nhiều về cách trình bày nên Teilhard đã chuyển qua một lối mô tả nhưng không bao giờ đánh mất tính chất mạch lạc, có hệ thống và không bỏ qua những phạm trù Triết học. Đặc biệt hơn cả là trong tác phẩm L’Union Créatrice, ta thấy Teilhard mở ra một tầm vóc Triết học rộng rãi bao trùm cả hiện tượng Con Người trong liên lạc với Vũ Trụ và Thiên Chúa.

Một tác giả như Teilhard đã bàn đến những chủ đề tổng quát, những khái niệm về Hữu thể, Hư vô, Đa thể vv…như thế, thì chắc chắn phải là một Triết gia theo nghĩa rộng, nghĩa là người đã thực hiện được sự liên lạc chặt chẽ giữa cái Lý (le rationel) và cái Tinh Thần (le spirituel). Nếu hiện tượng học không thể bị lẫn lộn với Triết học được, thì Triết học lại có thể phát sinh từ một suy tư nào đó trên hiện tượng, hòa lẫn với một khát vọng hướng lên Hữu thể. Đến năm 1948, Hiện Tượng luận và Siêu hình học qui hướng về một điểm là Huyền Nhiệm học (la Mystique) mà Teilhard diễn tả trong cuốn Comment je vois.

Tóm lại, ta có thể nói đến Triết học của Teilhard ở chỗ Teilhard đã đưa ra một Cái Nhìn mới về Vũ Trụ Sinh Thành, Vũ Trụ Tiến Hóa, không phải như “một triết thuyết” cổ điển kiểu Platon, Aristote .

Đối với những độc giả chỉ mong tìm được một Teilhard triết gia một trăm phần trăm và theo lối nhìn cổ điển thì đó quả là một sai lầm, vì không thể phủ nhận được ưu điểm quí hóa sau đây của Ông: Teilhard đã dung hòa được thuyết Biến hóa (Transformisme) của Lamarck, Darwin và Thuyết Định Chủng (Fixisme) của Cuvier, để rồi tiến xa hơn họ. Teilhard đã trở thành một Triết gia tuyệt vời và một nhà Huyền Nhiệm có cái nhìn Tiên Tri kiểu Thánh Phao Lô khi đưa ra thuyết Vũ Trụ sinh thành, Vũ Trụ Tiến Hóa và đang tiến về Điểm Chung Cuộc là Oméga tức là Đức Kitô.

a/ Thuyết Định Chủng của Cuvier:

Thuyết Định Chủng của Cuvier có thể được tóm gọn trong hai chủ trương sau đây:

* Các loài (espèces) thì không thay đổi. Sự tổ chức của một loài phù hợp với một lược đồ thuần lý đúng như khi biết một thành phần, một cơ quan nào đó, ta có thể diễn dịch cách tiên thiên ra toàn thể cơ cấu, cái cơ cấu của các hậu sinh thì giống như cơ cấu của cha ông chúng. Nói cách khác, ngang qua các thế hệ các loài đều không hề thay đổi ở những điểm chính yếu.

* Một vài loài đã biến mất, một vài loài khác lại thấy xuất hiện như bây giờ không còn thấy những con khủng long lớn, dài tới 25 thước, cũng không còn thấy những con xà - cảnh long, nhưng ngày nay vẫn còn thấy loài voi và phụng hoàng.

Như thế, ta phải chấp nhận nguyên tắc về sự sáng tạo liên tục. Mọi sự đều xảy ra như thể Thượng Đế đã tạo ra một số loài động vật và thực vật nào đó và mỗi loài đã được tạo ra theo một lược đồ rõ ràng. Và nếu một loài nào đó biến mất thì Thượng Đế lại tạo ra một loài khác.

Vậy, khẳng định về sự bất biến của các loài được xây dựng trên một ý niệm về tính cách thuần lý của sự tổ chức: cũng như sự sửa đổi rất nhỏ bé của một thành phần nào đó của một tác phẩm nghệ thuật sẽ làm mất giá trị của tác phẩm đó và do đó sẽ hủy diệt nó, thì sự sửa đổi , thay đổi của một thành phần nào đó của một cơ thể sẽ làm cho sự sống mất hẳn ý nghĩa của nó.

b/ Thuyết Biến Hóa của Lamarck:

Nếu thuyết Định Chủng của Cuvier dành ưu thế cho Loài trên Cá thể, thì thuyết Biến Hóa Lamarck lại chủ trương khác hẳn. Quả thật, trong cuốn Philosophie zoologique (1809), Lamarck phủ nhận giá trị tuyệt đối của các Loài. Theo Ông, chỉ có một thực tại duy nhất, đó là Cá thể (Individu). Mà Cá thể lại chịu ảnh hưởng của môi trường sống, nghĩa là Cá thể phải thích nghi để Sống theo từng môi trường.. Có khi có phát sinh thêm một bộ phận nào đó, có khi một cơ quan nào đó của nó lại biến mất. Và sự thay đổi ấy di truyền từ đời này sang đời kia. Vậy ta có thể nói “phận vụ tạo nên cơ quan”. Như thế, cơ cấu của cơ thể có một đặc tính là thích nghi, đó là hậu quả của một lối sống nhất định trong một môi trường.

c/ Thuyết Biến Hóa của Darwin:

Được trình bày trong De l’origine des espèces par sélection naturelle ou des lois de transformation des êtres organisés (1859). Theo Darwin các loài gần gũi với nhau có thể đã phát xuất từ cùng một ông tổ, tuy có chịu ảnh hưởng bởi sự thích nghi trong môi trường. Tại sao phải thích nghi ? Darwin trả lời rằng, theo luật kinh tế của Malthus thì dân số tăng theo cấp số nhân còn số lương thực thì chỉ tăng theo cấp số cộng. Vì thế không thể nào không sinh ra cảnh tranh đấu mà sống.

Như ta đã thấy Teilhard cũng như Haldane chủ trương, trong thuyết Tiến Hóa của ông, vừa có sự biến đổi trong liên tục vừa có sự bất biến đổi. Biến đổi từ bản chất, từ Lớp này sang Lớp khác. Nhưng Teilhard đã vượt xa Lamark và Darwin ở điểm: sự biến đổi ấy tiến dần đến một trạng thái Tâm Thần ngày càng phức tạp qui tâm hơn. Đó là một ưu điểm hiếm có và có tính chất hoàn toàn mới mẻ.

Một ưu điểm khác của Teilhard có lẽ là ý hướng Duy Linh trong quan niệm của ông. Sống trong thế kỷ XX, Teilhard là người kế nghiệp của thế kỷ XIX: một thế kỷ của Khoa học và Kỹ thuật vật chất, của tuyệt vọng của Nietzsche, thế mà Teilhard đã biết gán cho Khoa học, Kỹ thuật một Nhân loại mới, tiến bộ, một ý nghĩa Duy Linh. Đối với Teilhard, Khoa học, Triết học và Thần học đều hội tụ lại, vì thế cái nhìn của Teilhard về Con Người trong Vũ Trụ có thể nói là có tính cách huyền nhiệm phần nào (mystique).

Sau một thời gian dài lắng dịu, các nhà trí thức càng ngày càng chú trọng đến những điểm mà mình khâm phục ở Teilhard hơn là chỉ nại ra những bất đồng với Teilhard. Ví dụ: họ khâm phục Teilhard ở chỗ ông trình bày cảm hứng của mình về Vũ Trụ, Con Người trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo tôi, cái ưu điểm của Teilhard là ở chỗ Teilhard không phải chỉ là một khoa học gia thần túy, nhưng Teilhard còn uyên thâm về Thần học huyền nhiệm như kiểu Thánh Phao Lô và có nhiều tư tưởng Triết học mới mẻ về Con Người và Vũ Trụ. Teilhard vừa là một triết gia vừa là một thần học gia vậy.

Có lẽ một số nhà trí thức chỉ quen với cái nhìn của một triết gia thuần lý cổ điển, sẽ rất khó chấp nhận Teilhard. Nhưng nếu làm quen với cái nhìn Khoa học Thực nghiệm và tổng hợp về sự Nhất Trí của Vũ Trụ thì có lẽ sẽ dễ dàng chấp nhận Teilhard hơn và coi Vũ Trụ quan của Teilhard tuy không hoàn toàn có tính cách Triết học, Thần học cổ điển một trăm phần trăm thì ít nhất Vũ Trụ quan đó cũng giữ vai trò “gợi hứng”, “chất men” (mời xem: Claude Cuénot, trong cuốn Teilhard de Chardin, coll. “Ecrivains de toujours” số 58, Paris, 1963, trang 162) cho cái nhìn của chúng ta về Vũ Trụ và Con Người trong Vũ Trụ. Hay nói theo André Blanchet thì Teilhard đã đập nát những suy tư thủ cựu của ta và đã mở rộng nhãn giới của ta về Vũ Trụ và Con Người (mời xem: André Blanchet, bài Teilhard plus intime, trong Etudes tháng 5, 1972, trang 584). Và theo Barthélémy Madaule, Teilhard vừa có cái nhìn xa, vừa có cái nhìn rộng lại vừa có cái nhìn sâu sắc. Nó vừa thâm trầm vừa táo bạo. (Madeleine Barthélémy – Madaule, bài La perspective Teilhardienne… …trong nguyệt san Europe số 431 – 432, mars-avril 1965, trang 72.

Nói tóm lại, Suy tư Triết học của Teilhard là: Vũ Trụ Sinh Thành, Tiến Hóa . Cảm nghiệm Thần học của Teilhard là: Vũ Trụ đang Tiến Hóa về Điểm Cánh Chung, là Oméga, là Đức Kitô. Tuy nhiên, theo một số người thì Cái Nhìn của Teilhard còn chưa được hoàn hảo như họ mong đợi, ví dụ như chưa thấy Teilhard nói rõ về sự cần thiết của Công cuộc Cứu Chuộc của Đức Kitô đối với Vũ Trụ và Con Người trong Vũ Trụ, chưa thấy nói tới trách nhiệm của Con Người phải gìn giữ Vũ Trụ, gìn giữ Hòa Bình. Họ đã lầm vì chưa thoát ra khỏi được cái nhìn Triết học quá cổ điển của Aristote, của Saint Thomas d’Aquin. Thật ra Teilhard đã có công rất lớn trong việc nhắc nhở chúng ta, nhất là trong cuốn Science et Christ, là: Ngay từ thưở đời đời Thiên Chúa đã Tạo dựng nên Con Người và Vũ Trụ. Vũ trụ vẫn sinh thành và luôn Tiến Hóa về Điểm Cánh Chung thánh thiêng, mà ở cuối đời Ông gọi là Oméga, tức là Đức Kitô. Vì thế, một cách mặc nhiên, Teilhard đã cảnh tỉnh và kêu gọi chúng ta phải có trách nhiệm cộng tác vào Lực Đẩy, lực Hút của Đức Kitô để Vũ Trụ và Loài Người tiến về Nước Trời cách tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Như thế Teilhard đã nêu ra được những suy tư triết học rất hiện sinh về sự Xuất hiện, sự Tiến hóa, chỗ Đứng của Con Người trong Vũ Trụ và những cảm nghiệm rất sâu xa có tính cách thần học huyền bí theo kiểu Thánh Phao-Lô về sự Tiến hóa của Vũ trụ, của Loài Người luôn được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, dẫn dắt, cứu chuộc để Loài Người trở nên Con Cái Chúa và đem Vũ Trụ - Loài Người tiến về Nước Trời…

(Hết)

Trịnh Nhất Định



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng