TỪ NHẬP THỂ ĐẾN THÁNH THỂ, TỪ THÁNH THỂ ĐẾN HIỆN THẾ CÁNH CHUNG

TỪ NHẬP THỂ ĐẾN THÁNH THỂ,
TỪ THÁNH THỂ ĐẾN HIỆN THẾ CÁNH CHUNG


Kính dâng Chúa Giêsu Thánh Thể,
Mến tặng Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam nhân dịp
Lễ Trọng Kính Thánh Thể 22/6 và Đại Hội Thánh Thể 18-25/6 Năm Thánh 2000:
“Năm 2000 thực sự sẽ là một Năm Thánh Thể:
Trong Bí Tích Thánh Thể, Đấng Cứu Thế, Đấng đã mặc lấy xác thịt trong lòng Mẹ Maria 20 thế kỷ trước, tiếp tục hiến mình cho nhân loại như nguồn mạch của sự sống thần linh”

(ĐTC Gioan Phaolô II: Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, 55.2)

Bài này viết trong Năm 2000 và cho Năm 2000 nhưng nội dung vẫn rất thích hợp cho Năm Thánh Thể (2004-2005)




TỪ NHẬP THỂ ĐẾN THÁNH THỂ


Năm nay là năm Kitô Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo Rôma nói riêng Long Trọng Mừng Kỷ Niệm (the Great Jubilee) 2000 năm Thiên Chúa đã hóa thân làm người và ở giữa loài người thấp hèn tạo vật chúng ta, một sự thật không thể chối cãi đã xẩy ra trong thời gian được lịch sử loài người ghi nhận và ngay trên mặt đất thuộc về cái vũ trụ bao la hầu như vô cùng bất tận này.

Trước hết, Thiên Chúa đã hóa thân làm người và ở giữa loài người tạo vật chúng ta là một sự thật không thể chối cãi đã xẩy ra trong thời gian được lịch sử loài người ghi nhận. Thật vậy, theo những bản văn được Kitô Giáo công nhận là Phúc Âm của mình, điển hình nhất là của thánh sử Luca, đã cho thấy có một nhân vật tên là Giêsu ở Na-Gia-Rét xứ Galilêa, được sinh vào thời hoàng đế Cê-Sa Âu-Quốc-Tô làm sổ kiểm tra lần đầu tiên trong toàn đế quốc Rôma (x Lk 2:1), và đã hoạt động thuần tôn giáo song vẫn bị lên án tử bởi Hội Đồng Do Thái dưới quyền lãnh đạo của thượng tế Anna và Caipha bấy giờ, rồi cuối cùng đã bị kết án tử giá bởi Philatô, vị toàn quyền của đế quốc Rôma cai trị xứ Giuđa thời hoàng đế Cê-Sa Ti-Bê-Ri-Ô thống trị đế quốc Rôma cũng là thời Hêrôđê đang làm thủ hiến xứ Galilêa (x Lk 3:1, 2).

Kitô hữu chúng ta ngày nay, tuy không được diễm phúc và vinh hạnh như các vị tông đồ là những chứng nhân tiên khởi của Chúa Kitô, đã tận mắt thấy, tận tai nghe và tận tay chạm (x 1Jn 1:1) được vị “Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), vị “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24), “đã trở nên hữu hình cho chúng ta” (x 1Jn 1:2) nơi nhân vật lịch sử Giêsu Na-Gia-Rét, song những chi tiết về thời gian liên quan đến lịch sử trên đây đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thực sự có một nhân vật, theo đức tin Kitô Giáo của mình, là một Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23; x Is 7:14). Nguyên việc dân Do Thái cho đến ngày nay vẫn còn chối bỏ không chịu chấp nhận nhân vật Giêsu Na-Gia-Rét này là Đức Kitô, là Đấng Thiên Sai, cũng là một chứng cớ hùng hồn và hiển nhiên cho thấy thực sự đã có một đối tượng bị họ phủ nhận, một đối tượng mà chính các vị tông đồ, dù được sống gần và chứng kiến, cũng phải lấy đức tin mà chấp nhận, như lời vị trưởng tông đồ đoàn là Phêrô tuyên xưng: “Thày là Đức Kitô (Đấng Thiên Sai), Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16), lời tuyên xưng đã làm nên Kitô Giáo và là nền tảng Kitô Giáo, một tôn giáo tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, đồng bản thể với Cha Người trên trời, và đồng thời cũng là người thật, như mọi người chúng ta dưới mặt đất này.

Sau nữa, Thiên Chúa đã hóa thân làm người và ở giữa loài người tạo vật thấp hèn chúng ta là một sự thật không thể chối cãi đã xẩy ra ngay trên mặt đất thuộc về cái vũ trụ bao la hầu như vô cùng bất tận này. Thật vậy, vụ trụ không gian đây bao la hầu như vô tận, đến nỗi trí khôn loài người dù có văn minh tân tiến theo khoa học và kỹ thuật đến đâu đi nữa, như hiện nay hay cả sau này, chắc chắn sẽ vĩnh viễn không thể nào khám phá ra hết, một cách chính xác, đầy đủ, hoàn toàn và trọn vẹn, tầm vóc cũng như chiều kích khôn dò như một mầu nhiệm hiển nhiên của nó. Hiện nay khoa học mới chỉ ước lượng một cách chung chung là có cả hằng triệu, hằng tỉ hành tinh hệ (galaxies) trong vũ trụ này, trong đó có một hành tinh hệ gần thái dương hệ nhất được gọi là Giải Ngân Hà (Milky Way), và có ba hành tinh hệ gần Giải Ngân Hà nhất mà con người không cần viễn vọng kính cũng có thể nhìn thấy từ trái đất, đó là, nếu nhìn từ Bắc Cực, hành tinh hệ Andromeda Nebula, cách trái đất 2 triệu năm ánh sáng, và nếu nhìn từ Nam Cực, hai hành tinh hệ nhỏ hơn, Magellanic Clouds, cách trái đất từ 160 đến 180 ngàn năm ánh sáng. Riêng nội bộ cấu trúc của mỗi hành tinh hệ, nếu nhỏ cũng rộng tới mấy ngàn năm ánh sáng, trong khi một tinh hệ lớn có thể rộng tới cả nửa triệu năm ánh sáng.

Nếu theo khoa học, mỗi giây vận tốc ánh sáng đi được 186.282 dặm (một trăm tám mươi sáu ngàn hai trăm tám mươi hai dặm, hay 299.792 cây số), tức mỗi giây (hay mỗi tiếng tíc tắc của đồng hồ) ánh sáng đi được 7 vòng rưỡi trái đất (với chu vi từ đông sang tây rộng 24.901 dặm, hay 40.075 cây số, tương đương với một chiếc xe chạy 366 ngày không ngừng với tốc độ 68 dặm một giờ), thử hỏi một ngày có 24 tiếng (tức có 86.400 giây) ánh sáng sẽ đi được bao xa, một tháng có 30 ngày ánh sáng còn đi xa tới đâu, và một năm có 365 ngày ánh sáng đi xa tới cỡ nào. Cứ nghĩ đến 2000 năm lịch sử Kitô Giáo thôi con người đã thấy lâu lắm rồi, xưa lắm rồi, cổ lắm rồi, đằng này ánh sáng phải đi hết 2 triệu năm ánh sáng mới từ trái đất tới được hành tinh hệ Andromeda Nebula, thì thử hỏi vũ trụ không gian với cả tỉ hành tinh hệ khác nhau như thế không bao la bát ngát hầu như vô cùng bất tận hay sao?

Thế mà, chẳng là gì trong cái bao la hầu như vô cùng bất tận của thiên nhiên vũ trụ này, có chăng nó chỉ là một hạt bụi trong cõi không gian vô tận, trái đất lại là nơi xẩy ra một biến cố vô cùng hệ trọng, một biến cố làm cho thời gian đi vào vĩnh cửu, một biến cố gắn liền trời với đất, siêu nhiên với tự nhiên, vô hình với hữu hình, thần linh với tạo vật, đó là Biến Cố Nhập Thể, đó là biến cố Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình, đó là biến cố Thiên Chúa là Thần Linh đã hóa thành nhục thể!

Tại sao Thiên Chúa không chọn một nơi nào khác trong vũ trụ này để tỏ mình ra, như mặt trời là nơi xứng đáng nhất, vì dù có là một trong số triệu triệu tinh cầu thuộc vũ trụ này, mặt trời dầu sao cũng chẳng những rộng hơn trái đất 109 lần, lại còn là chính nguồn ánh sáng và nhiệt năng (10 ngàn độ F hay 5 ngàn rưỡi độ C ở ngoài mặt, và 27 ngàn độ F hay 15 ngàn độ C ở bên trong) chi phối tất cả mọi sự trên trái đất nói chung và sinh vật nói riêng, (như trường hợp người ta bị sốt trên 42 độ C hay 106 độ F là chết)? Phải chăng biến cố vô cùng quan trọng và cao trọng vô tiền khoáng hậu này chỉ có thể xẩy ra duy nhất trên trái đất nhỏ bé này, là vì nó có loài người chúng ta, hay nói cách khác, là vì nó đã trở thành nơi Thiên Chúa vô cùng yêu thương và khôn ngoan thượng trí chọn để dựng nên loài người giống hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài, loài Thiên Chúa đã ban cho quyền làm chủ thế giới hữu hình nói chung và sinh vật nói riêng, vì Ngài đã dựng nên mọi sự cho họ (x Gen 1:26, 28; Hiến Chế Gaudium et Spes, 39.1).

Bởi Thiên Chúa đã thực sự nhập thể làm người trên trái đất này, chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng: trái đất chính là con tim của vũ trụ, dù nó quay chung quanh mặt trời (như con người phải giữ ngày hưu lễ), đến nỗi, nếu không có trái đất cũng không có vũ trụ, kể cả mặt trời, vì mặt trời là để cho trái đất chứ không phải trái đất cho mặt trời, giống như ngày hưu lễ được lập nên vì loài người chứ không phải loài người vì ngày hưu lễ (x Mk 2:27). Vũ trụ không gian dù có bao la hầu như vô tận đi nữa cũng chỉ là một thực tại hữu hình và hữu hạn, rồi cũng có ngày cùng tận, chứ không thể nào vô cùng bất tận như chính Thiên Chúa là Toàn Hữu, Hằng Hữu. Chính vì thế vũ trụ không gian hầu như vô cùng bất tận này mới cần phải có một hồn sống, đó là con người, một thực thể nhỏ bé so với cả không gian vũ trụ chỉ giống như một vi khuẩn cần phải có kính hiển vi mới nhìn thấy. Bởi vì, chính ở nơi con người và nhờ có con người nhỏ bé như hư không này, vũ trụ hữu hình và hữu hạn ấy mới có thể giao tiếp với thế giới vô hình và vô hạn, mới có thể ý thức được Đấng Hóa Công của mình để mà sinh động theo cùng đích siêu việt của mình, nhất là vũ trụ bao la hầu như vô tận theo không gian mênh mông dài rộng này mới có thể vươn lên cao vời tới tầm mức thần linh tối thượng được, tầm mức Thiên Chúa Toàn Năng muốn tỏ ra cũng như muốn tạo vật phải đạt tới nơi con người, nhờ con người và cùng với con người, một loài đã được chính Ngài mặc lấy bản tính của họ.

Trái đất này đã thực sự trở thành nơi Thiên Chúa là Thần Linh tỏ mình ra, nhất là cho dân Do Thái vào thời Cựu Ước, qua các cuộc thần hiển của Ngài (theophany) diễn ra trong không gian (điển hình nhất là với Moisen và cho dân Do Thái trong cuộc Xuất Ai Cập về Đất Hứa), một cách mầu nhiệm nơi các yếu tố thiên nhiên (ánh sáng, mây trời, ngọn núi, bụi cây, đá, khói, lửa, nước v.v.). Chẳng những thế, trái đất còn thực sự trở thành nơi Thiên Chúa vô cùng cao cả cư trú và sinh sống với loài người 2000 năm trước đây (tại mảnh Đất Hứa của dân Do Thái). Chính vì thế trái đất sẽ không thể nào hoàn toàn bị hủy diệt và trở về với hư vô vì những băng hoại của nó do con người gây ra từ khi hai nguyên tổ loài người sa phạm (x Rm 8:19-22). Trái lại, nếu bản tính của con người đã được thánh hóa, được thần linh hóa, khi Thiên Chúa làm người, tức là nếu bản tính loài người, sau khi bị hư hại vì nguyên tội, hay sau khi tội lỗi cùng với sự chết đột nhập thế gian (x Rm 5:12), đã được nên một với Thần Tính hằng hữu vô cùng toàn năng và toàn thiện nơi “vị trung gian duy nhất là con người Giêsu Kitô” (1Tim 2:5), thì “toàn thể tạo vật nôn nóng trông chờ việc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa... sẽ được giải phóng khỏi phải chịu bị hủy hoại và được thông phần vào phúc tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8:19, 21).

Niềm nôn nóng trông chờ nơi toàn thể tạo vật này chẳng những đã được đâm mầm từ biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa, mà còn được nẩy mầm khi lòng đất (tiêu biểu cho toàn thể thiên nhiên tạo vật) ôm ấp lấy Thi Thể Tử Giá của Vị Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô nơi ngôi mộ đá. Để rồi, khi Thánh Thể Phục Sinh của Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết ra khỏi ngôi mồ vào ngày thứ ba, (tức trước thời điểm thân xác bị thối rữa sau bốn ngày nằm trong mồ), toàn thể tạo vật đã thực sự bắt đầu tiến trình được biến đổi từ hư hoại đến bất hoại, từ sự chết đến sự sống. Tiến trình biến đổi này chính là tiến trình Thánh Thần “canh tân bộ mặt trái đất”, qua việc truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội, tác nhân được Chúa Kitô Phục Sinh sai đi “khắp thế gian loan truyền tin mừng cho tất cả mọi tạo vật” (Mk 16:15), chứ không phải chỉ cho loài người, chỉ “cho mọi dân tộc” (Mt 28:19) mà thôi. Tiến trình biến đổi này, từ đó cho tới khi hoàn toàn nên trọn theo đúng như dự án của Đấng là nguyên thủy và là cùng đích của mọi sự (Rev 1:17, 2:8, 22:13), Đấng “là tất cả trong mọi sự” (1Cor 15:28), vẫn được diễn tiến liên tục nơi Bí Tích Thánh Thể và bởi Bí Tích Thánh Thể, “bảo chứng của vinh quang mai hậu được ban cho chúng ta” (xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 1323; Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, 47; Lời Nguyện sau Ca Vịnh Ngợi Khen của Kinh Tối II Lễ Mình Máu Thánh Chúa theo Sách Nguyện Giáo Dân).


TỪ THÁNH THỂ ĐẾN HIỆN THẾ CÁNH CHUNG


Bởi vì, chất liệu được trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô chính là “hoa mầu ruộng đất” và “rượu bởi cây nho”. Nghĩa là, bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, qua lời vị chủ tế khẩn cầu trước mỗi lần Truyền Phép Thánh Hiến Bánh Rượu, những chất liệu thiên nhiên, tiêu biểu cho “toàn thể tạo vật” thuộc thế giới tự nhiên, sẽ được hoàn toàn biến đổi tận bản chất của mình, để trở thành thần linh và sự sống. Mỗi lần việc biến thể (transubstantiation), việc bánh trở nên Mình Thánh Chúa Giêsu và rượu trở nên Máu Thánh Chúa Giêsu xẩy ra trên bàn thờ trong Thánh Lễ là mỗi lần nhắc nhở cho Kitô hữu Công Giáo chúng ta chân lý cánh chung này, đó là chính thân xác tầm thường, hèn hạ và chết chóc của chúng ta sau cùng cũng sẽ được biến đổi nên giống như thân xác linh thiêng, hiển vinh và bất tử của Chúa Giêsu Kitô: “Người sẽ ban cho thân xác thấp hèn của chúng ta một thể thức mới và tái tạo nó theo như khuôn mẫu của thân xác hiển vinh Người, bằng quyền năng Người bắt mọi sự suy phục Người” (Phil 3:21).

Vẫn biết, trong ngày sau hết “tất cả mọi kẻ chết sẽ sống lại nơi thân thể như họ đang có hiện nay” (Công Đồng Chung Lataranô IV năm 1215: DS 801), thế nhưng, chỉ có “những ai làm lành thì phục sinh để được sống, còn ai hành ác thì phục sinh để chịu luận phạt” (Jn 5:29; x Dan 12:2; Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 998). Tức là thân xác của kẻ lành mới được biến đổi nên giống như thân xác vinh hiển của Chúa Kitô Phục Sinh, còn thân xác của thành phần hư đi tuy cũng được biến đổi thành linh thiêng nhưng lại là một tình trạng linh thiêng giống như ma quỉ trong hỏa ngục. Yếu tố chính yếu làm cho thân xác của kẻ lành được biến đổi trở thành vinh hiển giống như thân xác của Chúa Kitô Phục Sinh, hoàn toàn khác với thân xác của thành phần đời đời hư đi trong hỏa ngục chính là Sự Sống nơi kẻ lành khi còn sống trên trần gian trước khi chết, một Sự Sống họ đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa: “Nhờ phép rửa trong sự chết của Người, chúng ta đã được mai táng với Người, để như Đức Kitô nhờ vinh quang của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, chúng ta cũng được sống một sự sống mới như vậy” (Rm 6:4).

“Sự sống mới” đây là gì, nếu không phải, về phương diện thần học, là chính sự sống “tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8:21), sự sống toàn thể tạo vật mong đợi nơi họ để được giải phóng và thông phần vào, sự sống được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân và với toàn thể thiên nhiên tạo vật như ngay từ khi con người còn ở trong tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy (x Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 399-400). Về phương diện tu đức, “sự sống mới” “tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa”, chính là “sống không theo xác thịt song theo thần trí” (Rm 8:4; x Col 5:16), vì “xác thịt hướng về sự chết còn thần trí hướng về sự sống và bình an” (Rm 8:6): “Nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ chết; nhưng nếu bởi thần trí anh em tiêu diệt những việc xấu xa của thân xác anh em sẽ sống” (Rm 8:13). “Những việc xấu xa của thân xác” hay của “xác thịt là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Col 5:19-21); còn những việc hay “hoa trái của thần trí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Col 5:22-23).

“Người ta chỉ gặt gái những gì họ đã gieo vãi. Nếu họ gieo vãi nơi thửa ruộng xác thịt, họ sẽ gặt hái được mùa màng băng hoại; nhưng nếu hạt giống gieo xuống của họ là thần trí thì họ sẽ gặt được sự sống trường sinh” (Gal 6:8). Đúng thế, “mùa gặt đây là tận thế” (Mt 13:39), lúc mà “Đấng ngự trên ngai phán phán: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự... Xong cả rồi! Ta là Alpha và Ômega, là Khởi Nguyên và là Cùng Tận. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh mà không phải trả tiền. Ai thắng sẽ được hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta. Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ dối trá điêu ngoa, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh ngùn ngụt cháy: đó là cái chết lần thứ hai’” (Rev 21:5-8).

Thiên Chúa chỉ hứa cứu chuộc con người tạo vật khỏi cái chết lần thứ nhất mà thôi, như lời Ngài hứa với hai nguyên tổ sau khi sa phạm đó là Ngài sẽ cho “miêu duệ người nữ... đạp nát đầu” (Gen 3:15), “con cựu xà, tức Satan, tên cám dỗ cả thế gian” (Rev 12:9). Đức Giêsu Kitô, con của Đức Maria, “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc giòng dõi Đavít” (Lk 1:27), thực sự đã “đạp nát đầu” (Gen 3:15) con cựu xà Satan bằng tử giá cứu độ của mình: “Chính vì để phá hủy các việc làm của ma quỉ mà Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra” (1Jn 3:8); “Một khi Tôi bị treo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo tất cả mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32). Đúng thế, nhờ cuộc tử giá của Chúa Kitô, “Vị Mục Tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên” (Jn 10:11), mà đàn chiên Kitô hữu môn đệ của Người, qua Bí Tích Rửa Tội đã “được sự sống” (Jn 10:10), và qua Bí Tích Thánh Thể, còn được hưởng “một sự sống viên mãn hơn” (Jn 10:10), một sự sống phát xuất từ chính huyết nhục của Mẹ Maria được “Lời đã hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) mặc lấy: “Thịt Tôi là của ăn thật, máu Tôi là của uống thật. Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong họ” (Jn 6:55-56).

Thật vậy, Thiên Chúa nhập thể làm người không phải chỉ để trở thành một Vị “Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Mt 1:23; Is 7:14) một cách tổng quát chung chung vậy thôi, mà Người còn muốn ở với và ở trong mỗi người chúng ta nữa, vì Người thương từng con chiên của Người, dù là con chiên lạc đàn duy nhất (x. Mt 18:10-14). Bởi thế, Người không chỉ muốn ở trong hồn thiêng bất tử của chúng ta bằng Ơn Thánh của Người mà thôi, Người còn muốn thực sự ở trong thân xác tro bụi hèn hạ tầm thường của chúng ta nữa bằng chính Thánh Thể của Người, vì Người chẳng những muốn cứu linh hồn chúng ta khỏi tội lỗi bằng Thánh Giá của mình, Người còn muốn cứu cả thân xác hữu hình và hữu hạn của chúng ta khỏi sự chết bằng Thánh Thể của Người nữa, nghĩa là Người muốn cả thân xác của chúng ta cũng sẽ được sống lại như thân xác hiển vinh của Người trong ngày sau hết.

Như thế, quả thật Thánh Thể có liên quan hết sức mật thiết đến “việc cứu độ của thân xác chúng ta” (Rm 8:23): “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, phần Tôi sẽ làm cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Jn 6:54). Tuy nhiên, tác nhân làm cho thân xác của những ai ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô sống lại trong ngày sau hết giống như thân xác vinh hiển của Người đây là ai, nếu không phải là chính Thánh Linh, Đấng bao giờ cũng được Giáo Hội cầu khẩn trước khi thánh hiến bánh rượu trên bàn thờ, để nhờ Ngài bánh rượu được trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô: “Nếu Thần Linh của Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em thì Đấng đã phục sinh Chúa Kitô từ trong kẻ chết sẽ mang sự sống đến cho thân xác chết chóc của anh em, bằng Thần Linh của Ngài ở trong anh em” (Rm 8:11).

Tuy nhiên, không phải cho đến khi thân xác con người ăn Mình Thánh và uống Máu Thánh Chúa Kitô khi còn sống sắp phục sinh từ trong cõi chết Thần Linh của Thiên Chúa mới “mang sự sống đến cho thân xác chết chóc” của họ, mà là ngay từ khi họ còn sống trong thân xác của họ trên thế gian này. Ở chỗ, “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống” (Kinh Tin Kính) làm cho họ càng ngày càng nhận biết Chúa Kitô hơn (x Jn 16:13), để rồi, nhờ nhận biết Chúa Kitô, một nhận biết chính là sự sống trường sinh (x Jn 17:3), họ sẽ sống Chúa Kitô, tức sẽ tác hành như Chúa Kitô, đến nỗi, không phải họ sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong họ (x Gal 2:20), một sự sống khiến cho những ai thấy họ là nhận ra Chúa Kitô (x Jn 13:15).

Sự sống Chúa Thánh Thần làm cho thế gian nhận ra Chúa Kitô nơi những ai lãnh nhận Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô đây chính là sự sống “yêu thương như Thày yêu” (Jn 15:12, x 13:34), một tình yêu cao cả đã hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x Jn 15:13). Như thế, khi Kitô hữu sống tình yêu cao cả này của Chúa Kitô và như Chúa Kitô là họ chẳng những thực sự “cử hành mầu nhiệm thánh” (theo lời kêu gọi thống hối mở đầu mỗi Thánh Lễ), cử hành Mầu Nhiệm Yêu Thương của Thiên Chúa được lập lại trong Hiến Tế Thánh Thể, một mầu nhiệm đòi con người phải biết yêu thương tha thứ cho nhau mới hội đủ điều kiện xứng đáng để dâng tiến (x Mt 5:23-24), mà họ còn thực sự “làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19; 1Cor 11:24) ngay trong cuộc sống của họ nữa, chứ không phải chỉ ở trên bàn thờ khi dâng lễ thôi, vì họ làm cho biến cố Tử Giá Cứu Độ có tác dụng “một lần là vĩnh viễn” (Heb 7:27, 10:10; 1Pet 3:18) của Chúa Kitô tái diễn “cho tới khi Chúa lại đến” (như lời tung hô sau truyền phép), một cách hiển nhiên và sống động trên thế gian, chứ không phải một cách bí tích và mầu nhiệm chỉ có ở trong phụng vụ và nội bộ cộng đồng Dân Chúa mà thôi.

Nếu cuộc đời của những người lãnh nhận Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô sống Tình Yêu cao cả của Người thực sự cử hành một Thánh Lễ sống động như thế, thì bản thân họ, nhân tính của họ nói chung và thân xác của họ nói riêng, như Chúa Kitô, cũng đã trở thành một “con chiên bị đem đi sát tế” (Is 53:7), một “con chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Jn 1:29). Vì “theo Con Chiên đi đến bất cứ nơi nào Con Chiên đến” (Rev 14:4) như vậy mà “khi Con Người đến trong vinh quang, ngự trên ngai, có tất cả các thiên thần hầu chực và muôn dân tụ họp trước nhan Người” (Mt 25:31-32), họ mới là thành phần “chiên ở bên phải Người” (Mt 25:33), thành phần được Người nhận biết và tưởng thưởng hết sức xứng đáng vì những việc họ làm “khi họ còn sống ở trong thân xác” (2Cor 5:10) để đáp ứng những nhu cầu cụ thể hầu như liên quan trực tiếp đến thể lý của tha nhân là những con người vô cùng cao quí đã được chính Vị Thiên Chúa Làm Người Giêsu Kitô đồng hóa với Người: “Hãy đến. Các con được Cha Ta chúc phúc! Hãy hưởng vương quốc đã sắm sẵn cho các con từ khi tạo thành thế gian. Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn, Ta khát các con đã cho Ta uống. Khi Ta là khách lạ các con đã đón nhận Ta, trần truồng các con đã cho Ta mặc. Khi Ta đau yếu các con đã an ủi Ta, tù ngục các con đã đến viếng thăm Ta... vì bao lâu các con làm như thế cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta là các con làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:35- 36, 40).

Nếu con người lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô thực sự có thể sống Chúa Kitô, có thể yêu thương như Người đã yêu thương, thì không phải là thân xác của họ đang được Thần Linh của Người biến đổi làm cho nên giống thân xác vinh hiển của Người ngay ở đời này rồi hay sao? Ở chỗ, xác thịt vốn là một thực thể hướng chiều về sự chết (x Rm 8:6): “Cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt” (Jn 3:6), lại có thể sinh hoa trái sự sống yêu thương. Vậy để biết mình đã hơn một lần hay vẫn thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô có thực sự sống sự sống của Người hay chưa, tức đã được Thần Linh của Người biến đổi hay chưa, chúng ta hãy thực tâm xét mình lại xem, về phần tiêu cực, chúng ta có còn dùng miệng lưỡi vẫn há ra rước lấy Thánh Thể vô cùng cao trọng của Người để nói hành, nói xấu, chê bai, hành tỏi nhau, hoặc có còn tự nhiên ham thích khoái lạc xác thịt thấp hèn cả về tình dục và cảm quan, cả về việc đua đòi tiện nghi và say sưa chè chén, trái lại, về mặt tích cực, chúng ta có biến thân xác của mình trở thành khí cụ cho đức chính trực (x Rm 6:13) trong việc phục vụ tha nhân, tức trở thành bánh nuôi sống nhân gian chăng? Nếu chưa hay rồi, chúng ta cũng hãy Sống Thánh Thể hơn nữa, bằng cách “liên lỉ mang trong mình cái chết của Chúa Giêsu để sự sống của Chúa Giêsu được tỏ hiện trong thân xác của chúng ta” (2Cor 4:10).


Tổng Giáo Phận Los Angeles Tam Nhật Thánh, 20-22/4 Năm Thánh 2000
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng