Từ Lộ Đức đến Lavang Tâm sự của một Linh mục

Từ Lộ Đức đến Lavang Tâm sự của một Linh mục

BY: SR. ANNE MARIE NGUYỄN THỊ HƯỜNG

Đây là lần thứ tám linh mục Albert đến Việt Nam vì công việc riêng. Lần đầu tiên cách đây 3 năm cha đến với tư cách là một thành viên trong đoàn du lịch, đa số là người nước ngoài, để tham quan một đất nước, tuy dân chúng, đa số còn nghèo nàn vì nhiều lý do, nhưng thiên nhiên thì giàu đẹp và quyến rũ, còn tình người thì chan hòa và dễ mến, như lời người ta thường kháo láo với nhau sau những chuyến du lịch từ Việt Nam trở về. Mà thật vậy, vừa đặt chân xuống phi trường Nội Bài ở Hà Nội, cha Albert đã có một cảm giác lâng lâng dễ chịu, với sự khoan thai, thư thả của người Việt Nam nói riêng và người Á châu nói chung. Tuy các nhân viên hải quan có bộ dáng lạnh lùng và hơi nghiêm nghị đôi chút, nhưng bù lại những người đến đón tiếp tại phi trường thì thật ân cần, vồn vã và dễ thân thiện. Với lại, trưởng đoàn và phó đoàn trong chuyến đi nầy đều là gốc Việt, nên với sự tận tâm lo lắng và săn sóc kín đáo cho từng người đã gây được niềm cảm phục và lòngï quý mến của mọi thành viên trong đoàn.

Sau 3 ngày tham quan các danh lam thắng cảnh ở Hà Nội như Hồ Hoàn kiếm, Văn Miếu, Chùa Một Cột, Nhà Thờ Phát Diệm, vịnh Hạ Long... Đoàn tiến vào Trung, rồi đến Miền Nam, để rồi kết thúc việc tham quan trên chuyến bay Air France, trở về cố hương. Tuy ở Huế ít ngày hơn các nơi khác, vì thành phố nhỏ và các di tích lịch sử không cách xa nhau lắm, vậy mà cha Albert đã "để rơi con tim” tại đây. Có phải vì các cô gái Huế với thân hình thon nhỏ, dáng diệu duyên dáng trong chiếc áo dài tha thướt, e ấp bên chiếc nón bài thơ, làm rung động lòng người, như với các chàng "học trò trong Quảng ra thi” chăng? Hay là vì sự linh thiêng, vấn vương đầy vẻ ngậm ngùi nơi chốn Hoàng Thành rêu xanh, đổ nát, đã trải qua một thời ngựa xe rềnh ràng chăng? Hay là tại giòng sông Hương thơ mộng, hiền hòa, êm đềm, lững lờ trôi giữa hai bờ cây cối xanh tươi chăng? Thưa không, chỉ vì những trẻ em bất hạnh, nghèo nàn và khuyết tật của hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị đó thôi. Một vùng đất chật hẹp và nghèo nàn, đã hứng chịu biết bao thiệt thòi do chiến tranh gây nên. Nhất, là do biến cố Mậu Thân 1968, tiếp đến là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và sau đó là biến cố lịch sử 1975. Những trẻ em ngày đó, bây giờ đã là cha, là mẹ cả rồi, nhưng nỗi lo lắng và khiếp sợ vẫn còn ghi mãi trong tâm trí. Một số đã đi lập nghiệp phương xa, đó là những người có chút của cầm tay. Số còn lại không đủ khả năng tài chánh, nên đã cố bám víu vào tấm ruộng, mảnh vườn của cha ông, nên đã cho ra đời một thế hệ trẻ thơ, mà mức sống chẳng hơn gì bố mẹ. Các em đến lớp lôi thôi lếch thếch, có khi có ăn nhưng cũng lắm khi cơn đói cồn cào. Một số em kém may mắn hơn, do ảnh hưởng của chất độc da cam, nên lúc sinh ra đã bị dị tật suốt đời. May mắn là có các nữ tu đã tuyên khấn tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ cho hạnh phúc của đồng bào, nên đã đảm đương những công việc dạy dỗ và giáo dục các em, cũng như lo lắng và chăm sóc đặc biệt cho các em khuyết tật. Cha Albert đã đến kịp thời để cộng tác và trợ lực cho các nữ tu nầy làm tốt công tác phục vụ xã hội nầy.

Cha kể lại, trong lần thứ hai trở về Huế, với mục đích dạy tiếng Pháp theo lời yêu cầu của một số người, qua sự gợi ý của một người bạn: liệu cha Albert có giúp gì cho Việt Nam không? Cha đã suy nghĩ và tối hôm đó, trong phòng ngủ tại khách sạn, cha đã trăn trở và trải qua một đêm thức trắng, sáng mai lại, tờ lịch tường ghi rõ ngày 21 tháng 7. Chính ngày này đây, cách đây 50 năm, hiệp định Genève đã chia đôi đất nước Việt Nam thành hai: Bắc và Nam, và trong suốt hơn 30 năm, một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã xảy ra, gây nên không biết bao là đau khổ, chết chóc và nghèo đói cho một dân tộc được mệnh danh là anh hùng và bất khuất... Từ những ý nghĩ nầy xảy ra trong trí, cha Albert đã đề nghị làm một chuyến hành hương đến Linh Địa Đức Mẹ Lavang để xin ơn soi sáng nên - làm cái gì cho Việt Nam - Và như vậy là sau khi dâng Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Lavang, cha đã có quyết định rõ ràng là sẽ giúp các trẻ em thiếu may mắn tại đây.

Lúc trở về nước, cha Albert đã trình bày với Bề Trên về tâm tư và nguyện vọng của mình là giúp đỡ các em nghèo nàn của xứ Miền Trung nầy. Được sự chấp thuận của Bề Trên, cha Albert đã bắt đầu chiến dịch "gõ cửa lòng” của đồng bào mình, những người dư ăn dư mặc vì sống trong một xã hội vật chất đầy đủ. Trước tiên là nhờ ơn Chúa, thứ đến là nhờ vào lối thuyết trình, nói chuyện chân tình, hài hước nhưng không kém phần sâu xa... của cha, đã đánh động lòng nhiều người, nên kẻ ít người nhiều đã rộng tay giúp đỡ... Dồn lại được một số kha khá, cha đã xin mẹ mình một vé máy bay và đem về hết số tiền gom được giao tận tay cho những người chăm sóc trực tiếp các trẻ em nầy... Sau nhiều suy nghĩ, tính toán và sắp xếp, cuối cùng, cha đã xin được giấy phép thành lập một Hội để việc giúp đỡ được liên tục và bảo đảm hơn. Một lần nữa, ơn Chúa thương, công việc tiến hành tốt đẹp và Hội đã được phép hoạt động, có quy chế rõ ràng và số thành viên của Hội cũng đã lên tới hàng trăm. Cha Albert vui mừng và cám ơn Đức Mẹ Lavang vô cùng, nên mỗi lần tới Huế, việc trước tiên là đi kính viếng và dâng Thánh Lễ tại Đền Mẹ.
Ngoài việc lo cho Hội, cha Albert cũng nhận bảo trợ thêm một số các em câm điếc hay gặp hoàn cảnh khó khăn khác. Trong số các em nầy, có Hải, năm nay 13 tuổi, đang học lớp sáu. Hải có khuôn mặt đẹp và nụ cười tươi. Chính nụ cười nầy đã quyến rũ cha Albert lúc ngài băng qua sân một cộng đoàn tu sĩ. Rồi một hôm, sau khi đem Hải đi mua sắm về, trong bữa cơm, có Hải ngồi bên cạnh, Cha Albert nói:”Hải đẹp trai lắm, tới tuổi 18 chắc có lắm cô chạy theo”. Đối diện ngài là một chị khá mau miệng hỏi lại: "Cũng như cha, cha đẹp lại còn năng động và vui tính nữa, lúc cỡ tuổi đó, có nhiều cô chạy theo không?” Cha trả lời: "Chính tôi chạy theo người ta!” Rồi bắt đầu từ đó, cha thổ lộ tâm sự của mình.

Rosalie và Albert quen nhau vào năm thứ hai Đại học. nàng đi về Y và chàng theo ngành Luật. Trong mấy năm liền, hai người yêu thương và quý mến nhau. Gần nơi trọ học của Albert, có một cộng đoàn tu sĩ. Thỉnh thoảng chàng cũng gặp vài tu sĩ, nhưng chỉ chào hỏi xã giao qua loa thôi. Rồi một hôm, Albert nảy ra ý nghĩ - liệu tôi có ơn gọi đi tu không? - Sau nhiều suy nghĩ, đắn đo, Albert xin hẹn và đến gặp một trong các vị tu sĩ đó. Vị tu sĩ nầy đã giới thiệu và giúp Albert làm quen với một vài Dòng tu trong Giáo Hội. Cũng chính ngài khuyên Albert nên gia nhập đoàn thanh niên thiện nguyện làm việc tại Lộ Đức, để hướng dẫn khách hành hương hay giúp đỡ các người bệnh tật vào các mùa hè, nhấât là các dịp lễ vào tháng bảy và tám hằng năm. Lần thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba... Albert say sưa với công việc thiện nguyện giúp đỡ các bệnh nhân tại nơi đây. Nhất là mỗi đêm về, khi các bệnh nhân đã yên giấc, Albert đi ra, hoà mình vào đoàn hành hương để rước kiệu, tung hô Mẹ, hay lặng lẽ trước hang đá, nơi Mẹ hiện ra với Bernadette, trong tầm nhìn của Mẹ để lần hạt, hoặc thưa lên với Mẹ những tâm tư thầm kín của mình. Và cũng chính tại đây, Albert đã xác định ơn gọi làm tu sĩ của mình.
Phải mất mấy tuần, Albert mới tỏ bày được ý định của mình cho Rosalie biết. Phần thì vì tình cảm rất sâu đậm giữa hai người, phần thì vì không muốn cho Rosalie buồn lòng. Nàng xứng đáng là người yêu và là người vợ lý tưởng, nàng đẹp, thông minh lại hiền lành, tế nhị nữa. Tuy nhiên, phản ứng của Rosalie thật can đảm và dễ thương... Thay vì khóc lóc, hờn dỗi, nàng đã sẵn lòng chấp nhận, tuy không khỏi đau khổ, buồn sầu... Sau đó, Albert xin vào dòng.

Albert đã qua giai đoạn tìm hiểu, rồi tập viện trong an bình, dưới sự đồng hành của các người đặc trách. Còn mấy tháng nữa để quyết định khấn lần đầu. Thời gian nầy thật là cam go cho Albert, chàng nghi ngờ - tôi có thật sự có ơn gọi tu dòng hay không? làm sao có thể sống nổi cuộc đời đơn côi và tẻ nhạt... như thế nầy suốt cả đời? Thật là khó! Cùng với những nghi ngờ đó, hình ảnh của Rosalie lại hiện lên, xâm nhập cả tâm trí, trong mọi lúc và mọi nơi. Cuối cùng Albert đã lục lại quyển carnet cũ để tìm ra địa chỉ của Rosalie. Lá thư đầu tiên như là một quả bóng thăm dò, và được hồi âm tức khắc... Và trong ba tháng liền, không ngày nào mà hai người không viết cho nhau cả. Thời gian qua đi, sắp đến ngày tĩnh tâm để khấn tạm, Albert phải có quyết định dứt khoát. Một lần nữa, Albert đã biên một bức thư dài hỏi ý kiến của Rosalie. Bức thư được gởi đi vào đầu tuần, theo sự thường, chàng sẽ nhận được thư trả lời vài ngày sau đó. Nhưng không, Albert chờ sốt ruột cả tuần, cho đến sáng thứ bảy, mất hết kiên nhẫn, chàng đến ngay ông gác cổng để hỏi xem người đưa thư đã đi qua chưa? Và được trả lời là không hiểu vì lý do gì, người đưa thư đã không đến sáng nay như thường lệ. Với một tâm trạng hụt hẫng, Albert lên đường đi tĩnh tâm. Tuần tĩnh tâm kết thúc, Albert tìm lại được sự bình an trong tâm hồn. Chàng đã tìm về Lộ Đức để cám ơn Đức Mẹ và để tâm sự với Mẹ những diễn tiến mới nhất trong tâm hồn. Sau đó, chàng đi thẳng đến Nhà Mẹ của Dòng để tuyên khấn lần đầu cùng với một người anh em khác nữa. Mọi lễ lạc, tiệc tùng qua đi, Albert lên đường trở về cộng đoàn trong niềâm hân hoan của một Tân khấn sinh. Tuy nhiên, niềm vui vụt tắt, khi mà chàng nhận thấy trong số thư được gởi đến lúc chàng vắng mặt có một thư của Rosalie, đến ngay buổi chiều chàng rời cộng đoàn, trong đó, bằng một lời lẽ tha thiết, nàng quyết định lập gia đình với chàng. Trớ trêu thay! Chàng vừa mới khấn có mấy ngày! Tuy dứt khoát, nhưng sự việc nầy cũng khiến chàng đau khổ một thời gian. Sau khi lấy lại bình tĩnh, chàng nhất quyết không giữ liên lạc với Rosalie nữa.

Mười năm sau, trong một lần thăm viếng "quốc gia của Giáo Hoàng” tại Avignon. Lần nầy cụ sáu Albert đang chuẩn bị bước lên bàn thánh trong vài tháng nữa. Thầy ghé vào siêu thị để tìm mua một vài thứ cần thiết. Đang lúc rảo qua các gian hàng, Albert đưa mắt dán vào một dáng người lướt qua từ xa, trong tầm nhìn của mình - Có phải là Rosalie đó không? Nàng làm gì ở đây? Và như có một ma lực nào đó thúc đẩy, Albert rảo chân bước theo, tuy vẫn giữ một khoảng cách cần thiết. Đột nhiên trong đầu óc nảy ra ý nghĩ - để làm gì? - Nếu phải là nàng tôi phải có thái độ nào cho xứng hợp trong lúc nầy? Mãi cho tới lúc nàng tiến ra quầy tính tiền, thì Albert như cảm thấy có một sức mạnh nào đó kéo thầy đi ra phía khác. Trở về bãi đậu xe, mở cửa xe bước vào, ngồi trước tay lái, nước mắt tuôn rơi. Thầy Albert đã khóc thật... Sau nầy, tình cờ, bằng một cú điện thoại với một người bạn cũ, Albert biết được là Rosalie đã ly dị chồng, đã ở riêng với đứa con gái 6 tuổi, và có phòng mạch tại Avignon...
... Kết thúc câu chuyện, cha Albert nói: "Như vậy là ơn Chúa luôn giữ gìn tôi. Chính Ngài đã chọn và trung tín với tôi, cho dù tôi thế nào đi nữa, Chúa vẫn yêu thương và chở che tôi. Tôi nghĩ, giá như bức thư của Rosalie đến với tôi trước khi khấn, hoặc tại Avignon tôi gặp lại Rosalie trong hoàn cảnh đáng thương của nàng lúc đó... tôi không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi. Thạât là ơn Chúa luôn đủ cho tôi và Đức Mẹ Maria, Mẹ Lộ Đức hay Mẹ Lavang luôn theo dõi và cứu giúp tôi”. Phần chúng ta, cám ơn Chúa, vì nếu thầy Albert đã không can đảm dừng chân đúng lúc, thì Giáo Hội đã không có thêm một linh mục trẻ trung, vui tính và rất hòa đồng với mọi người, nhất là những ai già cả và đau yếu. Các trẻ em nghèo khổ của chúng ta đã không có một người cha bảo trợ rất mực thương yêu và tốt lành như hiện có.

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI TỘI LỖI, VÀ ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA KHI CÒN CƠ HỘI TRÊN THẾ GIAN NÀY
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng