Thánh Phanxicô Xaviê, Chứng Nhân Truyền Giáo

Thánh Phanxicô Xaviê, Chứng Nhân Truyền Giáo
VietCatholic News (01 Dec 2009 06:25)
Thánh Phanxicô chào đời tại Tây Ban Nha năm 1506. Ngài qua đời trên đảo Xan-xi-an, ngoài khơi bờ biển Quảng Đông Trung Quốc năm 1552. Thánh nhân được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong thánh cùng thời với thánh Ignatiô Loyola, năm 1622; được ghi tên vào lịch Rôma năm 1623 và được tuyên phong là bổn mạng Ấn Độ và các nước Viễn Đông năm 1748. Cùng với thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, năm 1927, ngài được Đức Giáo hoàng Piô XI tuyên phong là bổn mạng các xứ truyền giáo.

Nói đến thánh Phanxicô Xaviê, người Kitô hữu ngày nay nghĩ ngay đến một trong những chứng nhân tiêu biểu nhất của lòng nhiệt thành truyền giáo. Thánh nhân như dấu chỉ Thiên Chúa dùng để chứng tỏ cho nhân loại thấy được tính phổ quát của Giáo hội mà Đức Kitô đã lập và không ngừng tác động cho nó tăng triển sâu rộng. Huấn lệnh mà Tôn Sư Giêsu đã mời gọi Nhóm Mười Một xưa vẫn luôn mới mẻ và thúc bách suốt dòng lịch sử: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Cảm nghiệm được giá trị và tầm vóc của sứ vụ mà Thầy Chí Thánh kêu mời, Thánh Phanxicô đã kịp thời đáp trả trong tinh thần yêu mến, dám sẵn sàng chấp nhận mọi nghịch cảnh trên hành trình rao giảng.

Nét đẹp trong tinh thần truyền giáo của Thánh Phanxicô phải kể đến trước hết, đó là thái độ từ khước danh vọng trần thế để được nhận lãnh gia tài vĩnh cữu nhờ việc hoán cải những tâm hồn. Vì thế, ngài đã nghiệm thấu lời vàng từ người bạn thân là thánh Inhatio Loyola: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích lợi gì ?”. Khi đã chiến thắng được tham dục, ngài không ngừng sám hối theo Tin Mừng để triệt trừ tính kiêu căng trỗi dậy đòi ngài phải khuất phục trước cuồng vọng của xác thịt. Đây chính là khởi bước quan trọng giúp thánh nhân có thể tập chú tới việc cộng tác đắc lực cứu rỗi các linh hồn, làm cho Nước Chúa được rộng lan.

Chứng nhân truyền giáo thể hiện nơi Thánh Phanxicô đạt tới một chiều kích cao sâu hơn, ở việc ngài dám đối diện trước khó khăn, nghịch cảnh trên bước đường truyền giáo với niềm tín thác tuyệt đối vào tình thương Thiên Chúa. Khi được chỉ định sang Ấn Độ truyền giáo, Phanxicô đã rất vui mừng mừng. Nghiệm trước những khó khăn, Ngài đã bộc bạch với một người bạn: “ Tôi đã thấy rằng: phải chịu khổ nạn cho vinh danh Chúa Giêsu Kitô. Trước mặt tôi là những hoang đảo, những miền đất báo cho tôi biết trước cơn đói, cơn khát và cả đến cái chết dưới hàng ngàn hình thức. Tôi ao ước được chịu khổ hình hơn nữa". Ước muốn được dâng hiến trọn vẹn vì tình yêu Thập giá, Ngài đã cam chịu cách vui vẻ trước những khác biệt, hiểm nguy, cay đắng nơi vùng đất lạ. Ngài không sợ bị đe doạ đến tính mạng để cứu được nhiều linh hồn. Khi ngài muốn tới truyền giáo tại đảo More, người ta đã ngăn cản không cho ngài đi, vì đây là một hòn đảo nổi tiếng nguy hiểm; ngài đã khẳng khái trả lời: “Thì tôi bơi tới vậy…tôi sẽ chịu khổ gấp ngàn lần để cứu lấy một linh hồn thôi !”. Quyền năng Thiên Chúa đã thực thi thiện ý của ngài. Tại đảo More ngày nay, người ta vẫn còn gặp được những cộng đoàn Kitô giáo phồn thịnh đã từng được chính thánh Phanxicô Xaviê đem đến cho họ hạt giống Tin Mừng đầu tiên. Ở vương quốc Travance, khi nhóm người man-di muốn tràn ngập, thánh Phanxicô đã cầm thánh giá trong tay với một số ít tín hữu đã làm cho họ phải tháo lui. Vượt lên trên mọi thử thách hiểm nguy, thánh nhân đã sống đời vị tha cao cả, hy sinh nhẫn nại trong việc cải hoá các tâm hồn, như lời ngài trong thư gửi thánh Inhatio: “…Từ khi đến đây, tôi chẳng ngưng lúc nào: tôi rảo khắp các làng mạc, làm phép rửa cho nhiều trẻ em chưa được lãnh bí tích này…Khi tôi đến các làng ấy, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nhật tụng, ăn uống, ngủ nghỉ, nếu tôi chưa dạy cho chúng một kinh. Vì thế, tôi bắt đầu hiểu tại sao Nước Trời lại là của những người giống như chúng…Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Kitô hữu, chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu. Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học ở Châu âu, trước hết là đại học Pari, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí mà thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng: Tiếc thay chỉ vì lỗi các ông mà biết bao linh hồn thay vì lên thiên đàng lại phải xuống hoả ngục…” (Các Bài Đọc Kinh Sách, tr.635-636). Cư dân nơi thánh Phanxicô đặt bước chân truyền giáo bị đánh động không chỉ do các phép lạ giúp củng cố lời giảng của ngài, mà hơn hơn hết, chính bởi đức tin và lòng can đảm của thánh nhân.

Khát vọng đem Tin Mừng Chúa đến khắp mọi nơi thường trực trong con tim say nồng truyền giáo của thánh Phanxicô. Bước chân nhiệt thành tông đồ đã đưa ngài đến bao vùng đất tại Á đông. Không chỉ tung gieo những hạt mầm đức tin tại Ấn Độ, Malacca (Mã lai), Moluques, Nhật Bản…, thánh nhân đã từng ủ ấp giấc mộng chinh phục đại lục Trung Hoa. Ngài đã thành công khi đặt bước chân lên đảo Xan-xi-an, cửa ngõ vào Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc thay, vị chứng nhân truyền giáo vĩ đại của chúng ta đã kiệt lực và nằm xuống bởi thời tiết mùa đông khắc nghiệt. “Ngài tắt thở trong khi cầu khẩn Chúa Ba Ngôi, danh thánh Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tay cầm một cây nến. Ngài chỉ mới bốn mươi sáu tuổi. Trong mười một năm tám tháng truyền giáo, bằng những phương tiện của thời ấy, ngài đã đi khoảng tám mươi ngàn kilô mét, chỉ với một mục đích duy nhất là rao giảng Tin Mừng và thiết lập Hội Thánh” (Enzo Lodi, Chư Thánh theo lịch Rôma II, tr.334)

Thánh Phanxicô là chứng nhân và mẫu gương lý tưởng trong đời sống truyền giáo cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là những người trẻ ở thời đại hôm nay. Trong khi phải đối diện với bao nhiêu thúc bách, đòi hỏi của lối sống tiện nghi vật chất, huấn lệnh truyền giáo của Đức Kitô vẫn không ngừng thúc giục chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Liệu chúng ta có đủ can đảm khởi bước qua ngưỡng cửa của cái tôi vốn chất chứa bao tư lợi, tham vọng, để hướng tới việc sống - làm chứng cho sứ điệp yêu thương của Đức Kitô. Ở đó ta biết khước từ những gì là tạm bỡ, để can đảm, hy vinh vì lợi ích các linh hồn như thánh Phanxicô.
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
See Also


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh + 1 Kinh cầu cho linh hồn mồ côi. Bạn đã cứu được 1 linh hồn trong luyện ngục rồi đó.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng