Một thuyết tương tự về tiếng "la vang" đã từ đặc tính của âm thanh chuyển thành danh từ riêng, nói rằng nơi chốn rừng rú La Vang vốn xưa kia nhiều cọp beo hại người. Do đó xưa kia những người đi rừng đi rú, ở lại đêm thường chia nhau thức canh, thấy động thì "la vang" lên để mọi người đến tiếp cứu[1].
Một cách giải thích khác là khi những người theo đạo Công giáo chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc bấy giờ Đức Mẹ đã hiện lên và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá gọi là lá vằng – uống vào sẽ chữa khỏi bệnh. Viết "lá vằng" không dấu thành La Vang[1].
Bs.Ts. Nguyễn Thị Thanh, vốn xuất thân từ La Vang, trong khi kiểm nghiệm thực tiễn tiếng la to giữa vách núi của khu vực này đã suy đoán, tiếng "la" to của người sẽ được các vách núi dội vọng lại thành tiếng "vang" hùng vĩ[1]. Đi xa hơn trong suy luận, Nguyễn Thị Thanh còn cho rằng ý nghĩa tiếng "la vang" ở đây là tiếng trong âm thầm nhiệm màu của đức tin các thánh tử đạo lên với Thiên Chúa trên trời, là tiếng la vang âm thầm trong nguyện cầu của những người đói khát ốm đau khốn khổ đã thấu vọng đến tai Nữ Vương Thiên Đàng, là tiếng Đức Mẹ trả lời những cầu xin của chúng dân, và cũng là tiếng dội trở lại của Nữ Vương Thiên Đàng trong lòng mỗi người khi bước chân đến thánh địa[1].
Sự tích Đức Mẹ hiển linh
Theo Tư liệu Toà Tổng Giám Mục Huế - 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.
Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặt áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.
Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.
Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi. Và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Mẹ đều được ơn theo ý nguyện.
Lễ hội hành hương
Hàng năm vào ngày 15 tháng 8 tại La Vang thường tổ chức lễ hội hành hương, gọi là "Kiệu" (cứ 3 năm lại có một "Kiệu" lớn). Các người hành hương về nơi này có thể mua được lá cây vằng, một loại lá thường dùng sắc thuốc hoặc uống mát, lành và có khả năng kháng khuẩn, rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh nở. Không những thế, khách thập phương đến đây là để hành hương và cầu xin những ơn lành mà người Công giáo tin rằng Đức Bà sẽ ban ơn như ý.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức