Thần Học Niềm Vui 02 : Niềm Vui Theo Tân Ước

Niềm Vui Theo Tân Ước

Lm Giuse Phan Tấn Thành op

Sang đến Tân ước, chúng ta thấy niềm vui được đề cập tới dưới nhiều khía cạnh. Thánh Luca trình bày lúc Chúa Giêsu ra đời như thời kỳ thực hiện những lời các sứ ngôn tiên báo về niềm vui của thời đấng Thiên sai. Tư tưởng tương tự như vậy cũng đọc thấy ở thánh Gioan. Ngoài ra, chúng ta cũng gặp thấy những đoạn nói tới chính niềm vui của Chúa Giêsu. Thêm vào đó, Phúc âm cũng nói tới sự vui mừng trọn vẹn khi công cuộc cứu độ hoàn tất với mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô. Sau cùng, các tác phẩm của các thánh Tông đồ bàn tới niềm vui của các tín hữu, dù gặp phải những cơn thử thách bách hại.

A. Niềm vui của thời cứu độ.

Đề tài niềm vui đã xuất hiện ngay từ những chương đầu của Phúc âm theo thánh Luca. Thiên sứ Gabriel báo tin cho ông Dacaria biết là ngày chào đời của Gioan tiền hô sẽ mang lại vui mừng hoan hỉ cho ông và cho nhiều người (1,14.58). Nhất là khi đến gặp đức Maria, thiên sứ Gabriel đã mở đầu câu chuyện với những lời: "Vui lên đi, hỡi người đầy ân sủng" (1,28). Các nhà chú giải cho rằng thánh sử Luca trích lại những lời của các sứ ngôn Sophonia (3,14) và Dacaria (9,9) về niềm vui khi đấng Cứu tinh xuất hiện. Dù sao thì đức Maria đã nhận ra sứ điệp đó. Đức Maria không những đã hân hoan tạ ơn Chúa vì đã thương đoái nhìn đến thân phận thấp hèn của mình khi chọn làm mẹ đấng Cứu thế (1,46-48), mà còn vì Ngài đã nhớ lại lời hứa cùng tổ phụ Abraham (1,55). Đức Maria không giữ niềm vui cho riêng mình, nhưng còn thông chuyển cho bà chị họ Ysave (1,41). Việc Chúa Cứu thế sinh ra tại Bêlem được các thiên sứ loan báo cho các mục đồng như là một tin mừng trọng đại (2,10).

Việc đức Giêsu xuất hiện đã khai mạc thời đại vui mừng cũng được các thánh sử khác nói tới: đó là thời hoan hỉ, sánh được như thời ăn cưới (Ga 2,1-12; 3,29); vì thế mà các môn đệ của Ngài không có lý do để ăn chay khổ chế (Mc 2,19; Mt 9,15). Chính đức Giêsu cũng ý thức rằng mình được Thần khí Chúa sai đi để loan Tin mừng cho người nghèo, để công bố sự giải thoát cho những kẻ bị tù đày, áp bức (Lc 4,18-21).

Trọng tâm của sứ điệp vui mừng mà đức Giêsu rao giảng là lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong chương 15, thánh Luca đã gom lại ba dụ ngôn nói về tình thương: Thiên Chúa vui mừng khi tội nhân thống hối, giống như người cha thấy đứa con lạc trở về, giống như người mục tử tìm lại được con chiên lạc, giống như bà lão tìm được đồng tiền rơi trong xó kẹt. Đức Kitô cũng dậy cho chúng ta biết đâu là các mối phúc thật (Lc 6,20-23; Mt 5,2-12). Sứ điệp của các phúc thật cảnh giác chúng ta về những thú vui giả tạo, dựa trên thế lực, tiền của (x. Lc 16,19-31: dụ ngôn trọc phú và Ladarô; Lc 12,16-21: dụ ngôn phú hộ tự mãn), đồng thời vạch cho ta một bí quyết để sống an vui, đó là tín thác nơi sự quan phòng của Cha lành, Đấng nuôi chim trên trời, hoa ngoài đồng (Lc 12,22-32; Mt 6,25-34).

B. Niềm vui của đức Kitô.

Phúc âm không chỉ nói tới việc đức Giêsu mang lại niềm vui cho nhân loại mà thôi; các thánh sử còn mô tả việc Ngài chia sẻ những niềm vui của cuộc đời. Ngài vui với các môn đệ sau khi họ đi giảng về (Lc 10,17-20). Ngài hân hoan chúc tụng Thiên Chúa vì đã mặc khải những bí nhiệm nước trời cho những tâm hồn bé nhỏ (Lc 10,21).

Dù không nói rõ, nhưng ta cũng có thể đoán được là Ngài cũng chia sẻ niềm vui với bà góa thành Naim khi thấy đứa con mình sống lại (7,15-16), của bao nhiêu người tật bệnh được chữa lành (13,17), của ông Dakêo được hân hạnh tiếp rước Ngài vào nhà và thay đổi cuộc đời (19,9), người thu thuế được tha thứ sau khi khiêm nhường thống hối (18,14). Ngài đùa giỡn với các nhi đồng quấn quýt bên mình, đang khi mà các môn đệ trách mắng chúng (18,15-17).

C. Niềm vui trong thời cánh chung.

Tuy nhiên, niềm vui mà đức Giêsu mang lại cho nhân loại chỉ mới có tính cách khai mào chứ chưa trọn vẹn. Niềm vui chỉ trọn vẹn khi không còn lo sợ phải mất đi, không còn pha lẫn với đau khổ buồn rầu. Niềm vui ấy được diễn tả dưới hình ảnh của một bữa đại tiệc (Lc 14,15; 22,16.30).

Thế nhưng, trước khi ngồi chung nhau trong bữa tiệc vĩnh cửu ấy, Chúa Giêsu phải chia tay các môn đệ, để đón nhận cuộc tử nạn trên thập tự. Trong bữa Tiệc ly, ngài nói như sau: "Thầy bảo thật các con: các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng thầy sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai lấy mất được" (Ga 16,20-22).

Cũng trong bài đàm đạo ấy, Chúa Giêsu không những nói tới niềm vui trọn vẹn vì sẽ gặp lại Chúa sống lại (20,20), nhưng còn niềm vui vì được thông dự vào tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con (15,11; xc 1Ga 1,4; 2Ga 12), niềm vui vì được Chúa Cha yêu thương và nhận lời cầu (16,23). Nói tóm lại, niềm vui của các môn đệ là được chia sẻ niềm vui của chính Chúa Giêsu (17,13). Các nhà chú giải đã lưu ý một thành ngữ độc đáo của thánh Gioan, đó là: "niềm vui trọn vẹn" (gaudium plenum, perfectum) phát sinh từ việc kết hiệp mật thiết giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha (14,20) và giữa Chúa Giêsu với các môn đệ (Ga 15,11; 1Ga 1,4; 2Ga 12). Niềm vui ấy đồng nghĩa với sự "bình an", một thứ bình an độc đáo vì là món quà của Chúa, và không ai có thể tước đi được (14,27-28; 16,12.24.33). Thánh Gioan cho ta thấy rằng có một thứ niềm vui của người tín hữu khác hẳn với niềm vui của thế gian: vào lúc đóng đinh Chúa Giêsu, thế gian khoái trá đắc chí đang khi mà các môn đệ buồn phiền. Thế nhưng sau cảnh buồn phiền ngắn ngủi, niềm vui của các môn đệ sẽ tăng gia gấp bội khi gặp lại Chúa phục sinh (16,20; 20,20).

D. Niềm vui trong gian truân

Thánh Luca đã kết thúc Phúc âm với việc Chúa Giêsu lên trời, và các môn đệ trở về Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ (Lc 24,52-53). Tiếp sang sách Tông đồ công vụ, thánh Luca cũng mô tả cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi tràn ngập niềm vui do tác động của Thánh Thần. Niềm vui là hậu quả của tình yêu đồng tâm nhất trí trong việc nghe lời giảng, trong việc cử hành phụng vụ và thông chia tài sản (Cv 2,46; 13,52). Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng không phải các Kitô hữu ấy vui vì suốt ngày ăn chơi múa nhảy. Họ sớm nếm phải cảnh đánh đập, tù đầy, bách hại. Đây là điểm độc đáo của cộng đoàn tín hữu tiên khởi: niềm vui giữa cảnh bách hại (Cv 5,41). Chúa Kitô đã chúc phúc cho những ai phải chịu bách hại vì danh Ngài (Mt 5,11-12). Giờ đây, họ có dịp nếm thử điều ấy. Các thánh tông đồ đã viết thư cho các giáo đoàn để nâng đỡ tinh thần của các tín hữu, giúp họ làm sao giữ được niềm vui giữa những cơn thử thách.

Sự vui mừng nói đây không còn phải là một cảm tính tự nhiên nữa, nhưng là một hồng ân của Thánh Thần. Theo thánh Phaolo, niềm vui là một hoa trái của Thánh Thần, tựa như những hoa trái khác như là: bác ái, bình an, độ lượng, hiền hậu (Gl 5,22). Nói thế có nghĩa là sự vui mừng là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho ta, cùng với hy vọng và tình yêu (Rm 15,13). Thánh Phaolô cũng định nghĩa vương quyền của Chúa được biểu lộ qua sự vui mừng (Rm 14,17). Vì thế niềm vui ấy được gọi là vui "trong Chúa" (Pl 1,25; Rm 15,13), hoặc "trong Thánh Thần" (Rm 14,17; 1Tx 1,6).

Hơn nữa, Thiên Chúa muốn cho chúng ta hãy luôn luôn hoan hỉ (1Tx 5,16-18) trong lời kinh tán tạ. Các tín hữu được thúc giục không ngừng: "nào anh em, hãy vui lên, tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên trong Chúa" (Pl 3,1; 4,4). Như vậy, sự vui mừng của người Kitô hữu không chỉ mang tính cách cá nhân mà còn có chiều kích cộng đoàn nữa, đặc biệt khi sống trọn tình bác ái huynh đệ (2Cr 13,11).

Thánh Phaolô không chỉ trình bày một lý thuyết về niềm vui. Chính ngài đã cảm nghiệm niềm vui dưới nhiều hình thức. Vui vì đức Kitô được loan báo (Pl 1,18); vui vì được thiện cảm của các tín hữu (Pl 4,10). Dù sao, thánh Phaolô cảm thấy được an ủi và vui mừng trong hoạt động truyền giáo, bất chấp những khó khăn trắc trở (2Cr 6,10; 7,4). Ngài thành thực thú nhận rằng mình gặp phải nhiều gian truân bên ngoài cũng như những trắc trở trong nội bộ các giáo đoàn, nhưng ngài đã vui mừng gánh chịu tất cả để bổ khuyết cho những chi còn thiếu trong các sự đau khổ của đức Kitô (Cl 1,24). Thậm chí, chính sự tử đạo sẽ mang lại sự vui mừng cho ngài bởi vì sẽ chóng gặp lại đức Kitô (Pl 2,6). Dù sao thì ta thấy rằng thánh Phaolô nói tới một niềm vui như là hồng ân của Chúa, chứ không phải là niềm vui giả tạo của thế gian. Cũng vậy, chúng ta nhận thấy thánh Phaolô phân biệt cái buồn "theo thế gian" đưa tới tuyệt vọng, và cái buồn "theo Chúa" (2Cr 7,7-10) dẫn đưa tới sự cải hoán.

Để an ủi các tín hữu đang xuống tinh thần vì những cảnh bắt bớ, tác giả thư gửi người Do thái đã khuyên nhủ họ hãy theo gương Chúa Kitô, đấng đã khước từ sung sướng vinh quang, chấp nhận thập giá; và nay Ngài được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa (Dt 12,2). Cũng vậy, khi bị tước đoạt, bị bóc lột các tín hữu hãy vui vẻ chấp nhận, vì biết rằng mình còn có những của vừa quý gia vừa bền vững (Dt 10,34). Điều này được thánh Phêrô nói rõ hơn nữa: "Anh em thân mến, đựơc chia sẻ những đau khổ của đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ" (1Pr 4,13; xc. Gc 1,2).

Tác phẩm cuối cùng của Tân ước cũng được viết ra để nâng đỡ các tín hữu dưới thời bách hại. Tác giả sách Khải huyền loan báo niềm vui bất tận của thời cánh chung ở Giêrusalem trên trời, nơi không còn tang chế khóc than nữa (Kh 21,1-4). Các người được cứu thoát sẽ tham dự tiệc cưới của Chiên trong vui mừng hoan hỉ (19,7).


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng