SỐNG SỨ ÐIỆP FATIMA

SỐNG SỨ ÐIỆP FATIMA

Trần Mỹ Duyệt

Năm 1917, Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima , Bồ Ðào Nha ban cho nhân loại 3 mệnh lệnh:

- Cải thiện đời sống

- Lần hạt Mân Côi

- Tôn sùng Trái Tim Mẹ

Ba mệnh lệnh trên chính là 3 đòi hỏi căn bản và cần thiết mà nhân loại cần phải thực hiện để thế giới được thái bình, chấm dứt nạn Cộng Sản Vô Thần, một chủ thuyết sẽ gieo rắc lầm than, đau khổ và khốn khó cho nhân loại. Ngoài ra, Ðức Mẹ còn tiết lộ cho ba trẻ được thị kiến lúc bấy giờ là Lucia, Giaxinta, và Phanxicô 3 điều bí mật, được gọi là Bí Mật Fatima.

Từ ngày đó, nhân loại đã trải qua những năm tháng chờ đợi trong sự tò mò. Nhiều người muốn biết những điều bí mật ấy là gì, có liên quan như thế nào đến vận mệnh của mình, vận mệnh thế giới? Gần đây, nhân loại đã thở phào nhẹ nhõm khi biết tất cả 3 điều bí mật ấy đã được công bố, nước Nga đã từ bỏ chủ thuyết Cộng Sản, và Cộng Sản Ðông Âu cũng đã tan rã. Không còn Cộng Sản Nga nữa, và 3 điều bí mật ấy cũng không liên quan gì đến con người, và không ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới nên Fatima bắt đầu đi vào quên lãng. Sứ điệp Fatima , vì thế, cũng có ít người quan tâm đến.

Nhưng thật bất ngờ, ngày 8 tháng 1 năm 2009 vừa qua, trong buổi triều yết dành cho các nhân viên ngoại giao của 177 quốc gia có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh, Ðức Bênêđíctô XVI đã phát biểu như sau: “Tương lai bây giờ bị lâm nguy hơn trong quá khứ, nhưng chúng ta không nên ngã lòng, đúng hơn, phải tăng gấp đôi sự dấn thân cho hòa bình.”

Nhân loại lâm nguy:

“Tương lai bây giờ bị lâm nguy hơn trong quá khứ”. Thật vậy, chủ thuyết Cộng Sản do Nga khởi xướng tuy đã được giải thể ở Nga và Ðông Âu, nhưng nó vẫn còn tồn tại ở Trung Hoa, Bắc Hàn, Việt NamCuba . Chủ thuyết Cộng Sản tạm thời chấm dứt, nhưng chủ thuyết Hồi Giáo Cựu Ðoan đang làm cho nhân loại hoảng sợ. Nạn Cộng Sản Vô Thần tuy đã lui vào bóng tối, nhưng một lối sống vô thần khác lại đang ảnh hưởng trầm trọng đến tương lai nhân loại, đó là tư tưởng và lối sống tự do quá khích. Tự do ly dị, phá thai, đồng tính, và hôn nhân đồng tính. 4 chọn lựa này là 4 quái thai của tư tưởng nhân loại thời đại đang tạo nên một bầu tử khí bao trùm sinh hoạt tâm linh con người, khiến Ðức Gioan Phaolô II đã phải đặt cho nó một tên gọi rùng rợn, đó là “văn hóa sự chết”. Và trong thực tế, không mấy ai mà không bị ảnh hưởng, hoặc trở thành nạn nhân của nền văn hóa này.

Thật vậy, nền hòa bình nhân loại hiện đang trên bờ vực thẳm, và tương lai nhân loại không sáng sủa không phải do những vũ khí nguyên tử của Mỹ, Nga, Trung Cộng, và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Không phải do ngòi nổ từ Trung Ðông, hoặc nền kinh tế thế giới kiệt quệ như hiện nay. Nhưng sự bấp bênh, nguy hiểm của tương lai nhân loại nằm trong ảnh hưởng của một nền văn hóa toàn cầu, trong đó, người ta cố tình loại bỏ ảnh hưởng và sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Lịch sử nhân loại đã minh chứng điều này, trong thế kỷ của chúng ta đang sống, mạng người đã bị cướp đi nhiều hơn nhân mạng đã bị giết vì chiến tranh của tất cả các cuộc chiến tranh từ trước cộng lại. Nhìn vào những con số thống kê của các vụ phá thai trên toàn thế giới, con số lên đến hàng chục triệu mỗi năm. Có cuộc chiến nào suốt trong chiều dài lịch sử đã giết chết hàng chục triệu mạng người một năm? Nhân danh tự do lựa chọn, nhân danh quyền làm mẹ, có đến 60 triệu thai nhi bị giết mỗi năm trên khắp thế giới bằng hành động phá thai. Một hành động dã man, lạnh lùng đến kinh hãi nếu chúng ta nhìn bằng cặp mắt của tâm linh, của trái tim biết rung động. Và hệ quả của nó là gia đình tan nát, hôn nhân mất ý nghĩa, tình yêu bị lợi dụng, luân lý bị suy đồi.

Lịch sử cũng đang chứng minh rằng, con người ngày nay đang trải qua những khủng hoảng trầm trọng về niềm tin. Ðối với những ai tin vào Thiên Chúa họ cũng đang trải qua những cơn bắt bớ, trù dập, và tử đạo mọi ngày. Tại các quốc gia Hồi Giáo cực đoan, tại một vài tiểu bang ở Ấn Ðộ, và tại các quốc gia mà chủ thuyết Cộng Sản còn rơi rớt lại như Trung Hoa, Cuba, Bắc Hàn... sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo vẫn đang bị cấm cách, trù dập với trăm ngàn mánh khóe và thủ đoạn của những nhà cầm quyền. Những Kitô hữu vẫn đang phải tử đạo vì niềm tin và tôn giáo của mình.

Trở lên là tội lỗi và hậu quả của những tín hữu, những người không tin vào Thiên Chúa. Còn thành phần tận hiến thì sao? Câu trả lời mà ai cũng tìm thấy rõ ràng qua biến cố lạm dụng tình dục của các giáo sỹ, và một số giáo phẩm ở Hoa Kỳ, cũng như trên khắp thế giới. “Hương khói Satan đã lọt vào Giáo Hội qua những kẽ hở của đời sống tận hiến”.

Những bấp bênh của những giải pháp chính trị, kinh tế, cộng với ảnh hưởng của nền văn hóa sự chết, càng làm cho đời sống Kitô hữu ngày càng trở nên hết sức khó khăn và đầy thách đố. Chiến tranh, loạn lạc và hồng thủy không chỉ diễn ra trên mặt nổi của cuộc đời, mà còn là một trận hồng thủy âm ỷ, sâu lắng trong cõi lòng Giáo Hội, và con người. Ðiều này đã được 3 vị Giáo Hoàng cận đại nhìn thấy và đã từng lớn tiếng cảnh báo. Trước đây hơn nửa thế kỷ, Ðức Piô XII đã phát biểu rằng: “Tội lớn nhất của con người thời đại, là đánh mất đi ý thức tội lỗi”. Tiếp đến, Ðức Gioan Phaolô II thì cho rằng, nền văn hóa ngày nay là một “nền văn hóa sự chết”. Và Ðức Bênêđíctô XVI thì cảnh giác thế giới về triết lý sống “tương đối”.

Sống sứ điệp Fatima :

Do việc đánh mất ý thức tội lỗi, nên con người ngày nay làm điều sai trái mà cứ tưởng mình làm đúng. Làm điều tội lỗi mà vẫn cho mình là sống thánh thiện. Thiên Chúa và Satan. Tà và thiện. Tội và phúc được định giá như nhau và đồng đều theo nhu cầu và sự cần thiết của mỗi người. Trong nền “văn hóa sự chết” này, hôn nhân và đồng tính là hai lối sống được quan niệm đều tốt như nhau, và con người có quyền chọn lựa theo nhu cầu và lối sống. Người ta có quyền mang hoặc hủy bỏ một mạng sống, dù đó là mạng sống của con mình nhân danh quyền tự do lựa chọn. Và người ta cũng có quyền cắt đứt sự sống của một người già cả, nhân danh sức khỏe, sự tốn kém trị liệu, và rất nhiều những lý do nhân đạo.

Những điều xấu xa ấy, trước những vấn nạn không thể giải quyết bằng khả năng con người ấy, Kitô hữu chúng ta phải làm gì? Bỏ cuộc? Hay ngồi nguyền rủa cuộc đời? Nguyền rủa bóng tối?

Rất may, sứ điệp Fatima vẫn là sứ điệp mà con người có thể dùng để giải quyết những vấn nạn của xã hội, và những khó khăn cuộc sống. Trong sứ điệp Fatima , 3 phương thế thực hành đã được Ðức Maria nhắc đến: Cải thiện đời sống. Tôn sùng Trái Tim Mẹ và Lần Hạt Mân Côi. Tuy nhiên, cả ba điều kiện trên đều không dễ thực hiện mặc dù xem ra như nhỏ mọn và tầm thường.

Trên thực tế, chẳng mấy ai nhận mình có lỗi và vì thế cũng chẳn mấy ai nghĩ mình cần phải sửa lỗi. Ðiều này dễ hiểu, vì một khi đã đánh mất niềm tin, đánh mất ý thức tội lỗi, thì làm gì còn thấy mình có lỗi để sửa lỗi. Ðiểm trùng hợp giữa hai nhận xét của Ðức Piô XII và Ðức Bênêđíctô XVI là vì đánh mất ý thức tội lỗi, nên con người thời đại nhìn gì cũng chỉ thấy những giá trị tương đối.

Nhận ra cái tuyệt đối. Phân biệt giữa đen và trắng thì tương đối dễ hơn là phân biệt giữa trắng nhiều và trắng ít, giữa đen nhiều và đen ít. Giữa một cái áo trắng nếu có vết bẩn nào dính vào, nó hiện ra rõ ràng, nhưng trên một mảnh vải đen thì một vài vết bẩn không còn là điều khiến cho ta quan tâm nữa. Cái nguy hiểm của quan niệm và lối sống này làm cho con người không cảm thấy nhu cầu cần phải sửa sai hay thăng tiến. Ảnh hưởng của nó đã biến thành một độc dược tỏa lan trong không khí sinh hoạt để biến nền văn hóa sự sống thành “nền văn hóa sự chết”.

Do đó, để nhận ra điều cần phải sửa đổi cần thiết con người phải tìm gặp và tiếp cận với Ðấng thiêng liêng, cao cả. Và sự tiếp cận ấy là lời cầu nguyện. Mẹ Maria đã giới thiệu phương thế cầu nguyện rất đơn bằng chuỗi Mân Côi. Mẹ cũng lôi kéo tâm hồn con người về với tình thương Thiên Chúa qua hình ảnh trái tim của một hiền mẫu.

Ðể phục hồi nền văn hóa sự sống, để cứu vãn nhân loại và thế giới khỏi đi sâu vào con đường diệt vong, con đường tự hủy diệt, cần phải có một phép lạ. Nhưng phép lạ ấy sẽ không thể nào sẩy ra nếu không có sự can thiệp của Mẹ. “Người bảo gì hãy làm như vậy” (Gio 2:5), đó là lời của Ðức Trinh Nữ Maria đã nói với các gia nhân trong bữa tiệc cưới tại Canna, và vì làm như lời Mẹ dậy bảo, nên phép lạ nước lã hóa rượu đã được thực hiện.

Nhân loại ngày nay cần những phép lạ của niềm hy vọng để có thể tin tưởng vào Con của Ðức Trinh Nữ Maria giữa một thế giới đã đánh mất niềm tin. Nhân loại ngày nay cũng cần những phép lạ của tình thương giữa một thế giới chết chóc, giữa một thế giới mà nghi kỵ, thù hận gây ra bởi mất niềm tin vào Ðấng đã yêu thương con người nên đã hóa thân làm người. Tất cả những phép lạ này đều được thực hiện bởi Chúa Giêsu, Con Mẹ Maria.

Sứ mạng của hồn nhỏ là yêu thay và đền thay.

Nghề của hồn nhỏ là cầu nguyện.

Nhưng chúng ta không thể yêu được, đền được, cũng như cầu nguyện sốt sắng được nếu như chúng ta không tiếp cận với Chúa qua Mẹ Maria. “Per Mariam ad Jesum”. Nếu Chúa Giêsu là đấng làm nên phép lạ, thì Mẹ Maria là người đề nghị và cầu xin phép lạ ấy cho chúng ta: “Họ hết rượu rồi” (Gio 2:3). Vậy hãy nghe lời Mẹ dậy: “Cải thiện đời sống. Siêng năng lần hạt, và Ðền Tạ Trái Tim Mẹ”. Sứ điệp Fatima vẫn chưa phải là sứ điệp lỗi thời và nó không thể bị quên lãng, vì: “Tương lai bây giờ bị lâm nguy hơn trong quá khứ, nhưng chúng ta không nên ngã lòng, đúng hơn, phải tăng gấp đôi sự dấn thân cho hòa bình.” (Bênêđíctô XVI).


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI TỘI LỖI, VÀ ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA KHI CÒN CƠ HỘI TRÊN THẾ GIAN NÀY
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng