SỐNG 8 Con cái của Mẹ Maria 9 Những chi thể sống của nhau

CHƯƠNG 8

CON CÁI CỦA MẸ MARIA

1. Nazareth và Canvê.

Cha Rôh, dòng Tên, với tài ứng đáp linh lẹ, với tinh thần vui vẻ, một hôm đã nói với một mục sư Tin Lành phái Luthêrô ở Hambourg, nước Đức rằng:

"Chúng tôi thì khác, là những người công giáo, chúng tôi giữa được nét tươi vui, tính vui vẻ. Còn các ngài, anh em Tin Lành, các ngài luôn luôn khô khẳng, so đo, do dự, buồn sầu!"

- Đúng thế, vị mục sư thú nhận. Nhưng nhận xét như thế rồi, xin Linh mục cho biết lý do tại sao?

Cha Rôh một con người không bao giờ biết lúng túng, đã điềm tĩnh trả lời

- "Ồ được, tôi sẽ nói rõ, thưa mục sư:

Trong một nhà, vắng bóng bà mẹ, là cả một sự tiêu điều. Khi bà còn sống, con cái vui nhộn, lanh lợi, nhanh nhẹn; lúc bà khuất đi, đàn trẻ đâm ra ủ rũ, trầm mặc, buồn sầu...Theo chủ trương canh tân của các ngài, các ngài không còn Mẹ nữa!...Chúng tôi người Công Giáo, chúng tôi có bà Mẹ này, Người là mẹ Thiên Chúa cùng là Mẹ chúng tôi. Đó là lý do khiến chúng tôi vui vẻ, Còn quý vị Tin Lành, vì lỗi của quý vị đã mất người Mẹ. Vì thế quý vị khô khan và buồn bực".

"Bạn có biết, Victor Hugo đặt câu hỏi, có một bà mẹ nghĩa là gì không? Bạn, bạn có mẹ không? Bạn có biết một đứa con, đứa con khó nghèo, yếu đau trần truồng khốn khổ, đói khát, cô đơn ở trần thế là gì không? Và bạn có cảm thấy bạn có kề bên bạn, quanh bạn, ở trước bạn, một người đàn bà, đi khi bạn đi, dừng khi bạn dừng, nhoẻn miệng cười khi bạn khóc?

- Người nhìn bạn, dạy bạn nói, dạy bạn đọc, dạy bạn yêu, ủ ấp những ngón tay bạn trong lòng tay Người, thân thể bạn trên gối Người, tâm hồn bạn trong tâm can Người, bú mớm khi bạn còn bé thơ, cơm bánh lúc bạn khôn. Rồi suốt đời bà, bạn gọi người: mẹ con! và người gọi lại bạn: con mẹ! một cách hết sức dịu dàng, đến nỗi hai tiếng gọi đó làm Chúa cũng hài lòng".

Một quả tim người mẹ, quả tim của bất cứ người mẹ nào, là cả một vực thẳm lòng tốt nhân từ. Còn về quả tim Mẹ Maria thì phải nói sao đây? "Tâm can Mẹ Maria, cha thánh sứ Ars nói, rất dịu dàng, âu yếm chúng ta đến tất cả quả tim các bà mẹ hợp lại cũng ví thể như một mảnh gương đặt cạnh trái tim Người!".

Trước hết, Đức Maria có thực sự là Mẹ chúng ta không?

Có. Tại sao? Hai cảnh trong phúc âm cho bạn câu trả lời:

Bức hoạ thứ nhất:

Nazareth, thành phố nhỏ xứ Galilêa. Giữa những dãy nhà trắng xóa, hiện ra một căn khiêm tốn của Đức Trinh Nữ Rất Thánh.

Sứ thần Gabriel đến gặp Maria và thưa: "Kính chào cô, cô có phúc hơn mọi người nữ...Cô sẽ thụ thai và sinh một con trai. Cô sẽ gọi là con Đấng Tối Cao. Nước người sẽ không bao giờ cùng. Cô có bằng lòng ưng nhận thiên chức làm Mẹ này không?" Maria trả lời: Fiat? xin vâng" (Lc 1).

Ngay lúc đó, Thiên Chúa xuống trong lòng Mẹ Maria. Với thịt và máu của Maria, Ngài cấu thành một thân xác con người, và tạo dựng một linh hồn con người kết hợp với thân xác. Với bào thai mới này, Thiên Chúa con kết hợp bản tính thần linh Người, một cách hết sức chặt chẽ đến nồi hai bản tính chỉ làm một ngôi vị, và chính là Ngôi vị thần linh:

Ngôi Hai Thiên Chúa. Maria trở thành người Mẹ của Con Người Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô.

Mẹ Chúa Kitô, Maria cũng là Mẹ chúng ta.

Lý do: Vì ơn thánh hóa là cho chúng ta trở thành anh em của Chúa Kitô. Mẹ của Anh chúng ta, là Mẹ chúng ta.

"Maria, sách thánh nói, sinh con đầu lòng" (Lc 2:7).

Con đầu lòng, là Chúa Giêsu, kế tiếp là chúng ta.

Tại sao Đức Maria là Mẹ chúng ta? Vì ơn thánh hóa làm chúng ta nên chi thể Chúa Kitô. Chúa Kitô toàn diện, nhiệm thể Chúa Kitô gồm một đầu, là chính Chúa Kitô đích vị, và các chi thể, là chính chúng ta. Là Mẹ của đầu, Đức Maria cũng là Mẹ các chi thể. Mẹ chúng ta. "Không bà mẹ nào sinh đầu mà không sinh các chi thể, và sinh chi thể mà không sinh đầu: nếu không đó phải là một quái thai. Trong trật tự ơn Thánh cũng thế, đầu và chi thể sinh ra do cùng một bà mẹ; và nếu một chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô sinh ra không phải do Đức Maria, Người đã sinh ra đầu, thì đây không phải là chi thể Đức Giêsu Kitô, nhưng là một quái vật trong trật tự ơn thánh" (Thánh Grignon de Montfort).

Như vậy Đức Maria là Mẹ các chi thể, Mẹ chúng ta cùng theo một thể cách như Người là Mẹ Chúa Giêsu, vị thủ lãnh phải không? Chắc chắn là không phải thế. Là Mẹ Chúa Kitô theo bản tính, còn với chúng ta, theo ơn thánh. Nhưng, là Mẹ thật chúng ta. "Từ giây phút thưa: "xin vâng" Đức Maria bắt đầu cưu mang chúng ta trong lòng" (Thánh Ansenmô).

Mỗi sáng, khi nghe ba tiếng chuông dõng dạc, kinh nguyện "Truyền Tin" (Angelus) đánh thức bạn dậy: dậy đi, hỡi các con cái loài người, hãy đến bắt tay làm việc đi: ồ, tốt lắm, tiếng chuông đó nhắc lại cho chúg ta, ngay khi vừa mở mắt thức giấc, mầu nhiệm lớn lao của Kitô giáo: mầu nhiệm Con Thiên Chuá nhập thể! Chúng ta sẽ ra sao nếu Ngôi Lời không mặc lấy xác phàm và không ở giữa chúng; nếu Trinh Nữ Maria không ưng thuận tiếng kêu gọi Người và không đáp lại: "Xin vâng"! Nhờ Mầu nhiệm này, ngày sống chúng ta bắt đầu phải là một ngày sống của một tạo vật thuần túy và đơn thường, nguyên để lo những công việc tầm thường sinh nhai. Nhưng đó là một ngày sống của con người đã được ơn thánh thần linh hóa, của con người đã trở nên người em và là chi thể của Con Thiên Chúa, con Đức Maria.

Bức họa thứ hai.

Đồi canvê. Chiều thứ sáu tuần thánh. Giêsu bị đóng đinh, mình đầy máu bị treo trên thập giá, giữa trời và đất. Maria, Gioan, các phụ nữ nhân đức, các lính hành hình. Đám người tò mò đi coi. Giêsu nhìn Mẹ Người và gần Mẹ Người, môn đệ yêu dấu, Người thưa với Mẹ: "Thưa Bà, này là con Bà". Rồi bảo môn đệ: "Này là Mẹ con" (Jn 19).

Gioan là ai? Đây không phải chỉ một mình Gioan, nhưng là Gioan và mỗi người chúng ta, vì bất cứ ai sống trong ơn thánh đều không phải chỉ là một con người đơn thuần, nhưng là một chi thể của Chúa Kitô, Giêsu, Gioan, chúng ta: tất cả chỉ làm nên một, một Kitô duy nhất toàn vẹn, một người con độc nhất của Maria. Maria thực là Mẹ chúng ta.

Tại Nazareth. Maria cưu mang chúng ta trong lòng. Tai Bêlem, Maria sinh chúng ta, nhưng không phải đau đớn. Trên đồi Canvê Maria sinh chúng ta trong nước mắt với lòng tan nát.

Không phải chính thiên chức làm Mẹ này đã làm cho Đức Trinh Nữ Maria hết sức cảm thông với người tội lỗi, nhất là lúc họ hấp hối sao?

Kinh Thánh ghi chuyện bà góa Thécua có hai đứa con. Anh em đánh nhau, một đứa bị giết chết. Đứa con giết người bị kết án tử hình. Người Mẹ ra trước Tòa, sấp mình dưới chân vị chánh thẩm: "Thưa ông, xin ông thương phận người góa bụa đáng thương. Tôi đã mất một đứa con, xin ông đừng giết đứa con sót lại". Chúng ta có thể trông thấy Đức Maria, lúc thần chết đến gõ cửa nhà một trong những người con đang lao mình dưới chân Chúa Cha: "Lạy Chúa, con đã trao đứa con đầu lòng là Giêsu rồi, nhân danh những đau khổ của nó và của con, xin Chúa đừng cất đứa khác của con. Xin đừng đánh phạt nó suốt đời. Xin hãy cải hóa nó. Xin thương nhận lời một người mẹ đáng thương". Thiên Chúa có thể chống lại lời khẩn cầu van xin toàn năng này không?".

Một người sắp chết không xưng tội vì ngã lòng tuyệt vọng, hoảng sợ vì đời mình đầy tội lỗi gớm ghê. Thánh Vinxentê Phaolô chạy tới. Ngài bảo: "Này bạn, bạn có biết Chúa Giêsu Kitô chết trên thánh giá cho bạn, mà bạn lại nghi ngờ lòng xót thương nhân từ của Ngài sao?".

- Tôi muốn chết đầy ải trong hỏa nhục để làm Chúa Kitô phải khó chịu.

- Còn tôi muốn lôi bạn khỏi án phạt để làm Người vui lòng!".

Lập tức Vinxentê mời mọi người chung quanh đọc kinh Kính Mừng, để nhờ sự trung gian của Mẹ Maria người tội lỗi cứng cổ này được trở lại đường ngay...Và này đây, tâm can của người khốn khổ đã xúc động, đã thay đổi. Ông ta xin xưng tội. Và chết lành.

Ngày 12 tháng giêng năm 1921, Đức Thánh Cha Bênêdictô 15 chấp thuận cho các địa phận bên Bỉ cũng như các địa phận khác có đơn thỉnh cầu, được phép cử hành một lễ đặc biệt tôn kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, Đấng Trung gian thu nhận và phát các ơn Thiên Chúa.

1) Maria là đấng Trung gian phổ quát trong việc thu nhận các ơn thánh. Tại sao? Vì Maria là đấng đồng công giải phóng nhân loại. Tất nhiên không phải chính Maria đã tạo hiện chính công cuộc cứu đời này. Vì Mẹ không phải là Thiên Chúa. Nhưng Mẹ Maria đã đồng công cứu chuộc như thế nào? Khi Mẹ chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Không có tiếng "xin vâng" của Đức Nữ Trinh, không có sự nhập thể, không có sự cứu chuộc. Đó là bài học của Thánh Truyền để lại cho chúng ta. Ngoài ra, Mẹ Maria đã đồng hợp tác vào việc giải cứu nhân loại như thế nào? Bằng cách kết hợp những đau khổ của Mẹ với đau khổ của Con Chí thánh Mẹ. Cái viễn tượng một ngày kia Con mình sẽ phải chết trên thập giá hằng ngày xâu xé lòng Mẹ Maria. Đến giờ phút chịu nạn, Mẹ có mặt dưới chân cây thập giá, Mẹ đứng kề bên con. Nhờ hiệp sự hy sinh mình với sự hy sinh Chúa Kitô. Mẹ Maria là đấng đồng công cứu thế và là vị Trung gian đại đồng trong việc thâu nhận các ơn Thiên Chúa.

2) Maria, vị Trung gian trong việc phân phát các ơn thánh.

Chắc chắn Thiên Chúa có thể ban các ơn thánh cho chúng ta không cần tới sự trung bảo của Mẹ Maria. Nhưng cứ thực, Ngài đã muốn mọi ơn Thánh, không trừ một ơn nào, đến với chúng ta chỉ qua tay Mẹ Maria phân phối. Chính Thánh Truyền dạy chúng ta điều đó. Giáo Hội không bảo Đức Maria là lẽ sống của chúng ta, là hy vọng của chúng ta, là duyên do phần rỗi của chúng ta, là Mẹ ơn Thiên Chúa, là Đấng bào chữa đền bồi cho nhân loại đấy sao?

2. Tất cả chúng ta đều qua tay Đức Maria.

Lời Thánh Bênadô: Quả thực, nếu chúng ta được cứu khỏi tội, chính là nhờ Mẹ Maria. Evà đã là trung gian của đổ nát sa ngã, thì Maria là trung bảo của ơn thánh.

Mẹ Maria đã ban cho chúng ta tác giả ơn thánh: Đức Giêsu. Trong Chúa Giêsu, Mẹ đã cho chúng ta thủ lãnh của nhiệm thể mà chúng ta là những chi thể. Vị ân nhân của chúng ta, Đấng trước đây đã ban cho chung ta ơn thánh của các ơn thánh, và là sự tái sinh, đã chủ trương hạn chế các ơn huệ của người hay sao? Không, Từ Trời cao, Người vẫn là Đấng Trung bảo của chúng ta. Tại sao? Vì Người, vẫn là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta, và vì sự trung bảo của Người bao quát mọi ơn thánh Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ công nghiệp Chúa Giêsu. Ai giữ vai trò như vậy trong ơn huệ của Chúa Giêsu, mà lại không thể không có ảnh hưởng thực sự vào việc phân phát ơn thánh đây, có thể nói được chỉ là sự khuếch tán và nối dài Chúa Giêsu. (P. Bainvel)

- Ôi! Mẹ Thiên Chúa, không ai được giải thoát mà không do Mẹ - Thánh Germaine de Constantinople đã thốt lên; không ai thoát khỏi nguy cơ chìm đắm nếu không có Mẹ. ôi Mẹ Trinh khiết; không ai chiếm được một phần trời nếu không có Mẹ; ôi người của Thiên Chúa. "Không ai có một ơn sủng nào từ trời ban xuống trần gian mà không qua tay Đức Maria, lời Thánh Phêrô Đamianô". "Tất cả những gì liên quan về ơn thánh từ trời xuống đều qua Mẹ Maria" (Thánh Ambrôsiô). "Chính từ Đức Maria mà chúng ta lãnh được tất cả những gì từ trời cao đến với chúng ta" (Thánh Bônaventura).

Thánh Bernardin de Sienna: "Mọi ơn thánh đến với loài người qua ba bậc hoàn toàn sắp xếp thứ tự: Thiên Chúa chuyển thông cho Chúa Kitô, từ Chúa Kitô qua Đức Trinh Nữ Rất Thánh, từ bàn tay Đức Maria ơn Thánh xuống với chúng ta".

Năm 1830, Đức Trinh nữ hiện ra gặp thánh nữ Catarina Labouré. Mình vận áo trắng dài. Trên vai khoác chiếc áo choàng trắng nõn. Chân đạp con rắn. Đôi tay mở rộng và chiếu ánh sáng xuống phía địa cầu chúng ta. Từ đôi bàn tay người, mang đầy nhẫn và đá ngọc quý báu, tỏa ra những tia sáng chói. "Đó, Đức Trinh Nữ nói, là biểu tượng các ơn sủng Mẹ giải tỏa trên những người kêu xin Mẹ". Nơi tay người, cũng có những viên kim cương nguyên vẹn, không phát ánh sáng. Theo lời Thánh Nữ Catarina, thì đó là những biểu tượng các ơn thánh đến với chúng ta, những ơn chúng ta xin hay những ơn chúng ta không cầu xin, đều qua Đức Maria.

Đức Trinh Nữ Maria chỉ có thể nghỉ ngơi khi trái đất không còn nữa. Cha thánh xứ Ars nói: "Tôi nghĩ rằng, Đức Trinh Nữ Rất Thánh sẽ được an nghỉ khi đã thế mạt, chứ bao lâu thế giới còn tồn tại, thiên hạ còn lôi kéo Người tứ phía. Người như một bà Mẹ đông con; luôn luôn người bận bịu phải đi thăm hết đứa này đến đứa khác".

Một bảo đảm phần rỗi.

Thánh Anphongsô Liguori nói: "Không thể nào một đầy tớ của Mẹ Maria lại bị luận phạt, miễn là nó trung thành phụng sự và phó thác nơi Người". Học thuyết này, thánh nhân đã dựa theo theo thẩm quyền của Giáo Hội, của các Giáo Phụ cũng như các Thánh. Kết luận: Nếu bạn trung thành phụng sự Mẹ Maria và nếu bạn kêu khẩn người, chắc chắn bạn sẽ được cứu rỗi.

Cuộc đời Thánh Anphongsô là một bằng chứng cho thấy người đã áp dụng học thuyết tràn đầy an ủi này như thế nào. Với những người quen biết, những ai có dịp gặp người, luôn luôn người nhắc họ: "Con hãy sốt sắng kính mến Mẹ Maria và Mẹ cứu con". Hơn nữa, người đã tuyên bố: "Nếu tất cả những người đến gặp tôi, mà họ đem về từ phòng tôi lòng mến Đức Mẹ, cũng đủ cứu rỗi họ rồi".

Một thanh niên sắp sửa bước vào năm tập. Ba lần anh đến xin cha thánh chúc lành, ba lần anh nhận được lời khuyên này: "Nếu con muốn kiên trì, luôn luôn hãy phó thác cho đức Trinh Nữ rất thánh".

Với công phúc dồi dào, vị Tiến sĩ Giáo Hội, đã phó mặc phần rỗi mình tùy lệ vào lòng sùng kính Mẹ Maria. Một buổi chiều - những năm cuối đời - vị lão thành khả ái áy náy tự hỏi xem trong ngày mình đã lần hạt chưa, thầy coi bệnh, để trấn an Ngài, đã trả lời: "Con tin là cha đã lần hạt rồi".

- Con tin thế à? Con có chắc không? Con không biết phần rỗi của cha tùy thuộc vào sự sùng kính này sao?".

Lòng sùng kính Mẹ Maria là một bảo đảm phần rỗi cho ai?

1) Cho người công chính, những người sống trong tình trạng ơn thánh. Thánh Gioan Berchmans đã nói: "Nếu tôi yêu mến Mẹ Maria, tôi cầm chắc sẽ bền đỗ và tôi sẽ được Thiên Chúa ban cho tất cả những điều tôi muốn".

2) Cho những người tội nhân có thiện chí: Nghĩa là những người sống trong tình trạng tội trọng, nhưng muốn thống hối trở về đường công chính.

3) Một tội nhân, hiện thời, không có can đảm cải hối, họ trì hoãn nay mai. Nhưng giả thuyết hàng tháng họ giữ một tập quán đọc kinh Kính Mừng. Đọc với cả tâm tình, liệu họ có được giải thoát nhờ lòng sùng kính Mẹ Maria của họ không?

Thánh Anphongsô nghĩ rằng, phần rỗi họ, xét theo luân lý có phần chắc chắn.

Ý kiến này hình như được xác nhận qua một giai thoại thú vị được kể lại trong tiểu xử Cha thánh xứ Ars. Một hôm trong đám người hành hương, có một bà mang đại tang đứng trong nhà thờ. Bà rất đỗi buồn khổ. Chồng bà, một người bỏ đạo, đã nhảy sông tự tử và đã chết không được ăn mày các phép. Cha thánh đi qua. Trước khi bà có thể thưa chuyện, Người đã ghé tại bảo và: "Ông nhà đã được cứu rỗi".

Người đàn bà bàng hoàng bối rối. "Tôi đã bảo, Ông ta đã được cứu rỗi mà". Bà trả lời bằng dáng diệu hoài nghi. Bấy giờ Người nhấn từng tiếng: "Tôi bảo bà là ông ta được cứu rỗi, ông ta hiện ở luyện tội, và phải cầu nguyện cho ông ta. Giữa nhịp cầu và dòng nước, ông đã có giờ ăn năm thống hối. Bà có còn nhờ trong tháng Đức Mẹ, bà đã cho dựng chiếc bàn thờ trong phòng bà không? Thỉnh thoảng chồng bà, mặc dầu bỏ đạo, cũng đến hợp lời cầu nguyện với bà. Thái độ đã đem lại cho ông ta được hưởng ơn thống hối và sự tha tội vào phút cuối đời".

4) Còn số phận người tội lỗi không có thiện chí hoặc cứng cổ thì sao? hạng người này, tôi muốn hiểu người không muốn cải thiện, họ bảo: "Vì một kinh Kính Mừng sẽ cứu rỗi, tôi có thể thả cửa tung hoành thỏi thích". Một lòng "Mộ mến" táo bạo, võng đoán như thế có phải là một đảm bảo phần rỗi không?

Nghìn lần không. Thánh Anphongsô đã ghi chú rõ ràng: "Khi tuyên bố một người đầy tớ đích thực của Mẹ Maria không thể nào bị luận phạt, không có ý nói tới những người dựa vào lòng kính mến đối với Mẹ Maria để phạm tội tự do hơn. Chúng tôi bảo rằng, những người táo bạo này, vì lòng tự tin tự phụ, họ đáng bị đối xử gắt gao và không đáng khoan dung nhân từ".

Những người khốn khổ phải buông xuôi bỏ dở lòng sùng kính Mẹ Maria sao? một số người, dù lòng tôn kính này yếu ớt đến đâu vẫn còn có thể là tấm ván cấp cứu cuối cùng. Có biết bao trường hợp trở lại mà căn nguyên hiển nhiên phát hiện trong đống vụn đổ nát của lòng sùng kính Đức Maria, còn được duy trì nhờ mỗi ghi niệm của một bà mẹ hay một người chị, một tập quán mỗi chiều đọc kinh Kính Mừng Maria, mẫu ảnh vảy đeo trên ngực, việc tham dự thánh lễ đều đều, nhân vài ngày lễ mừng kính Nữ Vương Thiên Quốc (Mgr. Pavy).

Còn có thể kể ra hằng trăm sự kiện minh xác hùng hồn cho lời quả quyết trên đây. Một trong những việc hiển nhiên nhất là việc trở lại của Đại úy Laly. Trong thời khủng bố tại Pháp, Laly là một trong số người dữ tợn nhất, và nghịch đạo nhất giữa cả thế giới chồng chất biết bao quát vật hung hăng bách hại các linh mục trung tín thời đó. Người ta không tài nào đủ can đảm đọc nổi những xâm phạm và cựu hình đủ loại Laly đã gây cho các ngài.

Ít lâu sau, con người ghê tởm thuộc phái Jacobin cùng với cả gia đình rơi vào một tình cảnh khốn nạn kinh khủng. Nhiều lần, một vị linh mục tìm cách lôi kéo ông ra khỏi tình trạng tuyệt vọng nặng đè trên tâm hồn con người gớm ghê và bị mọi người kinh tởm. Laly chỉ đáp lại những vận động của vị linh mục bằng yên lặng hoặc bằng những lời xỉ nhục tục tằn. Tuy nhiên một hôm, chính lúc tưởng như hết hy vọng, mọi người đã không khỏi ngỡ ngàng thấy Laly bước vào thánh đường, với thân người tan nát vì đau khổ, khiêm cung thống hối. Laly đây không còn là Laly của những ngày qua nữa. Sau khi xưng hết tội và đã lãnh nhận sự tha thứ, Laly đã thố lộ cho vị giải tội biết trong đời ông, không bao giờ ông bỏ đọc mỗi ngày một kinh Kính Mừng Maria để chu toàn một lời hứa với bà mẹ đạo đức khi tắt thở, ngay cả trong những ngày cuồng loạn ghê rợn nhất thờ cách mạng. Kinh Kính Mừng đã cứu ông. (Cha Terrien)

3. Ít...Nhưng kiên trì.

Các thánh đều đồng quả quyết với thánh Bênađô và Anphongsô Liguori rằng: Một người con của Đức Maria không bao giờ mất linh hồn, và không thể nào một đầy tớ của Mẹ Maria lại bị luận phạt được. Nhưng để thành một đứa con, một đầy tớ của Đức Maria, phải làm gì? Đó cũng chính là câu hỏi các vị tiến sĩ đã nêu hỏi thánh Gioan Berchmans. Thánh nhân trả lời: "Ít, nhưng kiên trì" (Modicum, dummodo constans). Một việc rất ngắn nhưng điều cốt yếu là cần phải kiên trì thực hành cho đến chết.

Mỗi ngày đọc ba kinh Kính Mừng sáng chiều - nếu có đọc, qùy đọc. Ba kinh Kính Mừng, một thực hành ngắn ngủi và dễ giữ. Cũng nên thêm lời than: "Lạy Đức Maria chẳng mắc tội tông truyền, chúng con chạy đến cùng Mẹ, xin cầu cho chúng con". Hay câu khác theo lời khuyên của Thánh Anphongsô: "Mẹ ôi, xin giữ con khỏi mặc tội trọng trong ngày hôm nay (hoặc chiều đến: trong đêm nay)".

Thánh Antôn thành Pađu (Padoue) là một trong những vị tiên khởi khuyên đọc ba kinh Kính Mừng. Mục đích đặc biệt người nhắn là tôn kính nhân đức đồng trinh của Mẹ Maria và xin Mẹ ban ơn cho hồn xác được sự trinh trong hoàn toàn. Sau này, Thánh Léonard de Fort Maurice truyền đọc ba kinh Kính Mừng để tránh mọi tội trọng, ban ngày cũng như ban đêm. Hơn nữa, người hứa phần rỗi một cách chắc chắn cho những ai kiên tâm liên tục trung thành thi hành. Riêng Thánh Anphongsô còn khuyến khích việc đạo đức này mạnh mẽ hơn và thường dùng ra việc đền tội cho những người không có tập quán thi hành việc này. Đặc biệt thánh nhân khuyên các bậc cha mẹ và các vị giải tội coi sóc cho các con em đọc cẩn thận và đều đều sáng chiều mỗi ngày. Theo gương Thánh Léonard, Người còn khuyên nhủ van nài mọi người, sốt sắng cũng như tội nhân, đàn ông cũng như đàn bà, thanh nam cũng như thanh nữ, tất cả đọc những kinh cầu nguyện đó kính Đức Mẹ. Chính người thuật lại chuyện một chàng thanh niên ngụp lặn trong tội tới xưng. Vị linh mục không thể nào ban phép giải tội cho anh. Người khuyên anh đọc mỗi ngày ba kinh Kính Mừng. Sau một thời gian, người bạn trẻ trở lại với một vài tội nhẹ để xưng thôi. Chính chàng đã nói: "Mỗi sáng con đọc ba kinh Kính Mừng. Thiên Chúa đã giải thoát cho con các chước cám dỗ".

Năm 1604, ở Bruxelles (Bỉ) có hai chàng thanh niên bê tha trụy lạc. Một hôm sau khi đã phạm tội nặng về trong một căn nhà, một anh ở lại, một anh ra về. Về tới nhà vừa lúc đặt mình xuống gường, chàng sực nhớ mình chưa đọc ba kinh Kính Mừng như thói quen vẫn đọc. Dầu thân đã mệt mỏi rã rời, chàng cũng cố gắng đọc cho qua. Rồi vừa chợp mắt, nghe có tiếng gõ cửa. Đứng dạy mở, chàng thấy gì? Người đồng bạn xấu xa đem đủi, ghê rợn, chàng thét lên: "Ông là ai? - Thôi anh ơi, tội tôi qúa. Tôi đã bị luận phạt! Ngay vừa bước ra khỏi căn nhà đó, thÄng qủy đã lao tới, giết chết tôi. Xác tôi vẫn còn ngoài phố. Anh hãy biết rằng, án phạt đó chờ cả anh nữa. Chính Đức Trinh Nữ Rất Thánh đã gìn giữ anh, nhờ ba kinh Kính Mừng anh đã đọc để tôn kính Người. Bóng lạ biến đi. Chàng Sinh viên qùy gối ta ơn Đức Mẹ Maria với những giọt nước mắt đầm đìa thống hối ăn năm và xin vào một Tu viện đền tội. Chính vị đánh kính Richard de Hamme sur Heure (Hainaut) được phong chân phước năm 1867 đã được chứng kiến cái chết của người trai phóng đãng kia. Nhờ đó người đã dứt khoát vào Tu viện để rồi lãnh cành vạn tuế tại Nhật Bản.

Cha Prouvost. Dòng Chúa Cứu Thế, một hôm đã nói trên toà giảng: "Tôi thách anh chị em không cải thiện trở lại đường ngay, nếu anh chị em hứa với tôi anh chi em đọc ba kinh Kính Mừng, chiều nay, trước khi đi ngủ vơi lòng ước ao trở về cùng Thiên Chúa".

Một tội nhân gộc chấp nhận cuộc thách đố. Trở về nhà đọc ba kinh Kính Mừng Maria. Lập tức ông cảm thấy trong người biến đổi. Tâm hồn ông trào dâng luồng xúc động. Ông không thể ngớt đọc đi đọc lại kinh Truyền Tin. Cứ lập đi lập lai tới khuya. Sáng sau, muốn đi làm việc, nhưng ông cảm thấy có một sức mạnh vô cùng ghì giữ ông. Ông kêu lớn: "A ha! chính những kinh Kính Mừng Maria trở lại" Rồi ông đọc kinh Cuối cùng không thể cưỡng lại lòng ước muốn đi xưng tội, ông tới gặp linh mục, thì thấy quanh tòa giải tội của Cha Prouvost đã đông nghẹt những người đứng chờ rồi. Không thể chờ được, ông rẽ đám đông và quỳ xuống: Thưa Cha, con là người trở lại của Đức Maria". - " Con nói to hơn tí" - "Lạy Cha, xin cha hãy nói cho đám đông biết con là người trở lại của Đức Mẹ Maria, cho họ biết con là người đã chấp nhận cuộc thách đố chiều qua". - "Nhưng con ơi, không thể được, vì luật ấn tòa giải tội không cho phép cha nói". - "A, Cha không nói để con nói" Bước ra khỏi toà giải tội, tội nhân la lên: Tôi là đứa con trở về của Mẹ Maria: Ông bà anh chị em cứ việc kể lại đều đó khắp nơi! Từ nay tôi là một người Kitô hữu thực sự".

Hôm đó. niềm hân hoan của Linh Mục quả thực to lớn, còn ảnh hưởng kéo dài mãi một năm sau. Rảo qua xứ đạo, người mà Linh mục gặp đầu tiên, chính là đứa con trở về của Đức Maria. Câu chuyện bắt đầu:

- Sao, con khỏe không?

- Ồ, thưa Cha, con hiểu. Cha muốn nói về linh hồn con. Được, con xin tuyên bố với cha là từ tuần đại phúc, con không hề phạm một tội trọng. Không còn xỉ vả phạm thượng, không còn vô độ chơi bời. Đức Trinh Nữ Maria nhân từ canh giữ con và con vẫn là đầy tớ của Người.

Trong số những việc thực hành tỏ lòng sùng kính Mẹ, chúng tôi còn muốn nêu ra hai việc, rất quan trọng: Áo Đức Bà và tràng hạt Mân Côi.

Câu chuyện Đức Trinh Nữ hiện ra với Simon Stock. Bề trên cả Dòng Carmelo tại Cambridge (Anh Quốc) năm 1251 hẳn không còn lạ gì. Trao cho Ngài tấm áo Đức Bà, Mẹ Maria đã bảo: "Ai khi chết mặc áo này, sẽ được cứu thoát khỏi lửa đời đời". 70 năm sau, Đức Thánh Cha Gioan XXII mạnh mẽ quả quyết đáng tin và hơn 20 năm vị Giáo Hoàng đồng ý như vậy. Cần phải nghĩa gì nữa vễ đặc ân này?

Đây là ý kiến Đức Bênêditô 14: "Bản văn không có ý nói: Người hạn định với việc đó, nhưng: việc thực hành này, nếu ăn hợp với đời sống đã chấp nhận, sẽ trở thành một nguồn giải thoát". Ai táo bạo ngạo nghễ tin lời hứa thánh Simon Stock đã truyền lại, rồi thả cửa đắm chìm tội lỗi và trên gường chết khước từ sự cứu chữa của Giáo Hội, thì không có quyền được hưởng sự giải thoát. Đối với tội nhân không ăn năn thống hối, thì có đến 100 chiếc áo Đức Bà cũng không kéo họ ra khỏi hỏa ngục được. Nhưng vấn đề tìm biết xem Mẹ Maria có cho phép một kẻ khốn nạn, đeo áo Mẹ, có thể ngoan cố tới cùng không. Câu hỏi lời sau đây có phần chắc thực: Không một người tội lỗi nào, mang áo Mẹ, sẽ chết mà không ăn năn thống hối. Nhưng một người tội lỗi nhất định không chịu ăn năn thống hối, chắc chắn họ sẽ chết không mang áo Mẹ.

Từ năm 1910, chúng ta đã biết áo Đức Bà có thể thay thế bằng một mẫu ảnh đã được làm phép có hiệu quả như áo Mẹ, một mặt mang hình Rất thánh Trái Tim Chúa Giêsu, mặt kia in hình Mẹ Nữ Trinh Rất Thánh.

Tràng hạt Mân Côi không có cùng đảm bảo hữu hiệu như áo Đức Bà, nhưng có một mãnh lực tác động phi thường.

Thánh Clément Hofbauer không bao giờ đi thăm viếng một người tội lỗi cứng đầu mà không lần hạt trên đường đi với cỗ tràng hạt nhỏ Đức Piô 7 đã tặng. Tràng hạt đó, Ngài luôn luôn mang theo mỗi khi rảo qua phố xá thành Vienna. "Mỗi lần, ngài nói, tôi lần hạt cho một tội nhân, là họ trở lại". Ngài sung sướng khi được mời tới thăm một bệnh nhân ở xa, vì có thể lần được hơn một chục. Lúc nghe nói tới thăm một bệnh nhân cứng lòng, ngài lập tức lần hạt và không quên xin người khác cùng làm theo. Ngài cho các thanh niên những cỗ tràng hạt nhỏ, rất dễ mang theo mình. Ngài van nài họ lần hạt lúc tối đêm khi đi qua phố phường để tránh thoát rất nhiều chước hiểm nguy của kinh thành lôi cuốn. Một nhân chứng trong vụ án phong thánh cho ngài đã tuyên bố rằng nhờ lời khuyên này thánh nhân giữ được nhiều linh hồn khỏi phạm tội.

Cha Svenson quả quyết: "Tại Đan Mạch, xứ Tin Lành, hồi tôi sống đời thừa sai hơn 20 năm, nhiều người có tràng hạt và lần hạt mỗi ngày. Nếu họ trung thành với lòng mộ mến này, chắc chắn mọi người, không trừ ai, cuối cùng sẽ cải thiện và quay về với Giáo Hội công giáo. Đó là sự kiện của kinh nghiệm. Một trong hai điều: hoặc họ vứt bỏ tràng hạt, hoặc họ trở thành người công giáo!

Ngày 10 tháng 3 năm 1615, tại GlaKnow, vị thừa sai lừng danh, cha Lgilvie bước lên máy chém, vì tội đã rao giảng Phúc Âm.

Trong giây phút cuối đời này, đứng trên bục bao quát thấy hằng nghìn người đứng coi, muốn để lại cho họ một kỷ niệm và một đảm bảo đức tin, người sung sướng chết vì đức tin đó, người lấy một vật cuối cùng còn lại trong mình, một chuỗi tràng hạt, và ra sức thật mạnh ném vào giữa biển người. Chuỗi tràng hạt này rơi trúng ngực một ông hoàng xứ Hung gia lơị, thuộc phái tin lành Calvin, Gioan de Eckersdorff, đang trên đường chu du nghiên cứu học hỏi và giải trí, tình cờ ghé qua GlaKnow. Ông hết sức cảm động.

Ghi niệm của chuỗi Môi Khôi này bám riết ông khắp nơi mãi đến ngày ông quyết bỏ tà thuyết để trở về với Mẹ thánh. Từ đó tới khi nhắm mắt từ trần, ông không ngừng nhắc nhở việc ông trở lại là nhờ kỷ niệm muôn đời đáng ghi nhớ đó.

4. Đấng an ủi người âu lo.

Trên đời, ai là người không đau khổ?

Giữa qúy bạn, tôi trông thấy người giầu, kẻ nghèo, ông chủ nhà, kẻ đầy tớ, người chủ sở, kẻ lao công, nhà thông thái cũng như dân ngu kém, người quyền oai cũng như kẻ yếu hèh, người trẻ cũng như già nua. Quý bạn - dưới nhiều khía cạnh - không đều nhau. Nhưng có một san bằng giữa mọi người: Sự đau khổ.

Người ta đau khổ :

Trong thể xác: có khi sinh ra họ đã phải chịu. Một tình trạng sức khẻo bấp bênh, có khi vì mắc phải những căn bệnh ngặt nghèo.

Trong tâm hồn: nào là sợ hãi, cắn rứt, chán nản thất vọng đay nghiến làm khổ họ. Trong gia đình: những tính tình khác nhau, xung khắc nhau, thương tổn lẫn nhau, khó khăn trong kế sinh nhai, kiếm ăn nuôi gia đình, việc giáo dục và tương lai con cái bị đe dọa, xừng xững trước một tương lai đen tối.

Đau khổ vì cảnh chia ly: cảnh hiu quạnh bao trùm quanh bạn và bạn tự hỏi: cha ơi, mẹ ơi, các anh các chị các em ơi, các bạn hữu nghĩa thiết thơ ấu của tôi ơi, giờ đây tôi không còn trông thấy một ai, tất cả ra sao? Cái chết sẽ bắt tất cả.

Đau khổ vì việc làm: vì người sẽ phải làm việc đổ mồ hôi trán mới có ăn - người sẽ làm việc bằng chân tay hay đầu óc - cho tới ngày người trở về với bụi đất, nơi đã sinh ra người (Gn 3). Đó là số phận mọi người.

Còn bao đau khổ khác mang nhiều bộ mặt khác. Và thử hỏi trần thế này không phải là một vũng châu lệ sao?

Ai sẽ an ủi các bạn? Người an ủi đó lại không phải là bà Mẹ của mọi đau khổ sao?

Ôi, hãy tới khóc dưới chân Mẹ Maria. Khi đã kể lể những nỗi niềm thống khổ của bạn với Mẹ, bạn sẽ chỗi dậy, lòng nhẹ đi biết bao u sầu, tâm can bạn bớt được cả gánh nặng to lớn. Những ủi an vỗ về của nhân loại nhạt nhẽo và tẻ lạnh. Còn Mẹ Maria, sự an ủi vỗ về của Mẹ ngọt ngào êm dịu khôn tả. Mẹ sẽ bảo bạn: "Con ơi, con khóc ư? mẹ cũng như con, Mẹ đã khóc: Con đau khổ ư? Mẹ là nữ vương các kẻ tử đạo! Con Thiên Chúa là con của Mẹ. Nếu đau khổ không phải là sứ giả của trời cao, nếu đau khổ không có giá trị cứu thoát, thì con có tin rằng Người đã không chịu đau khổ đắng cay nhiều như vậy cho con? Không một người nào đã phải đau khổ như Mẹ. Thôi con đừng phàn nàn trách móc nữa; Nếu là thủ lãnh con, Người gửi đến cho con những đau khổ, là vì chính Người muốn con nên giống Mẹ và giống Người hơn đó".

Trong những khi buồn phiền khổ đau, bạn rất có thể có bên cạnh một con tim người mẹ! Can đảm tin tưởng lên hỡi bạn, với một niềm tin cậy không xao xuyến, nhu mì và thơ ngây nữa. Cứ nói cho Mẹ Maria, không phải nói cho giữa muôn vẻ huy hoàng chói ngời của trời cao. Không, cứ hành động theo kiểu chị chân phước Catarina Labouré. Khi Mẹ Maria hiện đến, chị tiến lên, quỳ gối cạnh Mẹ và duyên dáng đặt đôi bàn tay lên gối Mẹ. Tại sao bạn không có những tâm tình con thảo như thế đối với Mẹ Maria: Dễ lắm. Cứ tự nhiên. Trong lối kêu van Mẹ Maria như thế, bạn sẽ múc được sức mạnh và sự an ủi không ngờ được.

- Bạn nói: Tôi là kẻ bất xứng, tôi sợ không dám xin.

- Một vài ngày nào đó, có thể bạn sợ không dám tới gặp Chúa Giêsu. Bạn có nhớ lời Thánh Bênađô: "Con sợ Thiên Chúa sao? - Con cứ gieo mình vào cánh lòng Mẹ Maria. Bạn không dám thưa chuyện với vị Thầy và là quan án của Bạn? Được. Nhưng làm sao bạn lại sợ một người Mẹ được?"

- Nhưng tôi không xứng đáng, tôi là một kẻ tội lỗi ê chề.

- Đúng thế. Mẹ Maria có tước vị và các đặc ân chính là vì bạn, để giúp đỡ bạn. Không có tội lỗi, thì làm gì có Mầu Nhiệm Nhấp Thể; không có Nhập Thể thì làm gì có Mẹ Thiên Chúa! Chính vì bạn tội lỗi mà Mẹ Maria sẽ nghe lời bạn cầu xin.

Tôi có quá nhiều nhu cầu cần thiết to lớn. Không dám kêu xin nhiều như vậy.

- Lòng nhân lành và quyền phép Mẹ Maria lại không to lớn hơn cả những cấp thiết đời bạn sao?

- Tôi khốn nạn quá, không có can đảm van xin Người.

- Một bà mẹ có hai người con. Một đứa tàn tật ốm yếu khốn khổ. Một đứa lành lặn. Tôi xin hỏi bạn bà mẹ không yêu đứa con khốn cực này hơn sao? Mẹ Maria cũng thế. Mẹ yêu bạn như chưa từng có người mẹ nào yêu con mình được như Người.

- Tôi hết hy vọng.

- Chính lúc đó mà Mẹ Maria sẽ cứu thoát bạn, Người là hy vọng của những ai tuyệt vọng.

- Tôi đã xin nhiều mà không được như sở nguyện.

- Đó chính là một hiệu quả của lòng Mẹ nhân lành. Người Mẹ đâu có ban cho con mình những điều nguy hại, nhưng bù lại, ban cho những ơn huệ quý báu khác. Mẹ Maria thấy những đau khổ bạn gánh chịu có ích cho đời bạn, hơn nữa có khi còn cần thiết để tẩy trừ những tội lỗi và những hình phạt tạm thời của bạn, để tô điểm thêm chói sáng triều thiên bạn, để tách bạn khỏi thế giới lừa đảo và để giúp bạn khát vọng ngút theo những của cải thiên quốc. Mẹ Maria không dẹp hủy những đau khổ đời bạn, mà làm nhẹ gánh, Mẹ ủi an mà không làm giảm công phúc bạn.

- Tôi đã kêu van Mẹ lâu lắm rồi mà chẳng thấy gì.

- Tất cả những lần bạn đã kêu khẩn Người bạn đã nhận được một cái gì, rất có thể bạn không biết. Không bao giờ lời kêu xin vô ích, uổng công cả. Bạn phải cầu nguyện với lòng kiên nhẫn: chính lúc bạn thôi cầu nguyện có lẽ tại là lúc bạn được nhận lời.

- Cha Phó ngoại ô Paris kể: một hôm tôi nhận ra một chiên lạ lẫn trong đàn chiên đang học giáo lý của tôi. Một khuôn mặt nhợt nhặt và mảnh khảnh luồn vào ngồi đầu ghế hàng cuối. Hoàn toàn xa lạ. Cố nặn trí mới nhớ kẻ xa lạ kia là con trai ông cai nhà máy, là người có những ý kiến chống đối và kiêu căng, người hùng của câu lạc bộ, kẻ "ăn sống" các linh mục. Còn cậu bé cảm thấy lúng túng lạc lõng trong nơi Thánh. Em nhìn trước nhìn sau và có một thái độ hết sức bối rối. Sau khi đã khảo các trẻ xong, tôi tiến lại và bảo em đứng dậy. Tay cầm chiếc mũ lưỡi trai, đôi mắt em trừng trừng nhìn tôi vơí vẻ buồn nản. Quần áo xốc xếch cũng đủ cho phép đoán ra được em thiếu bàn ta bà mẹ chăm sóc.

- Tôi hỏi em, Khi đi học, con có được nghe nói về Thiên Chúa tốt lành không?

Yên lặng, Một dáng điệu mơ màng và lãnh đạm.

- Về đức Trinh Nữ Rất Thánh? Em bé ngẩng đầu và bỗng nhiên nét mặt em sáng lên.

- Có ạ, em nhẹ thưa lại với tôi. Con đã nghe nói các trẻ em đi học giáo lý có một người Mẹ là Đức Trinh Nữ Rất Thánh. Vì thế mà con đến...

Những giọt nước mắt to tướng tuôn trào trên gò má, em tiếp: "Con rất cần một người Mẹ".

- Tiếng kêu xin này đã kích động lòng tôi. Ngay khi các trẻ em khác ra khỏi lớp, tôi trở xuống gặp em bé lạ mặt đó.

- Tôi bảo em,Lại đây, cha sẽ dẫn con tới Mẹ con.

Em trố mặt nhìn tôi sâu hoắc, Tôi tiếp: "Đến với Bà sẽ thay mẹ của con". Và tôi dẫn em tới nhà nguyện! Các con cái Đức Mẹ Maria!. Khi trông thấy tượng Đức Trinh Nữ Rất Thánh, đôi tay em chắp, miệng em la lớn: "Ô, Mẹ kia rồi. Mẹ đẹp quá. Cha có tin rằng, Bà bằng lòng nhận con làm đứa con trai nhỏ của Bà không?. Kià, Bà đã có bế một em bé trên tay rồi. Có lẽ Bà không cần con đâu. Còn con, nếu cha biết! con rất cần một người Mẹ...Nhất là từ ngày con đau".

- Con bệnh sao, hở con?

Em sờ cạnh sườn bên trái: "Vâng con đau ở chỗ này, không đau lắm; chỉ tội con không thể chơi chạy với chúng bạn; còn Bác sĩ lại cấm con đi học. Tội nghiệp con cha ơi, chỉ có một mình ở nhà. Cha con yêu con lắm, nhưng cha con đi vắng hoài. Người ta bảo con là các trẻ em đến đây, gặp một bà mẹ rất tốt và rất quyền phép; con vội "trốn nhà chạy tới".

Tôi nghĩ thầm, đây còn là một trong những ở huệ của Mẹ. Cám ơn Mẹ đã dẫn đưa tâm hồn bé nhỏ dễ thương này đến với con.

Em áy náy nhắc lại, Cha có tin, Đức Trinh Nữ Rất Thánh bằng lòng nhận con không?

- Chắc chứ, con! Nhưng con cũng phải làm như các trẻ tới đây học giáo lý. Tôi nắm tay em.

- Vâng, cám ơn cha. Nhất định con sẽ tới học giáo lý.

Em đã tới học. Em đã được xưng tội rước lễ lần đầu. Ít lâu sau em đã chết như một vị thánh. Em đã lên trời gặp lại mẹ em. (L'idéal, tháng 9, 1911)

Một kết luận: Bạn có thể xa lìa người mẹ trần thế của bạn. Một ngày không xa, người sẽ khuất bóng. Còn Mẹ Maria luôn luôn ở bên bạn lúc nhọc phiền cũng như khi đau khổ. Bạn không thể tách lìa khỏi Người được.


CHƯƠNG IX

NHỮNG CHI THỂ SỐNG CỦA NHAU

(Rm 12:5)

1. Tại sao lại phải yêu tha nhân?

Saolô thành Tarxê lên đường đi Damas để thực hiện công tác bách hại các Kitô hữu. Dọc đường, bỗng dưng một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao trùm ông. Ngã lăn trên đường, ông nghe có tiếng nói: "Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ ta? Saolô thưa lại: "Lạy Ngài, Ngài là ai?" Chúa đáp: "Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ đây" (Act 9).

Sao? Saolô bắt hại các Kitô hữu mà! làm sao ông có thể bắt bớ Chúa Kitô đã chết và đã được táng liệm từ lâu rồi? Nhưng chính tai ông đã nghe rỗi tiếng phán: "Ta là Giêsu, ngươi đang bắt bớ đây!" Vậy Chúa Kitô và các Kitô hữu, cũng là một hay sao? Phải, chúng ta là những chi thể của cùng một thân xác, của cùng một Chúa Kitô. Chúng ta chỉ thành một thân xác Chúa Kitô, và chúng ta là những chi thể của nhau (Rm 12:5). Liên kết, mà vẫn riêng biệt. Nhiều chi thể nhưng một thân thể. Mắt không thể bảo tay: Tôi cóc cần các anh. Đầu cũng không thể bảo chân: Tao khỏi cần chúng mày. Trái lại, các chi thể tỏ ra yết ớt nhất lại cần thiết hơn...Nếu một chi thể đau yếu, tất cả các chi thể khác điều thông dự các yếu đau này; và nếu một chi thể được vinh dự, thì tất cả đều chung hưởng" (Co 12). Liên kết và riêng biệt, chúng ta phải yêu thương lẫn nhau.

Khi đề cập đến cuộc phán xét ngày tận thế Chúa Giêsu khen những công chính đã thăm viếng và cho người ăn mặc. Những người này ngạc nhiên hỏi lại: "Lạy Chúa, có khi nào chúng con đã cho Chúa ăn, đã cho Chúa áo quần, đã thăm viếng Chúa đâu?" Chúa Giêsu trả lời sao? "Thật, thật Ta nói thật chúng con biết, tất cả những khi chúng con làm việc đó cho một trong những anh em bé nhỏ của Ta đây, là làm cho chính Ta" (Mat 25).

Cần lưu ý câu Chúa Giêsu nói: "cho chính Ta", chứ Chúa không nói: "như thế chúng con làm cho Ta, Ta coi như là tương đương". Không, Tha nhân chính là Chúa Kitô. Mầu nhiệm!

Chúa Kitô và tha nhân của chúng ta chỉ làm nên một thân thể. Chỉ có một. Đồng loại của chúng ta, chính là Chúa Kitô. Chân lý này vẫn còn vang dội trong mọi tiến trình lịch sử Giáo Hội. Nhiều khi còn vạng dội một cách hết sức chói sáng và cao vời. Thánh Martin đã xẻ áo choàng bần cùng trước cửa thành Amiens. Người được Chúa hiện ra bảo: "Martin đã cho Cha áo choàng".

Thánh nữ Elizabeth xứ Hung Gia Lợi chăm sóc một người phong cùi. Và kìa, thân thế người khốn cùng biến dạng: Thay vì khuôn mặt hốc hác và tàn tạ vì vi trùng rức rỉa, thánh nữ và quận công, chồng thánh nữ, nhìn thấy bộ mặt linh thiêng của Chúa Kitô nhoẻn miệng cười. Quá xúc động, đã vội qùi xụp xuống. Là những chi thể của cùng một thân thể mà Chuá Kitô là đầu, chúng ta phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Tại sao phải yêu thương đồng loại? Vì Thiên Chúa đã minh khai truyền lệnh: Ngươi hãy yêu thương đồng loại như chính mình ngươi (Mt 22:39). Vì chúng ta hết thảy đều là con Cha chung, là anh em, là bạn hữu, là những chi thể của cùng một đức Kitô, là những người đã được cùng dòng máu thần linh giải phóng.

Thánh Gioan Tông Đồ, hễ mở miệng là nói tới luật thương yêu này. Lúc cuối đời, không thể tới nhà nguyện được nữa, giáo dân phải khênh tới. Vì già yếu không đủ sức giảng dạy, quanh đi quẩn lại, người chỉ thích nói: "Các con thân mến, các con phải thương yêu nhau". Nghe mãi cái điệp khúc đó, lại thêm phần mệt nhọc, các thính giả lẩm bẩm với nhau: "Vị Tông Đồ đã già yếu, nên mắc phải cái tật lập lại hoài". Một hôm họ đánh bạo hỏi thánh tông đồ: "Thưa thầy, tại sao lúc này thầy cứ mãi lập lại có mỗi chuyện đó?" Người trả lời:

- Đó là luật Chúa, nếu chúng con giữ trọn thế là đủ rồi!

Góc hè phố, một người ăn xin tê bạt nằm co quắp. Thấy một ông ăn diện bảnh bao đi qua, hắn mở miệng xin của bố thí. Người qua đường xỏ tay túi áo. Chẳng có gì cả. Bình tĩnh, ông nói với người nghèo có: "này anh, rất tiếc, tôi hết sức muốn biếu anh một cái gì; nhưng bất ngờ, tôi chẳng có xu nào trong mình cả". - "Cám ơn ông, hắn đáp. Ông đã cho tôi nhiều hơn cả mọi của bố thí. Ông đã gọi tôi là anh của ông. Thật chưa bao giờ trong đời tôi đã được cái tên gọi này trên môi miệng của một ông lớn nào cả".

Học thuyết nào là nguồn canh tân của những biến cải Kitô giáo đã thực hiện và chính biến cải này tạo nên nền tiến bộ của nhân loại. Giải pháp chân thực của vấn đề xã hội và hòa bình quốc tế là ở đó. " Lời chào của Terrien: "Tôi nghe thấy quanh tôi, họ nói về tình huynh đệ phổ quát. Thiên Chúa biết thâm tâm của bao vị tông đồ hằng rao giảng tình huynh đệ này và biết các vị đã thực thi học thuyết các vị hằng nao nức giảng dạy như thế nào! Tình huynh đệ chân thực, mối tình huynh đệ có thể biến mọi con tim nên một, tình huynh đệ trong Chúa Kitô. Chỉ có một Cha, chỉ có một Mẹ, chỉ có một người Anh, Người Anh Cả của tất cả, hằng đùm bọc chúng ta bằng cùng một tình yêu và qui kết chúng ta, những người thừa hưởng cùng một vinh quang, tới tham dự cùng một tiệc vĩnh cửu để có một dân tộc gồm toàn anh em với nhau. Còn cần gì nữa?".

Cái gai chướng mắt ghê gớm giữa học thuyết và nếp sống của nhiều Kitô hữu, đã đập mạnh vào mắt nhà thơ xứ Bengale (Ấn độ) - Rabindranth Tagore - dịp ông du lịch qua Âu Châu. Và ông đã lên án rất gắt gao:

"Nếu qúy bạn, những người Kitô hữu, qúy bạn sống như Chúa Kitô, thì toàn thể Ấn độ đã phục dưới chân qúy bạn. Lạy Thầy Giêsu, ở Châu Âu, không có chỗ cho Thầy. Xin hãy đến, hãy tới giữa chúng tôi, tại Á Châu, xứ Phật. Con tim chúng tôi đầy những sầu khổ, và nhờ Thầy đến, chúng sẽ được thoa dịu".

Nếu dám nói, chúng ta là những Kitô hữu, nếu chúng ta yêu thương anh em đồng loại, như chính mình chúng ta, vì Thiên Chúa, thì bộ mặt thế giới ngày nay đã thay đổi tốt đẹp rồi. Như xưa anh em Kitô hữu buổi đầu đã lôi cuốn được những người còn ngoại giáo, những người đi tìm hòa bình ở ngoài Kitô giáo trở thành anh em của chúng ta và cùng với chúng ta nên chi thể của cùg một thân thể, dưới quyền chỉ huy của cùng một thủ lãnh: Chúa Giêsu Kitô

2. Ai là anh em đồng loại với chúng ta?

Mọi người đều là anh em và là chi thể Chúa Kitô, những người hiện đích thực đã là và cả những người đã được kêu gọi để trở nên anh em, chi thể của Người. "Tất cả chúng ta chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô, chi thể của nhau" (Rm 12:5). Nói cách khác, tất cả chúng ta đều là anh em con cái trong một gia đình, là phần tử lệ thuộc và bổ túc cho nhau. Nhận thấy mình là phần tử của một đoàn thể lớn mạnh, của một gia đình uy thế, quả là một điều khoan khoái sung sướng. Thì đây, nhờ ơn thánh hóa, qúy bạn là phần tử và là anh em của các thánh trên thiên đàng: của các thánh hiểu tu, các thánh đồng trinh, các thánh tử đạo, các thánh tông đồ, của Đức Trinh Nữ Maria; qúy bạn là phần tử và anh em với các linh hồn còn đang sáng soi và thánh trạng ơn thánh.

Ai là anh em đồng loại với chúng ta? Tất cả những ai sống trong Chúa Kitô và Chúa Kitô sống trong họ.

1) Chúa Kitô sống trong các vị Bề trên của bạn với quyền của Người. Chính Người đã không nói: "Ai nghe các ông, là nghe Tôi; ai khinh rẻ các ông, là khinh rẻ Tôi" (Lc 10:16) đấy ư? Trong khi vâng lời các vị Bề trên chính là vâng lời Chúa Kitô. Sự vâng lời dễ dàng và mang lại an ủi, nhất là khi bạn suy nghĩ tới lời vắn tắt trong Phúc Âm lược tóm đầy đủ cả cuộc đời ẩn dật của Chúa Giêsu: "Erat Subditus illis" Người vâng phục các đấng (Lc 2:51).

2) Chúa Giêsu Kitô sống trong các đồng loại của bạn. Người là đầu họ và chúng ta là các chi thể. Những gì chúng ta làm cho những người đồng loại nhỏ hèn nhất, Chúa Giêsus đều kể như chúng ta làm cho chính Người. Mọi hành động mang tính cách bác ái huynh đệ đều là tác động bác ái thần linh. Làm buồn phiền người đồng loại, chính là làm cho Chúa Kitô phải buồn phiền.

3) Còn đối với người hiện không có Chúa Giêsu sống trong tâm hồn thì sao? Những người hiện đang sống trong tình trạng tội trọng hay trong bè phái lạc giáo, ly giáo, vô tín ngưỡng, dân ngoại. Chúa Kitô lấy tình yêu thương đeo đuổi họ cũng mong làm cho họ nên những chi thể phần mình Người. Người yêu cầu bạn giúp một tay vào công việc này. Bạn có nhiệm vụ phải làm việc với Người, để đưa những người này trở về với Người.

4) Chúa Giêsu sống trong các địch thù của bạn.

Như bạn, họ cũng là con cái Thiên Chúa, là anh em là bạn hữu và là chi thể của Chúa Kitô đã được giá máu Con Thiên Chúa cứu chuộc. Ngoài ra chính luật yêu thương cũng quy định rõ ràng:

"Chúng con hãy yêu thương cả kẻ thù chúng con. Hãy làm điều lành cho những người ghét chúng con. Hãy cầu nguyện cho những người bách hại, nhục mạ vu cáo chúng con" (Mt 5:44).

Chúng ta là chi thể của Chúa Kitô. Thật đáng tiếc, những mối hận thù, kình địch nhau lại mon men vào ngay giữa lòng biết bao gia đình mang danh nghĩa Kitô giáo. Ghen tức, hận thù đến không còn nhìn nhau, không còn muốn nói với nhau. Hận thù, oán hờn, khinh rẻ, xâu xé, chia rẽ các tâm hồn. Mở miệng ra là toàn những loại nhục mạ, nói hành nói xấu, ức đoán nông cạn, những lời chúc dữ và làm khổ nhau. còn bạn, bạn có phải Kitô hữu không? Bạn bảo: "Tất cả những điều đó có thực, nhưng tại người ta xử tệ với tôi, không xứng với tôi chút nào hết".

Người ta có nhổ vào mặt bạn không? Người ta có đập đánh vòng gai vào đầu bạn không? Người ta có đóng đinh bạn vào cây thập tự không? Bạn nhớ lại chính Chúa Giêsu, Người Anh của bạn, vị thủ lãnh của bạn, đã phải chịu bao cực hình do chính bàn tay con cái, thế mà Người đã tha thứ hết, và tim Người còn dủ lòng thương xót để chữa lỗi cho họ. Còn bạn, thế bạn chịu kém trong sự tha thứ sao? Bạn cần phải nhận xét các người thù địch bạn với những tâm tình khi đứng chân thánh giá. Chính dưới chân thánh giá là nơi bạn xét lại thái đội, tâm cách đối xử với họ.

Nhưng tôi đã thử rồi. Vô ích. Dầu không muốn luôn luôn tôi vẫn cảm thấy không thể tới gần người làm tổn thương tôi.

Ấy thế cần phải phân biệt cái cảm và cái muốn trong bạn. Cái cảm giác nổi khùng dâng lên trong bạn mỗi khi trông thấy những người đã xâm phạm bạn nặng nề là điều rất tự nhiên không có gì là tội cả. Điều đòi hỏi bạn ở đây là bạn cố gắng đè bẹp cái cảm giác đó, là bạn đừng có ưng thuận chấp nhận nói, nhất là đừng hành động rập theo nó.

Tôi không còn nhớ rõ người nào đã từ lâu nung nấu trong lòng mình khinh chê, và ác cảm đến gần như hằn học thù ghét một lão ông vẫn gặp hằng ngày. Nhưng một buổi sáng, để thắng dẹp mình, ông ta quyết định làm một việc giúp đỡ lão ông. Từ đó họ trở thành đôi bạn tri âm. Đó cũng là phương sách thánh Têrêxa Hài Đồng áp dụng đối với một chị nữ tư vẫn để tâm trí ghen ghét chị thánh. Chị thánh vẫn hết sức lo đối xử tử tế với chị đồng viện đến nỗi một hôm chị nữ tư này hỏi Têrêxa: "Tại sao Têrêxa lại yêu mến tôi đến thế?"

Lối đối xử này đòi hỏi chí khí anh hùng. Đúng thế...đôi khi nhưng chúng ta cũng không nên tô màu phóng đại quá đáng. Dầu sao ít khi chúng ta phải chịu thiệt thòi.///

Nhưng bạn có giữ lòng điên dại và hằn thù không? Bạn có muốn sấn sổ nhổ vào mặt người đã làm tổn thương bạn cho hả giận không? Bạn có áp dụng chính sách "ăn miếng trả miếng, mắt đền mắt, răng đền răng" không? Đây chính là lúc bạn bỏ lòng quảng đại, lượng thứ tha những người gây khổ thiệt cho bạn. Vì dầu muốn, dầu không, họ vẫn là một chi thể, cùng một thân xác với bạn đấy.

Hai xã sắp đi kiện nhau. Họ trang chấp kình địch với nhau đã mấy năm rồi. Bên nào cũng cho mình phải. Rồi họ gặp nhau lần chót. Đôi bên trình bày sự thể. Một cụ già quê lúc đó mới đứng dậy. Cụ nói: Này các bác, luôn luôn lão cố gắng dàn hòa đôi bên. Vẫn chẳng đi đến đâu cả. Bây giờ chúng ta đi tới một quyết định. Cha ông chúng ta vẫn có thói lành, trước khi làm việc gì cũng đọc kinh, chúng ta hãy noi gương các ngài. Các bác tất cả cùng lão đọc kinh Lạy Cha.

Cụ lão nhà quê xướng kinh. Tới lời nguyện thứ năm, ông lão chậm rãi nhấn rõ ràng hơn: "Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" Với giọng cao và còn chậm hơn nữa: "Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con". Rồi ông lão ngưng một lát. Xúc động khi nghe lời nguyện này, có mấy người kêu lớn: "Phải, phải, cụ lão có lý đấy. Chúng ta phải thứ tha cho những người xúc phạm đến chúng ta". Những người khác đáp lại: "Phải đúng thế, chúng tôi muốn tha thứ xí xóa hết và quên đi tất cả". Cả hai phe bắt tay nhau làm hoà. Mọi người đọc kinh Lạy Cha. Từ giờ phút đó, hòa bình trở lại ngự trị cả hai thôn ấp. Cuộc dàn hòa êm đẹp qúa!

Tại làng chúng tôi, một vị thừa sai ghi lại trong ngày bị tàn sát, một gia đình tám người chỉ có hai người già cả đi vắng là còn sống sót. Những giờ phút tàn phá xáo trộn đã tạm qua đi, họ có thể trở về mái tranh nghèo của gia đình. Nhưng, căn nhà hoang vắng trống trải. Ông nội, tuổi đã cao nghĩ ngợi đến phát điên! Cụ chạy khắp xóm làng, mắt long lên, kiếm tìn con cháu: Cuộc giao động kích thích con người cụ mãnh liệt đến tạo trong tâm thần cụ một não trạng căng thẳng, kéo dài tới ngày cụ nhắm mắt từ giã cõi đời tàn khốc. Điều làm cụ kinh khiếp nhất và phải điên cuồng, là vì kẻ sát hai gia đình cụ lại chính là một trong số môn đồ xưa cụ đã đặc biệt hết lòng thương mến hơn tất cả các môn sinh khác, và cụ đã dành cho hắn bao việc tốt đẹp với cả tấm lòng cụ. Khi hay tin các anh em Kitô hữu trở về làng, hắn đã chạy trốn, tưởng rằng người thứ nhất gặp hắn, chắc không thể nào khoan dung đến có thể không treo cổ nén đá hắn ngay tại chỗ.

Năm tháng sau, tôi trở lại thăm làng. Một thầy giảng, quản đốc cộng đồng anh em giáo hữu trong họ, tới đưa tin tôi hay: "Thưa cha, có một tin không lành. Tên sát nhân, hắn xin phép được trở về làng. Con không thể trả lời chấp thuận được. Chúng con không có quyền ngăn cấm và người ta cũng không thể quên được mối hận thù. Hoặc là Kitô hữu, hoặc không. Con đã báo cho các gia đình giáo dân hay tin và con tin chắc mọi người sẵn lòng tha thứ hắn. Nhưng có mỗi Cụ già Wang đáng thương. Làm sao cụ chịu nổi?.

Thế rồi sao? Phải làm gì đây?

Xin cha khuyên Cụ ta bằng lòng tha thứ.

Này con, đây là một công việc tốt đẹp. Cứ cố xem.

Tôi cho mời cụ Wang tới. "Này cụ, lòng cao thượng quý phái buộc cụ phải sống xứng đáng với các vị tiền bối, vâng trong dòng tộc cụ, đã có bao vị thánh!

Thưa cha, cha muốn nói gì ạ?

Nếu tên sát hại gia đình cụ trở về làng và cụ trông thấy hắn, cụ sẽ đối xử thế nào?

Con sẽ nhảy đến bóp cổ nó chết liền!

Tình thế xem chừng không mấy sáng sủa. Tôi cầm tay cụ lão: "Này cụ biết, chúng ta luôn luôn nói: hoặc người ta là Kitô hữu, hoặc không phải là Kitô hữu...cụ không nên túm cổ bóp chết hắn..."

Cụ già nấn lên và run rẩy.

Sau phút do dự, cụ vội nuốt những giọt lệ lăn trên gò má, và đáp: "Thôi, xin cha bảo hắn cứ về đi". Tôi không nói, nhìn cụ. Cụ già nói thêm: "Vâng, vâng xin cha cứ bảo cho hắn trở về: cha sẽ thấy con có phải là Kitô hữu không?"

Chiều về, cả xứ đạo xúm quanh tôi như thường lệ, trong sân nhà thầy giảng. Chúng tôi cùng trò chuyện trước những tách nước trà với những tầu thuốc. Bầu trời quang đãng, đẹp mát, thế mà chúng tôi cảm thấy bầu khi nó nặng nề làm sao. Không ai có can đảm mở miệng nói chuyện. Cụ già Wang ngồi bên tôi, cả người run rẩy và nhợt nhạt. Những người khác làm thành một vòng trước mặt tôi, ai nấy đều mang trong mình một niềm xúc động. Tên sát nhân sẽ đến và mọi người đều biết mặt hắn.

Bỗng vòng tròn mở lối: qua ánh đèn lờ mờ run run giữa những hàng cây cuối sân nhà, tôi trông thấy tội nhân đang tiến lại, đầu cúi gầm, bước chân nặng nhọc như đeo trên vai cả gánh nặng của bao lời rủa. Hắn tới trước mặt tôi; qùy xụp xuống, một yên lặng ghê rợn! cổ tôi như se thắt lại, nói không ra lời, nhưng tôi cố nói: "Này anh, anh thấy rõ sự khác biệt. Nếu chúng tôi hủy diệt gia đình anh và nếu anh trở lại với tư cách người thắng trận gặp chúng tôi, anh sẽ làm gì? Một tiếng thổn thức trào dâng, rồi yên lặng lại trở về bao trùm mọi người. Cụ già đứng dậy, run run nghiêng mình trên kẻ đã giết chết những người thân yêu của cụ, cụ giơ tay nâng anh ta dậy và hôn anh...

Hai tháng sau, người giết hại tới gặp tôi: "Thưa cha, xưa con không biết tôn giáo của cha. Nay con đã hiểu. Người ta đã tha thứ cho con. Thực sự, Con là kẻ khốn nạn, nhưng con, con có thể trở thành Kitô hữu được không?" Khỏi nói lại với bạn câu trả lời của tôi như thế nào. Bây giờ, anh xin tôi: "Thưa cha, con muốn xin một điều xem ra không thể được. Con muốn cụ Wang vui lòng làm cha đỡ đầu cho con."

Tôi nghĩ tốt hơn là chính anh xin với cụ. Ít lâu sau, cụ Wang, không còn con cái nối dõi, đã nhận tên sát hại cả gia đình cụ làm người con thiêng liêng.





+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng