Luyện Tội: Lửa Thanh Luyện

Luyện Tội: Lửa Thanh Luyện

Ðể sự chân thật của đức tin của anh em,
quý giá hơn vàng ròng dầu là vật chóng qua được thử trong lửa...

1 Phêrô 1:7

Một giáo huấn của Hội Thánh thường bị hiểu lầm là Luyện Ngục. Luyện ngục không phải là dịp thứ hai cho những linh hồn đã bị luận phạt trong Hỏa Ngục ăn năn trở lại. Nhưng là tình trạng gội rửa và thanh tẩy cho những linh hồn đang đi về Thiên Ðàng. Luyện Ngục cũng không phải là phương thế lập công để được vào Thiên Ðàng, nhưng là một món quà của Thiên Chúa để sửa soạn cho chúng ta được hưởng Thánh Nhan Ngài. Mặc dấu không trực tiếp nói đến tên, Kinh Thánh ám chỉ nó, nhất là bằng chữ lửa thanh luyện.

Chữ Luyện Ngục liên quan đến động từ - luyện - có nghĩa là làm cho tinh tuyền (như luyện kim). Theo Giáo Lý Công Giáo:

Tất cả những người chết trong ân sủng và tình bằng hữu với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn hảo, thì đương nhiên là chắc chắn được rỗi; nhưng sau khi chết họ phải được tẩy luyện để đạt được mức thánh thiện cần thiết để vào Thiên Ðàng. Hội Thánh đặt tên Luyện Ngục cho sự thanh tẩy sau cùng này của những người đã được tuyển chọn, nó hoàn toàn khác với sự trừng phạt của những người bị luận phạt. [GLCG 1030-1031].

Chỉ những linh hồn đã được cứu độ - những người chết trong tình bằng hữu với Thiên Chúa - mới có thể đi qua Luyện Ngục mà lên Thiên Ðàng. Ðể hiểu rõ hơn về Luyện Ngục dưới ánh sáng của sự tự hiến và cứu độ của Ðức Kitô, chúng ta trước tiên phải lưu ý đến hậu quả của tội lỗi.

Nhờ Phép Rửa và đức tin (Mc 16:16), chúng ta trở nên bạn hữu Thiên Chúa và nhận được ơn thánh hóa - đặc ân sống đời đời. Tất cả có được là nhờ sự cứu chuộc chúng ta của Ðức Kitô. Tiếc thay những tội trọng giết chết sự liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Bằng cách cố tình phạm tội trọng, chúng ta chối bỏ Thiên Chúa, và chúng ta mất ơn thánh hóa này (Tim 1:16). Sự hiến thân của Ðức Kitô trên Thánh Giá vẫn còn có thể chuộc lại tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa; tuy nhiên, chúng ta phải ăn năn hối cải và tìm đến ơn tha thứ của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa giải (Xưng tội). Nếu chúng ta không ăn năn hối cải và chết trong tình trạng không có ân sủng, thì chúng ta mất sự sống đời đời. Sự mất mát này là bị trầm luân đời đời hay hỏa ngục (Mat 25:46). Hỏa Ngục không phải là sự trừng phạt của một THiên Chúa có tính thù hận, nhưng là hậu quả tự nhiên của việc chối từ Thiên Chúa - là nguồn vui và sự sống. Sự cứu chuộc chúng ta không can thiệp vào ý chí tự do của chúng ta; chúng ta vẫn có thể chối bỏ Chúa qua tội trọng (DT 10:26-27).

Không phải tất cả các tội đều là tội trọng (1 Gioan 5:17). Có những tội không đủ nặng để cắt đứt tình bằng hữu với Thiên Chúa, nhưng vẫn nguy hại. Tình trạng bẩn thỉu gây ra bởi tội lỗi cần phải được sửa đổi. Sự sửa đổi này là hình phạt tạm thời (DT 12:5-11). Chúng ta có thể được sửa đổi và tẩy rửa qua việc ăn năn hối cải ở đời này hoặc sau này trong Luyện Ngục - nhờ ơn Cứu Chúa của chúng ta là Ðức Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu nói về việc sửa đổi này trong Tin Mừng và gián tiếp nói đến Luyện Ngục ở cuối dụ ngôn cùa Người về sự tha thứ:

Trong khi giận dữ, chủ trao anh cho các lính canh tù, cho đến khi anh ta trả hết nợ. Ta ở trên trời cũng đối xử với các người như vậy, nếu các người không thực tâm tha thứ cho anh em các người. [Mat 18:34-35].

Ðoạn này không nói gì đến việc Thiên Chúa trừng phạt những người phạm trọng tội, nhưng những người phạm tội thiếu lòng tha thứ cho người khác. Và hình phạt nói ở đây không phải là hình phạt đời đời như trong hỏa ngục (Mc 9:47-48) mà chỉ là hình phạt tạm thời - "cho đến khi trả hết nợ".

Luyện Ngục là tình trạng tạm thời dành cho các linh hồn vẫn còn duy trì tình nghĩa với Thiên Chúa, nhưng cần được thanh tẩy cho sạch các hậu quả xấu, các sự bẩn thỉu và dính líu còn lại từ các tội trọng đã được tha và các tội nhẹ. Những linh hồn còn bị dính bợn nhơ này, mặc dầu được rỗi, nhưng không được vào Thiên Ðàng ngay, như Kinh Thánh nói: "Không có gì nhơ bẩn được vào (thiên đàng)..." [KH 21:27]. Các linh hồn này cần được thanh luyện khỏi tất cà mọi "vết nhơ", dầu rất nhỏ trước khi được đối diện với Thiên Chúa (KH 22:3-5). Tất cả các linh hồn nơi Luyện Ngục cuối cùng sẽ được lên Thiên Ðàng.

Thánh Phaolô ám chỉ điều này bằng lửa trong Thư gửi Tín Hữu Côrinthô:

Nếu ai dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Công việc của mỗi người sẽ được lộ ra ánh sáng. Vì Ngày đó sẽ vạch trần công việc ấy, vì nó sẽ tỏ ra bằng lửa, và lửa này sẽ thử xem công trình của mỗi người đã lám ra sao. Nếu công trình của ai đã xây dựng tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công trình của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ bị thiệt thòi. Tuy vậy chính người ấy sẽ được cứu, nhưng chỉ như thể qua lửa. [1 Cor 3:12-15].

Công việc chúng ta xây dựng trên Ðức Kitô sẽ bị thử thách. Công trình thấp kém - "gỗ, cỏ, và rơm" - sẽ bị thanh lọc bằng "lửa", trong khi chỉ có "vàng, bạc và đá quý" sẽ còn xót lại để vào Thiên Ðàng. Câu "thì người ấy sẽ bị thiệt thòi" ám chỉ sự khó và hình phạt tạm thời, mặc dầu người đó được cứu chuộc. Thánh Phêrô trong Thư của ngài cũng nhắc nhở chúng ta rằng đức tin chân chính của chúng ta "bị thử bằng lửa" [1 Phr 1:7].

Có những Kitô hữu không công nhận tín điều về Luyện Ngục và chưng ra người trộm lành hối cải trong Tin Mừng:

Và anh ta nói, "Thưa ông Giêsu, xin nhớ đến tôi khi ông vào cầm quyền trong vương quốc của ông". Và Chuá Giêsu nói cùng anh, "Thật, Tôi bảo thật với anh anh sẽ ở trong Ðịa Ðàng với Tôi hôm nay" [Lc 23:42-43].

Theo họ, vì Chúa Giêsu hứa với người có tội ăn năn trở lại đặc biệt này được ở "Ðịa Ðàng" với Người ngay hôm đó, nên như vậy thông thường không cần có Luyện Ngục. Lý luận này có vài khiếm khuyết. Trước hết, Ðức Kitô có thể ban cho hối nhân đặc biệt này điều mà Hội Thánh gọi là "Ơn Ðại Xá" - việc tha hết các hình phạt tạm thời gây ra bởi các tội đã được tha. Ðiều thứ hai là Ðức Kitô có thể biết rằng những đau đớn người trộm lành chịu trên thập giá là việc đền tội cá nhân đủ để thanh luyện linh hồn anh. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là Chúa Giêsu sau khi chết đã không về Thiên Ðàng ngay. Theo Thư Thánh Phêrô:

Vì Ðức Kitô cũng đã chết vì tội chúng ta... chết về thể xác nhưng được sống lại nhờ Thần Khí; Người đã đến và rao giảng cho các linh hồn bị giam cầm, là những linh hồn xưa đã không vâng lời... [1 Phr 3:18-20].

Ngay sau khi chết, Chúa Giêsu "đã đến và rao giảng cho các linh hồn bị giam cầm". Nhà tù này chắc chắn không phải là Thiên Ðàng, cũng không phải là Hỏa Ngục vì các linh hồn trong Hỏa Nhục không có được ích lợi gì nhờ việc Chúa Giêsu giảng cả. Ðó phải là tình trạn g thứ ba. Ðương nhiên là người trộm hối cải đi cùng Chúa Giêsu ngay ngày hôm đó. So sánh với Hỏa Ngục thì Luyện Ngục có thể được diễn tả thật như Ðịa Ðàng.

Lại có người cho là không có Luyện Tội vì Máu Ðức Kitô "rửa chúng ta sạch mọi tội" [1 Ga 1:7]. Ðiều này đúng, nhưng việc sự hiến thân chuộc tội cùa Chúa được áp dụng cách khác nhau, như qua Bí Tích Rửa Tội, Hòa Giải, cầu nguyện... Một cách khác là Luyện Ngục. Xà bông và nước có thể đủ để rửa mình tôi; nhưng tôi có thể dúng chúng cách khác nhau: tắm ngồi, kỳ cọ bằng bọt biển, hay xối nước.

Hội Thánh khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời vì có thể họ còn ở trong luyện ngục và cần chúng ta cầu nguyện. Cầu nguyện cho người chết hợp với Kinh Thánh. Theo sách Maccabê trong quy điển Cựu Ước của Công Giáo và Chính Thống, ông Giuđa Maccabê quyên tiền để dâng lễ đền tội cho những người chết ngoài mặt trận:

Vì nếu ông không hy vọng rằng những người đã ngã xuống sẽ sống lại, thì thật là dư thừa và ngu xuẩnkhi cầu nguyện cho người chết... Vì vậy nên ông tế lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của họ [2 Mac 12:44-46].

Thánh Phaolô cũng dâng một lời cầu nguyện ngắn cho Onesiphorus và gia đình ông:

Nguyện xin Chúa thương xót gia đình của Onesiphorus... xin Chúa cho anh ta được tìm thấy lòng thương xót của Chúa trong Ngày ấy... [2 Tim 1:16,18].

Dầu chết hay còn sống, Thánh Phaolô cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho ông ta (1 Tim 2:1-5).

Trong Kinh Thánh Thánh Phaolô viết về lửa thanh luyện sẽ thanh luyện công trình của chúng ta "trong Ngày đó". Thánh Phêrô nhắc chúng ta rằng đức tin của chúng ta sẽ được thanh luyện và thử bằng lửa. Ở các chỗ khác trong Kinh Thánh, tác động của Chúa Thánh Thần được diễn tả như lửa. "Người sẽ rửa tội anh em bằng Thánh Thần và bắng lửa". [Lc 3:16]. Theo Thánh Gioan Thánh Giá, một nhà thần bí Tây Ban Nha, lửa Luyện Tội là Tình Yêu Thiên Chúa thanh luyện linh hồn chúng ta để sửa soạn cho chúng ta hưởng Thánh Nhan Chúa - là việc kết hợp với Thiên Chúa trên Thiên Ðàng (KH 22:3-5). "Vì quả thật Thiên Chúa của chúng ta là một ngọn lửa thiêu" [DT 12:29].

Phaolô Phạm Xuân Khôi
dịch theo bài Purgatory: The Purifying Fire
trên website A Catholic Reponse.



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh + 1 Kinh cầu cho linh hồn mồ côi. Bạn đã cứu được 1 linh hồn trong luyện ngục rồi đó.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng