LUYỆN NGỤC Cầu nguyện cho những người đã qua đời

LUYỆN NGỤC

Cầu nguyện cho những người đã qua đời

Thương Hà

Chết không phải là hết, cũng không phải là trở về hư vô cát bụi, nhưng là bắt đầu một cuộc sống mới không bao giờ tàn úa. Trong cuộc sống ấy, một là chúng ta sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên đàng. Hai là chúng ta sẽ bị đau khổ mãi mãi trong hỏa ngục. Tuy nhiên, đức tin Công giáo còn dạy chúng ta về một tình trạng thứ ba, có tính cách tạm bợ ở thế giới bên kia, đó là luyện ngục, nơi đền bù và thanh tẩy những lầm lỗi đã vấp phạm, để được hoàn toàn trong sạch trước khi trở về cùng Chúa trên quê hương Nước Trời.

Niềm tin tưởng vào luyện ngục sẽ đem lại cho chúng ta niềm an ủi, vì nó đáp ứng khát vọng sâu xa nhất của con người là muốn vươn lên, vươn lên mãi. Thực vậy, chúng ta sẽ như thế nào nếu chỉ có thiên đàng và hỏa ngục? Ai trong chúng ta có thể xác quyết được rằng mình hoàn toàn vô tội và không cần phải đền bù chi cả trước sự công thẳng tuyệt đối của Thiên Chúa, để rồi sẽ được đưa về thiên đàng lập tức ngay sau khi chết? Nếu không có luyện ngục hẳn chúng ta sẽ tuyệt vọng vì chúng ta không đủ tốt lành để được Chúa đón nhận, đồng thời chúng ta cũng không quá xấu xa để đáng bị trừng phạt muôn đời. Vậy dựa vào đâu chúng ta xác quyết được rằng có luyện ngục?

Trước hết dựa vào Kinh thánh, chúng ta thấy có một nơi vừa đau khổ, nhưng cũng vừa tràn đầy hy vọng được dành cho các linh hồn. Trong sách Macabê quyển thứ 2 có viết: Giuđa Macabê, đã đi quyên và gửi 12.000 quan tiền về Giêrusalem để dâng của lễ xá tội cho những người đã chết. Và tác giả Kinh thánh đã kết luận: Cầu cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc làm thánh thiện và có giá trị cứu rỗi. Từ đó chúng ta thấy có một nơi để sau khi chết người ta đền bù và lãnh nhận ơn tha thứ, đồng thời những người còn sống có thể giúp đỡ và cầu nguyện cho họ. Còn thánh Phaolô thì xác quyết: Có những người mà công chính của họ được chứng minh bằng lửa và họ được rỗi dường như qua lửa vậy.

Trải qua dòng thời gian, Giáo hội luôn tin tưởng như thế. Lời kinh “Memento Mortuorum”, tưởng nhớ đến những người đã qua đời bao giờ cũng chiếm một địa vị quan trọng trong nghi thức phục vụ xa xưa nhất. Nếu không có luyện ngục thì những lời kinh này chỉ là một điều thừa thãi và vô ích mà thôi. Rồi trên các mộ bia vào những thế kỷ đầu người ta thường khắc ghi: Xin hãy cầu cho tôi. Như muốn nói lên ước muốn sâu xa của những người đã chết. Thế nhưng chúng ta cầu cho ai? Các thánh ở trên trời và các kẻ ở dưới hỏa ngục chắc là không cần đến. Vậy chỉ còn các linh hồn nơi luyện ngục mà thôi.

Tertulianô ngay từ thế kỷ II đã kể lại rằng: Vào những ngày giỗ của ông bà và cha mẹ, các tín hữu thường dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn ấy. Như vậy, Giáo hội luôn tin rằng có một luyện ngục và chúng ta có thể giúp đỡ các linh hồn ở trong đó.

Để kết luận, tôi xin đưa ra một lý do chính yếu để củng cố cho niềm tin của chúng ta: Những người đã chết, nếu không vướng mắc tội trọng, không xa lìa Thiên Chúa, thì cần phải có một nơi để được đền bù và thanh luyện. Bởi vì tất cả mọi tội lỗi đều phải được đền bù, và tất cả mọi vết nhơ cần phải được thanh luyện. Thiên Chúa là Cha nhân từ nhưng đồng thời lại rất mực công bằng. Ngài không nhắm mắt bỏ qua những tội lỗi, nhưng trao ban cho những phương tiện để đền bù và sửa chữa. Nếu đền bù ở đời này chưa đủ, thì sẽ phải đền bù ở đời sau trong luyện ngục. Và chúng ta, những người còn sống, có thể giúp đỡ họ. Vì vậy, chúng ta hãy ghi nhớ một lần nữa tư tưởng của sách Macabê: Cầu nguyện cho những người đã chết để họ được giải thoát khi mọi tội lỗi là một việc làm thánh thiện và có giá trị cứu rỗi.



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Cám ơn quý vị đã xem trang web này, xin giới thiệu cho nhiều người cùng xem.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng