LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI VỚI CHÚA KITÔ PHỤC SINH ?

LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC SỐNG LẠI VỚI CHÚA KITÔ PHỤC SINH ?

Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay ( 13-3-05)

Trước khi bước vào Tuần Thánh để kết thúc Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta trong tuần lễ cuối cùng này suy niệm về ý nghĩa của sự “ sống lại” để chuẩn bị tâm hồn chúng ta sốt sắng mừng kỷ niệm Phục Sinh của Chúa Kitô một lần nữa.

Thật vậy, các bài đọc 1 và Phúc Âm Chúa Nhật tuần thứ 5 Mùa Chay hôm nay đều có chung một chủ đề là sự Sống Lại (Phục Sinh ) của con người sau cái chết ,một thực tế không ai có thể tránh được do hậu quả của tội lỗi (x. Rm 5:12)

Trước hết, qua miệng ngôn sứ Ezekiel , người đang bị lưu đầy cùng với dân Do Thái bên Babylon , Thiên Chúa đã hứa mang họ trở về quê hương qua hình ảnh những người chết được ra khỏi mồ “ hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel” (Ez 37:12.bài đọc 1)).

Như thế , hình ảnh dân Do Thái được giải thoát khỏi ánh tù đầy bên Babylon từ năm 605 cho đến năm 537 trước Chúa Giáng Sinh (B.C) để trở về quê hương, đã được so sánh như những người chết đang nằm trong mồ được sống lại, một biến cố lịch sử , một tin vui lớn mà Chúa Kitô đã mang đến cho toàn thể nhân loại cách nay gần 2000 năm khi Người từ cõi chết sống lại trong Ngày Chúa Nhật Phục Sinh .

Nhưng trước khi chính Chúa sống lại sau 3 ngày nằm trong Mồ đá, thì Người đã từng làm phép lạ cho con trai bà góa thành Naim (Lc 7: 11-15) cho con gái ông Gia-ia ( Lc 8: 49-56) và cho Laza rô (bài Phúc Âm)) được sống lại sau khi đã chết .

Mặt khác, trong thời gian 3 năm rao giảng Tin Mừng Cứu độ, Chúa Giêsu cũng đã hơn một lần nói đến sự sống lại của kẻ chết (xem Lc 20:27-36; Mc 10:34; Mt 22: 29-32;Ga 6:54) để an ủi và đem hy vọng cho những ai buồn sầu vì số phận sẽ phải chết hay đau khổ mổi khi có người thân phải lìa đời.

Khi cho Lazarô sống lại , Chúa đã nói rõ với chị em Marta rằng: “ chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” và “ Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11:25).

Đây là niềm tin, an ủi và hy vọng lớn lao nhất cho tất cả mọi người tín hữu chúng ta.

Chúa Giêsu đến trần gian để cho chúng ta niềm tin và hy vọng thật sự đó qua cái chết và phục sinh của Người .Chúa có thể cứu chuộc chúng ta mà không cần phải chịu đau khổ và chết trên thập giá. Nhưng Người đã chấp nhận chịu chết để chiến thắng sự chết qua sự Phuc sinh của Người để cho chúng tq hy vọng vào chính sự sống lại của mỗi người chúng ta sau này như Thánh Phao lô đã viết về hiệu quả của phép Rửa : “ Anh em không biết rằng : khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? ..vì được dìm vào trong sự chết của Người,chúng ta cùng được mai táng với Người.. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha,thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6: 3- 4)

Do hậu quả của tội lỗi mà mọi người phải chết. Nhưng nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô đã chết và phục sinh mà nhân loại có hy vọng được sống lại như Chúa sau khi phải trải qua cái chết của thân xác..

Tuy nhiên, muốn được sống lại với Chúa thì chúng ta cần suy nghĩ và thực hành lời Người đã nói với Marta trong bài Phúc Âm hôm nay : “ Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết”.

Nhưng thế nào là sống và tin vào Chúa ?

Trước hết ,tin vào Chúa đồng nghĩa với xa tránh mọi tội lỗi vì chỉ có tội lỗi mới làm cho ta lìa x a Thiên Chúa là Nguồn sống và hạnh phúc vĩnh cửu.

Tin vào Chúa cũng có nghĩa là sống theo đường lối của Người.. Mà đường lối của Chúa thì hoàn toàn khác biệt với đường lối của con người, của thế gian.

Thưc tế của cuộc sống con người ngày nay ở khắp mọi nơi đang chỉ rõ cho chúng ta thấy sự khác biệt lớn lao này.

Đó là sự khác biệt giữa bộ mặt đáng ghê sợ của “văn hóa sự chết”(culture of death) mà thế giới tôn thờ vật chất đang cổ võ và dung mạo tốt lành của “Phúc Âm sự Sống”(Gospel of Life) mà Chúa Giêsu đã rao giảng và chứng minh bằng chính cái chết của mình trên thập giánăm xưa.

Văn hóa sự chết chối bỏ Thiên Chúa và không nhìn nhận một giá trị đạo đức và luân lý nào nên đang xô nhanh con người xuống vực sâu của tội lỗi và hư mất .

Lại nữa, cũng vì không phân biệt ranh giới giữa thiện và ác, tốt và xấu nên văn hóa sự chết cũng dạy người ta đừng thắc mắc gì về những hậu quả của việc mình đang làm để chỉ biết sống ,làm những việc bất lương và hưởng mọi lạc thú có thể tìm được trong giây phút hiện tại mà thôi .

Đây là bộ mặt của thế giới hôm nay : bộ mặt của những người tôn thờ vật chất, say mê tiền bạc , vui thú bất chính, phi luân,phi nghĩa và dửng dưng trước mọi bất công xã hội ,đau khổ và nghèo đói của biết bao người kém may mắn chung quanh.Đặc biệt là bộ mặt của những kẻ mất lương tri đang vì tiền màkhai thác các kỹ nghệ phá thai,buôn bán ma túy,súng đạn và mãi dâm ,nhất là “mãi dâm trẻ em” để cung ứng thú vui cực kỳ man rợ và tội lổi cho nhửng kẻ vô luân vô đạo nỡ tâm phá hoại tinh thần và thể xác của bao trẻ thơ,đáng lẽ phải được thương yêu ,chăm sóc và giáo dục cho thành người hữu ích mai sau cho xả hội.. Riêng với người Việtnam thì Văn hóa sự chết cũng đang khuyến khích nhiều đàn ông đã có vợ con ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ về Việt nam mua vui thêm bằng trò lường gạt những thiếu nữ khờ dại muốn lấy chồng Việt kiều hay ngoại quốc để được giải thoát khỏi cuộc đời đen tối hiện nay ở quê nhà..Sống như thế, không những họ đang trà đạp lên mọi giá trị luân lý ,đạo đức mà còn làm khổ cho vợ con ,đặc biệt cho những nạn nhân mà họ đã tán tận lương tâm lừa gạt để thủ lợi cách bất chính…

Các nhà cầm quyền dân sự ,các chế độ chính trị cũng phải chịu trách nhiệm về việc dung dưỡng hay làm ngơ cho văn hóa sự chết được hoành hành trong xã hội mình.

Trong bầu khí ô nhiễm này, người có niềm tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh phải làm gì ?

Phải chăng là dám khước từ những quyến rũ ,lừa dối của văn hóa sự chết và can đảm thực hành những đòi hỏi của Phúc Âm Sự Sống để sau khi chết sẽ được sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh và hưởng vinh quang, hạnh phúc Nước Trời ?

Chúa Giêsu đã nói rõ : “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy :Lậy Chúa lậy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời, mới được vào mà thôi” ( Mt 7:21).

Nói khác đi, không thể vừa mang danh Kitôhữu, làm các việc đạo đức như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, lần chuỗi, v.v. lại vừa ít nhiều sống theo những đòi hỏi của văn hóa sự chết , đi ngược lại mọi giá trị của Phúc Âm sự Sống.

Một thái đô “hàng hai” như vậy chắc chắn không phải là thái độ sống và tin vào Chúa như Người đòi hỏi những ai thực sự muốn được cứu độ.

Mùa Chay là thời gian đặc biệt nhắc cho mọi người chúng ta tình thương tha thứ quá lạ lùng của Chúa nhưng cũng chỉ cho chúng ta thấy ác tính của tội lỗi. Chúa chết vì thương yêu con người nhưng cũng vì tội lỗi của nhân loại . Tội lỗi đưa đến sự chết và là trở ngại duy nhất ngăn cản con người đến với Thiên Chúa là Đấng chê ghét mọi tội lỗi nhưng yêu thương kẻ có tội biết sám hối ăn năn,.

Vậy cho được sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta phải ý thức sâu xa hơn nữa về nguy cơ và ác tính của tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian và không ngừng hoạt động để lôi kéo con người vào hố hư mất đời đời dưới các nhãn hiệu vô thần , vật chất chủ nghĩa hay “ văn hóa sự chết” như chúng ta có thể nhận diện bộ mặt đáng ghê sợ của nó trong nhiều lãnh vực sống của xã hội con người ngày nay.

LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng