Hỏa Ngục ? ?

Hỏa Ngục ? ?

Ngày xưa ta nghe các cụ đi khuyên những kẻ liệt, đọc sách thiêng liêng hay nói đến hỏa ngục như là nơi đày ải khổ sở, trầm luân vô cùng : nào là quỉ đen thui, mắt ốc nhồi nhe răng nanh, đầu có sừng, đít có đuôi (cứ tồng ngồng ra vậy thôi), trên tay lăm le cái xiên ba răng để xiên người bỏ vào những lò nung mấy ngàn độ hoặc đưa qua những vạc dầu sôi, mùi cháy khét bốc lên ngùn ngụt. Những câu chuyện đó nhằm làm cho ai nấy khiếp sợ để tăng phần nhân đức và để đừng phạm tội nữa.

Khi tôi còn là cậu giúp lễ, tôi cũng được nghe nhiều thánh tích về hỏa ngục khác nữa. Như có lần cha xứ đang mặc áo lễ để dâng lễ cho một linh hồn mới qua đời, thì linh hồn đó hiện về đen đủi đen đui, nói với cha xứ là đừng dâng lễ cho tôi nữa, tôi đã xuống hỏa ngục rồi, chẳng còn gì mà hy vọng, xin cha dâng cầu nguyện cho linh hồn khác, rồi sau đó linh hồn nhỏ một giọt mồ hôi vào lòng bàn tay cha xứ, tức thì bàn tay cha bị giọt mồ hôi xuyên qua vì nóng và rát dúa quá, xác thịt bình thường con người không thể chịu nổi. Ôi ! Ghê gớm quá, giục lòng mà xưng tội đi.

Khi tôi lên nhà tập lại được nghe nói về hỏa ngục, ở dưới đó các linh hồn lúc nhúc chặt như mắm nêm, được xếp chặt như trong hộp cá mòi, và có người tưởng tượng ra : "Trời ơi, lỡ mặt tôi lại bị kê ngay vào mông cái thằng nó bị tào tháo đuổi thì bỏ mẹ tôi cả đời".

Có những người bi quan cho rằng đằng nào số phận của mình cũng xuống hỏa ngục rồi, đã được xếp vào cỏ lùng, cá xấu, năm cô khờ dại... Có những người hồ nghi là chẳng biết chết xong rồi có hỏa ngục không, ai nắm chắc chuỵện đó, bảo đảm có hay không, chứng minh ? Cả hai lối suy nghĩ trên đều đưa đến cuộc sống ăn chơi buông thả, thoải mái tự do, ngông nghênh với đời và còn triết lý cùn thú vị như mình đã khám phá phát minh ra : "Tôi xuống hỏa ngục chả lẽ có một mình tôi, có người có ta chứ, sợ gì". Và còn biết bao tâm hồn không lên tiếng, không chối, không tin rõ rệt, có một lối sống lấp lửng, do dự, lững lờ... ra như chẳng còn sức cố gắng hơn nữa, ý chí cũng chẳng còn, hy vọng mong manh là mình sẽ không bị tụt xuống. Nhất là cha mẹ, bạn bè hay nhắc nhở nhau đi lễ đi nhà thờ đọc kinh, để khỏi xuống hỏa ngục...

Nhìn lại những cách sống như vậy để chúng ta, những người Kitô hữu, tin vào Đức Giêsu thật sự và có một tình yêu chân chính, chúng ta bình tĩnh đặt lại vấn đề giáo dục, hướng dẫn của nền "đạo lý Kitô giáo". Có thể chúng ta thiếu một nền giáo dục Kitô giáo, hoặc có một nền giáo dục Kitô giáo không khá, với những lý thuyết xa vời, những giáo điều cứng ngắc, những tưởng tượng sai lạc, những bài luân lý vô tận....

Trong Tin mừng có kể chuyện người phú hộ với yến tiệc linh đình, và ông Lazarô nghèo đói ghẻ lở tìm nhặt dưới đất những mảnh vụn ở trên bàn rơi xuống, húp những thừa cặn của tô phở mà người ăn đã bỏ đi, hút lại những mẩu thuốc lá dưới gầm bàn ăn... và cuối cùng, sau khi đã van nài đủ kiểu, ông phú hộ xin về báo cho mấy thằng anh em còn sống biết nỗi khốn khổ của con người ích kỷ. Nhưng cha Abraham nói rằng ở trần gian chúng nó đã có Maisen và các ngôn sứ, chúng nó không tin các ngài thì cho dù người chết có trở về nói cho chúng, chúng cũng chẳng tin nghe đâu (Lc 16,19-31).

Điều tôi muốn chia sẻ lại với các bạn ở đây (như đã viết trong bài cây lúa và cỏ lùng) là các ngôn sứ, rồi nhất là Đức Kitô, đã gào thét lên cho con người về Tình Yêu Tình Thương và Lời Chúa cho đến hôm nay. Các chứng nhân, ngôn sứ thời đại mới, vẫn kêu gào như thế mà vẫn bị khước từ, vẫn có người bịt tai, làm ngơ : "nghe như không nghe, nhìn mà không thấy..." và họ chỉ thấy có hỏa ngục thôi. Những người không tin, không yêu thì có lẽ cũng không nên nói về hỏa ngục vì rất dễ dễ bị lệch, vì chỉ để hù dọa, gây kinh hoàng, sợ hãi.....

Hoả ngục, đây là tình trạng lãng phí của một tình thương yêu âu yếm. Đức Giêsu Kitô đến đâu phải để hù dọa, nhưng là để tỏ bày tình thương yêu của Thiên Chúa, họ đã đón nhận đã sống và đã từ chối. Phải đặt hỏa ngục trong tương quan với tình yêu, khi đó những cực hình tra tấn, vạc dầu sôi, các lò nung nướng thịt sẽ phai nhạt đi.

Sự trầm luân với những tình huống có thể xảy ra, đó chỉ là hậu quả của tính nghiêm túc của tình yêu. Một hình ảnh dễ hiểu là : Thiên Chúa như cái bóng đèn, ai ở gần thì người đó được hưởng ánh sáng, ai từ khước thì sẽ ở nơi tối tăm, mò mẫm, loạng quạng. Tình thương của cha mẹ bị con cái khước từ, tình yêu của chàng bị nàng khước từ, đau đớn lắm chứ ? Nói đến hỏa ngục là để nói với những người đang yêu. Như thánh Ignatio Loyola mỗi lần ngài bị khô khan, ngài suy niệm về hỏa ngục để kích thích lòng mến, thánh Têrêsa hài đồng nói với Chúa : nếu Chúa có cho con xuống hỏa ngục thì con xin vẫn cứ yêu Chúa, một tình yêu có tính cách nhưng-không và chuyện này chẳng có thể xảy ra được. Sự nghiền ngẫm hỏa ngục phát xuất từ lòng từ bi yêu thương âu yếm, chứ không phải bất cứ điều gì khác. Vì thế mà nó mang tính cách cầu nguyện "Lạy Chúa, xin đừng để con xa lìa, xin đừng xa cách con khỏi Thánh Nhan Ngài". Người đang yêu thì suy nghĩ về hỏa ngục trong tư cách là người đang yêu, tức là trong niềm tin tưởng, trong sự phó thác cậy trông nơi bàn tay Cha ấp ủ. Đức Kitô qua cái chết cứu độ trên thập giá của Ngài, đã giang tay ra chận đứng cánh cổng xuống đó, và hẳn ai muốn đi xuống đó chắc là phải bước qua xác Ngài.

Tấn bi kịch của hỏa ngục

là người đã nhận biết Tình yêu và đã từ chối.

Lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội

nào có ai đứng vững được chăng ?

(Tv 129)



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI TỘI LỖI, VÀ ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA KHI CÒN CƠ HỘI TRÊN THẾ GIAN NÀY
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng