Giáo Lý Của Giáo Hội Về Việc Hỏa Táng

Giáo Lý Của Giáo Hội Về Việc Hỏa Táng

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Xin Cha giải thích rõ Giáo Hội có cho phép:
1- hoả táng xác người chết không?
2- rắc tro hoả táng xuống sông, ao, hồ hay biển được không?

Trả lời: Trước hết, xin được nói qua về sự chết và niềm tin của Giáo Hội vào sự phục sinh của thân xác con người sau khi chết.

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta đọc: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

stlouis1-cemetery.jpg

Như vậy, Giáo hội dạy chúng ta phải tin vào sự sống lại của thân xác con người sau khi phải chết vì hậu quả của tội như Thánh Phaolô đã dạy (x Rm 5:12). Nền tảng của niềm tin này là chính sự Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết qua sự chết và sống lại của Người sau 3 ngày ở trong Mồ đá (x 1 Cr 15:12-17)

Khi chết, thân xác con người sẽ bị hủy diệt tiêu tan vì “cát bụi trở về với cát bụi”. Dầu vậy, thân xác bị tiêu tan này sẽ được sống lại như Giáo Hội dạy: “Do sự chết, linh hồn lìa khỏi xác, nhưng trong ngày sống lại, Thiên Chúa sẽ trả lại sự sống bất diệt cho thân xác được biến đổi khi Ngài lại hiệp nhất nó với linh hồn chúng ta. Cũng như Chúa Kitô đã sống lại và sống mãi muôn đời, chúng ta tất cả cũng sẽ sống lại như thế vào ngày sau cùng.” (x. SGLCG, số 1016)

Chính vì niềm tin có sự sống lại của thân xác con người, mà Giáo Hội cũng dạy các tin hữu phải tôn trọng xác của kẻ chết như sau: “Thi thể của người quá cố phải được đối xử cách kính trọng và bác ái trong niềm tin và hy vọng vào sự sống lại. Vì thế, việc chôn cất người chết là việc thể hiện lòng thương sót nhằm vinh danh con cái Thiên Chúa, là những đền thờ của Chúa Thánh Thần.” (Sđd, số 2300).

Nghiã là phải dành cho việc chôn cất thân xác của kẻ chết một nghi thức xứng đáng nói lên sự kính trọng thân xác sẽ có ngày được chỗi dạy vinh quang cùng với linh hồn, cho dù tạm thời phải chịu hư nát trong sự chết. Theo truyền thống khắp nơi từ xưa đến nay ở trong và ngoài Giáo Hội, thì xác chết phải được chôn cất vào lòng đất nơi nghĩa trang. Nhưng sở dĩ trước đây Giáo Hội cấm việc hoả thiêu xác người chết (cremation) là vì có bè rối (heresy) chủ trương đốt xác người chết để phủ nhận niềm tin có sự sống lại của thân xác con người như Giáo Hội tin và dạy. Nhưng sau đó bè rối này đã tan rã nên từ sau Công Đồng Vatican II đến nay, Giáo Hội đã “cho phép hoả táng nếu việc này không có nghĩa là chối bỏ niềm tin vào sự sống lại của thân xác.” (x. Sđd, số 2301). Nói rõ hơn, được phép đốt xác để lấy tro cất vào hũ thay vì chôn cất để xác bị tiêu tan vào lòng đất, nhưng việc hoả thiêu này không được làm với chủ đích chối bỏ niềm tin vào sự sống lại mai sau của thân xác như bè rối kia đã chủ trương.

Trong niềm tin của Giáo Hội, thì dù thân xác có bị hư thối và tiêu tan trong lòng đất, hay bị ác thú ăn thịt, bị hoà tan trong nước khi chết ngoài biển khơi, hay bị thiêu ruị trong hoả táng, thì Thiên Chúa vẫn cho sống lại được vì “Người có quyền năng khắc phục muôn loài và sẽ dùng quyền này để biến đổi thân xác hèn yếu của chúng ta nên giống thân xác sáng láng” như Chúa Kitô Phục Sinh. Chính vì thân xác đã được biến đổi của Chúa sau Phục Sinh mà bà Maria Magdalene đã không nhận ra Chúa khi bà đến viếng Mộ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần và khóc lóc vì nghĩ người ta đã lấy trộm xác Chúa khỏi Mồ đá. (x. Ga 20:11-18).

Sau hết, tuy Giáo Hội ngày nay cho phép việc hoả táng trong niềm tin xác loài người ngày sau sống lại, dù xác được chôn và bị tiêu tan trong lòng đất hay ra tro bụi khi hoả thiêu, nhưng chắc chắn Giáo Hội không khuyến khích hay cho phép việc thả tro này xuống sông hay biển như những người không chung niềm tin đã làm.

Lý do: xác người chết được chôn ở nghĩa trang hay hoả thiêu để lấy tro đựng trong hũ sành sứ thì vẫn là biểu tượng cho niềm tin chờ ngày sống lại của thân xác con người. Do đó mồ mả hay hộp tro đựng xác hỏa thiêu phải được giữ gìn cách kính trọng trong nhà, ở nơi thờ phượng hay ngoài nghĩa trang. Hàng năm vào dịp Lễ các Thánh và các Linh hồn, Giáo Hội khuyên và ban ân xá (indulgences) cho những ai viếng nghĩa trang và cầu nguyện cho các linh hồn mà thân xác đang nằm nghỉ nơi đó. Vậy nếu quăng xác xuống biển cho cá ăn hay thả tro xác hoả thiêu xuống nước cho tan ngoài sông ngoài biển thì lấy gì hay nơi nào cụ thể để cho người còn sống đến thăm viếng và cầu nguyện? Mặt khác, những người không có niềm tin vào sự phục sinh của thân xác, mà chỉ quan niệm rằng con người phải trở về với vũ trụ thiên nhiên sau khi chết, nên họ đã hoả thiêu và thả tro xuống nước để nói lên sự hoà tan mà không trở về hay sống lại như Giáo Hội Công Giáo tin. Vì thế, người Công Giáo không được làm việc này vì không phù hợp với giaó lý của Giáo Hội về việc kính trọng xác người đã chết, chờ ngày sống lại.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng