Chúa Có Lên Án Người Giầu Không?

Chúa Có Lên Án Người Giầu Không?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha giải thích giúp 2 câu hỏi sau đây:

  1. Tại sao Chúa Giêsu nói: “người giầu có, khó vào Thiên Đàng”?
  2. Có phải Chúa Giêsu đến để giải phóng cho con người khỏi ham mê tiền của như một linh mục đã nói hay không?

Trả lời:

1- Trong 3 năm công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo các môn đệ về nguy cơ của tiền bạc đối với phần rỗi của con người:

... Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” (Mt 6:24; Lc 16:13)

Đặc biệt, khi có một thanh niên giầu có đến hỏi Chúa Giêsu xem anh phải làm gì để được sống đời đời, Chúa Giêsu bảo anh về bán hết tài sản, lấy tiền cho người nghèo rồi trở lại đi theo Chúa. Nhưng anh này đã “sa sầm nét mặt,và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19:22; Mc 10:22; Lc 18:23).

Vì thế Chúa Giêsu đã nói: “con lạc đà chui qua lổ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19:24).

Nhưng nói thế có phải Chúa Giêsu muốn lên án tiền của và những người giầu có ở đời này không? Và có phải cứ nghèo đói, rách rưới thì mới được cứu rỗi hay sao?

Sự thật chắc chắn không phải như vậy. Lý do là con người, ngoài nhu cầu tâm linh, và tinh thần ra (spiritual and intellectual needs), còn có nhu cầu sinh lý và vật lý nữa. Ai cũng phải ăn, uống, ngủ nghỉ mới sống được. Cũng phải có nhà để ở, xe để di chuyển (sống ở Mỹ), áo quần để mặc, thuốc men khi đau yếu, ngoài khát vọng đi tìm chân lý, thỏa mãn hiểu biết và mơ ước hạnh phúc. Trong mục đích và giới hạn này thì tiền bạc và của cải vật chất là điều chính đáng con người được quyền thủ đắc và sử dụng. Câu “có thực mới vực được Đạo” được hiểu trong nhãn giới này. Nghĩa là người ta phải được ăn no, mặc ấm thì mới an tâm, hăng hái đi học và đi nhà thờ được. Ngược lại, khi người ta đang đói, khát, rách rưới, đau ốm mà mình chỉ đến nói với họ “hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần thì nào có ích lợi gì?” ( Giacôbê 2:16).

Nói khác đi, Chúa không cấm con người đi tìm tiền của và hạnh phúc ở đời này trong giới hạn và mục đích có một cuộc sống vật chất xứng hợp với phẩm giá con người, trong khi đi tìm những mục đích cao cả khác. Điều quan trọng là “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” ( Mt 6:33).

Được phép có tiền của nhưng không làm nô lệ cho tiền của, đó mới là điều Chúa muốn chúng ta thực hành trong cuộc sống này. Vì làm nô lệ cho tiền của thì không thể đi tìm Chúa là nguồn mọi sự giầu sang vĩnh cửu, và thực thi bác ái, tức là chia sẻ và nhậy cảm trước sự nghèo đói của người khác. Bằng cớ, người thanh niên giầu có kia đã vấp ngã vì không thể từ bỏ của cải như điều kiện cuối cùng Chúa đòi hỏi anh để được sống đời đời. Người phú hộ trong Tin Mừng Thánh Luca bị phạt xuống hỏa ngục không phải vì tội giầu có khi còn sống mà bị phạt vì đã không biết thương, chia sẻ chút của cải nào cho người nghèo Lazarô hàng ngày ngồi ăn xin ở cửa nhà mình (x. Lc 16: 19-31).

Tóm lại, Chúa không cấm chúng ta tìm tiền của trong mục đích thỏa mãn những nhu cầu chính đáng trong cuộc sống tạm ở trần gian này. Chúa muốn chúng ta biết dùng tiền của để phục vụ cho những lợi ích tinh thần và vật chất chính đáng của bản thân mình và thực thi bác ái với anh chị em kém may mắn, nghèo khó hơn mình mà thôi.

2- Về câu hỏi thứ hai, tôi không rõ nguyên văn lời tuyên bố của linh mục kia. Nhưng nếu chỉ nói Chúa Giêsu đến để giải phóng cho con người khỏi ham mê tiền của thôi thì e chưa đủ. Thật ra, phải nói rằng Chúa đến để giải phóng cho con người khỏi tội lỗi để được sống đời đời mới đúng và đầy đủ. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã nói nhưng người Do Thái không hiểu được xưa kia: “Thật tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội... Vậy nếu Con Người có giải phóng các ông thì các ông mới thực sự là những người tự do” (Ga 8:34).

Tội là nguồn gốc, là nguyên nhân gây ra mọi sự dữ trên trần gian này. Tội đẩy xa con người ra khỏi tình thương của Chúa. Ham mê tiền của là một trong những nguy cơ của tội lỗi, đưa đến quyên mất hay coi nhẹ việc tìm kiếm Thiên Chúa và Vương Quốc của Người. Vì thế, đây là một dịp tội phải tránh. Hay nói khác đi, làm nô lệ tiền của đến phương hai cho mục đích tối thượng của đời mình là tìm Chúa để được cứu rỗi thì đó mới là mối nguy cần được giải phóng.

Tóm lại, tiền bạc chỉ là một trong những nguy cơ làm nô lệ con người bên cạnh những nguy cơ khác như thú vui vật chất cách bất chính, ham mê danh vọng, quyền lực, bóc lột, ghen nghét, oán thù, bất công và sát hại lẫn nhau. Tất cả là tội lỗi, là cản trở cho con người tìm đến với Thiên Chúa để được cứu rỗi, được chia sẻ sự sống và hạnh phúc của Người.

Chúa Giêsu đến để cứu chuộc nhân loại tức là giải phóng cho con người khỏi mọi ràng buộc với sự chết vì nô lệ cho tội lỗi, hầu được tự do tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mọi vinh phúc, sang giầu. Đó là tất cả ý nghĩa sâu xa về sứ mạng giải phóng hay cứu chuộc mà Chúa Kitô đã thực hiện trong trần gian cách nay trên 2000 năm.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn



+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng