CÂU CHUYỆN RỬA CHÂN


Năm nay, những ngày cuối Mùa Chay và Tuần Thánh, mấy anh em Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi ở miền Nam được gọi đi giúp Đại Phúc (một tuần ) hoặc Tiểu Phúc (3 ngày ) ở các tỉnh miền Bắc. Các anh em ở ngay tại miền Bắc thì đã rong ruổi từ giữa Mùa Chay lên các tỉnh vùng Tây Bắc xa xôi cách trở. Có lúc cụm lại làm việc chung, có lúc tản ra mỗi người lo một xứ, rồi lại hẹn gặp nhau về chung một Giáo Xứ khác tại một Giáo Phận khác. Được gọi được mời đi giúp khắp nơi như thế này anh em chúng tôi mừng lắm, vì được sống đúng với đặc sủng của Nhà Dòng từ Thánh Tổ An Phong truyền lại cho đến ngày nay.

Thế rồi, trong những lúc ngồi trò chuyện với các cha Xứ, chúng tôi nghe được lắm điều hay. Ví như chuyện tại nhiều xứ đạo miền Bắc gốc gác do các cha Dòng Tây Ban Nha khai mở bao đời nay, khó khăn thế nào, o ép ra sao thì vẫn cứ cố mà giữ cho được cái nếp xưa, những thói tục đạo đức bình dân. Tuy nhiên cũng đã đến lúc phải mạnh dạn xem xét lại và đổi mới nhiều chuyện, bình dân đến đâu thì cũng phải lo sao cho sát với Kinh Thánh, đúng với Thần Học, giá trị nghệ thuật cũng phải kha khá và từ đó khơi lên được những tâm tình tôn giáo sâu sắc mà chừng mực, đạt được cả mục tiêu giới thiệu Đạo mình với mọi người chung quanh.

Có cha chép miệng than:

- Ai đời chúng nó bôi mày vẽ mặt làm quân dữ, chạy rầm rầm đi bắt Chúa, hô hoán quát tháo, xô tượng đứng lên trong Nhà Thờ xong, thành công rồi là kéo nhau đi đánh chén be bét suốt đêm, lễ lạc Tuần Thánh chẳng coi ra gì. Con thì... cấm hết, dẹp hết !

Nhưng cũng có cha lý luận rằng đó là một truyền thống cổ xưa cần bảo tồn, và ngài đưa ra sáng kiến sẽ canh tân bằng cách làm kịch bản sân khấu hóa đàng hoàng, rà soát lại nội dung, tạo bầu khí cầu nguyện trang nghiêm mà sống động, đưa thêm âm nhạc, thêm Thánh Ca vào, dạng như hoạt cảnh. Và quan trọng nhất là dứt khoát nghiêm cấm cái khâu nhậu nhẹt thịt chó.

Lại bàn đến chuyện rửa chân Thứ Năm Tuần Thánh. Các cha mình lâu nay vẫn làm theo thói quen, nay thì đang có khuynh hướng muốn đột phá cách tân. Nghe đâu có một cha bên hải ngoại đặt vấn đề sao không rửa chân cho các bà mà lại chỉ chọn các ông ? Thế là có cha chịu khó tìm đọc lại phần chữ đỏ trong Sách Lễ Rô-ma xem sao, thì thấy có ghi rất rõ về nghi thức Rửa Chân như thế này: “Các người giúp lễ sẽ hướng dẫn những người đàn ông đã được tuyển chọn đến ghế dọn sẵn. Sau đó Linh Mục (cởi áo lễ nếu cần ), với các người giúp lễ, đi đến từng người, đổ nước trên chân họ và lau...”

Trong thực tế, có nhiều nơi không ngờ sinh ra muôn vàn giống tội cũng từ cái chuyện “những người đàn ông đã được tuyển chọn”, lòng dạ con người ta khiếp lắm, giành giựt, gièm pha, đố kỵ, khích bác nhau để “phấn đấu”, “tranh thủ” cho được một chỗ trong hàng ghế các “Tông Đồ”! Thế là có cha quyết định năm ấy không chọn trước bất cứ người nào nữa. Cả Giáo Xứ đồn đại lao xao xì xào, không khéo có người lại định bụng sẽ đi mách với... Đức Cha. Thế rồi đúng chiều Tiệc Ly, trên cung Thánh quả thật không thấy dọn các ghế ngồi cho các ông “Tông Đồ” như mọi năm, cha Sở cùng một chú giúp lễ bưng một chậu nước, khoác tấm khăn bông trên tay, băng băng đi xuống lối giữa Nhà Thờ, rồi bất ngờ dừng lại ở một người nọ, quỳ xuống rửa chân luôn, mặc cho anh ta cuống quít lọng ngọng. Cứ thế, lại bất ngờ dừng ở một người thứ hai, người thứ ba, cho đến người thứ mười hai, rải rác khắp các nơi trong giáo đường, hầu hết đều là những người đàn ông ngồi ở ngay các đầu ghế. Bất ngờ đến thế thôi chứ cha cũng không dám bất ngờ quay sang các dãy ghế bên kia chọn cả các bà để rửa chân !

Chúng tôi cũng xin tham gia góp chuyện. Tôi kể lại lần mình được dâng Lễ Thứ Năm Tuần Thánh tại một nhà thờ do các chị Dòng Phan-sinh Thừa Sai Đức Mẹ phụ trách. Vừa bước ra đầu Lễ, tôi đã thấy hay hay vui vui, cũng hơi lo lo hồi hộp vì các soeurs “chịu chơi” quá, chọn luôn mười hai tông đồ là sáu cậu bé áo sơ-mi trắng và sáu... cô bé áo đầm đồng phục học sinh. Đến lúc bắt đầu nghi thức rửa chân, tôi lại ngẩn ngơ một lần nữa vì phát hiện ra có một số em bị “thông manh”, nhìn thoáng qua không ai nghĩ các em là người khiếm thị ở Mái Ấm Như Nghĩa. Thú thật, tôi quỳ xuống rửa chân mà lòng bàng hoàng xúc động. Tôi bất giác nâng đôi bàn chân nhỏ nhắn xanh xao gầy gò của từng em để đặt lên đó một nụ hôn trân trọng và trìu mến.

Các soeurs sau Thánh Lễ có bảo tôi:

- Cha ơi, đâu có ai bắt cha phải hôn chân người ta đâu !

Tôi liền kể lại cho các chị nghe ấn tượng từ gần bốn mươi năm trước, khi còn là một chú thiếu niên, tôi đã gặp được nơi cha Pacifique Nguyễn Bình An, Dòng Phan-xi-cô. Lần ấy, cũng buổi chiều Tiệc Ly, cha Bình An đã tận tụy ân cần quỳ rửa và sau đó cúi gập người xuống để hôn chân từng người, trán cha lấm tấm những hạt mồ hôi, không phải do nóng bức mùa hè mà do cha đã kiệt sức lắm rồi. Không lâu sau đó, cha qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Mẹ tôi đi dự đám tang ngài về cứ xót xa tiếc thương:

- Cha tốt lành quá, ông Thánh sống nên chả trách Chúa cất về sớm !

Còn bố tôi thì bảo:

- Cha là người Bình An đến... hai lần đấy !

Tôi tò mò hỏi tại sao thì mới được bố tôi giải nghĩa cho biết tên thánh của cha cũng là Bình An.

Thế rồi Tam Nhật Thánh năm nay cũng đã đến, tôi xin Đức Cha Bắc Ninh cho hai anh em DCCT chúng tôi được về giúp phụng vụ ở trại phong Quả Cảm thân quen. Cô Xuân và cô Yên, hai chị Tu Hội Thánh Tâm đang phục vụ ở đây mừng lắm, bảo là biến cố lịch sử vì có lẽ phải hơn 50 năm rồi trại phong chưa bao giờ có Thánh Lễ Tam Nhật Thánh. Chúng tôi bàn với nhau rồi ngỏ ý với các bệnh nhân: “Ở đây chỉ có hơn 20 người Công Giáo cả ông lẫn bà, cả anh lẫn chị tham dự thì xin cho rửa chân hết”

Phút chót, dễ thương quá, có thêm hai cụ ông là người bên Lương đến xin dự Lễ nữa, vậy mà cũng chẳng thể gom đủ 12 ông như quy định của Sách Lễ Rô-ma. Vậy là yên tâm lớn, không sợ các đấng các bậc đem luật chữ đỏ ra bắt lỗi !

Năm giờ rưỡi chiều, Thánh Lễ bắt đầu... Đến nghi thức rửa chân thì có một tình huống bất ngờ xảy ra, một cụ ông giơ tay xin phát biểu:

- Thưa hai cha, con không còn chân để được rửa ạ !

Tôi buột miệng:

- Cụ ơi, không sao, chúng con sẽ rửa tay cho cụ vậy !

Dãy ghế bên này thêm một cụ bà thắc mắc:

- Nhưng thưa cha, con cũng chẳng còn tay để cho cha rửa đâu !

Chúng tôi nhìn kỹ, quả thật đôi tay của cụ không còn bàn, cũng chẳng còn ngón nào, nó cụt ngủn ở cổ tay với những mấu mứu đầu xương nhô ra mà thôi. Cha Hoàng Xô Băng nói luôn:

- Thưa, nếu không còn tay thì ta rửa... mặt vậy !

Cả ngôi nhà thờ bé nhỏ với mấy chục con người hạnh phúc đã cười vang, không quên kèm theo một tràng pháo tay lụp bụp của những bàn tay không còn bàn và thiếu ngón như thế...

Trời ơi, đối với anh em chúng tôi, có lẽ trong suốt cuộc đời mục vụ sau này, sẽ mãi mãi chẳng bao giờ quên được kỷ niệm xúc động tuyệt vời có một không hai ấy...

Lm. Lê Quang Uy, CSsR

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối" "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng