Bai Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 32 B TN Chúa Nhật 12.11.2006



download audio


Giọng đọc: Lm. Lê Quang Uy, DCCT

MẶT SẤP – MẶT NGỬA

Quân bài trong một số loại cờ có hai mặt và mặt trái chỉ nhằm che dấu chi tiết của mặt bên kia, mặt phải, mặt để căn cứ theo đó mà tính toán, sát phạt hơn thua. Tự nó chẳng nói lên được điều gì ! Người ta lật ngửa các quân bài khi tới hồi phân định thắng thua, song “ván bài lật ngửa” còn xảy ra ngay từ đầu, khi không muốn hoặc không thể dấu diếm nhau nữa, giữa các đối thủ thi thố mưu mẹo.

Huy chương có hai mặt trái phải, nhưng thường thì chỉ có một mặt được chạm đúc để chỉ ý nghĩa và thứ hạng của nó. Mặt trái thường vô dụng. Huy chương không mất giá, nhưng mau hết thời: cuối cùng chỉ còn là một kỷ niệm ! Đồng bạc xu thì khác: cả hai mặt đều có công dụng riêng, dù cả hai mặt đều có một cái chung nhất: mệnh giá của đồng xu. Dù vậy, mặt phía bên có hình các nhân vật hoặc các hình tượng đặc trưng, bao giờ cũng được coi là mặt sấp, trong khi phía bên kia, mang hình quốc huy hoặc một “logo” nào đó, luôn được coi là mặt ngửa. Sấp ngửa của đồng tiền xu hay gặp thấy trong các trận thi đấu, khi trọng tài tung đồng xu lên và phe có “mặt” tương ứng sẽ có quyền chọn lựa, nếu “mặt” của mình nằm trên.

“Sấp, ngửa” cũng là “ván bài lật ngửa” trong đoạn Tin Mừng hôm nay, giữa những người có túi tiền, có kho vàng đầy ắp đối lập với một bà lão chỉ có trong tay món tiền độ nhật nhỏ nhoi. Cuộc so găng tưởng như đã được phân định thắng bại rõ ràng.

“Huy chương nào bao giờ cũng có mặt trái”, điều này muốn nhắn nhủ con người không chỉ những mặt xấu, mặt chưa tốt đi kèm theo sự thành công và thành đạt ( mà tấm huy chương là một lời chứng thực hùng hồn nhất ). Nhưng đồng bạc thì không có mặt trái, mà chỉ có hai mặt sấp ngửa, giá trị vật chất như nhau dù xoay trở bên nào, nhưng ý nghĩa thì thật là khác xa nhau.

Đồng tiền luôn là cái đề cân-đong-đo-đếm mọi sự khi có thể chuyển hoá giá trị của nó thành trị giá vật chất. Nó ở dưới quyền điều khiển của con người, dù chính nó có thể mua được cả con người. Giá trị của nó dễ dàng thay đổi, mất đi, do trượt giá hoặc do chế độ đã chế tác, in ấn, dập khuôn và phát hành nó đã không còn giá trị. Vì thế mà đồng tiền được coi là “vạn năng” và theo cách nói của giới trẻ Việt Nam, thì tiền “là tiên, là phật; là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân...” và “có tiền mua... tiên cũng được”.

Song hôm nay có một điều gì khác lạ hơn: dường như Chúa Giê-su nhớ nhung Mẹ Người, cũng là một bà goá. Vừa xỉ vả thậm tệ mấy tay Kinh Sư, trong đó có nhắc đến việc họ chỉ giỏi hiếp đáp đàn bà con nít, nhất là các bà goá, thì Chúa Giê-su lại ngồi nhìn việc thiên hạ bỏ tiền dâng cúng vào hòm, Người trông thấy một bà goá – hình ảnh của Mẹ Người, cô đơn, nghèo khó nhưng luôn quảng đại và chân thành –Người bồi hồi xúc động.

Việc bỏ hai đồng xu của bà goá này – tiền chi tiêu một ngày sống của người nghèo khó, già nua, goá bụa – chẳng phải là một biệt lệ, mà có thể nói đó là cách nghĩ, cách làm của rất nhiều bà goá, khi họ hiểu được giá trị của đồng tiền chân chính và giá trị nuôi sống của nó đối với bản thân họ, song đồng thời cũng vì thế mà hiểu được giá trị hy sinh của họ.

Những suy nghĩ và hành vi ấy không thể có được nơi người giàu có, khi đồng tiền kiếm được dễ dàng và cũng tiêu pha dễ dàng, thậm chí còn vung ra chỉ vì một “cơn vui suốt sáng, trận cười thâu đêm”. Cho nên, họ cũng nhét những đồng bạc vào hòm tiền, có khi còn nhét thật nhiều nữa là khác, song chỉ như một cử chỉ quen tay, nếu không muốn nói là với nhiều dụng ý phía sau: khoe khoang, tỏ ra hào hiệp, thậm chí để khinh khi hoặc dằn mặt kẻ khác cho biết tay ! Phần thưởng họ nhận được là những ánh mắt tròn xoe trầm trồ, những tiếng xuýt xoa thán phục, không loại trừ những câu se sua nịnh bợ. Và chấm hết ! Trong khi những đồng xu nhỏ xíu nhưng lại mang nặng mặc cảm của bà góa ở trần gian, lại được Thiên Chúa đem cả Nước Trời để đánh đổi.

Lạy Chúa, bài ca con muốn hát lên hôm nay, là lời cảm tạ, vì Chúa đã chẳng căn cứ trên thành công, điạ vị, của cải ở đời này mà đánh giá con người, vì đơn thuần tất cả mọi sự đều là của Chúa. Chúa chỉ muốn mọi công việc chúng con làm đều phát xuất từ đáy lòng, với trọn tâm tình hiếu kính đối với Chúa và lòng yêu mến kính trọng đối với tha nhân.

Thiên Đàng và Hỏa Ngục không phải là “mặt sấp, mặt ngửa” của cuộc đời Ki-tô hữu, mà Thiên Đàng chính là “món hàng” chúng con phải vét đến đồng bạc cuối cùng để mua cho bằng được, như trong dụ ngôn “viên ngọc quý”, đó chính là sự chọn lựa “một mất một còn” cho sự sống đời đời; trong khi phải khôn ngoan sử dụng đồng tiền để không bao giờ biến nó thành giá mua... Hoả Ngục.

Đồng tiền – dù là mệnh giá cao, chất liệu quý hiếm, hoặc chỉ là những đồng xu nhỏ – chỉ có giá trị khí được sử dụng đúng đắn, nghĩa là chia sẻ với tha nhân như một bổn phận, chứ không phải như “của bố thí” ( cách gọi thật sai theo cách nghĩ rất sai trong các văn bản Phụng Vụ Mùa Chay ), sau khi đã chi dùng cho các nhu cầu chính đáng của bản thân và gia đình.

Lạy Chúa, con trích lại dưới đây cho Chúa nghe một câu chuyện thời sự nóng hổi, mà người Ki-tô hữu chúng con mà chịu khó lưu tâm, sẽ thấy thật sự hổ thẹn:

Ngày 13 tháng 10 vừa qua, một chuyến xe của các cán bộ quận Phú Nhuận, từ Sài-gòn đi uỷ lạo cứu trợ đồng bào bị bão tại Đà Nẵng, đã gặp tai nạn giao thông kinh hoàng ở Diên Khánh, Khánh Hoà. Trong số các nạn nhân chết thảm có anh Trần Đình Liêm, chủ tịch UBND phường 13, là cán bộ đấy nhưng lại vẫn là một người nghèo chuyên tâm lo cho người nghèo. Người ta phát hiện gia đình của anh Liêm, vợ chồng con cái bốn năm người lâu nay vẫn sống trong một căn hộ bé tý xíu đến không tưởng tượng nổi.

Và chị Nguỵ Thị Phương Thảo đã quyết định trao tặng căn nhà một trệt một lầu trị giá 550 triệu đồng cho gia đình anh Liêm. Chị cho rằng: ”Tôi chỉ muốn làm một việc gì đó có ích cho người khác”.

Chị Thảo là ai vậy ? Chị là con lai Mỹ, đã trải qua tuổi thơ đói khổ, thiếu thốn cả vật chất và tình cảm, nhờ gặp cơ may giá nhà đất mà khá giả dần lên, nhưng tình thương đối với người nghèo luôn dạt dào trong chị. Chị đi làm việc từ thiện khắp nơi, lúc Miền Trung, khi lại về Miền Tây, chưa kể những món tiền 30, 50 triệu đóng góp thường xuyên. Cứ đến gần Tết âm lịch và rằm tháng bảy hằng năm, hàng trăm người cơ nhỡ, khuyết tật từ khắp nơi kéo nhau về nhà chị để nhận quà gạo, bánh. Căn nhà của chị trở thành mái ấm, điểm tựa cho những người khó khăn. Chị tâm sự: ”Một ngày, ngoài ba bữa cơm, tôi tự quy định không được tiêu xài cho mình quá 5.000 đồng. hoang phí mà làm gì, nên tiết kiệm dành dụm để có tiền cho những người khổ xung quanh...”

Thật may, con cũng đã đọc được một tin vui, tin tốt lành khác liên quan đến một Ki-tô hữu: “Tôi xúc động được biết trong hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn của một người làm nghề thợ xây, nhưng vợ chồng anh từ đầu năm 2004 đến nay đã đùm bọc, nuôi dưỡng tới 24 lượt trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và những bà mẹ lỡ lầm... Anh chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh chị, cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở, sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ...”

Đây là đoạn trích trong thư của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết gửi cho vợ chồng anh Tống Phước Phúc và Nguyễn Thị Lệ Yến, Giáo Dân Giáo Xứ Chính Tòa Nha Trang ngày 23.10.2006. Từ mấy năm nay, cùng với một số anh em Giáo Dân Giáo Xứ Chính Toà, anh chị đã âm thầm tìm các thai nhi bị chết do nhiều nguyên nhân và chôn cất ở vùng đất do anh em bỏ tiền mua tại Hòn Nghê, Nha Trang, vợ chồng anh lại còn đem hàng chúc cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi về nuôi dưỡng, dù thu nhập của một thợ hồ chẳng được là bao. Những đồng bạc lẻ đã tạo cho các cháu bé một cõi thiên đàng và chuẩn bị cho chính gia đình anh Nước Trời. Anh và gia đình đã bỏ vào hòm tiền Nước Trời nhiều hơn hết.

Lạy Chúa, con nhớ lại lời Gia Huấn Ca của cha ông Việt Nam chúng con, rằng: “Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn vàng” !

CVK NGUYỄN THẾ BÀI, Tình Ca Cho Người Được Yêu 22




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng