“ĐẠO” THỰC DỤNG

“ĐẠO” THỰC DỤNG


Bệnh thực dụng không phải chỉ là căn bệnh của giới trẻ ngày nay, cũng không phải chỉ là thái độ của một số người trong cơn cám dỗ của nền kinh tế thị trường. Đây còn là căn bệnh có tầm mức nhân loại và chi phối sâu xa đời sống đức Tin Kitô giáo. Thực dụng là giản lược cái huyền nhiệm vào những thành quả tức thời; thực dụng là tìm những cách thức dễ dãi, cụ thể, rõ ràng để thực hiện vận mạng cuộc đời mình; và sâu xa hơn, thực dụng là sử dụng phương pháp đối với sự vật để thay thế cho thái độ gặp gỡ chân chính giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa.

Căn bệnh này có vẻ “nhẹ tội”, nhưng thật ra, nó là căn bệnh chính, là nguồn gốc của mọi căn bệnh khác; nó là một dự phóng căn bản bao hàm thái độ từ chối tình yêu thương đúng nghĩa, từ chối liên lụy với nhau, từ chối đồng hành, từ chối hiệp thông, từ chối chấp nhận nhau vô điều kiện, từ chối một thái độ trung tín với nhau trên hành trình lịch sử cuộc đời.


1. CĂN BỆNH CỦA NGUYÊN TỔ

Thách đố này đã được diễn tả trong thái độ của nguyên tổ con người : Adong và Eva. Nguyên tổ được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa :

“Và Thiên Chúa phán : Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta”[1] (St 1,26; Xc. 1,27).

Khẳng định ấy không chỉ giới hạn trong một cơ năng riêng biệt nào đó của con người, như lý trí hay lòng yêu thương, nhưng bao hàm ý nghĩa rằng vận mạng của con người chỉ được thành toàn trong cuộc sống thân tình với Thiên Chúa. Đó là một hồng ân lớn lao của phận người. Tuy nhiên, vì mang thân xác bằng bụi đất (x. St 2,7), có trách nhiệm “canh tác và giữ vườn” (x. St 2,15; 1, 26b – 30), nên con người cần thực hiện vận mạng của mình qua thời gian, bằng những công việc hằng ngày của cuộc sống. Đó là cách sống đúng theo “qui chế hiện hữu” của con người. Hơn nữa, con người lại được Thiên Chúa mời gọi sống liên đới với nhau, người với người tìm thấy nơi nhau một sự “trợ giúp đương đối” (St 2, 20b-25). Như thế, vận mạng của con người chính là, qua từng ngày từng năm, sử dụng thân xác và vũ trụ để thiết lập tình thân giữa con người với nhau; đồng thời qua cách sống ấy mà đạt tới cuộc sống thân tình với chính Chúa. Con người được mời gọi để thể hiện “hình ảnh Thiên Chúa”, qua trung gian thân xác và vũ trụ, nghĩa là bằng chính cuộc sống thường ngày, qua một quá trình lịch sử, để xây dựng nên tình thân ái người với người, người với Chúa.

Đáng lẽ ra nguyên tổ cần thực hiện vận mạng cao cả ấy bằng thái độ “nhân bản”, nghĩa là tuân phục thánh ý Thiên Chúa, bằng sự trung tín hằng ngày, đón nhận và tự hiến trong tự do và qua một quá trình lịch sử lâu dài, thì Adam và Evà lại muốn chiếm đoạt ngay tức khắc vận mạng của mình bằng một phương thế thực dụng, mau chóng và không có tính nhân sinh : phương thức “ăn trái cấm”. Nỗi khát vọng Thiên Chúa được phú bẩm như một năng lực sống nhằm dẫn dắt suốt hành trình đời người một cách nhân bản, thì lại bị hoán đổi thành ý muốn được bằng Thiên Chúa ngay tức khắc; vận mạng cao cả của nhân loại được sống trong tình yêu lại bị biến chất thành tham vọng khẳng định mình bằng cách giành lấy quyền quyết định “biết lành biết dữ”, tự mình quyết định điều thiện ác cho bản thân mình; tình thân giữa con người với nhau đáng lẽ được trọn vẹn để thể hiện chính phẩm tính yêu thương của Thiên Chúa lại trở thành sự liên kết của mưu đồ ích lợi riêng...

Vấn đề chính trong tội nguyên tổ không phải là một hành vi xúc phạm đến uy danh Thiên Chúa, nhưng là hành vi phá hủy bản chất con người, con người từ chối nẻo đường sống tình yêu thương qua lịch sử từng ngày của phận người để đòi được mở mắt “nên như những Thiên Chúa” (xc. St 3,5). Tội nguyên tổ, trong bản chất, có lẽ không phải được suy diễn ra từ nguyên lý danh dự, như một sự xúc phạm đến uy danh Chúa; nhưng nằm trong chính thực tại của một thái độ vong thân vì đã đánh mất bản chất yêu thương của mình; tội ở đây chính là từ chối nẻo đường Thiên Chúa mời gọi để lựa chọn cho bản thân mình một nguyên lý thực dụng.


2. CĂN BỆNH CỦA NHÂN LOẠI

Dấu ấn tội lỗi ấy đã trở nên một vết hằn sâu trên hành trình làm người của nhân loại. Đáng lẽ con người được mời gọi để hoàn thành cuộc đời mình bằng nẻo đường yêu thương, nghĩa là một cách chính yếu bằng cách gặp gỡ, liên đới cụ thể với với những ngôi vị khác[2], bằng cách sử dụng thế giới như một phương tiện để diễn tả tình thương với nhau, thì con người lại muốn áp dụng những phương thế của thế giới không có tương quan ngôi vị để hoàn thành bản thân và để đòi hỏi người khác; con người đã biến phương tiện là nguyên lý sống.


2.1 Từ chối gặp gỡ và đồng hành

Con người vẫn luôn đứng trước cám dỗ muốn “đi đường tắt”, muốn loại trừ tha nhân ra khỏi hành trình cuộc đời, muốn “chiếm đoạt” và hoàn thành vận mạng của mình bằng những gì hoàn toàn thuộc về mình, hoàn toàn theo cách thế của mình. Thay vì an bình, tin tưởng đi vào lịch sử nghĩa tình, từng ngày sống thái độ tín trung, từng việc biết trao đổi, và nhất là biết nhận ra tính cách độc đáo riêng biệt của tha nhân để khẩn cầu, để tri ân tình thương của tha nhân, thì con người lại thường muốn một mình, dùng một phương thế có tính kỹ thuật, để thăng tiến bản thân và đạt tới mục đích đời mình.

Gặp gỡ và đồng hành với tha nhân quả là một chuyện rắc rối. Cuộc sống với tha nhân làm cho ta phải bận tâm nhiều chuyện : giận hờn, hòa giải, lo lắng, chiều ý, lễ nghĩa, liên đới, trách nhiệm … Đó là chưa kể những mối tương quan đấu tranh mà ta cần phải cảnh giác, khôn khéo, bản lãnh,... để nắm đàng chuôi. Triết gia J.P. Sartre không phải không có lý khi nói “Tha nhân là hỏa ngục”.

Trước bao nhiêu chuyện rắc rối như thế, người ta càng ngày càng có khuynh hướng muốn ổn định cuộc sống bằng hệ thống luật pháp chặt chẽ; càng ngày càng muốn thay thế những mối tương quan tình nghĩa bằng những dịch vụ tiện ích; càng ngày càng muốn tiêu chuẩn hóa tất cả mọi tương quan, thay vị tự thể hiện mình trong tương quan người với người. Sống trong xã hội hiện đại ngày nay, người ta cần hiểu biết các phương thức và khôn ngoan lựa chọn giải pháp chứ không cần những thái độ “lãng mạn” của tình người. Cuộc sống trở thành một kỹ thuật mà người ta có thể huấn luyện trong những khóa học cấp tốc.

Có một thời người ta lý luận rằng gia đình không còn giá trị cho cuộc sống con người hiện đại. Những người ấy cho rằng : xưa kia, người ta lập gia đình là để nương tựa vào nhau và củng cố sức mạnh cho nhau về nhiều phương diện; đồng thời khi sinh sản con cái, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng, người ta có thể cậy nhờ lúc tuổi già. Thế nhưng cách thức ấy hiện nay không còn hiệu quả. Thay vào đó, người ta có thể thuê người nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa; gửi tiền vào ngân hàng hoặc có những biện pháp ngăn ngừa trộm cắp khác; đóng tiền vào nhà dưỡng lão để an ổn tuổi già. Nhu cầu tình dục thì không khó giải quyết. Thế là người ta có thể vui sống với một con chó, hoặc con mèo thân thương của mình.

Phản ứng lại những đấu đá trong xã hội, một số người khác lại muốn trốn tránh mọi rắc rối, tìm an thân bằng cuộc sống cô liêu, không đua tranh, chẳng lụy phiền, không lý tưởng cũng chẳng tâm huyết gì. Chúng ta cũng thấy thái độ tương tự trong những lập trường minh triết của một số triết gia, một số tư tưởng thoát tục Tây phương và Đông phương : tìm sự thanh thản[3].

Tuy vậy, từ thái độ sống “kỹ thuật” của con người thời đại cho đến thái độ siêu thoát cao quí của những hiền nhân, chúng ta đều thấy một tính chất thực dụng chung. “Thực dụng kỹ thuật” và “thực dụng hiền triết” đều là từ chối gặp gỡ và đồng hành, đều là thái độ tự tìm thực hiện vận mạng của mình mà không cần đến tha nhân.

Con người chỉ có thể hoàn thành vận mạng của mình qua sự gặp gỡ và đồng hành. Bởi vì bản chất con người là yêu thương, nhưng không phải là tình yêu lãng mạn, bay bổng mà là một tình yêu thể hiện trong đời sống cụ thể hằng ngày. Chỉ khi thể hiện vận mạng của mình theo như “qui chế hiện hữu” của con người, một hữu thể tại thế, một sinh vật sống trong thời gian và hình thành đời mình qua một quá trình lịch sử, thì con người mới thực sự biết yêu thương chân chính là gì.


2.2 Chết dí trong sự vật

Được làm chủ thế giới, đó là hình ảnh hiên ngang cao cả của con người. Con người tìm thấy niềm vui khi lao động, chiếm hữu và sử dụng muôn vật. Niềm vui đó làm cho nhiều người tưởng rằng tất cả sứ mạng của mình, tất cả ý nghĩa đời mình hệ tại việc thống trị, khám phá, uốn nắn và sở hữu thế giới sự vật. Nhưng đó lại chính là một mục tiêu có tính thực dụng.

Thật ra nhiệm vụ “đặt tên cho muôn vật” không phải là nhiệm vụ chính yếu của con người, vì chính khi Adong hoàn thành sứ mạng đặt tên cho muôn vật, ông không gặp được người đương đối tương xứng :

“Giavê Thiên Chúa đã phán : không tốt, nếu người chỉ có một mình. Ta sẽ làm cho nó cái gì trợ giúp đương đối với nó ... Và người đã đặt tên cho mọi thú vật và chim trời cùng mọi dã thú. Nhưng phần người, người vẫn không gặp được sự trợ giúp nào đương đối” (St 2, 18.20).

Như thế, con người cần một bước nhẩy để chuyển từ niềm vui chiếm hữu và thống trị sang niềm vui gặp gỡ và hiệp thông giữa người với người, một bước nhẩy từ thế giới sự vật sang thế giới nhân sinh. Con người cần phải đạt tới một cuộc bừng tỉnh trước vũ trụ để nhận ra tầm quan trọng của tương quan ngôi vị giữa con người với nhau. Từ cuộc bừng tỉnh ấy, con người mới biết sử dụng vũ trụ sự vật như phương tiện để gặp gỡ nhau, biến những thành quả trên vũ trụ sự vật thành những món quà dâng tặng cho nhau để thiết lập tình người.

Thực dụng chính là tình trạng, thái độ chết dí trong thế giới sự vật; tình trạng không còn muốn vươn lên đến thế giới nhân sinh và thế giới siêu nhiên. Tình trạng ấy làm nghèo nàn phẩm chất người. Phẩm giá con người bị hạ thấp xuống hàng sinh vật.

Thái độ ấy càng biểu hiện mạnh mẽ hơn trong thời đại ngày nay, khi nhân loại muốn dùng kinh tế để thỏa mãn mọi nhu cầu, chỉ muốn dùng tài năng để “lập thân”. Với thái độ này, tất cả bản chất cao quí của con người bị biến thành một sinh vật kinh tế. Người ta tìm mọi cách thỏa mãn nhu cầu vật chất của mình, đánh mất những giá trị tinh thần, đánh mất phẩm chất tình yêu. Bao nhiêu những cuộc tranh giành quyền lợi, từ cấp độ thế giới đến cấp độ cá nhân; bao nhiêu nỗ lực vươn lên bằng cách đạp lên người khác đã và vẫn còn đang biến con người thành những sinh vật vồ mồi, xé nát thế giới tươi đẹp.

Chỉ khi vượt lên trên cái nhìn "duy nhiên" thực dụng để sống chiều kích nhân văn hoặc siêu nhiên, con người mới tìm thấy “môi trường sống” đích thực của mình; chỉ khi thoát khỏi thái độ thực dụng để sống thái độ trân trọng và chờ đợi, con người mới có thể sống với nhau trong tình nghĩa; chỉ khi nhìn thấy đàng sau sự vật bóng dáng những ngôi vị, con người mới có thể sử dụng sự vật như những người làm chủ; chỉ khi đặt sự vật trong mối tương quan ngôi vị, như là những chiếc cầu, như là những quà tặng, thì sự vật mới góp phần làm phong phú phẩm chất làm người chân chính.


2.3 Đối xử với tha nhân như sự vật

Thế rồi, khi thái độ làm chủ và thống trị thế giới trở nên một “thói quen” của nhân loại, thói quen khiến người ta thích áp dụng dụng cụ để thống trị muôn vật vào những mối tương quan ngôi vị, tương quan giữa con người với nhau và tương quan với Thiên Chúa, thì con người lại rơi vào một phương thức sống có tính thực dụng. Con người biến mối tương quan ngôi vị trở thành mối tương quan thống trị, chinh phục, quyền lực. Điều ấy đã được tuyên án sau khi nguyên tổ phạm tội :

“Với chồng ngươi, ngươi hăm hở đon đả. Nhưng nó, nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16).

Với phong cách này, con người trở nên kẻ thích đi “con đường một chiều”, nghĩa là tìm cách uốn nắn thế giới theo ý của mình mà đánh mất đi một sự nhạy bén trong thái độ lắng nghe, đánh mất đi sự sẵn sàng để đón nhận tha nhân và chiều ý tha nhân, cần thiết và khẩn cầu tha nhân như điều không thể thiếu cho bản thân mình. Chiều hướng phát huy động lực chỉ còn là từ phía chủ thể tới đối tượng, những phản hồi đều bị tắc nghẽn.

Biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng ấy là khát vọng quyền lực. Người ta luôn đòi hỏi sự thay đổi của người khác theo ý mình mà không biết chờ đợi và trân trọng tha nhân như một chủ thể tự do và độc đáo; người ta muốn thấu hiểu trọn vẹn để làm chủ người khác chứ không biết chiêm ngắm và thán phục; người ta tìm đủ cách để uốn nắn, cắt tỉa, vặn vẹo tha nhân cho bằng được. Thế nhưng, thái độ độc tài ấy không bao giờ làm thỏa mãn khát vọng gặp gỡ chân chính. Do đó, người đi vào nẻo đường ấy càng ngày lại càng muốn gia tăng sự thống trị, tăng cường thêm sự đàn áp để thực hiện cho được ý muốn cá nhân của mình. Chính những nhà độc tài, muốn sử dụng người khác như dụng cụ, đã đi vào nẻo đường này để rồi càng ngày càng độc ác hơn. Đó là nẻo đường cụt, vì tha nhân chẳng thể bao giờ luôn luôn thực hiện đúng ý mình hoàn toàn cả.

Tất cả những thái độ thực dụng, mục tiêu thực dụng và phương cách thực dụng đều không bao giờ có thể đi đến gặp gỡ và hiệp thông để có thể cất tiếng reo vui :

“Và nó đã nói : Phen này, nàng là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi. Nàng sẽ đội danh là “đàn bà” vì đã được rút tự “đàn ông”. Bởi thế mà đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắn khít với vợ mình và chúng sẽ nên một thân xác” (St 2,23)


3. NHỮNG CƠN CÁM DỖ ĐỐI VỚI ĐỨC GIÊSU


3.1 Nẻo đường dễ dãi

Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã trải qua một loạt các cám dỗ của Satan. Những cám dỗ này không phải chỉ là những cám dỗ lặt vặt liên quan đến của ăn cái mặc, một chút tự ái hoặc những đam mê xấu của đức Giêsu, nhưng chính là những cám dỗ tinh ranh của Satan, cám dỗ về những cách thức thực hiện chương trình cứu độ khác với chương trình của Chúa Cha. Cám dỗ biến hòn đá thành bánh, đó là cám dỗ dùng việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất để chinh phục con người; cám dỗ nhẩy từ thành thánh xuống, đó là cám dỗ về cách thức làm những điều bí nhiệm, những phép lạ tỏ tường để dẫn dụ lòng tin của người tín hữu; và cám dỗ quyền lực, đó là cách thức dùng quyền bính để thiết lập Nước Trời, dùng một tổ chức cai trị, dùng những biện pháp bắt buộc... Những nẻo đường ấy thực sự là những nẻo đường dễ dàng rất nhiều cho sứ mệnh cứu độ Đức Giêsu, so với nẻo đường vâng ý Chúa Cha để chịu chết vì yêu thương con người, vì chúng không cần đến sự đáp trả tự do, thái độ tự nguyện, không cần đến lòng tín trung của con người. Dostoievsky diễn tả thái độ thực dụng tầm thường ấy qua miệng viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo nói với Chúa Giêsu như sau :

“Đáng lẽ chiếm lấy tự do của con người thì Chúa lại cứ mở rộng tự do thêm mãi ! Hay là Chúa quên rằng con người quý trọng sự yên ổn và thậm chí cả cái chết hơn là tự do lựa chọn trong sự nhận thức thiện ác ? Đối với con người không có gì hấp dẫn hơn tự do cho lương tâm, nhưng cũng không có gì khổ ải hơn. Thế mà thay cho những nguyên tắc nền tảng vững chắc để làm cho lương tâm con người mãi mãi yên ổn, Chúa lại chọn tất cả những gì là phi thường, bí ẩn và vu vơ, tất cả những cái không vừa sức con người, vì vậy Chúa hành động như thể hoàn toàn không yêu họ, thế mà Chúa đã hiến cả sinh mạng của mình cho họ đấy ! Đáng lẽ chiếm lấy tự do của con người, Chúa lại cứ tăng thêm mãi lên và làm cho thế giới tinh thần của họ chồng chất thêm mãi những dằn vặt vì tự do. Chúa muốn con người yêu tự do, để họ tự do đi theo Chúa, bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của Chúa. Thay cho luật pháp cứng rắn cổ thời, con người từ nay với trái tim tự do của mình, phải tự quyết định cái gì là thiện, cái gì là ác, mà chỉ lấy hình ảnh của Chúa trước mắt để định hướng cho mình. Nhưng chẳng lẽ Chúa không nghĩ rằng con người rút cuộc sẽ chối bỏ và thậm chí bài bác cả hình ảnh của Chúa và sự thật của Chúa, nếu như họ bị đè ép dưới một sức nặng khủng khiếp là sự tự do lựa chọn ? Cuối cùng họ sẽ la lên rằng sự thật không phải ở nơi Chúa, vì không thể nào đặt họ vào tình cảnh bối rối và dằn vặt hơn là Chúa đã làm, Chúa đã để lại cho họ biết bao lo âu và những nhiệm vụ không thể giải quyết nổi...” [4].


3.2 Nẻo đường coi thường con người

Những cách thức dễ dãi của Satan, thực chất, là thái độ hạ giá phẩm chất làm người của người tín hữu. Theo cách thức của Satan, đương nhiên đức Giêsu chấp nhận coi con người chỉ là những kẻ hèn mạt, dễ bị các nhu cầu vật chất chi phối, dễ bị thu hút bởi những gì hào nhoáng bên ngoài, thích ăn sẵn một cách nô lệ. Cám dỗ của Satan không là gì khác hơn đề nghị những phương thức thực dụng, dễ dãi để không còn những rắc rối của cuộc phiêu lưu trong mối tương quan ngôi vị.

Quả thật, Satan đã hết sức tinh ranh trong những cám dỗ này. Chỉ cần loại trừ được sự tự do của con người trên hành trình đức tin là có thể phá hủy được toàn bộ chương trình cứu độ của Chúa Giêsu. Không có tự do, con người không có khả năng yêu thương, không còn có thể được mời gọi đi vào nẻo đường yêu thương, và không có cách nào truy nhận Thiên Chúa như là chính Ngài, một Thiên Chúa yêu thương.

Cám dỗ của Satan chẳng những phá hủy nhiệm cục cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, nhưng còn “sửa lại” chính chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Khi ấy, con người không thể hiện được hình ảnh Thiên Chúa đã được ghi khắc trong bản chất người, nhưng biến thành những sinh vật giữa muôn ngàn sinh vật khác.

Con người không chỉ “là người”, nhưng còn phải “làm người”. Từ yếu tính “là người” cho đến phẩm chất “làm người” là cả một hành trình khó khăn, chênh vênh, nhưng cũng đẹp đẽ và hiên ngang biết bao. Hành trình ấy không thể theo chiều hướng đi xuống cách dễ dãi để trở nên như các sinh vật khác; chẳng phải chỉ là một đường ngang bế tắc, bít bùng; nhưng phải là hành trình siêu việt có khả năng vươn tới ngôi vị con người và tới một Thiên Chúa ngôi vị.


4. VẬN MẠNG CON NGƯỜI LÀ GẶP GỠ YÊU THƯƠNG


4.1 Vận mạng con người

Con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, đó là con người được mời gọi thể hiện vận mạng của mình trong sự gặp gỡ, yêu thương giữa con người với nhau và với chính Chúa. Công Đồng Vatican II đã khẳng định điều đó như sau :

“Vậy con người là gì ? Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, nhưng quan niệm khác nhau và đôi khi trái ngược nhau. Theo những quan niệm đó, thường con người tán dương mình như một mẫu mực tuyệt đối hay lại chê bai đến độ tuyệt vọng, từ đó con người hoài nghi và lo lắng. Thông cảm sâu xa được những khó khăn này, Giáo hội, vì được Thiên Chúa là Đấng mạc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giải bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người.

Thực vậy, Thánh Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng ‘theo hình ảnh của Thiên Chúa’ có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất để cai trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa, vì ‘thế nhân là chi để Ngài nhớ đến? Hay con người là gì để Ngài phải bận tâm ? So với thiên thần Ngài có để cho thua mấy tí. Vinh dự huy hoàng là triều thiên Ngài ban tặng. Ngài cho thống trị các kiệt tác tay Ngài làm, muôn sự Ngài đã đặt dưới chân’ (Tv 8,5-7).

Nhưng Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc; bởi vì từ khởi thủy ‘Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ’ (Stk 1,2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng mình” (MV 12,b,c).

Như thế, phẩm chất người, một cách chính yếu, không tùy thuộc vào khả năng của lý trí để thống trị muôn vật, nhưng nằm trong những thái độ của con người đối với Chúa và với nhau. Nói cách khác, “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8b), nên con người được sáng tạo nên giống Chúa cũng không thể là gì khác hơn tình yêu. Do đó mà tất cả giới răn của Chúa cũng chỉ tóm lại trong giới răn “Mến Chúa yêu người“ (xc. Mt 22,34-40), và như thánh Phaolô nói “yêu thương thì chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10b), Thánh Gioan nói “Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng” (1 Ga 2,10), và ngược lại “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8a).

Tất cả những điều đó cũng là lời khẳng định của Thánh Kinh về bình diện phẩm giá của con người, mà từ đó ta có thể xác định được khía cạnh tương quan ngôi vị như một nét căn bản.


4.2 Hành trình gặp gỡ

Mối tương quan ngôi vị bao hàm ý nghĩa là : sống là sống như một chủ thể đối diện với một chủ thể khác; và khi con người thiết lập nên được mối tương quan chân chính với ngôi vị khác, mối tương quan yêu thương chân chính, nghĩa là, người này với người kia, phải biết khẩn cầu nhau như một chủ thể độc đáo không thể thay thế, thì khi ấy, vận mang con người mới được hoàn thành. Triết gia Gabriel Marcel (1889-1973) cho ta một vài “tiêu chuẩn” như sau :

- Chỉ có sự gặp gỡ của hai chủ thể chứ không có sự gặp gỡ giữa chủ thể và đối tượng. Như thế ta chỉ đạt đến tha nhân nhờ sống với chứ không phải bằng tư tưởng hiểu biết. Sự gặp gỡ là chân thực khi ta coi tha nhân như một “anh/chị” (ngôi thứ hai) chứ không phải một “hắn” (ngôi thứ ba). Hơn nữa, với một chủ thể ta phải biết chờ đợi và hy vọng chứ không phải thái độ xăm soi khám phá.

- Như thế, sự gặp gỡ chân chính bao giờ cũng phải là một sự dấn thân, tức là đưa chính bản thân mình vào mối tương quan như một cuộc phiêu lưu. Một cuộc dấn thân như thế chỉ có thể là dấn thân cho tha nhân mà thôi, không bao giờ là sự dấn thân cho sự vật. Một sự dấn thân chỉ vì lý tưởng của chính bản thân mình mà thôi cũng vẫn không thể đạt đến sự gặp gỡ đích thực.

- Cuối cùng, thái độ dấn thân ấy đưa đến thái độ truy nhận tầm quan trọng của tha nhân đối với bản thân mình. Thái độ ấy bao hàm một sự khẩn cầu đối với tha nhân, và chỉ có thái độ khẩn cầu mới mở đường cho tình yêu đích thực; bởi vì tình yêu bao giờ cũng là một sự bổ túc nhân vị cho nhau chứ không phải chiếm hữu, thống trị hay chỉ là một sự phát triển bản thân mà thôi. Khi đó, ta tìm thấy cái chúng ta như chân trời rộng mở cho hữu thể của mình.

Không có cách nào khác, hành trình của đời người phải là hành trình dấn thân, nghĩa là đi vào cuộc phiêu lưu với những chủ thể khác. Chính trong hành trình ấy, cùng với niềm trân trọng, với thái độ khẩn cầu tha nhân, con người tìm gặp được chính mình.


5. NHỮNG LỆCH LẠC TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

Trong đời sống đức Tin của người Công giáo Việt Nam hiện nay hiện nay, chúng ta dễ thấy tinh thần so đo tính toán vụ lợi, thái độ nệ luật, lối sống vị luân lý… như là những biến hóa của thái độ thực dụng. Những lối sống này luôn là những cách thức con người tìm an toàn cho bản thân, biến sứ mệnh đời mình thành một con đường dễ dãi, con đường quay về bản thân mình chứ không phải con đường liên đới, hiệp thông và chiều ý nhau trong tình yêu thương chân chính.

Điều nguy hiểm hơn là chúng ta có thể thấy mầu sắc thực dụng ấy trong hầu hết những điểm trọng tâm của đời sống đức Tin Kitô giáo hiện nay :

- Người Kitô hữu chỉ coi thái độ của con người trước mạc khải, luôn là mạc khải chính Chúa như sự chấp nhận những chân lý siêu vời, và cần phải nhắm mắt tin nhận để được lên thiên đàng;

- Người Kitô hữu chỉ đón nhận ân sủng như là những sự vật, nghĩa là những món quà từ Thiên Chúa mà không còn khả năng nhận ra “món quà” chính yếu là chính Đấng Ban ân sủng, tìm kiếm “ân sủng thụ tạo” mà quên mất “ân sủng bất thụ tạo”[5].

- Người Kitô hữu tham dự các bí tích như là đến với những “máy ban ơn phúc” chứ không phải sống lại giao ước ngôi vị giữa bản thân mình và chính Chúa;

- Người Kitô hữu Công giáo đọc lời Chúa như là những bài học luân lý chứ không mấy khi nhận ra Lời Chúa là lời ngỏ với chính bản thân; và việc đáp lại lời ngỏ của Ngài làm nên một lịch sử nghĩa tình;

- Người Kitô hữu giữ đạo chỉ là giữ giới răn, và giữ giới răn như một sự chịu vậy, nghĩa là không sống được thái độ tự do của con cái Chúa, nhưng là tinh thần nô lệ.

- Người Kitô hữu mong lên trời để hưởng mọi sự vui sướng chứ không phải để được sống trong tình yêu Thiên Chúa.

- Người Kitô hữu cầu nguyện chỉ là xin ơn chứ không phải một sự trao đổi thân tình như hiến tặng cho Chúa chính tâm hồn của mình.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nói rằng, tất cả những căn bệnh trầm kha trong đời sống Giáo hội Công giáo Việt Nam, “đạo” sinh hoạt, “đạo” hiếu kính, “đạo” thiêng liêng, “đạo” luân lý đều là những biến thể của căn bệnh chính yếu, “đạo” thực dụng. Vì không gặp gỡ chính Chúa, người Kitô hữu dừng lại ở thế giới sự vật và loay hoay ở mức độ sinh hoạt, mức độ danh giá, mức độ thế giới “thiêng liêng” và mức độ hành vi luân lý.

Những thái độ ấy biến đời sống đức Tin trở thành những khuôn khổ cứng đọng mà người ta phải tuân giữ cách “nghiêm nghị”. Vì thế, người Kitô hữu sống đạo không tìm thấy hạnh phúc của tình yêu thương mà chỉ thấy gánh nặng và sợ hãi. Có quá nhiều cái “phải” trong đời sống Kitô giáo; thậm chí có sách nghi thức còn viết rằng : “Anh chị đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, giờ đây, anh chị còn phải lãnh nhận một bí tích khác nữa là bí tích Thêm Sức”. Đúng là các anh chị phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức thì sau này mới có thể lãnh bí tích Hôn Phối hay Truyền Chức; nhưng đó là quan điểm hoàn toàn vụ luật. Những thứ “phải” ấy phần lớn đều biểu lộ thái độ nô lệ cho sự vật, nô lệ nguyên tắc, nô lệ lề luật chứ không phải thái độ gặp gỡ chính Chúa và hiên ngang làm chủ mọi sự vật để dùng chúng làm phương tiện diễn tả tình nghĩa với Chúa. Nhiều vị hữu trách trong Giáo hội vẫn trình bày đời sống đức Tin với đầy dẫy những nghĩa vụ, những cấm đoán. Đời sống của người tín hữu Việt Nam chỉ còn có “Mười Điều Răn” mà không có “Bẩy Ơn Thánh Thần”.

Chính những thái độ ấy phá hủy hạt nhân căn bản của Kitô giáo và tạo nên một sự khủng hoảng căn tính trong đời sống đức Tin. Bởi vì người Kitô hữu đã không tìm thấy nét đẹp và niềm tự hào của con cái Chúa như ý nghĩa chân chính của niềm tin có khả năng nuôi dưỡng trọn vẹn đời sống.


KẾT

Cha mẹ thương con cái và diễn tả tình thương ấy bằng cái bánh, món đồ chơi, chiếc áo mới ... Đứa con nào chỉ thấy đồ chơi, chỉ thấy bánh kẹo, chỉ thấy áo quần và so đo tính toán trên những sự vật ấy, sẽ có nguy cơ trở thành đứa con hư. Ngược lại, đứa con nào cảm nhận được chính bản thân cha mẹ, chính tình thương cha mẹ qua những tặng vật ấy, thì có nhiều cơ may nên người. Những đứa trẻ thực dụng sẽ dễ trở thành những kẻ suốt đời hưởng thụ và đòi hỏi. Những đứa trẻ sống tình người sẽ dễ dàng tìm thấy động lực và ý nghĩa cho hành trình cuộc đời. Đời sống đức Tin Kitô giáo cũng không ra ngoài quy luật đó.

Hơn nữa, tất cả những điều tuyệt hảo nhất của Kitô giáo đều diễn ra ở tầm mức tương giao ngôi vị. Đánh mất tầm mức này cũng là đánh mất chính bản chất Kitô giáo. Những sai lệch trong hầu hết mọi nét chính yếu của đời sống đức Tin Kitô giáo[6] như thế có lẽ không phải là một chuyện tình cờ, mà chính là nguy cơ rơi vào cơn cám dỗ của Satan đối với Giáo hội của Chúa Kitô.


Con CỪu đi LẠC

Dụ ngôn dành cho những nhà giáo dục tôn giáo

Một con cừu thấy một khe hở ở trong hàng rào nên đã lách mình đi qua. Nó đã phiêu lưu khá xa và lạc mất đường về. Bấy giờ nó nhận thấy một con chó sói đang đuổi bắt. Nó cong lưng chạy nhưng con chó sói vẫn rượt theo cho tới khi người chăn cừu xuất hiện để cứu nó và âu yếm đem nó về chuồng.

Mặc dù nhiều người khuyên bảo, người chăn cừu không chịu đóng một miếng ván vào khe hở hàng rào.

Anthony de Mello, Như Tiếng Chim Hót,trang 150-151



[1] Những trích dẫn sách Sáng Thế trong bài này lấy từ bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế.

[2] Theo định nghĩa của Boèce (480-525), được triết học Kinh viện sử dụng, ngôi vị là : bản thể cá thể thuộc bản tính có lý trí. Nói cách đơn giản, con chó, con mèo… chỉ là những cá thể; nhưng con người, thiên thần, Thiên Chúa (Thiên Chúa của Thánh Kinh) là những ngôi vị. Ngôi vị có lý trí suy tư (nhất là suy tư giá trị), có ý muốn và có tự do quyết định. Trong bài này dùng nhiều từ “tương quan ngôi vị”, được hiểu là mối tương quan giữa các ngôi vị, thuộc bình diện ngôi vị, có tự do, suy tư, ý muốn…

[3] Chẳng hạn những học thuyết triết học Hy Lạp sau thời kỳ của Aristote đều nhằm tìm cái ataraxia, sự thanh thản; nhờ thái độ tự chủ (phái Khắc Kỷ) và hồn nhiên (Épicure), không vướng bận, không lo sợ, không đòi hỏi điều gì quá sức mình…

[4] Fiôdor Dôxtôepxki, Anh Em Nhà Karamazôp, Chương V, “Viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo”, bản dịch của Phạm Mạnh Hùng, Nxb. Văn Học, Hà Nội 1989, trang 78-80.

[5] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Gặp Gỡ Chính Chúa, bài Ân Sủng.

[6] Xc. Nguyễn Trọng Viễn O.P. “Gặp Gỡ Chính Chúa” hay “Hành Trình từ Thái độ Thực dụng đến sự Tự do của con cái Chúa”.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng