SỐNG 4 Con cái Thiên Chúa 5 Anh em với Chúa Kitô

CHƯƠNG 4

CON CÁI THIÊN CHÚA

1. Sinh ra bởi Thiên Chúa.

Được nhận làm con nuôi, Mose đã nhận công chúa là: "mẹ con". Và đáp lại, công chúa gọi Mose là: "con mẹ". Mose được danh hiệu đó là nhờ quyền thừa nhận theo pháp định, còn sự thực bản thể có phải thế không? Không. Vì không phải xác thể, cũng không phải máu huyết hay sự sống của bà mẹ nuôi đã thông truyền cho người con không có chút gì đồng giống trong mình. Cuộc sánh ví tới đây bế tắc. Giới hạn khả năng của công chúa thuộc dòng máu của nàng, còn Thiên Chúa, Ngài làm được với ơn thánh hóa. Thánh Gioan đã reo lên: "Hãy xem, Chúa đã tỏ lòng mến yêu chúng ta biết bao, để chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và thực sự là thế" (1 Jn 3:1).

Ơn thánh hóa, được ngài gọi là mầm giống của Thiên Chúa (1 Jn 3:9). Lối diễn tả hết sức hiện thực, khiến ta bỡ ngỡ nhưng có thực và rất đáng được ta quan tâm tới: ai là mầm giống của người nào, tức là con của người đó.

Phải hiểu thế nào về chức làm con Thiên Chúa đây? Có phải là địa vị làm con theo lối tự nhiên không? Chắc chắn là không. Có phải là chức là con hoàn toàn theo sự chấp nhận đỡ đầu không? Không. Nó nằm ở giữa hai thiên chức này.

Là con cái Thiên Chúa, được như vậy, chắc chắn là do việc thừa nhận, vì Thiên Chúa chỉ có một người con theo bản tính, theo lối sinh ra mà thôi: đó là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng - nhờ ơn thánh hóa - chức làm con Thiên Chúa của chúng ta vượt xa hẳn chức làm con theo sự thừa nhận đỡ đầu của nhân loại, hay nói cách khách, theo sự thừa nhận dựa pháp định. Người đời khi thừa nhận một đứa trẻ làm con nuôi, thì lấy tên mình, danh hiệu tước vị mình mà đặt cho đứa con nuôi. Đồng thời cho thừa hưởng gia nghiệp: nhưng họ không thể chuyển thông hòa dòng máu của mình cho đứa bé được. Trái lại Thiên Chúa có thể cho chúng ta một tước hiệu và quyền thừa hưởng gia nghiệp của Ngài. Ngài cũng còn làm cho chúng ta tham dự và bản tính và đời sống riêng của Ngài. Ơn thánh hóa tái sinh chúng ta, "không phải theo con đường máu huyết nhân loại, cũng không theo ý xác thịt, cũng chẳng theo ý muốn loài người, mà là của Thiên Chúa" (Jn 1:13). Nhờ ơn thánh hóa chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa không phải chỉ có tiếng có tên, nhưng thực sự. Thiên Chúa, không những chúng ta có thể gọi Ngài là người Cha, mà là Cha của chúng con (Pater noster). Nhờ đó chúng ta là em của Chúa Giêsu và cùng nhau kêu: Cha chúng con (Pater noster).

Lịch sử để lại cho chúng ta nhiều trường hợp nhiều thí dụ thời danh về việc thừa nhận đỡ đầu con cái theo pháp định cùng những kết quả tiếp hậu.

Trajan đã kế vị trên ngai hoàng đế thống trị đế quốc Rôma, chỉ vì Trajan đã được hoàng đế Nerva nhận làm con nuôi. Quả là một đặc ân đối với Trajan, một binh sĩ gặp may, ngoài dòng tộc đế vương César, bỗng nhiên được nhận làm nghĩa tử của ông Hoàng Rôma và được thừa hưởng quyến bá chủ thế giới! Ơn huệ càng lớn lao hơn nếu - giả sử - người được nhận làm con nuôi chỉ là một tên nô lệ xấu xa bẩn thỉu mang tội phản bội hoàng đế và phải chịu án tử hình. Hắn sẽ cảm gì khi thấy mình được chuyển từ nhà giam để bước lên ngai vàng hoàng đế? Đem áp dụng vào trường hợp Thiên Chuá - ông Hoàng cả vũ trụ - đã dùng ơn thánh hóa để thừa nhận chúng ta làm nghĩa tử thì vinh dự trên đây chỉ là một hình bóng mờ nhạt.

Làm con cái Thiên Chúa, vinh dự cao cả biết bao!

Chúng ta hãy nghe thánh Phêrô Kim Ngôn. Để mở đầu một bài giáo huấn về thiên chức làm con Thiên Chúa, ngài nói:

"Vấn đề anh chi em sẽ nghe hôm nay, thưa anh chi em thân mến, là một vấn đề từng làm cho các thiên thần kinh sợ, làm cho toàn thiên quốc bỡ ngỡ kính phục, một sự khiếp sợ thánh thiện. Đó là một mầu nhiệm vượt các bộ óc tinh xảo, cao sâu nhất và làm cho toàn thể thế giới tạo dựng phải kinh hoàng. Tôi không dám mạc khải cho anh chị em, nhưng tôi không thể làm thinh nín lặng được".

Một hôm cha Mac Corthy, con người thời danh, đã giảng về các hậu quả tuyệt diệu của phép Thánh Tẩy. Khi còn đang quảng diễn tư tưởng người được chịu phép Thánh Tẩy trở nên con cái Thiên Chúa, bỗng dưng, ngài ngừng nói, đăm đăm nhìn đám thính giả , và la lên như thể vừa tỉnh một cơn mơ: "Ôi lạy Chúa, con là gì? Con mắt xác thịt bảo cho con hay trước mặt con đây nào là người buôn bán, nào là anh em công chức, nào là những người có lợi nhuận, nào là anh em lao động, các chị em đi ở mướn. Người nghèo, người giầu, kẻ khôn ngoan thông thái, kẻ ngu dốt. Nhưng con mắt linh hồn - được ánh sáng đức tin soi chiếu - soi cho con chỉ thấy toàn là các hoàng tử và công chúa mang cùng dòng máu. Nói tới đây, ngài cúi đầu rồi tiếp - nhân danh Chúa Cha trên trời, tôi xin tỏ lòng cung kính anh chị em tất cả".

Công chúa Louise, con vua Louis XIV, nước Pháp, khi bị một nữ tì trách móc, không cầm nổi nhẫn nhục đã vội đáp:

-"Tôi không phải là con gái vua của người sao?

- Và tôi không phải là con gái của Thiên Chúa của công chúa sao?" Nàng công chúa hách dịch đã hiểu. Về sau khoác màu áo nữ tu nhà kín, công chúa thường hay nghĩ tới câu trả lời của người nữ tì đó.

Một hôm, Phúc Âm kể, người ta báo cho Đấng Cứu Thế biết Mẹ và anh em Người muốn nói chuyện với Người. Chúa trả lời: "Ai là Mẹ tôi, ai là anh em của tôi". Rồi đưa tay chỉ đám đồ đệ, Người nói: "Đây là Mẹ tôi, đây là anh em tôi: Vì hễ ai làm theo Thánh Ý Cha tôi ở trên trời - tứ là ai sống trong tình trạng ơn thánh - người đó là anh em tôi, là chị em tôi, là Mẹ tôi" (Mt 12:49-50).

Những câu nói nảy lửa! Đấng Cứu Thế đặt nghĩa họ hàng thiêng liêng do ơn thánh hóa kiến lập trên cả họ huyến nhục.

Thánh Âu-Tinh tuyên bố tình mẫu tử thần linh cũng chẳng đem lại cho Đức Maria tý gì hết, nếu - tất nhiên đây là một giả thuyết không thể có được - Mẹ Maria không có ơn thánh hóa trong Mẹ. Còn có cách nào ca tụng ơn huệ thần linh này cao đẹp hơn không?

Là con Thiên Chúa, chúng ta vẫn không suy niệm đủ tới tình Chúa yêu chúng ta. Chúa Cha muôn đời có một người Con độc nhất, bằng Ngài về mọi bề, đủ cho Ngài mến yêu rồi. Nhưng không, Ngài còn muốn chọn những người khác, vì tình yêu Ngài vô biên. Ngài là chủ của chúng ta, còn trở nên làm Cha chúng ta. Ngài cũng giải toả lòng nhân từ yêu thương chúng ta như đối với Con Một của Ngài. Ôi mối tình cao đẹp thay!

"Tình yêu này không phải là một mối tình nhạt nhẽo khô héo như các mối tình vẫn thấy trên khắp trường đời. Không. Tình yêu này nhằm làm điều lành cho chúng ta và làm cho chúng ta nên trọn hảo: Ở nơi Thiên Chúa, muốn, tức là hành động. Ngài nghĩ đến chúng ta không ngừng, cả khi chúng ta không nghĩ tới Ngài. Ngài săn sóc để ý đến chúng ta, lắng nghe lời nguyện cầu của chúng ta, kiện toàn những ước nguyện có thể thực hiện của chúng ta. Ngài đẩy lui những nguy cơ trong đời chúng ta, nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta, khai sáng chúng ta ra khỏi thế giới ngu dốt, quan tâm tới những nhu cầu đời chúng ta, bao quanh đời chúng ta với bao chú ý và dự phòng, tất cả chỉ có thể là kết quả của mối tình chân thật. Thiên Chúa làm tất cả nhằm đem lại sự thiện cho chúng ta: các biến cố, các đối vật và người khác, niềm vui cũng như các thử thách, sự thịnh vượng cũng như những thất bại: tất cả đều nhằm phục vụ những người được tuyển chọn" (F.Cuttsa,"le juste")

Bạn thấy rõ mối tình đó cao đẹp biết bao!

Nhiều người nhìn Thiên Chúa như một Đấng lạnh nhạt, và qua khắt khe, khổ hạnh và hay đòi hỏi, khó tính và rình nắm mọi cơ hội để bắt bẻ mọi lẽ, Không. Thiên Chúa có khuynh hướng thông cảm và châm chước những yếu hèn của bạn, hơn là phóng đại; tha thứ các sai lầm đời bạn hơn là quở phạt. Hơn ai hết, Ngài biết rõ bạn đã được tạo dựng bằng thứ bùn đất nào rồi, Ngài hiểu biết sự yếu hèn của bạn, các khuynh hướng xấu bạn hằng phải chiếu đấu, các dịp cũng như các gương xấu phát nẩy phơi đầy quanh bạn. Có lúc bạn tự quên bạn ư? Thiên Chúa sẵn sàng thương hại bạn, tha thứ bạn, hơn là khắc nghiệt kết án bạn.

Thiên Chúa nhìn từ cao và nhìn xa hơn chúng ta. Tại sao? Vì ngài thấu rõ tâm can, lòng dạ chúng ta. Vì ngài tốt lành vô cùng hơn loài người, đại lượng bao dung vạn lần hơn. Bao lần người đời lên án Ngài nhưng Ngài lại thứ tha.

"Nhiều người khổ đau vì không được yêu và không thể yêu như nỗi lòng mong ước. Vì yêu là một nhu cầu của quả tim con người. Mong sao họ nghĩ rằng - nhờ ơn thánh hóa - họ có thể thấy trong Thiên Chúa điều các tạo vật không thể cung ứng được" (F.Cuttaz,"Le Juste").

Sung sướng biết bao khi được Thiên Chúa yêu chúng ta hơn cả mối tình của cha mẹ đối với con cái yêu dấu của các ngài. Và hạnh phúc biết bao khi biết chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa với niềm yêu của con cái đối với mẹ cha.

Nhiều người yêu mến Thiên Chúa. Nhưng ít người nghĩ, biết và cảm Thiên Chúa yêu họ thiết tha mãnh liệt. Phúc Âm có nói tới nhiệm vụ buộc chúng ta yêu Thiên Chúa, mà ít nói tới mối tình yêu chúng ta phải có đối với Ngài, nhưng ngược lại, nói nhiều tới mốt tình Ngài đối với chúng ta. Phần chúng ta, thánh Gioan nói, chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta (1 Jn 4:16). Chúng ta hãy thay đổi quan niệm. Hãy năng nghĩ rằng Thiên Chúa, Cha chúng ta, yêu mến chúng ta.

2. Thánh ý của Chúa Cha.

Thiên Chúa là Cha chúng ta. Như đứa con nhắm mắt lăn xả vào đôi cánh tay người cha, chúng ta cũng phải phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, tùng phục thánh ý Ngài trong mọi trường hợp. Chính sự phó thác thảo hiếu này biểu trưng, hay nói đúng hơn, chính sự phó thác này làm cho đứa con nên một vị thánh.

Cha sở thánh xứ Ars thích nói: tất cả sự đạo đức của người chính ở chỗ coi Thiên Chúa như một người cha hiền lành và hành động với Ngài như thể một đứa con đích thực.

Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux có khác với sự phó thác này chăng?

- "Vậy con muốn dạy các linh hồn con đường nào?

- Thưa Mẹ, chính là con đường thơ ấu thiêng liêng, con đường cậy trông và phó thác hoàn toàn".

Một hôm, một tập viện, lúc bước vào phòng chị thánh, đã đứng dừng lại trước sắc đẹp của Têrêxa, biểu lộ vẻ đẹp hoàn toàn thiên đàng. Chị vần khâu vá lanh lẹ như thường, nhưng xem chừng chị tan biến trong một cuộc chiêm ngắm sâu xa. Chị nữ tư trẻ liền hỏi Têrêxa: "Chị đang nghĩ gì thế?

- Em suy niệm kinh Lạy Cha, chị thánh đáp. Gọi Thiên Chúa tốt lành là Cha chúng ta, quả là hết sức êm dịu thú vị.

Rồi những giọt nước mắt long lanh tràn dâng trên đôi hàng mi chị thánh. Cái nét mặt này tóm gồm cả cuộc đời và sự thánh thiện của Têrêxa.

1. Chúng ta suy phục thế nào?

Muốn thế phải làm gì?

a) Chu toàn điều Thiên Chúa truyền: giữ các giới luật của Ngài và của Giáo Hội, cùng những bổn phận của chúng ta. Các nghĩa vụ này, thường thường, chúng ta ít yêu thích. Chúng ta thích cái chúng ta không có ưa ở tình trạng "không phải chúng ta". Chúng ta muốn thay đổi. Chúng ta hãy chấp nhận tình trạng, hãy hy sinh đi. Làm các việc thông thường với một sự hoàn thiện không thường: communia non communiter. Đó là phương châm đã nhào nặn Gioan Berchmans nên một vị thánh.

b) Chấp nhận các tai họa do Thiên Chúa giử tới hay cho phép: Chúng ta hãy chấp nhận các đau khổ thể lý: bệnh tật, trái gió trở trời, nóng lạnh, tuổi già sức yếu,, thiếu thốn, mất danh dự, mất của cải, mất cha mẹ, mất bạn hữu, các tật bệnh thể xác và tinh thần, thiếu trí thông minh sáng suốt, vụng về trong việc đối xử, thiếu phán đoán. "thiếu con tim": những thiếu sót làm cho chúng ta bị lép vế và không được cảm tình vừa ý tha nhân, nhưng lại làm chói sáng sự tốt lành của Thiên Chúa và thường là một điểm tốt cho chính chúng ta. "Tôi thích là một con sâu đất để theo ý Thiên Chúa hơn là một thiên thần sót mến theo ý riêng tôi" (B. Suzo). Chúng ta hãy chấp nhận tình trạng việc làm của chúng ta không phát triển nảy nở, các thất bại cũng như bị các người trên của chúng ta bỏ quên, việc anh em đồng bạn bỏ rơi, sự vô ơn của chúng ta phục vụ mà thay vì điều lành lại đáp bằng điều ác, việc xấu.

Chúng ta hãy đón nhận cái xấu luân lý: tội lỗi. Những bất công và các cuộc bách hại hành hình do người ta gây ra, những xỉ nhục, nói xấu; những lỗi trong quá khứ của chúng ta phải là yếu tố tăng triển lòng cậy trông, thay vì làm cho chúng ta thất vọng chán nản.

2. Tại sao chúng ta lại tùng phục chịu lụy?

a) Vì Thiên Chúa là Cha.

Là Cha toàn năng, Ngài có thể làm tất cả những gì Ngài muốn, cất bỏ những gì cản trở phá hại chúng ta.

Là người Cha vô cùng khôn ngoan, Ngài biết rõ những gì thích hợp cho chúng ta hơn chính chúng ta. Chúng ta chỉ thấy có một mặt, còn Ngài, Ngài nhìn thấy cả hai bề, hiện tại và tương lai.

Là Đấng vô cùng tốt lành hiền từ. Người Cha tuyệt hảo nhất trong các người Cha, là Thiên Chúa nhân lành, ngay cả những khi Ngài thử thách chúng ta.

Cách đây ít năm, một người Anh muốn đi Mỹ Châu. Lúc lên tàu, ông bị gẫy chân, nên phải bãi bỏ chương trình đã dự tính. Bạn bè thân thích phàn nàn và tiếc thay cho ông. Còn ông, ông đáp: "Việc Thiên Chúa làm, tốt lắm". Hôm sau, người ta được tin chiếu tày gặp nam tan tành và không còn một hành khách nào sống sót. Người Anh liền nói với bạn hữu: "Đấy, các bạn coi, việc Thiên Chúa làm là việc tốt".

Frédéric, vua nước Phổ, tính tóan thấy các chim sẻ đã nhặt mất trên toàn lãnh thổ vương quốc hai triệu đấu thóc mỗi năm. Ngài liền hứa một phần thưởng cho mỗi đầu chim sẻ. ít lâu sau, không còn thấy bóng một chim nào trong xứ. Nhưng qua năm, nạn sâu bọ và cào cào châu chấu phá tan mùa màng. Frédéric lại ra lệnh nhừng hủy diệt loài sẻ. Việc Thiêc Chúa làm là việc tốt.

b) Sự tùng phục là một nguồn an bình và hạnh phúc.

Hạnh phúc là có tất cả những điều ước muốn. Con người vui muốn những gì Thiên Chúa muốn. Đời họ luôn luôn như vậy. Luôn luôn họ có điều ước muốn. Luôn luôn họ bằng lòng. Họ có thiên đàng ngay tại thế. Ngược lại, người chống đối lại việc Chúa Quan Phòng thì sao? Họ bất mãn. Họ chẳng thu được gì, vì - dầu sao - cũng chỉ có những điều Thiên Chúa muốn xảy đến, chứ không phải điều ước muốn của con người càu nhàu cáu kỉnh.

Trong Hạnh các Giáo Phụ, có kể lại một người nông dân hạnh phúc hơn bạn bè xóm làng. Được hỏi lý do tại sao, người nông phu trả lời: "Các ông các bà đừng có ngạc nhiên! Chíng vì tôi luôn luôn được thời tiết theo lòng tôi ước muốn".

- Không thể được!

- Không bao giờ tôi ước muốn thời tiết khác thời tiết Thiên Chúa gửi cho tôi. Vì thế nên Thiên Chúa luôn ban cho tôi mùa màng như lòng tôi ước nguyện.

Dù khi thử thách xảy đến hay lúc gặp khổ đau, bạn hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa nhân lành. Đó là một việc tốt đẹp hiển nhiên và hiếu thảo. Cũng còn là điều rất hợp lý. Vì để ý kỹ sẽ thấy, dù có làm gì đi nữa, bạn vẫn không tránh khỏi cơn thử thách. Nếu than phiền trách móc, nếu nhìn sự việc theo chiều mặt xấu rủi, chỉ làm khổ bạn thêm. Trong khi nếu bạn đón nhận sự đau khổ, với nụ cười trên môi bạn sẽ chống cự mạnh mẽ hơn, hăng hai hơn và bạn sẽ bớt đau khổ hơn.

c) Sự chịu đựng là nguồn công phúc.

Vì chịu đựng là sự hy sinh hoàn toàn nhất, làm Chuá hài lòng nhấ. Vì thế, xứng công nhất. Không dính bén, ham theo một điều gì ngay cả với ý riêng của mình: nhưng với sự chịu đựng con người hiến tế việc tốt lành này cho thánh ý Thiên Chúa.

Chịu đựng là một hy sinh thần linh. Là sự thần hóa ý chí của bạn, hoặc, nếu bạn muốn, là "cư trú" của ý Thiên Chúa trong bạn.

Đó là tột điểm, là kết hợp gộp tất cả sự hoàn thiện. Sự hoàn thiện này hệ tại đâu? Nhiều người đặt không đúng chỗ như:

- Trong số lớn các việc làm, kinh nguyện, lần hạt, hiệp lễ, ngắm đàng thánh giá, đọc hàng chuỗi kinh, cả những cuốn sách đạo đức.

- Trong những việc khắc khổ, kỷ luật, những nỗi thống khổ, ăn chay kiêng thịt với bao thứ bên ngoài;

- Trong việc thắng vượt các cám dỗ;;

- Trong những công tác tốt lành: bố thí, các hiệp hội, đeo ảnh tượng, các việc thiện như góp công của xây cất nhà thờ, đi hành hương, viếng thăn và săn sóc bệnh nhân;

- Sự hoàn thiện hệ tại trong đức bác ái: trên hết mọi sự, anh chị em hãy có đức bác ái, là dây liên kết sự hoàn thiện trọn lành (Col 3:14). Mà sự suy phục Chúa Cha trên trời không phải là tiếng nói cuối cùng của đức Bác Ái sao? Vì yêu Chúa tức là liên kết trí khôn và ý muốn mình với trí khôn ý muốn của Thiên Chúa: đó là tùng phục và phó thác hoàn toàn vào Chúa.

Nhiều người hăng hái nại lý do than phiền: "Ốm liệt gường, tôi không thể tới nhà thờ được, không thể đọc kinh cầu nguyện được, không thể làm gì được". Trong tình trạng này, đúng như trong tất cả những trường hợp khác, bạn vẫn co thể làm việc Chúa trao, tức là chu toàn thánh ý của Ngài.

Thánh Phanxicô Assisiô ngã bệnh, vẫn vui vẻ, không hề than vãn. Trong lúc nói chuyện với một tu sĩ tới xin Ngài cầu Chúa chữa cho thầy khỏi bệnh, thánh nhân trả lời: "Này thầy, vì ngây ngô thầy nói như vậy, không thì tôi chẳng còn muốn nhìn thấy thầy nữa".

Thánh nữ Lidwene de Schieldam, năm lên mười lăm, đã bị thương vì "trượt" tuyết. Từ đó chị thánh ốm liệt 38 năm trời ròng rã. Đêm cũng như ngày, đau đớn dày vò dữ dội tâm xác, tuy thế chị vẫn tiếp tục nói: "Nếu đọc một kinh Kính Mừng tôi có thể khỏi được, thì tôi sẽ không làm, tôi sẽ không bao giờ muốn được lành bệnh".

Thánh nữ Gertrudê mỗi ngày đọc 365 lần kinh này: "Nguyện cho ý Cha nên trọn". Và một hôm Chúa hiện ra cho phép chị chọn khỏe mạnh hay đau ốm, chị thánh đã thân thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con rất ước ao xin Chúa đừng làm theo ý con, nhưng theo ý Chúa".

Thánh Félix thành Cantalicê là một vị tu sĩ nhân hậu sống tại Rôma, tùng phục thánh ý của Thiên Chúa Cha nên ngài sống vui vẻ luôn. Miệng ngài không lúc nào ngớt thối lên lời "Deo gratias! Tạ ơn Chúa!". Vì thế mà từ xa có thể nhận ra được ngài, các trẻ em ở Rôma vừa chạy ùa lại vừa la: "Đó ông thầy Deo gratias" đó!... chào thầy" Deo gratias" ạ!

Câu chuyện Giona làm sáng tỏ một cách đáng kể câu chuyện không hay của con người chống lại ý của Thiên Chúa Cha để lo làm theo ý riêng của mình. Thật khốn! Thay vì hạnh phúc Ngài hứa bạn cho trước mắt, Giona lại dấn thân vào cả chuỗi những đắng cay, thất vọng dài dẵng chỉ chấm dứt một khi ông chấp nhận phục tùng với lòng mến yêu thánh ý Chúa Cha, Đấng toàn năng, khôn ngoan và nhân hậu.

Giona đã nhận lệnh của Đức Giavê vâng lời tới thành phố Ninivê và giảng cho dân thành lo ăn năn thống hối. Nhưng Giona lại nghĩ thiên hạ sẽ chê cười và cho ông là kẻ khoác lác, nếu tuyên bố Thiên Chúa sẽ tha thứ và thôi không phạt dân thành Ninivê một khi họ cầu xin và hối cải, nên ông đã không chịu đến thi hành công tác Đức Giavê đã chỉ định. Giona đã nhảy xuống tàu đi thành Tarsis, thành phố bên kia bờ biển. Ông đã kháng đối một cách vô ích, và lần thứ nhất ông đã hiểu, lời thổ lộ minh bạch của Gióp "Ai trốn chạy giá tuyết, tuyết đá sẽ bao phủ họ" (Giob 6:16)

Khi bỏ trốn thành Ninivê, Giona đã không thể đặt chân lên nổi phía bên kia Địa Trung Hải mà không gặp phải một trận bão tố. Vì sợ người Ninivê, ông lại bị một con cá nuốt sống. Vì không muốn ở trong một thành, ông đã ở giữa lòng sóng gió biển cả.

Cuối cùng, ông đã quyết định thi hành sứ vụ, nhưng một cách miễn cưỡng. Sứ vụ của ông đã thu lược được kết quả như Chúa muốn, và ông đâm hoảng sợ. Chán nản, ông mong chết. Trong khi chờ đợi, ông ra ngoài thành phố cất tạm một căn lều bằng tre nứa. Thiên Chúa còn đoái nhìn tới và cho mọc cây thầu dầu che mát bảo vệ ông khỏi bị ánh nắng gay gắt mặt trời thiêu đốt. Giona hài lòng và quyết định ở đây. Nhưng hơi vội đấy: một con sâu đã đục vào lõi cây làm cây khô héo sau đó mấy giờ. Giona nhất quyết ở lại thay vì đi rao giảng cho dân Ninivê biết kiên nhẫn. Nhưng này đây, Thiên Chúa khiến một cơn gió nổi lên cuốn tung cả sa mạc, đồng thời ánh nắng mặt trời dội trên đầu con người đáng thương bất mãn này. Giona lại xin Thiên Chúa cho mình chết đi cho xong.

Câu chuyện Giona chấm dứt ở đây. Chúng ta không biết phần kết thức thế nào. Nhưng có lẽ đó chưa phải là điều cay đắng cuối cùng ông phải hứng chịu đâu.

Bây giờ, nếu muốn, bạn có thể thay thế cái tên gọi và thời đại, câu chuyện một người nào như vậy, còn sống họăc đã chết đã chống lại ý Chúa Cha, và chính sự chống đối này đã đầu độc cả cuộc đời họ. Tốt hơn nữa bạn nhắc lại chuyện đời một người khác, luôn luôn sung sướng và hài lòng, vì học tùng phục ý của Chúa Cha trên trời.

CHƯƠNG 5

ANH EM VỚI CHÚA KITÔ

1. Người Anh Cả.

Adam - Evà có hai người con: Cain và Aben. Cain là một nông phu. Aben làm nghề chăn chiên. Ít lâu sau, Cain và Aben dâng của lễ đầu mùa lên Thiên Chúa. Thiên Chúa đoái nhận Aben và của lễ hiến tế của ông. Còn của Cain thì không. Bầng bầng nổi giận, Cain ra đi, mặt hầm hầm. Ông bảo em: "Chúng ta đi chơi chứ". Lúc cả hai anh em đi tới giữa đồng vắng, Cain bổ nhào vào giết chết em. Và Thiên Chúa đã chúc dữ cho ông (Gn 4).

Thiên Chúa có hai người con: Đức Chúa Giêsu và bạn. Đức Giêsu Kitô đã chết vì tội bạn. Chính bạn đã giết người. Bạn phạm tội giết anh như kiểu Cain và còn hơn nữa, tội giết Thiên Chúa, Thiên Chúa đã chúc dữ bạn như xưa đã đối xử với Cain chứ? Không, cái chết của Chúa Kitô là sự sống của bạn. Nhờ cái chết của Người mà bạn được hưởng nhờ ơn thánh hóa. Nhờ cái chết Của Người mà bạn không phải chỉ là con của dòng dõi Adam, nhưng còn là con Kitô, nhờ ơn thánh hóa. Chúa Kitô thực sự là người anh của bạn.

Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra gặp Mađalêna. Người bảo gì? - Đi báo cáo cho anh em của Ta và bảo họ: "Ta về cùng Cha Ta và cũng là Cha các con" (Jn 20:17). Những ai được thánh hóa, thánh Phaolô tuyên bố, Chúa Giêsu Kitô không hổ thẹn gọi họ là anh em (He 2:11). Vị tông đồ gọi Chúa là người Anh Cả của biết bao đàn em (Rm 8:29). Như vậy Người là Anh, chúng ta là em, Người đối xử hiền hòa và tận tình.

Thánh Tôma so sánh tình yêu của Chúa Kitô với tình yêu của người anh cùng mang một dòng máu. "Người anh em ruột thịt làm gì? Chia xẻ, mối tình của người cha với bạn. Vì chia xẻ, mối tình này cũng bị giảm. Họ chia xẻ, nên phần quyền của bạn cũng bị xén bớt. Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, họ gây tổn hại, đã chiếm chỗ của bạn, Còn Chúa Giêsu Kitô, trái lại, không giảm bớt mối tình Chúa Cha yêu bạn, mà còn tăng thêm. Người đem lại cho bạn quyền đồng hưởng gia tài, cho bạn quyền đồng kế nghiệp Cha, dầu bạn đã từng nổi loạn phản bội, đáng phải xua đuổi tru diệt. Nhưng không, Người đã không xén bớt một tí của cải nào. Ngược lại, Người còn dành cho bạn nhiều hơn nữa. Sau cùng, Người đã chịu chết vì bạn. Người anh này đã tự do chết cho bạn đấy".

2. Can đảm và tin tưởng.

Nhiều người sợ không dám coi Chúa Giêsu như một người anh. Có hơi quá! Vì thấy mình yếu đuối, sa ngã, nên họ nhìn Chúa như một Thiên Chúa ghê gớm luôn luôn rình rập bắt lỗi và lúc nào cũng nhăm nhe phạt họ. Chúng ta không muốn tìm biết xem như vậy có chi quá không, nhưng nếu có thực vậy, thì Chúa Kitô có thực là người Anh của chúng ta không? Phải, đó là một sự kiện, bạn có tự do thấy sự kiện phi thường đó. Một lần nữa, chúng tôi muốn khẳng định với bạn "sự kiện này có thực".

Bạn đừng sợ mượn ngay lời David nói với Gionathan để thưa cùng Chúa Giêsu: "Ô, anh ơi anh tốt đẹp quá, anh dễ thương hơn mọi tạo vật. Em yêu anh như bà mẹ yêu con một của mình". (2 Rg 1:26). Vì người có quyền tận hưởng cả vẻ dịu êm của con tim bạn, bạn có thể tin tưởng ở người anh hơn cả mối tình tin nhau giữa những anh em khăng khít nhất trên đời.

Hãy tin tưởng, Thầy đây, đừng sợ (Mc 6:50). Lời nhắc bạn hãy tin tưởng này luôn luôn xuất hiện trên cửa miệng Đấng Cứu Thế. Người ta lấy làm lạ khi thấy Chúa năng khuyên bảo các tông đồ, mà các ngài lại hay chán nản, ngã lòng, sợ hãi. Không có gì làm tê liệt đà tiến của tâm thần bằng sự sợ hãi và nhát đảm. Tinh thần Chúa Giêsu, Người Anh Cả chúng ta, là một tinh thần tin tưởng. Không gì chống cự nổi Người, cho dầu cả học thuyết quá trớn cũng như các đe dọa luận tội của môn phái Jansémisme. Chúa Giêsu dùng lời kêu gọi hiều dịu: "Hãy tin tưởng" để đối lại với các tiên tri gieo rắc vô phúc bất hạnh.

Bạn thử xét lại kinh nghiệm đời bạn. Bạn không thấy mãn nguyện khi có một người nào thổ lộ chuyện riêng với bạn sao? Tim bạn càng khoan khoái phấn khởi hơn khi một người khác gặp một vấn đề riêng nan giải lại đặt niềm tin ở bạn. Họ sốt sắng và chân tình thổ lộ tin tưởng của họ không mang một ẩn ý gì ích kỷ của chính họ dành cho bạn cách đặc biệt. Bạn cũng hãy tôn kính và vui sống với Chúa Giêsu Kitô, với một niềm tin không giới hạn như thế. Và chính trong niềm tín thác thác noi Người Anh Thần linh, mà bạn tìm được sự toàn năng nhân loại cho bạn. Đúng thế.

Trong kinh Cậy, hằng ngày bạn không đọc: "Lạy Chúa tôi, tôi trông cậy vững vàng, vì công nghiệp Chúa Giêsu Kitô" đấy ư? bạn chờ đợi Người tất cả của cải siêu nhiên, ơn thánh cần cho cuộc đời tại thế, vinh quang hạnh phúc trên thiên quốc; và tất cả những của cải tự nhiên giúp ích cho phần rỗi. Không do dự. Không giới hạn. Không ngoại trừ. Nếu bạn tín thác nơi Người một việc này, bạn không tin tưởng vào Người một việc khác, bạn làm tổn thương con tim Người. Với Người niềm tin cậy của bạn phải bao gồm cả phần rỗi của bạn, các khổ đau cũng như các chuyện đời bạn nữa. (Ngài dạy bạn qua thánh nữ Faustina, tông đồ của Lòng Thương xót vô biên lời này: "Giêsu, con tin cậy Chúa").

1) Phần rỗi của bạn.

Tại sao Chúa Kitô xuống trần gian? Tại sao Chúa Kitô chịu đau khổ? Tại sao Chúa Kitô về trời? Tại sao Chúa Kitô không ngừng bầu cử cạnh Chúa Cha? Thưa: Vì phần rỗi của bạn.

- Tội tôi to lớn quá và nhiều quá.

- Bạn có thấy Phêrô, Mađalêna, người đàn bà đàng điếm, người "trộm lành" trên trời Canvê? Hãy noi gương các kẻ thống hối này, hãy tin cậy vào lòng thương xót của Chúa Giêsu, Người Anh của bạn.

- Tôi đã phạm nhiều tội lỗi quá rồi.

- Bạn đã xưng hết với lòng thống hối, ăn năn chân thành chưa? Nếu bạn đã thi hành như vậy rồi, thì hãy tin tưởng! Thiên đàng không phải chỉ dành cho những người trong trắng vẹn sạch, mà cho cả những người đã đánh mất, nhưng sau lại tìm được. Trên trời - Chúa Giêsu tuyên bố - niềm vui sướng khi có một người tội lỗi thống hối trở về, sẽ to lớn hơn đối với 99 người công chính không cần thống hối ăn năn (Lc 15:7).

Một hôm, thánh Philipphê Nêri đi thăm một nữ tu, sơ Scholastica. Vị nữ tu tưởng mình đã bị án luận phạt mất nước thiên đàng.

- Thiên đàng là của con, cha thánh bảo chị.

- Ô, sao có thể được, thưa cha?

- Con điên sao? Kìa nhìn xem Chúa Kitô chết cho ai?

- Cho những người tội lỗi.

- Được, con là người tội lỗi ghê gớm. Vậy thì Chúa Giêsu đã chết để cứu con, vì thế nước thiên đàng là của con.

Nhờ những lời này, tâm hồn hiền hậu của Scholastica đã lấy lại được bình an.

Chúa Giêsu cũng không ngừng nhắc lại với Margarita thành Cortone, người thiếu phụ theo trai bất chấp dư luận, ai ai đều biết tiếng:

- "Con muốn ta làm gì cho con? Cứ xin". Tội lỗi xưa của bà không làm cho tim Chúa Giêsu ra chai đá, khô cạn, nên Chúa bảo bà: "Con biết, vì phạm tội nên con là nô lệ của Ta, nhưng vì sống trong tình trạng ơn thánh nên con là em gái của Ta".

Dẫn đưa các linh hồn lo tôn sùng Thánh Tâm Chúa, chỉ dạy cho họ biết lòng nhân lành xót thương của Chuá vô biên, làm cho họ tin tuyệt đối vào tình Chúa yêu thương, đó là sứ mạng của nữ tu Beninha Consolata Ferrêô (1885-1916), cũng quen gọi là "cô thư ký nhỏ của Chúa Giêsu" Chúa Giêsu. Đấng Cứu đời đã nói với cô thư ký: "Beninha, Beninha, hãy viết điều này: việc chính yếu Cha muốn cho người ta biết: Cha là tình yêu, điều khổ tâm to lớn nhất người ta gây cho Cha, chí là việc họ nghi ngờ lòng tốt của Cha. Tai họa lớn lao nhất quỷ ma có thể gây cho một tâm hồn sau khi đã làm cho họ sa đắm trong tội, là làm cho họ mất tin tưởng nơi lòng Cha nhân từ. Bao lâu một linh hồn còn tin tưởng, việc trở lại của họ còn dễ dàng. Cái tội mất tin tưởng làm Cha đau lòng hơn trăm thứ tội khác. Trong nháy mắt, Cha có thể chữa lành cả quãng đời dĩ vãng của một tâm hồn, miễn linh hồn này đối xử với Cha như là Chúa của nó, nghĩa là nó đứng lấy chán nản ngã lòng ngăn cản lòng tốt của Cha, nó đừng bót nghẹt lòng Cha nhân từ xót thương những lo âu đời nó, nó đừng đo lòng thương yêu của Cha theo lòng yêu mến của nó!"

- Cuộc chiến đấu hết sức mãnh liệt. Tôi ngã và tôi lại ngã. Tôi sợ chết đang khi mắc tội trọng.

- Cuộc chiến đấu rất cam go: hãy tỉnh thức và cầu nguyện! Bạn sa ngã ư: hãy cầu nguyện! "Hãy xin sẽ được", Chúa Giêsu, người Anh của bạn đã bảo thế. Ai cầu nguyện, chắc chắn sẽ được rỗi.

2) Những đau khổ đời bạn.

Ôi, khổ quá trời ơi!

Sự đau khổ gột tẩy các tội riêng của bạn. Trả món nợ ngay tại thế này lại không hay hơn là phải trả trong luyện tội sao?

Sự đau khổ tu sửa những lỗi người khác nữa. Tham dự liên kết với mầu nhiệm cứu chuộc không phải là một vinh dự cho bạn sao?

Sự đau khổ bẻ gẫy xiềng xích trói buộc vào cái trần thế xác xơ này, cái trần thế ít người muốn rũ bỏ.

Sự đau khổ tăng thêm công phúc trên thiên đàng, nơi vinh quang sẽ được trao ban tương xứng tùy theo không những với các việc lành, nhưng với cả những khổ đau ở đời này.

Sự đau khổ làm ta nên giống Chúa Giêsu con người của đau khổ.

Sự đau khổ vì thế là một dấu hiệu chắc chắn của việc "tiền - tri - định". Đúng thế, miễn là bạn biết liên kết những khổ đau của bạn với những đau khổ của Chúa Kitô, người Anh của bạn.

3) Những công việc trần thế của bạn.

- Tôi chẳng thành công được gì cả!

- Dẫu vậy, cứ tin tưởng đi! Người Anh Thiên Chúa của bạn "giầu có hơn quyền năng hơn, khôn ngoan hơn bạn. Người muốn làm điều thiện cho bạn hơn cả lòng ước muốn" (Thánh Âu Tinh). Bạn hãy làm hết sức mình, rồi hy vọng! Đừng lo âu áy náy: "chúng tôi sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì". Đó là những bận tâm của dân ngoại. Còn Cha anh em ở trên trời biết anh em cầu gì. Trước hết hãy tìm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài - Nghĩa là hãy sống trong tình trạng ơn thánh - còn các việc khác, tất cả Thiên Chúa sẽ ban cho anh em gấp bội. Vậy đừng lo toan đến ngày mai: "ngày mai nó sẽ lo cho nó. Mỗi ngày đều có cái khổ riêng của nó". (Mt 6,31:34).

Không ai đòi ai làm điều không thể. Bạn không buộc phải vác những gánh nặng quá sức bạn. Bạn hãy sống trong tình trạng ơn thánh và hãy có ý hướng ngay lành. Thánh Phanxicô đã trình lên Đức Giáo Hoàng Honoriô II bản quy luật dòng. Ngạc nhiên vì sự khắt khe trong đời sống khó nghèo theo luật quy định, Đức Thánh Cha kêu lên: "Con ơi! anh em của con sẽ sống bằng gì". Người của Thiên Chúa trả lời: "Dòng tu của con là một bà mẹ nghèo. Nhưng Thiên Chúa là một người Cha rất giầu có. Sau cuộc sống này, Ngài hứa cho chúng con thiên đàng. Làm sao Ngài từ chối cho chúng con dưới thế này cái phần nhỏ bé theo nhu cầu của chúng con?"

Và đây luật sống của Thánh Inhaxiô: "Bạn hãy làm như thể tất cả tùy thuộc ở bạn, đồng thời hãy tin tưởng ở Thiên Chúa, như thế tất cả tùy thuộc một mình Ngài". Bất kỳ ở đâu bạn không đủ sức, luôn luôn có Người Anh của bạn đứng lên để giơ tay nâng đỡ bạn. Hãy tin lời Người nói: "Bạn hãy giúp bạn đi, rồi Trời sẽ giúp bạn".

Nói tới kinh nghiệm đời. Vua Đavid đã thốt lên: "Trước tôi trẻ, nay tôi già. Nhưng chẳng hề thấy người công chính, - người sống trong tình trạng sạch tội trọng - bị bỏ rơi. Hay là dòng dõi người phải đi ăn mày" (Ps 36:25).

Tại sao lại sợ trước, sợ bóng, sợ gió? Tại sao lại sợ điều có thể xảy đến? Người ta sợ những điều khổ đau theo sự nghi phỏng, mà thường lại toàn là chuyện hão, hơn là những đau khổ phải chịu thực sự. Trí tưởng tượng, là thằng đại láo khoét gây bao khổ đau. Hãy lấy một niềm tin siêu nhiên để lắng dịu và chế ngự nó.

Bạn hãy làm hết sức mình, rồi phó thác vào lời Chúa Kitô Người Anh của bạn: "Bạn hãy giúp bạn đi, rồi Trời sẽ giúp bạn".




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng