SỐNG 6 Những bạn của Chúa Kitô 7 Chi thể sống của Chúa Kitô

CHƯƠNG 6

NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA CHÚA KITÔ

1. Anh em là bạn hữu của tôi.

Giả dụ bạn thấy mình được chuyển tới một lâu đài thần tiên như vẫn thấy tả trong các chuyện thần thoại. Thức ăn, áo quần, sách vở, đồ chơi, tất cả đều do huyền nhiệm đưa lại cho bạn mà bạn chẳng biết xuất phát từ đâu hay do bàn tay ai can thiệp. Bạn được xử đãi như một ông hoàng, nhưng chỉ có "mình với mình" thôi. Bạn có chịu nổi cuộc sống này lâu dài không? Bạn lại không vội vàng nhường ngay của cải của bạn, để được gặp một người nào chuyện trò với họ sao?

Nói theo kiểu thánh Âu Tinh, sống mà không có bạn, không thể chịu nổi. Sách Gương Phúc nói rõ: "Không bạn hữu, người ta không sống hạnh phúc". Lời nguyền rủa ghê gớm độc địa nhất nơi lương dân là: "Ước gì nó không yêu và không được yêu".

Tình bạn là một mối tình thương yêu lẫn nhau giữa hai hai nhiều người tự ước nguyện và tự tìm kiếm điều thiện việc ích cho nhau.

Có tình bạn theo nghĩa tự nhiên, dựa theo những động lực con người: cảm tình, các mối liên lạc thường xuyên, những lợi ích vật chất, những ơn huệ nhận lãnh, những tâm tình không thể diễn tả được. Nhân loại đã không ngớt ca tụng tình bạn tự nhiên này. Nhưng đừng quá quan tâm tin tưởng. Vì không có gì dòn mỏng hơn, hay thay đổi hơn và hão huyền hơn.

Có tình bạn siêu nhiên, cũng gọi là tình bạn Kitô giáo. Nó dựa trên những động lực tin. Đó là điều chính yếu. Còn có thể kể ra nhiều nguyên do khác nhưng cũng chỉ là tùy tòng. Chúa Thánh Linh phán: "Người nào đi tìm một người bạn như thế là tìm được một kho tàng" (Eccli 6:14). Nhân loại biết tình bạn giữa Đavid và Gionatha; giữa thánh Basiliô và thánh Grêgôriô khi còn là sinh viên văn khoa Đại học đường Athene; giữa thánh Bonaventura và thánh Toma trong tình đồng sinh và đồng nghiệp giáo sư Đại học đường Sorbonne tại Paris.

Còn có một tình bạn thắm thiết hơn, tình bạn giữa Chúa Kitô và linh hồn sống trong tình nghĩa ơn thánh. "Anh em là những người bạn nghĩa thiết của Thầy- Chúa Giêsu tuyên bố - nếu anh em thi hành điều tôi truyền dạy (nghĩa là: nếu anh em tuân giữ lời răn, sống trong ơn nghĩa thánh). Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng là bạn thân thiết" (Jn 15:14-15).

Bạn thở dài: Ồ, nếu tôi có người bạn hoàn toàn! Phải có đấy chứ. Chính Chúa Kitô. Và chỉ có mình Người. Đó là điều khiến tác giả sách Gương Phúc đã nói: Ai sẽ cho con, lạy Chúa, được tìm thấy Chúa, một mình Chúa thôi và được thổ lộ tất cả tâm can với Chúa...Chúa ở trong con, con ở trong Chúa và có thể cùng kết hợp với nhau mãi mãi...(4:13).

2. Bạn hãy nói cho tôi người bạn lý tưởng bạn hằng ước mơ?

- Một người bạn đẹp trai!

- Chúa Kitô lại kông phải là người đẹp nhất loài người sao?...Ơn thánh chan hòa trên môi miệng Người. Đám dân chúng tự cảm thấy bị hấp lực lôi cuốn tới với Người đến quên cả ăn. Họ muốn giữ Người lại để Người khỏi bỏ họ (Lc 4). Một tia sáng mắt Người đủ làm cho mọi người công chính sung sướng. Nếu, qua bầu trời, Người xuất hiện với bạn, như tia chớp thôi, bạn sẽ mù, trái đất sẽ hóa nên trời cao đối với bạn. Bạn cứ nói cho tôi biết người bạn, bạn muốn?

- Một người bạn quảng đại và nên nghĩa thiết với tôi. Tình bạn chỉ có giữa những người đồng vai.

- Sợ chói lòa bạn, Chúa Giêsu đã che phủ vinh quang Người và đã từ ngai trời xuống thế. Đã mang một thân xác và một linh hồn như bạn. Đã ở giữa dân chúng, chuyện trò với họ, ăn uống với họ.

Bạn hãy nói cho tôi bạn ước muốn người bạn như thế nào?

- Một người bạn mà, bất kỳ lúc nào, tôi có thể gặp, bàn hỏi, quấy rầy, chắc chắn làm vừa lòng họ luôn. Vì tình bạn không che dấu gì hết.

- Chúa Giêsu luôn vừa tấm lòng ước nguyện của bạn. Người không biết thế nào là mệt mỏi. Người để lại cho bạn đạo thuyết của Người, mà nổi tiếng là cả một bí quyết, múc từ lòng Chúa Cha, để thông truyền cho các kẻ nghĩa thiết của Người. Bạn hãy bước tới nhà Tạm: Người Bạn của bạn ở đó. Ngày đêm. Chẳng những không gây phiền não gì cho đời bạn, Người ở trong bạn một cách đặc biệt bao lâu bạn còn sống trong ơn thánh. Không có mối quan tâm không một liên hệ nào tới đời bạn, dù một lời nói, qua khỏi con mắt quan phòng của Người.

- Tôi ước muốn một người bạn dẫn tôi đến cha mẹ anh. Tại nhà anh, tôi phải được coi là một đứa con trong nhà.

- Chúa Giêsu thấy trước những ước nguyện của bạn. Bạn là em của Người. Cha Người là Cha bạn; Mẹ người là Mẹ bạn. Nhà người, theo quyền nối nghiệp, là nhà bạn. Nhờ ơn thánh hóa, bạn là người trong gia đình.

Bạn muốn có một người bạn như thế nào nữa?

- Một người bạn biết thông cảm. Sự cảm thông chân thực xoa dịu tâm can như một dòng nước mát hạ bớt cơn sốt bỏng.

- Chúa Giêsu - Sách Phúc Âm nói - khi nhìn những giọt nước mắt trào dâng từ khoét mắt bà chi Lazarô, xúc động cả tâm thần, bàng hoàng cả mình...Người khóc (Jn 11:34). Những giọt nước mắt của người quá chân thành đến nỗi làm cho những người chứng kiến hiểu được nguyên do chính là mối tình yêu trong sạch nhất từ lòng Người. Kìa, các ông bà coi kìa, họ bảo nhau, "Người yêu Lazarô quá!"..

Bạn muốn có người bạn tận tụy. Đã có biết bao người vẫn nói: "Tôi yêu anh đến điên dại...yêu một mình anh thôi".

Chúa Kitô cũng đã tuyên bố: "Không có một mình chứng tình yêu nào to lớn hơn là hiến mạng sống cho những người mình yêu". (Jn 15:13). Và Người đã chịu chết cho bạn.

- Tôi ước muốn cho một người bạn vô vị lợi. Sự vô vị lợi quả hiếm lắm.

- Chúa Giêsu là Thiên Chúa, tự Người xung mãn vô cùng. Của lễ chúng ta thấm gì với Người.

- Tôi muốn có một người bạn quảng đại. Không chấp nhất, mà còn thực thi chính lòng quảng đại này nữa. Giữa bạn hữu với nhau, mọi sự là của chung, không còn có vấn đề của anh hay của tôi nữa. Biết bao người chỉ yêu anh để kiếm tiền!

- Ai cho bằng Chúa Giêsu?"

Nơi máng cỏ, Người là anh của chúng ta,

Trên đồi Canvê, Người là giá chuộc chúng ta,

Trên bàn thờ, Người là bánh nuôi chúng ta,

Và trên trời, Người là phần thưởng chúng ta.

- Tôi muốn một người bạn kiên nhẫn, chịu đựng. Trên đời, chỉ một chút hiểu lầm cũng có thể biến bạn hữu nên hận thù.

- Chúa Kitô tha thứ luôn luôn. Mỗi một tội trọng là một cuộc đoạn tuyệt xuất phát từ phía bạn; mỗi tội nhẹ là một điều vô phép bất nhã. Mỗi lần lãnh nhận phép giải tội là mỗi lần Chúa làm hòa với chúng ta.

Đêm trước chịu chết, Chúa Giêsu bị bắt tại Giêtsêmani. Hoang mang, hoảng sợ, các tông đồ chạy trốn. Phêrô và Giuđa, tuy vậy, cố dõi theo Thầy. Phêrô, đã chối Thầy vì nể sợ người đời, vì sợ một tiếng cười. Còn Giuđa, đã tiếp tục phản bội vì lòng tham lam.

Ít lâu sau, Chúa Giêsu đã đưa ánh mắt tràn đầy âu yếm phủ cả hai tông đồ. Phêrô đã hiểu. Phêrô đã để cho hai dòng lệ tuôn trào mãi mãi trong nơi cô tịch hiu quạnh. Sự thứ tha toàn vẹn. Còn Giuđa, Giuđa cũng đã biết. Cõi lòng xâu xé cắn rứt, nhưng với lòng hoài nghi tâm tình yêu của Chúa. Thất vọng. Giuđa đi thắt cổ chết. Con người khốn nạn! "Thà đừng bao giờ sinh ra thì hơn".

Tuy nhiên, tội Phêrô không nặng nề sao? Lòng ham hố tham lam của Giuđa so với lòng hèm nhát, chối đạo của Phêrô có lẽ nhỏ nhoi lắm. Nhưng vấn đề không phải ở đó. Sự thứ tha Chúa ban cho không đo lường theo sự tội nặng nhẹ, mà ở lòng tội nhân tín thác và thống hối. Giuđa đã buông mình tuyệt vọng.

Bài học đó vẫn còn đặc tính thời sự. Một ngày nào đó, có lẽ chúng ta, trong một lúc chán nản ngã lòng, vì yếu đuối hơn là vì ác ý, bị người khác lôi cuốn, hoảng hốt vì điều xấu xa tội lỗi, chúng ta sẽ chối bỏ người bạn thiên tính của mình để hưởng lấy một lạc thú phàm tục, ô uế. Sau khi sa phạm, thân người bạc nhược, chán ngán, mặt đỏ, tâm can những xấu hổ, hoài nghi cả lòng can đảm của mình, chúng ta đâm ra bỏ liều cho đời trôi dạt, lê thê. Lúc đó, hãy ý tứ, đừng có theo kiểu Giuđa mà bảo "mặc xác", đừng buông xuôi quyết liệt và hèn nhát; cũng đừng có thấy muộn mà đâm tuyệt vọng. Đừng bao giờ!

Thánh Têrêxa nhỏ kêu lên, "A, tôi cảm thấy! Dù lương tâm tôi sẽ có tất cả tội lỗi có thể phạm được, tôi cũng sẽ không ngã lòng. Tôi sẽ thống hối, ném mình trong tay Đấng giải phóng tôi. Tôi biết Người yêu chiều người con hoang đàng, tôi đã nghe những lời Người nói với Mađalêna, với người đàn bà ngoại tình, với người nữ xứ Samaria. Không, không ai có thể làm tôi hoảng sợ, vì tôi biết tại sao tôi tin tưởng cậy trông vào tình yêu và lòng xót thương của Người. Tôi biết rằng, tất cả đống xúc phạm tan bay trong nháy mắt như thể một giọt nước cháy xèo trên bếp lò nóng bỏng".

Đêm Sinh Nhật, Trẻ thơ Giêsu đã hiện ra với một vị ẩn tu, thánh Giêronimô.

- Giêrônimô, con lấy gì để mừng Ta nhân ngày Ta sinh ra?

- Thưa Chúa Hài Nhi, con xin dâng lòng con.

- Được, nhưng còn gì nữa?

- Con xin dâng mọi kinh nguyện và tất cả tâm tình con.

- Còn gì nữa?

- Con xin dâng tất cả những gì con có và tất cả con đây.

- Ta muốn nữa.

- Thưa Chúa Hài Nhi, con chả còn gì cả! Chúa muốn con cho gì bây giờ đây?

- Hãy cho Ta các tội của con.

- Uả, để làm gì?

- Hãy cho Ta các tội của con để Ta có thể tha thứ cho con tất cả.

- Ôi Chúa Hài Nhi, Chúa làm con phát khóc lên được!

Bạn hãy nói cho tôi bạn muốn có người bạn như thế nào?

- Một người bạn trung tín, luôn luôn trung tín dầu ở cảnh vực nào đi nữa.

- Chỉ có Chúa Kitô mới trung tín thôi. Thánh Phaolô nói, "Tôi biết, tôi đã tín thác vào ai (2 Tm 1:13). Trong lúc giàu có nhất là lúc bạn vung tay cho đi - bạn hữu trên đời bu quanh lấy bạn. Người bạn đó, thứ bạn ngồi bàn ăn, đến khi bạn gặp nguy cơ hoạn nạn, hẳn không còn nữa...Nếu bạn sa ngã cảnh khốn cùng, hắn sẽ chống lại bạn (Eccli 6). Lúc thử thách, ốm đau, hoạn nạn sa cơ, già yếu hấp hối, còn được mấy người trung thành với ban? Còn Chúa Kitô sẽ luôn có mặt nâng đỡ, để an ủi bạn. Mối tình của tạo vật, Sách Gương Phúc nói, thì lật lọng và đổi thay; mối tình của Chúa Kitô thì trung thực và bền chặt. Bạn hãy yêu và hãy giữ làm bạn nghĩa thiết người nào sẽ không bỏ rơi bạn lúc mọi người khác bỏ rơi.

Bạn hãy bám riết lấy người bạn này: hãy yêu lại đắm say, như các vị thánh đã yêu.

Thánh Inhaxiô thành Antiôkia viết: Không một tạo vật hữu hình hay vô hình nào tìm được cách chiếm đoạt nổi Chúa Giêsu Kitô của tôi. Vì vậy khi nào tôi sẽ đứng trước mặt đoàn thú dữ chờ đợi tôi? Chúng có thể nhảy bổ ngay vào con người tôi? Nếu cần, tôi sẽ chọc giận chúng để chúng đừng xử với tôi như đã đối với một ít người mà chúng sợ không dám đụng tới. Nếu chúng không dám, tôi sẽ cưỡng bức chúng...Nào lửa, nào khổ giá, thân xác mặc cho súc vật quần vờn, xé nát, phanh thây, văng xương, cắt kéo toàn thân, ngay cả những khổ hình dữ tợn nhất quỷ mà có thể tưởng tượng ra đổ xuống mình tôi, được hết, miễn sao tôi giữ được Chúa Giêsu Kitô.

"Ôi Ngôi Lời, ôi vị cứu tinh của con, thánh nữ Têrêxa kêu lên trong lúc hăng say sốt mến, chính Người là Thượng hoàng con mến yêu và lôi cuốn con. Hãy để cho con nói với Người thế này: con yêu Người đến điên dại. Làm sao Chúa muốn, trong trạng thái phát điên này, tim con đừng lao tới Chúa? Làm sao lòng con tín thác lại giới hạn được? Bao lâu Chúa còn muốn, con còn giữ mắt đăm đăm nhìn Chúa, con muốn đo ánh mắt thần linh Chúa, con muốn trở thành miếng mồi của lòng yêu Chúa. Một ngày nào, con hy vọng, Chúa sẽ đáp cách trên con và sẽ đưa con vào tổ ấm yêu đương". Thánh nữ còn nhắc lại: Ơn kêu gọi của con, chính là tình yêu. Điều con xin, chính là tình yêu. Con không biết hơn một điều này là: con yêu Chúa. Ôi Chúa Giêsu của lòng con, con yêu Chúa, con nhớ rằng, cử động bé nhỏ nhất của tình yêu tinh sạch có ích hơn tất cả các việc khác dồn lại"


CHƯƠNG 7

NHỮNG CHI THỂ SỐNG ĐỘNG CỦA CHÚA KITÔ

1. Chỉ có một thân thể.

Chúng ta quá e sợ nhìn Chúa Kitô, đúng như Chúa Kitô, vì Người rất gần chúng ta. Chúng ta thấy đời Người với đời Chúng ta giống nhau quá - vì Người muốn thế.

Về Chúa Kitô, chúng ta biết gì? Ba mươi ba năm cuộc đời tại thế, đời sống thầm lặng nơi nhà tạm, đời sống vinh quang trên thiên quốc. Có thế! Còn một đời sống khác của Chúa Kitô nhiều người không biết đến hay không hiểu: Đời sống huyền nhiệm của Người. Thánh Phaolô và thánh Gioan không ngớt đề cập tới cuộc sống này. Các ngài đã tóm tắt và làm thành tâm điểm tín lý Kitô giáo.

Phần tiến lễ, vị linh mục rót rượu vào chén thánh và pha thêm một chút nước. Sự tan hòa rượu nước: đâu là ý nghĩa đích xác của nghi lễ này?

Nó biểu hiệu sự kết hợp bản tính con người với bản tính Thiên Chúa trong ngôi hợp Chúa Giêsu Kitô.

Ngoài ra nó còn mang ý nghĩa sự kết hợp của giáo dân - Được biểu hiện bằng giọt nước với Chúa Kitô, biểu thị qua rượu nho và cùng với Chúa Kitô được tiến dâng lên Thiên Chúa Cha. Công đồng Tridentinô đã tuyên bố rõ ràng: "Sự kết hòa giữa nước và rượu tượng trưng cho sự kết hòa những người tín hữu với Chúa Kitô thủ lãnh".

Chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô; vì thế, linh mục chỉ nhỏ một giọt nước. Giọt nước được tan biến vào rượu đựng trong chén lễ. Giọt nước trở thành rượu, một phần nào có thể nói được như vậy. Sau khi tan hòa, thật khó mà tìm lại được nước y nguyên với những đặc tính riêng của nó. Cũng thế, kết hợp với Chúa Kitô nhờ ơn thánh hóa, chúng ta nên một với Người: chỉ có một thân thể nhiệm mầu. Chúng ta được kếp hợp chặt với Chúa Kitô, vì vậy linh mục không thể tiến dâng riêng biệt rượu và nước, cũng không thể bỏ nước.

Chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô. Chúng ta là những chi thể của thân xác huyền nhiệm Người. Để minh chứng điều đó, thánh Phaolô dùng hình ảnh thân xác con người để so sánh. Như xác là một và có nhiều chi thể, và như mọi chi thể, - dầu nhiều - cũng chỉ tạo thành một thân xác. Nói về Chúa Kitô cũng vậy (1 Co 12). Thiên Chúa đã đặt Chúa Giêsu Kitô làm đầu Giáo Hội. Giáo Hội là thân thể Người (Eph 5:30). Đó là hình thức so sánh. Còn học thuyết ra sao? Chính ơn thánh hóa kếp hợp chặt chẽ chúng ta vơi Chúa Kitô, chặt chẽ khăng khít như một chi thể trong thân người.

Chúng ta hãy phân tích. Thánh tông đồ phân biệt mình, đầu và các chi thể khác, đầu - hay là thủ lãnh - là chính Chúa Kitô, Ngôi vị Chúa Kitô, Chúa Kitô đích vị. Các chi thể khác là chúng ta; là những chi thể sống động, nếu chúng ta ở trong tình trạng ơn thánh. Nhưng sẽ là những chi thể chết khô, nếu chúng ta ở trong tình trạng tội trọng. Đầu, cộng với các chi thể, đó là thân thể mầu nhiệm, là Chúa Kitô toàn diện, đầy đủ, hoàn toàn, là tất cả Chúa Kitô. Do đó. Chúa Kitô toàn diện: là Chúa Kitô kết hợp với chúng ta.

Thánh Gioan dùng hình ảnh cây nho để sánh ví: Chúa phán, Ta là cây nho, chúng con là cành. Ai ở trong Ta và Ta ở trọng họ. Sẽ mang lại nhiều hoa quả. Tách lìa Ta, chúng con không thể làm nên trò trống gì hết (Jn 15:5).

Vẫn là một kiểu so sánh. Còn đạo thuyết ra sao? Cây nho không khác với nhiệm thể Chúa Kitô. Nhờ ơn thánh hóa, chúng ta là những cành nho sống động của Chúa Kitô, những cành sống ghép vào Chúa Kitô.

Đàng khác, nhân tiện hai hình ảnh so sánh này, công đồng Tridentinô diễn tả một cách hết sức rõ ràng: Như đầu truyền đạt lệnh cho các chi thể khác, như cây nho chuyển thông nhựa nguyên đi khắp thân cành, Chúa Giêsu cũng thế, lúc nào Người cũng ảnh hưởng trên mọi người công chính. Chính ảnh hưởng này đi trước, kèm theo và tuyên dương mọi việc làm tốt lành của họ và biến chúng nên đẹp lòng Thiên Chúa. Cùng xứng công thưởng trước mặt Ngài! (Khóa 6 Điều 16).

Các thánh tiến sĩ trong Giáo Hội luôn luôn hiểu như vậy. Thánh Ambrôsiô viết: Là chi thể Chúa Kitô, chúng ta là thịt là xương Người. Ơn cứu thoát? Là ở với Chúa Kitô, và hợp cùng thân thể Người! Và thánh Âu Tinh nói: Đầu, mình tất cả chỉ là một, chỉ có một Chúa Giêsu. Cả hai trong một xác thịt, trong một tiếng nói, trong một sự chịu nạn, và một khi thử thách qua khỏi, trong chỉ có một sự an nghỉ! Thánh Gioan Kim Ngôn thêm: Chúng ta hãy luôn nhớ mình là thân thể của một đầu. Chúng ta là những chi thể của Chúa Kitô, chúng ta lại không trở nên tốt đẹp hơn và cao cả hơn các thiên thần và tổng lãnh thiên thần là những vị không được vinh dự này sao?

Thánh Nữ Catarina thành Sienna viết cho một vị tu sĩ như sau: Con là nô tỳ của các đầy tớ Con Thiên Chúa, con khuyên Cha trong Máu châu báu Người, với ước nguyện được thấy cha biến đổ trong tình bác ái khôn tả Người, để từ những cây khô cằn và hoang dại chúng ta được ghép vào cây hằng sống. Chúng ta, lúc đó, sẽ mang những trái thơm ngọt, không phải do chính chúng ta, nhưng do vị Thầy của ơn thánh trong chúng ta. Thưa cha, chúng ta hãy bám kết vào cây mầu mỡ tốt tươi, để vị thầy không mọc lên mà không có chúng ta. Con xin kết thúc với lời xin cha luôn luôn kết hợp với cây Thiên Chúa và được biến đổi nên Chúa Giêsu chịu đóng đinh"

2. Với những hiệu quả.

Học thuyết này có rất nhiều hiệu quả. Chúng tôi xin nêu ra đây bốn điều:

1) Chúng ta là chi thể Chúa Kitô. Vậy chúng ta ở trong Người, chúng ta sống trong Người. Tất cả những gì Chúa Kitô đã làm, Người đã không làm một mình; chúng ta cùng làm với Người và trong Người.

Thánh Phêrô đã nhắc lại điểm này với những lời lẽ tự nhiên sống động. Với Chúa Kitô, chúng ta chết, trên đồi Canvê; với Chúa Kitô, chúng ta được táng; với Chúa Kitô, chúng ta được sống lại, vào ngày Phục Sinh; với Chúa Kitô, chúng ta sẽ sống; với Chúa Kitô, chúng ta thống trị trên trời, từ Ngày Người lên trời; với Chúa Kitô, từ nay chúng ta được ngồi bên hữu Thiên Chúa Cha. Với Chúa Kitô, theo thánh Matthêu, chúng ta sẽ xét xử trong ngày tận thế; quan án là Chúa Kitô toàn diện, gồm có Người và chúng ta. Chết, sống lại, lên trời. Như thế nào? Tất cả việc đó, chắc chắn, là bằng cách tham dự trước, nhưng một cách rất thực trong Chúa Kitô. Với Người, chúng ta nên một mà thôi.

2) Chúng ta là chi thể Chúa Kitô: Người ở trong chúng ta: Người sống trong chúng ta. Tất cả những gì chúng ta làm, chúng ta không làm một mình: Chúa Kitô cùng làm với chúng ta và trong chúng ta. "Tôi sống, thánh Phaolô nói, nhưng không phải tôi sống, chính Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal 2:20).

Bạn làm việc ư? Chính Chúa Kitô làm việc trong bạn. Việc làm của bạn tiếp nối việc làm của Chúa Kitô ở Nazareth.

Bạn cầu nguyện ư? Chính Chúa Kitô cầu nguyện trong bạn. Lời nguyện của bạn và của Người chỉ là một.

Bạn đau khổ ư? Chúa Kitô đau khổ trong bạn. Nhờ những sự đau khổ của bạn, "bạn bổ khuyết những gì còn thiếu trong sự đau khổ Chúa Kitô" (Col 1:24). Các thánh tử đạo xác tín rõ điều đó. Thánh nữ Felicita từ trong nhà giam tại Carthagô đã quả quyết rõ ràng rằng, lúc chịu xử hình, Chúa Kitô sẽ ở trong chị và sẽ chịu đau khổ cho chị vì chính chị sẽ chịu đau khổ cho Người. Ôi được kết hiệp với công trình cứu chuộc của Chúa Kitô như vậy, là cả một vinh dự to tát!

Các linh mục và giám mục Phi Châu đã bị khổ hình trong các ngục thất và hầm tối. Ở đó các ngài chết dần mòn một các kinh khủng. Thánh Cypriannô viết, "Một mảnh đất trơ trụi đón nhận những chi thể đã mệt nhừ vì lam lũ: nhưng được nằm đất với Chúa Kitô, không còn là một khổ hình. Không một mang áo che thân chống mưa tầm giá lạnh, nhưng người ta được che phủ đầy đủ. Được trang điểm huy hoàng khi đã được mặc Chúa Kitô. Họ đã xỉ vả lăng nhục trên đầu cạo dở của chư huynh, nhưng vì Chúa Kitô là đầu của con người, nên tất cả đều thích hợp với một chiếc đầu đã trở nên cao trọng nhờ sự tuyên xưng danh nghĩa Kitô hữu".

Vậy, bạn bị đau khổ xô đè dẫm bẹp sao? Bạn bị con bệnh bó chặt trên gường sao? Bị bóp chẹt, bị vùi dập? Bạn trở thành kẻ tê liệt đáng thương không thể làm gì nổi để tự mình chỗi dậy ư? Lúc đó, chính là lúc chấp nhận với nụ cười là lúc hiểu được giá trị cuộc giải phóng khỏi ách đau khổ của Chúa Giêsu chịu đau khổ trong bạn.

3) Chúng ta là chi thể Chúa Kitô: do đó mới có sự kiện các thánh cũng thông công. Tất cả các chi thể cùng một thân thể đều kết chặt dước quyền chỉ huy duy nhất của đầu. Cũng thế, tất cả các chi thể Chúa Kitô: những người công chính tại thế, những linh hồn nơi luyện tội, những bậc hiền thánh trên thiên quốc. Giữa họ có sự thông giao của cải thiêng liêng. Đây là những công nghiệp vô biên của Chúa Giêsu Kitô, những công trạng dồi dào của Đức Trinh Nữ Rất Thánh, của các thánh, những ân xá, những lời nguyện cũng như việc lành thực hiện trong Giáo Hội, các bí tích, Thánh lễ. Bằng ấy những của cải nối kết các phần tử với đầu và với nhau.

Các tội nhân trong một giới hạn nào đó cũng tham dự vào sự thông công này. Chỉ có những kẻ công chính, thánh thiện mới được thông dự đầy đủ. Vì thế chúng ta gọi là việc thánh hay những người công chính cùng thông công.

Có sự thông công giữa chúng ta và các thánh trên trời. Chúng ta kính các ngài, khấn nguyện các Ngài. Các Ngài giúp đỡ bằng đền bù và cầu xin cho chúng ta.

Có sự thông công giữa chúng ta và các linh hồn nơi luyện hình. Chúng ta có thể dùng những lá phiếu của mình để giúp đỡ họ, nghĩa là bằng các việc lành, những ân xá, nhất là bằng Thánh lễ. Các linh hồn này cầu cứu cho chúng ta bằng những lời nguyện nơi tòa Chuá.

Có sự thông công giữa các tín hữu nơi trần thế. Tất cả đều tham dự các thánh lễ và các việc lành thực hiện trong Giáo Hội.

Tín đều các thánh thông công là một niềm an ủi cho bất cứ ai chu toàn trong suốt ngày một công tác hết sức tầm thường nhưng họ làm trong tình trạng ơn thánh không bị gián đoạn và dù không biết tới, họ vẫn tham dự vào những lời nguyện, những hy sinh của mọi linh hồn sống trong niềm chiêm niệm và ăn chay đánh tội. Việc các thánh thông công là một niềm an ủi vỗ về cho các tay thợ truyền giáo bằng kinh nghiệm và chay tịnh sám hối. Nhờ các thánh thông công, người làm việc và người cầu nguyện đều gặp nhau trong tình huynh đệ siêu nhiên và một sự bổ túc bù đắp cho chủ ý và hành động hỗ tương. Việc làm và sự cầu nguyện đều thuộc về cả hai người, người này cũng như người kia. Tay nắm tay, họ tiến ra trận tuyến. Người trèo núi nguyện cầu, kẻ xuống thung lũng chiến đấu. Người cầu nguyện sản xuất dòng điện, kẻ làm việc bắt nối dòng điện. Đó là mầu nhiệm cao siêu của việc các thánh thông công.

4) Chúng ta là chi thể Chúa Kitô: không những bằng linh hồn, mà cả thể xác nữa! thể xác là bao bọc linh hồn. "Anh em không biết thân thể anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Vậy tôi sẽ lấy chi thể của Chúa Kitô làm những chi thể của một gái điếm ư?...Anh em hãy xa tránh dâm dật" (1 Co 6:15).

"Chúng ta là chi thể Chúa Kitô, lời thánh Âu Tinh, chúng ta tùy thuộc vào Chúa Kitô. Nói đẹp hơn: chúng ta là Chúa Kitô, Christus sumus".

"Chúng ta là chi thể Chúa Kitô, chúng ta nên giầu có phong phú và sống lâu là nhờ tất cả của cải, việc làm, và cả con người Chúa Kitô. Nếu thấu triệt được giáo thuyết này, chúng ta sẽ vững niềm cậy trông biết bao! Những cố gắng của chúng ta chỉ tiêu biểu một giọt nước nhỏ. Nhờ sự chúng ta kết hợp với Chúa Kitô, những giọt nước này sẽ trở về với đại dương vô biên. Phần nó, nó sẽ tăng thêm vào với lượng bao là của dòng sông, hợp với các giọt khác, nó sẽ trở thành sức mạnh rung chuyển cả thế giới. Đời sống thiêng liêng và việc truyền giáo với sức mạnh sắc bén, nếu luôn được hướng dẫn, linh hứng theo nguyên tắc này, sẽ thâu đạt được biết bao thành quả tốt đẹp.




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng con được vững lòng tin Chúa hơn.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng