www.thoidiemmaria.net nhận được một điện thư từ một độc giả ở Khánh Hòa Việt Nam gửi đi lúc 10 giờ 50 chiều ngày Thứ Năm mùng 3/11/2005, và www.tnfatima.org cũng nhận được một điện thư khác từ một thân hữu ở Anaheim Hills California gửi đi lúc 12 giờ 55 chiều ngày Thứ Sáu 4/11/2005. Cả hai điện thư này đều nêu lên những thắc mắc liên quan đến bức Tượng Đức Mẹ ở Công Trường Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn được cho rằng chảy nước mắt “khóc”. Sau đây là những thắc mắc của hai điện thư này và những gì tôi xin được tạm trả lời cho họ.
Vấn:
“Ở Việt Nam hiện nay có tin tức làm chấn động xôn xao trong dư luận, và đến nay chưa biết sự thật là như thế nào. Đó là tin tượng Đức Mẹ khóc ở Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn.
“Tin này em đọc được tại trang Web: thoidiemmaria.net, có nêu rõ từng chi tiết, diễn biến như thế nào. Nhưng sau đó cũng lại tại trang web: dantri.com.vn thì họ nêu lên ý kiến, phản bác phủ nhận tin này, trong đó Cha Xứ nhà thờ Đức Bà là người chủ đạo chính, chịu trách nhiệm phản bác tin này trong lòng dân chúng. Và sáng nay ngày 4/11cũng chính trang web này (thoidiemmaria.net) lại đưa ra ý kiến là Giáo Hội Việt Nam bị ép buộc chối bỏ tin này.
“Vậy sự thật là như thế nào?
“Nhưng qua sự kiện trên, em có một điều thắc mắc là: nếu sự thật Đức Mẹ khóc là có thật thì tạo sao Cha Xứ khi bị ép buộc như vậy sao không can đảm nói lên sự thật??. chẳng lẽ không thể bắt chước các anh hùng Tử Đạo xưa sao?
“Nếu nguồn tin cứ để như thế này thì Đạo của chúng ta không còn có giá trị gì nữa, có thể gây xấu hổ cho người công giáo.
“Phải chăng nên tìm ra phương hướng giải quyết:
“1- Nếu tượng Đức Mẹ không chảy nước mắt thật thì phải thông báo cho toàn thể giáo dân được biết và không được truyền bá.
“2- Các nhà Khoa Học nên nhanh chóng giải quyết hiện tượng này để nhanh cho mọi người tin tưởng”.
(Điện Thư từ Việt Nam)
Đáp:
Trước một hiện tượng thần bí, như trường hợp Tượng Đức Mẹ ở Công Trường Nhà Thờ Chính Tòa Sài Gòn được thấy như “khóc” vào ngày Thứ Bảy 29/10/2005, bao giờ cũng thế, cũng có năm thái độ, tin tưởng, phủ nhận, ngờ vực, dửng dưng và thận trọng.
Thái độ tin tưởng được tỏ ra nơi thành phần dân chúng tuốn đến đọc kinh cầu nguyện, thậm chí khóc lóc. Ngược lại, cũng có những người hoàn toàn phủ nhận, không tin rằng đó là một biến cố siêu nhiên, với những lý lẽ riêng của mình, như cho rằng “Đây là tin đồn thất thiệt. Vì tượng đặt ngoài trời không lau chùi nên có thể có vết này, vết khác sau khi mưa. Và có thể có nhiều người có lòng tin, nhìn vào cứ tưởng Đức Mẹ khóc, chứ không dựa trên cơ sở nào”. Trung dung hơn là thái độ ngờ vực, vừa tin vừa thắc mắc: “Vậy sự thật là như thế nào?”. Có những người chẳng bận tâm đến bất cứ điều gì không hợp với họ, kể cả những hiện tượng siêu nhiên, có thể là vì họ không tin tưởng thần linh, hay vì trước kia quá dễ tin đã bị mắc lừa nhiều lần nên chẳng còn tha thiết nữa. Thái độ thận trọng bao giờ cũng là thái độ của Giáo Quyền, theo tinh thần của Thứ 1 Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thessalonica đoạn 5 câu 19-21: “Đừng dập tắt Thần Linh. Đừng coi thường các lời tiên tri. Hãy thử nghiệm hết mọi sự; giữ lấy những gì là thiện hảo”.
Chính bởi thái độ thận trọng như thế mà, ở Fatima hay Lộ Đức là hai Biến Cố Thánh Mẫu nổi tiếng nhất từ trước đến nay cũng thế, không phải đùng một cái có thể tuyên bố vấn đề là thật hay giả ngay được. Giáo Quyền cần phải nghe ngóng và điều tra kỹ lưỡng về đủ mọi phương diện như khoa học và thần học. Đó là lý do trong Bức Thư đề ngày 4/11/2005, một bức thư được yêu cầu: “Xin quý Cha xứ và Bề trên Cộng đoàn dòng tu đọc lá thư này vào ngày Chúa nhật 6.11.2005 và niêm yết nơi cộng đoàn tín hữu tập họp”. Bức thư này đã được phổ biến cùng ngày viết 4/11, có những đoạn như sau:
“1. Trong những ngày vừa qua, có nhiều nguồn tin về ‘tượng Đức Mẹ khóc’ tại quảng trường Công Xã Paris, trước cửa Nhà thờ Chính Toà. Những nguồn tin trên đã tạo ra nhiều phản ứng và dư luận khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Một số đông anh chị em giáo dân đã đến địa điểm trên để cầu nguyện cách chân thành và sốt sắng. Nhưng cũng có những người đến chỉ vì hiếu kỳ hoặc vì những lý do khác. Một số khác lại cảm thấy hoang mang. .. Là người có trách nhiệm hướng dẫn và đồng hành với anh chị em trong đời sống đức tin, tôi muốn nhắc nhở anh chị em về một vài điểm căn bản trong niềm tin Kitô giáo của chúng ta.
“3. Liên quan đến ‘tượng Đức Mẹ khóc’ tại quảng trường Công xã Paris, tôi đã lắng nghe nhiều phản ảnh và đã nhận được nhiều ý kiến. Tuy nhiên, những dữ liệu thu thập được cho đến nay chưa phải là bằng chứng khách quan để có thể khẳng định rằng tượng Đức Mẹ đã khóc. Vì thế, tôi đang hình thành một ban có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo về hiện tượng trên và những hệ lụy của hiện tượng này. Trong khi chờ đợi có thêm kết quả, điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần giữ cái tâm của mình cho tĩnh…”
Tóm lại, giờ đây chúng ta hãy bình tâm đợi chờ phán quyết chính thức của Giáo Hội. Nếu thật sự là việc của Trời Cao thì không ai có thể phủ nhận được.
Thế nhưng, vấn đề ở đây là nếu thật sự là việc của Trời Cao rồi, như được Giáo Hội công nhận, thậm chí được cả các vị Giáo Hoàng làm đầu đức tin của Giáo Hội tới kính viếng, như ở Fatima và Lộ Đức, những dấu chỉ thời đại ấy có thật sự đánh động lòng nhân loại nói chung và chúng ta nói riêng hay chăng?
Bởi thế, chúng ta cần phải hỏi mình rằng, chúng ta đang tìm gì nơi những dấu chỉ thời đại nói chung và nơi trường hợp bức Tượng Đức Mẹ ở Công Trường Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn được cho rằng “khóc” nói riêng?
Nếu chúng ta muốn biết rằng trường hợp này hay trường hợp kia có phải thực sự bởi trời hay chăng rồi mới ăn năn cải thiện đời sống thì chúng ta ở vào trường hợp thấy mới tin, rất ư là nguy hiểm. Bởi có những điều chúng ta thấy mà vẫn không tin, vì chúng có thể không hợp với chúng ta, bắt chúng ta phải từ bỏ những gì chúng ta vốn hay đang yêu thích chẳng hạn, như đã từng xẩy ra cho thành phần Pharisiêu, thành phần đã tỏ tường thấy Chúa Giêsu trừ quĩ mà vẫn phủ nhận phép lạ Người làm (x Mt 12:22-24)? Như thế chúng ta mới thấy được lý do tại sao Abraham đã trả lời cho nhà phú hộ đang bị trầm luân dưới hỏa ngục lên tiếng van xin vị tổ phụ này cho người chết hiện về báo cho 5 người anh em còn lại của ông ta biết cái cảnh hư đi của ông ta đáng sợ là chừng nào, thì người phú hộ này đã được vị tổ phụ là cha của các kẻ tin tưởng trả lời rằng: “Nếu họ không chịu nghe Moisen và các vị tiên tri thì dù kẻ chết có hiện về đi chăng nữa, họ cũng chẳng có tin đâu”.
Đúng thế, nếu có được một tâm hồn như Mẹ Maria là luôn giữ trong lòng những điều Chúa tỏ ra cho Mẹ mà suy niệm (x Lk 2:19,51), tức lúc nào cũng như Mẹ chuyên chú lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng “xin vâng” đáp ứng Thánh ý của Ngài, thì chúng ta ở vào trường hợp “không thấy mà tin” (Gioan 20:29), nghĩa là ở vào trường hợp “bước đi bởi đức tin chứ không phải bởi trông thấy” (2Cor 5:7). Và chỉ nhờ đức tin thuần túy và mãnh liệt như thế, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được “Thiên Chúa là Thần Linh” (Gioan 4:24), vị Thiên Chúa hoàn toàn tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô, và trong Chúa Kitô chúng ta mới thực sự trở thành những kẻ tôn thờ Ngài “trong tinh thần và chân lý” mà thôi (x Gioan 4:23-24).
Vấn:
“Em có một cái nhận xét hơi vớ vẩn này về hiện tượng tượng Đức Mẹ khóc: ‘Nếu thực sự Đức Mẹ khóc, thì tại sao nước mắt chỉ chảy xuống từ một mắt? Anh nghĩ sao về sự kiện này nói chung?’”
(điện Thư từ Hoa Kỳ)
Đáp
Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu cũng chỉ bảo "nếu mắt bên phải của các con nên dịp tội cho các con thì hãy móc nó mà quẳng đi" (Mathew 5:29) chứ không phải móc cả hai con. Về tay cũng thế, Chúa cũng chỉ nói tới tay phải, chứ không nói tới tay trái (x Mt. 5:30). "Bên phải" đây, theo tôi hiểu, Chúa có ý nói đến việc chúng ta "cố tình" phạm tội cả trong tâm trí và chủ ý (mắt) lẫn hành động (tay). Và cũng chỉ khi nào "cố tình" phạm tội thì tâm tưởng và hành động của chúng ta mới thực sự mắc tội, cần phải ăn năn thống hối và xưng thú để được ơn tha thứ.
Nếu những gì hợp với Phúc Âm, với Lời Chúa thì đều đáng tin, đều có nguồn gốc thần linh, thì hiện tượng Mẹ chỉ khóc một mắt, mà là mắt bên phải, không đáng tin hay sao? Sở dĩ Mẹ chỉ khóc ở mắt bên phải, căn cứ vào suy diễn hai câu Phúc Âm trên, có nghĩa là Mẹ "thực tình" cảm thấy khổ đau lắm rồi, như tôi đã đề cập đến trong bản tin của thoidiemmaria ngày Thứ Năm 3/11/2005:
"Mẹ Maria đã đau khổ đến tột cùng, không còn nói lên lời nữa, vì Mẹ đã nói hết lời ở Fatima rồi, Biến Cố Thánh Mẫu kết thúc Thời Điểm Maria, bởi vậy giờ đây chỉ còn khóc thôi".
Thú thật, trong các Biến Cố Thánh Mẫu, ngoài các biến cố chính rất liên hệ với nhau làm nên Thời Điểm Maria, đó là Biến Cố Mẹ Ban Ơn 1830 ở Paris Pháp Quốc, Biến Cố Mẹ Vô Nhiễm 1858 ở Lộ Đức cũng Pháp Quốc, và Biến Cố Mẹ Mân Côi 1917 ở Fatima Bồ Đào Nha, tôi rất dè dặt với các hiện tượng thánh mẫu chưa được Thẩm Quyền Giáo Hội chính thức công nhận, kể cả ở hiện tượng Đức Mẹ Mễ Du Nam Tư là một hiện tượng nổi tiếng nhất từ sau Biến Cố Thánh Mẫu Fatima.
Tuy nhiên, tối ngày Thứ Bảy 29/11/2005, ngày vốn được Giáo Hội giành để biệt tôn Mẹ, vào chính cuối Tháng Mân Côi, vào lúc 11 giờ đêm, khi vừa xem thấy hình ảnh Tượng Đức Mẹ ở Công Trường cuối Vương Cung Chính Tòa Sài Gòn, từ một điện thư ở Việt Nam gửi cho, tôi liền cảm thấy bồi hồi xúc động.
Bởi thế, tôi đã "liều lĩnh" tung tin liền, vào ngay đêm hôm đó cho ngày Chúa Nhật hôm sau 30/11/2005, trên mạng điện toán toàn cầu thoidiemmaria, với lời mở đầu như thế này:
"Chúng tôi nhận được tin này từ điện thư của Công Giáo Việt Nam tối ngày Thứ Bảy 29/10/2005, tin được trích từ tờ báo điện tử take2tango.com. Chúng tôi không biết sự kiện ra sao. Do đó, chúng tôi phổ biến với tính cách dè dặt. Lý do là vì, nếu quả thật sự kiện hoàn toàn không sai thì là điều cần phải loan truyền càng sớm càng tốt. Khi phổ biến sự kiện lạ về Thánh Mẫu này, sự kiện xẩy ra vào ngay ngày Thứ Bảy cuối Tháng Mân Côi, trong năm 2005 là năm đầy những biến cố làm cho con người cảm thấy hoang mang trước bao nhiêu là dấu chỉ thời đại đang chú ý: Chị Lucia là một vị thụ khải Fatima cuối cùng qua đời ngày 13/2, Đức Gioan Phaolô II qua đời ngày 2/4, bão tố xẩy ra khắp nơi (ở New Orleans Hoa Kỳ tháng 8-9, ở Việt Nam 9-10), Lở Đất ở Guatemala Trung Mỹ (9/10), Động Đất ở Pakistan (8/10), Thánh Địa lại trở nên bạo loạn (26-27/10), Iran muốn loại trừ Do Thái khỏi bản đồ thế giới (26-28/10/2005), đại dịch cúm gia cầm đang tràn lan tới Âu Châu (từ tháng 10) v.v."
Tuy nhiên, nếu không có một sự gì xẩy ra ngoài Thánh Ý Chúa, và tất cả những gì Chúa làm đều có lợi cho những ai được Ngài kêu gọi theo ý định của Ngài (x Rôma 8:28), thì, cho dù sự kiện bức tượng Mẹ "dường như" khóc này chỉ là một hiện tượng bị mắt con người ngộ nhận, chứ không phải là một sự thật từ trời, nó cũng là một nhắc nhở cho chung loài người, nhất là cho riêng thành phần luôn chú ý tới các dấu chỉ thời đại được Ngài tỏ ra, rằng Trời Cao thật sự đang buồn về tình trạng quá ư là tối tăm của loài người hiện nay. Đó là lý do, trong bản tin của thoidiemmaria ngày Thứ Năm 3/11/2005, tôi thậm chí còn kêu gọi rằng:
"Nếu được, chúng ta cũng nên in ra và phóng lớn một tấm hình đẹp (dù có là những dấu vết gây ra bởi thiên nhiên đi nữa, nhưng lại tượng trưng cho một hình ảnh Mẹ Đau Thương Thời Đại) để trưng bày trong nhà hay nơi công cộng hầu kêu gọi 'ăn năn cải thiện đời sống', một mệnh lệnh chính trong 3 mệnh lệnh Fatima".
Tôi xin thú thực một điều nữa là chưa một bức hình nào về Mẹ Maria làm tôi cảm thấy gần Mẹ và thương Mẹ hơn những tấm hình tôi khuyên mọi người hãy in ra để ngắm nhìn Mẹ, nhờ đó, chẳng những ăn năn cải thiện đời sống, mà còn để đền tạ Mẹ và làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến như Mẹ kêu gọi ở Fatima.
Nơi những tấm hình, tôi đã tạm gọi là Thánh Mẫu Châu Lệ Việt Nam này, tôi cảm thấy âm vang lời cuối cùng kết thúc Biến Cố Fatima 1917 ngày 13/10, cũng là lời làm nên cốt lõi của Sứ Điệp Fatima, đó là lời Mẹ nói với một vẻ mặt thật buồn thảm, một vẻ mặt đã in sâu vào đầu óc Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, khiến cho vị Chân Phước nam trẻ nhất này, trong vòng 2 năm trời ngắn ngủi còn lại của đời mình, đã hết sức thiết tha đền tạ Chúa Giêsu Ẩn Thân và Mẹ Sầu Bi của em:
"Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi".
Chớ gì bức ảnh Thánh Mẫu Châu Lệ Việt Nam này cũng giúp cho chúng ta luôn nhớ đến Mẹ, Vị đến để dẫn chúng ta về với Chúa, Đấng được Mẹ cho biết trong phần thứ hai của Bí Mật Fatima ngày 13/7/1917 là:
"Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói với các con được thực hiện thì nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình".
Như thế, qua Bí Mật Fatima phần thứ hai này, nếu trong Thời Điểm Maria, phần rỗi của từng người và hòa bình của chung thế giới hoàn toàn lệ thuộc vào lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, thì chúng ta cần phải gắn bó với Mẹ, phải tận hiến cho Mẹ, phải chui ngay vào Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ như Chiếc Tầu Noe này, chúng ta mới có thể thoát được cuộc tàn phá kinh hoàng chưa từng có của thần dữ bằng thứ Văn Hóa Sự Chết ngày nay, một cuộc tàn phá mỗi ngày một dữ dội, về thiêng liêng, còn khủng khiếp và tai hại hơn triệu triệu lần Cuộc Biển Động Sóng Thần Tsunami Nam Á ngày 24/12/2004 sát hại 300 ngàn mạng sống, và Trận Động Đất ở Pakistan ngày 8/10/2005 sát hại cả 80 ngàn người vừa rồi.
Về vấn đề “nếu thực sự Đức Mẹ khóc, thì tại sao nước mắt chỉ chảy xuống từ một mắt” theo tôi, biết đâu Đức Mẹ muốn mọi người trước hết hãy chú ý nhìn xem và chụp hình kỹ lưỡng hiện tượng chỉ có 1 bên chảy nước mắt như thế, bên kia hoàn toàn chẳng có gì, để rồi, ít lâu sau, người ta lại thấy xuất hiện bên còn lại, thì chẳng ai có thể chối cãi được là Mẹ Khóc nữa nhé!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, thứ sáu 4/11/2005
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Cầu cho các linh hồn mồ côi và xin Chúa giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.