Ngôi mộ trống Phải lý giải hiện tượng “mộ trống” như thế nào? |
Thưa cha, Trong Thánh lễ sáng CN Phục Sinh, có bài Tin Mừng nói về “ngôi mộ trống”. “Ngôi mộ trống” có chứng minh đủ về việc Chúa sống lại không? (Têrêsa Ngọc Nga) Chị Ngọc Nga mến, Cả 4 Tin Mừng đều nói đến ngôi mộ trống (Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-11; Ga 20,1-10). Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến sứ thần tại mộ (Mt 28,2: ngài lăn tảng đá ra rồi ngồi lên trên; Mc 16,5: đi vào thì thấy “một người thanh niên” ngồi bên phải; Lc 24,4: các bà bước vào mộ, thì có “hai người đàn ông” đứng bên, đến lúc nào?). Các đoạn văn này hẳn cũng đã làm phát sinh nhiều câu hỏi trong đầu chị rồi, nhưng chúng ta trở lại với câu hỏi của chị về “ngôi mộ trống”. Nếu chỉ dựa vào “ngôi mộ trống”, thì không đủ nói về việc Đức Giêsu sống lại. Chứng lý này hàm hồ: có thể Đức Giêsu đã sống lại, hoặc có thể Người vẫn chưa sống lại nhưng thi hài của Người đã được đưa đi nơi khác, như bà Maria Mácđala đã nghĩ như vậy (x. Ga 20,15). Tuy nhiên, “ngôi mộ trống” trong hoàn cảnh này cũng nói lên nhiều điều lắm. Bản văn Gioan không nói đến một hay hai sứ thần nào cả, mà chỉ ghi nhận tâm trạng của “người môn đệ kia”, tức là chính Gioan, và đây là những điểm quan trọng. Chúng ta biết là sau khi Đức Giêsu đã được an táng, thì các thượng tế đã được phép quan Philatô cho “ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ” (Mt 27,65-66). Vậy mà bây giờ khi chạy đến mồ với ông Phêrô, Gioan thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ (Ga 20,1), và “thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,6-7). Thượng Hội Đồng Do-thái đã mua chuộc các lính canh để họ tung tin: “Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi” (Mt 28,13). Một toán trộm thi hài không dễ gì vượt qua được toán lính canh; đã thế lại có tảng đá to lấp cửa mồ (Mt 27,60). Tuy nhiên, nếu đã lọt vào được trong mồ, toán trộm ấy hẳn không đủ “máu lạnh” đến mức cứ bình tĩnh lột trần thi hài ra, trong khi “lính canh đang ngủ” trước mồ, rồi còn xếp đặt thứ tự: khăn che đầu để riêng, còn các dải băng thì cuộn lại, mà đây là các dải băng rất dài dùng để quấn thật kín thi hài sau khi đã xức dầu thơm tẩm liệm. Mà lột trần như thề để làm gì? Hẳn là đã xảy ra một việc rất huyền nhiệm. Vì thế, Gioan ghi: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Dù sao, để “chứng minh” Đức Giêsu sống lại, chúng ta còn cần những lần Người hiện ra với nhiều người. Chúng ta cũng để ý tới thái độ của các tông đồ: đang là những người sợ hãi vì cái chết của Đức Giêsu, lại trở thành những người đi làm chứng về chính điều ấy; đang là những người u mê tăm tối, lại trở thành những người biết ăn nói, lý luận với cả Thượng Hội Đồng Do-thái: Hẳn là đã xảy ra một điều gì đặc biệt lắm mới có thể thay đổi các ngài trọn vẹn như vậy. Ngoài ra, còn có những chứng lý khác thuộc đời sống Giáo Hội như: lời rao giảng và đời sống chứng tá của các tông đồ (xem sách Công vụ tông đồ và các Thư của thánh Phaolô) và của Giáo Hội qua các thời đại. Nếu là một chuyện hoàn toàn bịa đặt, chẳng ai dại dột mà sẵn sàng mất mạng sống mà bảo vệ; với lại cho dù là môt chuyện có thật, chỉ khi nào chuyện ấy có giá trị hơn mạng sống, đưa lại ý nghĩa cho chính cuộc sống mình, người ta mới sẵn sàng chết vì nó. Còn thêm một hiện tượng lạ kỳ nữa: một chuyện bịa đặt, liên tục được nhắc lại và công bố, thế mà đã hơn 2.000 năm rồi mà chẳng hề có ai phanh phui được tính giả mạo của nó! Chúc chị chan hòa niềm vui Phục Sinh. Lm PX Phan Long, ofm |
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Cầu cho các linh hồn mồ côi và xin Chúa giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++