Giáo Hội cho thờ các thiên thần và các thánh?

Giáo Hội cho thờ các thiên thần và các thánh?

Xin chào

Xin cho hỏi tại sao điều răn thứ 1 cấm thờ lạy các thiên thần và các thánh sao giáo hội lại cho thờ, xin giải đáp giúp, cảm ơn.

Thưa anh Tran Quang,

Trước khi trả lời câu hỏi của ông, thiển nghĩ nên xác định nền tảng chúng ta dựa lên mà trao đổi.

1.- Thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất

Chúng ta quen đọc trong Kinh “Đạo đức Chúa Trời có mười điều răn”: Thứ nhất, Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”. Còn câu tóm của Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo là: “Điều răn thứ nhất kêu gọi con người tin vào Thiên Chúa, trông cậy nơi Người và yêu mến Người trên hết mọi sự” (GLHTCG, số 2134). Câu tóm này đưa chúng ta trở lại các lệnh truyền của Cựu Ước và Tân Ước như sau:

- Xuất hành 20,2-5 (x. Đnl 5,6-9): “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ”.

- Đệ nhị luật 6,13: “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ”.

- Khi bị cám dỗ, Đức Giêsu đã trả lời quỷ: “Đã có lời chép rằng:’Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi’”(Mátthêu 4,10). Lời này nhắc lại câu Đnl ở trên.

- Đệ nhị luật 6,4-5: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en: Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”.

- Đức Giêsu sẽ nhắc lại yêu cầu này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37; x. Lc 10,27).

Như vậy, thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất là một vấn đề đức tin (GLHTCG 2087-2089), đức cậy (GLHTCG 2090-2092) và đức mến (GLHTCG 2093-2094).

Đã nói đến thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất thì dĩ nhiên “ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với ta” (Đnl 5,7), tức là dứt khoát không được để cho trái tim mình còn nghiêng về những thứ không phải là Thiên Chúa, mà coi như là Thiên Chúa, qua việc chấp nhận các chuyện mê tín (GLHTCG 2111), thờ ngẫu tượng (GLHTCG 2112-2114), bói toán ma thuật (GLHTCG 2115-2117).

Liên hệ với câu hỏi của anh, chúng ta có thể suy nghĩ rộng hơn về “thờ ngẫu tượng”. Sách GLHTCG dạy: “Thờ ngẫu tượng là tôn thờ và kính bái một thụ tạo thay vì Thiên Chúa, cho dù đó là thần linh hay ma quỷ” (số 2113). Vậy các thiên thần và các thánh cũng chỉ là những thụ tạo (GLHTCG 311, 326, 330), là những loài trong “muôn vật hữu hình và vô hình” (Kinh Tin Kính; x. GLHTCG 279), do đó nếu bày tỏ với các vị đó những cử chỉ và thái độ cung kính như đối với chính Thiên Chúa để rồi thậm chí quên mất vị trí siêu việt của Thiên Chúa, thì đó là “thờ ngẫu tượng”.

2.- Giáo Hội cho thờ các thiên thần và các thánh?

Vấn đề anh hỏi là sao Giáo Hội lại “cho thờ các thiên thần và các thánh”. Tôi tự hỏi là anh dựa vào đâu để nói rằng GH “cho thờ các thiên thần và các thánh”, bởi vì trong thực tế không có một lời công bố nào cả .

(a) Phải chăng là dựa vào các ngày lễ theo Phụng Vụ, vì các Tổng lãnh thiên thần (ngày 29-9) và các thiên thần hộ thủ (ngày 2-10) đều có lễ riêng, và một số các vị thánh cũng thế (với dủ cấp lễ: lễ nhớ không buộc, lễ nhớ buộc, lễ kính và lễ trọng)?

Thật ra, tất cả các ngày lễ này không hề làm cho chúng ta quên Thiên Chúa để chỉ quy tuyệt đối về các đấng ấy; trái lại các ngày lễ ấy lại càng tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã làm những điều lạ lùng cho chúng ta qua các đấng ấy. Chẳng hạn:

- Trong Lời Nguyện đầu lễ ngày kính các Tổng lãnh thiên thần, linh mục đọc: “Lạy Chúa là Đấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho thiên thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ. Xin cho các thiên thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất”.

- Trong Lời Nguyện đầu lễ ngày lễ các thiên thần hộ thủ, linh mục đọc: “Lạy Chúa là Đấng an bài mọi sự cách tuyệt vời, Chúa sai các thiên thần đến gìn giữ chúng con. Xin ban cho chúng con đời này được các ngài luôn bênh vực che chở, và đời sau được cùng các ngài hưởng phúc vinh quang”.

- Về các thánh, xin chọn lễ trọng hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Trong Lời Nguyện đầu lễ, linh mục đọc: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các ngài Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy”.

Trong mấy Lời nguyện ấy, chúng ta không hề thấy có việc các thiên thần hoặc các thánh chiếm chỗ của Thiên Chúa duy nhất, mà chỉ thấy là có một chuyển động quy về Thiên Chúa để ghi nhận quyền năng cứu độ của Người qua trung gian của các đấng ấy mà thôi!

(b) Phải chăng là anh dựa vào việc tôn kính ảnh tượng các thánh? GLHTCG dạy: “Tất cả các dấu chỉ dùng trong Phụng Vụ đều quy về Đức Kitô. Các ảnh tượng về Đức Mẹ và các thánh cũng vậy, vì biểu thị Đức Ktô vinh hiển nơi các ngài. Các ảnh tượng cho thấy “đám mây các nhân chứng” (Dt 12,1) đang tham dự vào công trình cứu độ thế gian và hiệp nhất với chúng ta, đặc biệt khi chúng ta cử hành các bí tích. Qua các ảnh tượng, chúng ta thấy con người “được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa”, đã được biến đổi “nên giống Thien Chúa” và cùng với các thiên thần được quy tụ trong Đức Kitô” (số 1161).

Như thế, trong lãnh vực ảnh tượng cũng vậy, chúng ta không hề thấy có việc ảnh tượng các thiên thần hoặc các thánh được Giáo Hội chủ trương dùng thay cho Thiên Chúa!

Vậy, hiểu “Giáo Hội” là “Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo”, thì không thể có chủ trương “thờ” các thiên thần và các thánh, theo nghĩa la tôn kính các ngài như là Thiên Chúa, khiến Thiên Chúa bị xóa mất. Hiểu “Giáo Hội” là các đấng chủ chăn, thì chắc cũng không có, vì các vị ấy luôn phải quan tâm dẫn dắt các tín hữu trung thành đi theo đường lối đạo lý chân chính. Còn nếu trong thực tế, các tín hữu có tôn kính các thiên thần hoặc các thánh, kể các Đức Maria, khiến cho như Thiên Chúa bị quên lãng, thì đó không phải là Giáo Hội cho phép, mà là do lòng sùng kính thái quá của các tín hữu. Nhiệm vụ các các chủ chăn là giúp các tín hữu điều chỉnh các lệch lạc đó.

Nói riêng trên lãnh vực thánh nhạc, hiện này có một số bài hát tôn kính Mẹ Maria thái quá vì gán cho Mẹ những đặc điểm và chức năng như Thiên Chúa. Điều này cũng là do lòng mộ mến quá đáng đã khiến một vài nhạc sĩ sáng tác ra những bài hát chất chứa các tâm tình riêng tư cá nhân, chứ không tải được đạo lý mạc khải của Kinh Thánh. Theo chỗ tôi biết, Ủy Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đang thanh lọc các bài hát tình cảm thiếu vững chắc về giáo lý đó ra khỏi danh sách các bài hát được phép dùng trong Phụng Vụ.

Dĩ nhiên công việc điều chỉnh cũng cần có thời gian và sự hiểu biết cũng như tiếp tay của mọi thành phần Dân Chúa.

Xin cầu chúc anh biết luôn luôn đặt niềm tin cậy mến nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng cũng sẵn sàng đón nhận sự trợ giúp của Đức Maria, các thiên thần và các thánh, vì Thiên Chúa đã đặt để các ngài giúp đỡ chúng ta trên đường tiến về quê trời.

Thân mến,

Lm PX Phan Long, ofm




+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Cầu cho các linh hồn mồ côi và xin Chúa giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng