Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
(Thánh Vịnh 8,5)
Lời nói đầu
Ta đọc trong kinh cầu Tên ĐCG : « Chúa Giê-su là ánh sáng Đức Chúa Cha ». Anh sáng đó soi cho ta bỏ được cái nhìn trần tục, đầy những « tham, sân, si » – nói theo kiểu nhà Phật – làm cho ta nhìn người khác một cách vụ lợi, ghen ghét và ngu si. Không phải là vì người ta không biết yêu thương nhau, nhưng có yêu thương thì thường cũng chỉ hạn hẹp vào người trong gia đình, hay là người đồng đạo, ít khi thật có lòng quảng đại mở rộng ra với những người không quen biết. Hơn nữa vì phải cạnh tranh sinh tồn, cho nên quen nghi ngờ người khác, thậm chí nhiều khi còn gán cho người khác những mưu mô ám muội, những ẩn ý độc ác, rồi cứ theo thiên kiến như thế mà cư xử, chứ không muốn nghe ngưòi khác phân trần, và ít khi tìm hiểu thị phi một các khách quan. Từ đó thường sinh ra ghen ghét, xuyên tạc lời nói và công kích công việc người khác làm, cho rằng là do ác tâm.
Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?
(Thánh Vịnh 8,5)
Lời nói đầu
Ta đọc trong kinh cầu Tên ĐCG : « Chúa Giê-su là ánh sáng Đức Chúa Cha ». Anh sáng đó soi cho ta bỏ được cái nhìn trần tục, đầy những « tham, sân, si » – nói theo kiểu nhà Phật – làm cho ta nhìn người khác một cách vụ lợi, ghen ghét và ngu si. Không phải là vì người ta không biết yêu thương nhau, nhưng có yêu thương thì thường cũng chỉ hạn hẹp vào người trong gia đình, hay là người đồng đạo, ít khi thật có lòng quảng đại mở rộng ra với những người không quen biết. Hơn nữa vì phải cạnh tranh sinh tồn, cho nên quen nghi ngờ người khác, thậm chí nhiều khi còn gán cho người khác những mưu mô ám muội, những ẩn ý độc ác, rồi cứ theo thiên kiến như thế mà cư xử, chứ không muốn nghe ngưòi khác phân trần, và ít khi tìm hiểu thị phi một các khách quan. Từ đó thường sinh ra ghen ghét, xuyên tạc lời nói và công kích công việc người khác làm, cho rằng là do ác tâm.
Anh sáng của Chúa soi cho ta để học cho biết nhìn người khác theo quan điểm của Chúa, theo như vận mệnh tốt lành mà Chúa muốn cho mọi người đạt tới. Thiên Chúa của chúng ta không phải như người ta quen quan niệm về các thần linh : hoặc là vô tình, hoặc là đùa bỡn với số phận mong manh của con người, thậm chí còn ghen tương khi thấy con người được tốt được hay (Truyện Kiều, câu 6 : « Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen »). Trong sách Sáng Thế ta thấy ngay từ đầu Chúa đã chúc phúc lành (1) cho mọi người. Chúa muốn chúng ta bắt chước Người như thế, vì Người cho mặt trời mọc lên và cho mưa rơi xuống cho tất cả chúng sinh, cho người thiện cũng như người ác (Mát-thêu 6, 43-48). Các giới luật của Chúa tóm lại chỉ là hai giới luật là mến Chúa yêu người, và hai giới luật này tựu chung cũng chỉ là một giới luật duy nhất. Cho nên khi Chúa Giê-su nói về cuộc phán xét chung, thì thực ra ta thấy chỉ xét về cách cư xử của ta với người khác mà thôi (Mt 25, 31-46).
Nhưng ánh sáng đó không phải là từ một nơi xa xăm nào ở bên ngoài soi vào cho ta thấy rõ hơn các sự việc trong thế giới. Anh sáng đó chính là từ cuộc đời của Đức Giê-su, cuộc đời của một người có tư cách, có nhân cách, đáng làm cho người chung quanh để ý và muốn bắt chước. Người ta nhận ra tư cách của Người trước khi nhận ra là nếp sống của Người phản ảnh một cái gì đặc biệt, khác thường. Vì nhận ra cách cư xử của Chúa Giê-su, như ta thấy trong Phúc-âm, phản ảnh thái độ của Thiên Chúa đối với loài người ta, cho nên ta gọi Người là ánh sáng Đức Chúa Cha, là gương mọi nhân đức. Đó là thái độ tôn trọng người khác :
* Người coi người khác là tốt đẹp, và sẽ còn tốt đẹp hơn cái hình ảnh do thiên kiến người đời vẽ ra, hơn cái định mệnh do hành động trong quá khứ gây nên.
* Gặp ai thì Người coi người ấy, cho dù có tội lỗi đến đâu, cũng vẫn còn có nhiều khả năng, nhiều hi vọng cải thiện.
* Người còn khám phá ra trong người ấy những điểm tốt mà không ai ngờ. Vì lẽ rằng Người nhìn người ấy theo như quan điểm của Chúa Cha, theo như cái vận mệnh mà Chúa Cha muốn cho người ấy đạt tới.
Sau đây xin đề nghị một ít đoạn văn trong Phúc âm, mà ta nên suy gẫm để hiểu rõ thái độ của Chúa Giê-su, và dự định của Thiên Chúa về vận mệnh của con người. Vì : « Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta – đó là sấm ngôn của Đức Chúa » (I-sai-a 55, 8).
Mấy lời đáng suy gẫm
Khi gặp người đàn bà ngoại đạo ở giếng nước (Gio-an 4, 5-30), Người không nói: Mụ này nhẹ dạ, không đứng đắn, lại sống trong xã hội đồi tệ, thiếu đạo đức. Trái lại, Ngài xin bà ấy cho uống nước và khơi mào nói truyện đứng đắn về đạo giáo.
Khi nói về một người người kỹ nữ (Lu-ca 7, 36-50) , Người tuyên bố rằng những người như thế có nhiều may mắn được vào nước trời hơn là những người giầu có, thông thái và làm nhiều việc đạo đức. Trong trường hợp tương tự, Người nói vói các vị thượng tế và kỳ mục : « Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Chúa trước các ông … » (Mt 21, 31).
Khi phải xét xử một người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang (Gio-an 8, 1-11) – ta chỉ lạ một điều là không thấy nói gì về người đàn ông tòng phạm ! – Người bảo người đứng xem chung quanh : « Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi », rồi nói với người đàn bà ấy : « Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa ».
Khi người đàn bà bị băng huyết chạm vào tua áo của Người để mong được lành mạnh, thì Người không nói rằng bà này bị loạn trí, trái lại Người nghe bà ấy phân trần và nói mấy lời yên ủi, rồi chữa cho lành (Mt 9, 20-22).
Khi thấy một bà góa nghèo bỏ hai đồng tiền nhỏ vào hòm dâng cúng trong đền thánh, thì Người bảo đó là cử chỉ thật có giá trị và nên bắt chước (Mc 12, 41-44).
Đứng trước một người mù từ thuở mới sinh, Người không bảo đó là tại tội người ấy hay là tại tội cha mẹ, nhưng Người tỏ ra rằng người ấy được Thiên Chúa yêu thương và cứu chữa ( Ga 9, 1-41).
Khi người ta dẫn trẻ em đến, Người không bảo đó chỉ là tụi con nít, tụi trẻ ranh, nhưng Người bảo phải để cho chúng đến với Người, và Người chúc lành cho chúng rồi nói : « Nước trời thuộc về những ai giống như chúng » (Mt 19, 13-15, và 18, 1-7).
Trong ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 15, 1-32), Người nói là khi có một người tội tỗi ăn năn sám hối thì trên trời vui mừng hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn (Lc 15, 7). Rồi khi người con phung phí trở về thì người cha ra đón, làm tiệc ăn mừng, mà không trách móc, hạch tội, hay là bắt đền gì cả (Lc 15, 11-32).
Trông thấy ông Da-kêu, Người không nói : Cái ông này là một công chức nịnh trên nạt dưới, bóc lột dân chúng , nhưng Người tự mời đến chơi nhà ông ấy và nói nhà này được ơn cứu độ (Lc 19, 1-10).
Gặp người đại đội trưởng trong quân đội Rôma, Người không nói : người này chỉ là quân xâm lăng, nhưng Người nói : « Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế (Mt 8, 5-13).
Gặp ông Nicôđêmô, Người không nói : Ong này chỉ là hạng trí thức suông, nhưng Ngài chỉ lối cho ông ấy được sống một đời mới từ trên ban xuống (Ga 3,1-8).
Gặp lai Giu-đa trong vườn, Người không nói : Đồ phản phúc ! Nhưng đã hôn mặt chào hỏi và gọi Giu-đa là bạn ( Mt 26, 48-50).
Trên thập tự giá Người nói với người gian phi cùng bị tử hình : « Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên Thiên Đàng » ( Lc 23, 43).
Cũng trên thập tự giá, Người không nói : Hêrôđê chỉ là một ông vua bù nhìn, Philatô là một quan tổng trấn lưu manh, các thầy thượng tế là quan tòa gian ác, đám dân hò hét xin đóng đanh chỉ là mê muội, bọn lính là những người tàn ác. Trái lại, ngài thưa với Chúa Cha : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34).
Gặp lại Phêrô, Ngài không nhắc lại là ông này đã huêng hoang nói thánh nói tướng, nhưng chỉ hỏi rằng : « Anh có mến Thầy hơn các anh em này không ? » (Ga 21, 15-17).
Nói tóm tắt
Chúa Giê-su tôn trọng và quí mến mọi người, Ngài không bao giờ nói : Người này hay người kia, nhóm này hay nhóm kia, hoàn toàn là xấu, không có gì là tốt cả, vì người ta ai cũng là hình ảnh Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương.
Thật như ta đọc trong Kinh Cầu : « Chúa Giê-su yêu mến chúng tôi » và « Chúa Giê-su là gương mọi nhân đức ».
Gs. Antôn Trần Văn Toàn
(Viết rộng ra theo bài suy gẫm của cố Hồng-y Albert DECOURTRAI, TGM Lyon)
1 « Chúc lành », hay là « ban phép lành », là dịch chữ La-tinh « bene-dicere » (Pháp : « bénir »), có nghĩa gốc là « nói lên cái tốt » về người này hay người khác.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Cầu cho các linh hồn mồ côi và xin Chúa giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.