Tính Dục & Tâm Linh M. Scott Peck

Further Along the Road Less Traveled của M. Scott Peck do nhà Simon & Schuster xuất bản, New York
Nuhon 2.jpg
Ý nghĩ rằng có một mối quan hệ giữa tính dục và tâm linh có thể gây ‘sốc’ đối với một số người – ít là đối với những ai chưa bao giờ đọc Bài Ca của Sa-lô-môn trong Thánh Kinh – bài ca bắt đầu bằng: “Ước gì chàng hôn ta những nụ hôn đắm đuối của môi miệng chàng…”

Khúc Diễm Tình Ca này – như tên gọi đầy đủ hơn của nó – là một cuộc thoại rất sâu sắc và rất gợi tình giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Thế nhưng, có một nếp nghĩ nào đó lại đồng hóa giới tính và tính dục với ma quỉ – cho rằng ma quỉ cám dỗ chúng ta thèm khát những khoái cảm tội lỗi của xác thịt. Trong bối cảnh ấy, mối quan hệ giữa tính dục và tâm linh chỉ có thể là một mối quan hệ chiến tranh, trong đó bên này phải thắng dẹp bên kia. Nhưng tôi cho rằng nếu có xung đột giữa tâm linh và tính dục thì phải hiểu sự xung đột ấy kiểu như sự cãi cọ giữa hai người yêu nhau hay như cuộc tranh chấp nào đó giữa hai chị em ruột – tức những loại xung đột có thể được vượt qua xét một mức nào đó.
Nếu bắt đầu bằng cách đặt vấn nạn tính dục là gì, thì ngay lập tức chúng ta húc phải bức tường đá của khoa học. Là những con người ở cuối thế kỷ 20, chúng ta biết cách bay lên khỏi mặt đất để đi vào không gian, nhưng xét trên quan điểm khoa học thì chúng ta chưa biết mô tê gì về cái gọi là những khác biệt hay những tương đồng phi thể lý (nonanatomical) giữa người nam và người nữ. Tôi có cảm tưởng rằng ở đây, một lần nữa, thần thoại có thể là thầy dạy tuyệt vời cho chúng ta – tuyệt vời hơn nhiều so với khoa học.
Một trong những chủ đề căn bản của thần thoại là sự kiện chư thần lo sợ con người trở nên giống như chư thần, và huyền nhiệm về tính dục có liên quan đến chủ đề này. Thần thoại này bảo chúng ta rằng ban đầu con người vốn là những sinh vật lưỡng tính, thống nhất. Nhưng rồi, nhờ đặc tính đó, con người đã nhanh chóng đạt được sức mạnh và đe dọa lấn lướt chư thần. Vì thế chư thần tách con người ra làm đôi – nam và nữ. Từ đó, con người – chỉ là một nửa – không còn có khả năng cạnh tranh với chư thần. Cũng từ đó, con người cảm thấy bất túc, cảm thấy khao khát sự trọn vẹn mà mình đã bị tước mất. Con người mãi mãi kiếm tìm ‘nửa kia’ của mình, hy vọng rằng trong khoảnh khắc hiệp nhất với nửa kia, mình sẽ kinh nghiệm lại được niềm vui sướng mà mình đã đánh mất, niềm vui sướng của tình trạng trọn vẹn gần giống như chư thần.
Như vậy, ít nhất là theo thần thoại này, tính dục của chúng ta phát nguyên từ một cảm thức bất toàn, và nó được biểu hiện bởi khát vọng được nên trọn vẹn, khát vọng trở nên thần thánh. Thế nhưng tâm linh của chúng ta là gì nếu không phải cũng là cảm thức bất toàn và cũng là khát vọng nên trọn vẹn, nên thần thánh?
Dĩ nhiên, tính dục và tâm linh rõ ràng không phải là cùng một thực tại. Chúng không phải là hai anh em sinh đôi giống hệt nhau, nhưng chúng là những anh em họ gắn bó với nhau. Và chúng bật ra từ cùng một gốc – không phải chỉ từ thần thoại mà còn từ kinh nghiệm thực tế của con người nữa.
Thực tế cho thấy kinh nghiệm giới tính là kinh nghiệm gần gũi nhất với tâm linh. Chính vì trong kinh nghiệm giới tính có sắc thái tâm linh mà rất nhiều người cố săn đuổi nó, dù bao phen trầy trật. Dù người ta có ý thức hay không, thì những cuộc săn đuổi đó cũng thường là những cuộc săn đuổi chính Thiên Chúa. Chẳng có gì lạ khi ngay cả những người vô thần hay những người bất khả tri, trong khoảnh khắc của khoái lạc tột đỉnh, vẫn thốt lên được rằng “Ôi, lạy Chúa!”
KHOÁI LẠC TỘT ĐỈNH – MỘT KINH NGHIỆM THẦN BÍ
Nhà tâm lý lừng danh Abraham Maslow có lần quyết định thay vì nghiên cứu những người bệnh, ông sẽ nghiên cứu những người đặc biệt lành mạnh – người đặc biệt lành mạnh là người có một đời sống dường như hoàn toàn nhất quán, dường như phát huy trọn vẹn các tiềm năng của mình và trở thành con người hết sức sung mãn. Hình như trong khoảng mười ngàn người thì mới tìm được một người như thế. Maslow gọi họ là “những người đã tự hiện thực được mình” (22). (Tôi thấy nên sửa lại là “những người đã góp phần hiện thực được mình” (23) thì đúng hơn). Nghiên cứu những người ấy, Maslow tổng hợp được khoảng 13 đặc điểm chung. Một trong những điểm ấy là rằng họ thường kinh nghiệm khoái lạc tột đỉnh như một sự kiện tâm linh, thậm chí một sự kiện thần bí.
Một lần nữa, từ “thần bí” nói trên không chỉ là một loại suy. Đã bao đời nay, các nhà thần bí đã nói về một sự chết đi chính mình như điều kiện thiết yếu cho cuộc hành trình tâm linh thần nhiệm, hay thậm chí như mục tiêu, như cứu cánh của chính hành trình thần nhiệm ấy. Và hẳn bạn cũng biết rằng tiếng Pháp thường nói “la petite mort” – (cái chết nhỏ) – để qui chiếu đến khoái lạc tột đỉnh.
Chất lượng chủ quan của kinh nghiệm khoái lạc tột đỉnh dĩ nhiên phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của mối quan hệ giữa hai người trong cuộc. Vì thế, nếu bạn muốn kinh nghiệm được khoái lạc tột đỉnh tối đa, thì tốt nhất là bạn nên tìm kiếm nó với người mà bạn yêu sâu sắc. Nhưng, trong khi một mối quan hệ yêu thương nồng nàn là yếu tố cần để đem chúng ta tới đỉnh cao thần nhiệm của kinh nghiệm khoái lạc tột đỉnh, thì chính lúc đạt tới đỉnh cao đó, chúng ta thực sự mất hẳn ý thức về người kia. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi của cái chết nhỏ ấy, chúng ta quên mất mình là ai và mình đang ở đâu. Tôi cho rằng đấy bởi vì chúng ta đã thực sự rời khỏi mặt đất này và đã bước vào thế giới của Thiên Chúa.
Như Ananda Coomaraswami nói: “Trong phút giây đưa nhau đạt tới đỉnh cực lạc ấy, người này không còn có ý nghĩa gì cho người kia hơn là cánh cổng Thiên Đàng để người kia bước vào.” Hay như Joseph Campbell diễn tả: “Khi người ta lạc mất chính mình trong cái đê mê ngây ngất của tình yêu, thì người kia trở thành chỉ là một cánh cổng đền thờ để mình bước qua và đi đến tận bàn thờ.”
Vì thế, trong kinh nghiệm tính dục có tiềm mặc kinh nghiệm tôn giáo. Vậy thì phải chăng trong kinh nghiệm tôn giáo cũng có sắc thái tính dục? Tôi không nghĩ là ngẫu nhiên sự kiện rằng trong lịch sử, đa số những khúc thơ gợi tình nhất đều được viết bởi các thầy dòng và các nữ tu. Bài thơ Đêm Tối rất nổi tiếng của Thánh Gioan Thánh Giá là một ví dụ:
1. One dark night,
fired with love’s urgent longings
- ah, the sheer grace! –
I went out unseen,
my house being now all stilled.
2. In darkness and secure,
by the secret ladder, disguised,
- ah, the sheer grace! -
in darkness and concealment,
my house being now all stilled.
3. On that glad night,
in secret, for no one saw me,
nor did I look at anything,
with no other light or guide
than the one that burned in my heart.
4. This guided me
more surely than the light of noon
to where he was waiting for me,
- him I know so well –
there in a place where no one appeared.
Hãy chú ý sự hòa quyện giới tính trong các khổ thơ sau đây:
5. O guiding night!
O night more lovely than the dawn!
O night that has united
the Lover with his beloved,
transforming the beloved in her Lover.
6. Upon my flowering breast
which I kept wholly for him alone,
there he lay sleeping,
and I caressing him
there in a breeze from the fanning cedars.
7. When the breeze blew from the turret,
as I parted his hair,
it wounded my neck
with its gentle hand,
suspending all my senses.
8. I abandoned and forgot myself,
laying my face on my Beloved;
all things ceased; I went out from myself,
leaving my cares
forgotten among the lilies.
Tôi cho rằng đoạn cuối cùng của bài thơ trên – mô tả sự hiệp nhất thần nhiệm có thể có giữa con người và Thiên Chúa – cũng rất tuyệt vời nếu được dùng để mô tả kinh nghiệm khoái lạc tột đỉnh của con người: “Tôi bỏ mất mình, tôi quên mất mình … tất cả đều ngừng lại … Tôi ra khỏi con người tôi …”
Qua gặp gỡ với các tu sĩ, tôi nhận thấy rằng những tu sĩ tuyệt vời nhất chính là những tu sĩ yêu Thiên Chúa nồng nàn nhất. Và để yêu Thiên Chúa cách nồng nàn, bạn phải là một con người nồng nhiệt, đam mê. Vậy thì tại sao những con người như thế lại chọn sống đời khiết tịnh hay độc thân?
Có hai lý do. Thứ nhất, bởi vì ‘sex’ có thể làm kẹt các mối quan hệ. Khi chúng ta xem kẻ khác chỉ như một đối tượng tình dục, thì chúng ta có khuynh hướng sâu xa muốn sử dụng kẻ ấy. Mặc dù những kiểu thức sử dụng như thế nơi nam giới và nữ giới không giống nhau, nhưng mỗi chúng ta đều có một khuynh hướng sử dụng đối tượng tình dục trong cuộc đời mình theo những cách ám tàng (nếu không lộ liễu), giảo hoạt và vị kỷ.
Đã có những thí nghiệm về việc xây dựng các dòng tu không độc thân, nhưng cho đến nay tất cả đều thất bại. Vì thế, những ai quyết tâm quan hệ với tha nhân một cách bảo đảm và một cách có sức chữa trị thì thường quyết định rằng một tính dục tiết chế cao, chẳng hạn cuộc sống độc thân hay khiết tịnh, là cái giá mà mình phải trả. Và thường họ sẽ nhận thấy rằng cái giá ấy thật rất đáng trả.
ẢO TƯỞNG VỀ TÌNH YÊU LÃNG MẠN
Trong Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, tôi phân biệt rõ giữa tình yêu (mà tôi định nghĩa là việc quan tâm đến sự trưởng thành tinh thần của người khác) và tình yêu lãng mạn (mà tôi cho rằng chính là một dạng tự yêu). Tất cả lý tưởng tình yêu lãng mạn của người Mỹ thời nay chủ trương rằng một cách nào đó Cinderella cần phải cuốn gói ra đi với hoàng tử của nàng, đến tận chân trời của những đỉnh khoái lạc bất tận. Đó là một ảo tưởng. Tình yêu lãng mạn được người ta ưa chuộng hơn nhiều so với tiền thân của nó trong lịch sử là những cuộc hôn nhân được dàn xếp. Tuy nhiên bất cứ ai tin rằng mình có khả năng lãng mạn mãi mãi trong một mối quan hệ thì sẽ phải tức tưởi vỡ mộng. Thật vậy, tôi cho chính việc tìm kiếm Thiên Chúa trong những mối quan hệ lãng mạn của con người là một trong những vấn đề lớn nhất của chúng ta hiện nay, trong nền văn hóa này, cũng như trong các nền văn hóa khác.
Chúng ta nhìn chồng (hay vợ) hay người tình của chúng ta như một ‘thiên chúa’ đối với chúng ta. Chúng ta kỳ vọng vợ/chồng hay người tình mình đáp ứng tất cả những nhu cầu của mình, lấp đầy mình, đưa mình đến một thiên đàng trường cửu trên mặt đất này. Và điều đó bất thành. Một trong những lý do điều đó bất thành – dù ta có ý thức hay không – đó là vì chúng ta đang vi phạm Điều Răn Thứ Nhất: ‘Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ngươi sẽ không có bất cứ một thần nào khác trước mặt Ta.”
Tuy nhiên, cũng là điều rất tự nhiên việc chúng ta làm thế. Thật là tự nhiên việc muốn có một thiên chúa khả giác, một thiên chúa mà chúng ta không chỉ có thể nhìn thấy, đụng chạm, mà còn có thể giữ lấy, ôm ghì lấy, ngủ với, và thậm chí chiếm hữu lấy nữa. Thế là, chúng ta tiếp tục nhìn người bạn đời hay người tình mình như một thiên chúa đối với mình – và trong tiến trình đó, chúng ta quên mất về Thiên Chúa thực.
Vì thế, một lý do khác nữa làm cho các tu sĩ chọn sống đời độc thân – đó là vì họ không muốn tình yêu của họ đối với Thiên Chúa bị chi phối. Họ không muốn làm mồi cho ngẫu tượng là tình yêu lãng mạn của con người. Họ biết rằng – như Thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và chúng con vẫn còn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa.” Và điều đó là có thể được, nếu mối quan hệ số một của họ là quan hệ với Thiên Chúa – đến nỗi họ không cần tìm kiếm quan hệ nào khác nữa.
TÍNH GỢI TÌNH CỦA TÂM LINH
Tôi không có ý thổi phồng lên rằng đời sống độc thân là điều kiện cần thiết cho sự trưởng thành tâm linh. Trái lại, tôi nhiệt liệt hoan nghênh không chỉ tính dục mà cả tình dục nữa. Tôi thích tình dục và tôi thích người ta có tình dục.
Cách đây hơn chục năm, sau nhiều tháng làm việc với một phụ nữ khô khan, lãnh cảm ở độ tuổi 34 hay 35, tôi có cơ hội chứng kiến chị trải qua một cuộc cải hóa Kitô giáo rất bất ngờ và sâu sắc. Và nội trong ba tuần sau biến cố thay đổi ấy, chị bắt đầu đạt được khoái cảm tột đỉnh lần đầu tiên trong đời chị. Đó có phải là một trùng hợp ngẫu nhiên không? Tôi tin chắc là không. Như một người bạn tôi có lần nói: “Phần giới tính và phần tâm linh trong nhân cách chúng ta nằm sát gần nhau đến nỗi hầu như không thể kích động phần này mà không kích động phần kia.” Tôi không nghĩ là chuyện ngẫu nhiên việc người phụ nữ ấy có khả năng dấn mình trọn vẹn cho Thiên Chúa và ngay sau đó chị có khả năng dấn mình trọn vẹn cho chồng chị. Tạ ơn Chúa!
Tôi có một người bạn khác, một linh mục, đã thực tế dùng hiện tượng này như một thước đo lòng hoán cải của người ta. Linh mục ấy nói với tôi rằng nếu một cuộc hoán cải xảy ra nơi một cá nhân vốn bị ức chế tình dục – và sau đó không có kèm theo một sự ‘thức dậy’ nào đó trong tình dục của đương sự, thì chúng ta có lý do để nghi ngờ chiều sâu hoán cải của anh ta (hay cô ta).
Cũng vậy, hẳn bạn nghe những câu chuyện về các vị mục tử trở nên ‘dính bén’ với các nữ tín đồ. Các mục tử và những người khác nếu ở trên cùng một cấp độ tâm linh rất dễ ‘dính chuyện’, một khi những đam mê ấy được kích động. Phần tôi, tôi thú nhận rằng trong nghề trị liệu tâm lý của mình, bất cứ khi nào tôi nhận ra mình đang đồng cảm sâu sắc về tâm linh với một nữ thân chủ không già quá 90 tuổi, thì tôi phải bắt đầu phải tự nhắc chừng mình rằng phải cẩn thận …!
VẤN ĐỀ PHỔ QUÁT
Tình dục là một vấn đề của mọi người. Tình dục là một vấn đề của trẻ con, của thiếu niên, của thanh niên, của người trung niên, của người lão thành. Tình dục là một vấn đề của người độc thân, của người kết hôn, của người đồng tính luyến ái và của người không đồng tính luyến ái. Tình dục là một vấn đề của thợ nề, của thợ sửa ống nước, của nha sĩ, của luật sư, của bác sĩ giải phẫu, của nhà trị liệu tâm lý, của bác sĩ tâm thần. Và tình dục là một vấn đề của Scott Peck.
Trong nhãn quan của tôi về thế giới này xét như một trại huấn luyện cho Nước Trời – một thế giới đầy những chướng ngại vật hầu như được đặt ra để giúp chúng ta học, thì chướng ngại vật mà Thiên Chúa đặt ra cách hiểm hóc nhất là tình dục. Thiên Chúa đặt vào trong chúng ta một cảm nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề tình dục và rồi mãi mãi được thỏa mãn, rằng chúng ta có thể vượt qua cái vật cản này. Thật vậy, trong vài tuần hay vài tháng hay trong vài năm – nếu chúng ta may mắn – chúng ta có thể có cảm tưởng rằng mình đã giải quyết được vấn đề tình dục. Nhưng rồi, chúng ta thay đổi, hoặc người bạn tình của chúng ta thay đổi, hay cả hai đều thay đổi, và một lần nữa chúng ta lại phải cố gắng bò qua chướng ngại vật ấy với cảm nghĩ rằng mình có thể vượt qua – nhưng thực tế thì chúng ta không bao giờ có thể.
Tuy nhiên, trong tiến trình cố gắng vượt qua nó, chúng ta học biết rất nhiều về tính tế nhị và sâu sắc của tình yêu cũng như học biết cách cắt tỉa bớt tính tự yêu nơi mình. Một số trong chúng ta thậm chí có thể tốt nghiệp được trường huấn luyện này. Và nếu bạn liên hệ đến Thiên Chúa trong tiến trình ấy, cơ hội thành công sẽ càng được cải thiện hơn, và người ta có thể liên hệ đến Thiên Chúa mà không cần phải trở thành một nữ tu hay một thầy dòng.
LỜI BẠT: Tâm Thần Học Sẽ Về Đâu?
Tất cả chúng ta đều là những tác nhân của lịch sử. Chúng ta đảm nhận vai trò của mình trong lịch sử – xoay chuyển hoặc không xoay chuyển được xu thế của lịch sử. Và tại thời điểm này của chúng ta, nhiều người cảm thấy nhu cầu phải có một chuyển biến trong tâm thần học Hoa Kỳ. Trong 25 năm qua, tâm thần học của chúng ta đã vận hành một cách ngày càng bám sát vào ‘mẫu thức y khoa’- nghĩa là một mẫu thức đổ dồn sự nhấn mạnh vào những phương diện sinh học và duy vật của các bệnh tâm thần và không chú ý đủ đến các phương diện khác. Tôi không hề có ý phủ nhận những tiến bộ ngoạn mục của sinh học hơn 40 năm qua trong việc nhận hiểu và điều trị các chứng suy nhược tâm thần, tôi cũng không muốn thọc gậy bánh xe để kìm hãm những tiến bộ khác nữa trong tương lai thuộc lãnh vực này. Tuy nhiên, tôi rất ưu tư rằng tâm thần học, với chiều hướng quá nặng tính sinh hóa (biochemistry) của nó như hiện nay, có thể có nguy cơ đánh mất tất cả những tinh túy khôn ngoan của nó về tâm lý và xã hội, cũng như có thể thất bại trong việc khai phá những chân trời mới trong các địa hạt này.
Mối ưu tư của tôi không hề vu vơ. Năm 1987, tôi và một đồng nghiệp có lần giám định thực tế một ứng viên đang chuẩn bị nhận văn bằng của Hội Đồng Tâm Thần Học và Thần Kinh Học Hoa Kỳ. Đó là một anh chàng rất thông minh, gần 40 tuổi, chiếm khá nhiều cảm tình của ban giám khảo. Tuy nhiên, khi được đồng nghiệp tôi yêu cầu đưa ra phân tích động lực tâm lý của một trường hợp lâm sàng cụ thể đang xem xét, anh thản nhiên đáp: “Tôi không học về các động lực tâm lý.”Thế đó! Đã tới lúc chúng ta cần thực hiện một sự điều chỉnh căn bản.
Các khía cạnh động lực tâm lý và xã hội của các chứng suy nhược tâm thần, mặc dù gần đây xem ra bị đánh giá không đúng mức, nhưng nói chung vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử tâm thần học Hoa Kỳ. Còn các khía cạnh tâm linh thì chưa bao giờ giành được sự trân trọng đáng kể. Tâm thần học cho tới nay đã không chỉ thờ ơ mà còn cố ý gạt bỏ vấn đề tâm linh con người.
Thêm vào đó, có hiện tượng diễn dịch sai lạc chủ đề tâm linh. Một phần do bởi sự nghèo nàn trong ngôn ngữ của chúng ta. Trên khắp thế giới, có một sự nhập nhằng giữa mấy tiếng ‘tâm linh’, ‘tôn giáo’ và ‘tín ngưỡng’. Nhiều người đồng hóa ‘tôn giáo’ với những tôn giáo cơ chế, có một hệ thống tín lý và những qui chế mà từ đó họ thường nhận được nhiều kinh nghiệm không tốt lắm. Thật là một từ ngữ dễ sinh chuyện! Lại còn có sự bất đồng về ý nghĩa của từ Latinh ‘religio’, vốn được người ta dịch bằng đủ cách: restrain (kiềm chế), reliance (tín nhiệm), hay connection (nối kết) … Ôi, chẳng biết đâu mà lần!
Hồi đầu thế kỷ 20, tác phẩm kinh điển của nhà tâm lý lừng danh người Mỹ William James ‘Tính Đa Dạng Của Kinh Nghiệm Tôn Giáo’ là giáo trình bắt buộc đối với các sinh viên thần học năm thứ nhất, song lại không được các sinh viên của khoa tâm thần sờ đến. Trong tác phẩm ấy, James định nghĩa tôn giáo là “nỗ lực hòa điệu với một trật tự vô hình của sự vật”. Ông dùng từ ‘tôn giáo’ theo nghĩa ‘nối kết’ của nó. Cái “nỗ lực hòa điệu với một trật tự vô hình của sự vật” ấy không hề hàm nghĩa một sự thiên vị đối với bất cứ một giáo thuyết nào, cũng không ngụ ý rằng người ta cần phải gia nhập một tổ chức nào đó.
Riêng tôi, tôi tin rằng có một trật tự vô hình của sự vật ẩn ngay đằng sau bức màn duy vật. Và không chỉ con người cố gắng hòa điệu với trật tự ấy, mà chính trật tự ấy cũng tích cực tìm cách hòa điệu với con người nữa. Từ đó, tôi tin rằng ai cũng có một đời sống tâm linh, cũng như ai cũng có một vô thức vậy – dù họ thích hay không thích điều đó. Sự kiện có nhiều người phớt lờ, thậm chí phủ nhận hay tìm mọi cách lẩn tránh trật tự vô hình ấy không hề có nghĩa rằng họ không phải là những hữu thể có tâm linh; nó chỉ có nghĩa rằng họ đang cố gắng trốn tránh thực tế. Nhiều người khác có thể tự cho rằng mình vô thần và phi bác sự hiện hữu của Thiên Chúa, thế nhưng họ tin một cách mãnh liệt rằng những điều như chân lý, cái đẹp, sự công bằng xã hội … là một phần của một trật tự vô hình – và họ dấn thân cho trật tự vô hình đó với lòng hăng say cao độ hơn nhiều so với những người thường xuyên đi chùa, đi nhà thờ … Thế đó, tất cả chúng ta đềâu là những hữu thể thuộc linh (spiritual), và tôi tin rằng một khoa tâm thần không đánh giá đúng mức chiều kích tâm linh của con người sẽ chắc chắn có nguy cơ “ lỡ tàu”!
Thảo luận về đề tài tâm linh, tôi hy vọng rằng tôi không tước mất sức mạnh và tính thi vị của nó. Đối với một số chúng ta – trong đó có tôi – yếu tính của trật tự vô hình nói trên là Thiên Chúa, và chúng ta cần biết nghiêm túc với Thiên Chúa. Tôi nhớ Erich Fromm có kể câu chuyện rằng anh chàng Mordecai, một tín đồ Do Thái, cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết tên thật của Chúa, như các thiên thần biết vậy!” Thiên Chúa nghe lời nguyện ấy và nhận lời, cho phép Mordecai được biết tên thật của Ngài. Thế nhưng sau đó, người ta nhìn thấy Mordecai bò trườn dưới giường, tru lên đầy sợ hãi: “Lạy Chúa, xin cho con được quên đi tên thật của Ngài!” Thiên Chúa nghe lời cầu nguyện ấy, và Ngài lại nhận lời anh ta…! Chúng ta ghi nhận một điều gì đó tương tự nơi Tông Đồ Phao-lô, khi ngài nói: “Thật là khủng khiếp việc rơi vào đôi bàn tay của Thiên Chúa hằng sống.”
Tôi không có ý làm như mình biết tên thật của Thiên Chúa. Tôi thấy câu châm ngôn của AA, Bước 3, là một câu tuyệt vời: “Hãy quyết định trao trọn ý chí và cuộc sống của chúng ta cho bàn tay Thiên Chúa như chúng ta hiểu về Ngài.”Với tất cả sự sáng suốt mà mình có được, tôi muốn khẳng quyết rằng chúng ta đang sống trên đất thánh!
Tâm thần học có sức mạnh của riêng nó. Chẳng hạn, hồi tôi còn là sinh viên – khoảng giữa thập niên 1960, khi tâm thần học có nền móng xã hội và tâm sinh lý rộng hơn ngày nay – chúng tôi được dạy một nguyên tắc vô cùng quan trọng: “Tất cả các triệu chứng đều bị xác định chắc quá.” Đó là một nguyên tắc mà nhiều người khác – các y sĩ, các thần học gia, các học giả, và phần đông đại chúng – đều rất cần phải biết. Chung qui, tôi tin rằng sự thất bại của tâm thần học Mỹ trong việc giải quyết vấn đề tâm linh tự nó là một triệu chứng bị xác định chắc quá, bắt rễ từ vô số áp lực lịch sử và từ rất nhiều yếu tố khác nữa.
——————————–
(22) self-actualized people
(23) co-actualized people

+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Website Hội Thánh Công Giáo MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
"Hãy sám hối", "Hãy cầu nguyện cho các kẻ có tội được trở lại", Đức Mẹ Lộ Đức
Mỗi ngày hãy đọc ít nhất: 1 Kinh Lạy Cha + 3 Kinh Kính Mừng + 1 Kinh Sáng Danh.
Cầu cho các linh hồn mồ côi và xin Chúa giúp chúng ta tránh xa tội lỗi.
Related Posts with Thumbnails

Tìm kiếm trên website MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Loading

Danh sách bài đã đăng